Không gian và thời gian trong truyện ngắn Việt Nam đương đại được sử dụng làm nổi bật cảm giác của con người trong một thế giới ảo – thế giới đã được xử lý, nhằm thể nghiệm chính nó với tư cách là con người tự ý thức về tồn tại và hiện sinh. Nghệ thuật xử lý không gian trong các tác phẩm truyện ngắn đương đại có khi là mở rộng hoặc thu hẹp, có khi dồn nén, chồng xếp… Và, trong mỗi kiểu không gian, con người hiện đại lại bộc lộ những trạng thái tâm lý khác nhau. Trong nhiều truyện ngắn đương đại của các tác giả nữ, không gian đôi khi bị dồn ép, xâm lấn bởi thế giới đồ vật, tạo thành một thế giới phi lý. Trong Man nương của Phạm Thị Hoài, mọi cảm giác, mọi nhận thức của con người bị đóng khung trong một căn phòng bức bí, chật hẹp: “Bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ”. Có khi con người bị đẩy xô trên những con đường bụi bặm, đông đúc, hoặc quẩn quanh, ngơ ngác, cô đơn ngay trong ngôi nhà của chính mình (Nhà trọ - Nguyễn Thị Châu Giang). Không gian chật hẹp, bất di bất dịch của một căn phòng sơ sài, quạnh quẽ đẩy sự cô đơn của con người lên đến cùng cực (Giai nhân - Nguyễn Thị Thu Huệ). Con người có khi bị đẩy vào một mê cung không lối thoát thể hiện sự bế tắc của tâm hồn khi con người ý thức về bản thân mình, về hoàn cảnh sống, về bi kịch cuộc sống mà mình phải dự phần. Đó là không gian trong Mê Lộ của Phạm Thị Hoài: “Người này cố dẫn người kia vào thế giới của mình nhưng họ đi trên những con đường khác nhau”. Mỗi người là một thế giới trong một mê cung rối rắm mà không ai có thể xâm nhập được. Họ không có tiếng nói chung, không bao giờ hiểu nhau, ở đó, con người cảm nhận sâu sắc về sự phi lý của thế giới về sự cô đơn, sợ hãi và tuyệt vọng của con người trước sự vô cảm của đồng loại.
Không gian luân chuyển là không gian kiểu người xê dịch cũng xuất hiện trong văn học những năm gần đây. Trên hành trình kiếm tìm chân lý, con người phả trải qua nhiều kiểu không gian khác nhau, nhiều vùng đất khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau buộc họ phải lựa chọn và hành động. Không gian luân chuyển chính là môi trường thích hợp để con người thể nghiệm bản thân, tìm kiếm chính
mình. Nhân vật thường xuyên ở trong trạng thái ra đi: Tôi đi, tôi cứ đi, đi mãi… Tôi đi, tôi đang đi, tôi vùng bỏ đi như chạy… những cuộc ra đi nối tiếp nhau thể hiện sự bất an trong tâm hồn và sự khao khát kiếm tìm một điều gì như kiếm tìm chính bản thân mình. Đó là những cuộc ra đi của các nhân vật nữ trong sáng tác của Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư,... Đúng như lời “đúc kết” của một nhân vật nữ trong Cõi mê của Võ Thị Hảo: “Đời con người ta giống một dòng sông. Đời bà luôn trôi qua những ghềnh thác, chẳng bao giờ bình yên”. [118, tr.145]. Lạc lối giữa không gian bất tận của những sự xê dịch trong sáng tác của các cây bút nữ, chúng tôi cảm nhận được rõ ràng điều mà các tác giả nữ muốn gửi gắm vào tác phẩm: Đó là sự bất trắc của số phận và nỗi gian truân của cuộc đời người phụ nữ.
Bên cạnh những không gian theo kiểu không gian xê dịch, chúng ta vẫn có thể tìm thấy trong sáng tác của các tác giả nữ những không gian cố định tại một miền quê hay một góc thành phố như trong sáng tác của Phong Điệp, DiLi, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư,… Tuy vậy, những không gian này cũng chẳng bao giờ bình yên như chính cuộc sống ngổn ngang trăm mối tơ vò của đời người, nhất là người phụ nữ. Trong phần lớn các trang viết của mình, Phong Điệp quan tâm đến đề tài người trẻ sống ở đô thị. Đọc các tác phẩm Bloger, Lạc chốn thị thành, Phòng trọ, Ma mèo… chúng ta thấy rõ, Phong Điệp đang cố gắng khắc họa chân dung những người trẻ từ tỉnh lẻ về lập nghiệp và mưu sinh ở thành phố, và họ phải đối mặt với những cuộc vật lộn, những niềm vui, nỗi buồn và cả bi kịch để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mình là ai, mình đang đi về đâu? Viết về những người trẻ, nhất là những cô gái trẻ, cũng là viết về chính mình. Phong Điệp từng chia sẻ: “Viết về tuổi trẻ đô thị mình có nhiều trải nghiệm. Trong văn chương, quá nhiều tác phẩm về đề tài này, nhưng mình thấy hình như vẫn chưa ai đào sâu đến tận cùng những vật lộn, những bi kịch mà những người trẻ tỉnh lẻ về đô thị mưu sinh đang phải trải qua. Mặc dù đã viết về đề tài này nhiều lần, nhưng mình vẫn luôn có cảm giác “mắc nợ”, và mình sẽ còn viết tiếp”. [151].
Không gian cố định hiện hữu vốn chật chội ở thành phố, nhưng lại cũng chẳng rộng rãi gì hơn ở nông thôn bởi sự cảm nhận của nhân vật về sự tù túng đến ngạt thở. Điều đó cũng khiến chúng tôi cắt nghĩa tại sao không gian cố định trong trong tác phẩm cũng thường gắn với không gian của những giấc mơ. Không gian giấc mơ là không gian ảo, chủ yếu là để cho nhân vật tự thể hiện mình, bộc lộ những ẩn ức, dự cảm, khát vọng và cũng được các nhà văn nữ đương đại thể hiện thành công, đôi khi thành công ngoài mong đợi của tác giả. Với không gian giấc mơ, thế giới tiềm thức của con người, là nơi con người bộc lộ mình rõ nhất. Không gian trong những giấc mơ thể hiện những khát vọng, ám ảnh, những mặc cảm của con người. Trong Người đi tìm giấc mơ của Nguyễn Thị Thu Huệ, nhân vật mơ thấy mình gặp lại những người trong gia đình đã chết từ lâu: “Mỗi người gánh một gánh phân bốc mùi thối hoăng, sóng sánh đi tới chỗ tôi, rồi từng người, từng người một lấy cái gầu, múc một gầu dội thẳng vào mặt tôi…”. Kiểu không gian đồng hiện trong giấc mơ và trong đời thực tạo nên nhiều tầng bậc ý nghĩa cho câu chuyện và đặt nhân vật vào nhiều hoàn cảnh khác nhau để bộc lộ mình rõ hơn. Trong Ám ảnh của Nguyễn Thị Thu Huệ có không gian trong giấc mơ, mà ở đó nhân vật Thạnh sống trong không gian ngột ngạt bức bối với sự độc ác và ti tiện của ông bố. Từ không gian hẹp, không gian gia đình, tạo ra sự va đập dữ dội giữa các tính cách dồn nhân vật đến chỗ phạm tội ác. Không gian hiện thực là không gian mà nhân vật dùng lý trí để phân tích, để lý giải về vấn đề tha hoá đạo đức của con người. Việc xây dựng không gian giấc mơ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân vật bộc lộ mình bằng những đấu tranh nội tâm dữ dội trong quá trình tự ý thức. Thủ pháp này góp phần thể hiện quá trình đó một cách sinh động và thuyết phục. Không gian giấc mơ đã làm nổi rõ những ám ảnh về quá khứ, về tội lỗi và số phận bi đát không thể lý giải của nhân vật. Đỗ Hoàng Diệu đã vô tình định nghĩa bút pháp của mình bằng câu"chập chờn những hình ảnh, ma mãnh những giấc mơ" và thật sự là tác giả đã vẽ nên những nét chập chờn, ma mãnh về tình thế con người trong sa mạc đỏ qua truyện ngắn đầu tiên Tình Chuột. Với bút pháp miêu tả đặc biệt, tập truyện Bóng đè
được Đỗ Hoàng Diệu miêu tả trong một không gian giấc mơ đầy ma quái và một không khí căng thẳng với những diễn biến cốt truyện nhanh đến chóng mặt. Đó là một không gian “nực nồng”, “rít ẩm”, “ngột ngạt” trong Bóng đè [99, tr.19], một không gian bức bối luôn đi cùng với một câu được nhân vật tôi nhắc đi nhắc lại: “Đó là một ngày không có gió” trong Vu quy,… Điều đó có thể lý giải được một phần cái cốt truyện đầy éo le mà những nhân vật nữ trong truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu luôn luôn phải đối mặt. Thế giới của “Bóng đè” là thế giới của tinh thần bị ngục tù, giữa một miền quê đìu hiu với hàng chục cái đám giỗ mỗi năm trong một gia tộc. Ấy là cô con dâu thành thị như “hổ cái” không bao giờ thỏa mãn khát khao về nhục dục, một bà mẹ chồng với “giọng nói mỉa mai kéo dài đu đượi”, “chua đôi môi hóng hớt” với cái liếc xéo cay nghiệt, một người chồng mỗi khi về quê sẽ luôn đắm chìm trong những bát hương, những ngôi mộ và lầm rầm trước chiếc bàn thờ khổng lồ trong ngôi nhà rờn rợn… Cái không khí mà Đỗ Hoàng Diệu phủ lên tạo cho người đọc cảm giác sợ hãi mơ hồ, như lạc vào một thế giới nửa hư nửa thực. Ở đó, con người như linh hoạt thường ngày bỗng trở nên vô hồn, tròng mắt quạnh quẽ, ướt đẫm mồ hôi trong những “âm thanh ập è sít lại nơi đầu lưỡi”. Và cũng ngay tại thế giới âm u khắc nghiệt ấy, người con dâu đã bị cưỡng hiếp ngay trước bàn thờ tổ tiên, mà kẻ gây ra không ai khác - chính là người bố chồng đã chết, là bóng ma luôn hiện về đè nặng lên từng giấc ngủ của người con gái giãy giụa trong bất lực…
Không gian huyền thoại cũng là một kiểu không gian đặc trưng cho truyện ngắn Việt Nam đương đại trong việc thể nghiệm nhân tính, cá tính… Con người khi được đặt vào một thế giới siêu thực sẽ bộc lộ nhiều góc khuất mà trong không gian sống thường nhật khó có thể nhận ra. Đau khổ với những không gian bức bối, tù túng; mệt nhoài với sự đuổi bắt khắc nghiệt của thời gian trong cuộc sống thực, nhiều tác giả nữ đã tìm về, đã quay trở lại với không gian huyền thoại, không gian kỳ ảo của cổ tích xưa. Chúng ta có thể thấy rất rõ kiểu không gian này trong sáng tác của Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ và Đỗ Hoàng Diệu… Không gian trong
sáng tác của Võ Thị Hảo mang hơi thở của không gian huyền thoại, nhưng chúng lại được miêu tả bằng nhãn quan của người viết nữ nên đã tạo ra được sức lôi cuốn kỳ lạ bởi sự lấp lánh, nhẹ nhàng rất nữ tính. Qua tác phẩm của Võ Thị Hảo, chúng ta thấy một không gian được nhuộm lên màu sương khói trong Giàn thiêu, một không gian giả cổ tích vô cùng lấp lánh trong Tim vỡ, Nàng tiên xanh xao, Khát của muôn đời, Hồn trinh nữ, Hành trang của người đàn bà Âu Lạc,…, hay một không gian đong đầy yếu tố kỳ ảo trong Vườn yêu, Lửa lạnh, Giọt buồn giáng sinh, Biển cứu rỗi, Đêm vu lan, Lãnh cung,… Nguyễn Thị Thu Huệ và Đỗ Hoàng Diệu cũng là những tác giả rất thành công khi xây dựng thi pháp mang yếu tố cổ tích huyền ảo qua thế giới nhân vật của mình. Trong Cõi mê, Hậu thiên đường, Phù thuỷ, Lãng quên phiền muộn, Mùa đông ấm áp,... của Nguyễn Thị Thu Huệ hay trong Vu quy, Dòng sông hủi, Linh thiêng, Căn bệnh,... của Đỗ Hoàng Diệu, chúng ta đều nhận thấy nhân vật của họ là những người con gái xinh đẹp như những nàng công chúa trong cổ tích. Và rồi, những cô gái nhẹ dạ ấy bị phụ bạc, bị chiếm đoạt, bị người yêu, người tình lừa dối. Những kẻ chiếm đoạt lần lượt quất ngựa truy phong, còn các nàng thì chờ đợi tan tác trong chợ đời. Kết thúc tác phẩm, cũng giống như những người đẹp trong cổ tích, các cô gái trẻ hay những thiếu phụ gặp bất trắc trong đời đều nhận ra và thấm thía về một lẽ đời nào đó; chỉ khác một điều là nếu những nàng công chúa trong truyện cổ luôn tìm được chàng Thạch Sanh của mình, thì những cô gái trong tác phẩm văn xuôi nữ đương đại thường ở lại mãi “bên kia bờ ảo vọng” với bế tắc, trống trải và cô đơn.
Có thể nói, chính cuộc sống bất an của con người giữa một xã hội bất toàn chính là lý do xuất hiện của những không gian, thời gian tâm lý vô cùng rối rắm và bộn bề trong văn xuôi đương đại những năm gần đây. Và cuối cùng, không gian huyền thoại cổ tích cũng chính là không gian khát vọng mà các nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ của Võ Thị Hảo nói riêng và nhân vật nữ của các tác giả nữ nói chung muốn tìm về và muốn được che chở. Bằng cảm quan phái tính, thông qua sự bức bối, dồn nén của yếu tố không gian, thời gian đong đầy trong tác phẩm, các cây bút
nữ đã lên tiếng đòi quyền được sống hạnh phúc trong một không gian hạnh phúc hơn cho những người phụ nữ trong cuộc sống đương đại.
Có thể bạn quan tâm!
- Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 13
- ?xét Lại” Thế Giới Đàn Ông Bằng Con Mắt Đàn Bà
- Không/thời Gian Nghệ Thuật – Bức Tranh Thế Giới Qua Con Mắt Phụ Nữ
- Khuynh Hướng Tự Truyện Như Một Nét Đặc Thù Của Lối Viết Nữ
- Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 18
- Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 19
Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.
4.2. Ngôn ngữ, giọng điệu – bước đột phá của diễn ngôn phái tính
Với quan điểm coi trọng mục đích giáo huấn của văn học, với tập quán và tư duy nghệ thuật là quen nghĩ và phải nghĩ theo những kiểu mẫu nghệ thuật đã có sẵn, đã thành công thức, nền văn học Việt Nam cổ - trung đại đã phải theo một thứ ngôn ngữ quy phạm “chuẩn mực” trong suốt một thời kỳ dài gắn với nhà nước phong kiến. Bước sang đầu thế kỷ XX, khi các thi sĩ Tây học lãng mạn như Xuân Diệu vừa cầm bút viết nên những vần thơ mang hơi thở của văn học lãng mạn Pháp “Hơn một loài hoa đã rụng cành/ Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh” thì người ta đã bắt đầu cảm nhận được một sự chuyển mình mạnh mẽ của nghệ thuật ngôn từ trong tiến trình giao lưu văn hoá Đông – Tây trong thời đại mới. Từ đây, văn học Việt Nam đã làm một cuộc “phá rào” mạnh mẽ để đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Nếu như trong giai đoạn văn học đặc biệt 1945 – 1975, người ta chứng kiến một thế giới nghệ thuật ngôn từ đã được nhiều nhà văn “mỹ hoá”, “lý tưởng hoá” thì giai đoạn từ sau năm 1975, nhiều tác giả lại có xu hướng diễn tả thực tại đời sống bằng tất cả những ngôn từ của đời sống thường nhật. Cùng với xu thế dân chủ hoá xã hội khi đất nước ở trạng thái thời bình và bước vào công cuộc đổi mới, nhu cầu khẳng định giá trị cá nhân ngày càng trở thành cảm hứng quan trọng trong văn học. Màu sắc phái tính và âm hưởng nữ quyền trong sáng tác của các cây bút nữ không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở cả nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ngôn từ.
Gắn với lối tư duy Nho giáo truyền thống dường như đã thấm vào máu thịt, vào tiềm thức bởi bốn chữ “công, dung, ngôn, hạnh”, những người phụ nữ viết văn giai đoạn trước những năm 1975 vẫn luôn gìn giữ, bảo toàn thứ ngôn ngữ dịu dàng, mực thước, đầm đìa cảm xúc trong tác phẩm của mình. Tuy vậy, từ sau năm 1975, một trào lưu ngôn ngữ giọng điệu mới đã được xướng lên mà những cây bút nữ tiên phong là Phạm Thị Hoài và Thuận. Đi sâu vào tìm hiểu ngôn ngữ giọng điệu văn
xuôi nữ sau năm 1975, chúng tôi tìm thấy sự muôn màu của thế giới ngôn từ trong tác phẩm của các cây bút nữ. Dường như, khi được “sổ lồng”, được “cởi trói” khỏi thứ văn phong dịu dàng thuần khiết, đằm thắm thanh tao vốn bị “quy chụp” cho riêng nữ giới thì các tác giả nữ đã ở trong tâm thế thoải mái hồn nhiên trong việc dùng nghệ thuật ngôn từ để truyền tải ý tưởng sáng tạo. Dường như, để chứng minh cho nam giới thấy những điều mà người đàn ông làm được cũng là những điều mà phụ nữ có thể làm, các nhà văn nữ đã mang đến một bước thể nghiệm mới cho văn chương nữ về nghệ thuật ngôn từ. Dẫu vậy, không phải vì thế mà văn phong nữ mất đi nét nữ tính hồn hậu. Bản chất thiên tính nữ vẫn luôn ẩn chứa sau ngôn ngữ giọng điệu có khi sắc sảo nanh nọc chua ngoa, đầy tính giễu nhại và triết lý (Thuận, Phạm Thị Hoài, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ), có khi dân dã, mộc mạc, đôn hậu, chân chất (Nguyễn Ngọc Tư), có khi giản dị, đằm thắm, trang trọng, dịu dàng, đầy chất trữ tình (Dạ Ngân, Trần Thuỳ Mai, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ), có khi ồn ào, mãnh liệt, thiêu đốt (Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Hoàng Diệu),…
Nhận xét về ngôn ngữ giọng điệu trong sáng tác của Phạm Thị Hoài và Thuận- những nhà văn nữ đầu tiên khiến nhiều người đọc phải choáng váng bởi văn phong của họ , nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình nhận định: “Thứ tạp ngữ đời thường, thứ văn nôm hiện đại được các chị (Phạm Thị Hoài, Thuận) dùng thoải mái không thua gì các cây bút nam, chứng tỏ sự chiến thắng của phái yếu đối với mặc cảm giới tính”. [6]. Để “tấn công” vào lối hành văn dịu dàng, êm ái, du dương, Phạm Thị Hoài và Thuận đã đưa vào tác phẩm của mình một hệ thống dày đặc những con số, những khái niệm khô khốc của vật lý, toán học, hoá học,… bằng những câu văn dửng dưng, vô cảm, bất quy tắc cú pháp: “Tôi không thấy ai bài Hoa như bố mẹ tôi. Từ A đến Z. Một cách hoàn hảo. Không nhượng bộ. Không nhìn trước nhìn sau”, “Hai trăm nghìn không đủ nghe Thanh Lam và Hồng Nhung song ca ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Nhưng hai trăm nghìn đủ mua bốn mươi cân ngô ở Yên Bái, bốn mươi cân sắn ở Củ Chi, bốn mươi cân bột mì ở Rạch Giá (Phố Tàu, Thuận), “Nhà độc một phòng. Mười sáu mét vuông gạch men nâu. Phòng độc một
cửa sổ, lỗ thủng hình chữ nhật lúc thì màu xanh, lúc thì vàng óng, lắm khi xám xịt đóng khung lên thế giới bốn trăm ô vuông nâu và một khuôn chữ nhật biến ảo, xoay như xoay rubic”, “Homo-A và Homo-Z, cửa sổ tôi chia đôi nhân loại, tôi bước trên một biển các phần tử hỗn độn, và chúng rẽ thành những sóng A sóng Z” (Thiên sứ, Phạm Thị Hoài)… Không chỉ có vậy, ngôn ngữ đời thường pha trộn lổn nhổn những lời cộc lốc, chói tai với những thuật ngữ chuyên ngành xen lẫn những từ ngoại quốc được dùng kết hợp với từ thuần Việt, hay những lối phiên âm cách đọc tiếng nước ngoài trong thời kỳ toàn cầu hoá cũng được đưa vào tác phẩm một cách có chủ ý: Maraguerite Duras, Charles de Gaulle, Yên Nản, stress lắm, khờ- ra-sô, toi et moi,… (Thuận), Che Guevara, Ruslan và Ljudmila, không thèm biết pardon, Give peace chance, rét xe cần hen, đì dai thời trang, thiết kế mô đần, mẹc xì lù bố cu, Anh ta vụt biến khỏi cửa sổ tôi. Fata Morgana kỳ ảo. Thế là chú lính chì dũng cảm lại lên đường cười vào mũi các trường đại học ngông nghênh trên 4 trụ cột “trí, đức, thể, mĩ”, những lâu đài giấy, phì, mọi lý thuyết đều màu xám, hãy đợi đấy, tôi sẽ trở lại,… (Phạm Thị Hoài). Trong cái “kho tàng” ngôn ngữ đời thường của tác phẩm Phạm Thị Hoài, chúng ta còn tìm thấy một góc riêng những từ ngữ theo kiểu từ vựng được dùng trong “nhà ăn” với đầy đủ mỡ, canh, dưa chua, đậu rán, nước mắm, màn lọc nước bì, với bạch hạc hầu cờ, gà chi lan, … trong Thực đơn chủ nhật- thứ mà không phải nhà văn nam nào cũng có thể tưởng tượng và đưa vào tác phẩm được. Vốn quen vơi những chủ đề dễ hiểu của “chiến tranh và xây dựng”, “hoàn cảnh điển hình và nhân vật điển hình”, với những bức tranh nghệ thuật ngôn từ chỉ có hai màu đen và trắng, ở thời kỳ đầu, khi tiếp cận với sáng tác của Phạm Thị Hoài và Thuận, rất nhiều nhà phê bình hoặc không chịu nổi cách hành văn của họ, hoặc ngạc nhiên, lúng túng.
Bên cạnh những tác phẩm của Thuận và Phạm Thị Hoài thì văn xuôi Đoàn Lê, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà,… đều dung chứa rất nhiều vẻ gai góc, thô nhám, tạo ấn tượng về cá tính mạnh. Những ngôn từ trần trụi và đôi khi hơi…bạo không phải là những từ ngữ khó tìm trong các sáng tác nữ đương đại: “Điên lắm rồi. Bà cũng