con mắt và góc nhìn “truyền thống”. Có một điều chúng ta vẫn cần phải khẳng định rằng, yếu tố tâm lý và tính dục không phải là vấn đề mới trong văn học, nhưng chỉ dưới ngòi bút của nữ giới, tâm lý và nhục cảm của người phụ nữ mới được miêu tả một cách cụ thể, rõ rệt bằng chính nội tại tự thân của nó.
Ngay từ năm 1988, khi Thiên sứ - tác phẩm đầu tay của Phạm Thị Hoài được xuất bản, người ta đã thấy trong đó một ẩn ức, một khát vọng nào đó trong tình yêu của người phụ nữ mà tác giả đã gửi gắm trong hình ảnh một cô bé “vĩnh viễn 14 tuổi”. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện lại được xây dựng trên hồi ức của một cô bé, trên dòng suy tưởng chậm chạp và lắng đọng của một tâm hồn bất biến trước những biến động của xã hội và thời gian. Tâm điểm ở tác phẩm dồn tụ ở Hoài, “ốc nhỏ bám riết bậu cửa sổ,” vĩnh viễn “mười bốn tuổi.” Nhưng cái lứa tuổi mười bốn vĩnh hằng của Hoài chỉ là vỏ ốc, lớp vỏ vật chất bảo vệ cho một cái gì đó sâu thẳm hơn, dữ dội hơn. Dưới đó là tầng sâu của những rung động thầm kín, của những khao khát không được thỏa mãn, những đòi hỏi bị ghìm nén trong tâm hồn một phụ nữ hai mươi chín tuổi. Một người đàn bà khao khát yêu thương và được yêu thương, khao khát cho và nhận bị ép chặt trong hình hài một cô bé mười bốn tuổi. Một khuôn mặt trẻ con che chở cho một tâm hồn mang “cơn sốt núi lửa,” suốt mười lăm năm ròng làm “một nhân chứng câm lặng, thông tỏ quyết liệt, không bao giờ quay lưng lại cuộc đời”. Sau Phạm Thị Hoài, hàng loạt cây bút nữ đã không còn ngại ngùng, không còn tạo “vỏ ốc” nữa mà mạnh mẽ thể hiện những khát khao khó nói ẩn chứa trong tâm hồn. Có thể nói, người phụ nữ trong các tác phẩm văn xuôi sau năm 1986 đã tự cởi trói về tình dục. Họ sẵn sàng chủ động và bày tỏ sự ham thích, thậm chí kiếm tìm tình dục. Nhân vật My trong Thiếu phụ chưa chồng của Nguyễn Thị Thu Huệ mạnh dạn: "Thời của tôi khác thời của chị rồi... Tôi muốn tự do và sung sướng". Nhân vật Thoa, Không Bé trong tiểu thuyết Đàn bà của Lý Lan sẵn sàng đấu tranh với các thế lực để được tự do làm những việc mình cần làm: về Việt Nam, viết tự truyện, đi tìm kiếm lại sự thật của tổ tiên. Tất cả những điều này không ngoài mục đích khẳng định cái tôi cá nhân, một cái tôi vốn bị lãng quên,
thậm chí bị sỉ nhục trong quá khứ. Đề cập đến vấn đề tính dục, chúng tôi không thể không nhắc đến những “nhân vật” đã từng làm nên những “cơn sốt”, làm “nóng” văn đàn và làm xôn xao dư luận trong khoảng hơn chục năm qua. Đó là những đại diện như Y Ban với I am đàn bà, Xuân từ chiều, Tự, Nhân tình, Hai bảy bước chân là lên thiên đường; Võ Thị Xuân Hà với Đàn sẻ ri bay ngang rừng; Võ Thị Hảo với Giàn thiêu, Biển cứu rỗi, Vườn yêu, Con dại của đá; Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè, Vu quy; Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận; Thuận với Vân Vy;… Thể hiện vấn đề dục tính trong văn học, các tác giả nữ cũng chọn những hướng đi khác nhau. Ở một số tác phẩm, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai chọn cách nói khá tế nhị, kín đáo về nhu cầu bản năng của con người. Với Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu tình dục được diễn tả táo bạo hơn nhiều. Nếu như trước đây, vấn đề tính dục trong văn học thường chỉ đặt ra trong tương quan với tình yêu đôi lứa, sự sa đọa về nhân cách, những ẩn ức do di chứng của chiến tranh,… thì tính dục trong văn học hiện nay đã được mở rộng như một phương tiện chuyển tải những ẩn ức khác nhau của đời sống nhân sinh. Sự vận động xã hội tạo ra những ẩn ức tính dục mới, thu hút sự quan tâm của người viết. Khám phá những tác phẩm viết về tính dục trong văn xuôi nữ đương đại, chúng tôi nhận thấy các nhà văn nữ thường đề cập đến những nhân vật nữ của mình ở hai khía cạnh là vẻ đẹp cơ thể và sự mạnh mẽ của bản năng tình dục tự nhiên. Hay nói cách khác, những nhân vật nữ đó đều là những người đàn bà gợi tình và khát tình. Trước đây, khi mô tả vẻ đẹp của những người phụ nữ, các tác giả thời phong kiến và trung đại luôn tránh đề cập đến phần thân thể nhạy cảm của người nữ. Người phụ nữ đẹp xưa chỉ được hình dung qua những hình ảnh so sánh như mái tóc dài đen mượt như nhung, cái mũi dọc dừa, đôi mắt lá dăm, khuôn mặt trái xoan,… và gợi tình nhất cũng chỉ là cái eo nhỏ “thắt đáy lưng ong” mà thôi. Chúng tôi nhận thấy những cách miêu tả như vậy có thể khiến người ta chấp nhận rằng người con gái đó đẹp theo đúng chuẩn mực và quan niệm về cái đẹp của người phương Đông và cũng có thể tưởng tượng ra một vài nét đẹp phảng phất đâu đó; nhưng cách miêu tả ấy lại không thể cho người ta cảm nhận một cách thực nhất về
hình thể người phụ nữ được miêu tả, và nhất là không bao giờ thấy được những nét gợi tình vốn là vẻ đẹp thiên bẩm của người phụ nữ. Với các cây bút nữ đương đại, khi khám phá con người bản năng, các tác giả thường chú ý khắc hoạ vẻ đẹp cơ thể của người nữ ở những phần thân thể mà tạo hoá đã ban tặng cho họ. Là phụ nữ, các tác giả nữ hiểu hơn ai hết sức mạnh đặc biệt của những phần thân thể ấy trong tình yêu, trong khoái cảm và thăng hoa tình dục. Đó là vẻ đẹp của làn da, bầu vú, đôi môi, cặp mông, đôi chân,… và cả những phần kín nhạy cảm khác của cơ thể nữ. Trong văn học phương Tây đầu thế kỷ XX, việc miêu tả vẻ đẹp hình thể người phụ nữ được coi là cả một nghệ thuật và được dùng với tên gọi là body writing (lối viết thân thể). Lối viết thân thể này đã được các nhà văn chương nữ quyền luận Pháp lấy cơ sở lý luận từ mỹ học về sự sống tự nhiên. Bên cạnh mục đích phô diễn thân thể như một phương tiện cho sự bình đẳng giới thì văn chương nữ quyền cũng lấy thân thể người phụ nữ như một phương tiện biểu đạt nội dung tác phẩm. “Với văn học, thân thể là thân thể sống, nó không giản đơn là thân xác, xác thịt. Xem thân thể chỉ là xác thịt có nghĩa là thu hẹp nó, tầm thường hóa nó. Trong con người sống, thân thể thấm nhuần tâm hồn. Chỉ xác thịt không phải là thân thể người, tính dục cũng không phải thân thể người. Chỉ có cảm xúc tâm hồn mới biến thân thể thành ngôn ngữ”.[89, tr.72]. Trong hầu hết các tác phẩm viết về tính dục, dường như tác phẩm nào cũng đề cập đến vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ bằng điểm nhấn ở bầu vú – phần cơ thể đặc trưng của cái đẹp phồn thực. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua sáng tác của Võ Thị Hảo, Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, Võ Thị Xuân Hà,… Bộ ngực là một trong những vẻ đẹp nữ tính nổi bật. Nó biểu tượng cho sự nuôi dưỡng, cưu mang, là khát vọng sinh sôi, nảy nở : “Nhuệ Anh vươn cao người. Chiếc áo vải đen nàng vừa kịp khoác lên đã rơi ruột ra để lộ đôi vai trắng ngần và đôi vú ngời ngợi như hai vầng trăng”; “Chiếc áo trắng ngà thật đẹp. Vừa vặn ôm sát thân hình em và hở ra một chút bộ ngực tròn trịa với bờ vai, đôi cánh tay mịn màng anh vẫn thường khen”[117]. Và khi đứng trước gương, “nàng chậm rãi mở từng cái cúc áo, khuôn ngực đầy đặn trắng ngà hiện ra, hai tòa thiên nhiên như hai nắm cơm
đẹp. nàng trút bỏ hẳn chiếc áo. Sau đó nàng nghiêng vai để ngắm”[117]. Và cái vẻ kiêu hãnh đó của nhân vật Nhuệ Anh (Giàn thiêu – Võ Thị Hảo) khi nhìn ngắm thân thể mình cũng là vẻ kiêu hãnh của những người con gái đẹp trong Bóng đè, Vu quy của Đỗ Hoàng Diệu: “Giật tung hàng khuy áo, cánh hoa đỏ thẫm đứt đôi. Vú tôi rứng tràn không khí. Vú tôi là đời sống, là hơi thở, là khí quyển”.[99, tr.25]. Cảm hứng tự hào, tự tôn tràn ra qua những ngôn từ khi thì giản dị, trìu mến, khi thì mĩ lệ hóa: “đôi vú ngời ngợi như hai vầng trăng” (Giàn thiêu), “bầu vú nhô cao” (Giàn thiêu) “bộ ngực hình trinh nữ với đôi núm vú nhỏ” (Góa phụ đen), “bộ ngực tròn trịa” (Bóng đè), “Cơ thể săn chắc mượt mà vun đầy hai mươi” (Bóng đè). Bên cạnh những bầu vú căng tròn đầy xuân sắc thì vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ cũng đến từ những “đôi bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy” [99, tr.5], “đôi mắt to tròn mở toang” [99, tr.89], “khuôn miệng xinh xắn đầy đặn mời mọc luôn nở nụ cười mê hồn” [99, tr.90], “cặp đùi non buông trễ nải” [99, tr.76],… Những nét đẹp ấy được miêu tả thật tự nhiên, không chút gượng gạo và vô cùng gợi tình. Khi miêu tả những nét đẹp thân thể của người phụ nữ, các nhà văn nữ đương đại đã mang đến cho văn học Việt Nam những năm gần đây một số nét chấm phá mới về ngôn ngữ tả chân nếu chúng ta không muốn nói một cách to tát hơn là ngôn ngữ thân thể. Có thể cách xây dựng hình ảnh người đẹp trong văn xuôi nữ có nhiều thiên vị do bản thân những người cầm bút là phụ nữ, nhưng có một điều chúng ta có thể chắc chắn rằng việc xây dựng những hình tượng phụ nữ gợi tình như thế là một cách để các tác giả nữ tiến sâu hơn trong đề tài tính dục khi đề cập đến những khát khao yêu đương bản năng của những người phụ nữ. Như chúng tôi đã nói ở phần trên, nhân vật nữ trong văn xuôi đương đại những năm gần đây là những người phụ nữ gợi tình và khát tình. Với quan niệm rõ ràng về những điều mình viết, các cây bút nữ viết về những người phụ nữ khát tình – những người luôn mong muốn được yêu thương và đạt được những khoái cảm tình dục, bằng tất cả những bức xúc cần giải toả. Đó là lý do vì sao hầu hết các tác giả nữ không hề mặc cảm, dè dặt khi đưa tình dục vào tác phẩm. Tình dục dưới con mắt các cây bút nữ được
