Nhà Thơ Thời Hậu Chiến. So Sánh Với Nhà Thơ - Người Trong Cuộc


Có thể khẳng định, các tác giả trường ca đã có một vốn sống thực tế hết sức phong phú, đầy ắp hiện thực về chiến trường và người lính, về nhân dân và thời cuộc. Họ đã chọn lọc những sự kiện tiêu biểu từ bộn bề hiện thực để đưa vào thơ. Họ là người trong cuộc. Vì thế, những vần thơ đặc sắc của họ có sức khái hiện thực cao.

Phạm Quốc Ca, trong chuyên luận Mấy vấn đề về thơ Việt Nam hiện đại 1975 - 2000 đã dành nhiều trang viết cho thể loại trường ca. Ông cho rằng sau 1975 một vài năm, điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong thơ là sự xuất hiện các trường ca, “đó là kết quả của vốn sống, vốn cảm xúc tràn đầy và độ chín về tài năng của các nhà thơ đã từng trải qua cuộc chiến tranh… là kết quả của hào khí thời đại. Chỉ trong vòng bảy, tám năm sau chiến tranh, hàng loạt trường ca đã ra đời” [11, tr.177-178].

Kể từ khi cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam kết thúc, chẳng những văn nghệ sĩ Việt Nam sáng tác nhiều về đề tài chiến tranh mà ở nước ngoài - nhất là ở Mỹ - cũng có rất nhiều bộ phim được dựng lên, nhiều cuốn tiểu thuyết viết về những cơn ác mộng riêng tư của những cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam xuất hiện. Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt từ lâu, nhưng “Văn học viết về chiến tranh Viết Nam là viết về những mất mát đau thương, những bi kịch của con người trong và sau chiến tranh để cho người dân Mỹ biết “cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh... vô nghĩa” [15, tr.97].

Chiến tranh Việt Nam, đó là “cơn ác mộng đa tầng” cắm sâu vào khối óc, con tim người lính. Thực tế chiến tranh còn ác liệt, khủng khiếp vượt xa hư cấu văn học. Những sự việc có thật vượt qua trí tưởng tượng của con người bởi nó quá nhức nhối, tàn khốc. Sự điên rồ của chiến tranh được thể hiện phần nào trong tác phẩm văn học. Ngoài các trường ca sử thi hiện đại, ta thấy rằng, hiếm có tác phẩm văn xuôi nào viết về chiến tranh lại thực và đau xót như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Tất cả hiện lên trong các tác phẩm tựa như


chuyện mới xảy ra ngày hôm qua, không dấu diếm, không tô hồng, không bôi đen; chân thật như sự thực đã từng diễn ra trên nước Việt Nam.

Có thể nói, vai trò của cảm hứng cá nhân trong dòng văn học thời chống Mỹ và thời hậu chiến là một sự giải thoát nội tâm. Tâm hồn của những con người từng lăn lộn trong cuộc chiến chống Mỹ đã được trải ra sống động, linh hoạt và rất thực. Thơ và cuộc đời đã hòa vào nhau để ta có những bài thơ đặc sắc. Điều đó đã được thể hiện rõ ràng, tường tận trong các trường ca hiện đại qua những dòng thơ đậm chất sử thi ngợi ca; chất ngẫm suy, chiêm nghiệm, trăn trở, băn khoăn… Bởi, suy cho cùng, đa phần các nhà thơ sáng tác trường ca về thời chống Mỹ là những người sống trong cuộc, là người chứng kiến lịch sử, là những thư ký khá trung thực của một thời không thể nào quên.

1.2.2 Nhà thơ thời hậu chiến. So sánh với nhà thơ - người trong cuộc

1.2.2.1 Nhà thơ thời hậu chiến

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 223 trang tài liệu này.

Trước hết, các nhà thơ thời hậu chiến là những người có thời gian sống trong chiến tranh không nhiều như Nguyễn Hữu Quý, Sương Nguyệt Minh, Lê Anh Dũng… nhưng yêu thích đề tài chiến tranh và người lính. Họ còn là các nhà thơ trẻ ở thời bình chưa một ngày sống trong thời chống Mỹ nhưng mang cảm hứng sáng tác về thời chống Mỹ. Dù sinh ra trong thời bình; nhưng khi sáng tác trường ca về thời chống Mỹ, họ thường đắm mình vào trong quá khứ hào hùng của thế hệ cha ông để hàm ơn, ngợi ca: “Em yên nghỉ giữa đội hình đồng đội/ Vẫn thẳng hàng như thể giữa hàng quân/ Vẫn tăm tắp những trái tim người lính/ Vẫn đồng hành cùng Tổ quốc hôm nay” (Ngựa trắng bay về - Văn Công Hùng).

Nếu không viết về đề tài chiến tranh trong quá khứ thì trường ca của họ sẽ hướng về cuộc sống đương đại để bày tỏ tâm trạng về những gì mà họ đang cảm nhận, đang trăn trở... Nhưng chắc chắn rằng họ sẽ mãi mãi không bao giờ quên dấu tích chiến tranh còn ẩn hiện đâu đấy trên từng mảnh đất quê hương, trên từng thân phận người mà họ đang chung sống - vì đó là người thân của họ,

Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam - Nguyễn Thị Liên Tâm - 7


là đồng bào của họ. Với trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, họ không thể dửng dưng, vô cảm. Bởi nếu không có sự kế thừa về tâm hồn dân tộc thì họ không thể là hậu duệ của một thế hệ “lá xanh, bài hát đỏ” hết mình vì sự sống còn của nhân dân, Tổ quốc.

Trong tuần báo Văn nghệ Trẻ số 36 - 510/2006, nhà báo Phong Điệp đã thực hiện một cuộc phỏng vấn có giá trị trên mục Diễn đàn văn học mang tựa đề “Những giá trị còn mãi...”. Qua đó; các nhà văn, nhà thơ trẻ đương đại được độc giả yêu thích đã nêu những suy nghĩ về gíá trị, đề tài, phong cách sáng tác… của dòng văn học cách mạng. Dưới đây là những nhận định khá chính xác của họ.

- Nhận định về giá trị của văn học kháng chiến:

Đại diện cho lớp nhà thơ trẻ, Văn Công Hùng cho rằng “Dấu chân qua trảng cỏ” của Thanh Thảo hào sảng và tài hoa, còn “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh đau đáu nỗi niềm và buốt đau thân phận..., mỗi thời đại có một hệ thống tác phẩm tương ứng. Anh cũng khẳng định: “Thế hệ chúng tôi đã tiếp thu được rất nhiều từ những tác phẩm ra đời trong thời kỳ ấy (chống Pháp, Mỹ). Mà làm sao có thể quên được những câu thơ như thế này nhỉ: ,,, Đất nước theo em ra ngõ một mình/ Cau vườn rụng một tàu đã cũ/ Đất nước đêm nay năm mươi triệu người không ngủ/ Đang bóc đi tờ lịch cuối cùng”. Những câu thơ ấy của một trong những nhà thơ tài hoa nhất, hay nhất thời chống Mỹ: Hữu Thỉnh, đến tận bây giờ đọc có cũ đâu?”. Đánh giá trên là chính xác. Các nhà thơ, nhà văn thời hậu chiến cho rằng những bải thơ, trường ca nổi tiếng ở thời chống Mỹ đến nay vẫn có giá trị rất lớn. Vì chất chứa trong từng câu thơ là tâm tình, là nỗi niềm của con người nhớ về con người, là mong ước tự do.

- Nhận định về đề tài

Thế hệ nhà thơ nhà văn sinh sau chiến tranh vẫn có những người mặn mà với đề tài chiến tranh. Họ hiểu rằng, được nhìn chiến tranh quá khứ qua lăng kính hiện tại và suy nghiệm tương lai cũng là một điều thú vị. Ký ức ngày hôm


qua kết hợp với hiện thực đời sống hôm nay vẫn là điều hết sức cần thiết cho người mang nghiệp cầm bút.

+ Trao đổi về vấn đề này, nhà văn Dương Bình Nguyên (Hà Nội) đã chia sẻ: “Gần như suốt thời thơ ấu, tôi đã học và đọc những cuốn sách viết về chiến tranh cách mạng. Văn học nhà trường, đến tận khi tôi học lớp 12, văn học cách mạng vẫn chiếm phần lớn những tác phẩm trích dạy. Vậy thì, dù muốn hay không, đó cũng là phần tác động trực tiếp lên tâm hồn thế hệ chúng tôi, những người sinh sau 1975, khi chiến tranh đã thực sự ngừng lại... tôi đã nương tựa rất nhiều vào các tác phẩm của dòng văn học cách mạng để lớn lên...” [21].

+ Trần Hoàng Thiên Kim, nhà thơ trẻ Hà Nội đã bày tỏ những cảm nhận về văn học thời chiến tranh, về chiến tranh và người lính: “Tôi là một người sinh ra sau chiến tranh; không biết đến đạn bom, tiếng súng; chỉ cảm nhận sự oai hùng cũng như những mất mát đau thương của dân tộc qua những áng văn thơ. Có thể khẳng định dòng văn học thời chiến đã làm nên một tượng đài nghệ thuật bất hủ về người lính, người mẹ, người chị cầm súng, những người đàn ông ra trận hừng hừng khí phách... Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dòng văn học thời chiến đã thực sự để lại một dấu mốc quan trọng trong suốt chặng đường văn học Việt Nam” [21]. Quả đúng như vậy, tất nhiên, trong đó có sự đóng góp quan trọng của trường ca về thời chống Mỹ.

Một số trường ca xuất hiện sau 1990 vẫn thể hiện đề tài chiến tranh và người lính. Như trường ca Trời đang mở sáng của Trần Anh Thái, Những người lính của làng của Nguyễn Quang Thiều đã viết về những người lính sẵn sàng lên đường bảo vệ quê hương:“Chúng tôi xa làng/ Chúng tôi đi đánh giặc... Chúng tôi vụt thành người lính/ Khi một vùng trời Tổ quốc súng cồn lên” (Nguyễn Quang Thiều).

Như vậy; qua những bộc bạch, nghĩ suy đã dẫn; chúng ta có thể khẳng định đề tài chiến tranh và người lính vẫn có sức thu hút văn nghệ sĩ hôm nay.

- Nhận định về phương pháp sáng tác


Nhà thơ trẻ Lê Nguyệt Minh đã thổ lộ tâm tình một cách thẳng thắn: “Thế hệ sinh ra trong hòa bình không thể dùng trí tưởng tượng mà xây dựng lên một không khí lịch sử đầy biến cố… Nhưng sự kế thừa được thể hiện bằng cách mới... phải viết hiện đại hơn về cuộc sống hôm nay, mang hơi thở hiện thực và nhịp điệu đầy sức sống của nó - sức sống của đất nước sau chiến tranh hơn ba mươi năm...” [21]. Đúng thế, người viết hôm nay vẫn rất trân trọng giá trị cũng như thành tựu văn học mà thế hệ các nhà văn, nhà thơ thời kỳ kháng chiến gầy dựng. Đó là sự lao động nghệ thuật hoà trộn của máu và nước mắt, vinh quang và hy sinh. Những dòng suy nghĩ như thế quả là đáng quý. Họ đang nỗ lực tìm tòi sáng tạo những cách thể hiện mới mẻ và mong được đông đảo độc giả dần dần chấp nhận những thử nghiệm văn chương của họ. Thời gian sẽ là sự sàng lọc tinh tế nhất để khẳng định giá trị của văn chương.

Âm hưởng chính của trường ca ra đời trong thời chống Mỹ là ngợi ca, cảm hứng sử thi trào dâng. Âm hưởng chính của trường ca ra đời sau thời chống Mỹ là bi tráng, hồi tưởng, bút pháp linh hoạt. Trường ca sau 1990 ngày càng xuất hiện khá nhiều so với thập kỷ 80. Một bộ phận nhà thơ - đa phần trưởng thành trong chiến tranh - đã dồn tâm sức để tiếp tục sáng tác trường ca sử thi hiện đại. Thực tế hiện nay, đông đảo các nhà thơ ở miền Bắc có cảm hứng sáng tác trường ca hơn các nhà thơ miền Nam. Một phần lớn là do các tạp chí, tuần báo, các nhà xuất bản... ở miền Bắc thường phát động các cuộc thi sáng tác trường ca (xem thư mục). Với nhiều lớp tác giả như thế, tất yếu phong cách sáng tác ở hai giai đoạn: chiến tranh và hoà bình cũng sẽ có sự khác nhau.

- Nhận định về lực lượng sáng tác

Mặc dù thời hoàng kim của trường ca đã qua đi nhưng các nhà thơ quân đội vẫn có những tác phẩm có chất lượng, đóng góp vào sự đổi mới và phát triển của dòng văn học thời hậu chiến. Những nhà sáng tác trẻ dù đa số đã trên dưới 40 tuổi như: Nguyễn Bình Phương, Mai Nam Thắng, Đỗ Tiến Thuỵ, Lê Anh Dũng, Nguyễn Anh Nông, Phùng Văn Khai, Hữu Kim, Viễn Sơn, Quỳnh


Vân, Bùi Như Lan, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Đình Xuân, Hồ Kiên Giang, Nguyễn Thế Hùng... là lực lượng kế thừa của các nhà văn quân đội lão thành. Sau 1975, bên cạnh việc tô đậm, lý giải thêm về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; họ đã thẳng thắn nhìn vào sự thật. Những tình huống trắc trở, những điều kín đáo thuộc về bản năng; những hy sinh mất mát to lớn của dân tộc; những khiếm khuyết, sai lầm của thời đã qua được phản ánh qua lăng kính khách quan sắc cạnh; không hề lãng tránh, bi quan.

Đội ngũ các nhà thơ sáng tác trường ca sau 1980 còn là những người hồi tưởng quá khứ sau hơn ba mươi năm chiến tranh.

Mặc dù sống trong thời bình, nhưng cảm hứng sáng tạo của họ lại hướng về thời chống Mỹ. Ngoại trừ vài trường ca ra đời ngay sau 1975 được viết với tâm trạng, cảm xúc thời đại của người trong cuộc, phản ánh bối cảnh hừng hực hơi thở chiến tranh như Đường tới thành phố, Những người đi tới biển (đã tạm xếp vào trường ca giai đoạn 1960 - 1980), các trường ca ra đời sau 1980 được viết để hồi tưởng lại những năm tháng khốc liệt mà vinh quang đã qua. Phải nhìn nhận rằng độ lùi thời gian đã giúp các nhà thơ có sự suy ngẫm điềm tĩnh, sâu sắc hơn về chiến tranh và bản chất của kẻ thù; về chính họ và chính chúng ta. Có thể nói, hơn ba thập kỷ trôi qua, khuynh hướng hiện thực vẫn là khuynh hướng chủ lưu của nền văn học nước nhà. Và dù đất nước đã hoà bình, xã hội đã có những chuyển biến, đổi thay cho phù hợp với tâm thế và cuộc sống hiện tại thì văn học vẫn dành mảnh đất khá rộng cho đề tài “chiến tranh và quá khứ”. Các nhà thơ thời hậu chiến có sự cảm nhận và thể hiện tỉnh táo, công bằng hơn về cuộc chiến nên sự đánh giá sẽ có nhiều tầng bậc, nhiều góc độ khác nhau. Sự nhận định, đánh giá về ta, về kẻ gây ra chiến tranh dần dần tránh đi khuynh hướng phiến diện, cực đoan một chiều.

Quả thật là: “Xu hướng miêu tả cuộc chiến tranh chân thực đúng như nó đã xảy ra trở thành điều cam kết thầm lặng của nhà văn với lịch sử và cuộc sống” [76, tr.94]. Tất nhiên, chúng ta vẫn hiểu rằng sự thật chiến tranh trong


giai đoạn ác liệt nhất, lúc cần sự đồng tình của quần chúng, thì hiện thực đi vào những trang thơ văn phải được nâng lên cho phù hợp với tâm thế thời đại để chiến đấu và phải chiến thắng. Lê Thành Nghị cũng đã nhận định: “Văn học tham gia vào cuộc kháng chiến ấy, tự biến mình thành lời ăn tiếng nói của nhân dân trong chiến tranh... thành vũ khi phụng sự kháng chiến một cách tự nguyện… thành công cụ của chính trị một cách hữu hiệu[58, tr.9]. Như thế, các nhà thơ mặc áo lính đang thực hiện công việc sáng tác tự nguyện theo “sự mách bảo của con tim”.

Sau 1980, một số nhà thơ đã phản ánh hiện thực chiến tranh bằng sự hồi tưởng, có thể kể đến Sóng Côn Đảo của Anh Ngọc, Trường ca Sư Đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Mảnh hồn chim Lạc của Nguyễn Hưng Hải, Những người lính của làng của Nguyễn Quang Thiều... và gần đây có Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái… Dẫu đã từng tham gia cuộc chiến, họ cũng không chứng kiến hiện thực chiến tranh một cách trực tiếp bởi họ đang ở trong thời bình. Họ không phải vừa cầm súng, vừa cầm bút. Điều kiện viết: không phải khổ sở, vất vả; không có bom rơi đạn nổ, không có cái chết cận kề. Đề tài: chủ đạo vẫn là chiến tranh và người lính nhưng chủ yếu là hồi tưởng về một thời máu lửa; về lãnh tụ và những bạn bè, đồng đội đã hy sinh; sự trăn trở, suy tư về mặt trái của cuộc sống hôm nay. Chúng ta có thể cảm nhận được sự hồi tưởng đau đáu ấy trong từng hồi ký, trong từng trường ca viết về thời chống Mỹ.

Giang Nam, tham gia cuộc chiến chống Mỹ và viết trường ca từ rất sớm. Nhưng sau chiến tranh, trong hồi ký Sống và viết ở chiến trường, nhà thơ đã kể lại những năm tháng đi cách mạng và kháng chiến. Tất cả những điều đó được viết trong sự hồi tưởng quá khứ, là ký ức một thời chiến tranh mà ông đã từng tham gia. Trang bìa hồi ký có dòng tự bạch (đã in trong Nhà văn Việt Nam hiện đại): Cuộc chiến đấu ấy là ngọn nguồn cảm xúc lớn, là niềm vui và cả nỗi đau trong thơ tôi”. Nhà thơ cũng tâm sự ở những trang cuối của hồi ký: “Viết về mình đã khó, viết về bạn bè, đồng chí càng khó hơn nhiều. Nhưng khó mấy


cũng phải làm; mỗi người góp một phần chất liệu, những hồi tưởng, những kỷ niệm riêng tư... để cho gương mặt bạn bè, đồng chí - đặc biệt là những người đã ra đi, đã hy sinh... sống mãi với thời gian” [56, tr.232].

Dù cho mọi thứ đã thay da đổi thịt thì tâm hồn của người lính năm xưa vẫn hằn sâu ký ức chiến tranh trong từng ngỏ ngách riêng tư:

“Tôi vẫn nhận ra Hàm Rồng chìm sâu trong đất/ Tôi vẫn nhận ra Hàm Rồng qua từng hàng cây, hốc đá có tên riêng/ Tôi vẫn nhận ra Hàm Rồng qua từng gương mặt chớm già nua của người đồng đôi/ Trong cái xiết tay, trong rạng rỡ nụ cười/ Trong nước mắt bạn già lâu ngày gặp lại/ Và vết thẹo chiến tranh trong trận bom vùi...” (Trường ca Hàm Rồng - Từ Nguyên Tĩnh).

Văn Lê là tác giả của Những cánh đồng dưới lửa. Nỗi đau xưa về một thời chiến đấu có vinh quang, có mất mát hy sinh được thể hiện rõ trong những đoạn thơ cuối cùng của trường ca: “Nào có hết được gian truân, cuộc đời người lính/ Nỗi đau xưa cứ âm ỉ trong lòng/ Giấu khóc mà cười, giấu đau mà hát/ Nỗi niềm nào còn lại với hư không?”.

Quảng Bình tuyến lửa đã hứng chịu hàng triệu tấn bom cày xới nhằm chặt gãy con đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Dải đất miền Trung này có Lê Thị Mây nổi bật với những tập thơ trữ tình, trong đó, Lửa mùa hong áo (2003) như một đoạn phim hồi tưởng sinh động về tiểu đội mười hai cô gái thanh niên xung phong tóc đuôi sam, nón tai bèo, áo quân xanh màu lá, tuổi mười tám đôi mươi. Và thấp thoáng trong trường ca là hình ảnh của chính tác giả - cô thanh niên xung phong Lê Thị Mây ngày nào trong đời thật và trong sự thăng hoa của nghệ thuật thơ ca. Lửa mùa hong áo, theo Vũ Duy Thông thì đây là: “trường ca con gái. Những nhân vật của Lê Thị Mây đánh giặc theo cách con gái. Yêu thương theo cách con gái. Và ngã xuống theo cách con gái”.

Sự hồi tưởng về quá khứ cứ trỗi dậy trong tâm người lính năm xưa. Quá khứ không nằm yên và được bộc lộ qua những vần thơ tâm huyết. Có người trăn trở về hiện thực cuộc sống hôm nay khi họ bắt gặp những điều trái khoáy,

Xem tất cả 223 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí