Không/thời Gian Nghệ Thuật – Bức Tranh Thế Giới Qua Con Mắt Phụ Nữ

dựng cũng thật bi hài: người trí thức trong hoàn cảnh túng quẫn về kinh tế, thay vì nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học, hằng ngày anh ta phải nuôi chó Nhật để mưu sinh; người đàn ông trong Hậu thiên đường thì thảm hại ở cả hai tư cách: làm chồng và làm người tình. Những dòng nhật ký của cô bé mười sáu tuổi khiến người ta không khỏi chạnh lòng: “Vào cửa hàng, toàn những bánh xà phòng sáu, bảy nghìn. Mình mua một bánh ZET, mùi nó hăng hắc nhưng lại dễ chịu. Anh ấy trả lại chị bán hàng và chọn cho mình cái bánh xà phòng gì ấy. Nó to hơn cả ZET, cứng đanh và không có mùi thơm. Mình chưa dùng loại đó bao giờ. Bánh xà phòng anh ấy lấy có 2.500 đồng thôi. Anh bảo: “Nó vừa to, vừa bền lại rẻ”. Chiều anh ấy mình cũng đồng ý mua. Lúc mình đưa 10.000đ thì chị bán hàng trả lại 2.500đ, anh ấy giơ tay cầm lấy và đút ngay vào túi. Mình hơi ngại nhưng không dám hỏi vì có lẽ anh ấy quên”. [117, tr.172]. Và: “Anh ấy biến đi đâu hai ngày rồi bảo mình: Anh cố gắng thu xếp công việc càng sớm càng tốt. Anh sẽ nuôi một đứa, còn mụ vợ nuôi một đứa. Anh sẽ đấu tranh với mụ vợ để chiến thắng. Mụ ta sẽ phải bật xới khỏi nhà và tay trắng. Rồi anh sẽ lấy mình. Sao anh khổ thể nhỉ? Ước gì mình có thể chia sẻ cho anh ấy được”… “Sáng nay hai đứa ăn xôi. Bà bán xôi bảo: Hai bố con ngồi đây ăn xôi đi! Anh ấy cáu lắm mắng bà là mắt chó giấy. Mình cố gắng lắm chỉ ăn được năm trăm. Mình thích ăn bún riêu cua. Anh ấy thì dứt khoát không ăn. Anh ấy bảo cái giống ấy nó ỏng bụng và chóng đói, ăn xôi chắc dạ hơn. Mình đưa năm nghìn trả tiền xôi, hai đứa ăn hết 2.500đ. Anh ấy bảo bà bán xôi cứ giữ lấy, mai ăn tiếp. Mình thì thế nào cũng được. Miễn anh ấy vui vẻ thôi”. [117, tr.173]. Trái tim lần đầu biết rung động, hò hẹn yêu đương của cô gái mười sáu tuổi với niềm tin khiến người ta đau đớn: “Bây giờ mình mới thấy việc mẹ cứ suốt ngày đi vắng là rất hay. Nếu mẹ hay ở nhà, có lẽ chẳng bao giờ đi chơi với anh ấy được như thế. Mẹ mắng chết. Vì mẹ bảo cái bọn đàn ông rặt một loại đểu cả, đừng nên tin ai. Mình thì thấy ai cũng đáng tin hết. Nhất là anh”. [117, tr.165]. Đọc Hậu thiên đường, người đọc không khỏi khắc khoải cùng nỗi lo lắng, đớn đau của người mẹ: “Con tôi ở đâu? Bên những người đàn ông một vợ hai con chỉ thích ăn xôi cho chắc

bụng lại còn bòn rút từng đồng một. Ấy vậy mà con tôi ngỡ rằng nó đang ở thiên đường”. [117, tr.174].

Và tâm sự của người mẹ- người phụ nữ bốn mươi tuổi trong Hậu thiên đường cũng thật chua xót và thấm thía: “Những người đàn ông đi qua đời tôi như thể bất chợt họ gặp cơn mưa rào, mà họ thì không mang vải nhựa để che. Tôi là một cái hiên rộng để họ chạy vào đó, yên tâm, tưng tửng chờ cho qua cơn mưa, rồi về nhà”. [117, tr.164].

Không chỉ vậy, những đấng nam nhi đại trượng phu trong con mắt các nhân vật nữ của Nguyễn Thị Thu Huệ được phác họa là: “những anh chàng thương gia thì lạnh lùng, thô lỗ. Chàng Việt kiều thì ki bo, bủn xỉn. Nhà thơ thì yếu đuối, bệ rạc” với cái mặt: “méo mó, vẹo vọ như oản bẹp” (Tình yêu ơi ở đâu). Trong một bài trả lời phỏng vấn Việt báo ngày mồng 10 tháng 1 năm 2005, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã giải thích về việc tại sao những người đàn ông trong tác phẩm của mình lại đáng thất vọng đến thế: "Tôi chỉ viết về đàn ông theo cách cảm của mình, có thể hơi phiến diện, nhưng tôi có góc nhìn riêng, trót thế rồi, khó mà thay đổi".

Đó là những kẻ ích kỷ và bội bạc trong sáng tác của Y Ban (thể hiện rõ nhất trong những truyện như Nhân tình, Tự, Hai bảy bước chân là lên thiên đường, Tôi và anh, Thằng bé và con rắn,…). Nhân tình đưa người ta đến với thế giới hai mặt đầy dối trá của những người đàn ông mà ngoài công việc ra thì từ trưa thứ hai đến trưa thứ sáu là thời gian dành cho người tình; còn các buổi tối và thứ bảy, chủ nhật thì dành cho gia đình, cho vợ. Giọng nói lạnh tanh khi trả lời điện thoại cô nhân tình gọi đến vào ngày chủ nhật như lời nhắn nhủ của tác giả về một sự thật buồn: “Chuyện công việc thì mai cô gọi đến cơ quan nhé. Ta bàn sau”. Truyện ngắn Tự của Y Ban cũng khiến người ta nhức nhối vì thế giới đàn ông thật đáng thất vọng. Câu chuyện xoay quanh một nữ tiến sĩ xã hội học sống độc thân cùng con gái. Người chồng vốn tâm đầu ý hợp của chị đã bỏ đi sau một thời gian dài mắc chứng liệt dương. Hai người đàn ông tiếp theo đến với cuộc đời chị có chức tước, có học hàm học vị cao nhưng lại xử sự như những “con đực” thô bỉ. Lẽ ra trong cuộc hẹn

đầu tiên thì họ phải trao hoa tươi hoặc một nụ hôn thì họ lại tìm cách đẩy chị lên giường để "hành sự". Quá thất vọng với đàn ông, chị quyết định mua sextoy để khỏi phải lụy bất cứ người đàn ông nào. Chị nhận thấy "từ lâu thế giới người ta đã phát minh ra một thứ dụng cụ, chỉ để thỏa mãn mà không cần đến tình yêu. Đó là cái chim giả. Và tôi đã nghĩ ra liệu pháp chim giả. Có chim giả tôi sẽ ngẩng cao đầu và nói: Không, tôi sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa đâu. Nhưng cái chính là tôi sẽ bảo toàn được những sự tốt đẹp cho những người đàn ông của dân tộc tôi". Là một nhà văn nữ gai góc và cá tính trong làng văn, Y Ban không ngại ngần khi xây dựng hình ảnh những người đàn ông tầm thường và nhàm chán trong nhiều tác phẩm của mình. Y Ban cho rằng sở dĩ phụ nữ thất vọng vì đàn ông là vì họ quá tin yêu người đàn ông của mình, nhưng những gì người đàn ông thể hiện trong cuộc sống thực lại “tầm thường” quá đỗi.

Đó là người đàn ông - người cha nhẫn tâm tìm cách giải quyết sinh lý đối với người đàn bà mà ông cúi xuống từ nỗi đau hằn học bị vợ theo trai, để rồi sau đó lại vứt bỏ như người ta vứt đồ ăn thừa trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư: “Cha đưa cho chị một ít tiền ngay trong bữa cơm, khi nhà đủ mặt, “Tôi trả cho hồi hôm…”. Rồi cha điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê”. Người đàn bà có lòng tự trọng và yêu thương trẻ con, dẫu ăn nói có sổ sàng nhưng gặp cảnh hai đưa trẻ thiếu tình thương của mẹ, chị cam chịu và vui nữa: “Mà hên nghen, nhờ vậy (bị đánh) mà được gặp mấy cưng, được ở chung vầy, vui thiệt vui…”. Rồi không thấy tác giả nhắc đến chị ta nữa (chỉ cuối truyện mới cho người đọc gặp lại), mà để cảnh đời của ba cha con lại trôi dạt đến nơi cần đến, người cha lại “trả thù” một chị chủ nhà mặc dầu chị “bị” vứt bỏ vẫn “tin rằng sự lựa chọn nầy là đúng, tình yêu nầy xứng đáng được đánh đổi”, sau khi đã thỏa mãn dục tính với màn kịch: “Cha ghé một chợ nhỏ đầu xóm kinh, biểu chị lên mua một ít củ cải muối đem theo. Người vừa khuất trong tiệm tạp hóa, cha cười. Chị em chúng tôi mãi mãi không quên cái cười đó, nó vừa dữ dội, đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã. Cái cười thật dài, riết lấy khuôn mặt cha, làm mắt cha hơi lồi ra,

ánh lên như có nước. Cha quăng đồ đạc của chị lên bờ vung vãi. Và nổ máy cho ghe đi”. Và đó cũng chính là những người đàn ông sống chậm rãi, bất cần nơi sông nước miền Tây trong rất nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư.

Đó là người chồng kỳ quặc như công việc của chính anh ta hay người tình trí thức đẹp trai sẵn sàng hứa với người yêu những lời có cánh, nhưng khi bị phát hiện thì nhanh chóng bỏ mặc người tình một cách đớn hèn: “Em đừng đến gặp anh nữa. Anh sợ lắm. Anh muốn yên lành” (Dòng sông hủi); là người đàn ông đầu gối tay ấp nhưng thường sợ hãi mỗi khi vợ đòi quan hệ và lại đồng lõa với thế lực bóng tối của cái bàn thờ tổ tông, bỏ mặc vợ mình cho các bài vị hãm hiếp (Bóng đè) trong sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu. Trong giấc mơ bóng đè, người vợ thật đơn độc: “Trời ơi, tôi phải gọi Thụ, mảng áo trắng ba lỗ chồng tôi lóa rực như con mắt anh mở thao láo trong đen đặc ám mờ… Hình như chồng tôi còn thức, hai tròng trắng ướt ướt trừng trừng. Anh nằm ngửa, hai tay xếp trước bụng ngay ngắn như một xác chết mở mắt. Một thoáng tôi nghĩ chồng tôi đang nhìn lên trần. Một lúc tôi nghe hơi thở Thụ đều vung vãi. Làm sao anh lại có thể ngủ ngon đến vậy?... Anh bỏ mặc tôi đơn độc, nhoài nhã”. Những người đàn ông trong tác phẩm của Đỗ Hoàng Diệu không chỉ đớn hèn mà còn thiếu trách nhiệm và không chung thuỷ. Trong Vu quy, nỗi đau ấy hiện hình thật rõ nét: “Tất cả, tất cả từ từ ra đi theo bàn tay bà bác sĩ có bộ mặt dài quá cỡ. Tôi đâu ngờ vào đúng giây phút tôi đang hoảng dại vì mất mát ấy, anh đã kịp cài mầm phôi mới vào một người con gái khác” [99, tr.46]. Những người đàn ông ấy thực sự

Cô đơn, nổi nênh, phiêu dạt và thiếu chỗ dựa trong cuộc đời này là những cảm nhận của người phụ nữ hiện đại trong văn xuôi nữ những năm gần đây. Có thể nói, ở mỗi góc nhìn của mình, các nhà văn nữ đương đại đã đưa vào tác phẩm những góc tối trong mỗi tâm hồn đàn ông khiến bức tranh thế giới đàn ông hiện lên thật méo mó, ảm đạm. Những người đàn ông ấy đại diện cho nhiều tầng lớp trong xã hội (từ trí thức, doanh nhân đến nông dân và cả những kẻ vô gia cư, không nghề nghiệp) và cũng đại diện cho tất cả những thói xấu của con người (ích kỷ, hèn nhát,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.

thô bạo, thiếu trách nhiệm và vô nhân tính). Đành rằng có thể là phiến diện khi người phụ nữ viết về đàn ông trong tác phẩm với cái nhìn đàn bà của mình, nhưng có một điều chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng rằng, những người phụ nữ đã bước qua khỏi nỗi ám ảnh về thân phận, về kiếp đàn bà bé mọn trong văn học truyền thống. Họ đã đứng lên đối diện với đàn ông, đi sâu tìm hiểu để “xét lại” bản chất của những người đàn ông mà xưa kia họ chỉ cỏ một mối quan tâm là phục tùng và dâng hiến. Hình ảnh người đàn ông bất toàn trong con mắt những người phụ nữ là sự thể hiện một phần âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại.

Tiểu kết

Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 15

Nghiên cứu về âm hưởng phái tính và nữ quyền trong sáng tác văn học, đặc biệt là sáng tác của các nhà văn nữ những năm gần đây là một vấn đề nghiên cứu hấp dẫn, thu hút và gây tranh cãi. Trong chương này, vận dụng những phương pháp nghiên cứu hệ thống, so sánh đối chiếu và tiếp cận tác phẩm theo hướng thi pháp học, chúng tôi tập trung phân tích, cảm nhận và đánh giá vấn đề từ phương diện nội dung. Có thể khẳng định rằng, những nhà văn nữ tiêu biểu nhất của văn học đương đại Việt Nam đã xác lập được một lối viết nữ qua hành trình đi tìm bản ngã xét lại một thế giới đàn ông bất toàn bằng khát vọng tự do/ giải phóng cháy bỏng. Khác với các tác giả nam, họ viết về người phụ nữ, nhìn nhận người phụ nữ bằng cách nhìn, cách cảm của những người đồng giới ở tất cả các phương diện của đời sống nữ; mang đến cho người đọc những trải nghiệm, cảm nhận tròn trịa, đầy đủ hơn về người phụ nữ vốn trước đây chỉ được nhìn nhận dưới con mắt nam quyền.

Chương 4

Ý THỨC PHÁI TÍNH VÀ ÂM HƯỞNG NỮ QUYỀN TRONG VĂN XUÔI NỮ VIỆT NAM TỪ SAU NĂM 1975 DƯỚI GÓC ĐỘ NGHỆ THUẬT

4.1. Không/thời gian nghệ thuật – bức tranh thế giới qua con mắt phụ nữ

Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, tác giả Lê Bá Hán nhận định: “Không gian, thời gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [16, tr.162]. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cũng nhấn mạnh: “Không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không nào không có một nền cảnh nào đó”, “không gian, thời gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống” [16, tr.88 - 89]. Như vậy, không gian, thời gian nghệ thuật là phương thức tồn tại và sự hình thành của thế giới nghệ thuật. Không gian, thời gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, “mang ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật”. Và sự miêu tả, trần thuật bên trong tác phẩm văn học bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, và chúng ta có thể xác định được vị trí của chủ thể trong không - thời gian, thể hiện ở phương hướng nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định. Không gian, thời gian nghệ thuật không những cho chúng ta thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy những quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để “cộng đồng diễn giải” khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật. Vì vậy, chúng ta không thể tách hình tượng ra khỏi không gian, thời gian mà nó tồn tại. Không gian, thời gian nghệ thuật là một hình tượng nghệ thuật sinh động chứ không khô cứng. Nó không đơn giản chỉ là cảm nhận bằng tư duy tỉnh táo mà nó còn được cảm nhận bằng óc chủ quan, bằng cảm xúc, bằng tâm trạng của nhà văn. Không gian, thời gian ấy có thể được mở rộng bao la hay thu hẹp chật chội; có thể diễn tiến nhanh đến chóng mặt hay chậm đến

ngạt thở tuỳ theo cái nhìn nghệ thuật của tác giả. Không gian, thời gian nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với không gian, thời gian khách thể. Bản thân không gian, thời gian vật chất tồn tại khách quan, nghĩa là sự tồn tại của nó không phụ thuộc vào ý thức của con người, mà không gian, thời gian vật chất đó chỉ trở thành không gian nghệ thuật khi được tác giả cảm nhận về nó và qua đó thể hiện cách nhìn, cách cảm của nhà văn về thế giới, về một quan niệm nhân sinh, hay một thái độ sống trước cuộc đời. Không gian, thời gian trong văn học chia thành những ranh giới giá trị thể hiện quan niệm về trật tự thế giới và sự lựa chọn của con người. Đó là sự tách biệt về ranh giới của không gian, thời gian; giữa không gian, thời gian bên trong và không gian, thời gian bên ngoài; giữa ranh giới bất biến và khả biến. Không gian, thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có một ranh giới phân biệt với không gian, thời gian vật chất bên ngoài, nhưng không dễ thấy như cái khung của một bức tranh hay cái sân khấu của một vở diễn. Và như vậy, bao phủ lên không gian nghệ thuật là quan niệm của nhà văn. Điều đó mới làm không gian vật chất trở thành không gian nghệ thuật. Mà quan điểm của nhà văn lại luôn biến đổi theo thời đại, giống như khi nước triều dâng, nó mang đi tất cả những bọt bèo, và sau mỗi lần trở về, nó lại làm mới cho bờ cát. Vì vậy mà việc tổ chức không gian nghệ thuật trong tác phẩm luôn chịu sự chi phối và tác động trực tiếp từ quan niệm thời đại và yếu tố thể loại.

Trong văn học dân gian, chúng ta có thể thấy đặc điểm chung của không gian, thời gian trong những sáng tác của nhân dân lao động là mô hình ba giới, ba tầng, ba cõi: Thượng giới, trần gian và địa ngục với thần linh, người, ma quỷ. Ở đó, con người có thể tự do đi lại trong ba cõi mà ít gặp sự trở ngại nào. Sở dĩ như vậy là vì những tác phẩm văn học dân gian là những suy nghĩ hồn nhiên, là tình cảm chân thật của những con người lao động hàng ngày. Bởi thế cái nhìn mang tính quan niệm của họ cũng rất đơn giản, ít phức tạp hơn so với các giai đoạn sau - khi tư duy con người đã phát triển ở mức cao. Tuy nhiên, giữa các thể loại văn học dân gian khác nhau, chúng ta cũng có thể thấy không gian, thời gian có những nét khác

biệt ở mỗi thể loại. Cụ thể, không gian, thời gian trong văn học dân gian được chia làm ba loại là không gian, thời gian thần thoại, không gian, thời gian sử thi và không gian, thời gian cổ tích.

Nền văn học Việt Nam thời trung đại Việt Nam được xác lập bởi một khái niệm về không gian, thời gian mới. Đó là một không gian, thời gian mang tính ước lệ, tượng trưng cao. Trải suốt thời kỳ văn học Trung đại, chúng ta có thể nhận thấy tất cả các cặp đối lập trong không gian vũ trụ đều hàm chứa nội dung tư tưởng đạo đức, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng cũng thường được sử dụng để truyền tải tâm trạng, xúc cảm. Ví như khi nói sự chia ly thì các tác giả luôn dùng hình ảnh những con đường, ngã ba, ga tàu, rừng quan san, bến sông; còn khi nhắc đến nỗi nhớ quê hương của khách lữ thứ, họ lại mượn không gian sông nước mênh mông với làn khói lam chiều.

Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975 đánh dấu một sự chuyển mình về không gian, thời gian nghệ thuật theo quan điểm sáng tác của tác giả. Bên cạnh những không gian, thời gian nhỏ hẹp, quẩn quanh bế tắc của dòng văn học hiện thực, chúng ta còn thấy một không gian, thời gian của tình yêu và nỗi buồn, hay không gian đầy hư ảo mộng mị, ma quái của dòng văn học lãng mạn. Trong các sáng tác của dòng văn học cách mạng thì không gian, thời gian nghệ thuật trở về gần hơn với cuộc sống của con người hơn. Hình ảnh con người hiện lên với vai trò là nhân vật trung tâm của bức tranh cuộc sống xã hội.

Dõi theo thời kỳ văn học từ sau năm 1975, nhất là từ năm 1986 đến nay, chúng tôi nhận thấy không gian, thời gian trong sáng tác của các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn nữ, có một sự xáo trộn, bộn bề và phức tạp hiếm thấy. Không gian, thời gian ấy chẳng khác nào những “mê cung” thẳm sâu. Trong không gian, thời gian ấy có sự đồng hiện của cả không gian, thời gian của những thời kỳ văn học trước đó và có cả những không gian, thời gian mang dáng dấp của những ám ảnh, ma mị, rối rắm của cuộc đời và của lòng người. Thời gian và không gian là thế giới mà con người tồn tại, con người cảm thấy vị trí và số phận của mình ở trong đó.

Xem tất cả 173 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí