Tổng Quan Về Văn Học Trên Báo Chí Phật Giáo Trước 1945


cái phải biết thương yêu muôn loài, đồng thời nhắc nhở: “Bây đừng phung phí làm đổ cơm nước bậy bạ mà sau phải làm vịt, làm trùng để đi lượm lại những hạt cơm đã đổ tháo”. Họ thường dọa con: “Bây đừng ác với chó mèo mà sau thành chó mèo bị họ đánh đập cho chết”.

Cuối cùng, Võ Văn Cường nhận định: “Sự liên lạc giữa Phật giáo và tâm hồn dân tộc Việt Nam đã chặt chẽ lắm rồi. Chặt chẽ vì nó hợp với thiên lý, vì đã mấy mươi đời, ông cha chúng ta đã di truyền vào trong cốt tủy... Những thuyết luân hồi, nhân quả, bình đẳng, từ bi, chúng ta đã áp dụng vào đời sống một cách tự nhiên, tuy không đến triệt để”.

Nhìn chung, điểm qua một số nét về quá trình truyền bá Phật học mà báo chí Phật giáo giai đoạn trước 1945 đã thể hiện, cho ta thấy rõ tính đại chúng tiêu biểu của Phật giáo giai đoạn này như sau:

- Tính phổ cập: Báo chí Phật giáo đã truyền bá nhiều bài giáo lý phổ thông, mang lợi ích thiết thực cho con người, nên hầu như đều được quần chúng đón nhận và thực hành ngay trong cuộc sống trên các lĩnh vực.

- Tính tuyên truyền: Báo chí Phật giáo đã cổ động, kêu gọi, thức tỉnh được lòng dân xóa bỏ mê tín dị đoan, hướng được tâm thức của người dân sống theo con đường chân chính.

- Tính giáo dục: Báo chí Phật giáo đã tác động, truyền bá những tư tưởng đạo đức nhằm giáo dục nhân cách sống cho muôn dân.

Như vậy cũng đủ cho chúng ta thấy rằng Phật giáo luôn hòa nhập với đời sống nhân dân, được quần chúng nồng nhiệt đón nhận, thực hiện đúng đắn và đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho đời sống nhân sinh.

Có thể mượn lời của Xuân Thanh đã viết trong Viên âm số 6 năm 1935 về đề tài Một nhà chơn chính học Phật là một nhà đại lao động giữa xã hội để kết luận: “Kinh Pháp Hoa có nói: “Trong thế gian, dầu việc ăn làm, khoa ngôn ngữ, chính trị đều là Phật pháp cả”. Như vậy, thì đủ biết Phật pháp không ngoài thế gian mà chính ở trong thế gian vậy”.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.

TIỂU KẾT


Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 17

Nhìn tổng thể ta thấy hầu như báo chí Phật giáo trước 1945 đều chú trọng việc nghiên cứu giáo lý, đồng thời xây dựng chương trình Phật học phổ thông cho quần chúng, gồm các mục kinh điển, lịch sử Phật giáo, Phật học căn bản, Phật học vấn đáp, dịch kinh, luận giải Phật pháp v.v.. Đặc biệt, với mục đích giáo dục quần chúng, báo chí Phật giáo lúc bấy giờ quan tâm nhiều đến việc truyền bá những tư tưởng đạo đức như từ bi, hiếu đạo, lợi tha, nhẫn nhục, tinh tiến v.v.. Chính lối truyền bá Phật học cơ bản, phù hợp với căn cơ, trình độ của quần chúng nhân dân đã tạo cơ hội tốt để đưa Phật giáo đến gần với con người hơn.

Ngoài ra, việc truyền bá Phật học lúc bấy giờ có phần sôi nổi hơn qua những cuộc trao đổi, tranh luận liên hệ đến triết học Phật giáo và nhận thức luận. Những vấn đề được đặt ra như Thượng đế sáng tạo, linh hồn bất tử, Cực lạc, địa ngục và vấn đề tồn tại của ngoại giới, là những vấn đề được chú trọng đến nhiều nhất, thu hút sự quan tâm của giới trí thức Phật giáo và cả dư luận xã hội. Những cuộc tranh luận, thảo luận này đã chứng minh cho quần chúng các giới thấy được triết lý Phật giáo rất phù hợp với khoa học. Đây cũng chính là làn sóng mạnh mẽ lôi cuốn quần chúng tìm hiểu và thực hành theo Phật pháp, góp phần xây dựng đời sống cá nhân, gia đình và xã hội ngày càng an lành, rạng rỡ hơn.

Báo chí Phật giáo trước 1945 còn cho chúng ta thấy sự gắn bó giữa Phật giáo với dân tộc và với đại chúng qua lối truyền bá phổ thông, gần gũi. Những giá trị Phật học lúc bấy giờ vừa mang ý nghĩa giáo dục, vừa hun đúc tinh thần văn hóa dân tộc, yêu quê hương đất nước.

Hơn thế nữa, những bài Phật học căn bản về triết lý đạo đức và cả những bài viết với nội dung tranh luận về Thượng đế, linh hồn, Cực lạc… trên báo chí lúc bấy giờ, nhìn chung đều là những bài văn nghị luận với nghệ thuật diễn tả khá sắc sảo, lối hùng biện đanh thép. Cho nên có thể nói những tác phẩm Phật học vừa mang giá trị Phật học, vừa có giá trị văn học.

Báo chí Phật giáo lúc bấy giờ đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tìm hiểu, học hỏi Phật pháp cho mọi tầng lớp độc giả và đóng góp công sức không nhỏ cho con


đường hoằng dương chánh pháp đầu TK.XX. Ngay trong cuộc sống hiện tại, con người có thể ứng dụng giáo lý Phật giáo nhằm xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị… ngày càng tốt đẹp hơn.

Nói chung, Phật học trên báo chí Phật giáo trước 1945 đã mở ra cho quần chúng sự hiểu biết căn bản về đạo lý sống , chuyển hóa được tầm nhìn của tín đồ từ mê tín thành chánh tín. Vì vậy, có thể khẳng định Phật học giai đoạn này là chiếc cầu nối giữa văn hóa truyền thống và đạo lý chân chính, góp phần ổn định xã hội và đấu tranh vì hòa bình độc lập của cả dân tộc.


Chương 3


VĂN HỌC TRÊN BÁO CHÍ PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC 1945


3.1. TỔNG QUAN VỀ VĂN HỌC TRÊN BÁO CHÍ PHẬT GIÁO TRƯỚC 1945


Trong khoảng hai thập niên đầu TK.XX, khi nhiều tờ báo bằng chữ Quốc ngữ lần lượt ra đời, thì các thể loại thơ ca và truyện cũng có điều kiện phát triển. Đặc biệt, sự ra đời của các tờ báo như Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Công luận báo, Phụ nữ tân văn… đã dẫn đến sự xuất hiện của một đội ngũ nhà văn, nhà thơ kiểu mới: sáng tác bằng chữ Quốc ngữ theo các thể loại văn học phương Tây. Nhiều nhà văn nổi tiếng như Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức, Bửu Đình… trước khi là nhà tiểu thuyết đã là các nhà báo. Hầu hết các tác phẩm của họ đã được in nhiều kỳ trên báo chí, sau đó mới xuất bản thành sách. Báo chí Quốc ngữ là môi trường tốt cho các nhà văn rèn luyện ngòi bút của mình, đồng thời quan niệm văn học mới, các thể loại văn học mới… cũng được hình thành từ đây.

Trong quá trình hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam đầu TK.XX, có sự hiện hữu và đóng góp không nhỏ của báo chí Phật giáo như trên đã nói. Những tờ tạp chí, tờ báo Phật giáo lúc bấy giờ đều hướng về mục đích truyền tải tư tưởng Chấn hưng Phật giáo và những tư tưởng giáo lý Phật học căn bản. Hầu như không có tạp chí Phật giáo nào thiên hẳn về văn chương, nhưng mỗi tạp chí đều dành đất cho sáng tác văn học với các thể loại thơ và văn xuôi. Những thể loại văn xuôi gồm có truyện ký, truyện ngắn, tùy bút, tiểu thuyết và xã luận.

Mười lăm tạp chí, tờ báo Phật giáo chúng tôi khảo sát, có 10 tạp chí: Từ bi âm, Viên âm, Duy tâm Phật học, Tiếng chuông sớm, Bồ đề, Bát nhã âm, Pháp âm Phật học, Tam bảo, Tiến hóa, Quan âm và một tờ báo Đuốc tuệ có đăng thơ và văn xuôi (xem phụ lục 3, 4). Văn học đã chiếm một vị trí khá quan trọng trên các trang báo ấy và góp phần tích cực vào công cuộc truyền bá Phật giáo, phát huy văn hóa dân tộc cũng như cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Nghiên cứu văn


học trên báo chí Phật giáo trước 1945 sẽ góp phần hoàn chỉnh bức tranh chung về hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu TK.XX.

Khảo sát 166 số tạp chí Từ bi âm (từ số 2 đến số 167), chúng tôi thống kê được 20 bài thơ của các tác giả: Liên Tôn, Kim Xuân, Nguyễn Văn Xứng, Mật Khế, Trí Độ, Sa môn Tâm Tường, Bích Phong, Võ Thành Hay, Đinh Chí Nghiêm, Trang Quảng Hưng, HT. Bích Liên... Thơ đa phần mang nội dung chúc mừng sự ra đời của tạp chí Từ bi âm, đề vịnh danh lam cổ tự và khuyên răn mọi người làm điều tốt.

Phần văn xuôi, chúng tôi thống kê được 40 tác phẩm, trong đó gồm 19 truyện ký, 13 truyện ngắn và 8 tiểu thuyết. Đặc biệt, từ số 2 đến số 32, Từ bi âm đã liên tục đăng Lược truyện Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Đản sinh cho đến lúc nhập Niết bàn, là một tác phẩm dài có giá trị, đầy đủ ý nghĩa về cuộc đời Đức Phật Thích Ca.

Tám tác phẩm tiểu thuyết là: Tu là cội phước, tình là dây oan Hiếu nghĩa cảm Phật của Liên Tôn, Dưới chơn Phật của Kim Xuân, Duyên trước tình sau của Chánh Niệm, Sám hối được sanh về Thiên đường của HT. Bích Liên, Tưởng Phật có Phật Từ bi chỉ mối nhơn duyên của Nguyên Bản, Gương quả báo của Nguyễn Văn Nhơn. Có thể nói, tác phẩm nào cũng có ý nghĩa, giá trị trong việc nêu lên triết lý đạo đức Phật giáo, khuyên mọi người bỏ điều ác làm điều lành.

Bên cạnh đó, 13 tác phẩm truyện ngắn trong Từ bi âm cũng thu hút sự chú ý của người đọc bởi nội dung đặc sắc và mang tính giáo dục cao. Trong 13 tác phẩm đó, Thiện Dụng đã viết 5 truyện: Nhờ vợ tu hành mà chồng khỏi đọa, Một nàng con gái 13 tuổi ngộ đạo, Nhờ đuốc tuệ ra khỏi đường mê, Lòng từ bi cảm đến loài vật, Phật hóa độ người có duyên lành. Tám tác phẩm còn lại là của những tác giả khác, gồm: Bỏ Nho đầu Phật của Minh Tịnh, Làm lành đặng phước, làm dữ bị họa của Nguyễn Văn Hạp, Sự tích nàng Mãn Lịnh Tông của Nhựt Chánh, Hại người tức là hại mình của Bình Tháp, Gương nhân quả: Có vay phải có trả của Từ Ân, Gương nhân quả: Người đức độ thêm thọ được con của Nguyên Bản và hai tác phẩm Gương nhân quả của Thiện Minh.


Thơ trên tạp chí Viên âm không được phong phú và đăng tải chưa thường xuyên. Chúng tôi đã khảo sát 129 số, bắt đầu từ số 1 nhưng chỉ tìm thấy được vài mươi bài thơ: Chùa Non Nước, Mừng Viên âm ra đời, Khuyên đọc Viên âm, Vịnh cảnh chùa Trúc Lâm, Mừng Tết, Đề chùa Linh Mụ (Huế), Khuyên người, Cùng bạn chung thuyền chơi Túy Vân, Ngủ lại chùa Túy Vân, Chơi núi Thiên Thai, Khuyên tu… Những tác giả tiêu biểu có: Tâm Bình, Lục Vân, Nguyễn Bích Phong, Cổ Mai, T.T.T, Quật Đình, Thanh Tâm v.v..

Phần văn xuôi trên Viên âm cũng chỉ thấy có 12 tác phẩm, trong đó có 7 tiểu thuyết, 1 truyện ngắn, 3 truyện ký và một tùy bút. Mỗi tác phẩm là một bài học giáo dục nhân cách rất thiết thực và có ý nghĩa theo tinh thần giáo lý nhà Phật. Riêng từ số 1 đến số 16, Viên âm cho đăng Sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng không được đầy đủ như các tạp chí khác.

Khảo sát 230 số báo Đuốc tuệ, chúng tôi thấy đây là tờ báo chú trọng khá nhiều tới mảng “Văn uyển”. Số thơ thống kê được khoảng 84 bài của Sa môn Thái Hòa, Nguyễn Thiện Chính, Bùi Đức Triệu, Nguyễn Thượng Cần, Phạm Thanh Sắc, Đặng Ngọc Oanh, Huyền Am, Nhàn Vân Đình, Nguyễn Văn Hựu, Huyền Am, Thanh Giản, Lương Duyên Tuệ, Trịnh Như Tấu, Thanh Bảo, Nguyễn Bá Trọ, Nguyễn Hữu Bồng, Tử An Trần Lê Nhân, Nguyễn Cao Sơn, Sa môn Ngọc Thụ, Trí Hải, Trần Văn Đại, Ngô Huy Sắc, Công Chân, Thanh Phương… Trong đó, Nguyễn Thiện Chính là người nổi bật, với hơn 40 bài thơ.

Về văn xuôi, báo Đuốc tuệ đã đăng 32 tác phẩm, gồm: 16 truyện ký, 11 truyện ngắn, 4 tiểu thuyết và 1 tùy bút. Như vậy truyện ký chiếm số lượng nhiều nhất. Nội dung những tác phẩm văn xuôi trên báo Đuốc tuệ đều thể hiện triết lý nhà Phật, lịch sử Phật giáo, đặc biệt là nói lên triết lý nhân quả và khuyên mọi người làm điều tốt, bỏ điều xấu. Những tiểu thuyết nổi bật gồm: Oán thù bình đẳng của Quảng Tràng Thiệt, Thế cũng là “ngộ đạo” của Đ.N.T, Nhân quả của Nguyễn Thiện Chính, Trầm luân của Thanh Đương Thuật. Những tác giả viết về truyện ký và truyện ngắn tiểu biểu có: Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Thiện Chính, Thiện Bảo, sa môn Tố Liên, Thanh Đương Thuật, Trần Mạnh Đàn… Đặc biệt còn có một số vị đã dịch những tác phẩm có giá trị, như sa môn Trí Hải, sa môn Thái Hòa, Nguyễn


Thượng Cần dịch những câu chuyện trong kinh Phật; Thiều Chửu dịch tác phẩm

Tây vực ký v.v..


Khảo sát 43 số của tạp chí Duy tâm Phật học, chúng tôi thấy tạp chí này ít đăng tải văn học hơn những tạp chí khác, chỉ có 14 tác phẩm thơ và 2 tác phẩm văn xuôi của các tác giả: Liễu Không, Võ Thái Hữu, Nguyễn Bá Đạt, Bích Khê, Đặng Văn Long, Khánh Vân, Hải Giác v.v..

Tìm hiểu 23 số của tạp chí Tiếng chuông sớm, chúng tôi thống kê được 46 tác phẩm thơ và 10 tác phẩm văn xuôi. Điều đáng nói, tạp chí này đăng rất nhiều thơ. Chỉ 23 số thôi mà đã có 46 bài thơ, khá nhiều so với những tạp chí khác. Trong 10 tác phẩm văn xuôi thì có 5 truyện ký của các tác giả: Tản Đà, Hội Sơn, Mai Đăng Đệ; 4 truyện ngắn của Mộng Vân và 1 tác phẩm tiểu thuyết Nam Du Ký cũng do Mộng Vân dịch.

Khảo sát 8 số tạp chí Bát nhã âm, không thấy có tác phẩm văn xuôi nào, chỉ có thơ bắt đầu đăng từ số 14, ra ngày 15.04.1939. Những nhà thơ nổi bật có Thiện Quang, Nguyễn Thiện Chánh, Đỗ Phước Tâm, Trí Quang. Tuy nhiên, hầu như sáng tác thơ trên Bát nhã âm đều là những tác phẩm kinh điển nhà Phật được chuyển thành dạng thơ, để giúp cho tín đồ dễ đọc tụng và dễ nhớ, như Đỗ Phước Tâm đã diễn nghĩa Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh, Hồng danh Bửu sám (Sám hối văn), Sám Khể thủ, Sám đưa linh… là những bài sám để tụng đọc trong thời kinh của các nhà chùa.

Tìm hiểu tạp chí Tam bảo qua 23 số, bắt đầu từ số 1 ra ngày 15.1.1937, chúng tôi thống kê được 8 tác phẩm thơ có giá trị của những tác giả: Như Như, Giác Phong, Từ Pháp. Trong tạp chí này, về văn xuôi chỉ thấy đăng Truyện Cao tăng nước Việt Nam của T.B, còn tiểu thuyết, trên số 1 có đăng tác phẩm Tốt đỏ tốt trắng của An Xuyên Tư.

Khảo sát những tạp chí Bồ đề, Pháp âm Phật học Tiến hóa, chúng tôi thấy các tác phẩm thơ hay văn xuôi thỉnh thoảng mới được đăng tải. Những tác giả tiêu biểu trên tạp chí Bồ đề có Văn Thị Nga; tạp chí Pháp âm Phật học có T.H, Trần Văn Minh, Bạch Vân, Diệu Phước; tạp chí Tiến hóa có Thanh Đàm…


Tạp chí Quan âm với phần “văn uyển” khá phong phú, đăng tải nhiều sáng tác thơ ca với nội dung thể hiện lòng mến mộ Phật pháp, lòng yêu quê hương đất nước. Tìm hiểu qua 11 số tạp chí Quan âm, bắt đầu đầu từ số 22 đến số 33, chúng tôi đã thống kê được 37 bài thơ và 16 tác phẩm văn xuôi. Những nhà thơ tiêu biểu có: Văn Thị Nga, Song Châu, Tri Huyền Tử, Thu Tâm, Văn Chính, Lương Văn Tích, Phan Thanh Diễn, Hoan Ảnh, Mỹ Châu, Lương Văn Tích, Minh Châu, Vương Linh, Phi Hùng, Long Giang, Trần Văn Thanh, K.H, Thiện Phú, Kim Giai, Thiện Bảo… Trong đó, tác giả đóng góp nhiều nhất về mảng thơ là Thiện Bảo. Trong số 37 bài thơ thống kê được thì Thiện Bảo đã có 12 bài. Ngoài ra, những tác giả như Văn Tích và K.H cũng có những đóng góp đáng kể.

Về 16 tác phẩm văn xuôi, có: 8 bài xã luận, 4 tùy bút, 4 truyện ngắn và không thấy có tiểu thuyết nào. Những tác giả tiêu biểu có: Song Châu, T.V, Trương Vĩnh Ký, Lệ Châu, Tri Huyền Tử, K.H, Xuân Mai, Th.M, Hoan Ảnh…

Chúng tôi chỉ mới tìm hiểu được 11 số của tạp chí Quan âm, đã thấy những sáng tác thơ, văn xuôi được đăng tải khá phong phú. Điều đó cho thấy sự quan tâm và chú trọng của báo chí Phật giáo nói chung và tạp chí Quan âm nói riêng đối với mục văn uyển. Hơn nữa, nó cũng cho thấy sự quan tâm và yêu mến rất nhiều của tác giả đối với văn học Phật giáo.

Qua số lượng tác phẩm thơ, văn xuôi trên mỗi tạp chí thống kê được đã cho thấy sự tiếp nối của văn học Phật giáo được thể hiện khá phong phú trên báo chí Phật giáo trước 1945. Với mục đích tải đạo, truyền giảng giáo lý Phật giáo, những tác phẩm văn học Phật giáo ấy đồng thời đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển chữ Quốc ngữ và kiến tạo nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự góp mặt đầy đủ của các thể loại thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, ký… và một số lượng lớn tác phẩm văn học trên đã khẳng định sự tồn tại, phát triển của một bộ phận văn học Phật giáo trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1945.

Đồng thời, tìm hiểu tổng quát về văn học trên báo chí Phật giáo giai đoạn này, có thể thấy báo chí đương thời đã quan tâm chuyển tải văn học Phật giáo đến với quần chúng nhân dân. Hầu như tạp chí nào cũng đề cập đến thơ và văn xuôi với mức độ nhiều ít khác nhau. Phần lớn những bài thơ, truyện ngắn, truyện ký, tùy bút,

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/09/2023