Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 10


quốc gia và xã hội một nền tảng đạo đức chắc chắn. Không mù quáng và ảo tưởng trong niềm tin, dựa trên triết thuyết hợp lý, sâu sắc từ sự thực hành mang tính khoa học, tín đồ tôn thờ Đức Phật là bậc thầy giác ngộ, là vị thầy của lòng từ bi và trí tuệ và nhìn nhận Đức Phật như bản chất tiềm ẩn trong chính mình. Đó là điểm khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Mặc dù Phật giáo được xem như là một tôn giáo, tuy nhiên lý thuyết, triết học và sự thực hành vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo; Phật giáo đặt con người làm mục tiêu thể nghiệm sự khổ đau và giải thoát khổ đau ngay trong đời sống thay vì khái niệm huyền ảo về một đấng sáng thế toàn năng và vĩnh cửu.

Đức Phật từng dạy: “Chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp; nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nhân tố phán xét” [15, tr. 481]. Những hành động có ý thức do con người tạo ra chính là đấng Thượng đế của họ. Vì thế, mỗi người chính là đấng Sáng tạo cũng như kẻ hủy diệt bản thân mình và thế giới này mà không phải là ai khác. Con người sẽ không thể thay đổi nghiệp lực của mình, không thể từ ác tâm sang thiện tâm, không thể chứng quả giải thoát nếu do một đấng Thiên chủ tạo nên. Vì thế, Phật giáo không bao giờ cho rằng có Thượng đế toàn năng.

2.1.2. Vấn đề linh hồn bất tử


Thời Phật còn tại thế, có hai phái ngoại đạo nêu ra hai chủ thuyết: một là “Thường kiến”, hai là “Đoạn kiến”. Phái Thường kiến cho rằng, linh hồn con người mãi mãi là con người, dù có tạo tội ác đến đâu, chết rồi cũng tái sinh trở lại làm người. Ngược lại, phái Đoạn kiến cho rằng, con người sau khi chết là không có linh hồn tồn tại đời sau, tức là mất hẳn. Hai phái này, theo chủ trương của họ là không có nhân quả báo ứng. Vì quan niệm và tin như thế, nên họ tha hồ làm ác mà không sợ quả báo gì.

Do quan niệm linh hồn theo nhiều cách khác nhau, nên con người vẫn bàn cãi về vấn đề có hay không có linh hồn. Thường thì linh hồn được hiểu là phần tinh anh, cái tinh thể, tinh thần của con người, đối lập với vật chất, với bất cứ cơ quan sinh học nào của cơ thể.


Các tín ngưỡng, tôn giáo thường cho rằng linh hồn là thiêng liêng, là bất diệt. Ấn giáo quan niệm linh hồn hay bản ngã, tự ngã là trường tồn và hòa đồng được với Đại ngã hay Phạm thiên (Brahman), gồm ba tính chất là chân lý, trí tuệ và hạnh phúc.

Tín ngưỡng dân gian còn cho rằng linh hồn người chết có thể nương gá vào đâu đó và có thể hiện hình trên đời mà người ta thường gọi là ma. Nhiều người tin rằng khi một người chết đi, linh hồn người ấy sẽ đến cõi âm, sinh sống ở đấy, chờ sự phán xét của Diêm vương, linh hồn ác có thể bị hành hạ cho đến khi được đầu thai ở dương thế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.

Phật giáo thuận theo ngôn ngữ, tín ngưỡng của dân gian, vẫn nói đến linh hồn, vong linh, hương linh… để chỉ cái phần còn lại sau khi chết của một người. Nhưng dù gọi là gì đi nữa thì theo giáo lý duyên sinh, vô thường, vô ngã, Phật giáo không bao giờ chủ trương cái phần phi vật chất này, hay linh hồn là thường hằng, bất diệt. Như lời giải thích: “Phật giáo vốn không chủ trương “Linh hồn bất diệt luận”. Đối với sự đồng, dị giữa linh hồn và nhục thể, đức Thế tôn đều không trả lời. Phật giáo vì quan niệm chủ thể thực tiễn nên xem trọng sự tồn tại của tâm, sự tồn tại này triệt để đứng trên lập trường tương quan giữa tâm và vật, không xem nặng cái nào là thực thể, cái nào là giả tướng mà chủ trương rằng tâm và vật đều không, không có tự tính” [6, tr.2454].

Tuy nhiên từ xưa đến nay, vẫn còn tồn tại hai vấn đề chính yếu gây ra sự mê tín đối với quần chúng nhân dân về tôn giáo là tin có Thượng đế sáng tạo và tin có linh hồn bất tử.

Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 10

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, sư Thiện Chiếu là vị sư trẻ đầu tiên đã “công khai” trình bày vấn đề có hay không có linh hồn bất tử trong sách Phật giáo vấn đáp. Ông nhấn mạnh khi con người chết đi thì ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) sẽ tan rã, không có vật gì gọi là linh hồn tồn tại.

Đọc được luận điểm đó, Liên Tôn, chủ bút của tạp chí Từ bi âm đã phản đối kịch liệt trong số 18, ra ngày 15.9.1932: “Xin hỏi các bạn trí thức học Phật lâu nay đã thấy chỗ nào trong kinh, luận nói như vậy, và đã thấy ai nói càn như sư Thiện


Chiếu vậy chưa?... Như vậy thì sư viết một quyển sách ra, kẻ thì khinh yểm, người thì lầm lạc, vậy có lợi ích gì cho đời hay không?”. Tuy đả kích như thế, nhưng Liên Tôn vẫn chưa tìm đâu ra luận điểm nào trong kinh điển Phật giáo được Đức Phật thừa nhận là có linh hồn bất tử. Có lẽ từ đó mà cuộc tranh luận về linh hồn bắt đầu sôi nổi trên báo chí Phật giáo.

Ở tạp chí Viên âm, vấn đề thảo luận về linh hồn có vẻ rõ ràng, chi tiết và hầu như là đều dẫn đến kết luận không có linh hồn bất tử.

Tạp chí Viên âm nêu quan điểm cho rằng sở dĩ các nhà nghiên cứu Phật học luôn tranh luận về vấn đề linh hồn vì không xác định rõ tính cách của cái hồn. Tính cách của linh hồn cũng như tính cách của muôn sự vật khác, theo sự hiểu biết của mỗi người, ý nghĩa không giống nhau. Cho nên, trước khi bàn cãi về linh hồn, cần phải định rõ tính cách của cái hồn. Tuy nhiên, định tính cách cũng chỉ theo ý tưởng của muôn người, không nên nhận lầm rằng đó là tính cách nhất định của cái hồn theo nghĩa lý đạo Phật.

Theo đó, trên tạp chí Viên âm số 4, ra tháng 3 năm 1934, bác sĩ Lê Đình Thám đã chứng minh là không có linh hồn bất tử. Ông cho rằng con người theo tín ngưỡng gồm có hai phần là xác và hồn, cũng nghe thấy bình thường. Nhưng khi con người còn đang sống, cái thấy cái nghe đó do đâu. Nếu như nói thân thấy thân nghe thì chết vẫn còn mắt, còn tai, sao lại không thấy không nghe được. Còn nói hồn thấy hồn nghe thì cái thấy, nghe kia phải nương theo xác thịt mới có hay riêng một mình phần hồn cũng có. Nếu nói phải nương theo xác thịt mới có thì cái hồn ra ngoài xác thịt chắc không còn nghe còn thấy nữa, vậy thì tại sao con người lại tin rằng một mình cái hồn cũng thấy cũng nghe. Còn như nói chỉ một phần hồn cũng thấy cũng nghe, thì hồn ấy ra sao. Khi mình đứt một cánh tay, hồn có đứt cánh tay không. Nếu nói có thì hồn với xác là một. Nếu như hồn như hư không, không thể đứt được thì làm sao hồn những người đui không tự thấy mà đi, lại phải nhờ người khác dắt.

Lập luận trên tạp chí Viên âm thật sự đã gây hoang mang rất nhiều đối với những người tin có linh hồn bất tử. Bác sĩ Tây y Lê Đình Thám giải thích linh hồn rất có khoa học và ngay cả trong chiêm bao, ông cũng lý giải thật chuẩn xác, bác bỏ hẳn ý kiến thông thường cho rằng đó là “hồn đi chơi”. Ông nói rằng chiêm bao do


tư tưởng của mình biến ra mọi sự, tư tưởng trong sạch thì thấy những điều lành, tư tưởng độc ác thì thấy những điều dữ. Nếu như nói thân trong chiêm bao là hồn của mình thì cảnh giới trong chiêm bao là ở đâu? Cảnh giới ấy có thật hay không? Nếu như có thật thì tại sao những người xung quanh mình lại không thấy? Nếu như do tư tưởng mình tưởng tượng ra, thì tất cả cảnh giới trong chiêm bao đều là mình, mà không phải chỉ riêng một cái thân kia. Vậy thì làm sao nhận là hồn là xác được. Và cuối cùng ông kết luận: “Xét như vậy, đủ biết cái hồn biết thấy biết nghe, biết có mình có người, biết thương biết ghét, biết vui biết buồn kia là không thực có”.

Cũng trên tạp chí Viên âm số 4, Lê Đình Thám đã nhắc đến những thắc mắc của nhiều tín đồ và độc giả qua các khía cạnh khác về ma quỷ, đánh đồng thiếp v.v.. Họ cho rằng nếu hồn không thực có, vậy làm sao nhiều người còn thấy ma, lại có người đánh đồng thiếp thấy rõ ông bà cha mẹ? Qua đó, ông đã trả lời vấn đề này bằng cách hỏi lại: “Nhân vật trong chiêm bao có thật hay không? Chắc ai cũng trả lời không, vì nếu có thật, sao khi tỉnh dậy lại không thấy?”. Với điều này, ông lý giải rằng nhân vật chiêm bao không có thật, vì chiêm bao nên dường như là có, cũng như con ma vốn không có thật, nhưng vì lòng mê tín và sợ hải nên thấy là có ma thật. Đánh đồng thiếp mà thấy linh hồn ông bà, cha mẹ mình ở âm phủ, cũng giống như những người đi xem múa rối, bị phép thuật thôi miên, nên thấy con trâu đi qua ống tre. “Đó là tư tưởng của mình hóa ra chứ không gì khác”.

Lê Đình Thám lại nêu ra những thắc mắc tiếp theo của độc giả tạp chí Viên âm số 4: “Nếu không có linh hồn thì làm sao ngày nay người ta lại sống được?”. Nói đến nguồn gốc của sự sống này thì quả thật tạp chí Viên âm chưa giải đáp được một cách rõ ràng, chắc chắn. Tuy nhiên, Viên âm vẫn giữ quan điểm cho rằng không có linh hồn bất tử và giải thích theo ý riêng là cái làm cho con người tồn tại thì lúc nào cũng hiện hữu. Vì nếu như cái ấy không có thì cái sống cũng không có. Nhưng cái ấy là cái ấy, mà không phải là cái hồn theo lối thông thường.

Tuy tạp chí Viên âm lý giải chi tiết nhưng lập luận lại không triệt để, thiếu khoa học, như lời kết luận: “Muốn cho có đèn sáng cần phải làm ra luồng điện mạnh, làm ra cái đèn tốt, cũng như muốn được thân trong sạch, muốn được cảnh vui vẻ, cần phải hành động một cách chính đáng, đó là lẽ tất nhiên, chớ cái làm cho


chúng ta sống đây thiệt không thể kêu bằng chi được, gượng ra phải gọi là “tâm”; một điều chắc chắn là không phải cái hồn tự mình biết thương biết ghét, biết thấy biết nghe đâu”.

Phải chăng tạp chí Viên âm muốn để chỗ cho thuyết “luân hồi” và thuyết “duy thức” của Phật giáo tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề này? Dẫu lý giải còn mâu thuẫn, nhưng Viên âm đã gây tiếng vang lớn đối với quần chúng, khiến các tạp chí khác cũng phải lên tiếng thảo luận.

Tạp chí Tiến hóa có lẽ đã hiểu rõ vấn đề nên đã có cái nhìn so sánh khá chuẩn xác với các tạp chí khác, hầu tìm ra một kiến giải đúng với chân lý của đạo Phật. Cụ thể, khi thấy tạp chí Viên âm bàn luận về linh hồn còn nhiều mâu thuẫn, Tiến hóa số 14-15, ra tháng 4.1939 đã có bài Thảo luận với Viên âm về linh hồn rất rõ ràng và chi tiết. Tiến hóa cho rằng Phật giáo đã không nhận có thần tạo vật, thì không nhận có linh hồn là một vật sống hoài không chết, đầu thai từ kiếp này sang kiếp khác như của đạo Bà la môn (hữu ngã luân hồi). Sự hiểu biết và phân biệt (biết thấy, biết nghe, biết thương, biết ghét v.v..) của ta trong khi còn sống, theo đạo Phật gọi là Thức (Thức tức là cái hiểu biết: mắt biết thấy, tai biết nghe, mũi biết ngửi... ý biết phân biệt v.v..), nó sinh diệt vô thường, không phải là một cái sống hoài không chết, như thuyết linh hồn của tất cả ngoại đạo. Theo thuyết Mười hai nhân duyên của đạo Phật, vì có vô minh mới sinh ra hành (sự biến đổi), do hành sinh ra thức (sự hiểu biết) v.v.. nếu muốn khỏi luân hồi tái sinh thì phải trừ diệt vô minh. Từ luận điểm đó, tạp chí Tiến hóa kết luận nếu ai tin có linh hồn không chết thì chính họ là người ngoại đạo.

Tiếp đó, tạp chí Tiến hóa còn khẳng khái lên tiếng trước các báo chí: “Cái lầm to của Viên âm là bảo cái tâm làm cho chúng ta sống lại. Cái làm cho chúng ta sống lại là Nghiệp (hành động, tạo tác) cùng các duyên khác mà không phải là tâm như trước đây chúng tôi đã cắt nghĩa, nhưng thấy Viên âm còn mập mờ cái tâm, cho nên chúng tôi cần giải thích cho rõ”.

HT. Bích Liên đã trực tiếp bào chữa cho tạp chí Từ bi âm với bài Thích nghi về cái hồn đăng ở số 104. Hòa thượng cho rằng có linh hồn mà theo Phật giáo gọi là


“A lại da thức”, là một trong tám thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức, A lại da thức).

Đồng ý với quan điểm này của HT. Bích Liên, trên tạp chí Duy tâm Phật học số 8, ra ngày 11.5.1936, HT. Khánh Hòa cũng cho biết: “Nghiệp thức, thế gian thường kêu là linh hồn, thì nghiệp thức hay linh hồn cũng tức là một… Lại cũng kêu là cái thân “trung ấm” và nó hễ buông thân này thì bắt thân kia”.

Theo sự giải thích của ông Phạm Hữu Bính trên Viên âm số 50, ra tháng 6 năm 1942: “Mạt na thức và A lại da thức không phải là linh hồn huyền bí, kỳ diệu. Sáu thức đầu giao tiếp với ngoại cảnh, hai thức sau không giao tiếp với ngoại cảnh. Giống như học lâu năm thì không quên được nữa”. Rồi ông kết luận các thức cao thấp đều thực có, còn nếu tin rằng linh hồn độc lập với thân thể, thân thể chết rồi nhưng nó còn tồn tại bất tử, thì đó là chỉ là tưởng tượng, là mê tín. Viên âm nhấn mạnh “linh hồn là một danh hiệu không có trong kinh điển Phật giáo”.

Đúng vậy, theo Phật giáo, cái mà các ngoại đạo gọi là linh hồn thì Phật giáo gọi là tính biết, cái biết, sự nhận thức, tư duy…, gọi chung là Thức. Thức bao gồm một nội dung được xem là những dấu ấn, những hạt mầm (chủng tử) được tạo nên bởi những hành tác của một người trong đời sống hiện tại và những đời sống trước kia, còn được gọi là nghiệp hay nghiệp thức. Nghiệp là những hành động lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen. Chính thói quen này khi thuần thục, nó có một sức mạnh phi thường để tùy duyên chiêu cảm thọ sinh. “Nghiệp thức tương đương với phần tự thể trong A lại da thức, là do sức tác động của vô minh bất giác mà sinh ra, là thức do nghiệp duyên mà sinh ra” [6, tr.3119].

Trong thuyết cơ bản của Phật giáo, thuyết năm uẩn phân tích con người là một tập hợp năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Trong năm uẩn chỉ có sắc uẩn là vật chất, còn bốn uẩn còn lại đều là phi vật chất, hay là thuộc phạm trù tinh thần. Một cách phân tích khác, ngược với cách phân tích năm uẩn là chia sắc uẩn thành bốn yếu tố: địa, thủy, hỏa, phong gọi là bốn đại và tập hợp các yếu tố phi vật chất hay tinh thần thành một nhóm, gọi chung là thức hay thức đại (địa, thủy, hỏa, phong, thức).


Sau thời Đức Phật, các luận gia suy diễn rằng có một cái thức gọi là A lại da hàm chứa mọi nội dung của thức. “Vì thức này giữ gìn không để mất chủng tử các pháp nên gọi là Vô một thức; vì là cội gốc các pháp nên gọi là Bản thức, vì có tác dụng rất mạnh đối với các thức nên gọi là Thức chủ; vì là nguồn gốc của vũ trụ vạn hữu, hàm chứa vạn hữu, làm cho vạn hữu tồn tại, không mất đi, nên gọi là Tàng thức; vì hàm chứa các chủng tử để sinh ra và nuôi lớn vạn hữu nên cũng gọi Chủng tử thức” [4, tr.39]. Nội dung của thức này luôn luôn biến đổi theo hoàn cảnh sống và theo hành động của chúng sinh mang nó. Chính đấy là năng lượng, là sức mạnh, gọi là nghiệp lực mà khi một người chết đi, nó đẩy A lại da hay Thức nương gá vào một thân thể mới vừa tượng hình có hoàn cảnh phù hợp với nó. Đây là ý nghĩa của “linh hồn đi đầu thai” mà Phật giáo gọi là Thức đi đầu thai, không phải là quan niệm linh hồn bất tử đi đầu thai. Nếu nói có linh hồn bất tử đi đầu thai thì không lẽ nếu ai kiếp này làm người giàu sang thì sau khi chết rồi, linh hồn giàu sang ấy vẫn còn và tiếp tục đầu thai làm kiếp khác và cũng sinh làm người giàu sang. Hoặc ngược lại nếu người nghèo khổ thì kiếp sau vẫn cứ nghèo khổ. Quan niệm này hoàn toàn trái ngược với triết lý nhân quả - nghiệp báo của đạo Phật.

Đức Phật trong kinh Bổn Sinh, đã kể về nhiều kiếp trước của Ngài khi còn là một hành giả đang tu tập. Tuy nhiên, theo định luật nhân quả, chúng ta không cần phải biết chết rồi sẽ đi về đâu; nhưng điều ta cần phải biết đó là chúng ta đang sống với một tâm thức như thế nào, đang gieo trồng thiện nghiệp hay ác nghiệp? Vấn đề còn lại đã có luật nhân quả - nghiệp báo điều động.

Trong kinh Đại Duyên (Mahanidanasutta) của Trường Bộ (Dighanikaya), Đức Phật cật vấn Tôn giả A nan: “Này A nan, nếu Thức không đi vào trong bụng mẹ thì danh sắc có thể hình thành trong bụng mẹ không?”.

Tôn giả A nan đáp: “Bạch Thế Tôn, không”. Rõ ràng Đức Phật đã dạy rằng chính cái Thức đi đầu thai.

Về sau, nhiều luận gia gọi cái Thức đi đầu thai này là Càn thát bà hay thân Trung hữu, Trung ấm mà giới Phật học vẫn còn chưa thống nhất quan điểm về tính chất, sự hiện hữu và thời gian hiện hữu của nó trước khi nhập thai.


Nhìn chung, Phật giáo được xem như là “chủ nghĩa vô thần” đối với những người có tư tưởng độc lập hay những nhà hữu thần, chỉ vì Phật giáo không tin tưởng vào một đấng sáng tạo, toàn năng và vĩnh cửu. Tuy nhiên, quan niệm về “vô thần” trong Phật giáo không đồng nghĩa với “vô thần” của những nhà thuần túy duy vật hay duy vật biện chứng. Học thuyết Phật giáo là sự hòa hợp giữa tâm và vật. Phật giáo không tán thành triết lý vật chất hủy diệt thuần túy, vì cho rằng đó là một lý thuyết sai lầm. Sáu cõi luân hồi (Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh) và các cảnh giới Thánh hiền thanh tịnh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật) đủ để chứng minh rằng quan điểm của Phật giáo không phải là sự hủy diệt hoàn toàn sau khi chết hay là có linh hồn bất tử, mà là sự thay đổi không ngừng. Mỗi chúng sinh là một đấng sáng tạo muôn vẻ cho chính mình xuyên qua sự vô hạn của kiếp luân hồi, tùy theo nghiệp thức gây tạo như thế nào mà sinh vào cảnh giới thích ứng như thế đó.

Nói tóm lại, Phật giáo không quan niệm có linh hồn bất tử, vì như giáo lý Vô ngã đề cập, không hề có một bản ngã hay cái ngã linh hồn nào trường tồn bất diệt, mà chỉ có dòng nghiệp thức của các chúng hữu tình luôn hiện hành. Nếu có một cái ngã linh hồn bất tử, thì con vật không thể sau khi phát triển thiện nghiệp qua nhiều đời, có thể chuyển sinh sang làm kiếp con người; hoặc là con người không thể chuyển sinh thành một vị Bồ tát hay một vị Phật. Bởi theo cái nhìn của Phật giáo, loài vật ngoài hoạt động theo bản năng, chúng còn có tính thiện, tức có tính giác, cũng biết nhận thức, phân biệt. Tùy theo nghiệp nhân đã tạo nặng hay nhẹ mà sinh vào loài vật nào đó, đến khi hết nghiệp có thể được sinh làm người, chứ không thể đã làm sinh làm loài vật thì làm loài vật mãi.

Tuy nhiên, dòng nghiệp thức chính là sự vận hành liên tục từ đời này qua đời khác trong cõi luân hồi mà nền tảng của sự vận hành này chính là tâm thức của mỗi chúng sinh. “Theo tông Duy thức, tâm thức chính là thức thứ 8 (A lại da). Vì thức này bao hàm nghĩa tích tập, là thể căn bản sinh ra các pháp, nên cũng gọi là Tập khởi tâm, nghĩa là A lại da thức chứa nhóm chủng tử và sinh khởi hiện hành” [8, tr.4317]. Do đó, đạo Phật không thừa nhận có một linh hồn bất tử, nhưng thừa nhận có sự chuyển biến của tâm thức trong suốt hành trình sinh, tái sinh và nghiệp nào

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/09/2023