Vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ và bài học đối với Việt Nam hiện nay - 6


nào? Lịch sử tư tưởng của nhân loại đã có những cách kiến giải khác nhau về điều đó.

Quan điểm thứ nhất coi tự do như cái đối lập hoàn toàn và tách rời cái tất yếu. Theo quan điểm này, tự do là khả năng lựa chọn và thực hiện theo ý chí riêng của mỗi người về giá trị và hành vi. Sự lựa chọn này là sự lựa chọn tự do và chỉ là tự do khi không bị quy định bởi bất cứ một tính tất yếu nào, tính quy định nào từ bên ngoài chủ thể. Ngay từ thời cổ đại, Êpiquya đã từng nói về tự do như là sự “chệch hướng” tuỳ ý khỏi tất yếu được định trước. Theo ông, nhờ có sự đi chệch tự do, tự phát khỏi đường thẳng mà nguyên tử phủ định sự rơi xuống do trọng lượng, cũng như con người, qua tự do của mình có thể phủ định tính tất yếu khắc nghiệt của số phận. Êpiquya quan niệm:

Điều bất hạnh là sống trong sự tất yếu, nhưng sống trong sự tất yếu lại tuyệt nhiên không phải là điều tất yếu. Những con đường dẫn đến tự do đều rộng mở ở khắp nơi, có nhiều con đường ấy, chúng ngắn và dễ dàng. Chúng ta hãy cảm ơn Thượng đế vì không thể giữ được ai trong cuộc sống. Ngăn ngừa chính sự tất yếu - đó là điều được phép [22, tr.296].

Tuy nhiên, hết tầm cỡ của nó, đề tài tự do như là lựa chọn chỉ được bàn thảo trong Thiên Chúa giáo vốn gắn sự vận động của con người theo đường thiện hay ác với quyết định tự do của nó. Thiên Chúa giáo xuất phát từ chỗ, ý chí con người tự do, tức là tự nó làm lấy sự lựa chọn, trong khi không là hệ quả giản đơn của những nguyên nhân quyết định luận nào đó đối với nó. Con người có thể đón nhận cánh tay Chúa chìa về phía nó, hoặc chối từ sự giúp đỡ và yểm trợ thánh thần, chọn cho mình thần tượng và sự sùng kính khác.

Tư tưởng về tự do ý chí như là phẩm chất đặc biệt của con người trong thế kỷ XX đã được biểu hiện rõ rệt nhất trong trào lưu hiện sinh, nơi mà tự do ý chí được gán cho quy chuẩn tuyệt đối. Trong điều kiện của xã hội hiện đại, những nhà hiện sinh nhìn nhận tự do ý chí như là phẩm chất đặc biệt


của con người, chính xác hơn, là phẩm chất của con người hiện sinh. Theo đó, tự do ý chí là khả năng hành động phù hợp với ý chí cá nhân, một ý chí không bị quy định bởi bất kỳ một điều kiện nào của hoàn cảnh bên ngoài. Theo họ, chỉ có như vậy con người mới có tự do. Khi có tự do thì con người mới thực sự có trách nhiệm, bởi trách nhiệm chính là trách nhiệm của con người trước bản thân mình, trách nhiệm về những hành động được lựa chọn một cách tự do. Ngược lại, nếu nhìn nhận hành động của con người bị quy định bởi hoàn cảnh, bởi tính tất yếu bên ngoài thì điều đó không chỉ có nghĩa là con người không có tự do, mà đồng thời còn có nghĩa là con người không có trách nhiệm, vì con người không phải chịu trách nhiệm về những hành động mà họ không được lựa chọn một cách tự do. Tuy nhiên, trong thực tế, liệu có thể có một hành động mang tính người nào tự do đến mức không hề liên quan đến lợi ích của người khác, của xã hội, nghĩa là không liên quan đến những yêu cầu bên ngoài mang tính tất yếu? Chính vì vậy, quan điểm hiện sinh về tự do từng bị phê phán là đã hạ thấp tự do đến mức tự do vô trách nhiệm.

Những người tiêu biểu giương cao ngọn cờ tự do ý chí trong trào lưu hiện sinh, có thể là M. Heidegger, K. Jaspers, J.P. Sartre…

K. Jaspers (1883 - 1969) nhận xét, trong mọi khát vọng trái ngược nhau của thời hiện đại dường như luôn có một yêu cầu chung của tất cả. Mọi dân tộc, mọi người, đại diện của mọi chế độ chính trị đều đồng tâm đòi hỏi tự do [88, tr.166].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

Và, nếu tự do được coi là nguyên tắc cơ bản của tồn tại người, là cái phân biệt con người với mọi cái tự nhiên, thì tất yếu sẽ nảy sinh vấn đề xác định thái độ của con người đối với nguyên tắc ấy. K. Jaspers đã viết: “Tự do là tài sản quý giá nhất; nó không bao giờ tự đến và không được giữ lại một cách tự động. Con người chỉ có thể giữ gìn tự do ở nơi mà nó được ý thức và con người cảm nhận thấy phải có trách nhiệm về nó” [88, tr.182].


Vấn đề tự do và trách nhiệm đạo đức trong hoạt động khoa học, công nghệ và bài học đối với Việt Nam hiện nay - 6

J.P. Sartre (1905 - 1980) cho rằng, khi tự trói buộc bản thân vào một lực lượng nào đó, con người vẫn hành động một cách tự do. Điều này có nghĩa là, cần phải coi tự do là cái mang ý nghĩa quyết định trong mọi suy tư triết học. Các hiện sinh thể khác, kể cả hư vô lẫn sự hiện sinh, đều không thể tồn tại trước hiện sinh thể “tự do”. Ông khẳng định: “Toàn bộ hoạt động của con người, trước hết là hoạt động tinh thần, đều được thể hiện ở việc phát hiện ra con đường của mình trong những khả năng đã được mở ra cho con người. Những gì diễn ra trong hiện thực đều phụ thuộc vào con người, vào mỗi người, cho dù một người riêng biệt không định trước được tiến trình phát triển của lịch sử” [85, tr.167].

Khác với quan điểm hiện sinh về tự do (tự do ý chí), những người theo quyết định luận máy móc lại hoàn toàn phủ nhận tự do ý chí. Đối với họ, hành động của con người chẳng qua chỉ là sự thể hiện, thực hiện những tính tất yếu nhất định và do vậy, hoàn toàn bị chi phối bởi những điều kiện bên ngoài mang tính khách quan tuyệt đối. Quan điểm này sẽ dẫn đến định mệnh luận. Nó không khích lệ con người phấn đấu cho tự do, đồng thời, trách nhiệm mà con người phải thực hiện cũng mất đi ý nghĩa tích cực, vì trách nhiệm đó không phản ánh được sức mạnh bản chất của con người.

Thực ra, tự do và tất yếu có mối quan hệ nội tại và việc nhận ra mối quan hệ này cũng đã có từ lâu trong lịch sử. Ở phương Đông, Đạo gia và Nho gia đã nhìn nhận tự do như là sự nhận thức được tính tất yếu. Chẳng hạn, với Đạo gia, Đạo là bản nguyên của vũ trụ, quy luật của trời đất. Đạo bao gồm đạo trời và đạo người. Đạo người là hình thức thể hiện của đạo trời và do vậy, nó phải phục tùng đạo trời. Hành động của con người, đặc biệt là hành động quản lý xã hội, sẽ trở thành hành động tự do, tức là vô vi khi thuận theo quy luật của trời đất. Còn Nho gia thì nhìn nhận toàn bộ hành động của con người (từ vua quan đến thứ dân) đều chỉ là sự thể hiện và thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức, mà đằng sau các nghĩa vụ đạo đức đó của con người chính là


Thiên mệnh. Thực hiện các nghĩa vụ đạo đức mang tính tất yếu như vậy, con người sẽ đạt đến trạng thái thanh thản lương tâm, nghĩa là đạt tới trạng thái tự do, tự tại.

Còn ở phương Tây, B. Xpinôda, G. Hêghen đã nhìn nhận tự do như là cái tất yếu đã được nhận thức. B. Xpinôda cho rằng: “Sự bất lực của con người là ở chỗ con người bị chi phối bởi những khách thể tồn tại bên ngoài mình, và con người bị những khách thể đó quyết định… chứ không phải bị quyết định bởi bản chất con người đúng như nó mang trong bản thân nó” [143, tr.34]. Song ở Hêghen, tư tưởng về sự cùng tồn tại của tự do và tất yếu chuyển thành tư tưởng về quan hệ nguồn gốc. Ông viết: “Quan niệm về tự do không mang trong nó một chút tất yếu nào và quan niệm tất yếu không có chút tự do nào, đó là những xác định trừu tượng và do đó là sai lầm. Tự do về bản chất là cụ thể, nó vĩnh viễn được quyết định từ bên trong và do đó nó cũng đồng thời là tất yếu” [143, tr.42-43]. Tự do chính là tất yếu được nhận thức. Theo Hêghen, tất yếu là cái có sức mạnh cưỡng chế. Con người không có quyền lực đối với tất yếu. Con người buộc phải tính đến nó cho dù có thích hay không thích. Minh họa điển hình cho tất yếu là các quy luật của tự nhiên được khoa học tự nhiên phát hiện ra. Chúng tác động một cách không phụ thuộc vào ý chí và ý thức của con người. Con người chỉ còn cách cần phải nghiên cứu các quy luật ấy, tính đến và sử dụng chúng trong hoạt động thực tiễn của mình. Đương nhiên là tất yếu đóng vai trò cái hạn chế tự do bên ngoài của con người. Chính vì vậy mà quan hệ giữa tự do bên ngoài và tất yếu đã thu hút được sự quan tâm của Hêghen. Khi đặt tự do phụ thuộc vào tất yếu, Hêghen đã vượt ra khỏi khuôn khổ của quan niệm đạo đức về tự do vốn đặc trưng cho Thiên Chúa giáo. Trong quan hệ giữa tự do và tất yếu, tự do đánh mất ý nghĩa đạo đức vốn có ở nó như là sự lựa chọn giữa cái thiện và cái ác.


Trong triết học Hêghen, tự do thể hiện là tự do chủ quan. Tất yếu hiển nhiên là cái hạn chế tự do chủ quan. Nhưng khi đó tất nhiên sẽ nảy sinh vấn đề khắc phục tất yếu. Trong trường hợp ngược lại thì tự do sẽ là không đầy đủ, bị hạn chế. Tự do bị hạn chế thực chất đã là không tự do. Đó là nỗi sự hãi trước tất yếu. Trung thành với phương pháp của mình, Hêghen không đi theo con đường loại bỏ “tồn tại khác” mà tất yếu thể hiện với tư cách như vậy ở đây. Theo ông, không nên loại bỏ mà cần đồng hóa (assimilation) tất yếu. Việc nhận thức tất yếu thể hiện là bước đi thứ nhất trên con đường đồng hóa như vậy. Sau khi đã nhận thức được tất yếu (các quy luật của tự nhiên và của xã hội), con người sẽ có khả năng bắt tất yếu phải phục tùng lợi ích và nhu cầu của mình. Song, điều đó chỉ có thể diễn ra với một điều kiện là tự do hiện diện trong bản thân tất yếu, mặc dù là dưới dạng bị che đậy. Hêghen viết: “Chân lý của bản thân tất yếu là tự do” [60, tr.339]. Như vậy, tự do ở Hêghen thường xuyên phát triển trong sự đối lập với tất yếu. Theo Hêghen, tự do chỉ có thể với tư cách là sự thống trị đối với tất yếu. Giữa tự do và tất yếu có một sự đối kháng theo nguyên tắc “ai thắng ai”. Song, sự đối kháng như vậy được Hegel vạch ra thông qua sự chuyển tiếp lẫn nhau giữa các mặt đối lập. Tự do chiến thắng tất yếu nhờ đồng hóa nó, đưa nó vào thành phần của mình.

Phát triển quan điểm của Hêghen, C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, tự do chân chính của con người không chỉ là nhận thức được tính tất yếu khách quan (nghĩa là, tự do không chỉ là một trạng thái tinh thần - trạng thái tự do), mà còn là khả năng nắm bắt được các quy luật tự nhiên và các quy luật xã hội để chủ động và tích cực cải tạo, thúc đẩy xã hội phát triển. Như vậy, tự do là năng lực và quá trình cải biến tính tất yếu khách quan bên ngoài thành nhu cầu chủ quan bên trong thúc đẩy hành động của con người. Ph. Ăngghen viết: “Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tượng đối với các quy luật của tự nhiên, mà là ở sự nhận thức được những quy luật đó và ở cái khả năng - có được nhờ sự nhận thức này - buộc những quy luật đó tác động một cách có kế


hoạch nhằm những mục đích nhất định” [26, tr.163]. Điều đó cũng có nghĩa là, tự do có cơ sở trong thực tiễn. Thực tiễn là tiêu chuẩn chủ yếu của tự do và là phương tiện chủ yếu để đạt tới tự do. Một cách khái quát, tự do luôn là khả năng hành động phù hợp với những định hướng riêng, những mong muốn, những khát vọng trong khuôn khổ tính tất yếu hiện hữu. Bởi vậy, Ph.Ăngghen viết: “Tự do là sự nhận thức được cái tất yếu... Tự do của ý chí không phải là cái gì khác hơn là cái năng lực quyết định một cách hiểu biết công việc... Tự do là sản phẩm tất yếu của sự phát triển lịch sử” [26, tr.163-164].

Tìm hiểu các quan niệm cơ bản về tự do trong lịch sử nhân loại, có thể thấy, trên thực tế, tự do là một phạm trù mở, hiểu và thể hiện tự do trong đời sống là một quá trình mâu thuẫn và có tính hai mặt. Vì thế trong lịch sử nhân loại đã có nhiều nhà triết học, nhiều trường phái triết học bàn về vấn đề này.

Tự do được bàn đến trong xã hội, trong hệ thống các quan hệ giữa người với người. Tự do cần cho con người trong việc tạo ra các giá trị vật chất và giá trị tinh thần để thông qua đó, mỗi cá nhân bộc lộ toàn bộ khả năng và thiên hướng của mình. Ý thức về tự do và vươn tới tự do chỉ có ở xã hội với tư cách một sự tự tổ chức khác về chất so với thế giới không-phải-con-người; thế giới đó vận hành và phát triển trên cơ sở các quy luật nội tại của mình. Sống trong xã hội mà lại tự do hoàn toàn khỏi các điều kiện xã hội là điều không thể. Tuy nhiên, mục đích của con người và mục đích của xã hội không phải lúc nào cũng nhất trí với nhau. Do vậy, mâu thuẫn trong quan niệm về tự do là một tất yếu khách quan trên con đường tiến hóa của nhân loại. Ngoài những điểm chung mang tính nền tảng, quan niệm về nội dung và phương thức thực hiện tự do trong mỗi xã hội có thể phụ thuộc vào tính chất và nội dung các chuẩn mực, các thống trị. Chẳng hạn, nếu ở phương Tây, người ta thiên về nhấn mạnh tự do cá nhân thì ở phương Đông, quyền và tự do tập thể (nhóm, chủng tộc, dân tộc…) là cái thường được quan tâm. Một hoạt động được chỗ này đánh giá là tự do, chỗ khác lại xem là mất tự do, bởi lẽ tự do


hay không tự do là một vấn đề nhận thức. Do xã hội là một phức hợp của những con người, những cá nhân sống với những đặc tính không hòa lẫn, phong phú và phức tạp, gia nhập vào những quan hệ nhất định, nên nhận thức về tự do khó có thể đạt tới sự nhất trí hoàn hảo.

Tự do khá trừu tượng khi xét về mặt lý thuyết, mặt khái niệm. Nhưng trong các quan hệ xã hội của con người, tự do lại rất gần gũi, biểu hiện một cách tập trung và thực tế ở các quyền cơ bản của con người. Tự do nghĩa là con người có những quyền - những quyền này là bất khả xâm phạm. Sự phát triển và sự phong phú các quyền, cũng như những đảm bảo xã hội cho sự thực hiện các quyền đó trở thành tiêu chí của sự phát triển tự do và tiến bộ xã hội.

Tuy nhiên, quyền tự do của con người đến đâu còn phụ thuộc vào sự quy định ở luật pháp của từng thời đại, từng quốc gia… Chẳng hạn, thuật ngữ “tự do” ở thời cổ đại được sử dụng về cơ bản theo nghĩa pháp lý, bởi lẽ chính sự xem xét các quyền trong xã hội đó mới cho thấy rõ nhất, tự do đã đi tới cấp độ nào của sự tự ý thức. Như pháp quyền cổ đại, trong khi thừa nhận sự đối lập giữa người tự do và nô lệ, đã thường quan tâm để cấp cho tự do quy chuẩn hiện thực, làm ra từ sự nô lệ của một số kẻ này điều kiện cho tự do hiện thực của những kẻ khác. Đồng thời xã hội thời cổ đại chỉ ra rằng, trong khi là hiện thực, tự do vẫn chỉ là đặc quyền của một số kẻ và không thể xác định bản chất người trong tính phổ biến của nó. Thế nhưng chính thời cổ đại đã thể hiện một ý thức tự do tuy còn hạn chế nhưng đã cụ thể và đầy hiện thực, trong khi các cách hiểu hiện đại về tự do lại bao gồm ngay sự hạn chế và sự phủ định tự do. Tự do của từng người cụ thể chấm dứt ở nơi bắt đầu sự tự do của kẻ khác, và luật pháp cần xác định ranh giới giữa các tự do.

Lịch sử nhân loại đã chứng minh, tự do của nhân loại gắn liền với những cuộc tranh đấu bất khoan nhượng để giành lại các quyền tự do căn bản: tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do nghiệp đoàn, tự do đảng phái, tự do tham gia vào sinh hoạt chính trị, tự do


chọn nghề nghiệp, tự do kinh doanh, tự do di chuyển, tự do cư trú, tự do phát triển khả năng,… Nếu thiếu vắng những quyền tự do căn bản này thì các tuyên ngôn đẹp đẽ nhất về tự do cũng chỉ là bánh vẽ.

Ngày nay, những quyền tự do căn bản đó đã là thành phần của nhân quyền. Phủ nhận chúng là đụng chạm đến phần sâu thẳm và thiết thân nhất của con người. Chính vì vậy, các tổ chức nhân quyền luôn luôn kêu gọi các chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng và thực thi các quyền tự do căn bản nói trên.

Tóm lại, về mặt khái niệm, theo tác giả luận án, có thể quan niệm tương đối về tự do: Tự do là khái niệm dùng để chỉ nhu cầu và khả năng con người nhận thức và hành động phù hợp với những quy luật khách quan. Tuy nhiên, khả năng con người có được tự do đến đâu còn phụ thuộc vào mức độ nhận thức của người đó đối với các quy luật khách quan và mức độ làm chủ của con người trước các quy luật đó. Bởi vậy, thống nhất với quan điểm của Ph. Ăngghen, tác giả cho rằng: Tự do là sự nhận thức được các quy luật khách quan và buộc hoạt động của chủ thể nương theo những quy luật đó nhằm đạt được những mục đích của mình một cách hiệu quả, tối ưu nhất. Nếu ngược lại, có nghĩa là con người chưa có tự do.

Mặt khác, cần phải nhìn nhận tự do là sản phẩm phát triển của lịch sử, tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người, việc đòi hỏi tự do tuyệt đối, gán cho tự do giá trị tuyệt đối trước những giá trị khác là không tưởng. Sẽ là sai lầm việc đồng nhất tự do với sự tùy tiện vô độ. Một khi con người sống trong xã hội, thì tự do luôn gắn với nhận thức và sự tính đến các hậu quả của hành động riêng của nó. Khát khao tự do tuyệt đối là quá nguy hiểm đối với con người và luôn gây ra những hậu quả xấu cho xã hội.

Như vậy, tự do là khả năng hành động như ý muốn. Hạt nhân của tự do là sự lựa chọn vốn luôn gắn với sự căng thẳng trí tuệ và tinh thần của con người (gánh nặng lựa chọn). Bằng các chuẩn mực và hạn chế của mình, xã

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/03/2023