Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 19

nghiệm trong những tác phẩm đậm tính tự truyện của Dạ Ngân với Gia đình bé mọn, Đoàn Lê với Tiền định,… là cái tôi của những người phụ nữ đa đoan, yêu say đắm và mãnh liệt, dám sống và đấu tranh cho hạnh phúc của cá nhân và cũng hết mình với văn chương nghệ thuật. Tác phẩm của các cây bút nữ gợi đến một số tiểu thuyết có tính tự thuật của M. Duras, đặc biệt là cuốn Người tình, bởi sự miêu tả trọn vẹn những cảm giác dục tính và trải nghiệm thân xác, táo bạo lấy chất liệu từ chính bản thân mình, những yếu tố đời tư, chi tiết tiểu sử, sự dấn thân của nhân vật nữ chính trong tình yêu và những đam mê. Với Duras, mỗi cuốn tiểu thuyết đều là câu chuyện cuộc đời bà, thật hơn chính cuộc đời mà ta đã biết về bà. Thực ra vấn đề cái tôi cá nhân trong tiểu thuyết M. Duras nói riêng và văn học phương Tây nói chung có nhiều khác biệt do đặc trưng văn hóa và lịch sử cái tôi cá nhân hình thành rất sớm, có quá trình phát triển mạnh mẽ và lâu dài. So sánh liên hệ một chút như vậy để thấy sự tự thể hiện mình trong các tác phẩm văn xuôi Việt Nam đương đại là một cách khẳng định cái tôi cá nhân táo bạo, mang đậm dấu ấn thời đại. Có lẽ chưa bao giờ trong văn học Việt Nam, người phụ nữ viết về mình, ý thức về cái tôi cá nhân của mình sâu sắc và riết róng đến như thế. Nhưng những vấn đề cá nhân, những vấn đề về phái tính không phải là chuyện riêng của bất cứ ai, ở tầng sâu, nó gắn chặt với những vấn đề nóng bỏng của xã hội và những cú trở mình của lịch sử. Trong cuốn Feminism and Autobiography (Nữ quyền và tự truyện) do Tess Cosslett, Celia Lury và Penny Summerfield biên soạn được xuất bản lần đầu năm 2000 tại Anh, Mỹ và Canada, các tác giả nhấn mạnh đến sự có mặt của cảm hứng tự thú, sám hối như là nhu cầu khám phá bản ngã trong quan hệ với chính mình và quan hệ với xung quanh của các tác phẩm tự truyện. Chúng ta đều biết rằng, thể tự truyện ở phương Tây có nguồn gốc từ truyền thống xưng tội của đạo Thiên Chúa. Theo Lịch sử cá nhân luận, trong cội nguồn phát triển của Thiên chúa giáo, cá nhân bắt đầu được hình thành từ ý thức về sự cứu vớt linh hồn mình. Cùng với cảm hứng nhận thức lại đời sống và xét lại các giá trị cá nhân, có thể cảm nhận được dư vị tự thú, sám hối, giãi bày, trần tình trong rất nhiều tác phẩm khuynh hướng tự truyện.

Tác phẩm có khuynh hướng tự truyện không hướng tới mục tiêu đó nhưng khi khai thác số phận cá nhân, bi kịch tinh thần, đã không ít lần chạm của cái tôi lạc lõng, cô đơn. Thậm chí, trong một số tác phẩm, màu sắc hiện sinh khá đậm: con người bơ vơ trong xã hội, sự mong manh của kiếp người trước những biến động dữ dội của lịch sử, trong sự hỗn độn của một thế giới phi lý. Tất cả những điều này được các nhà nghiên cứu Tự truyện và nữ quyền gọi đó là những chấn thương tâm lý. Chấn thương tâm lý chủ yếu với những người phụ nữ thường là những vấn đề thuộc cảm xúc tình cảm, tình yêu. Với cảm hứng sáng tác chủ đạo là hướng về đề tài tình yêu, các nhà văn nữ thường đặt nhân vật nữ trong thế đối sánh với nhân vật nam. Khi bị đẩy vào bi kịch, người phụ nữ - nhân vật xưng Tôi, nhận chân toàn bộ giá trị hiện thực bi đát của mối quan hệ mà họ luôn tin rằng phải và chỉ có thể được tạo dựng bằng yêu thương, bằng sự hy sinh tuyệt đối cho nhau. Người đàn ông luôn là kẻ gây ra nỗi đau và sự bất hạnh, kẻ phản bội lại lý tưởng về tình yêu, về đời sống. Với người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, hầu hết các tác phẩm văn xuôi nữ đương đại bộc lộ xu hướng viết “như một nhu cầu trình bày những trải nghiệm của bản thân”. Người kể chuyện lúc này xoá đi khoảng cách trần thuật của mình để đối thoại với độc giả. Nhân vật tự kể về cuộc đời mình, tự bộc bạch nỗi lòng mình. Chính vì thế, độc giả có thể cảm thấy dường như nhà văn “tự đưa mình vào tác phẩm”, bộc lộ nhu cầu giãi bày tâm sự qua nhân vật. Trở lại với sáng tác của Dạ Ngân, chúng ta thấy Gia đình bé mọn trước hết là cuốn tiểu thuyết kể chuyện gia đình. Đúng hơn là kể chuyện những gia đình của nhân vật trung tâm - nữ nhà văn Mỹ Tiệp. Gia đình 1: là gia đình mà Tiệp đã sinh ra và lớn lên, gia đình của những người đàn bà góa hoặc không chồng, luôn phải gồng mình gánh chịu bất hạnh và cả sự kiêu hãnh của một mái nhà thiếu hơi ấm đàn ông, lấy gia phong khổ hạnh làm nền tảng. Gia đình 2: gia đình mà Tiệp và người chồng tên Tuyên là những vật liệu xây dựng chẳng có chút kết dính nào ở những phẩm chất cơ bản, và tan vỡ là kết cục tất yếu. Gia đình 3: tập hai trong đời sống vợ chồng của Tiệp. Cùng với Tiệp làm nên gia đình này là gã nhà văn lãng tử có tên Viết Đính, cùng Tiệp đi qua 11 năm yêu đương, trong cái

đói rách đáng rùng mình của một thời, trong cả những điều tiếng tàn nhẫn của xã hội. Con đường đời của Tiệp là đi từ gia đình 1 đến gia đình 3, đằng đẵng, chông chênh, nghẹt thở. Để có được gia đình 3, Tiệp đã phải trả giá: trước hết là sự từ bỏ - từ những người đàn bà góa ở gia đình 1, tiếp đến là sự lên án và xa lánh của bộ phận xã hội khư khư thứ luân lý cổ hủ và nặng nề hơn hết là sự dằn vặt bản thân, khi phải cân nhắc giữa tình mẫu tử và tình yêu đôi lứa. Vượt lên trên tất cả, tác giả cho thấy một mẫu hình phụ nữ chủ động lèo lái con thuyền cuộc đời mình, kiên nhẫn tới mức lì lợm để sống thật với nhu cầu tinh thần của mình. Để thể hiện cái Tôi một cách toàn diện nhất, độc thoại nội tâm của nhân vật là cách mà tác giả lựa chọn. Bằng độc thoại nội tâm, tác giả đã diễn đạt những giằng xé, dằn vặt của nhân vật trước biến cố cuộc đời, tạo nên giọng điệu thâm trầm sâu lắng. Chúng ta cũng có thể thấy hình thức độc thoại nội tâm là cách mà Nguyễn Thị Thu Huệ sử dụng trong hầu hết tác phẩm. Độc thoại nội tâm như là sự giải toả tâm trạng, nhân vật tự đặt câu hỏi cho chính bản thân mình: “Sao tôi thấy cô đơn và sợ cuộc sống thế này?” (Minu xinh đẹp), hoặc tự thừa nhận: “Tôi thấy trống trải và hụt hẫng” (Biển ấm), hoặc tự khẳng định cho riêng mình: “Tôi tin rằng mình lại có tình yêu bởi tôi mất nó lâu rồi” (Cát đợi). Phong Điệp cũng là một nhà văn hết sức thành công khi để nhân vật tôi của mình độc thoại nội tâm trong nhiều tác phẩm. Khi đọc những câu chuyện tuổi trẻ của Phong Điệp, người đọc luôn cảm nhận được mình trong đó. Có lẽ, ai cũng thấy một chút về mình trong những câu chuyện Phong Điệp kể. Và chắc chắn là Phong Điệp cũng vậy, không ít lần “soi gương” chính mình qua mỗi trang viết. Nhân vật Tôi trong tác phẩm của Phong Điệp là những nhân vật phụ nữ trẻ từ quê ra thành phố lập nghiệp, đi làm, vật lộn với cuộc sống, nhận mức lương

500.000 đồng, sống tằn tiện trong “căn phòng trọ tồi tàn 9m2, trần xi măng” – căn nhà mà vào mùa hè nắng như thiêu đốt, đổ một chậu nước ra sàn nhà, chỉ mấy phút sau cái nóng đã “nuốt chửng” nó. Những nhân vật Tôi ấy được Phong Điệp miêu tả với “giấc ngủ chập chờn mộng mị vì bất an, vì nóng, vì cô đơn không bè bạn, không tình yêu”. Và những nhân vật Tôi ấy cũng luôn khắc khoải, trăn trở bởi

“phải sống qua những giây phút đau đớn để tự hiểu rằng, ngay cả những người thân yêu nhất cũng có lúc làm mình tổn thương, suy sụp, ngay cả những người thân tín cũng có lúc quay lưng lại với mình”; “rằng đời sống nghiệt ngã, khốc liệt gấp hàng trăm ngàn lần mình tưởng tượng khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. Nhưng, sau thất vọng, và cả tuyệt vọng, những nhân vật Tôi ấy lại đứng dậy, lại “bò ra để kiếm tiền, để bám trụ với đời sống đô thị”. Qua những nhân vật Tôi của Phong Điệp, người ta có thể cảm nhận một cách rõ ràng rằng, đằng sau những lộng lẫy, phù phiếm phố xá mà ta đang nhìn thấy ngoài kia, là biết bao cuộc đời, biết bao thân phận tuổi trẻ đang gồng mình với đời sống. Và không ít người trẻ tuổi, trong cuộc mưu sinh, đã không chiến thắng được chính mình, đã “bỏ quên” những lý tưởng ban đầu, những giá trị cần thiết để chạy theo những thực dụng tầm thường… Nguyễn Ngọc Tư – một tác giả trẻ Nam Bộ, cũng luôn miên man thao thức cùng nhân vật xưng Tôi để mổ xẻ căn nguyên của mỗi tính cách trong những truyện ngắn, tạp văn của mình. Các nhân vật trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư đều đầy tính thiện, thế nhưng cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo dốt nát lam lũ và điều kiện sống tù túng ngột ngạt dần xô đẩy người này trở thành nạn nhân của người kia. Trong Cánh đồng bất tận, bà vợ nhẹ dạ nông nổi là nạn nhân của chiếc ghe đầy vải vóc. Ông chồng bị cắm sừng trả thù bằng cách thoả mãn thú vui thân xác với vợ của những người khác rồi vứt bỏ họ giữa đường. Con cái là nạn nhân của những người cha người mẹ ấy phải sống vạ vật với đầy tàn tích trong tâm hồn. Sự báo ứng rơi vào hai đứa trẻ trong trắng đáng thương: Điền tự hủy hoại bản năng đàn ông của mình, vô vọng chạy theo người đàn bà bị sỉ nhục. Nương bị đám trai làng hãm hiếp ngay trước mặt người cha tội lỗi đang bị đè nghiến xuống bùn. Không lên gân bạo liệt, không tăm tối bi quan, những đoạn văn đầy tình tiết trắc ẩn như thủ thỉ dịu dàng mà đẩy dần số phận từng nhân vật tới tận cùng bi thảm. Đồng khô, lúa cháy, đàn vịt là nguồn sống cuối cùng cũng bị chôn sống! Đại diện hiếm hoi cho phía chính quyền trong suốt câu chuyện là hai ông cán bộ ấp và xã, không chỉ vô cảm với nỗi khổ dân quê mà còn sẵn sàng vét nốt của họ cả mảnh tình rách nát. Bản

lĩnh tác giả đã níu cảm xúc người đọc kịp dừng lại bên bờ tuyệt vọng, khi mầm thiện trong trái tim nhân vật xưng tôi ngập trong máu và nước mắt vẫn bừng xanh niềm hy vọng sâu sắc thiêng liêng: nếu như Nương “bị có con” sau cuộc bạo hành, thì “ đứa bé không cha nhưng chắc chắn sẽ được đến trường”, sẽ sống hạnh phúc “vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

Có thể nói, đối với mỗi tác giả nữ, đến với nghề viết là đến với những tâm hồn người để được chia sẻ, giãi bày hay đưa ra một quan điểm sống. Với Phạm Thị Hoài thì “viết như một phép ứng xử”. Y Ban coi viết là “trung thành với chính cái tôi, một cái tôi không chỉ giàu bản năng mà còn đầy ý thức nữ”. Trần Thùy Mai viết để “được tồn tại trong những cảnh đời khác nhau”, “được sống những gì mình mơ ước”, “được nói những điều không ai nói giữa đời thường”, “là cách thoát ra khỏi sự hữu hạn của đời người”, viết cũng là “một cách cứu rỗi”. Nguyễn Thị Thu Huệ, quan niệm “viết văn là viết ra những gì mình tâm đắc”. Như vậy, văn xuôi có khuynh hướng tự truyện hướng về vùng hiện thực có tính đặc thù, đó là hiện thực trong tâm hồn người hơn là hiện thực sự kiện, những câu chuyện đời tư, mang tính cá nhân, vùng hiện thực nhỏ bé đơn nhất, hay hiện thực từ những trải nghiệm và suy nghiệm nhưng không loại trừ những hiện thực trộn lẫn hư cấu một cách cố ý. Nếu nhìn một cách hệ thống, các tác phẩm của các nhà văn nữ đều chú ý đến những khát khao tinh thần của người phụ nữ, tình yêu bản năng và thể xác luôn gắn với sự rung động tinh tế của tâm hồn yếu đuối nhưng dũng cảm và mạnh mẽ, trong hành trình tự đi tìm hạnh phúc cá nhân của họ. Bằng cách để nhân vật xưng Tôi tự thuật về những trải nghiệm, những đau đớn và cả những giấc mơ hạnh phúc trong cuộc đời mình, các tác giả nữ những năm gần đây đã thẳng thắn, công khai khẳng định mình trước cuộc đời, trước dư luận. Khuynh hướng tự truyện trong văn xuôi nữ đương đại đã được thể hiện như một nét đặc thù của một lối viết nữ về quyền được giãi bày, được sẻ chia và được sống thực là mình của những người phụ nữ.

Tiểu kết


Những người đàn bà cầm bút viết văn - đó thực sự là hành động dấn thân đầy can đảm. Họ viết như là để tự bộc lộ, hơn thế, như một tham dự đề vừa khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội hiện đại, vừa khẳng định khả năng kiến tạo diễn ngôn của chính các nhà văn nữ. Bản sắc nữ, có thể với những lý thuyết gia cực đoan, là không cần thiết, nhưng trong thực tiễn sáng tạo, nó là một hiện hữu, một tồn thể. Và một khi đã tồn tại, theo cách diễn đạt của Hegel, nó mang chứa “hạt nhân hợp lý” bên trong. Những diễn giải của chúng tôi về cách hình dung/ biểu đạt thế giới của các nhà văn nữ, hay cách tổ chức ngôn ngữ, giọng điệu của họ chính là biểu hiện sinh động của nỗ lực đột phá trong diễn ngôn phái tính và nữ quyền. Theo đó, tự truyện giờ đây không còn là đặc quyền của nam giới mà còn có cả sự tham dự của giới nữ. Điều đó chỉ có thể có được trong một sinh quyển tràn đầy tinh thần dân chủ. Hay nói khác đi, đó chính biểu hiện chân thực nhất của tinh thần dân chủ, qua cái nhìn nữ giới!.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.

KẾT LUẬN

1. Gắn với cội nguồn văn hóa dân tộc, ý thức phái tính đã dần được người phụ nữ Việt Nam xác lập. Theo thời gian, cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã góp phần mở ra cho người phụ nữ một cuộc sống mới; sự thắng lợi của các phong trào đấu tranh cho nữ quyền trên toàn thế giới cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam. Nếu như người phụ nữ trong ca dao xưa đã mơ hồ nhận ra sự bất bình đẳng nam nữ, nhưng lại chỉ biết than thân trách phận thì người phụ nữ trong văn học thời kỳ Trung đại đã mạnh mẽ phản kháng lại xã hội với những luật lệ hà khắc đã chèn ép, tước đoạt hạnh phúc của chính họ; còn người phụ nữ trong văn học hiện đại đã tự tin khẳng định vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Và sau này, cái tôi cá nhân ở tầng sâu bản thể được khám phá trong những tác phẩm văn học đương đại đã mang đến cho văn học những trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ.

Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 19

2. Phát triển trong không khí dân chủ của xã hội thời đổi mới, văn học Việt Nam từ sau 1975 có cơ hội mở rộng các bình diện phản ánh, khám phá chiều sâu bản thể con người, trong đó có sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức phái tính. Việc xác lập vị trí của phái mình trên địa hạt văn chương là nỗ lực của các cây bút nữ. Chưa bao giờ trong văn học Việt Nam xuất hiện ồ ạt hàng loạt các cây bút nữ như thời kì này. Với bản lĩnh, tài năng và những trải nghiệm cuộc sống các nhà văn nữ không ngần ngại đối thoại với văn học quá khứ về vấn đề nhân bản con người. Một lối viết nữ đã được hình thành như là một sự lựa chọn, một cách ứng xử, một nghệ thuật tạo tác văn bản để thể hiện rõ nữ quyền.

Phê bình nữ quyền là một học thuyết dung chứa trong nó nhiều phương pháp khác nhau mang tính tri thức liên ngành. Trong nghiên cứu văn học, mặc dù hướng nghiên cứu phê bình này chưa trở thành một hệ thống, nhưng không ai có thể phủ nhận sức ảnh hưởng lớn lao của nó trong nghiên cứu văn học hiện đại. Vận dụng hướng đi mới mẻ này, bằng các phương pháp nghiên cứu đã được triển khai trong luận án, chúng tôi đã xem xét vấn đề phái tính và nữ quyền trong văn học Việt Nam

ở một diện rộng theo tiến trình văn học sử và đặc biệt dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc nghiên cứu vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số tác giả nữ tiêu biểu. Phái tính, nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam những năm gần đây thực sự đã dấy lên tiếng nói thức tỉnh cho phái nữ thông qua những tác phẩm viết về phụ nữ và đặc biệt là những tác phẩm của chính các tác giả nữ. Chúng tôi cho rằng không chỉ có ngày hôm qua hay ngày hôm thôi, mà sẽ vẫn còn rất lâu nữa, các nhà văn (mà đặc biệt là các nhà văn nữ) vẫn sẽ còn tìm kiếm những diễn ngôn khả thể cho giới nữ để tạo lập một hệ thống văn bản ngày càng hoàn thiện và thuyết phục hơn nữa, tạo “thế đứng” vững chắc cho người phụ nữ trong nền văn hoá Việt hiện vẫn còn đậm tính “vị nam” này.

3. Nhìn từ phương diện nội dung và nghệ thuật phản ánh, sáng tác của các tác giả nữ tiêu biểu của văn học sau 1975 có nhiều đóng góp mới, trong đó nổi bật là việc đi sâu khám phá những vấn đề thuộc về bản sắc giới, tạo ra một diễn ngôn mới của thời đại bên cạnh diễn ngôn chính trị, diễn ngôn đạo đức, diễn ngôn khoa học… Đó là diễn ngôn về ý thức phái tính. Song song với việc đả phá trật tự nam quyền, văn học Việt Nam từ sau năm 1975, nhất là giai đoạn từ năm1986 còn tập trung xây dựng những nhân vật nữ mang những tư tưởng mới. Đó là tư tưởng tự do, tự quyết định các lựa chọn của mình; chấp nhận xung đột với người đàn ông, với các quy định văn hóa truyền thống; khẳng định các nhu cầu chính đáng của bản thân. Tất cả những điều này không ngoài mục đích khẳng định cái tôi cá nhân, một cái tôi vốn bị lãng quên trong quá khứ. Đi sâu khảo sát những tác phẩm văn xuôi nữ đương đại, chúng tôi có cảm giác các tác giả nữ đã mang cả cuộc đời và tâm hồn mình nhập thân cùng sống, yêu thương, suy ngẫm, đau đớn, khát khao với người phụ nữ. Mỗi câu chuyện về cuộc đời họ đau đáu một nỗi niềm, cứ âm thầm chuyên chở vào hồn người bao trăn trở và day dứt. Ý thức phái tính về quyền bình đẳng trong địa hạt văn chương là động lực ban đầu giúp các cây bút nữ dấn mình vào nhiều lãnh địa cấm trong văn chương chính thống. Khẳng định cá nhân, sự tự do

Xem tất cả 173 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí