Vài Nét Về Văn Xuôi Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam Hiện Đại Và Nhà Văn Vi Thị Kim Bình.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu truyện ngắn Vi Thị Kim Bình trên cả hai phương diện: nội dung và nghệ thuật.

- Phạm vi nghiên cứu: toàn bộ truyện ngắn của nhà văn dân tộc thiểu số Vi Thị Kim Bình, bao gồm bốn tập truyện ngắn với 51 tác phẩm:

1. Đường qua mùa hoa đào - NXB Hội nhà văn. 1978

2. Niềm vui - NXB Văn hóa dân tộc. 1979.

3. Những bông huệ - NXB Hội nhà văn. 1997.

4. Văn tuyển tập - NXB hội nhà văn. 2010.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Làm rõ đặc điểm nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình.

- Trên cơ sở đó khẳng định những đóng góp đáng trân trọng của nhà văn Vi Thị Kim Bình với văn xuôi các dân tộc thiểu số thời kì hiện đại nói riêng và văn xuôi Việt Nam nói chung.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

5. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện luận văn này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình - 3

- Phương pháp nghiên cứu tác gia, tác phẩm văn học.

- Phương pháp hệ thống.

- Phương pháp so sánh đối chiếu.

- Phương pháp phân tích tổng hợp và phương pháp nghiên cứu liên ngành.

6. Đóng góp của luận văn

Nghiên cứu truyện ngắn Vi Thị Kim Bình, chúng tôi nhằm mục đích chỉ rõ những đặc điểm riêng về nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình. Từ đó, khẳng định những đóng góp đáng trân trọng của nhà văn với sự phát triển của văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại.

Nếu đề tài thành công, chúng tôi hy vọng đây sẽ là một tư liệu tham khảo bổ ích cho việc giảng dạy phần Văn học địa phương cho các trường Trung học cơ sở trên địa bàn Lạng Sơn và sẽ là một tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học tập, giảng dạy về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói chung trong các cấp học.

7. Bố cục của luận văn

Luận văn bao gồm ba phần: Mở đầu; Nội dung; Kết luận. Trong phần Nội dung bao gồm 3 chương:

Chương 1: Vài nét về văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại và nhà văn Vi Thị Kim Bình.

Chương 2: Hiện thực cuộc sống và con người miền núi vùng cao biên giới trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình.

Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình.

PHẦN NỘI DUNG


CHƯƠNG 1

VÀI NÉT VỀ VĂN XUÔI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI VÀ NHÀ VĂN VI THỊ KIM BÌNH


1.1. Vài nét về văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

Văn học các dân tộc thiểu số là một bộ phận cấu thành của nền Văn học Việt Nam. Đó là một bộ phận văn học độc đáo, đặc sắc, góp phần tạo nên "một vườn hoa nhiều hương sắc" cho dân tộc Việt Nam. Trong các thể loại văn học (văn xuôi, thơ, kịch, lí luận phê bình...), văn xuôi dân tộc thiểu số chính là thể loại đã truyền tải được một cách đầy đủ, phong phú và cụ thể nhất những nét đẹp về con người và thiên nhiên miền núi, về cuộc sống với bao sự đổi thay, phát triển của miền núi. Hơn nửa thế kỉ tồn tại và phát triển, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp quan trọng đối với nền văn học nước nhà. Đây là mảng văn học có một sức hấp dẫn riêng, vừa độc đáo trong nội dung phản ánh, vừa đặc sắc trong nghệ thuật thể hiện. Cái làm nên nét riêng và sức lôi cuốn cho văn học dân tộc thiểu số là ở thiên nhiên, con người và văn hóa các dân tộc miền núi. Chính điều đó đã khiến "văn xuôi miền núi chiếm lĩnh được một vẻ đẹp riêng, không thay thế được" [20]. Do đó, nghiên cứu văn xuôi các dân tộc thiểu số qua hơn nửa thế kỉ phát triển sẽ góp một tiếng nói quan trọng vào việc khẳng định những giá trị và thành tựu của văn xuôi nói riêng và toàn bộ nền văn học thiểu số Việt Nam hiện đại nói chung.

Như đã biết, văn xuôi các dân tộc thiểu số được hình thành và phát triển từ sau Cách mạng tháng Tám. Trước năm 1945, hầu như chưa có tác phẩm văn xuôi nào của tác giả là người dân tộc thiểu số xuất hiện. Độc giả chỉ biết về hình ảnh cuộc sống và con người vùng cao qua một số truyện đường rừng của những nhà văn người dân tộc Kinh như Vàng và máu (1934) của Thế Lữ, Truyện đường rừng (1940) của Lan Khai, Kon Trô (1942) của Lí

văn Sâm, Cô Dó (1943) của Nguyễn Tuân, Ngậm ngải tìm trầm (1943) của Thanh Tịnh, Người sơn nhân của Lưu Trọng Lư... Những tác phẩm viết về miền núi giai đoạn này thu hút sự chú ý của người đọc bởi sự mới lạ, bí hiểm, hoang đường, kì ảo của thiên nhiên xa xôi hoang dã với những hủ tục mông muội, những phong tục tập quán kì lạ bí hiểm của những con người miền núi còn chìm đắm trong u mê, lạc hậu. Trong nhận thức của các nhà văn thời đó con người miền núi không tách rời với thế giới tự nhiên hoang sơ, kì bí. Nhà nghiên cứu Lâm Tiến cho rằng trong truyện đường rừng của Thế Lữ và Lan Khai người miền núi "chỉ được xuất hiện với hình dáng méo mó, xa lạ, bí hiểm và kì quái, ngô nghê và man dại". Còn Nguyễn Long thì cho rằng con người miền núi trong các tác phẩm của những nhà văn này "thường chỉ được sống theo bản năng. Hành động của họ thường được mô tả là táo bạo, rùng rợn. Ngay cả những phong tục tập quán của người dân tộc cũng được mô tả như một cái gì hết sức kì quái hoặc là khủng khiếp, hoặc là mông muội". Viết về con người miền núi, các nhà văn đó thường chỉ quan tâm đến miêu tả hành động mà ít chú ý đến nội tâm nhân nhân vật. Theo họ, người miền núi sống sơ giản nên tính cách, ngoại hình và hành động thống nhất với nhau, ít có nét tâm lí phức tạp. Điều đó chưa thực sự chính xác nhưng dẫu sao những nhà văn đó cũng là những người có công khai phá, mở đường cho văn xuôi viết về đề tài dân tộc và miền núi đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện từng nhận xét: đó là "những đường cày đầu tiên xới lật một trong những nguồn mạch phong phú của đời sống hiện thực, chứa đựng những nét đặc sắc của văn học dân tộc".

Những năm đầu sau Cách mạng, văn xuôi viết về miền núi đã phát triển mạnh và có một số tác phẩm đã đạt đến đỉnh cao. Có thể nói sự phát triển của văn học viết miền núi giai đoạn này là một bước phát triển mới và kết tinh ở một số cây bút xuất sắc người Kinh như: Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Ngọc... Với Nhật kí ở rừng Nam Cao giúp người đọc nhận ra rằng : "Người Mán họ

chẳng có gì đáng sợ... Họ chẳng giết ai, và cũng chẳng có gì là quái gở" [8]. Nhà văn đã phần nào thay đổi cái nhìn đối với miền núi trong tâm thức người đọc. Người Mán cũng là những người tốt và tràn đầy tinh thần cách mạng. Nhà phê bình Lâm Tiến nhận xét: "Với Nhật kí ở rừng, Nam Cao đã vẽ nên một bức tranh tuy còn đơn giản nhưng rất chân thực, mới mẻ về con người, cuộc sống của các dân tộc miền núi" [27, tr. 8].

Bên cạnh Nam Cao thì nhà văn Tô Hoài cũng là người mở đường xuất sắc của văn xuôi cách mạng về miền núi. Tác phẩm của Tô Hoài phản ánh ngày càng gần gũi hơn, chân thực hơn về cuộc sống và con người miền núi. Đó là một miền núi đời thường, bình dị với những gam trầm. Với Truyện Tây Bắc sự cảm nhận và khám phá con người, thiên nhiên miền núi có chiều sâu hơn và Tô Hoài được đánh giá là "người đầu tiên có ý thức rõ ràng trong việc tìm tòi hình thức diễn đạt con người, cuộc sống miền núi bằng những hình tượng, ngôn ngữ mang dáng dấp của người dân tộc" [27, tr. 8].

Còn với nhà văn Nguyên Ngọc, ông đắm say và nhạy cảm cao độ trước thiên nhiên và con người miền núi. Nguyên Ngọc nhận thấy giữa người miền núi và thiên nhiên có một sợi dây rung cảm nối liền: "Khi một thứ hoa trắng bắt đầu nở trên đỉnh núi Chư Krao lan dần xuống các sườn núi xanh biếc, và các chị con gái tự nhiên nghe rạo rực trong ngực, thì biết đúng là mùa xuân đã đến rồi" [35]. Với tiểu thuyết Đất nước đứng lên (1956) và truyện ngắn Rừng xà nu (1965) có thể nhận thấy thiên nhiên và con người miền núi trong sáng tác của Nguyên Ngọc thường mang tính chất phi thường, lí tưởng. Cảm hứng về cái phi thường thấm vào nhiều phương diện, yếu tố - từ nhân vật đến ngôn ngữ, từ cách miêu tả con người đến thiên nhiên miền núi...

Có thể nói, những sáng tác của ba nhà văn trên đã thực sự mở ra một thời kì mới cho “giai đoạn văn chương rừng núi” (Thế Phong) và góp phần không nhỏ tới nhu cầu và cảm hứng sáng tác văn xuôi của các tác giả dân tộc thiểu số, đánh dấu một bước tiến mới cho mảng văn học độc đáo và mới lạ này.

Cách mạng tháng Tám đã mở ra con đường mới cho văn học các dân tộc thiểu số. Trong khoảng mười năm đầu sau cách mạng, văn xuôi các dân tộc thiểu số mới tồn tại ở dạng các mẩu chuyện, bản tin, tường thuật, phóng sự, điều tra... phục vụ cho sự nghiệp tuyên truyền cách mạng. Năm 1950, tác phẩm văn xuôi đầu tiên có tính tự truyện: Cuộc đời của Đoàn của Bàn Tài Đoàn ra đời. Đây là câu chuyện kể rất thực của Bàn Tài Đoàn, nhưng do lúc đó, trình độ văn học còn hạn chế, tác giả nghĩ thế nào viết thế ấy nên ít có sự chau chốt, chọn lọc về ngôn ngữ nên không thể coi đây là một tác phẩm văn xuôi nghệ thuật đích thực.

Từ khi miền Bắc được giải phóng, các cây bút văn xuôi là người dân tộc thiểu số dần xuất hiện nhiều hơn. Họ là những trí thức dân tộc được trưởng thành dưới chế độ mới, họ yêu mến và tự hào về mảnh đất và con người miền núi, muốn đóng góp tiếng nói tình cảm và tâm hồn mình vào nền văn học nước nhà. Các tác phẩm văn xuôi viết về miền núi thời kì này xuất hiện khá nhiều và bước đầu tạo được dấu ấn riêng. Có thể kể đến các tên tuổi các nhà văn như: Nông Viết Toại (Tày), Nông Minh Châu (Tày), Triều Ân (Tày), Vi Hồng (Tày), Hoàng Hạc (Tày), Lâm Ngọc Thụ (Tày), Vi Thị Kim Bình (Tày), Y Điêng (Ê Đê), Vương Trung (Thái), Lò Văn Sĩ (Thái)... Họ là những nhà văn dân tộc thiểu số giàu tâm huyết và tài năng đồng thời họ có lợi thế là có hiểu biết sâu sắc về dân tộc mình, về các phong tục tập quán, tư tưởng, tình cảm, cách nghĩ, cách nói... của người dân tộc thiểu số nên tạo được thế mạnh trong cách miêu tả thế giới nhân vật, thế giới thiên nhiên cùng cách diễn đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm. Sáng tác của họ luôn bám sát công cuộc cách mạng của dân tộc, thể hiện sâu sắc tình cảm, ý chí của người dân miền núi trong những ngày gian khổ, hi sinh nhưng cũng đầy oanh liệt, oai hùng của dân tộc.

Sau năm 1954, các nhà văn người dân tộc thiểu số đã rất chú ý xây dựng hình tượng con người dân tộc thiểu số mới làm chủ cuộc sống. Với

truyện ngắn Ché Mèn đi họp (1958) Nông Minh Châu - nhà văn dân tộc Tày ở Bắc Kạn, đã xây dựng thành công hình ảnh con người dân tộc thiểu số mới có tri thức, có ý thức vươn lên hướng tới khoa học, tiến bộ. Tác phẩm được viết bằng tiếng Tày, sau dịch ra Tiếng Việt, được nhận giải Khuyến khích cuộc thi Truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ, năm 1958. Đây được coi là tác phẩm mở đầu, là mốc đánh dấu sự có mặt của văn xuôi các dân tộc thiểu số như một thể tài, một mảng sáng tác độc đáo và mới lạ trong đời sống văn học nước nhà. Trong Ché Mèn đi họp tác giả đã thể hiện rõ nét sự thay đổi sâu sắc cách sống, cách nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số để phá bỏ những tập tục cổ hủ, lạc hậu, mê tín dị đoan vươn lên xây dựng cuộc sống mới, con người mới. Nhân vật Mèn là một cô gái Tày 18 tuổi đã tích cực học chữ, dám nghĩ, dám làm để thay đổi những thói quen lạc hậu của đồng bào mình... để có ngày cô được bước ra khỏi làng – điều mà nhiều người phụ nữ dân tộc thiểu số trong đó có cả mẹ cô chưa bao giờ có được, làm được. Ché Mèn có thể coi là hình tượng người phụ nữ mới đầu tiên trong văn xuôi dân tộc thiểu số. Ché Mèn đi họp dẫu còn chút vụng về trong ngôn ngữ nhưng đã mang dáng dấp của một truyện ngắn hiện đại. Sau tác phẩm này, hàng loạt cây bút là người dân tộc đã tự tin lao động và sáng tạo, cày xới trên chính mảnh đất văn chương quê mình, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị như: Bên bờ suối tiên của Triều Ân, Cuộn chỉ màu hạt đỗ của Lâm Ngọc Thụ, Đặt tên của Vi Thị Kim Bình, Ké Nàm của Hoàng Hạc, Đoạn đường ngoặt của Nông Viết Toại, ... Đặc biệt là sự đóng góp của nhà văn, nhà giáo người dân tộc Tày

- Vi Hồng với hàng loạt các tác phẩm tiêu biểu như các truyện ngắn Ngôi sao trên đỉnh núi Phja Hoàng, Cây su su noọng Ỷ, Nước suối tiên đào...Các tác phẩm của ông đều gắn với hiện thực của cuộc sống kháng chiến và con người vùng núi cao với tình cảm trừu mến, ngợi ca, với niềm tin vào sức sống tiềm tàng, âm thầm mà mãnh liệt trong tâm hồn những con người vùng núi cao. Nhà văn dân tộc Tày - Triều Ân cũng góp cho mảng văn học này một nét

riêng khi ông tập trung cho người đọc thấy được nỗi thống khổ của người dân bị những hủ tục, mê tín dị đoan bao đời đè nặng qua các tác phẩm như Bên bờ suối tiên, Chặt cổ rồng, Đường qua đèo mây...

Với nhận thức văn học phản ánh hiện thực cuộc sống và phục vụ cho các nhiệm vụ văn hóa, chính trị, xã hội của vùng đồng bào dân tộc miền núi, văn học dân tộc thiểu số thời kì này luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể. Truyện ngắn và kí ra đời trong thời kì này đã phản ánh những biến đổi kì diệu trong đời sống các dân tộc thiểu số, nếu như trước đây họ bị kìm hãm, chia rẽ, đầy đọa thì nay họ đã đoàn kết lại trong đại gia đình Việt Nam để cùng nhau xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống mới, với từng công việc cụ thể như: xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng công trình thủy điện, làm thủy lợi, chống mê tín, dị đoan, chống bảo thủ, lạc hậu, chống tham ô... Có thể nhận thấy đây là thời kì phát triển nở rộ của thể loại này. Từ cuối những năm 60 trở đi, hàng loạt tuyển tập truyện ngắn và kí của các tác giả dân tộc thiểu số liên tiếp ra đời góp phần khẳng định vị trí của văn xuôi dân tộc thiểu số trong nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói riêng và nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Có thể kể đến những tuyển tập như: Ké Nàm của nhiều tác giả (1965); Tiếng hát rừng xa của Hoàng Hạc, Triều Ân (1969); Mây tan của nhiều tác giả (1973); Tiếng chim gô của Nông Minh Châu (1979); Niềm vui của Vi Thị Kim Bình (1979); Tiếng khèn A Pá của Triều Ân (1980); Cột mốc giữa lòng sông của Mã A Lềnh (1981); Những bông ban tím của Sa Phong Ba (1982); Hạt giống mới của Hoàng Hạc (1983); Chiếc vòng bạc của Lò ngân Sủn (1987); Người tạc tượng nhà mồ của nhiều tác giả (1988), Đường qua đèo mây của Triều Ân (1988), Đuông Thang của Vi Hồng (1988); Xứ lạ Mường trên của Hoàng Hạc (1989).... Có thể thấy rằng chưa bao giờ truyện ngắn và kí được xuất bản nhiều như trong thời kì này.

Xem tất cả 132 trang.

Ngày đăng: 23/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí