Dịch Kinh Phật - Một Loại Hình Dịch Văn Học Đặc Biệt


tiểu thuyết hay xã luận đăng báo đều chứa đựng nội dung giáo dục Phật giáo. Hơn nữa, những nhà văn, nhà thơ được liệt kê trên cho thấy số lượng tác giả tham gia viết bài cũng khá đông. Nhìn chung, họ là những người có tâm huyết với đạo pháp và dân tộc.

3.2. DỊCH KINH PHẬT - MỘT LOẠI HÌNH DỊCH VĂN HỌC ĐẶC BIỆT


Kinh Phật có thể xếp vào loại sách tôn giáo, triết học, nhưng nhìn từ phương diện khác thì đó cũng là các tác phẩm văn học, vì rất nhiều bộ kinh, trang kinh được viết với tư duy hình tượng phong phú như những tác phẩm văn xuôi nghệ thuật, ngôn từ trau chuốt, có tính mỹ văn rất cao. Vì vậy dịch kinh Phật không phải là công việc khoa học đơn thuần mà có thể coi như dịch văn học - một loại hình văn học đặc biệt: văn học Phật giáo.

Kho tàng văn học Phật giáo được hình thành từ nguồn Tam tạng kinh điển Phật giáo (Kinh, Luật, Luận). Hệ thống Tam tạng kinh điển này thật phong phú, được hình thành từ nhiều bài pháp thoại do đức Phật lúc còn tại thế đã thuyết giảng ở các nơi cho mọi tầng lớp, mọi đối tượng từ vua quan đến dân chúng. Điểm minh chứng xác thực nhất cho biết đó là những lời Phật nói ra được thể hiện bằng câu

如 是 我 聞 (Như thị ngã văn - Tôi nghe như vầy), ý muốn chỉ ra rằng kinh điển

Phật giáo là do chư Thánh đệ tử đã trực tiếp lắng nghe từ đức Phật và sau này được tụng đọc lại trong các kỳ kết tập:

“Có thể nói, trải qua 4 kỳ kết tập kinh điển, tình hình văn bản kinh điển Phật giáo được y cứ từ hệ thống Tam tạng kinh điển đã được định hình và phát triển ít nhất trong khoảng thời gian 3 thế kỷ đầu ở Ấn Độ, từ thời Phật tại thế đến thời Asoka (A Dục), sau đó lan tỏa phát triển tại Tích Lan và các nước trong khu vực với những đặc trưng riêng biệt của các thành tố văn học Phật giáo như ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt là thể loại” [29].

Ngày nay, chúng ta thấy Phật giáo được xem là một tôn giáo có hệ thống Tam tạng kinh điển vĩ đại hơn cả so với các tôn giáo khác. Từ đây, văn học Phật giáo có thể hiểu theo hai phương diện: một là các tác phẩm chuyên về Phật học

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.


(kinh điển), là loại văn học Phật giáo thuần túy; hai là những áng văn chương chịu ảnh hưởng Phật giáo.

Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 18

Trong giáo lý Phật giáo, kinh điển chiếm số lượng rất nhiều và khá đa dạng. Có những bản kinh viết theo dạng Ứng tụng, tức là ghi lại lời đức Phật dạy theo thể tản văn; viết theo lối Kệ tụng, là ghi lại lời đức Phật theo thể thơ kệ; hay viết theo thể loại Giải thuyết, là ghi chép lại những điều luận giải về chính pháp của đức Phật v.v.. Báo chí Phật giáo trước 1945 đã nắm bắt được tình hình thực tế của tín đồ đa phần chưa hiểu nhiều về chính pháp, nên hầu như đều truyền bá những kinh điển đã được dịch sang chữ Quốc ngữ với nhiều thể loại khác nhau.

Dịch thuật đóng vai trò rất quan trọng trong nền văn hóa của một nước. Qua phiên dịch, ta nhận ra những đặc điểm cơ bản của một nền văn hóa trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử của một nền văn hóa, vai trò của phiên dịch không giống nhau.

Dịch thuật ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu TK.XX có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Trong ba mươi năm đầu TK.XX, việc phiên dịch ở Việt Nam phản ánh đặc điểm chung của nhiều nền văn hóa phương Đông trong buổi đầu tiếp xúc với phương Tây qua việc chuyển tải những yếu tố ngoại sinh, góp phần tạo nên bước chuyển biến về chất, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa.

Tính đặc thù của việc phiên dịch văn học trong giai đoạn này ở Việt Nam là sự chuyển đổi dần vai trò chủ đạo của văn tự từ hệ chữ viết khối vuông (Hán, Nôm) sang hệ mẫu tự Latin (từ đây gọi là chữ Quốc ngữ) trong đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam. Trong xã hội Việt Nam những năm đầu TK.XX, chữ Quốc ngữ không chỉ là phương tiện để chuyển tải những yếu tố văn hóa ngoại sinh - yêu cầu tất yếu đối với quá trình hiện đại hóa văn hóa - mà còn là nhịp cầu kết nối với văn hóa truyền thống, góp phần khơi dậy những yếu tố nội sinh làm nền tảng cho quá trình hiện đại hóa. Do vậy, việc dịch thuật văn học gắn với yêu cầu xã hội hóa chữ Quốc ngữ giờ đây còn đáp ứng nhu cầu đọc hiểu của công chúng, để theo kịp đà tiến hóa văn minh.


Để phổ biến chữ Quốc ngữ và đáp ứng nhu cầu của công chúng, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu TK.XX, các nhà văn, các học giả đã tập trung dịch các loại sách có từ truyền thống như: kinh sách Hán văn, các truyện Nôm Việt Nam, các loại truyện thơ khuyết danh, và sau đó là phong trào dịch tác phẩm văn học cổ điển của Trung Quốc (phần lớn là tiểu thuyết chương hồi). Tình hình này phổ biến trên cả nước, trên các tờ báo và sách in. Bên cạnh đó, văn học phương Tây (chủ yếu là văn học Pháp) được dịch và giới thiệu là những tác phẩm, tác giả trước thế kỷ XIX, thuộc trào lưu cổ điển, trào lưu hiện thực và trào lưu lãng mạn.

Những điều trên cho thấy, trong chặng đầu của tiến trình hiện đại hóa văn học, cũng như mọi Quốc gia khác, nước ta đã trải qua các hoạt động như: dịch thuật, thể nghiệm các thể loại mới, xác lập quan niệm văn học, hình thành thị hiếu thẩm mỹ mới, lực lượng nhà văn mới và công chúng mới… Nhưng Việt Nam vẫn có một số nét riêng: hoàn thiện chữ viết (chữ Quốc ngữ) và nhiệm vụ giành độc lập dân tộc.

Trước tình hình đó, phong trào Chấn hưng Phật giáo trong những năm đầu TK.XX cũng rất quan tâm đến việc chuyển dịch kinh Phật. Vì kinh điển Phật giáo nước ta lúc bấy giờ đa phần là chữ Hán, rất trở ngại cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn cận hiện đại; cho nên việc chuyển dịch kinh Phật qua tiếng Việt là điều rất trọng yếu, mà những ai có tâm huyết hoằng dương chính pháp tại Việt Nam cần phải quan tâm hàng đầu.

Nguyễn Trọng Thuật đã cho thấy tầm quan trọng của kinh sách Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ đối với Phật giáo và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ như sau: “Sự nhu cầu kinh sách bằng Quốc văn của quốc dân hiện nay thật không khác chi đói mong ăn, khát mong uống, ốm mong thuốc, tối mong đèn, vì từ khi Hán học giảm dần, tinh thần đạo đức, nghĩa lý tinh vi ẩn mật, nhân tâm biến đổi, thế đạo suy vi, cương thường rối loạn, tà thuyết thịnh hành, Phật giáo cũng vì đó mà ảnh hưởng một phần rất lớn, đã thành ra cái đạo có sắc không hồn, số tín đồ tuy đông mà rất ít người hiểu…” [F, số 113, tr.27].

Ý thức được điều này, nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà tu hành đã để tâm rất nhiều và họ trực tiếp tham gia chuyển dịch nhiều bản kinh có giá trị của Phật


giáo như kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Địa Tạng, Kim Cang Bát Nhã v.v.. từ chữ Hán sang ngôn ngữ Việt, để Phật giáo Việt Nam có những bản kinh bằng tiếng Việt, giúp giới học Phật có thể đọc hiểu một cách dễ dàng những lời Phật dạy mà ứng dụng tu tập. Cũng từ đó mà văn học Phật giáo Việt Nam lại càng nở rộ hơn bao giờ hết với các tác phẩm phiên dịch kinh điển từ chữ Hán sang tiếng Việt và những sáng tác văn thơ bằng Quốc ngữ của nhiều vị tăng, ni và văn thi sĩ Phật tử chịu ảnh hưởng tinh thần Phật giáo.

Quá trình dịch thuật này đã góp phần to lớn trong việc hiện đại hóa chữ Quốc ngữ, đem đến cho dân tộc Việt Nam những tác phẩm văn học có ý nghĩa. Hơn nữa, nội dung của các bản kinh và thơ văn Phật giáo được dịch thuật ấy bước đầu là giáo dục đạo đức, khuyên dạy con người hướng thiện, chu toàn trách nhiệm với gia đình, xã hội; sau đó chú trọng đến việc dẫn dắt tâm linh hướng về con đường giải thoát chân chính của Phật giáo. Chính vì thế, nên xem việc dịch kinh Phật là một loại hình dịch văn học đặc biệt. Những bản dịch ấy đều được các tạp chí Phật giáo đương thời ưu tiên đăng tải nhiều kỳ trên các trang báo, ngõ hầu phổ biến rộng rãi khắp trong quần chúng, giúp cho các tín đồ có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu.

Bồ đề tạp chí, ngay những số đầu tiên đã đăng bài kinh Bát Đại Nhân Giác

do P.C dịch sang chữ Quốc ngữ.


Nguyên nhân Phật nói kinh này là do tôn giả A Na Luật hỏi Đức Phật về vấn đề những Phật tử tại gia học đạo, họ làm thế nào để cầu được giác ngộ, chứng nhập Niết bàn. Đức Phật trả lời vấn đề đó là phải học hạnh Đại nhân (Bồ tát). Qua đó, Đức Phật đã vì tôn giả A Na Luật mà nói tám điều của bậc Đại nhân (kinh Bát Đại Nhân Giác).

Bài kinh này do ngài An Thế Cao, người nước An Tức (nước Ba Tư hiện nay) sang Trung Hoa vào đời Hậu Hán ở kinh đô Lạc Dương trích dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán. Nhân thấy được toàn bộ giáo lý của Phật dạy đều nhằm đánh thức con người sớm được giác ngộ, mê lầm là cội nguồn đau khổ, chỉ có giác ngộ mới cứu được mọi khổ đau của chúng sinh và với tâm nguyện muốn cứu khổ chúng sinh, ngài An Thế Cao đã trích dịch tám điều giác ngộ của chư Phật, Bồ tát và các bậc Đại nhân mà biên thành quyển kinh Bát Đại Nhân Giác.


Kinh Bát Đại Nhân Giác với nội dung ngắn gọn, chỉ rõ cuộc sống vô thường, thay đổi liên tục, nhằm nhắc nhở con người không nên đắm nhiễm vào những vật chất tạm bợ. Chỉ có con đường tu tập, đoạn trừ mọi luyến ái, tham chấp thì con người mới có cuộc sống an lạc. Ngày nay, các chùa ở Nam bộ, hầu như hằng ngày đều đọc tụng bản kinh Bát Đại Nhân Giác này. Có chùa đọc vào buổi sáng sớm, có chùa đọc sau khi điểm tâm sáng.

Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, là bộ kinh có giá trị sâu sắc về tinh thần hiếu đạo, đã được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Tiếng chuông sớm.

Nhân duyên trong một lần ngài A Nan vào thành Vương Xá khất thực, thấy một người dòng Bà la môn 4 gặp lúc gia cảnh nghèo nên cũng phải dắt mẹ già đi xin ăn. Khi được thức ăn ngon thì Bà la môn dâng mẹ, còn những thức ăn dở để mình dùng. Ngài A Nan bèn lên tiếng khen ngợi người này. Lúc đó cũng có Phạm Chí, là đồ đệ của bọn Lục Sư ngoại đạo 5 , vốn từ lâu đã thấy Phật và Tăng chúng được nhiều người kính trọng nên sanh lòng ganh ghét và nhân lúc nghe ngài A Nan khen Bà la môn ấy, Phạm Chí bèn lên tiếng phỉ báng. Ông chỉ trích ngài A Nan rằng thầy của Ngài - Cồ Đàm là người bạc phúc, vừa sinh ra đã mất mẹ, lớn lên vượt thành xuất gia làm cho vua cha phải khổ não, gào khóc thảm thương; lại còn bỏ vợ con, làm cho vợ phải khổ. Cồ Đàm vừa là người bất hiếu, bất nghĩa, bội bạc, vậy mà cũng tự cho là có công đức. Ngài A Nan không trả lời được, rất hổ thẹn, nên khất thực xong, Ngài liền trở về bạch hỏi Đức Phật mọi chuyện.

Để khiến các ngoại đạo xóa bỏ đi quan niệm phê phán việc xuất gia đi tu của Đức Phật Thích Ca là: “Bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với vợ, là bội bạc, chẳng biết ân nghĩa”, đồng thời để cho các đệ tử hiểu rõ nguyên do tu hành, sự báo ơn và công năng tu tập cho được thành tựu quả vị Bồ đề, Đức Phật đã nói kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân. Nội dung kinh kể về những việc tu hạnh nhẫn nhục, thí xả thân mạng của Đức Phật để đền ơn cha mẹ và ơn chúng sinh.


4 Bà la môn: Là danh từ chỉ một đẳng cấp, một hạng người tại Ấn Độ ngày xưa. Thuộc về đẳng cấp Bà la môn là các tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lãnh đạo tôn giáo. Dân chúng Ấn Độ rất tôn trọng đẳng cấp này.

5 Lục Sư ngoại đạo: Sáu vị luận sư lớn chủ trương lý thuyết trái với Phật pháp ở miền Trung Ấn Độ vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni.


Tạp chí Tam bảo đã đăng bộ kinh Địa Tạng do HT. Bích Liên dịch qua nhiều số. Kinh này do Đức Phật Thích Ca diễn nói tại cung trời Đao Lợi 6 , nơi mà Thánh Ma Gia, thân mẫu của Đức Phật đã thác sanh về đây sau khi hạ sanh Đức Phật được 7 ngày. Trước khi nhập Niết Bàn, vì cảm ơn đức sinh thành, Đức Phật đã diễn nói kinh Địa Tạng tại Pháp hội ở cung trời này. Như vậy, kinh Địa Tạng ra đời trước tiên là do lòng hiếu thảo của Đức Phật đối với bậc sinh thành, Ngài đã nghĩ tưởng đến mẹ khi biết rằng mình sẽ không còn sống ở đời bao lâu nữa nên đã lập Pháp hội tại cung trời Đao Lợi để độ thoát cho thân mẫu.

Nội dung chính yếu của kinh Địa Tạng là xoay quanh chữ Hiếu, nói lên những bổn phận, nghĩa vụ của người còn sống đối với người đã chết, cũng như nêu rõ những tội phúc quả báo ở kiếp sống sau khi chết. Người Phật tử nương theo kinh này cùng dựa vào oai lực độ trì, gia hộ của Bồ tát Địa Tạng mà tu tập, hầu độ thoát cho chính mình, cho người thân cũng như tất cả chúng sinh đã quá vãng khỏi rơi vào con đường ác.

Hiện nay, các tín đồ Phật giáo Việt Nam khắp mọi miền, mỗi khi trong gia đình có người thân qua đời, đều đến nhờ nhà chùa tụng kinh Địa Tạng để cầu siêu độ cho vong hồn được sớm siêu thoát về cõi an vui. Đặc biệt, các chùa từ Bắc vào Nam, hầu như nơi nào cũng đều đọc tụng kinh này vào tháng 7 âm lịch hằng năm, nhằm mục đích cầu siêu cho các vong hồn chưa được siêu thoát.

Tạp chí Từ bi âm số 27 thì đăng bộ kinh Kim Cang Bát Nhã do Trí Độ dịch ra quốc ngữ và diễn nghĩa rất rõ ràng.

Kinh Kim Cang Bát Nhã là quyển thứ 577 trong sáu trăm quyển của bộ Ðại Bát Nhã, do Phật thuyết nơi vườn Cấp Cô Độc. Phật nói trọn bộ Ðại Bát Nhã, tính tổng cộng trong 22 năm.

Kinh Kim Cang Bát Nhã hay còn gọi là Kim Cang Bát Nhã Ba la mật đa là kinh nói về “Trí tuệ Phật” (Bát nhã), loại Trí tuệ đã rốt ráo viên mãn (Ba la mật). Trí tuệ này có công năng đưa hành giả từ bến mê muội khổ đau của chúng sinh, sang bờ giác ngộ giải thoát của chư Phật (đáo bỉ ngạn).


6 Trời Đao Lợi: Từ điển Phật học Huệ Quang (tập II, tr.1391) ghi: Trời Đao-lợi (S.Trayastrimsa, P.Tavatimsa, Hán. Đao lợi thiên, Tam thập tam thiên), là tầng trời thứ 2 trong 6 tầng trời ở cõi Dục.


Trí tuệ Phật (Bát nhã) rất quý báu (như ngọc kim cương), vừa cứng rắn và sắc bén (như thép), có thể phá tiêu núi vô minh vọng chấp (ngã, pháp hay bốn tướng) và đốn tận gốc rừng phiền não nghiệp chướng, từ vô lượng kiếp đến nay mà không bị hư tổn; cũng như ngọc kim cương hay chất thép, có thể đục chẻ các loại rất cứng, như sắt, đá v.v.. mà không bị hư hoại.

Kinh Kim Cang Bát Nhã, mở đầu mà cũng là trọng tâm của kinh bằng hai câu hỏi của ông Tu Bồ Đề:

“Vân hà ưng trụ?

Vân hà hàng phục kỳ tâm?” Nghĩa là:

“Làm sao an trụ tâm, làm sao hàng phục tâm?”.


Toàn bộ kinh Kim Cang Bát Nhã, Phật chỉ giải đáp hai câu hỏi trên, tóm tắt lại chỉ trong một câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Nghĩa là: “Đừng sinh vọng tâm bám víu, chấp vào một nơi nào”. Đây là câu “tinh hoa” của bộ kinh Kim Cang Bát Nhã, mà ngày xưa đức Lục tổ Huệ Năng nhờ đó đã được tỏ ngộ và Trần Thái Tông cũng ngộ nhờ câu kinh này.

Đuốc tuệ số 123, ra ngày 01.01.1940 đã đăng bộ Bát Nhã tâm kinh trực giải và liên tục triển khai cho đến số 130 mới kết thúc. Đồng thời, Viên âm số 1 - 1934 và liên tục đến số 5, cũng đã triển khai Tâm kinh giảng nghĩa, giải thích đầy đủ ý nghĩa của Tâm kinh.

Theo Phật giáo, Bát Nhã Ba la mật đa tâm kinh còn được gọi là Bát Nhã tâm kinh, hay Tâm kinh. Đây là bài kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ, là kinh tinh yếu được rút ra từ bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.

Nội dung kinh này nói về “tánh không” của các pháp. Người học Bát nhã là phải phá chấp, phá sạch tất cả pháp, không cho tâm bám víu bất kỳ nơi nào để không còn duyên sinh khởi. Vì có chỗ cho tâm sanh là có chỗ cho tâm diệt, còn sanh tử là còn khổ đau.


Tâm kinh mang ý nghĩa bổ khuyết cho các kinh, nên được đọc tụng nhiều nhất. Đây là bài kinh chủ điểm trong các thời khóa tụng niệm, các nghi lễ của Phật giáo. Từ nghi thức cầu an, cầu siêu, sám hối cho đến các khóa lễ lớn nhỏ đều đọc bài Tâm kinh này khi gần kết thúc khóa tụng niệm. Triết lý “không” chính là cốt tủy của Tâm kinh. Cho nên, người học Phật thường đọc tụng bài kinh này khi gần kết thúc thời kinh với ý nghĩa là chỗ nào kinh thiếu nghĩa lý, chỗ nào tụng sai thì Tâm kinh bổ khuyết vào cho đầy đủ, nhưng tất cả đều là “không”. Nếu ai muốn hiểu hay muốn thực hành phương pháp tu trì của Phật giáo Đại thừa, thì không thể nào không đọc hiểu nghĩa lý của Tâm kinh.

Tạp chí Duy tâm Phật học, ngay số đầu tiên xuất bản năm 1935 đã giới thiệu bản dịch Đại ý kinh Diệu Pháp Liên Hoa và cho đăng liên tục đến số 43 năm 1941 mới hoàn thành. Trong đó, tác giả giải thích rõ ý nghĩa từng phẩm, dịch văn âm Hán Việt và cả phần dịch sang chữ Quốc ngữ.

Theo Duy tâm Phật học số 1 cho biết: “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa chính là Phật thuyết về thời kỳ thứ năm. Trong hội Pháp hoa, đức Như Lai thấy căn cơ của môn đệ đã thuần thục, tin chắc chắn tự tâm, Ngài bèn thọ ký cho mỗi vị sau này sẽ thành Phật. Phật thường nói: Biết tất cả các pháp từ nơi tâm thì thành tựu đặng huệ thân, chớ chẳng phải ngộ ở đâu khác nữa”.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa hay còn gọi là kinh Pháp Hoa, là bộ kinh Đại thừa gồm bảy quyển, tổng cộng là hai mươi tám phẩm, suốt hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ tát.

Nội dung kinh Pháp Hoa cho ta thấy không phương tiện độ sanh nào mà không có, không cửa pháp môn giải thoát rốt ráo nào mà không mở, không cảnh giới Phật nào mầu nhiệm, thiện duyên, thâm mật với chúng sinh cõi Ta bà này mà không ảnh hiện; không hạnh nguyện giáo hóa độ sanh nào của Phật và Bồ tát mà không thể đạt được rốt ráo. Đây là một bộ kinh khế hợp đủ mọi trình độ, căn tính, nghiệp duyên của chúng sinh. Vì thế, kinh Pháp Hoa đã được không biết bao nhà Phật học uyên bác chú thích sớ giải, làm cho kinh Pháp Hoa rạng rỡ từ xưa đến nay và phổ cập khắp nhân gian. Đặc biệt hiện nay được đông đảo tín đồ Phật giáo tụng

Xem tất cả 270 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí