thì vĩnh hằng. Chính tổ chức tâm hồn và tinh thần là cái quan trọng nhất trong con người. Cá thể có tự do ý chí phải tự mình xác định, tạo dựng thế giới nội tâm của mình. Ta phải chịu trách nhiệm trước Đấng sáng thế về sự trong sạch nội tâm của mình. Không chỉ dừng lại ở đó, đề tài trách nhiệm về ý nghĩ và tình cảm còn được biểu hiện rõ nét hơn khi trong đạo đức học tôn giáo và khổ hạnh nhấn mạnh: con người không chỉ chịu trách nhiệm cho các ý nghĩ mà còn phải chịu trách nhiệm cho từng ý nghĩ của mình, cho từng cảm xúc tình cờ thoáng qua…
Quan điểm trên quá khó để con người ta có thể thực hiện. Bởi vì, chúng ta không thể chịu trách nhiệm cho từng ý nghĩ tồi tệ riêng biệt của mình. Nhưng ta có thể và phải chịu trách nhiệm về chỉnh thể tư duy của mình, về tổ chức cơ bản các tình cảm và cảm xúc của mình. Tại đây con người đúng là đã có thể khống chế được mình. Và chúng ta vẫn phải khẳng định, các ý nghĩ và tình cảm, không nghi ngờ gì nữa, đều quyết định đường hướng hành động. Chính vì thế, trách nhiệm đạo đức rộng hơn trách nhiệm pháp lý - ta phải trả lời về chỉnh thể của cá nhân riêng mình trong sự thống nhất các mặt tâm hồn và hành động của nó. Và, trực tiếp nhất vẫn là ta phải chịu trách nhiệm về các hậu quả do hành vi của mình gây ra. Một cách khoan dung hơn, con người thông thường trước hết chịu trách nhiệm về những hậu quả gần từ các hành động của mình, về những thứ mà họ có khả năng thấy trước một cách có ý thức. Bởi vì, không chỉ mục đích đặt ra một cách có ý thức mới tham gia tạo ra kết quả các hành động của con người, mà cả ý chí căng thẳng và tất cả các phương tiện nữa. Ngoài ra còn có các yếu tố phụ cũng ảnh hưởng tới việc tạo thành kết quả. Chính sự che phủ mục đích bởi các hình thái vật chất mang đến những thuộc tính và những nét đặc điểm mà còn xa mới có thể lường trước. Còn khi đề cập đến hành vi, đến các quan hệ người, đến các quá trình xã hội và các yếu tố xác suất, thì độ bất định của kết quả còn tăng hơn nữa, và vì thế thì không thể cảnh báo trước được mọi bước ngoặt của các sự kiện có thể.
Con người đâu phải là nhà tiên tri thiên tài có thể đoán định các sự kiện trong tương lai. Không ai có thể “chịu trách nhiệm về tất cả”. Kết lại, đã là tuyệt vời, nếu mỗi người trong chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái do những hành động của ta trực tiếp gây ra.
Tóm lại, trách nhiệm là khái niệm phản ánh quan hệ giữa con người với thế giới và con người với con người trên nguyên tắc tự nguyện hay được luật hóa. Do đó, trách nhiệm vừa là phạm trù đạo đức vừa là phạm trù pháp lý. Khi nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức của trách nhiệm, chúng ta gọi đó là trách nhiệm đạo đức, còn khi bàn đến khía cạnh pháp lý của trách nhiệm thì đó chính là trách nhiệm pháp lý. Nhưng, sự phân chia như vậy chỉ mang tính chất tương đối. Bởi, trách nhiệm đạo đức là hình thức đích thực nhất của trách nhiệm. Nó cao hơn, và bao hàm trong đó cả trách nhiệm pháp lý. Bởi vì, con người ở bất cứ đâu, ở môi trường làm việc, sinh sống nào, thì trách nhiệm đạo đức, sự đòi hỏi của chính lương tâm luôn thúc đẩy cá nhân họ phải làm tròn nghĩa vụ được giao phó và làm tròn trách nhiệm pháp lý yêu cầu. Đồng thời, họ được hưởng thụ các quyền lợi vật chất, tinh thần đã được nhà nước ban hành và các tổ chức quần chúng chính trị - xã hội quy định.
2.1.3. Mối quan hệ giữa tự do và trách nhiệm đạo đức
Tự do và trách nhiệm có nội dung phong phú và khác biệt. Nhưng chính sự khác biệt của chúng lại ẩn chứa một mối liên hệ không thể tách rời, thống nhất và bổ sung cho nhau.
Có thể khẳng định, trong các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ đạo đức, trách nhiệm chính là “cái tôi” thứ hai của tự do. Trách nhiệm gắn liền và luôn đi kèm với tự do. Tự do có ở nơi có trách nhiệm. Chỉ có tự do lựa chọn mới sinh ra trách nhiệm của cá nhân trước quyết định và những hành vi là hệ quả của nó. Tự do và trách nhiệm là hai mặt của hoạt động tự giác của con người. Tự do sinh ra trách nhiệm, trách nhiệm định hướng cho tự do.
Có thể bạn quan tâm!
- Những Công Trình Nghiên Cứu Về Bài Học Trong Việc Kết Hợp Hài Hòa Giữa Tự Do Và Trách Nhiệm Đạo Đức Trong Hoạt Động Khoa Học, Công Nghệ Ở Việt Nam
- Vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ và bài học đối với Việt Nam hiện nay - 6
- Quan Niệm Về Trách Nhiệm, Trách Nhiệm Đạo Đức
- Khái Niệm Trách Nhiệm Đạo Đức Trong Hoạt Động Khoa Học, Công Nghệ
- Biểu Hiện Của Tự Do Trong Hoạt Động Khoa Học, Công Nghệ
- Giới Hạn Của Tự Do Trong Hoạt Động Khoa Học, Công Nghệ
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
Trong sự nhận thức của xã hội loài người, tự do chọn lựa là khả năng căn bản của con người để quyết định về hành vi và định hướng của đời người. Mặc dù là một hữu thể xã hội, chịu ảnh hưởng sâu đậm của một thời đại và một nền văn hoá nhất định nào đó, con người vẫn không thể hoàn toàn bị lệ thuộc vào những sức mạnh tất định của thiên nhiên hay của xã hội. Trong mọi trường hợp chúng ta vẫn còn khả năng chọn lựa và đây chính là một trong những nét tiêu biểu nhất của con người tự do.
Tự do chọn lựa được thể hiện qua ba khả năng sau đây: muốn hay không muốn, chọn lựa cái này thay vì cái khác, ngay cả trường hợp chọn cái tốt hoặc cái xấu. Do đó, con người phải có trách nhiệm về những hành vi mình đã thực hiện với ý thức, tự do và ý chí.
Theo nguyên tắc đạo đức, mỗi người có quyền được nhìn nhận như một hữu thể tự do và có trách nhiệm. Đây là một quyền bất khả phân ly với phẩm giá con người và mọi người có bổn phận phải tôn trọng. Chính nhờ nó, con người có thể chọn lựa những gì mình cho là tốt và định hướng cho tương lai, bất chấp những áp lực của xã hội và đòi hỏi của bản năng. Nhiều người coi đây là một giá trị lớn lao và cao cả nhất, nhưng đồng thời cũng là một thách đố đầy cam go.
Tự do càng hoàn hảo thì chủ thể càng xa tập quán xấu và càng gần chân, thiện, mỹ. Thật vậy, khi chúng ta không bị nô lệ bởi những đam mê xấu, nhưng lại có nhiều khả năng để hành thiện và cương quyết nói không trước sức quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sắc dục… thì chúng ta càng tự do. Càng chọn lựa theo lý tưởng và quy tắc đạo đức, con người càng tự do hơn. Như vậy, nhờ ý chí tự do, con người lớn lên và trưởng thành trong nhân cách, chân lý và đạo đức.
Tự do vừa là một kết quả của một quá trình đấu tranh gian khổ và là quyền căn bản của con người. Việc sử dụng tự do thuộc về nhân quyền và không thể tách rời khỏi phẩm giá con người. Tuy nhiên, không hề có tự do
tuyệt đối trên cõi đời này. Cũng chẳng ai có thể sử dụng quyền tự do của mình một cách vô trách nhiệm, bất chấp luật lệ, quy tắc đạo đức và quyền lợi của người khác. Quyền với tính cách là biểu hiện của tự do sẽ không thể có được nếu không có trách nhiệm với tính cách là biểu hiện của tất yếu. Cụ thể hơn, trong quan hệ xã hội, quyền của người này lại giả định trách nhiệm của người khác, quyền của cá nhân giả định trách nhiệm của xã hội, và ngược lại. Tương ứng với quyền của xã hội, tức là những đòi hỏi của xã hội đối với công dân, xã hội phải có trách nhiệm tạo ra các điều kiện tối ưu cho tự do và sự phát triển nhân cách con người. Hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt là hoạt động của Nhà nước, chính là sự thực hiện trách nhiệm của xã hội. Hiệu quả của những hoạt động này là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển tự do và trách nhiệm cá nhân của con người. Ngược lại, theo Leopold, triết gia hiện đại người Mêhicô, tự do là một giá trị chỉ có thể dùng để nói đến một cá nhân cụ thể. Nếu không nó sẽ trở thành một thứ trừu tượng, và cũng cần nhắc lại rằng, không có tự do trừu tượng. Và, nếu chỉ đòi hỏi trách nhiệm cá nhân thì xã hội sẽ thiếu tự do, dân chủ. Nếu chỉ đề cao trách nhiệm xã hội thì sẽ dung túng cho thói vô trách nhiệm của cá nhân, còn trách nhiệm xã hội cũng sẽ chỉ là một thứ trách nhiệm trừu tượng, không thể thực hiện được trên thực tế. Như vậy, tự do và trách nhiệm tuy khác biệt nhưng thống nhất và quy định lẫn nhau.
Để hoạt động và hành động có trách nhiệm, trước hết, con người phải được tự do. Thiếu tự do thì không có trách nhiệm chân chính. Chẳng hạn, người nô lệ làm việc dưới sự thống trị của chủ nô không phải người làm việc với tinh thần trách nhiệm. Bởi vì, họ không chỉ không có tự do, mà lao động của họ cũng là lao động cưỡng bức. Tự do được bắt đầu ở sự nhận thức được tính tất yếu. Trong trường hợp này, tính tất yếu biểu hiện ở những đòi hỏi và yêu cầu của xã hội đối với cá nhân. Mức độ của những đòi hỏi này tuỳ thuộc vào vị thế và khả năng của cá nhân trong những quan hệ cụ thể. Ví dụ, trách
nhiệm trong việc dạy dỗ con cái là không như nhau đối với ông bà, cha mẹ, hay nhà trường. Tính cụ thể, tính xác định của trách nhiệm đòi hỏi con người phải lĩnh hội được những yêu cầu của xã hội đối với bản thân mình cũng cụ thể và xác định.
Việc nhận thức được tính tất yếu, việc tôn trọng lợi ích xã hội cùng mở rộng tự do cá nhân của con người. Tự do về mặt đạo đức không phải là xem nhẹ hoặc từ bỏ đạo đức tiến bộ, mà là sự phù hợp giữa các yêu cầu của đạo đức đó với các động cơ hành động bên trong của mỗi người. Một trình độ phát triển nào đó của tự do đạo đức do các điều kiện xã hội quy định, và có liên quan chặt chẽ với tự do kinh tế, tự do chính trị của con người. Còn trách nhiệm đạo đức không phải là cái gì khác hơn là tự do đạo đức trong hành động. Nó không chỉ đòi hỏi nhận thức được tất yếu và ra được các quyết định sát đúng (tức là một cách tự do), mà còn thực hành được các quyết định đó để phục vụ lợi ích xã hội.
Trước đây cũng như hiện nay, các nhà triết học duy tâm cố tìm cách chứng minh rằng không thể coi lợi ích xã hội là cơ sở của trách nhiệm. Bởi vì, dường như trách nhiệm là trạng thái tâm lý bên trong và không do tính tất yếu quy định. Thí dụ, Kant cho rằng chỉ có hành động nào không dính dáng gì với bất kỳ một lợi ích nào mới có thể phù hợp với đạo đức. Nhưng liệu người ta có thể thực hiện được những hành động có ý thức nếu như mục tiêu của họ không gắn liền với các lợi ích cá nhân, giai cấp, dân tộc, xã hội đó? Vấn đề ở đây không phải ở chỗ các hành động con người gắn hay không gắn liền với các lợi ích của con người mà ở chỗ lợi ích đó là gì? - Xã hội tồn tại giai cấp đối kháng, thì việc nhận thức về trách nhiệm xã hội chưa thể trở thành nguyên tắc đạo đức của toàn xã hội vì vẫn tồn tại các giai cấp có lợi ích đối lập nhau.
Ngày nay, Cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra trên quy mô toàn cầu đã và đang làm cho tự do và trách nhiệm của con người được nâng cao và phong phú hơn bao giờ hết. Khoa học và công nghệ đang phát triển một cách vượt bậc, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đối
với sự phát triển tự do và trách nhiệm của con người. Cách mạng khoa hoc và công nghệ đang tạo ra những điều kiện, những đảm bảo ngày một tốt hơn cả về mặt vật chất lẫn về mặt tinh thần cho sự phát triển tự do và trách nhiệm của con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, với sự xuất hiện và ngày một gia tăng mức trầm trọng của những vấn đề toàn cầu thì tự do và trách nhiệm của con người cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Tính mạng của con người, tức là quyền sống cũng như các quyền tự do khác của con người, đang bị đe dọa bởi nhiều loại dịch bệnh mà nhân loại chưa từng biết, bởi chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh khu vực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...
Những vấn đề đó và hàng loạt những vấn đề khác nữa đang đòi hỏi phải có sự nâng cao trách nhiệm không chỉ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia, các dân tộc, mà còn của toàn nhân loại. Và, cũng chính trong việc nâng cao trách nhiệm nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu, tự do của mỗi người và của loài người được nâng lên một tầm cao mới.
Tóm lại, tự do và trách nhiệm là hai phương diện của một vấn đề. Không thể có trách nhiệm mà không được tự do trong lựa chọn giá trị và hoạt động, cũng như không thể có tự do thuần túy không liên quan gì đến trách nhiệm đối với người khác, đối với xã hội. Chỉ cá nhân tự do và trách nhiệm mới có thể hiện thực hóa hết mình trong hành động xã hội và chỉ như vậy mới khai mở hết năng lực của mình.
2.2. TỰ DO, TRÁCH NHIỆM ĐẠO ĐỨC TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
2.2.1. Khái niệm hoạt động khoa học, công nghệ
Theo nghĩa rộng, hoạt động khoa học, công nghệ là tập hợp toàn bộ các hoạt động có hệ thống và sáng tạo nhằm phát triển kho tàng kiến thức liên quan đến con người, tự nhiên và xã hội, nhằm sử dụng những kiến thức đó để tạo ra những ứng dụng mới.
Theo Hướng dẫn điền phiếu thu thập thông tin về nghiên cứu và phát triển năm 2012 [22] của Cục Thông tin và công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động khoa học, công nghệ là những hoạt động có tính hệ thống liên quan chặt chẽ với việc tạo lập, thúc đẩy, truyền bá và ứng dụng tri trức khoa học và công nghệ trong mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ. Các lĩnh vực này bao gồm các hoạt động như nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo về khoa học và công nghệ và các dịch vụ khoa học và công nghệ.
Quy định của Luật khoa học và công nghệ Việt Nam (2013) viết: “Hoạt động khoa học, công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ” [xem 122; chương 1, điều 3]. Để làm rõ cách hiểu này về hoạt động khoa học, công nghệ, Luật trên giải thích thêm: Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Nhìn chung, để tìm hiểu chỉ riêng khái niệm khoa học và khái niệm công nghệ sẽ có nhiều vấn đề để bàn. Nhưng về cơ bản, cách hiểu như ở trên là ngắn gọn và cơ bản nhất, trong luận án, chúng tôi sẽ sử dụng cách hiểu này.
Nhìn chung, hoạt động khoa học, công nghệ là khái niệm rộng. Nó bao hàm cả hoạt động khoa học và hoạt động công nghệ, cũng như những hoạt động của chung cả hai lĩnh lực khoa học và công nghệ. Nhưng chủ yếu vẫn là hai lĩnh vực hoạt động trong đó là hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động ứng dụng công nghệ (vào sản xuất và đời sống). Do đây là hai lĩnh vực quan trọng chủ yếu trong toàn bộ hoạt động khoa học, công nghệ, các hình thức hoạt động khác trong đó có tác dụng bổ trợ cho hai lĩnh vực này.
Trong luận án này, tác giả không tìm hiểu vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong toàn bộ hoạt động khoa học, công nghệ nói chung mà chủ yếu tập trung vào vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Trong đó, nghiên cứu khoa học là hình thức cơ bản của toàn bộ hoạt động khoa học, không có nghiên cứu khoa học thì cũng không có mọi hoạt động khác trong toàn bộ hoạt động khoa học, công nghệ nói chung. Ứng dụng công nghệ là hoạt động tác động trực tiếp nhất đến toàn bộ đời sống của con người, cũng như môi trường sinh thái trong đó nói riêng. Trong đó có thể hiểu, nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Như vậy, nghiên cứu khoa học là một chu trình vòng tròn, bắt đầu từ việc đặt câu hỏi, phát biểu giả thuyết, tiến hành thí nghiệm, phân tích các dữ kiện, khái quát hóa và công bố kết quả. Kết quả có thể dẫn đến câu hỏi và giả thuyết mới. Còn, ứng dụng công nghệ là việc áp dụng những công nghệ đã được nghiên cứu hoàn chỉnh vào thực tiễn đời sống.
2.2.2. Khái niệm tự do trong hoạt động khoa học, công nghệ
Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tự do. Tự do chân chính của con người không chỉ là nhận thức được tính tất yếu khách quan (nghĩa là, tự do không chỉ là một trạng thái tinh thần - trạng thái tự do), mà còn là khả năng nắm bắt được các quy luật tự nhiên và các quy luật xã hội để chủ động và tích cực cải tạo, thúc đẩy xã hội phát triển. Bên cạnh đó, tự do không chỉ là nhận thức và hành động theo quy luật, trong các quan hệ xã hội của con người, tự do còn biểu hiện tập trung và thực tế ở các quyền cơ bản của con người. Sự phát triển và sự phong phú các quyền, cũng như những đảm bảo xã hội cho sự thực hiện các quyền đó trở thành tiêu chí của sự phát triển tự do và tiến bộ xã hội.