thể hiện ở nhiều sắc thái và đã được họ viết bằng lối viêt thẳng thắn, trần trụi và bạo liệt. Viết thẳng thắn về tình dục là cách để các nữ văn sĩ tự giải toả mình, khẳng định tiếng nói của giới mình, đồng thời góp một tiếng nói mạnh mẽ đòi quyền bình đẳng cho nữ giới – quyền được yêu và được thụ hưởng tình yêu. Ở khía cạnh này, tính dục được các nhà văn nữ đương đại sử dụng với tư cách là cái được biểu đạt. Mỗi hành động tình dục được quan niệm như là một bản mật mã – nơi các nhà văn gửi gắm vào đó những tư tưởng sâu kín nhất mà mình muốn chia sẻ cùng người đọc. Đằng sau những hành vi khoái lạc có thể là mặc cảm giống nòi, mặc cảm thân phận, những chấn thương tinh thần tuổi ấu thơ, hoặc là sự đê tiện, những toan tính của con người, là hạnh phúc, là tình yêu, hoặc thậm chí là trống rỗng vô định hoang hoải,… Dường như tất cả các trạng thái cảm xúc của con người đều được các tác giả nữ đương đại dồn nén trong hành động nguyên sơ bản năng nhất này. Tính dục trong ý nghĩa này giống như một giọt nước để người ta thấy được cả biển cả tâm hồn của những người phụ nữ. Tấn công vào lĩnh vực tình dục, các nhà văn nữ Việt Nam đã công nhiên khẳng định sự bình đẳng giới trong cách ứng xử với một phần cuộc sống thuộc về bản năng của con người. Vượt qua tất cả những dè dặt, định kiến và dám đối mặt với dư luận, các cây bút nữ đương đại đã đưa tất cả những “bí mật phòng the” vào tác phẩm. Và hơn thế, những người phụ nữ khát tình cũng là những người phụ nữ đòi hỏi được thoả mãn những khát khao tình dục một cách mạnh mẽ. Mặc dù những cuộc làm tình thường được miêu tả qua lời kể lại của nhân vật nữ, nhưng người ta vẫn có thể thấy ở đó sự chủ động của những người con gái bởi cách miêu tả sống động. Bứt phá khỏi thứ văn phong đạo mạo truyền thống, ngôn từ được các tác giả nữ dùng là những ngôn từ đầy góc cạnh, đầy cá tính, thể hiện chính xác những trải nghiệm bản thân tác giả trong nhiều mối quan hệ khác nhau, và nhất là trong đời sống tình dục. Chính giọng kể thản nhiên không một chút mặc cảm phận nữ của nhân vật đã tạo nên sắc thái nữ quyền rõ rệt. I am đàn bà của Y Ban từng làm văn đàn rung lên một thời khi tác giả là người đầu tiên miêu tả thế chủ động trong tình dục của nhân vật người phụ nữ giúp việc. Vào
thời đó, nhân vật có vẻ vẫn còn xấu hổ khi chị ta tự dằn vặt mình sau hành động dục tính nhằm thoả mãn khát khao bao ngày không được giải toả: “Thị mộng mị đi vào phòng ông chủ. Cái ánh mắt của ông chủ như thúc vào tim thị. Thị nhìn sâu vào ánh mắt mừng rỡ ấy rồi thị trút bỏ quần áo của thị. Thị lật cái khăn mỏng đắp lên người ông chủ. Con giống con má đang cất cao đầu chờ thị. Như giấc mơ đêm hôm nào, thị cầm lấy nó đưa vào cơ thể thị. Thị đã không còn phải thức giấc trong sự thèm khát cháy bỏng nữa. Thị đã thoả mãn”. Mạnh mẽ hơn, nhân vật nữ như “Hổ cái” trong Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu thường khiến anh chồng sợ mỗi khi quan hệ bởi khao khát được yêu của cô: “Thụ véo mũi tôi: Sao trên giường em chẳng ngoan hiền như thế cho anh được yên thân? Tôi lơ đãng trước câu hỏi đầy hàm ý. Tôi không thể ngoan hiền. Tôi hay chồm lên người Thụ nuốt lấy anh vồ vập. Tôi ưa kéo Thụ lên chà xát. Tôi bắt đôi tay Thụ bóp nắn liên tục. Tôi muốn đã cơn khát thèm từ buổi trưa ấy, một buổi trưa nắng bình thường như bất kỳ ngày hè nào nhưng với tôi là bỏng rát, là bước ngoặt. Tôi cất giữ bí mật riêng mình. Thụ nào biết. Thụ cứ hay van xin tôi đừng hực lên như hổ cái. Tôi chẳng thể đặng đừng. Anh bị tôi co rút lôi đi. Đôi lúc thấy anh kinh khiếp tôi đành phải dè dặt. Nhưng rồi cơn khát tôi vung vấp hết. Mỗi sáng thức giấc trông Thụ thật tội nghiệp” [99, tr.6]. Có thể nói, dưới ngòi bút của Đỗ Hoàng Diệu, lần đầu tiên, đời sống tình dục được miêu tả một cách mạnh bạo nhất không hề giấu giếm; những khát vọng hạnh phúc cũng được nhà văn gọi tên một cách thẳng thắn. Nhiều nhà nghiên cứu và phê bình cho rằng đây là một truyện ngắn vào loại nóng nhất khi viết về đời sống bản năng của con người. Trên bìa 4 tập truyện Bóng đè, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên biểu dương nồng nhiệt: “Truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu toàn là những nhân vật phụ nữ, tất cả đều còn trẻ, khát khao sống, mãnh liệt sống, tràn đầy dục tính, song chắc chắn vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều vấn đề số phận đàn bà”. Trong Vu quy, khát khao đi đến tận cùng và viên mãn vì được tận hưởng hạnh phúc của nhân vật nữ cũng được Đỗ Hoàng Diệu miêu tả không hề che đậy: “Những ngày bên Tim, tôi trở thành Hoàng hậu. Tôi khám phá bản năng vẫn còn ẩn tận sâu đáy thẳm thân
xác. Tim đưa tôi đến tận cùng hang sâu, chỉ cho tôi nền văn minh hồng hoang mà bấy lâu tự tôi che giấu, mà những người đàn ông kia đã không dẫn tôi tới. Họ không đủ sức, không tìm thấy đường, hay họ nghĩ bởi tôi là đàn bà. Đàn bà phải là kẻ nằm dưới, là đất để gieo mạ. Rồi mạ non thành lúa, thành thóc, họ đốt nương tàn rẫy, đến mảnh đất khác khai hoang. Tôi nghe người ta gọi đấy là truyền thống, là văn hóa phương Đông” [99, tr.68]. Người con gái trong Vu quy, hơn ai hết, là một cô gái đa tình với đời sống dục cảm mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng là một cô gái luôn biết trân trọng tự do cá nhân trong tình dục. Khi người đàn ông Tàu “không cho ngồi trên” trong những cuộc ái ân, cô đã tự ái bỏ về nhà mình và cũng không ngần ngại ước ao người đàn ông mà cha đã chọn cho mình sẽ là người cho cô toại nguyện: “Chồng tôi sẽ bế tôi lên ngồi trên, để tôi được mặc sức tung hoành, chà cây đốn gốc. Có lẽ không cần anh bế, tôi sẽ trườn lên như một con rắn chúa. Bản năng chiếm hữu tung trỗi cơn giông đầu hạ. Tôi không phải nô lệ, tôi là mình”. [99, tr.73]. Nhu cầu giải phóng tình dục ở người phụ nữ không phải chỉ là khát khao nắm giữ thế chủ động trong ân ái. Cuộc sống phức tạp hàng ngày với tất cả những mối quan hệ chồng chéo đã kéo theo sự phức tạp của nó vào trong cả đời sống tình cảm của những người phụ nữ. Trong văn xuôi đương đại, người ta không chỉ thấy xuất hiện những hình ảnh phụ nữ với một đời sống tình dục đơn thuần mà đôi khi là cả một đời sống tình dục đầy éo le, kỳ lạ mà thậm chí chính người phụ nữ trong cuộc cũng không thể nào lý giải nổi. Đó là những cuộc tình đến từ những mộng mị do khát khao nhục thể không được thoả mãn trong đời thực hoặc do một yếu tố tâm lý, tâm linh nào đó. Trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng (1993), Võ Thị Xuân Hà mô tả tình yêu của Diễm – một thiếu phụ trẻ - với Nẫm – người anh chồng đã chết ngoài chiến trường mà cô chưa bao giờ gặp mặt. Tình cảm đó gần như độc chiếm tâm can Diễm. Ngay từ ngày đầu yêu Thản, khi “săm soi” cái vỏ đạn, kỷ vật của Nẫm, Diễm thường thấy “bóng dáng người anh chồng lấp ló”. Khi yêu Thản, Diễm thường nghĩ đến Nẫm. Đêm trở dạ sinh con đầu lòng, Diễm thấy Nẫm trở về bằng hình ảnh “một người đàn ông ngó tôi từ trên trần nhà. Hắn nhìn khuôn mặt võ vàng
của tôi, rồi nhìn lướt dưới bụng, nơi cái cuống rau vừa bị cắt còn lòng thong thò ra chỗ sinh nở… Tôi nhận ra Nẫm… Tôi thèm nhìn thấy người đàn ông đã rờ vào cuống rau thò ra ở chỗ sinh nở của tôi. Trong giây phút, tôi quên hết, quên Thản. Tôi đắm đuối với hình ảnh người đàn ông kia đang mân mê cái cuống rau, như thể anh ta đã thò vào sờ nắm những mạch máu li ti chạy trong cơ thể tôi mà tình yêu của Thản chỉ chạm tới chứ không nắm được”. Trước mắt Diễm, Nẫm hiện lên cụ thể và rành mạch. Diễm nhìn thấy anh “đeo một phù hiệu ở ve áo, đỏ nhờ, khuy áo vỡ hai cái, một cái sứt chỉ sắp tuột”. Dường như Nẫm có mặt trong cuộc sống hàng ngày của Diễm: “Anh ngồi trên cao, mắt cười u buồn ngó mông lung ra cửa, ra vườn”. Đàn sẻ ri bay ngang rừng của Võ Thị Xuân Hà là một tác phẩm đặc biệt phức tạp bởi những tình cảm phức tạp giữa bộn bề cuộc sống. Tình yêu của Diễm với Nẫm có sự kết hợp chồng chéo của hoang tưởng, hành xác, loạn luân và cả những ái ân nhuộm màu chết chóc bởi súng đạn chiến tranh: “Khẩu súng trong tay Thản rung lên… Tôi thèm khát được nhìn thấy, sờ thấy từng tế bào máu li ti chảy rần rật trong từng mao mạch, tưới khắp cơ thể người đàn ông nằm cùng tôi… Mặt trời ngả màu đỏ bầm, màu máu chúng tôi trộn lẫn máu sẻ”. Quay trở lại với Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, chúng ta cũng có thể thấy sự phức tạp của những yếu tố liên quan đến đời sống tình dục của người phụ nữ. Truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu miêu tả sự chiếm hữu trong một tình thế phức tạp - tình trạng cưỡng hiếp chiếm đoạt siêu hình mang màu sắc loạn luân: Tổ tiên đè lên con cháu, vừa để áp đặt, vừa để duy trì quyền độc tôn ở các thế hệ sau. Những người phụ nữ của Đỗ Hoàng Diệu là những người phụ nữ phải gánh chịu “cả một quá khứ phi phàm”, bị đeo đuổi vì một thứ “tội tổ tông”, “quá thông minh nhưng quá cả tin”… Nhưng những người phụ nữ ấy cũng là những người phụ nữ khát khao được sống thật là mình, khát khao được sống đời sống tình dục bản năng không cần che đậy, được thể hiện bản ngã. Càng đi sâu vào khám phá thế giới thế giới tình cảm trong sáng tác của các nhà văn nữ, chúng tôi càng cảm nhận rõ những trắc trở, éo le của những người phụ nữ trong cuộc sống tình dục. Khi đời sống vợ chồng không được như
Có thể bạn quan tâm!
- Người Phụ Nữ Và Những Cuộc Chiến Vẫn Còn Nhức Nhối
- Người Phụ Nữ Và Những Khát Khao Hạnh Phúc Đời Thường
- Tính Dục Như Một Phương Thức Thể Hiện Bản Ngã
- ?xét Lại” Thế Giới Đàn Ông Bằng Con Mắt Đàn Bà
- Không/thời Gian Nghệ Thuật – Bức Tranh Thế Giới Qua Con Mắt Phụ Nữ
- Ngôn Ngữ, Giọng Điệu – Bước Đột Phá Của Diễn Ngôn Phái Tính