Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 7


buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn đã giúp chúng ta phỏng đoán được có lẽ tạp chí

Phật hóa Tân Thanh niên ra đời trong khoảng tháng 10 hay tháng 11 năm 1929.


Tuy nhiên, thật đáng tiếc, tạp chí tiếp sức cho Pháp âm cũng chỉ mới ra được một số thì bị đình bản vì lý do tài chính.

Kế đến, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học xuất bản tạp chí Từ bi âm, ra số đầu tiên ngày 01.01.1932 do HT. Khánh Hòa làm chủ nhiệm, HT. Bích Liên làm chủ bút, Đại đức Liên Tôn làm phó chủ bút. Trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont (ngày nay là đường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Nội dung trong Từ bi âm ở hai số đầu tiên gồm 7 yếu mục, nhưng từ số 3 trở về sau hầu như đề cập đến 8 yếu mục, có số lên đến 9, 10 yếu mục. Tuy nhiên, nội dung đều xoay quanh các chủ đề: Luận về triết lý Phật giáo, Phật pháp căn bản, phiên dịch kinh Phật, lịch sử Phật Thích Ca và chư vị Bồ tát, thời sự, chuyện vui, tiểu thuyết và văn uyển.

Chủ đề Luận về triết lý Phật giáo chủ yếu đăng những bài triết lý Phật giáo qua nhân sinh quan và vũ trụ quan; những bài giải nghĩa về lời Phật dạy, nhằm giúp tín đồ nắm bắt được giáo lý đạo Phật từ cơ bản đến nâng cao. Mục Thời sự phê phán nhiều đến việc mê tín dị đoan, hướng cho quần chúng nhân dân đi đúng con đường chính pháp của Phật. Mục Văn uyển đa phần đăng các sáng tác thơ, thỉnh thoảng có những bài ca, phú... Nói chung đều hướng về mục tiêu khuyến thiện, hướng con người sống theo tinh thần đạo đức Phật giáo.

Những tác giả đầu đóng góp nhiều công sức cho tạp chí Từ bi âm trong thời kỳ đầu có: HT. Giác Nhiên, Bích Liên, Trí Độ, Liên Tôn, Thiện Dụng, Giác Nhựt, Nhựt Chánh... Sau này có thêm sự cộng tác của thầy Thiện Minh, sư cô Diệu Minh, Giảng Trai, Đạo Tế, Kim Xuân, Chánh Niệm, Nguyên Bản v.v..

Từ bi âm được xem là diễn đàn đầu tiên có sự góp mặt của Ni giới. Các tác giả và tác phẩm tiêu biểu: Ni sư Diệu Tịnh với các Lời than phiền của mộ cô vãi (số 27), Cái án nguỵ truyền Chánh pháp (số 73), Ni sư Diệu Ngôn đóng góp bài Đối với nữ lưu hiện thời - chị em chúng ta có nên ghé mắt đến không (số 100), sư cô Diệu Tu với bài Đôi lời thỏ thẻ (110), sư cô Diệu Minh với bài Bàn về vấn đề hoằng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.


dương Phật pháp về bên nữ giới (số 115, 116, 117). Thông qua các bài viết, các tác giả kêu gọi chấn hưng Ni giới, đấu tranh cho sự bình đẳng của nữ giới trong xã hội.

Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 7

Sau khi HT. Khánh Hòa thôi làm chủ nhiệm, Từ bi âm không còn giữ được tôn chỉ, mục đích đã đề ra. Số mục, số trang giảm dần, số người viết bài cũng ít, có lúc hai tháng mới xuất bản một kỳ. Từ đó, Trần Nguyên Chấn lấy Từ bi âm làm diễn đàn để công kích các tổ chức khác như Hội Phật học Kiêm Tế, Hội Lưỡng Xuyên Phật học… Về sau, HT. Chánh Tâm ở chùa Thiên Phước, quận Trà Ôn được mời giữ chức chủ nhiệm Từ bi âm. Nhờ sự hợp tác của HT. Bích Liên và Liên Tôn mà Từ bi âm đã được duy trì liên tục mười năm và đóng góp đáng kể trong vai trò hoằng pháp của mình, đồng thời thành công trong việc phổ thông hóa Phật học bằng chữ Quốc ngữ. Tạp chí đình bản vào tháng 8 năm 1945.

Tháng 10 năm 1935, Hội Lưỡng Xuyên Phật học cho ra mắt Duy tâm Phật học, do Huệ Quang làm chủ nhiệm và bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe làm quản lý. Tòa soạn được đặt tại chùa Long Phước. Đến số 13, ra tháng 10 năm 1936, Duy tâm Phật học đổi thành tạp chí Duy tâm Phật học [Phụ lục 1, tr.227]. Điểm nổi bật của Duy tâm Phật học là bên cạnh những bài viết về ni giới, tạp chí có nhiều bài viết góp phần vào việc Chấn hưng Phật giáo: Thích tử Thiện Quả với bài Luận về Chấn hưng Phật giáo, Lê Văn Xuân với bài Chấn hưng và tương lai Phật giáo; Nguyễn Văn Khỏe với bài Phật giáo vì sao phải chấn hưng...

Vì lúc bấy giờ phong trào Phật học lan rộng nhiều nơi, nên báo Lục tỉnh tân văn tại Sài Gòn cũng mở “Trang Phật học”. Vì vậy mà tạp chí Duy tâm Phật học cũng thường lên tiếng kêu gọi thành lập một Phật giáo Tổng hội để thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam.

Thế là từ cuối năm 1937 trở đi, trong số nào tạp chí Duy tâm Phật học cũng cho đăng bài viết bàn về vấn đề thành lập Tổng hội Phật giáo, nhưng vì mối liên hệ giữa Hội Lưỡng Xuyên Phật học và Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học không được tốt đẹp, nên tạp chí có lần bị kích bác. Tuy nhiên, Duy tâm Phật học vẫn là tạp chí tạo được nhiều uy tín trong giới Phật giáo miền Hậu Giang với các cây bút nổi tiếng như: HT. Khánh Hòa, Huệ Quang, Võ Khánh Anh; Tỳ kheo Thích Mật Thể, Trần


Huỳnh, Việt Liên Tử, Trần Văn Giác, Nguyễn Văn Khỏe… Tạp chí xuất bản đến số 53-54 ra ngày 6.7.1943 là số cuối cùng, sau đó phải đình bản vì không có giấy in.

Có thể nói, Duy tâm Phật học là tạp chí tiêu biểu của Phật giáo Nam Kỳ, đã có những đóng góp xứng đáng cho việc truyền bá Phật pháp. Cụ thể, tạp chí đã hỗ trợ cho Hội Lưỡng Xuyên Phật học đào tạo nhiều tăng tài cho các thế hệ sau.

Từ khi Hội Phật học Kiêm Tế thành lập năm 1936 đến đầu năm 1938 đã cho ra đời tạp chí Tiến hóa, do Phan Thanh Hà làm chủ bút, Đỗ Kiết Triệu làm chủ nhiệm, sư Thiện Chiếu làm cố vấn. Tạp chí là cơ quan truyền bá Phật pháp và cứu tế xã hội của Hội.

“Tạp chí Tiến Hoá số ra mắt đã đăng hình cô nhi viện Kiêm Tế, một cô nhi viện có thể gọi là cô nhi viện Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tổ chức theo kiểu Tây phương. Tiến Hoá số 1 cũng đăng hình (chụp ngày 26.9.1937) Hội Phật học Kiêm tế cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá và cho biết rằng hội đã nuôi ăn từ 200 đến 300 nạn nhân bão lụt tại trụ sở của hội trong thời gian hai tháng” [34, tr. 91].

Điều này cho thấy Hội Phật học Kiêm Tế đã thực hiện đúng phương châm “lời nói đi đôi với việc làm”, tức là Hội đã thực hiện bằng hành động cụ thể, nhằm giúp người, giúp xã hội ngày một tiến triển tốt đẹp.

Với chí hướng học theo cách hoạt động tôn giáo của các nước trên thế giới, Tiến hóa đã đưa ra nhiều quan niệm táo bạo về việc cải cách Phật giáo, phê bình lối “đầu tròn áo vuông” trong hình tướng của người xuất gia:

Cải cách tăng già (tăng ni bình đẳng): Về mặt tinh thần, tăng già đã nhờ có nền giáo dục phổ thông ở các trường sơ đẳng của nhà chùa, sau nầy ai muốn học những chức nghiệp chuyên môn như canh nông hoặc kỹ nghệ, hoặc muốn đeo đuổi đến bực trung học hoặc cao đẳng thì cũng học ở các trường nhà nước. Còn về mặt hình thức? Cứ phải “đầu trọc áo vuông” hay phải cải cách một cách triệt để?... [L, số 3, tr. 67-69].

Tiến hóa còn có nhận định rằng Đức Phật không phải là bậc sáng suốt hoàn toàn trong mọi thời đại. Ngoài những điều đúc kết, răn dạy của nhà Phật, con người cần có những hiểu biết về khoa học trong thời đại mà mình đang sống. Tiến hóa


cũng ca ngợi tinh thần vô úy của các tăng sĩ Trung Quốc gia nhập quân đội kháng Nhật và kêu gọi Phật tử Việt Nam cũng phải hăng hái nhập thế trong tinh thần ấy.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nội dung Tiến hóa phản ánh quan điểm của sư Thiện Chiếu là chính. Có lẽ sư Thiện Chiếu chịu ảnh hưởng tư tưởng ban đầu của Đại sư Thái Hư, và khi đã chấp nhận ảnh hưởng đó, ông vạch cho mình một con đường thẳng. Ông cũng không theo dõi để thấy rằng từ sau thập niên 1920, chính Đại sư Thái Hư đã nhìn nhận có lúc mình quá cực đoan và trở lại với lối trung đạo của nhà Phật. Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận do gốc rễ Phật học của các nhà lý thuyết trong Hội Phật học Kiêm Tế chưa sâu vững.

Tiến hóa xuất bản mỗi tháng một số. Nội dung thể hiện các tiêu đề Xã luận, Phê bình, Nghiên cứu Phật học và Triết học, Bách khoa thưởng thức, Tin thế giới...

Tiến hóa mang màu sắc vận động chính trị chống Pháp, mặc dù các bài đều viết về chủ đề Phật giáo nhưng bên trong chứa đựng những ý tưởng cách mạng. Tiến hóa còn kêu gọi xây dựng xã hội, là một việc làm mà các báo chí Phật giáo thời đó ít đề cập đến.

Tiến hóa tuyên bố đình bản năm 1941. Nguyên nhân là do các nhân vật chủ chốt của Hội như “HT. Trí Thiền, sư Thành Đạo, một số cư sĩ trong Ban Biên tập và cây bút chủ lực là Thiện Chiếu bị bắt hoặc có người bị cầm tù vì tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ, nên Hội Phật học Kiêm Tế cũng bị tan rã” [34, 98].

Báo chí ở Nam Kỳ còn có sự hiện diện của Bồ đề tạp chí, xuất bản số đầu tiên vào ngày 15.8.1936 tại Sóc Trăng, do HT. Phước Chí làm Tổng Biên tập. Tạp chí là cơ quan truyền bá của Hội Phật học Tương Tế, sáng lập ngày 11.6.1934. Hội quán đặt tại chùa Thiên Phước, quận Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Tạp chí Bồ đề mỗi tháng xuất bản được một số. Nội dung chủ yếu đề cập mảng Phật học và phụ trương các tiêu đề diễn đàn, xã luận... tạp chí cho biết:

Mục đích của tạp chí này, nguyện đem hết năng lực mà tuyên truyền chủ nghĩa của Phật giáo cho xứng với thời cơ, hiệp với chân lý, cho quý vị thiện tín rõ được lý thuyết trong Tam tạng giáo hải của Phật tổ ban truyền,


hầu một ngày kia chứng được nhất chân pháp giới… Vả lại, Bồ đề tạp chí này cốt để phổ thông chánh giáo và bảo tồn trường Phật học [H, số 1, tr.1].

Ngày 15.3.1936, Hội Thiên Thai Thiền giáo tông xuất bản tạp chí Bát nhã âm, tòa soạn đặt tại chùa Thiên Bửu (Thiên Thai), tỉnh Bà Rịa, do Đỗ Phước Tâm làm chủ nhiệm. Bát nhã âm là cơ quan truyền bá Phật pháp của Thiên Thai Thiền giáo tông, xuất bản vào ngày 15 mỗi tháng. Bên cạnh những bài viết mang nội dung Chấn hưng Phật giáo, tạp chí chủ yếu chuyển tải những giáo pháp, bài thơ mang ý nghĩa khuyến tấn người bỏ ác làm lành, xây dựng nền đạo đức Phật giáo tiến bộ. Cuối năm 1943, Bát nhã âm đình bản do không có giấy in.

Hưởng ứng phong trào Chấn hưng Phật học, ở Nam Kỳ còn xuất hiện Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội. Hội đã cho xuất bản tạp chí Pháp âm Phật học vào tháng 1.1937 để làm phương tiện truyền bá. Chủ nhiệm là ông Lê Văn Hậu, chủ bút là cư sĩ Trần Huỳnh.

Pháp âm Phật học chủ trương chấn hưng Phật giáo, “lên án chiến tranh”, tôn trọng hiện tại. Ngay từ lúc thành lập, tạp chí đã có sự cộng tác của nhiều cây bút tiến bộ như Trần Huỳnh, Phan Hiển Đạo, Phạm Đình Vinh…

Tạp chí Pháp âm Phật học được xem là một tờ báo tiến bộ nhưng nó cũng có phần cực đoan. “Từ số 7 ra tháng 7 năm 1937 Pháp âm ủng hộ lập trường của Thiện Chiếu và bắt đầu công kích đường lối phục hưng của các tổ chức Phật giáo lúc bấy giờ. Từ số 13 trở đi, Pháp âm lên tiếng ủng hộ lập trường thiên tả của Tiến hóa, “hết sức ủng hộ việc bỏ cái lối đầu trọc áo vuông” do Tiến hóa đề nghị” [34, tr. 79].

Về lý luận, Pháp âm Phật học kêu gọi thủ tiêu hết các chế độ tài sản tư hữu mới có thể tạo được tinh thần vô ngã của nhà Phật một cách hữu hiệu. Tình hình kinh tế khó khăn, độc giả Pháp âm Phật học ngày một ít đi. Tạp chí xuất bản thưa dần, không đủ điều kiện xuất bản phải tự đình bản vào tháng 8 năm 1938.

Ngày 18.12.1941, tạp chí Phật pháp chỉ Niết bàn xuất bản số đầu tiên tại Sài Gòn, do Hồ Ngọc Sung làm Tổng Biên tập. Khuynh hướng chính của tạp chí cũng nhằm để truyền bá Phật pháp: “Chúng tôi có lòng sùng tu Phật pháp nên mới xây dựng ra tạp chí Phật pháp chỉ Niết bàn, đem ra chơn lý của Phật pháp thuở xưa, là


một cái nền văn chương cũ phô bày chỗ hay, chỗ khéo, văn xưa cũng có giá trị vậy. Chúng tôi muốn cống hiến cho đời đặng mà diệt lần các thống khổ ưu sầu, thảm não của mỗi người…” [N, số 1, tr.1].

Có thể nói, cho đến năm 1945, riêng ở Nam Kỳ đã có 9 tạp chí ra đời - một số lượng không nhỏ. Nội dung chủ yếu là cổ xúy phong trào Chấn hưng Phật giáo và thể hiện tinh thần yêu nước, giải phóng dân tộc. Từ mục tiêu đó, các tạp chí liên tục đăng tải những bài Phật học từ căn bản đến nâng cao, lý giải những triết lý thực tế và khoa học của đạo Phật nhằm bài trừ mê tín dị đoan v.v.. Đồng thời còn đăng những tin tức xã hội trong và ngoài nước để giúp cho tín đồ hiểu thêm về thời cuộc cũng như hun đúc tinh thần yêu quê hương, đất nước. Như vậy, sự ra đời của báo chí Phật giáo ở Nam Kỳ trong giai đoạn này, quả thật đã đóng góp công sức rất lớn cho phong trào Chấn hưng Phật giáo và sự nghiệp giải phóng dân tộc.

1.2.2. Báo chí Phật giáo ở Trung Kỳ


Trước phong trào sôi nổi của các tạp chí Phật giáo ở Nam Kỳ, ngày 1.12.1933, ở Trung Kỳ, Hội An Nam Phật học đã xuất bản tạp chí Viên âm. Tòa soạn đặt tại số 113 đường Champeau - Huế (nay là số 5, đường Hà Nội). Trong thời gian đầu, Lê Đình Thám đảm nhiệm chức vụ hội trưởng, nhưng sau đó Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bàng v.v.. đã thay nhau làm Hội trưởng. Lê Đình Thám lúc này đảm nhiệm phần chủ bút, chuyên lo kiểm duyệt các bài giáo lý. Cho nên có thể nói, ông là linh hồn của tạp chí Viên âm.

Phần nội dung, trong hai số đầu tiên, tạp chí chỉ đề cập đến bốn mục chính: Như thị pháp, Biệt khai phương tiện, Sự tích và Tiêu tức. Nhưng từ số 3 trở về sau, tạp chí đã tăng cường thêm mục thứ năm là Quyển đầu ngữ. Tiêu đề năm mục lớn này được duy trì xuyên suốt, không thay đổi.

Quyển đầu ngữ chuyển tải những giáo pháp căn bản về đạo Phật. Như thị pháp thì giải nghĩa về Luận, diễn đàn, chư kinh giảng nghĩa… Mục Biệt khai phương tiện đăng lại những bài pháp đã được các thầy thuyết giảng tại các đạo tràng, triển khai phần Phật học dị giải và đăng thơ ca, truyện mang nội dung chuyển tải giáo lý nhà Phật. Mục Sự tích thì chủ yếu đăng nhiều kỳ về sự tích Đức Phật Thích


Ca cùng chư vị Bồ tát. Mục Tiêu tức đăng những tin tức Phật sự các chùa, các Hội Phật học… cũng như thư từ hỏi đáp giữa người đọc và tạp chí Viên âm.

Những tác giả chủ lực ban đầu giúp duy trì Viên âm có Thích Mật Khế, Thích Giác Nhiên, Tâm Minh Lê Đình Thám, Chỉnh Túc... Mỗi người đều phụ trách một mảng khác nhau trên tạp chí.

Trong các số đầu của Viên âm, ở mục Biệt khai phương tiện, Lê Đình Thám đã viết truyện ngắn (lấy tên T.M), truyện dài (lấy tên Châu Hải) và cả truyện hài hước (lấy tên Ba Rảm) trong tiểu mục Phiền não tức Bồ đề. Nhưng từ số 4 trở đi, vì muốn tăng cường thêm giáo lý, ông đã giảm bớt phần truyện, chỉ giữ lại tiểu mục Phiền não tức Bồ đề, đồng thời ông cũng viết thêm những bài Phật pháp bằng Pháp văn trên Viên âm, nhằm chuyển tải đạo lý đến nhiều người đọc.

Viên âm được xem là một tạp chí có nhiều nhà biện tài như Lê Đình Thám, Nguyễn Xuân Thanh v.v.. đã mạnh dạng đối chất với các học giả đương ở các tạp chí Phật giáo khác. Đặc biệt, Nguyễn Xuân Thanh đã góp phần mở ra hướng đi tích cực cho Phật giáo đối với thế hệ trẻ. Ông cho rằng đạo Phật có thể trui luyện cho con người một tinh thần tự lập, bền chí, biết hy sinh và thanh niên của đạo Phật là những người biết phát bồ đề tâm, nên có thể thực hiện được tinh thần ấy. Ông còn đăng nhiều bài viết chứng minh Phật học rất cần thiết để bổ túc cho khoa học.

Từ số 48 trở đi, do có sự tham gia của thành viên Đoàn Phật học Đức Dục, cụ thể là Võ Văn Cường với bài viết “Tâm hồn dân tộc Việt Nam với Phật giáo” và bài viết bằng tiếng pháp “Thực hành thiền” (Practique de la Méditation) đã giúp cho Viên âm thêm phần khởi sắc. Từ đó, rất nhiều đoàn viên của Đoàn Phật học Đức Dục như: Lê Hữu Hoài, Phạm Hữu Bình, Lê Bối, Trần Đỗ Cung, Ngô Điền, Nguyễn Năng Viên, Nguyễn Hữu Quán, Võ Đình Cường, Đinh Văn Vinh, Ngô Đồi, Nguyễn Duy Như, Hoàng Kim Hải, Trực Hiên, Phạm Văn Quang, Phan Văn Hùng, Hướng Trai… đã đóng góp bài thường xuyên cho Viên âm.

Về sau, thấy Đoàn Phật học Đức Dục làm việc có nhiệt tâm với Phật pháp và đạt hiệu quả cao, Lê Đình Thám đã giao cho Đoàn việc biên tập Viên âm và sử dụng tạp chí này để trẻ hóa đội ngũ Phật tử. Hầu hết mọi bài vở đều do các đoàn viên


trong Đoàn viết với lối cách tân, súc tích, giúp người đọc dễ tiếp thu và nội dung chủ yếu hướng về tuổi trẻ.

Tạp chí Viên âm được truyền bá rộng rãi ra các tỉnh thành như Hà Nội, Sài Gòn... đã giúp cho việc hoằng pháp càng được phổ biến nhanh hơn. Từ năm 1943, do gặp khó khăn về giấy, Tâm Minh Lê Đình Thám đã nhờ Thiều Chửu ở Hà Nội giúp đỡ, nên từ đó việc in ấn Viên âm là do nhà in Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ đảm nhận. Kể từ ngày ra số đầu tiên đến ngày đình bản vào tháng 8 năm 1945, Viên âm đã ra được 78 số, trong đó có những số ghép, tức là hai tháng xuất bản một lần (số 55-56, 60-61, 75-76).

Có thể nói, Viên âm là cơ quan ngôn luận chính của chư sơn môn Trung Kỳ và Hội An Nam Phật học. Viên âm đã quy tụ được những cây bút sắc sảo, đưa ra những luận cứ sắc bén và đặc biệt là có những chương trình hoạt động thiết thực.

Năm 1937, tiếp nối có tạp chí Tam bảo (Ngoài bìa ghi là Tam bảo chí, nhưng bên trong ghi Tam bảo tạp chí) [Phụ lục 1, tr.231] được xuất bản, do HT. Trí Hải, chùa Bích Liên, Bình Định làm chủ bút. HT. Giác Chánh, chùa Giác Phong, Quảng Trị làm phó chủ bút. Ông Trần Văn Uyển làm chủ nhiệm. Tạp chí Tam bảo là cơ quan truyền bá phong trào Chấn hưng Phật giáo của Hội Đà Thành Phật học tại Đà Nẵng.

Đầu tiên, Tam bảo ra mỗi tháng một số, sau đó hai tháng, ba tháng ra một số, số trang cũng giảm từ khoảng 60 trang lúc đầu xuống còn 50 trang. Nội dung chủ yếu trong Tam bảo tạp chí thường gồm 7 đến 9 yếu mục: Phật học vấn đáp, Phật giáo sử lược, Luận về vấn đề lập chương trình tổ chức Hội Việt Nam Phật giáo liên hiệp, Kinh diễn nghĩa, Diễn đàn, Truyện cao tăng Việt Nam, tin tức, văn uyển...

Với Hội Phật giáo liên hiệp thống nhất, Tam bảo đề nghị tổ chức hai cơ quan: cơ quan Hoằng Pháp do chư tăng chủ động, gồm có các trách vụ nghi lễ, tổ chức, truyền bá và giáo dục. Cơ quan Hộ Pháp do cư sĩ phụ trách, gồm các trách vụ cứu tế, ngoại giao, kiểm sát, kiến trúc và kinh tế.

Cũng giống như Viên âm, đội ngũ cộng tác ngày một thưa dần, điều kiện kinh tế khó khăn, Tam bảo phải đình bản vào giữa năm 1938.

Xem tất cả 270 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí