Vấn Đề Cảnh Giới Cực Lạc Và Địa Ngục


nặng sẽ lôi mình trước. Cho đến khi nào hành giả tu tập đạt được thánh quả như A la hán, Phật, hay Bồ tát ở địa vị không thối chuyển này, thì vòng luân hồi chấm dứt. Lúc bấy giờ vấn đề sinh và tái sinh là do nguyện lực chứ không phải là do sự thúc đẩy của nghiệp lực nữa.

Từ đó cho thấy, với những luận giải trên tạp chí Viên âm Tiến hóa phần nào đã chứng minh được những tư tưởng Phật giáo tiến bộ đối với cái nhìn của khoa học. Riêng HT. Bích Liên trên Từ bi âm và HT. Khánh Hòa trên Duy tâm Phật họccó nhắc đến A lại da thức và nghiệp thức đi đầu thai là đã có cái nhìn đúng với triết lý Phật giáo. Tuy nhiên để kết luận, cả hai vị đều cho đó là linh hồn, là có linh hồn tồn tại thì không chính xác. Vì vậy, cái được tạp chí Viên âm gọi “cái ấy” chính là A lại da thức, là Thức hay Nghiệp thức đều đồng nghĩa nhau và tất cả đều do vô minh từ vô thỉ mà có. Nó là vọng thức, luôn luôn vận hành, biến đổi theo hoàn cảnh và hành tác của một người, và là động lực khiến chúng sinh đi đầu thai, trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Nếu biết tu tập, Thức sẽ biến thành Trí tuệ tuyệt đối, thành giải thoát tối hậu, chấm dứt sinh tử, chứng đạt Niết bàn.

2.1.3. Vấn đề cảnh giới Cực lạc và địa ngục


Có thể nói, ngoài hai vấn đề nêu trên, đạo Phật vẫn còn nhiều vấn đề triết lý sâu xa trong thời kỳ Chấn hưng Phật giáo thập niên 1930-1940, được tăng già và các nhà cư sĩ Phật học đưa ra nghiên cứu, thảo luận: “Có hay không có Tây phương Cực lạc? Có hay không có cảnh giới địa ngục?”... Những sự kiện này đã được báo chí Phật giáo bàn luận rất phong phú trong tinh thần đối thoại thẳng thắn, kể cả những buổi thuyết giảng, tạo nên sinh khí mới trên diễn đàn Phật giáo đấu tranh giữa những trào lưu có tư tưởng tiến bộ và lạc hậu.

Người đầu tiên bàn luận về vấn đề Cực lạc và địa ngục có thể nói là sư Thiện Chiếu. Ông đã khẳng định lập trường của mình trong sách Phật giáo vấn đáp rằng cảnh Niết bàn, Cực lạc không phải là không có gì hết. Niết bàn nghĩa là “tắt”, cũng như gió thổi lửa tắt, tắt là tắt vọng tâm, không bám theo giả tướng mà trở về bản thể “Chơn tâm”. Niệm Phật để dứt vọng tâm, đừng nên hiểu lầm rằng niệm Phật sẽ được Phật rước về Tây phương Cực lạc, để rồi cố niệm chuỗi này qua chuỗi nọ mà


lòng tham lam, độc ác vẫn còn. Nếu ỷ lại có Phật rước mà vọng tâm không dứt trừ, thì dù có niệm Phật trăm ngàn kiếp cũng vẫn ở trong luân hồi sinh tử.

Liên Tôn, chủ bút tạp chí Từ bi âm và nhiều học giả khác đều lên tiếng tranh cãi với cách luận giải đó của Thiện Chiếu. Đây là dịp để Thiện Chiếu luận bàn chi tiết hơn về tư tưởng của mình và hiển nhiên sự tranh luận giữa các tạp chí, tờ báo với mục đích là làm sáng tỏ Phật pháp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.

Liên Tôn hỏi thẳng Thiện Chiếu: “Nếu theo lời sư, “tin Phật rước là sai lầm” thì xưa Phật Thích Ca nói trong kinh Di Đà: “Nếu chúng sinh nào giữ niệm danh hiệu Di Đà thì chư Phật sẽ hiện ra trước mắt”, còn ngài Thế Chí nói trong kinh Lăng nghiêm: “Nay ta ở cõi này mà rước người niệm Phật về nơi Tịnh độ”, chẳng phải là Phật Di Đà nguyện lầm, Đức Thế Chí cũng rước lầm hay sao?”.

Từ đó, Thiện Chiếu đã trả lời cho Liên Tôn rằng thuyết thưởng phạt của tôn giáo quan niệm ai biết làm điều lành, sau khi chết được sinh lên Thiên đường, còn làm điều ác, sẽ bị đọa vào địa ngục thì quả thật rất mơ hồ, chưa thuyết phục. Vì ngay trong đời hiện tại con người đang sống, không có gì chứng minh rõ về cảnh giới Cực lạc và địa ngục. Cho nên nói Thiên đường, địa ngục thật ra chỉ là danh hiệu để chỉ cho sự vui khổ ở đời. Phật giáo nói rằng: “Lòng mê muội thì khổ, ấy gọi là chúng sinh, lòng sáng suốt thì vui, ấy xưng là Phật”. Vậy thì lẽ nào chúng ta phải đợi có Thiên đường mới vui, có địa ngục mới khổ sao?

Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 11

Tiếp đó, Thiện Chiếu đã giải thích cụ thể hơn rằng theo triết lý Phật giáo, Niết bàn không phải là cảnh, là cõi hay là nước của Phật. Nếu để tâm định tĩnh, không mê muội thì được an lạc, đó gọi là Niết bàn, là Cực lạc.

Tạp chí Viên âm đồng ý với Thiện Chiếu về luận điểm này, nên đã để Chỉnh Túc tham gia vào Viên âm số 12, với bài luận Đâu là Thiên đường, địa ngục. Tác giả đã nghiễm nhiên cho rằng: “Người vui thì cảnh buồn cũng hóa ra vui, người buồn thì cảnh vui cũng hóa ra buồn. Hễ tri túc làm lành thì đâu đâu cũng là Thiên đường, tham cầu làm dữ thì đâu đâu cũng là địa ngục. Thế mới biết Thiên đường cũng là tâm, địa ngục cũng là tâm, một tâm mà sinh ra hai lối, chúng ta nên đi lối nào?”.


Đồng với quan điểm này còn có Tri Huyền Tử với bài viết Thiên đường và địa ngục với ngày Rằm tháng bảy đăng trên Quan âm số 31, ra tháng 8 năm 1942: “Phật lại nói: Thiên đường và địa ngục ở tâm ấy, mà Tịnh độ với luân hồi cũng trụ cả nơi tâm ấy”. Từ đó, Tri Huyền Tử lý giải địa ngục với quả địa cầu cũng là sự ảnh hưởng hình phạt, không ở đâu xa. Nếu từng nhà, từng người không sớm lo tu tập theo chính pháp sẽ là kẻ có lỗi. Mọi sự tàn ác, ngược ngạo, trái với lương tâm là cái gốc tội báo, vì nó vốn tích tụ nơi tâm. Muốn phá địa ngục để được an vui chốn Thiên đường thì hãy tự phá địa ngục ở ngay tâm mình, bởi sự luân chuyển địa ngục hóa ra Thiên đường ở ngay trước mắt thế gian mà thôi.

Như vậy, theo Thiện Chiếu cũng như tạp chí Quan âm Viên âm cho rằng các cảnh giới Cực lạc hay địa ngục là do chính tâm mình tạo ra và ngay ở thế gian này mà không phải do ai tạo hết. Chỉ cần con người nói, làm, suy nghĩ với tâm tốt thì sẽ được sống vui vẻ, hạnh phúc ở cõi Tịnh độ thế gian. Bằng ngược lại, con người sống với tâm bất thiện, không chịu sửa bỏ lỗi lầm thì nhất định sẽ sống khổ đau trong cõi địa ngục trần gian. Nhân duyên quả báo rõ ràng, tất cả tội phước đều do mình tạo ra và do chính mình nhận lãnh.

Tuy nhiên, về phía Liên Tôn, cũng có nhiều học giả ở tạp chí khác ủng hộ quan điểm cho rằng có cảnh giới Cực lạc hay địa ngục ở nơi nào đó. Trong tạp chí Bát nhã âm số 23, Giác Quang đã đưa ra bài luận Phải tin về pháp Tịnh độ, xác định phương pháp tu Tịnh độ một cách đúng đắn: “Người không có đức tin thì chẳng hề thưởng thức đặng lối kết quả mỹ mãn. Người chẳng tin thì mỗi mỗi hành vi cử chỉ gì chẳng hề để vào trong ký ức. Than ôi! Như thuyết Tịnh độ đây do đâu mà chẳng tín vậy? Sao gọi là Tịnh độ? Cõi Tịnh độ đây là cõi thế giới Cực lạc ở phương Tây…”.

Cùng với pháp tu Tịnh độ, tác giả Minh Lý với bài viết Dứt tất cả nghiệp chướng đặng sanh về Tịnh độ đăng trên tạp chí Bát nhã âm số 14, ra ngày 15.4.1939 đã một lần nữa nêu bật giá trị của pháp môn này, với mục đích giúp người học Phật có cái nhìn đúng đắn và cụ thể hơn. Tuy cách nhìn này của ông có phần phiến diện, nhưng cũng đã bày tỏ được tư tưởng của mình về cảnh giới Tịnh độ. Ông cho rằng cũng vì nghiệp chướng làm cho chúng sinh hệ lụy vào ba cõi, trôi lăn trong sáu nẻo


luân hồi, chịu nhiều khổ đau trong vòng sinh tử. Chỉ có sự tu hành, noi theo Tịnh độ chính tông thì mới mong thoát khổ.

Trên Duy tâm Phật học số 5, có đăng bài giảng của Phạm Chơn Trí. Ông đã kể lại chuyện Phật Thích Ca nói về cảnh Cực lạc rất thú vị: “Từ đây qua đến Tây phương cách mười muôn ức thế giới của Phật, có một thế giới kêu là Cực lạc, thế giới ấy có một vị Phật hiệu là A Di Đà hiện nay đang thuyết pháp. Những chúng sinh ở cõi đó thì không có các điều khổ, chỉ hưởng các điều vui, không phiền não thống khổ, cho nên thế giới ấy gọi là Cực lạc (tột sự vui)”.

Ngay từ Đuốc tuệ số đầu tiên ra ngày 10.12.1935, đã có sự đóng góp của Nguyễn Trọng Thuật. Ông cũng khẳng định tư tưởng cho rằng có cảnh giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Tiếp đến số 129 của Đuốc tuệ, ra tháng 4 năm 1940 còn có bài viết tả cảnh Tây phương Cực lạc chi tiết và giống như thật. Trong đó nói rằng chúng sinh sống lâu vô cùng, muốn gì có nấy v.v.. Chúng sinh ở đó không ai lấy của ai, không ai dâm dục, giận dữ, ngu si, kiêu mạn, khổ não; không ai đói khát, tiếng nói của mọi người đều thanh nhã. Về cây cảnh thì luôn đầy hoa quả, gió thổi vào là phát ra âm nhạc, chúng sinh hòa hợp, bàn giảng chính pháp. Mặt đất bằng phẳng như tâm của chúng sinh phẳng lặng. Muốn qua nước Tịnh độ, muốn về xứ Tây phương Cực lạc thì dễ lắm, chỉ cần lúc nào cũng đọc sáu chữ: Nam mô A Di Đà Phật!

Trên Đuốc tuệ số 29, Lê Đình Hoa cũng bênh vực cho tư tưởng này. Ông cho biết ý suy nghĩ là ý nghiệp, thân hành động là thân nghiệp và miệng nói năng là khẩu nghiệp. Nếu để ba nghiệp theo con đường ác thì sẽ sinh vào địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh; nghiệp trung bình thì sinh ra làm Người, làm Tu la (Quỷ thần); còn tạo nghiệp lành thì được sinh lên cõi trời, cõi Cực Lạc an vui.

Nhàn Vân Đình cũng tham gia trong Đuốc tuệ số 158 qua bài Thiện ác. Ông tiếp bước người trước, cũng khẳng định nếu làm điều lành thì con người đi theo nghiệp tốt, còn làm điều xấu thì chịu nghiệp không tốt: “Hễ làm thiện thì được nhẹ nghiệp, kinh gọi là bạch nghiệp (nghiệp trắng), cho nên nổi lên mà lên con đường thiện… Hễ làm ác thì phải nặng nghiệp, kinh gọi là hắc nghiệp (nghiệp đen), cho nên chìm xuống mà xuống con đường ác…”.


Với tư tưởng đó, trên tạp chí Từ bi âm số 47, ra ngày 1.2.1933 có HT. Chánh Tâm đã nói về Bốn mươi tám lời phát nguyện của Phật A Di Đà, nhằm chỉ cho tín đồ con đường tu tập sinh về Cực lạc theo Phật A Di Đà.

Tạp chí Tam bảo cũng rất quan tâm về sự kiện có hay không có cảnh giới Cực lạc và địa ngục, nên ngay từ số 1, ra ngày 15.1.1937, tạp chí đã lý giải:

Phật ta vì thương chúng ta ngu dại, nên lấy cái lòng từ bi quảng đại, dạy ra đủ pháp năm thừa, 1. Nhơn thừa, dạy người giữ năm điều giới cấm, thời đời đời kiếp kiếp, thường được thân người, khỏi đọa về loài khác; 2. Thiên thừa, dạy người tu mười nghiệp thiện, tức tâm đừng tham đừng sân, đừng mê dại. Thân đừng sát hại, đừng trộm cắp, đừng tà dâm; miệng đừng láo xược, đừng thêu dệt, đừng đâm thọc, đừng nói hung dữ, nhơ nhớp, thời báo thân được sanh về cõi trời. Còn ba thừa sau là Phật dạy người do thanh văn thừa, duyên giác thừa mà tu tới Bồ tát thừa, dứt luôn nghiệp sanh tử luân hồi, về cảnh Tịnh độ, chứng thành Phật quả, rồi trở ra độ chúng sinh...

Có thể nói, khi bàn về thế giới, cảnh giới, đã có rất nhiều kinh điển Phật giáo đề cập đến tam thiên đại thiên thế giới, vô lượng vô biên thế giới, hằng hà sa số thế giới. Địa ngục chỉ là một trong sáu cảnh giới của cõi Dục (Trời, A tu la, Người, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục) thuộc thế giới Ta bà. Tùy theo nghiệp lực của mỗi chúng sinh mà tái sinh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp lực của mình. Mỗi cảnh giới mà chúng sinh thọ dụng phải đầy đủ ba yếu tố là vị trí, thân tướng và tâm thức.

Địa ngục là một trong những cảnh giới mà kinh điển thường nói đến, nơi đó chúng sinh phải chịu khổ cùng cực mà không ở đâu có thể sánh bằng. Vị trí địa ngục, theo kinh Địa Tạng thì nằm ở phương Đông của cõi Diêm Phù Đề 3 , có núi Thiết Vi (bao bọc bằng sắt) trong đó tối om, ánh sáng mặt trời mặt trăng không soi tới. Trong núi ấy, gồm những địa ngục lớn, nhỏ… tùy theo tính chất của những nghiệp ác đã tạo mà người ta sẽ bị chiêu cảm vào những cảnh địa ngục khác nhau.



3 Diêm Phù Đề: Theo Từ điển Phật học Huệ Quang (tập II, tr. 1078): Cõi nước có trồng nhiều cây Diêm Phù và sản xuất ra vàng Diêm Phù đàn. Theo Luận Câu xá 11, trong 4 đại châu lớn, chỉ châu này có tòa Kim cương, tất cả Bồ tát sắp thành Chính giác đều ngồi tòa này… Theo trên thì biết, Diêm Phù đề vốn chỉ cho Ấn Độ, về sau chỉ chung cho thế giới nhân gian.


Chúng ta nhờ tạo nghiệp nhân làm người nên được sinh làm người, còn những chúng sinh nào tạo nghiệp nhân địa ngục thì bị đọa đày trong địa ngục v.v.. Đây là một sự thật của định luật nhân quả - nghiệp báo, vì theo Phật giáo, trước hết có thể hiểu địa ngục là một cảnh giới, một cõi sống cụ thể, không phải là ẩn dụ hay biểu tượng.

Nếu như chúng ta tạo nhiều nghiệp ác là đã tự chọn lấy con đường vào địa ngục, thì cũng không ai khác có thể cứu chúng ta ra khỏi địa ngục ngoài việc tự tâm chúng ta biết thay đổi, hướng về điều lành. Mỗi một niệm lành khởi lên sẽ giúp người ta rời xa dần các cảnh địa ngục, giảm nhẹ các hình phạt khổ não mà họ đang thọ nhận.

Cho nên, nếu đứng trên lập trường duyên khởi có thể nói địa ngục hay vạn pháp đều không thật có, là “không”, như “huyễn”, hay qua lăng kính “Tam giới duy tâm” thì có thể nói địa ngục hay Cực lạc là tùy theo trạng thái tâm mình đau khổ hay hạnh phúc, nhưng điều ấy chỉ đúng về phần “lý” trong quan điểm về cảnh giới mà thôi. Đức Phật khi thuyết minh về cảnh giới bao gồm “lý” và “sự” rất rõ ràng. Đạo Phật chủ trương “sự lý” phải viên dung, tánh tướng không hai. Như nước và sóng không thể tách rời ra được. Thiên về lý mà bỏ quên sự sẽ dẫn đến những ngộ nhận đáng tiếc, nhất là sự phá kiến, không tin nhân quả, phủ nhận tội phước.

Thế nào gọi là “sự Cực lạc”? Sự là hình tướng, là những hiện tướng bên ngoài mà chúng ta có thể thấy biết được. Dựa theo kinh A Di Đà do đức Phật Thích Ca đã giới thiệu và diễn tả về cảnh giới Tây phương Cực lạc, chúng ta tin chắc có cõi Cực lạc, có Phật A Di Đà làm giáo chủ và có các hàng Thánh chúng cũng như như những vị đã được vãng sinh về nơi đó. Nhờ tin chắc như vậy nên chúng ta cố gắng nương vào danh tướng sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” mà trì niệm. Do niệm chuyên nhất lâu ngày nên được thuần thục, đạt được nhứt tâm bất loạn. Như thế, chắc chắn khi lâm chung, chúng ta sẽ được vãng sinh về Cực lạc.

Thế nào là lý Cực lạc? Lý là bên trong, thuộc về tâm thể, chúng ta không thể dùng mắt thường để thấy được. Tâm thể nầy mỗi người đều sẵn có. Đây là một thực thể bất sinh, bất diệt, còn gọi là chơn tâm hay lý tính. Khi chúng ta nhiếp tâm niệm hồng danh Phật và lúc đó tâm ta an trụ vào câu Phật hiệu, không khởi nghĩ việc gì


khác, nghĩa là không khởi ý nghĩ về hai bên: có không, phải trái, tốt xấu v.v.. thì khi đó tự tánh Di Đà hay Duy tâm Tịnh độ hiện tiền. Như vậy sự và lý không có hai. Tuy không hai, nhưng nói một cũng không được. Ví như nước trong không ngoài nước đục mà có. Muốn có nước trong, ta phải chịu khó lọc cặn bã. Khi cặn bã không còn, chất nước trong hiện ra. Trong nhà Phật thường nói: “nương sự hiển lý hay tức lý hiển sự là vậy”. Sự và lý phải dung thông. Nước đục là dụ cho sự, nước trong là dụ cho lý. Thế thì, lý không ngoài sự và sự không ngoài lý mà có. Do khi tu tập, chúng ta chưa thể nhập được lý tính, nên cần phải nương vào sự tướng.

Cực lạc (Niết bàn), theo kinh điển Phật giáo định nghĩa gồm có hai phương diện [9, tr.2833]:

- Hữu dư y Niết bàn: chỉ cho người đã đạt đến cảnh giới thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, nhưng nhục thể vẫn còn tồn tại.

- Vô dư y Niết bàn: là cảnh giới vĩnh viễn, phần nhục thể không còn hiện hữu nữa.

Nếu đứng về phương diện lý luận mà nói thì Vô dư y Niết bàn là cảnh giới trên Hữu dư y Niết bàn. Vì còn có thân thể thì dù tâm có muốn thoát ly già, bệnh, chết cũng không tránh khỏi những nhược điểm của phần nhục thể. Cho nên, chỉ khi nào trút bỏ cả phần nhục thể thì mới vĩnh viễn an toàn.

Song, đây chỉ nói về phương diện lý luận mà thôi, nếu theo ý nghĩa tôn giáo thực tế mà nói thì Đức Phật lại coi trọng Hữu dư hơn Vô dư. Vì Đức Phật đã tự thể nghiệm Niết bàn vĩnh viễn ngay trong hiện tại, và muốn cho chúng sinh cũng thể nghiệm được như Ngài.

Do vậy, có thể nói, đối với bậc Giác ngộ, thành tựu tuệ giác Bát nhã thì vạn pháp đều “không”, còn đối với chúng sinh nói chung, nghiệp lực nặng nề, vô minh che lấp thì vạn pháp đều “có”.

Như vậy, theo tư tưởng Phật giáo vẫn cho rằng có cảnh giới địa ngục và Cực lạc, nhưng phải hiểu trên lập trường vạn pháp hết thảy đều do nhân duyên sinh, ngoài nhân duyên ra không có một vật gì tồn tại. Hơn nữa, chính Phật và các đệ tử của Ngài cũng thường ví dụ Vô dư y Niết bàn ví như ngọn đèn, hễ “dầu hết thì lửa


tự tắt”. Và cứ theo ví dụ ấy mà suy ra thì không thể bảo Niết bàn là hư vô được. Cảnh giới Vô dư y Niết bàn là cảnh giới tuyệt đối vắng lặng, vĩnh viễn bất động: vì nó là đương thể của pháp tính tuyệt đối, của ý chí tuyệt đối. Nhưng, nếu đứng trên lập trường hiện tượng giới mà nhận xét thì đó chẳng qua chỉ là thực hiện cái lý tưởng “ẩn mất không hiện” trong mắt chúng sinh.

Nói chung, học thuyết về nghiệp là chu kỳ của sự tạo tác và hình thành của tâm cùng vật, đặt căn bản trên giáo lý nhân quả, tác động và chi phối sự hiện hữu của chúng sinh. Chủ thuyết “không” trong đạo Phật chỉ là sự từ chối của bản ngã bất biến đã gây nên đau khổ cho con người. Ngược lại, nó là một giáo lý giải thoát hoặc Niết bàn, là trạng thái hủy diệt hoàn toàn của tham, sân, si, hủy diệt những khổ đau của ngọn lửa dục vọng đang thiêu đốt chúng sinh. Tuy nhiên, theo triết lý rốt ráo của đạo Phật, Niết bàn không phải là cảnh giới có chủ thể và đối tượng, vì vậy nó không đồng với hình thức và ý tưởng tạo lập của một đấng vĩnh hằng.

Trường hợp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ròng rã sáu năm trời chuyên tâm đoạn trừ phiền não mà chưa thể thành công, nhưng chỉ ngồi tĩnh lặng tư duy trong khoảng bốn mươi chín ngày thì đạt đến giác ngộ, là vì trong thời gian chuyên tâm tiêu diệt phiền não đã không còn dính líu đến sinh, già, bệnh, chết. Trên cơ sở này, từ ngữ Niết bàn không phải chỉ có nghĩa là dập tắt”, nó được dùng để biểu thị cái cảnh giới “diệu lạc tối cao”, là “Hữu dư y Niết bàn”.

Như vậy, những luận giải trên của Đuốc tuệ, Bát nhã, Tam bảo, Từ bi âm cho rằng có cõi Cực lạc và địa ngục hay những luận giải của Thiện Chiếu, Viên âm Quan âm đều không trái với triết lý Phật giáo. Do báo chí lúc bấy giờ không có lập trường thấu đáo cả hai mặt “lý” và “sự” nên xảy ra sự tranh luận. Thật ra, nếu muốn sinh về Cực lạc thì cũng phải chuyên tâm làm điều lành, dứt mọi vọng tưởng, như trên Đuốc tuệ số 129 nói chỉ cần nhất tâm niệm Phật A Di Đà, vì lúc ta chuyên tâm niệm Phật A Di Đà thì mọi vọng tưởng không có cơ hội khởi sinh. Điều này cũng không khác gì quan niệm bên phía Thiện Chiếu cho rằng khi tâm an lạc thì đó là Cực lạc, bởi theo ý Thiện Chiếu, nếu tâm muốn an lạc cũng phải dứt trừ vọng tưởng, dứt trừ phiền não.

Xem tất cả 270 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí