Quan Niệm Về Trách Nhiệm, Trách Nhiệm Đạo Đức


hội xác định khoảng lựa chọn. Dải đó còn phụ thuộc cả vào các điều kiện hiện thực hóa tự do, vào các hình thức hoạt động xã hội đã định hình, vào trình độ phát triển của xã hội và vị thế của con người trong hệ thống xã hội.

Tự do là phương thức tồn tại đặc thù của con người gắn với khả năng của nó lựa chọn quyết định và thực hiện hành vi phù hợp với các mục đích, các lợi ích và những đánh giá của mình dựa trên việc nhận thức được các quan hệ và thuộc tính khách quan của sự vật, các tính quy luật của thế giới xung quanh.

Tự do có ở nơi có trách nhiệm. Chỉ có tự do lựa chọn mới sinh ra trách nhiệm của cá nhân trước quyết định và những hành vi là hệ quả của nó. Tự do và trách nhiệm là hai mặt của họat động tự giác của con người. Tự do sinh ra trách nhiệm, trách nhiệm định hướng cho tự do.

2.1.2. Quan niệm về trách nhiệm, trách nhiệm đạo đức

Trách nhiệm nói chung và trách nhiệm đạo đức nói riêng, xét về mặt thuật ngữ đều xuất hiện khá muộn. Mặc dù kể từ khi con người bước vào giai đoạn lịch sử thành văn, tức là tồn tại với tư cách một cộng đồng, một xã hội thì cũng là lúc con người bắt đầu hình thành ý thức và hành vi trách nhiệm. Tại Việt Nam hiện nay trách nhiệm, trách nhiệm đạo đức là những từ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày khá nhiều, nhưng trong nghiên cứu để làm rõ nội hàm của những thuật ngữ trên lại là vấn đề tương đối mới.

- Khái niệm trách nhiệm

Theo một số học giả, trong văn hóa phương Tây, thuật ngữ trách nhiệm “là sản phẩm của thời hiện đại”, tức là thời cách mạng công nghiệp thế kỷ XVII - XVIII. Tuy nhiên, những nội dung của thuật ngữ này đã xuất hiện từ rất lâu trước đó dưới dạng các khái niệm như bổn phận, nghĩa vụ…

Trong nhiều trường hợp người ta định nghĩa khái niệm nghĩa vụ thông qua khái niệm trách nhiệm. Theo quan niệm thông thường, “nghĩa vụ được quan niệm như là trách nhiệm của con người trước xã hội và trước người khác” và “nghĩa vụ đạo đức là ý thức trách nhiệm, là tình cảm tự giác của con


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

người đối với người khác và đối với xã hội, được con người ý thức và tự nguyện tự giác hành động” [43, tr.193], hay “nghĩa vụ là sự tất yếu phải thực hiện những trách nhiệm đạo đức của mình, phục tùng ý chí cao hơn so với ý chí của riêng mình” [54, tr.216]. Điều đó khẳng định, trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức có mối quan hệ với nhau. Trách nhiệm được hiểu như là nghĩa vụ phải gánh vác, phải thực hiện. Trách nhiệm là cái buộc phải làm, không những làm mà còn phải làm tốt. Nếu quyền hạn là những gì mà con người được hưởng, được yêu cầu người khác phải thực hiện, thì ngược lại, trách nhiệm là những gì mà họ buộc phải làm và chịu sự giám sát của người khác [64, tr.3]. Như vậy, quan niệm về trách nhiệm theo cách này mới chỉ nhìn thấy một mặt của vấn đề, trách nhiệm có gì đó chưa thật tự nguyện. Thiết nghĩ, trách nhiệm trở thành nội dung của nghĩa vụ đạo đức khi nó được các cá nhân nhận thức một cách thấu đáo và thực thi một cách tự nguyện, tự giác.

Thật ra, thuật ngữ trách nhiệm bắt nguồn từ tiếng Latinh - Respondere, nghĩa là sự đáp lại, sự trả lời - phản ứng lại thử thách mà tình huống đặt ra, và phản ứng lại yêu cầu từ phía người khác [54, tr.194]. Với nghĩa đó, trách nhiệm là thái độ, hành vi của chủ thể trước một vấn đề nào đó trong xã hội. Thái độ này biểu hiện ở việc thực thi nghĩa vụ đạo đức và tuân thủ các tiêu chuẩn của luật pháp, tức là tuân thủ các quy chuẩn đạo đức và sau này là luật pháp, mà các cá nhân trong cộng đồng đã thỏa thuận. Cách hiểu trên phần nào giống với cách định nghĩa trách nhiệm của Từ điển triết học, nhà xuất bản Tiến bộ Matxcơva, trách nhiệm được khẳng định là một trong những phạm trù của đạo đức học và luật học, “phản ánh thái độ xã hội đặc biệt và thái độ đạo đức - pháp luật của cá nhân đối với xã hội (đối với nhân loại nói chung); thái độ này biểu thị ở sự hoàn thành nghĩa vụ đạo đức của mình và các tiêu chuẩn pháp luật” [102, tr.559].

Vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ và bài học đối với Việt Nam hiện nay - 7

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại, nội dung của trách nhiệm ngày càng được mở rộng. Trách nhiệm thường được hiểu là khả năng của con người ý thức được những kết quả hoạt động của mình, đồng thời, là


khả năng thực hiện một cách tự giác những nghĩa vụ được đặt ra cho mình. Hay như cách hiểu của E.V.Zolotukhina - Abolina (1998), trong tác phẩm Đạo đức học hiện đại - cội nguồn và những vấn đề: “… Điều đó cũng có nghĩa là nhìn thấy trước (cảm thấy, nắm bắt) những hậu quả của từng bước đi của mình và cố ngăn ngừa tiến trình tiêu cực của các sự kiện có khả năng xảy ra” [54, tr.194]. Trách nhiệm theo nghĩa này là hành vi lý trí (có tính toán), là hành vi của người không vô cảm khi đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra sau những hành vi của mình?

Tóm lại, từ các quan niệm về trách nhiệm ở trên, cho thấy, xét về mặt khái niệm, trách nhiệm là những việc con người phải làm, không thể lảng tránh được. Cho nên, nó còn là khả năng con người ý thức được những kết quả hoạt động của mình, đồng thời, là thái độ của con người trong việc thực hiện nghĩa vụ do xã hội đặt ra. Thái độ này thể hiện ở mức độ hoàn thành nghĩa vụ đạo đức và các quy định pháp luật.

Như vậy, cũng như tự do, trách nhiệm và sự phát triển năng lực trách nhiệm của con người gắn liền và bị quy định bởi những nhu cầu phát triển của đời sống con người. Trách nhiệm hình thành trong quá trình điều chỉnh lợi ích của cá nhân với tư cách thành viên xã hội. Con người sống và thực hiện lợi ích của mình trong một cộng đồng, một xã hội nhất định. Lợi ích của mỗi người chỉ có thể thực hiện được trong một tương quan nhất định với lợi ích của người khác, của xã hội. Cụ thể hơn, để thực hiện lợi ích của mình, mỗi người phải đáp ứng, ở một mức độ nào đó, lợi ích của người khác, lợi ích của xã hội. Cũng như vậy, lợi ích của xã hội chỉ có thể được thực hiện khi nó có các bảo đảm nhất định cho lợi ích của cá nhân với tư cách thành viên xã hội.

Người ta có thể xem xét trách nhiệm từ nhiều góc độ khác nhau: xem xét ở góc độ giá trị, xem xét ở mức độ bắt buộc hay tự nguyện, hay cũng có thể xem xét về mặt chủ thể của trách nhiệm…


Xét về mặt giá trị, trách nhiệm tồn tại dưới hai hình thái cơ bản: hình thái tích cực, tức là hình thái có trách nhiệm của con người, và hình thái tiêu cực, tức là hình thái chịu trách nhiệm của con người. Dưới hình thái tích cực, trách nhiệm thể hiện ở những hành động cụ thể nhằm duy trì và phát triển lợi ích xã hội, duy trì và phát triển trật tự xã hội, pháp chế, đạo đức. Trong trường hợp này, trách nhiệm của con người là sự ý thức và khả năng của họ trong việc thực hiện những đòi hỏi, những yêu cầu của người khác, của cộng đồng và của xã hội. Con người có trách nhiệm là con người thấy trước được những hậu quả của hành động, hành vi của mình, cố gắng ngăn chặn những tác hại có thể xảy ra đối với lợi ích của xã hội [114, tr.23]. Ở hình thái này, trách nhiệm không chỉ là khả năng hiểu đúng và thực hiện những yêu cầu của người khác mà còn là khả năng hiểu đúng nhu cầu của chính mình. Có trách nhiệm với chính mình có nghĩa là quan tâm bảo toàn, phát triển chính mình, và biết dùng lý trí dẫn dắt hành động riêng mình, không cho phép những hành vi phi lý đối với mình.

Dưới hình thái tiêu cực, trách nhiệm phát sinh ở những nơi lợi ích của xã hội và của con người bị vi phạm. Trong trường hợp này, trách nhiệm là điều chúng ta bắt buộc phải trả lời, phải đảm nhận hay phải lãnh lấy về phía mình tất cả những hậu quả do hành vi của mình gây ra trước cộng đồng và xã hội, chiếu theo những điều kiện đã được luật pháp quy định. Ở đây, trách nhiệm mà con người phải gánh chịu có thể là trách nhiệm hành chính, pháp lý, hoặc đạo đức, tuỳ theo tính chất của hành động, hành vi [114, tr.23]. Ở nghĩa đầy đủ của từ là phải trả giá về chúng, phải mang - “Mang trách nhiệm”.

Xét ở mức độ bắt buộc hay tự nguyện, có thể chia trách nhiệm thành hai loại: Trách nhiệm khách quan và trách nhiệm chủ quan (trách nhiệm đạo đức).

Trước hết, hãy nói về trách nhiệm khách quan. Đây là loại trách nhiệm đối với xã hội và đồng loại về các hành vi bên ngoài. Chúng ta có thể phân tách trách nhiệm này thành bốn loại sau đây:


Trách nhiệm khế ước: Trách nhiệm này bó buộc chúng ta phải thực hiện hành vi của mình trước xã hội nhân danh các khế ước hay lời cam kết đã ký với các thể nhân, với các hiệp hội hay cơ quan công quyền.

Trách nhiệm dân sự: Loại trách nhiệm này đòi hỏi chúng ta phải có nghĩa vụ vì các hành vi đã gây thiệt hại cho người khác. Trách nhiệm dân sự nhấn mạnh đến việc bồi thường thiệt hại theo điều kiện luật định. Chẳng hạn, khi tài xế gây tai nạn thì chủ xe phải bồi thường cho nạn nhân.

Trách nhiệm hình sự: Trách nhiệm này đòi hỏi chúng ta phải trả lời về các hành vi phạm pháp. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của hành vi mà sẽ có những hình phạt tương xứng: tử hình, tù chung thân, tù có thời khác nhau hay tù treo. Chẳng hạn: Khi một tài xế cán chết người, thì chủ xe phải bồi thường cho nạn nhân, còn tài xế phải ở tù.

Trách nhiệm trước dư luận: Trách nhiệm này buộc người ta phải trả lời cho những hành vi của mình trước dư luận. Sự thưởng phạt của dư luận thường mang tính cách tản mạn, vì bất thành văn, chưa được xác định minh bạch và không bắt nguồn từ một uy quyền xã hội rõ rệt, nhưng nhiều khi rất khắt khe.

Thứ hai, chúng ta nói đến trách nhiệm chủ quan (trách nhiệm đạo đức).

- Trách nhiệm đạo đức - Ethical Responsibilities

Về mặt khái niệm, có thể hiểu trách nhiệm đạo đức là tổng hợp những nguyên tắc, chuẩn mực được xã hội thừa nhận, nhưng chưa được (hay không cần) luật pháp quy định. Nhờ đó mà con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của người khác và tiến bộ xã hội.

Nói đến trách nhiệm đạo đức, có nghĩa là trách nhiệm đã được con người tiếp nhận như là cơ sở của lập trường đạo đức của mình, thể hiện với tư cách là nền tảng của động cơ bên trong của hành động và những hành vi của nó.


Như vậy, tuân thủ luật pháp hay việc thực hiện trách nhiệm pháp lý chỉ được xem là sự đáp ứng những đòi hỏi, chuẩn mực tối thiểu mà xã hội đặt ra. Trách nhiệm đạo đức mới là hình thức đích thực nhất của trách nhiệm. Chính là nhiệm vụ phải trả lời về những hành vi của chúng ta trước lương tâm và trước thực tại siêu Việt. Có những trường hợp chúng ta có trách nhiệm dân sự, nhưng không bị quy trách về phương diện đạo đức; trái lại, cũng có những lúc chúng ta có trách nhiệm đạo đức, mà không bị quy trách dân sự, ví dụ: trường hợp làm gương xấu hay khuyên dụ kẻ khác làm bậy. Nhưng, trên nguyên tắc, sẽ không có trách nhiệm hình sự, nếu không có trách nhiệm chủ quan hay đạo đức. Đối với một bị cáo không có trách nhiệm đạo đức về một hành vi nào đó thì tòa án có thể bắt người ấy thi hành trách nhiệm dân sự về những gì đã gây ra, nhưng không thể trừng phạt như một tội nhân được.

Trách nhiệm đạo đức là quá khó khăn, con người không thể lảng tránh hay che dấu. Nó nhắm tới con người từ suy nghĩ đến hành vi. Con người sống trong cộng đồng xã hội không ai có thể trốn chạy khỏi nó. Bởi vậy, nó đặt ra những câu hỏi như chủ thể chịu trách nhiệm là ai?, chịu trách nhiệm trước ai? và cho cái gì? Những câu hỏi trên liên quan trực tiếp đến vấn đề “quy tội”. “Quy tội” cho ai? Và vì điều gì?

Với câu hỏi: chủ thể chịu trách nhiệm là ai? Có thể khẳng định, chủ thể chịu trách nhiệm là con người có ý thức. Nếu là con người không có ý thức (chẳng hạn: mất trí nhớ, hay bị tâm thần) thì họ không thể hành động tương hợp với ý chí của mình. Thậm chí họ cũng mất luôn “năng lực chịu trách nhiệm” - tức là sự ý thức trước được cái sẽ diễn ra và có khả năng ngăn chặn hậu quả xấu hay khuyếch trương hậu quả tốt [54, tr.198]. Bởi vậy, trong trường hợp này sẽ không thể nói gì đến việc xem xét trách nhiệm, càng không thể nói đến trách nhiệm đạo đức. Người có ý thức có thể là cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, nhà nước, chính phủ, thậm chí là các nhóm hành động xã hội


hay các cộng đồng địa phương… Tóm lại, đó là con người với tất cả các kiểu tổ chức hay thiết chế của nó.

Vậy, tại sao chủ thể chịu trách nhiệm lại là con người có ý thức? J. Sartre đã có câu trả lời rất tốt cho câu hỏi này. Sartre khảo sát chỉ duy nhất một chuẩn mực đạo đức mà mọi người tất yếu phải tuân theo, đó là trách nhiệm về mọi lựa chọn tự do: Anh có thể phát minh ra thứ đạo đức của riêng anh, có thể trở nên thiện trên mức hoặc hà khắc độ, đó là lựa chọn của anh. Tuy nhiên, với điều đó anh cần phải tự mình và chỉ có tự mình gánh chịu mọi hậu quả do các hành vi của anh gây nên. Nếu anh nói rằng, anh bị ép buộc, bị cưỡng chế, bị rủ rê hay gạ gẫm - anh đang nói dối. Bởi lẽ, quyết định cuối cùng là do anh lựa chọn [54, tr.196]. Quan niệm của Sartre nghiêng về lập trường khẳng định trách nhiệm cá nhân. Nhưng nếu nhìn theo nghĩa tích cực thì quan niệm này không phải không có lý.

Với câu hỏi thứ hai, con người chịu trách nhiệm trước ai? Nhìn một cách khái quát, lịch sử đạo đức học có bốn câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này.

Câu trả lời thứ nhất, con người chịu trách nhiệm trước những người khác (Tha nhân). Những người có câu trả lời như vậy, có thể diễn đạt một cách tương đối đó là những người theo lập trường trần thế. Câu trả lời thứ hai, con người trước tiên là chịu trách nhiệm trước Chúa, còn sau đó mới là trước những người như mình. Đây là câu trả lời của những người theo quan niệm tôn giáo. Câu trả lời thứ ba, tất cả các quan điểm cá nhân hóa cho rằng con người chỉ cần phải giữ lời trước mình. Cuối cùng, phương án thứ tư - là những học thuyết hướng câu trả lời đến việc dung hòa định hướng vào tha nhân với chủ nghĩa cá nhân. Họ cho rằng, con người phải trả lời trước lương tâm của chính mình, nó không phải phục tùng bất kỳ một sự áp đặt nào từ bên ngoài, tuy nhiên lương tâm của nó hướng không chỉ đến phúc lộc riêng mình, mà còn vào phúc lộc của những người thân thiện [54, 201-204]. Có thể thấy,


các trào lưu đời sống tinh thần khác nhau trả lời vấn đề đặt ra theo những cách khác nhau, thậm chí đối lập hoàn toàn với nhau.

Với câu hỏi thứ ba, con người có trách nhiệm cho cái gì? - cho hành vi, cho ý nghĩ, cho tình cảm hay cho tất cả chúng như nhau?

Quan điểm trần thế vốn chú trọng đến trách nhiệm trước những người khác, khẳng định rằng, trước hết ta phải chịu trách nhiệm cho những hành vi. Trách nhiệm pháp lý cũng được xây dựng trên nguyên tắc này. Nếu con người mới chỉ nghĩ là sẽ gây ác cho ai đó, nhưng thực tế chưa làm gì cả, thì họ cũng chưa phải mang trách nhiệm gì cả. Chẳng hạn, trong bạn đang sôi sục lòng căm thù ai đó, nhưng không thả nó ra thành hành động trả thù - nó là không có… Về mặt pháp lý không thể xét xử những ý nghĩ, mặc dù những tội ác có chủ ý và tính toán trước bị trừng trị nghiêm khắc hơn nhiều so với những tội ác ngẫu nhiên và không chủ ý. Hơn nữa, cần phải nói rằng, không có chủ định, mặc dù cũng làm nhẹ trách nhiệm đạo đức, nhưng không hoàn toàn chút bỏ nó. Ví dụ: Nếu ai đó nghịch súng và ngẫu nhiên súng cướp cò làm chết bạn tốt của mình, thì người đó cũng phải chịu đau khổ dằn vặt lương tâm và luôn khốn khổ bởi cảm giác tội lỗi. Và nếu tòa án có khoan dung biện hộ cho kẻ sát nhân tình cờ này hoặc trừng phạt nó chỉ vì tội tắc trách khi dùng súng đạn, thì trách nhiệm đạo đức sẽ còn đầy cao hơn nữa. Có thể điều đó là nghịch lý, nhưng những người đã trở thành nguyên nhân của những tai họa ngoài ý muốn, thường thấy “vô tội một cách đầy tội lỗi”, ngay cả khi quanh họ không ai lên án mạnh mẽ.

Đạo đức tôn giáo và đạo đức khổ hạnh có một cách nhìn hoàn toàn khác. Trong tôn giáo, ta chịu trách nhiệm trước hết về trạng thái linh hồn của mình. Nếu tâm hồn đen tối, thì cả công việc cũng sẽ đen tối. Các cha và các nhà khổ hạnh vĩ đại trừng phạt chính mình nhiều nhất không phải do những hành vi mà do những ý nghĩ, do những bóng hình cảm tội hiện ra trong sự hình dung của họ. Thể xác tuy làm việc nhưng không là bất tử, còn linh hồn

Xem tất cả 171 trang.

Ngày đăng: 10/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí