Tư Tưởng Đạo Đức Phật Giáo Trên Báo Chí Phật Giáo Trước 1945


Với triết lý này, tạp chí Viên âm luận giải rằng: “Hiện nay chúng ta thấy in tuồng có thân (ngã), có cảnh (vật), thân ấy, cảnh ấy chẳng khác gì thân cảnh trong chiêm bao. Vậy nó cũng do cái thức tâm biến hiện, chỉ vì chúng ta chưa tỉnh dậy nên chưa nhận rõ đó thôi”. Vậy là Viên âm cho rằng “thức tâm là gốc của vạn vật”, đó là ý nghĩa vạn pháp duy thức.

Lý giải đó của tạp chí Viên âm đã làm cho nhiều người nghi ngờ, chưa chấp nhận, vì họ cho rằng chiêm bao là cảnh khác nhau hoàn toàn với thức tỉnh. Nếu con người đang thức, đang tỉnh thì không phải là đang chiêm bao. Khi con người nhận thức được “có ta và có sự vật quanh ta, sự vật ấy hôm qua ta đã thấy có, ngày mai chắc sẽ còn thì tại sao lại bảo sự vật ấy không thực có được”. Tạp chí Viên âm đã tiếp tục giải thích:

Có người nghĩ rằng cảnh chiêm bao do thức tâm biến hiện là một việc dễ hiểu, vì nó chỉ trong một lúc thôi, chứ cảnh vật giữa này, lúc nào ngủ dậy cũng thấy y như ngày trước, sao gọi là không thực có? Tôi xin đáp lại rằng, lắm khi trong giấc chiêm bao, thấy đến 40 năm, 50 năm, trong khi ấy cũng có thức có ngủ, mà cảnh chiêm bao không thay đổi, duy tỉnh dậy, không chiêm bao nữa mới biết là đã chiêm bao. Vậy cảnh vật giữa này có khác chi là cảnh chiêm bao mà cho là thực có? Nếu chúng ta không phân biệt thì còn cái gì là xanh đỏ, là dài ngắn, là thơm thối, là ngọt mặn, là cứng mềm, là nóng lạnh v.v.. trừ cái món phân biệt ấy ra thì còn gì đáng gọi là sự sự vật vật.

Tạp chí Viên âm còn dẫn chứng thêm rằng những sự vật mang tính “nóng lạnh, cứng mềm, ngọt mặn, thơm thối, dài ngắn, xanh đỏ…” đều do sự phân biệt, do thức tâm tưởng tượng của con người tạo thành, nên gọi là “vạn pháp duy thức”.

Trên tạp chí Bát nhã âm số 14 có bài viết Vạn pháp duy tâm của Pháp Bửu, cho thấy tác giả cũng đồng quan điểm nhận thức vạn pháp đều do thức tâm biến hiện, ông đã lập luận rất rõ ràng, sắc bén, giúp con người có cái nhìn sâu sắc hơn về sự kiện này.


Quan điểm “vạn pháp duy thức” ấy của thuyết Duy thức được các nhà nghiên cứu Phật học đồng thuận cao. Bởi Phật giáo cho rằng “vạn pháp duy thức” là để xác minh vạn vật vô thường, là giả huyễn, không đáng để quyến luyến, vọng tưởng. Và khi con người hết vọng tưởng thì mới hết chịu cảnh luân hồi sinh tử khổ đau. Như thế có thể nói duy thức Phật giáo rất triệt để, bởi nhìn nhận từ trời đất, vạn vật cho đến con người đều không thật có.

Nhìn chung, tư tưởng về ngoại giới của Phật giáo thể hiện tập trung ở ba phạm trù: Vô ngã, vô thường và duyên, rồi dẫn đến kết luận “vạn pháp duy thức”. Như vậy, thông qua các phạm trù này, triết học Phật giáo đã bác bỏ quan điểm duy tâm lúc bấy giờ cho rằng thần Brahman sáng tạo ra con người và thế giới. Phật giáo cho rằng sự vật và con người được cấu thành từ các yếu tố vật chất và tinh thần. Các sự vật hiện tượng thế giới nằm trong quá trình liên hệ, vận động, biến đổi không ngừng và nguyên nhân của sự vận động, biến đổi nằm trong các sự vật. Đó là quan điểm biện chứng về thế giới, tuy còn mộc mạc, chất phác nhưng rất đáng trân trọng.

Nói tóm lại, qua những lập luận của các bài viết trên báo chí về Thượng đế, linh hồn, Cực lạc và địa ngục, cho thấy tư tưởng Phật giáo lúc bấy giờ có hướng giải thích theo nguyên lý khoa học. Tuy nhiên, đến với thuyết duy thức, cái nhìn của Phật giáo đối với ngoại giới còn có phần cách xa khoa học. Bởi vì điều kiện đầu tiên để có khoa học là chấp nhận tính chất khách quan của thế giới, của vạn vật, là khẳng định rằng vạn vật, thế giới tồn tại độc lập với ý thức của con người. Thế nhưng, dù thế nào thì ở Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu TK.XX, các tư tưởng ấy của Phật giáo vẫn có ý nghĩa rất quan trọng về mặt triết học và cả mặt chính trị. Đó là điều hiếm có trong lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.

2.2. TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRÊN BÁO CHÍ PHẬT GIÁO TRƯỚC 1945

Đạo Phật hiện hữu ở đời nhằm chỉ ra cái khổ cho con người hiểu và tìm cách giải thoát những khổ đau trong đời. Phật giáo dạy con người dám nhìn thẳng sự thật của khổ đau để chuyển hóa chúng. Từ đó cho thấy, khi trong mê muội thì thân phận con người thật là bi đát, nhưng khi nhận thức được mình mê muội thì con người có thể hoán cải được hoàn cảnh và cuộc sống của mình.

Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 13


Nhưng làm thế nào để hoán cải? Làm thế nào để chuyển mê thành ngộ? Làm thế nào để chuyển khổ thành vui? Báo chí Phật giáo trước 1945 đã làm sống dậy nhiều triết lý đạo Phật, nhiều tư tưởng đạo đức về cuộc sống nhân sinh nhằm chỉ dẫn phương pháp chuyển mê thành ngộ, chuyển khổ thành vui của con người.

Trong giai đoạn nửa đầu TK.XX, báo chí Phật giáo là một trong những phương tiện chính của công cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, việc truyền bá Phật học luôn được quan tâm hàng đầu. Mục đích chủ yếu là diễn giải các vấn đề kinh điển, giới luật, pháp luận, lịch sử Phật giáo và những bài giảng mang tính chất phổ thông, gắn liền với đời sống hiện thực cũng như nêu lên những ưu tư, trăn trở và đường hướng kêu gọi Chấn hưng Phật giáo. Các tạp chí hầu như có dụng ý lần lượt trình bày những tư tưởng Phật học từ cơ bản đến nâng cao, nhưng tất cả đều quy về một điểm là giúp mọi người tin hiểu đạo Phật một cách đúng đắn, xóa bỏ mê tín dị đoan và đem giáo lý Phật giáo ứng dụng vào đời sống hằng ngày, để cuộc sống được an vui, hạnh phúc. Như lời của tạp chí Duy tâm Phật học, ngay từ số 1 năm 1935 đã khẳng định: “Duy tâm ra đời để cứu rỗi cái đời đảo điên thống khổ, cái trí thức lu mờ, sửa đổi hết thảy những phong tục xấu xa, các điều thành kiến dở dang của xã hội; mưu sao cho nhơn loại yên vui, cõi đời bình tỉnh, từ chốn quê mùa đến nơi khai hóa được biết lý huyền diệu cao sâu của Phật pháp...”.

Những tinh hoa giáo điển mang tính giáo dục trực tiếp đối với con người mà các tạp chí đã thể hiện đều là những bài luận giảng về Phật học và nội dung nói chung chứa đựng những triết lý khuyến thiện trên tinh thần nhân quả - nghiệp báo, từ bi, hiếu đạo và lợi tha theo lời Phật dạy. Những tư tưởng đạo đức ấy đã mở ra cho con người một tầm nhìn sâu rộng về cuộc sống, giúp muôn người hiểu được Phật pháp và thực hành đúng theo chính pháp, ngõ hầu xây dựng đời sống cá nhân và xã hội theo con đường chân, thiện, mỹ.

2.2.1. Khuyến thiện và nhân quả - nghiệp báo


Thuyết nhân quả - nghiệp báo của nhà Phật, nói đủ là nhân - duyên và quả, là một triết lý mang tính khoa học, thể hiện quy luật tự nhiên của vũ trụ, không mang tính chất hình thức của sự thưởng phạt từ một đấng quyền năng nào. Đức Phật khám


phá triết lý nhân quả cũng chính là khám phá triết lý khoa học tự nhiên để áp dụng tu hành, khuyên người làm điều thiện hầu đạt đến giác ngộ, giải thoát.

Theo đạo Phật, vũ trụ nhân sinh chuyển biến vận hành theo lý duyên khởi, hệ quả hình thành một quy luật chung, đó là luật nhân quả. Vì vậy, xét về góc độ khoa học, từ nhân đến quả là sự chuyển biến tự nhiên. Nó vận hành một cách âm thầm và chi phối cả đời sống vật chất, vật lý, sinh lý và tâm lý. Con người đến với Đạo Phật, học hiểu đạo lý và cụ thể là thực nghiệm triết lý nhân quả - nghiệp báo để chuyển hóa tâm thức bớt những đắm nhiễm, đam mê vật chất, biết làm điều lành thì mới có thể sống tự tại trước mọi hoàn cảnh.

Trên tạp chí Quan âm có rất nhiều bài viết về triết lý nhân quả - nghiệp báo của đạo Phật, qua đó khuyên người bỏ ác làm lành. Ứng dụng từ triết lý ấy, tạp chí Quan âm đã đi đến kết luận chi tiết về quy luật sống trên đời: “Làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ”, ấy là câu của người đời thường nói... “Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ. Nghĩa là dẫu cách trăm ngàn kiếp, cái nghiệp làm khi trước cũng không mất, đến lúc nhân duyên gặp gỡ, thì quả báo trở lại mình phải chịu lấy” [M, số 31].

Theo tạp chí Quan âm, những điều lành hay ác mà con người đã tạo ra không bao giờ mất đi. Khi đủ duyên chúng sẽ trổ ra quả khổ hay vui tương ứng với nhân ác hay thiện do con người đã tạo nhân từ trước, đây gọi là nghiệp báo. Từ đó, tạp chí Quan âm để lại cho con người bài học quý báu là nên làm điều lành để có quả báo tốt cho cuộc sống của mình ở hiện tại và tương lai.

Báo Đuốc tuệ cũng cho đăng nhiều bài viết về triết lý nhân quả - nghiệp báo với nhiều nội dung đa dạng. Ngay từ số 5, Trần Thúc Cáp đã nói rất rõ về Thuyết nhân quả báo ứng bằng cách so sánh với đạo Khổng, để qua đó nhắc nhở con người giữ gìn ý tưởng của mình:

Nhân là thế, quả là thế. Nay ta muốn tạo được thiện nhân để gặp được thiện báo, để kiếp sau không phải đọa vào Tam đồ thì làm thế nào? Đạo Phật cũng như đạo Khổng, đạo Khổng nói: Muốn tu thân trước hết phải


thành ý. Đạo Phật cũng thế, muốn được chính giác, trước hết phải nghiêm giữ ý hạnh. Ý hạnh có ba điều nghiêm cấm: 1. Tham, 2. Sân, 3. Si...

Quả thật, nhân quả ở đời không sai lạc bao giờ. Nếu muốn không gặp cảnh khổ đau ở hiện tại và tương lai, chúng ta nên biết tạo điều lành. Muốn làm được điều lành, trước hết phải ngăn chặn tâm niệm vọng tưởng phát khởi do tham, sân, si của mình. Đây chính là ba nhân tố nguy hiểm, dẫn dắt con người làm những điều trái đạo đức, hại mình hại người và sẽ phải chịu quả báo xấu về sau. Cái quả báo về sau ấy, trong Phật giáo gọi là “nghiệp” hay “nghiệp báo”. Nguyễn Văn Oánh đã giải thích rất rõ về yếu tố nghiệp này trong Đuốc tuệ số 28 về Thuyết nghiệp báo. Tác giả cho thấy muôn loài có sinh thì phải có diệt, không có cái gì là sống bền vô hạn được. Trời đất, vũ trụ cũng theo lệ ấy, một ngày kia sẽ diệt đi rồi lại sinh ra. Sinh là nói chúng sinh vì lòng điên đảo, vọng tưởng gây ra phiền não, tạo thành nghiệp, rồi theo nghiệp mà hiện ra để chịu quả báo do hành vi đời trước gây tạo.

Ngoài ra, trong Đuốc tuệ số 152, ra ngày 15.3.1941, Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh người sống trong đời, nếu không biết lý nhân quả thì rất dễ rơi vào tình trạng lo buồn trước cảnh chia lìa, xa cách hay sự thay đổi bất ngờ nào đó. Tác giả lý giải rằng vô vàn sự lo sợ của muôn vạn người đều khác nhau, song nhìn chung, ai ai cũng đều do nguyên nhân tham sống mà có, đặc biệt là những gia đình đông đảo, sự lo sợ càng nhiều hơn, người này lo cho người nọ, chồng lo vợ, cha lo con, nếu gặp khi tai biến xảy ra, thảm trạng đau lòng khó tả cho hết được. Người học Phật đã rõ lý nhân quả, hãy tin nơi việc của mình làm. Một việc ta lo sợ mà nhân ta không làm thì thế nào cũng không xảy đến, nên lo sợ cũng vô hiệu quả. Phật dạy rằng: “Người tu hành không bao giờ sợ quả mà chỉ sợ nhân”. Hiểu lý nhân quả như vậy, con người đã không sợ may rủi xảy ra, mà tâm hồn còn được an vững và bao giờ cũng lo gieo nhân lành. Như thế, đời người trong hiện tại được ít khổ mà còn hưởng phúc báo về tương lai.

Để khẳng định lại giá trị của luật nhân quả và chỉ cho con người phương hướng thoát khổ báo, Tâm Ấn đã trình bày tiếp Thuyết nhân quả của Phật giáo trong Đuốc tuệ số 157. Ông khuyên con người phải biết tin chắc chắn rằng những nghiệp nhân bởi thân, miệng và ý đã hành động, thì sau này sẽ trả lại nghiệp quả


cho ta. Những nghiệp quả ta đương gánh chịu là do trước kia ta đã tạo nhân, chứ không phải tự nhiên vô cớ hay ai thưởng phạt ta. Vì thế chúng ta không nên oán trách ai.

Với bài viết Thiện ác đăng ở Đuốc tuệ số 158, Nhàn Vân Đình cũng đã giải thích rõ những nghiệp báo mà con người thọ nhận thì có thiện và ác. Nếu làm điều lành thì con người đi theo nghiệp tốt, còn làm điều xấu sẽ chịu nghiệp không tốt. Tác giả còn giải thích thiện là làm việc lành, việc phải, hộ vệ cho thần công lý và đưa người ta đến cõi tốt đẹp. Ác là làm việc dữ, việc xấu, trái với lương tâm và đưa người ta tới cõi xấu. Hễ làm thiện thì được nhẹ nghiệp, kinh gọi là Bạch nghiệp (nghiệp trắng), cho nên nổi lên con đường thiện. Hễ làm ác thì phải nặng nghiệp, kinh gọi là hắc nghiệp (nghiệp đen), cho nên chìm xuống con đường ác.

Trong cuộc sống, đôi lúc có nhiều người biết luật nhân quả hay thắc mắc về sự hình thành và diễn tiến của luật nhân quả từ quá khứ, hiện tại đến tương lai như thế nào. Điều này đã được Từ bi âm số 4, ra ngày 15.2.1932 trình bày khá rõ với tiêu đề Luận về Nhơn quả. Từ bi âm dẫn chứng trong sách Nhơn Quả Lục nói rằng: “Yếu tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, yếu tri hậu thế quả, kim sanh tác giả thị”. Nghĩa là: Muốn biết sự tạo nhân của ta đời trước, phải xem quá trình hưởng thọ của ta đời nay mới rõ; muốn biết kết quả của ta đời sau, phải xem hành động của ta đời nay mới hiểu. Ví như đời nay được sang giàu thì biết đời trước đã làm lành, nên được phước báo; còn đời nay bị cực khổ thì biết đời trước đã làm dữ, nên mắc tội báo.

Viên âm số 41, ra ngày 1.9.1933 còn nhấn mạnh hơn diễn biến chắc thật của luật nhân quả, giúp con người không còn thấy nghi ngờ gì, bởi Giải Quán đã nói nhân quả theo nhau “như bóng theo hình”: “… Chúng ta phải biết rằng kết quả “khổ” với “lạc” là do ta tạo nhơn “thiện” với “ác” như hình với bóng đeo đuổi lẫn nhau, hễ hình ngay thì bóng thẳng, hình vạy thì bóng cong, lý vốn như thế rõ ràng, không sai một mảy. Vậy nên gọi rằng: Như bóng theo hình”.

Quả thật, nhân quả - nghiệp báo là triết lý căn bản của Phật giáo. Như Nguyễn Lang đã nói “quan niệm “làm lành gặp lành, ở ác gặp ác” của Phật giáo dĩ nhiên được chấp nhận dễ dàng trong tín ngưỡng dân gian Giao Chỉ” [65, tr.49-50].


Ông còn khẳng định: “Trong bối cảnh tín ngưỡng văn hóa kia, đạo Phật đã được mang vào Việt Nam. Thuyết nhân quả nghiệp báo phù hợp với quan niệm ông trời trừng phạt kẻ ác, ban thưởng người lành” [65, tr.46].

Như vậy, báo chí Phật giáo trước 1945 đã khơi lại con đường xây dựng hạnh phúc bằng triết lý nhân quả - nghiệp báo của đạo Phật và điều này đã được đề cập, lý giải rất nhiều qua các số báo. Từ triết lý nhân quả - nghiệp báo ấy, báo chí Phật giáo lúc bấy giờ đã chuyển tải đến con người bức thông điệp đạo đức cao quý là “khuyến thiện”. Tức là khuyên con người hiểu được rằng những hành động của con người tạo ra là do ý điều khiển, ý làm chủ, từ đó phát khởi ra những hành động từ miệng và thân. Những hành động đó tạo thành nghiệp và phải thọ nhận quả báo về sau, tùy theo nghiệp lành hay dữ. Cho nên, nếu ai muốn sống đời an vui, hạnh phúc thì nên làm mọi điều lành, có lợi ích cho mình và người trong hiện tại và tương lai.

Trong cuộc sống, nếu con người hiểu được luật nhân quả - nghiệp báo, sẽ vui vẻ đón nhận những khổ đau bất thường xảy đến với mình như một kết quả do chính mình tạo nhân từ trước. Từ đó suy nghiệm ra, lý nhân quả chi phối cả vũ trụ nhân sinh. Nếu tin sâu nhân quả - nghiệp báo, chúng ta sẽ được thăng hoa trên đời sống tâm linh, trở nên hiền thiện đạo đức. Ngược lại, nếu không tin nhân quả - nghiệp báo, cuộc sống chúng ta trở nên liều lĩnh và càn bừa, bất chấp hậu quả.

Có thể nói, đạo lý nhân quả - nghiệp báo là phương pháp giáo dục phổ thông của đạo Phật. Khi chúng ta làm một việc sai quấy, có hại cho người khác, có khi trốn được tòa án ở thế gian nhưng không trốn chạy được chính lương tâm của mình. Nó chính là gương nghiệp in bóng trước đài, là quan tòa xử án công minh cho những hành vi tội lỗi nơi bản thân. Giáo dục về nhân quả giúp chúng ta sửa đổi tính xấu nơi lương tâm chứ không phải giúp ta trốn chạy trước pháp luật bên ngoài. Nhân quả nhà Phật chú trọng đến động cơ luận hơn là kết quả luận, phòng cháy chứ không chờ chữa cháy. Giáo dục của đạo Phật là giáo dục từ ban đầu khi khởi tâm niệm bất thiện, trước khi xảy ra điều tệ hại, khuyên mọi người ăn hiền ở lành. Người hiểu biết nhân quả, tội phước, thì tự nhiên trở thành người tốt. Một người ác có thể trở thành người hiền, một người xấu có thể trở thành người tốt.


Nói chung, những ai có chính kiến về triết lý nhân quả, chắc chắn đời sống sẽ được thăng hoa, vì lúc bấy giờ mọi suy nghĩ, nói năng và làm điều gì đều hướng theo con đường thiện, có lợi cho mình, cho người mà không nghĩ điều quấy, nói lời xấu hay làm việc ác. Tư tưởng đạo đức “khuyến thiện” từ triết lý nhân quả - nghiệp báo này được báo chí Phật giáo trước 1945 khẳng định lại một cách rõ ràng, chuẩn xác, giúp con người sống trong xã hội đương thời biết cách đối nhân xử thế, làm đẹp bản thân, gia đình và xã hội, theo tinh thần:

“Không làm mọi điều ác Thành tựu các hạnh lành Tâm ý giữ trong sạch Chính lời chư Phật dạy”.

[12, Pháp Cú 183].


2.2.2. Từ bi


Tính nhân bản của đạo Phật là làm cho con người phát huy tất cả những tính người cao đẹp và loại trừ mọi bản năng thấp kém, hèn hạ. Con đường thành Phật không gì khác hơn là con đường hoàn thiện những đức tính vốn đã tiềm ẩn trong con người bình thường như: trí sáng suốt, lòng nhân ái, tính tích thiện trừ ác, tâm kiên định, lòng hy sinh,... và xóa bỏ hẳn tất cả những gì làm cho con người bị ràng buộc, bị tha hóa, bị hạ thấp, bị mất phẩm cách: tính ích kỷ, lòng ghen tỵ, sự giận dữ, sự si mê, sự tham lam chiếm đoạt mất hết lương tri,... Cuộc đời này trở nên hỗn loạn khổ đau cũng vì những tính tiêu cực đó.

Báo chí Phật giáo thời bấy giờ hầu như thể hiện được tinh thần ấy của đạo Phật, bằng cách khơi dậy và đưa ra nhiều tư tưởng sống đạo đức, để hướng con người thực hiện những nhân cách đạo đức của một con người hoàn thiện và hơn thế nữa là những thể tính của bậc Thượng nhân. Thể tính tiêu biểu và cao cả nhất có thể nói là lòng từ bi.

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang [8, tr.4906-4907] giải thích: Thương yêu và cứu giúp, đây là tinh thần cơ bản nhất của Phật giáo. Từ là yêu thương chúng sinh và ban cho họ sự an lạc (dữ lạc). Bi là đồng cảm với sự đau khổ (bạt khổ) của

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/09/2023