những hành động nông nổi đời thường... Trong Mảnh hồn chim Lạc, Nguyễn Hưng Hải đã tự hỏi:
“Họ là ai/ con cháu của Hùng Vương/ thời mở cửa/ uống cạn đồi, trơ ruộng/ bỏ làng đi/ họ là ai/ sao ở chỗ từ bi/ thiện và ác cùng chung “mô phật”… Cái giá của cao sang/ đã có lúc phải thấp hèn để có”/…“Giữa ồn ào phố chật, người đông/ giữa xô lấn đổi thay theo thời cuộc/ ta lắm lúc cũng quên mình thưở trước”.
Những điều trăn trở như thế còn thể hiện trong một số trường ca như Khoảng trời người lính (chương III: Sau chiến tranh) của Lê Anh Quốc, Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái... nhưng đa phần là nỗi nhớ về những đồng đội năm xưa đã từng chung lưng đấu cật; nhớ tình đất, tình người nơi họ đã từng sống và chiến đấu.
Chiến tranh đã qua đi, điều bất thường của lịch sử đã qua đi. Người ta không còn lo sợ đạn bom sẽ liên tục rền vang, sẽ tiêu diệt cuộc sống, huỷ hoại hạnh phúc cá nhân và cộng đồng. Thế nhưng, trong độ lùi của thời gian, có lúc tâm thái họ rơi vào im lặng, có lúc con tim họ quẫy đạp mãnh liệt khôn cùng. Đề tài chiến tranh luôn ám ảnh và cứ thường trực trở về trong tâm khảm họ. Nội tâm của họ bị giằng xé, thôi thúc viết về đất nước, đồng đội.
Nhìn lại ba mươi năm đã qua, văn học chiến tranh cách mạng vẫn phát triển, mặc dầu đề tài chiến tranh có sự đa dạng hóa về chủ đề, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật biểu hiện… tạo được tiếng nói đa thanh. Hiện thực cuộc sống được các nhà văn quan sát tinh tế; phân tích, cảm thụ bằng sự tỉnh táo. Không phải bây giờ dư ba chiến tranh đã lùi xa, đã mất hút, mà vẫn quanh quẩn bên ta. Nó mãi hiện diện trong đời sống những nạn nhân chất độc màu da cam, trong nỗi đau của những người dân vô tội. Chiến tranh chưa bao giờ kết thúc, chiến tranh cứ đeo bám dai dẳng trong làn hương khói trên bàn thờ liệt sĩ, đeo bám trên những khuôn mặt các goá phụ hằn nếp nhăn thời gian. Nó đeo bám trong từng giọt nước mắt mặn chát đã chảy gần hơn ba mươi năm, nó đeo
đuổi suốt cuộc đời của những đứa bé mồ côi vì cha mẹ đã hy sinh cho Tổ quốc. Nó tồn tại ở những vết thương trên thân thể người lính năm xưa. Nó hiện diện trên những mảnh đất - mặc dù đã được hồi sinh - nhưng thỉnh thoảng vẫn vang lên tiếng khóc, tiếng rền rĩ bởi những quả bom mìn còn sót lại. Nó đeo bám dai dẳng trong tâm hồn nhân dân ta sống ở thời chống Mỹ và cả hôm nay. Điều đó là nguồn đề tài để các nhà thơ thời hậu chiến chiêm nghiệm, nghĩ suy và viết tiếp về cuộc chiến tranh đã từng diễn ra ở Việt Nam.
Văn học chiến tranh và hậu chiến tranh chưa bao giờ có điểm đến cuối cùng. Chân dung của những người trong cuộc được khắc họa trong văn học - tuy độ đậm nhạt khác nhau - nhưng hầu hết đều là những tấm gương quý giá về lòng yêu nước cần được nghiêm cẩn tôn vinh.
1.2.2.2 So sánh với nhà thơ - người trong cuộc
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Gắn Kết Giữa Yếu Tố Thời Đại Và Dân Tộc
- Những Nhân Tố Chủ Quan Tạo Nên Sự Xuất Hiện Của Trường Ca
- Nhà Thơ Thời Hậu Chiến. So Sánh Với Nhà Thơ - Người Trong Cuộc
- Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam - Nguyễn Thị Liên Tâm - 9
- Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam - Nguyễn Thị Liên Tâm - 10
- Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam - Nguyễn Thị Liên Tâm - 11
Xem toàn bộ 223 trang tài liệu này.
Các nhà thơ sống trong thời chiến tranh đa số là những người vừa cầm súng vừa cầm bút. Họ có những nét chung về tâm thế, cảm xúc, cuộc sống, lý tưởng… Môi trường, hoàn cảnh họ sáng tác có thể là cánh rừng già trên đường hành quân, bên bếp lửa sau một trận càn, ở một chốt điểm sau cái sống cái chết cận kề. Họ có thể viết với tâm trạng hân hoan sau trận thắng lớn hoặc trong những giờ phút yên lặng với tâm trạng đớn đau sau khi chôn cất những đồng đội đã hy sinh. Điểm qua một vài gương mặt nhà thơ - chiến sỹ tiêu biểu của thời chống Mỹ, chúng ta có thể thấy rõ những nét chung về tâm thế, cảm xúc, cuộc sống, lý tưởng... của họ. Ta cũng nhận ra rằng: thời gian sáng tác của họ không hạn định ngày hay đêm, bàn viết của họ chính là bất kỳ vật gì có thể kê tạm để sáng tác, có thể là chiếc ba lô gắn với họ như bóng với hình. Có thể là một gốc cây ven đường hành quân. Không gian viết có thể rộng hay hẹp, cao hay thấp... tuỳ vào địa thế của chiến trận, vị trí nơi đóng quân. Hầu hết họ chọn đề tài chiến tranh và người lính. Chất hiện thực đã lấn át sự hư cấu; có hư cấu cũng chỉ phục vụ cho mục đích tuyên truyền. Đành rằng chiến tranh không phải là điều kiện thuận lợi để sáng tác; nhưng ở môi trường chiến tranh; con người
phải đấu tranh, phải sống và chiến đấu; phải rung chạm nhiều cung bậc của trái tim, của hành vi ứng xử nên rất hiện thực.
Họ là những người lính xẻ dọc Trường Sơn, tung hoành khắp các trận địa. Nơi nào có giặc là nơi ấy in dấu chân của họ. Như một ân huệ của đời dành cho các nhà thơ, những phút giây thăng hoa tuyệt diệu đã xuất hiện. Và những dòng ngôn từ đã tuôn ra khi có sự hòa nhập của cảm xúc con tim, sự lọc sàng sáng tạo và từ hiện thực cuộc chiến.
Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) quê ở Bến Tre; năm 1954 theo gia đình tập kết ra Bắc học tập, tốt nghiệp Đai học Sử, làm phụ giảng. Sau đó, ông trở lại chiến trường miền Nam làm công tác giáo dục rồi chuyển sang Hội Văn nghệ Giải phóng. Ngày 24/5/1968, trong chiến dịch Mậu Thân, ông đã hy sinh ở vùng phụ cận Sài Gòn, để lại cho nền văn học Việt Nam hai tập thơ: Tiếng gà gáy, Hoa dừa và trường ca Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng có thể nói, Trường ca Nguyễn Văn Trỗi thực sự tạo được hình tượng nhân vật từ nguyên mẫu của cuộc sống bởi tác giả đã viết chân thực bằng tâm thế của chứng nhân lịch sử.
Nguyễn Khoa Điềm, khi trao đổi với phóng viên Nguyễn Quýnh (báo GDTĐ số 110, 9/2004) đã ca ngợi trường ca Bài ca chim Chơrao và nhà thơ Thu Bồn. Qua đó, ông kể về hoàn cảnh, tâm trạng khi sáng tác Mặt đường khát vọng: “Lúc đó nhiều nhà thơ đã viết trường ca… Bài ca chim Chơrao của anh Thu Bồn đang rất nổi tiếng và được thanh niên đô thị thuộc rất nhiều. Tôi lựa chọn viết trường ca, cấu tứ theo từng mảng, như thế vừa dễ triển khai cảm xúc vừa dễ sử dụng chất liệu… tôi rất thích nhạc giao hưởng, đặc biệt là kết cấu giao hưởng… Tôi nghĩ tôi sẽ viết một bản giao hưởng bằng ngôn ngữ”.
Nhà thơ cũng đã khẳng định: Chương V là một chương lớn, nhà trường phổ thông chọn chương này để giảng dạy là hợp lý. Thời gian anh viết chương này là vào những ngày mưa triền miên sau Tết, máy bay Mỹ đánh phá dữ dội, phải ngồi trong hầm mà viết, cảm xúc được cộng hưởng bởi tiếng bom nổ, khói bom và mưa rừng. Nguyễn Khoa Điềm tâm sự: “Tôi viết về những điều giản dị
của chính tôi, về tuổi trẻ và các bạn bè đang tranh đấu ở trong thành phố”. Như vậy, rõ ràng, năm tháng chiến trường, cảm xúc thời đại, tâm thế người trong cuộc... đã giúp cho nhiều trường ca có giá trị đến với công chúng.
Thời chống Mỹ, nhà thơ - chiến sĩ là một sự hoà quyện đặc biệt. Hầu như trước khi là nhà thơ, các anh đã là người lính. Hữu Thỉnh cũng thế. Đường tới thành phố ra đời vào năm 1979 và nhận giải thưởng Hội Nhà Văn năm 1980, đã được nhìn từ góc độ của một người lính thời chống Mỹ với những niềm vui, nỗi buồn, trách nhiệm và nghĩa vụ nên vô cùng chân thực và sống động. Trường ca viết về chiến dịch Hồ Chí Minh và nhân vật trung tâm - người lính thuộc binh chủng thiết giáp trong trường ca - chính là tác giả, một người đã vinh dự theo binh đoàn xe tăng vào giải phóng Sài Gòn. Nghiên cứu trường ca của tác giả, ta có thể thấy rõ được điều ấy. Hữu Thỉnh đã viết với tâm thế của người lính, tâm thế người trong cuộc.
Hữu Thỉnh đã từng nói: “Chiến tranh là một hiện tượng xã hội đột xuất... Thơ ca của thế hệ chống Mỹ là tiếng nói sống động tự tin của người trong cuộc. Người ta bắt gặp khá nhiều trường hợp nhân danh, nhưng mọi sự nhân danh đều tìm được sự cảm thông của người đọc vì nó được đảm bảo bằng chỗ đứng của người viết. Thơ ở đây được đảm bảo bằng máu”. Quả đúng như vậy, thơ ở đây đã được đảm bảo bằng máu. Máu của các nhà thơ chiến sĩ - người trong cuộc, máu của bạn bè đồng đội đã hy sinh, máu của những người dân vô tội đổ xuống để cuộc chiến thắng lợi, để chúng ta có hòa bình hôm nay. Thơ ca của thế hệ chống Mỹ quả thật là tiếng nói sống động tự tin của người nhân danh dân tộc.
Thanh Thảo cũng là một trong số rất nhiều người làm thơ, viết văn… đi vào chiến trường cuối những năm 60, suốt dọc Trường Sơn, theo dấu chân người lính trẻ: “Thơ Thanh Thảo viết về cuộc chiến đấu ở Trường Sơn và đồng bào Nam Bộ [5, tr.47], cố gắng phác họa chân dung tinh thần của những người trẻ tuổi - người lính bình thường, vô danh nhưng rất có ý thức về Tổ
quốc” [4, tr.45]. Là người trong cuộc, Thanh Thảo đã hoàn toàn gắn mình vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc nên anh có quyền cho phép mình nói lên những điều anh nghĩ, những sự kiện mà anh chứng kiến về cuộc chiến.
Bích Thu đã ghi nhận: “Sự hiện diện của Thanh Thảo trong thời điểm này như một sự tiếp sức trong đội ngũ những người làm thơ thuộc thế hệ thứ ba trên chặng đường sáng tạo, thấm thía về hiện thực chiến tranh, về trách nhiệm, số phận của thế hệ mình trước Tổ quốc, nhân dân” [99, tr.67]. Chân dung cái tôi trong trường ca là cái tôi từng trải, cái tôi chứng kiến, cái tôi mang đậm dấu ấn cá nhân, không lập lại bất kỳ ai. Đọc Những người đi tới biển, ta có thể khẳng định Thanh Thảo đã hướng ngòi bút vào chân dung người lính, hiện thực chiến trường, đời sống nhân dân để khám phá chân dung tinh thần của một thế hệ người lính trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt của dân tộc.
Anh Ngọc, nhà thơ mặc áo lính của thời chống Mỹ, tham gia sáng tác từ 1965. Sự xuất hiện của thơ anh đã bổ sung nét tươi mới cho diễn đàn văn học của người lính, đặc biệt là với bài thơ Cây xấu hổ. Trường ca Sông núi trên vai (lúc đầu mang tên “Tiếng gọi con đường”), đã được anh chính thức khai bút tại cực Nam Trung bộ vào tháng 4/1975, hoàn thành vào năm 1983, đến 1993 có chỉnh sửa lại để hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh. Đây là một tác phẩm khá thành công. Những quan niệm về quê hương, Tổ quốc, chiến tranh, thân phận người lính… được thể hiện rất rõ, nhất là về hình tượng những cô gái trong đoàn vận tải H50 ở miền cực Nam Trung bộ. Trong tập Nghiên cứu và tiểu luận Mạch thơ trong nguồn thế kỷ, Vũ Văn Sỹ cũng đã đánh giá: “Sông núi trên vai… là bản trường ca lấy đề tài lịch sử…, được bố cục theo thời gian lịch sử” [85].
Có thể nói, văn học chính là vũ khí, là sức mạnh tinh thần để những người chân chính đi qua chiến tranh, vượt lên số phận. Đặc biệt là thơ ca, trong đó có trường ca về thời chống Mỹ đã góp phần tạo nên sức rung động mạnh mẽ. Các
nhà thơ thời chống Mỹ đã đóng góp cho dòng văn học hiện đại những trường ca vừa đậm đà chất thơ, vừa mang dấu ấn về thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã qua đi hơn một phần tư thế kỷ. Một cuộc chiến làm đau lòng những người dân vô tội ở cả hai miền Tổ quốc, và cả những người dân ở nơi phát ra nguồn lửa chiến tranh. Nhiều trường ca đã ghi lại những chiến công vang dội, những mất mát thương đau, những nhọc nhằn gian khổ, những thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần… của con người đã sống trong cuộc chiến ấy. Điều đó cũng phần nào lý giải vì sao trường ca về thời chống Mỹ nhiều hơn về số lượng và cao hơn về chất lượng so với trường ca viết về đề tài khác. Trường ca về thời chống Mỹ đã có những đóng góp đặc sắc làm nên diện mạo riêng cho thơ ca cách mạng Việt Nam.
Qua khảo sát, ta thấy rằng dung lượng trường ca là khá dài (trường ca hiện đại ngắn nhất cũng khoảng ba, bốn trăm câu; dài nhất trên vài ngàn câu; có sử thi cổ điển trên vài chục ngàn câu). Nếu so sánh với các nhà thơ làm thơ ngắn - chỉ có vài câu trong một bài - có thể đã lưu lại tiếng tăm thì một vài đoạn thơ tài hoa trong một trường ca cũng là điều đáng ca ngợi. Chẳng hạn một vài đoạn đặc sắc trong Đường tới thành phố, Những người đi tới biển hay chương V “Đất nước” trích Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm...
Giá trị lớn lao của văn chương là đồng hành cùng năm tháng, đi cùng năm tháng. Vì thế, giá trị văn học thời chống Mỹ - đặc biệt là trường ca - đã làm vẻ vang cho dân tộc, là tài sản quý báu của dân tộc. Bởi, bất kỳ một dân tộc nào, văn chương đại diện cho tâm hồn dân tộc. Thời gian đã trôi qua hơn một phần ba thế kỷ, thế nhưng âm ba của cuộc chiến tranh chống Mỹ vẫn mãi xao động. Cùng với nhiều bài thơ ngắn có giá trị xuất sắc như: Quê hương, Nghe em vào đại học (Giang Nam) Trường Sơn đông, Trường Sơn tây; Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ)..., nhiều trường ca như: Đường tới thành phố, Những người đi tới biển, Mặt đường khát vọng, Bài ca chim Chơrao... đã ghi lại những chiến công vang dội,
những mất mát thương đau, những nhọc nhằn gian khổ, những thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần của con người sống trong cuộc chiến ấy và được địa chỉ “http://thiviên” bình chọn là mười tác phẩm hay nhất viết về thời chống Mỹ. Điều đó khẳng định: trường ca về thời chống Mỹ đã có những đóng góp đặc sắc làm nên diện mạo hoàn mỹ cho thơ ca cách mạng Việt Nam và văn học hiện đại Việt Nam. Văn học thời chiến luôn trường tồn và luôn được trân trọng, nhất là các tác phẩm có giá trị. Nhà thơ, nhà văn là người đã tinh luyện quặng chữ để chắt lọc tinh tuý. Vũ khí của họ là con chữ. Họ đã vươn lên tầm cao của thời đại vì đã có quyền lực vô hình của con chữ, hay nói chính xác là quyền lực của nhà sáng tác. Con chữ được tinh luyện thành tác phẩm. Và tác phẩm văn chương đích thực luôn tồn tại với lịch sữ dẫu rằng cuộc đời của các nhà văn, nhà thơ tất yếu ngắn ngủi hơn lịch sử; dẫu rằng số phận của họ có bất hạnh, mong manh. Những trang viết của họ sẽ sống mãi với thời gian và được công chúng đón nhận - như các trường ca sử thi về thời chống Mỹ có giá trị mà chúng tôi đang nghiên cứu.
Tuy nhiên, độ lùi về thời gian cũng giúp chúng ta có thể đánh giá một cách tương đối khách quan về những nhược điểm, bên cạnh những thành tựu về thể loại của trường ca. Cụ thể về nghệ thuật: trong các trường ca có chất lượng được chọn để khảo sát vẫn có những khúc, những chương rời rạc về mặt kết cấu, ngôn ngữ còn mang tính tự nhiên chủ nghĩa, nhiều đoạn thô ráp. Số lượng câu thơ quá nhiều, dàn trải nên bạn đọc và cả văn nghệ sĩ ngại tiếp cận - trừ những chương đoạn nổi tiếng. Sau 1980, nhiều trường ca xuất hiện nhưng đến với bạn đọc chưa nhiều do nhiều nguyên nhân (khâu xuất bản, khâu tiếp thị, chất lượng…), trong đó, nguyên nhân chủ yếu do phải mất nhiều thời gian để đọc vì độ dài. Về nội dung, nhiều trường ca chỉ thiên về ngợi ca và xây dựng hình tượng đẹp mà thiếu đi tính chất đời thường, ít phê phán, ít bóc trần sự thật. Hình ảnh nhân vật chưa sắc nét, còn mang tính điển hình chung chung; nhiều trường ca có quá nhiều đoạn dư thừa, chêm xen. Những nhận xét của Nguyễn
Văn Hạnh, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ, Dục Tú, Mai Hương, Hồng Diệu… về nhược điểm cuả các bản trường ca là rất đáng trân trọng, giúp cho các nhà thơ có thêm kinh nghiệm sáng tác trường ca.
1.2.3. Sự gắn kết giữa yếu tố cá nhân và cộng đồng
Trong chuyên luận “Thơ trữ tình Việt Nam 1975 - 1990”, Lê Lưu Oanh đã phân loại cái tôi trữ tình dựa trên các tiêu chí:
- Theo phương pháp sáng tác: có cái tôi cổ điển, cái tôi lãng mạn, cái tôi hiện thực, cái tôi hiện thực cách mạng…
- Theo đặc điểm nhân cách: có cái tôi - hưởng lạc, cái tôi - cô đơn…
- Theo cấu trúc tác phẩm: có cái tôi - tác giả, cái tôi - nhân vật…
- Theo phương thức bộc lộ: có cái tôi - suy nghĩ, cái tôi - triết lý…
- Theo phạm trù tinh thần: có cái tôi - đạo đức, cái tôi - chính trị…
- Theo cấu trúc nhân cách: có cái tôi - cá nhân, cái tôi- xã hội, cái tôi - tâm lí, cái tôi - hành động, cái tôi - bản năng, cái tôi - nhu cầu,
- Theo loại hình nội dung: có cái tôi - sử thi, cái tôi - thế sự, đời tư…
Xét về mặt tổng thể, cái tôi trữ tình được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Trong phạm vi luận án, chúng tôi đề cập đến cái tôi cá nhân của cấu trúc nhân cách và loại hình nội dung là chủ yếu. Đồng thời, đặt các mối quan hệ ấy vào những mối quan hệ khác với thời đại mà cái tôi trữ tình được sản sinh ra... Bởi, đất nước ta trải qua ba mươi năm chiến tranh; số phận cá nhân đã gắn liền với cộng đồng, với vận mệnh dân tộc như một sự kết nối bền vững. Cái Ta và cái Tôi, cá nhân và cộng đồng bao giờ cũng có mối quan hệ biện chứng... Từ thời đại anh hùng sản sinh ra sử thi, với đề tài phản ánh chiến tranh sâu sắc, các nhà thơ vẫn phải sống trong hoàn cảnh mà họ miêu tả. Họ trở thành cái tôi chứng nhân, cái tôi lịch sử, cái tôi thế hệ có tính chất đại diện hơn là cái tôi riêng tư để đưa hiện thực vào trường ca. Dù rằng trong trường ca nhà thơ xưng tôi, nói về cái tôi thì đó hoàn toàn không phải là cái tôi riêng tư của nhà thơ mà là một cái “tôi” chung cùng xương thịt với nhân dân, cái tôi đại diện cho dân tộc, cái tôi