mong đợi, khi người đàn ông vốn đầu gối tay ấp với mình mà cũng không thể hiểu được mình, và nhất là khi khát vọng hoà hợp trong tình yêu không đạt được, các nhân vật nữ trong các tác phẩm thường có xu hướng ngoại tình. Tìm hiểu các sáng tác văn xuôi đương đại, chúng tôi nhận thấy người phụ nữ luôn sống trong khắc khoải cô đơn. Họ cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, cô đơn ngay cả khi ở bên cạnh người chồng, người yêu, cha mẹ mình. Và tất nhiên là họ cũng chẳng thể cảm nhận được sự đồng điệu của những người xung quanh trong cuộc sống thường nhật. Trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, nhân vật Út Vũ cứ “hì hục lót những cục đá tảng, những thân dừa chẻ hai quanh hè, dài theo những lối đi ra vườn, ra bến” để suốt một mùa mưa, chân vợ “không bị dính sình bùn”, cứ “trải lòng yêu thương” bất tận, “gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn” cốt để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho vợ mà lại không hề biết đến những “tiếng thở thườn thượt, nghe buồn mênh mông, chảy từng giọt như nước mắt” của vợ bởi hai túi áo chị quanh năm “mỏng kẹp lép”. Út Vũ không biết rằng vợ mình cùng những người đàn bà lam lũ quê mình ngày ngày trông ngóng “chiếc ghe chở đầy vải vóc”, họ “trở thành trẻ thơ khi bước chân lên ghe, tíu tít, háo hức, thèm muốn đến bồn chồn rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi”. Cả đời, cái bồ lúa lõm đi từng ngày “luôn làm lòng họ đau đáu, khi nghĩ tới bệnh tật, chuyện cất lại cái nhà, hay dựng vợ gả chồng cho con cái”. Thì ra, cái mà Út Vũ cho là lòng yêu thương bất tận, là tinh thần, còn cái mà vợ anh ta muốn nhận lại không chỉ có thế mà còn là cơm áo gạo tiền, là vật chất nữa. Cuối cùng, vợ Út Vũ đã bỏ đi theo một gã trai trẻ để lại người chồng và hai đứa con nhỏ bất hạnh. Nhân vật Tôi trong Dòng sông hủi của Đỗ Hoàng Diệu cũng không may mắn hơn là mấy. Ngược lại với vợ Út Vũ, người vợ trong Dòng sông hủi mặc dù có được vật chất đủ đầy, nhưng lại không thể nhận được sự sẻ chia, sự động viên hay những lời yêu thương của chồng. Công “làm một nghề kỳ quặc là kiểm tra trí nhớ con người” và điều đó cũng khiến anh ta mắc bệnh nghề nghiệp là luôn nghi ngờ vợ. Không chỉ kiểm tra những vết xe máy lạ trong sân nhà mình, không chỉ đứng nấp dưới những gốc cây để rình bắt vợ đi
gặp người tình, không chỉ nói với vợ những lời nói nặng nề của một kẻ ghen tuông,.. mà Công còn thường xuyên “lột quần lót vợ tỉ mỉ, nhướng mắt soi mói những sợi chỉ may trên vải sa tanh hồng” để tìm dấu vết vợ ngoại tình. Cuối cùng thì người vợ cũng bước vào một cuộc ngoại tình thực sự bởi nỗi cô đơn bất tận luôn dày vò tâm hồn cô. Phù Thuỷ của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng viết về một cặp vợ chồng không hoà hợp trong cuộc sống. Với Phù Thuỷ, Nguyễn Thị Thu Huệ còn miêu tả một cảnh huống phức tạp và éo le hơn nữa khi người chồng thường xuyên bỏ vợ con để “đi với con ấy”, còn người vợ cũng “vứt con cái ở nhà tớn lên đi với giai”, nhưng hai người đôi khi vẫn tìm sang phòng nhau để “ngủ chung cho ấm”. Nhân tình của Y Ban nhấn mạnh hơn nữa nỗi cô đơn của người phụ nữ cả khi ở bên chồng lẫn khi ly hôn, bỏ chồng để đến với nhân tình. Không hiểu do hữu tình hay cố ý, những nhân vật nữ của các tác giả nữ thường cảm nhận tình yêu và hạnh phúc không trọn vẹn. Đưa ra vấn đề về việc ngoại tình và giải thích điều đó bằng nỗi cô đơn của những người phụ nữ trong cuộc sống đương đại, chúng tôi hoàn toàn không có ý định cổ suý cho những người phụ nữ bỏ chồng con để đi tìm những niềm vui mới. Hãy khoan nhìn nhận đánh giá những người phụ nữ ngoại tình dưới góc độ đạo đức, chúng tôi cho rằng hành động này cũng là một cách để giải thoát người phụ nữ ra khỏi những ẩn ức tình dục, những cái nghèo vật chất và cả những nỗi đau tinh thần mà những người đàn ông của họ gây ra.
Có thể nói, vượt qua tất cả những rào cản của những truyền thống và định kiến, các nhà văn nữ đương đại đã dám đi vào khai phá những phần "người" còn bỏ ngỏ của văn học Việt Nam. Thực tế, chúng tôi cảm nhận rằng đã đưa vào trang viết của mình những nhân vật có chiều sâu, xoáy vào tận bản năng để tìm cho mình một lối đi mới mẻ. Cuộc truy tìm tình yêu hạnh phúc nhọc nhằn nhưng chủ động. Với phụ nữ, hạnh phúc không gì bằng có tình yêu, gia đình, mẫu tử. Ráo riết đi và háo hức tìm, họ không chấp nhận những gì quá ư dễ dãi, bằng phẳng mà muốn đạt tới sự nồng nhiệt, đắm say với tất cả nhu cầu tinh thần và thể xác. Yếu tố tính dục nữ
trong văn học đương đại đã góp một phần quan trọng vào công cuộc tìm kiếm bình quyền cho người phụ nữ.
3.3.2. “Xét lại” thế giới đàn ông bằng con mắt đàn bà
3.3.2.1. Trong văn học Việt Nam truyền thống, hình ảnh người đàn ông luôn hiện ra với hình dung nếu không là “đại trượng phu” hiên ngang giữa cuộc đời thì cũng là những bậc “tao nhân mặc khách”; không phải là những “hiền nhân quân tử” thì cũng là những kẻ tôi, con trung hiếu; không phải là những người định đoạt được hôn nhân thì cũng là những kẻ chủ động trong tình yêu; không phải là những người được cả thế giới phụ nữ dành tình yêu thương thì cũng là người được những người phụ nữ trong gia đình tin yêu, cung phụng;…
Suốt thời kỳ phong kiến, người ta cũng chỉ chứng kiến những hình ảnh nam nhi “chí làm trai dặm nghìn da ngựa; gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao” trong hầu hết các tác phẩm văn học. Chúng ta có thể thấy “thế giới đàn ông” với đủ “nhân, nghĩa, lễ, chí, tín” hiện ra qua các tác phẩm tiêu biểu như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của các tác giả thời Hồng Đức (thế kỷ XV); Bạch Vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, (thế kỷ XVI); Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, thơ hát nói của Cao Báo Quát và Nguyễn Công Trứ, đặc biệt là kiệt tác số một của văn học Việt Nam - Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du (thế kỷ XVIII, XIX). Trong tất cả những kiệt tác nêu trên, hình ảnh những người đàn ông – nhân vật chính diện của tác phẩm luôn là những nhân vật hiếu nghĩa, những kẻ tôi trung thành.
Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975 chứng kiến sự “lên ngôi” của văn học hiện thực phê phán và văn học lãng mạn giai đoạn 1900 – 1945 (với những cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng,… ) và của văn học cách mạng Việt Nam giai
Có thể bạn quan tâm!
- Người Phụ Nữ Và Những Khát Khao Hạnh Phúc Đời Thường
- Tính Dục Như Một Phương Thức Thể Hiện Bản Ngã
- Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 13
- Không/thời Gian Nghệ Thuật – Bức Tranh Thế Giới Qua Con Mắt Phụ Nữ
- Ngôn Ngữ, Giọng Điệu – Bước Đột Phá Của Diễn Ngôn Phái Tính
- Khuynh Hướng Tự Truyện Như Một Nét Đặc Thù Của Lối Viết Nữ
Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.
đoạn 1945 - 1975 (với những tác giả nổi tiếng như Nguyên Ngọc, Anh Đức, Phan Tứ, Hữu Mai,…).
Dù rằng văn học lãng mạn Việt Nam tiếp nhận tư tưởng mới từ phương Tây, lên tiếng bênh vực, đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ, đặc biệt là trong hôn nhân thì nhân vật những người đàn ông trong những tác phẩm này vẫn là những nhân vật luôn ở thế chủ động, ở thế trấn áp. Còn trong văn học cách mạng thì hình ảnh người đàn ông cho “đáng mặt đàn ông” cũng phải là những người anh hùng có cuộc sống gắn với chiến trường, lo nỗi lo chung của dân tộc, của đất nước trong thời kỳ loạn lạc.
3.3.2.2. Khi đất nước thống nhất, hòa bình được lập lại trên đất Việt Nam thì hình ảnh người đàn ông trong văn học thời kỳ từ năm 1975 đến 1985, về cơ bản, vẫn là những hình ảnh đẹp và mạnh mẽ. Họ mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng nhà nước Xã hội chủ nghĩa với những kế hoạch năm năm, mười năm phát triển kinh tế đất nước; họ mạnh mẽ dưới cái nhìn âu yếm của những người phụ nữ tảo tần vốn suốt đời chỉ biết hy sinh vì chồng, vì con mà không có một chút đòi hỏi cho riêng bản thân mình. Điều này được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của Tố Hữu, Tế Hanh, Xuân Quỳnh (thơ); Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Quang Sáng, Chu Văn, Ma Văn Kháng (tiểu thuyết); Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều (truyện ngắn);…
Chúng tôi cho rằng, sở dĩ hình ảnh người đàn ông trong văn học truyền thống, về cơ bản, đều “đẹp rạng ngời” và “cao lồng lộng” như thế một phần vì hầu hết các tác giả của văn học truyền thống là nam giới; và điều quan trọng hơn, họ được lễ giáo phong kiến ban tặng cho họ một hàng rào bảo vệ những giá trị nam quyền một cách vững chắc. Còn những người phụ nữ cầm bút viết về đàn ông là những người phụ nữ chịu ảnh hưởng sâu sắc của cả một nền văn hóa và nhận thức văn hóa trong vòng cương tỏa của văn hóa Hán mà thiếu đi sự giao lưu, tiếp xúc với những nền văn hóa tiên tiến khác do hoàn cảnh lịch sử đem lại.
3.3.2.3. Từ khi đất nước Việt Nam được thống nhất đến nay, đặc biệt là sau khi chính sách mở cửa, đổi mới năm 1986 được ban hành, quan điểm giới thực sự đã
làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của nhiều người đối với những vấn đề phụ nữ, bình đẳng, hội nhập và phát triển. Xu hướng toàn cầu hóa đang ngày càng tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, những thành tựu to lớn do công cuộc đổi mới đem lại đang mở ra những cơ hội và thách thức cho người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh đó, để đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, nghiên cứu về giới ở Việt Nam đã có những bước phát triển mới ở nhiều ngành khoa học, trong đó có văn học nghệ thuật.
Tinh thần nữ quyền đã in dấu đậm nét trong văn xuôi Việt Nam từ sau năm 1986, đặc biệt là trong truyện ngắn, tiểu thuyết. Ý thức về giới một cách tự giác đã ăn sâu vào tâm thức của các nhà văn nữ và tạo nên âm hưởng nữ quyền trong văn học. Hình tượng người phụ nữ với những giá trị phẩm chất cũng như giá trị tinh thần vốn xưa nay thường được nhìn nhận, đánh giá dưới đôi mắt của nam quyền, thì giờ đây đã được nhìn nhận bằng đôi mắt của chính họ - những người phụ nữ. Bước sang thời kỳ đổi mới, văn đàn Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của đội ngũ đông đảo các nhà văn nữ. Chúng ta có thể kể đến một số cái tên nổi bật như Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Dạ Ngân, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Di Li, Phong Điệp, Đỗ Hoàng Diệu,… Nhà văn Võ Phiến nhận định: “Chúng ta đang có một nền văn chương đổi phái tính” [135].
Nếu như trước đây, văn xuôi viết về người phụ nữ thường theo hướng phê phán hay ngợi ca từ cái nhìn đạo đức, chỉ sử dụng nhân vật nữ để chuyển tải một quan niệm, tư tưởng thì trong văn xuôi thời kỳ đổi mới, việc xem phụ nữ như một khách thể thẩm mỹ độc lập, như một thế giới riêng đầy bí ẩn và hấp dẫn cần được khám phá và lý giải đã dần trở thành một trào lưu văn học mới. Bằng kinh nghiệm của bản thân, các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn nữ thoải mái phô bày đời sống của người phụ nữ ở tầng sâu bản thể. Thông qua những trang viết đầy nữ tính, các nhà văn nữ đã trình bày những quan niệm độc đáo về đời sống và
về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Và cũng đồng thời với việc đem đến cho văn học những trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ thì các cây bút nữ cũng đề cập đến những người đàn ông - nhân vật chính song hành cùng với giới mình trong cuộc đời. Tuy nhiên, hình ảnh người đàn ông trong con mắt của người phụ nữ hiện đại đã khác xưa rất nhiều. Với cái nhìn khái quát, chúng tôi nhận thấy âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi nữ Việt Nam những năm gần đây được thể hiện từ nhiều “điểm nhìn” của các tác giả ở cả nội dung và nghệ thuật, trong đó việc “xét lại” thế giới đàn ông dưới con mắt của những người phụ nữ là một trong những điểm nổi bật.
Có thể nói, khi rất nhiều tác giả nữ cùng xuất hiện trên văn đàn, và họ lại viết về chính họ bằng tất cả sự trải nghiệm thì “cái mảng khá bí ẩn là tâm hồn họ”[17] thực sự đã mang đến cho văn đàn một tiếng nói riêng. Nhà phê bình văn học Đặng Anh Đào cũng từng nhận định: “ Phụ nữ thường mạnh ở chỗ đưa tất cả cuộc đời và tâm hồn họ vào trong sách” [17].
Và khi người phụ nữ đã ý thức sâu sắc về việc đấu tranh đòi bình đẳng giới như hơi thở, như cơm ăn, nước uống hàng ngày; và nhất là khi họ đã cầm bút, đã đưa cả tâm hồn và cuộc đời mình vào trong sách như vậy thì thế giới đàn ông trong tác phẩm của họ, theo một lẽ rất tự nhiên, cũng không thể như xưa, mà sẽ bị “xét lại” bằng cảm quan và nhãn quan nữ giới. Điều này được thể hiện ở việc xây dựng nhân vật trực tiếp là người đàn ông và phản ứng trước những sản phẩm văn hóa giới do trật tự nam quyền trước đây xây dựng.
Nhân vật trong các tác phẩm văn xuôi của các nhà văn nữ những năm gần đây có đặc điểm nổi bật là hầu hết đàn ông đều trở thành đối tượng để công kích, lên án. Thế giới đàn ông trong tác phẩm của các nhà văn nữ sau năm 1986 được đề cập nhiều ở những mặt hạn chế. Những khuôn mặt đàn ông dưới nhãn quan nữ giới hiện lên thật giống nhau và cũng thật khác nhau. Những khuôn mặt ấy giống nhau ở chỗ chúng trái ngược hoàn toàn với những khuôn mặt đàn ông trong văn học truyền thống, và khác nhau ở chỗ mỗi khuôn mặt thật đáng chán ấy được miêu tả,
được “xét” ở mỗi góc nhìn riêng tạo ra một bức tranh về thế giới đàn ông với đủ các gam màu tối.
Dưới góc nhìn của mình, Phạm Thị Hoài “xét” những khuôn mặt nam giới thuộc giới trí thức- những kẻ đại diện cho trí tuệ của thời đại, bằng cách dựng lên những tính cách đàn ông thật bi hài qua những tác phẩm như Thiên sứ, Thày AK, Kẻ sĩ Hà Thành,… Ở mỗi khuôn mặt đàn ông ấy có sự mâu thuẫn giữa cái trống rỗng bên trong và cái vỏ huênh hoang bên ngoài thật nực cười và cũng thật thảm hại.
Cũng là chủ đề về giới trí thức giả dối và những kẻ có chức có quyền xấu xa, nhưng tác giả Lê Minh Khuê lại đả kích trực diện vào thế giới đàn ông với những thói xấu xa, giả dối trong các tác phẩm như Ronan Keating, Cơn mưa cuối mùa, Bi kịch nhỏ, Đồng đôla vĩ đại,…
Nếu như sự khởi đầu cho việc “xét” lại những khuôn mặt đàn ông chỉ là việc xây dựng lên những nhân vật đàn ông có học nhưng lại không xứng đáng với cái vỏ bọc mà xã hội đã “khoác” lên mình họ thì không lâu sau đó, trong văn xuôi nữ đã rộ lên phong trào “xét” lại thế giới đàn ông trong các mối quan hệ tình yêu, gia đình và trong cuộc sống thường nhật- những mối quan hệ thể hiện rõ nhất sự giả dối, phụ bạc, thậm chí vô dụng và tàn ác ẩn sau những khuôn mặt đàn ông.
Đó là hình ảnh người chồng, người cha “thuộc nhóm máu cá” như nhân vật Tuyên trong Gia đình bé mọn của Dạ Ngân. Nhân vật Mỹ Tiệp- người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong tiểu thuyết này đã phải đương đầu với một cuộc chiến chống lại cái xấu xa, bỉ ổi mà “đại biểu xuất sắc” trước hết là chồng nàng. Với gia đình, Tuyên là một kẻ vô trách nhiệm hiếm thấy. Anh ta không những chỉ dửng dưng, không quan tâm gì đến con cái, mà với người vợ của mình, anh ta cũng cư xử chẳng một chút tình. Mỗi lần đưa vợ đến bệnh viện “làm kế hoạch”, Tuyên thường chỉ đưa vợ đến cổng bệnh viện rồi đến cơ quan ngay, để mặc cho vợ “một mình chiến đấu với mọi công đoạn”. Cả hai lần Tiệp sinh con, Tuyên đều vắng mặt với lý do đang giờ làm ở công sở. Điều quan trọng nhất với Tuyên chính là cái chức phó
phòng tuyên truyền của Ban và cái chức trưởng phòng mơ ước để sau đó có thể lên nữa, lên mãi. Sống với một người chồng như vậy, hạnh phúc gia đình của Tiệp chẳng khác nào một cái áo rách, càng vá víu lại càng rách thêm.
Đó là hình ảnh người đàn ông cục mịch, vô dụng và vô nhân tính trong tác phẩm của Võ Thị Hảo. Trong truyện Đôi mắt miền Tây, Võ Thị Hảo đã miêu tả một nhân vật tên Tuấn “suốt ngày hết nằm ườn lại lê lết đến quán nọ hàng kia ăn nhậu rồi cắm nợ” nhưng lại đang tâm hành hạ một người đàn bà nhỏ thó. Còn nhân vật Cáo Cờ Quẩy trong Con dại của đá lại còn nhẫn tâm hơn thế khi đem người yêu cho bạn bè chiếm đoạt, làm nhục. Trong Làn môi đồng trinh, cô gái mù loà thì hình dung “đàn ông là một cái gì đó bậm bịch, khen khét và thô bỉ” [117, tr.79], bởi như mẹ nàng giải thích: “Vì hắn là đàn ông, hắn coi chúng ta là trò chơi, là miếng mồi con ạ, Chẳng may cho con, con lại là đàn bà. Đã là đàn bà, lại không có cả đôi mắt để biết chạy trốn. Thôi, đừng hỏi nữa, cực lắm con ơi!”. 117, tr.79].
Đó là những kẻ nam nhi mà đàn ông không ra đàn ông, quân tử chẳng ra quân tử trong sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ. Với một thái độ không khoan nhượng trước những nghịch lý trớ trêu của cuộc đời mà nhân vật đàn ông là một trong những nguyên nhân mang đến những nghịch lý trớ trêu ấy đã khiến các trang viết của Nguyễn Thị Thu Huệ góp phần tái hiện bức tranh hiện thực nhiều chiều về một thế giới đàn ông bất toàn trong cuộc sống hiện đại. Với những người đàn ông sống thực dụng, Nguyễn Thị Thu Huệ thường dành cho họ cái nhìn đầy nghi kỵ, thậm chí là sự khinh bạc. Đàn ông trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ thường là nhân vật gây ra những đau khổ cho nhiều phụ nữ, đặc biệt là những cô gái trẻ ngây thơ và cả tin. Những người đàn bà trong sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ thường biết rõ nỗi cô đơn ngày càng thắt chặt đời mình theo thời gian bởi suốt cuộc đời họ không tìm thấy điểm tựa và họ chua chát khi nhận ra điều đó. Trong Hoàng hôn màu cỏ úa, người ta thấy nỗi buồn chất chứa trong lòng người phụ nữ khi họ trải lòng: “Chị hay khóc với tôi và cho rằng đàn ông thì cần thật nhưng tốt nhất là không nên có”. Thế giới đàn ông trong sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ được xây