đời nghèo khổ hàng ngày của họ”.
Sự vươn tới một thế giới tinh thần “tuyệt diệu, tuyệt mỹ” – đó là mục đích của Thạch Lam khi ông miêu tả con người. Đó là một thế giới tinh thần mà con người hướng tới để hoàn thiện mình, hướng tới một xã hội “có nhiều công bằng và thương yêu hơn” (Theo giòng).
Có thể nói, thế giới nhân vật của Thạch Lam mặc dù vẫn còn những cảnh đời những thân phận khổ đau, bất hạnh, nhưng không hề có bóng dáng của những con người đầy dục vọng xấu xa. “Ta thấy một điều rõ ràng là trong khi miêu tả một thế giới tinh thần của con người, Thạch Lam chỉ quan tâm miêu tả những phần đẹp đẽ, trong sáng và lành mạnh, còn những phần vô thức, bản năng, những cảm giác nhục dục, những miền mờ tối
…ông không quan tâm thể hiện. Đó là nét đặc trưng trong bút pháp miêu tả của Thạch Lam, khi ông miêu tả con người” [17;127]. Phải chăng chính những đặc trưng này đã làm nên văn phong của Thạch Lam: nhẹ nhàng tinh tế, đậm chất thơ, chất trữ tình, có sức gợi lớn.
Tóm lại, truyện của Thạch Lam rất đặc sắc gợi nhiều ấn tượng và dư vị trong lòng người đọc. Cốt truyện đơn giản, không có các mâu thuẫn, xung đột gay gắt, truyện chủ yếu đi sâu vào những biến cố tâm lý, các tình huống gợi cảm xúc: tình huống tự ý thức, tình huống bất hạnh…Về kiểu kết cấu, tác giả đã dựa vào quá trình vận động bên trong tâm hồn, diễn biến tâm trạng nhân vật để tổ chức tác phẩm. Thế giới nhân vật của Thạch Lam thiên về đời sống nội tâm. Nhà văn đi vào những cảm giác nhỏ bé, mong manh, những biến thái tinh vi trong tâm hồn con người trước ngoại cảnh. Nhân vật của Thạch Tham dẫu chịu cảnh ngộ nghèo khó, số phận éo le nhưng vẫn giàu niềm vui sống, luôn hướng về những gì tốt đẹp và khao khát vươn tới một thế giới tinh thần tuyệt diệu. Đó là biểu hiện của chất thơ, chất trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam.
CHƯƠNG 3:
YẾU TỐ TRỮ TÌNH NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN.
3.1. Không gian nghệ thuật trong văn xuôi Thạch Lam.
3.1.1. Khái lược không gian nghệ thuật.
Không gian trong văn họclà hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Nếu mỗi tác phẩm văn học là một thế giới ý nghĩa thì không gian nghệ thuật là trường nhìn mở ra một điểm nhìn, cách nhìn. Không gian nghệ thuật không những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy những quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật. Vì vậy không thể tách hình tượng ra khỏi không gian mà nó tồn tại. Ngoài ra xem xét không gian nghệ thuật phải hiểu được mối quan hệ khăng khít của nó với thời gian nghệ thuật, và điều quan trọng phải hiểu nó như một quan niêm về thế giới và con người như một phương thức chiếm lĩnh hiện thực, một hình thức thể hiện ý thức thẩm mỹ từ đó lý giải khả năng chiếm lĩnh đời sống của tác phẩm nghệ thuật. Không gian trong tác phẩm văn xuôi và không gian trong thơ là những đại luợng rất khác nhau về tính chất.
Có thể bạn quan tâm!
- Kết Cấu Tâm Lý – Mô Hình Tiêu Biểu Của Văn Xuôi Thạch Lam.
- Nhân Vật Của Thạch Lam Thiên Về Đời Sống Nội Tâm .
- Nhân Vật Của Thạch Lam Giàu Niềm Vui Sống, Luôn Hướng Về Cái Tốt Đẹp.
- Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam - 11
- Thời Gian Nghệ Thuật Trong Văn Xuôi Thạch Lam.
- Ngôn Ngữ, Giọng Điệu Trong Văn Xuôi Thạch Lam.
Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.
Không gian trong tác phẩm văn xuôi là môi trường hoạt động của nhân vật (nó khá gần gũi, chân thực với không gian bên ngoài). Không gian ấy có khi được biểu hiện bằng không gian mang tính ước lệ tượng trưng: đó là một thế giới thần tiên kỳ ảo Ôlimpơ, nơi ngự trị của các vị thần trong các truyền thuyết của Hy Lạp hay ở Tây Trúc, chốn thiên đình, thượng giới, cõi âm phủ …. như trong Tây du kí của Ngô Thừa Ân- Trung Quốc.
Không gian trong văn xuôi có ý nghĩa như một bối cảnh, điều kiện để diễn tả, tô đậm tính cách phẩm chất và hành động của nhân vật; tham gia
vào kết cấu tác phẩm. Không gian truyện có khi là một địa danh, một vùng đất nào đấy rất quen thuộc với mọi người. Có khi nó rất rộng lớn, vượt ra khỏi lãnh thổ biên giới của một quốc gia, dân tộc như không gian chiến trường diễn ra các trận chiến ác liệt mà ta thấy trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, trong tác phẩm Chiến Tranh và hoà bình của Léptônxtoi, hay Nơi đây bình minh yên tĩnh của Vasilep. Đọc Nơi đây bình minh yên tĩnh, chúng ta bắt gặp không gian những cánh rừng, đầm lầy, vách núi, đêm tối, bình minh. Trong cái yên tĩnh thơ mộng của cánh rừng là một cuộc đấu trí, rượt đuổi, chiến đấu giữa một tiểu đội trinh sát Xô Viết với bọn biệt kích Đức. Không gian trong truyện ngắn Chí Phèo được Nam Cao tả rất cụ thể: đó là cái làng Vũ Đại như lời của một ông thầy địa lý: nó có thế “quần ngư tranh thực” - đàn cá tranh mồi; đó là không gian Chí ra đời ở chiếc lò gạch bỏ hoang; không gian Chí Phèo tồn tại là các gia đình người lao động nghèo khó mà Chí đi ở, là nhà Bá Kiến khi Chí làm canh điền; không gian bờ đê, vườn chuối ven sông, nơi Chí Phèo và Thị Nở gặp gỡ, ăn nằm với nhau ….Không gian trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố được bó hẹp ở cái làng Đông Xá ngột ngạt, đen tối bởi cảnh thúc thuế, bắt bớ, đánh đập, siết nợ của bọn lý trưởng, cai lệ đối với những người dân nghèo như gia đình anh Dậu. Có thể nói không gian văn xuôi là không gian rất gần với hiện thực đời sống, phản ánh hiện thực khách quan, là bối cảnh, môi trường để nhân vật trong tác phẩm hoạt động, bộc lộ phẩm chất, tính cách.
Đối với văn xuôi, không gian trong thần thoại, sử thi, trong cổ tích hay trong tiểu thuyết hiện thực, tiểu thuyết lãng mạn … cũng có sự khác nhau. Trong nhiều tác phẩm văn xuôi, ta vẫn bắt gặp không gian lãng mạn, thơ mộng, giàu hình ảnh và màu sắc, âm thanh góp phần gợi tả tâm hồn và cảm xúc nhân vật.
Có thể nói, không gian nghệ thuật nói chung, không gian trong văn
xuôi nói riêng góp phần khắc hoạ, soi chiếu nhân vật. Nhân vật sẽ không thể tồn tại, các tình huống sự kiện của truyện sẽ không thể xuất hiện, phát triển khi tách khỏi không gian nghệ thuật.
Không gian trong thơ là không gian trữ tình, không gian tâm trạng.
Không gian ấy có khi là không gian thực của đời sống, có khi là không gian tâm tưởng, nó chịu sự chi phối của tâm trạng, cảm xúc.
Trước hết không gian trong thơ, nó chịu sự khúc xạ của thế giới tinh thần:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời tâm lý chói qua tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Hay:
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi Trong vườn thơm mãi của hồn tôi.
Trong không gian này có sự vật, có cách biểu hiện riêng và tổ chức theo một ý nghĩa riêng:
Vườn cười bằng lá, hót bằng chim…
Hay:
“Bốn bề sóng nhạc ánh pha lê Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề Sương bạc làm thinh, khuya nín thở Nghe sầu âm nhạc tới sao khuê”
Đọc câu ca dao :
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Hình ảnh ngõ sau, quê mẹ chứa đựng tâm trạng buồn nhớ, gợi lên những kí ức kỉ niệm của tuổi thơ ngọt ngào bên mẹ, nó gợi lên sự cô đơn trống
vắng của người con gái lấy chồng xa.
Còn đọc câu ca dao:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Không gian “đầu đình” chỉ mang tính ước lệ - không gian của gặp gỡ hò hẹn, nó mở ra khung cảnh thơ mộng lãng mạn của tình yêu.
Những câu thơ của Nguyễn Bính, Thôn Đoài, Thôn Đông không còn là một địa danh, một không gian xã hội mà có tính ước lệ, trở thành đối tượng bộc lộ cảm xúc, là nhân vật trữ tình:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chin nhớ mười mong một người.
Không gian trong bài thơ Mưa xuân của Nguyễn Bính nhuốm cảm xúc chủ quan của nhân vật trữ tình. Trong tâm trạng háo hức đi xem hội, để được gặp gỡ hẹn hò người yêu thì với cô gái quãng đường từ nhà đến nơi hội chèo chẳng có gì đáng kể:
…………………………..
Em xin phép mẹ vội vàng đi Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe Mưa bụi nên em không ướt áo Thôn Đoài cách có một thôi đê.
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang, cô gái thất vọng trở về. Không gian lúc này đầy khó khăn cách trở như duyên phận lỡ làng của người con gái. Mưa xuân chẳng còn phơi phới bay, chẳng còn là mưa bụi nữa, mưa bỗng nặng hạt theo bước chân lầm lụi của cô gái. Con đường bây giờ sao quá dài, quá gian nan:
Mình em lầm lụi trên đường về Có ngắn gì đâu một dải đê
Aó mỏng che đầu mưa nặng hạt Một mình thêm tủi với canh khuya
Không gian trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu lại rất mơ hồ, huyền hoặc:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền
Có thể nói, không gian trong thơ là không gian trữ tình, không gian tâm trạng. Nó không chỉ là yếu tố biểu thị cảm xúc của nhân vật mà còn là mối rung cảm của chủ thể trước con người và tạo vật.
3.1.2. Không gian nghệ thuật trong văn xuôi Thạch Lam.
Không gian trong truyện của Thạch Lam vừa là không gian của văn xuôi vừa là không gian thơ, nó hoà điệu với cảm xúc tâm trạng nhân vật. Nó đậm chất thơ, chất trữ tình. Bởi truyện của Thạch Lam dường như không có cốt truyện; kết cấu truyện là kết cấu tâm trạng. Nhà văn chủ yếu đi vào miêu tả những rung động rất nhỏ và tinh tế trong tâm hồn con người. Mỗi truyện của ông giống như một bài thơ trữ tình đượm buồn. Thạch Lam là nhà văn vừa hiện thực, vừa lãng mạn. Truyện của ông phản ánh hiện thực của đời sống nhưng cách thể hiện rất thơ, rất trữ tình. Trong sáng tác của Thạch Lam dù là không gian xã hội hay không gian thiên nhiên cũng đều nhuốm tâm trạng, khơi gợi cảm xúc và ám gợi người đọc.
3.1.2.1. Không gian thiên nhiên.
Thiên nhiên giữ một vị trí rất quan trong trong tiểu thuyết lãng mạn cũng như truyện ngắn trữ tình. Thiên nhiên đã góp phần rất quan trọng để tạo nên chất thơ cho những trang viết của Thạch Lam. Không gian thiên nhiên trong truyện của Thạch Lam chủ yếu là không gian thiên nhiên nông thôn, là bóng tối, ánh sáng ….
“Cái đẹp trong truyện ngắn Thạch Lam còn là cái đẹp trinh nguyên của thiên nhiên, của “bầu không khí” bao quanh nhân vật – cái bầu không khí đặc biệt mà thiếu nó con người có nguy cơ trở nên nhạt nhẽo vô vị. Ta có thể nhắm mắt mà hình dung theo cảm giác của Thạch Lam tới những vẻ đẹp tự nhiên, gần gũi xung quanh. Không có gì to tát nhưng đằm sâu sự hài hoà tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên – đó là dưỡng khí tinh thần của con người” [17;174]. Dù Tâm có “phản bội” lại quá khứ, bạc bẽo với quê hương nhưng không thể phủ nhận: khi anh trở về với không gian xưa, với thiên nhiên quê mẹ là được sống trong niềm hạnh phúc, sự chở che yêu thương, tâm hồn được nâng đỡ. Đó là “một cảm giác mát lành bỗng trùm lên hai vai. Tâm ngẩng đầu lên nhìn, chàng vừa đi vào trong vòm lá tre xanh trong ngõ” (Trở về). Cái trinh bạch của không gian, tâm trạng ấy như có tác dụng “tẩy rửa” những bụi bặm tỳ vết trong tâm hồn những con người như Tâm vốn sống lâu ở thành thị ồn ào, xô bồ bụi bặm.
Đến với Dưới bóng hoàng lan ta thấy “có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây” khiến ta vương phải. Câu chuyện kể về ngày Thanh về quê thăm bà sau bao năm xa cách. Cũng như bao lần, nay Thanh lại trở về ngôi nhà cũ với mảnh vườn xưa mà sao chàng thấy hồi hộp quá, mến thương và cảm động quá. Đối với Thanh, chốn quê là cả một không gian cổ tích: một con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, bức tường xanh rêu, bể nước trong giữa mảnh trời xanh tan tác.. và hoàng lan. Hình ảnh của thiên nhiên trong tác phẩm tập trung trong hình ảnh cây hoàng lan với mùi lá tuơi non, lá cây rung động dưói làn gió nhẹ, thân cây vút cao, hoa hoàng lan còn xanh mà hương hoàng lan thơm ngát... Thiên nhiên, quê hương, chốn yên bình trong trẻo - dẫn hồn người trở về với cái ban sơ, thơm lành và mát dịu.
Văn Giá khi viết về văn chương Thạch Lam đã viết: Đọc văn Thạch Lam, thấy thơm tho cả tâm hồn. Hồn văn Thạch Lam là một thứ hương
thơm dìu dịu như bao bọc, ủ ướp tâm tình bạn đọc. Lời văn của Thạch Lam ấp ủ rất nhiều hương vị, hương thơm của nước non cẩm tú. Những mùi quen thuộc của đồng nội quê hương như: mùi của đồng ruộng, mùi của phiên chợ đã tàn, mùi của cát bụi, mùi riêng của đất.. cứ trở đi trở lại trong những truyện ngắn của ông. Hình ảnh của chốn quê hương được gợi lên từ những câu văn tả mùi vị rất tinh tế như thế này:
“Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tuởng là mùi riêng của đất, của quê hương này” (Hai đứa trẻ).
“Ngõ tối hơn, đất mấp mô vì trâu bước, nhưng cô thuộc đường lối lắm. Chân cô đi giẫm lên lá tre khô và tai nghe tiếng xao xác đã quen, mùi bèo ở dưói ao với mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt” (Cô hàng xén).
“Chợ đã vãn, những người gồng gánh sắp ra về, trên mặt đất đầy những rác bẩn, những vỏ dưa, những lá gói. Một cái mùi âm ẩm bốc lên, cái mùi đặc biệt, hình như lẫn mùi đất, mùi ẩm và mùi rác đốt” (Trở về).
“Phải nói rằng, khi viết về những mùi muôn vẻ kia, ngòi bút Thạch Lam đã thăng hoa để có những câu văn đứng vào hàng tuyệt bút” (Văn Giá).
Không chỉ tạo nên không gian lãng mạn, cây hoàng lan còn tham gia vào câu chuyện như là một nhân vật. Nhân vật cỏ hoa ấy đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành và mát dịu [59;55]. Thiên nhiên của chốn quê thanh bình với hình ảnh con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, bể nước trong in cả mảnh trời xanh tan tác…đã trở thành điểm đến của những con người vốn gặp nhiều va vấp, thất bại trong cuộc đời. Nhân vật của Thạch Lam trở về chốn quê ấy, họ tìm đến với thiên nhiên như một sự thanh lọc tâm hồn. Vì thế, thiên nhiên như nhân vật cỏ hoa kia “đã giúp thêm cho tác giả định nghĩa về danh từ quê hương, nó là một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng về nghỉ sau những ngày làm việc. Bóng hoàng lan