tháng năm nơi chiến trường đã tạo điều kiện cho thể loại trường ca phát triển. Thanh Thảo có Những người đi tới biển (1977); Hữu Thỉnh có Đường tới thành phố (1979), Trường ca Biển (1994); Trần Mạnh Hảo với Mặt trời trong lòng đất (1981), Đất nước hình tia chớp (1994); Nguyễn Đức Mậu với Trường ca Sư Đoàn (1980); Anh Ngọc với trường ca Sông núi trên vai (1983); Giang Nam với Ánh chớp đêm giao thừa (1998), Sông Dinh mùa trăng khuyết (2002); Thu Bồn với Badan khát (1977), Quê hương mặt trời vàng (1975), Nguyễn Trọng Tạo với Con đường của những vì sao (1981); Lê Đạt với Trường ca Bác (1990)…
Trong hai đợt vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân (1992 - 1995 và 2001 - 2004), một số nhà thơ đã trở lại với những sự kiện lịch sử xa xưa để ca ngợi, tự hào. Một số nhà thơ lại viết theo dòng hồi ức và nhu cầu cần giải thoát sự trăn trở của nội tâm. Có thể kể đến Nguyễn Quang Thiều với Những người lính của làng (1994); Văn Lê với Những cánh đồng dưới lửa (1997); Dông bão (2000) của Nguyễn Xuân Hạnh; Năm tháng và chiều cao, (2000) của Nguyễn Thuỵ Kha; Về miền thương nhớ (2005) của Tạ Kim Khánh, Anh Ngọc, ngoài Sông núi trên vai còn có Điệp khúc vô danh (1993); Ngô Văn Phú có Hà Nội tháng mười hai (2003); Lê Huy Quang có Hồi ức tuổi hai mươi (1994), Một thời để nhớ (2004); Thi Hoàng có Gọi nhau qua vách núi (1997); Nguyễn Hương Trâm có Hà Nội Thăng Long (2000); Từ Nguyên Tĩnh với Trường ca Hàm Rồng (2000), Vũ Đình Thự có Bài ca dâng Đảng (2004)... Một số trường ca phản ánh cuộc chiến tranh biên giới như: Đảo chìm (1994) của Vương Trọng, Trường ca Côn Đảo của Nguyễn Đức Mậu, Mười bảy khúc đảo ca của Dương Thuấn... Riêng Thu Bồn “vượt qua biên giới” khi phản ánh những sự kiện khủng khiếp đang diễn ra ở đất nước Chùa Tháp trong Campuchia hy vọng.
Như vậy, từ năm 1990 trở đi, sau một thời gian gần như im vắng, trường ca xuất hiện trở lại trên văn đàn ngày càng nhiều nhờ các đợt phát động thi sáng
tác trường ca. Một số tác phẩm và tác giả được chú ý như: Ngựa trắng bay về (2002) của Văn Công Hùng, Trước núi Ngọc Linh của Vũ Hùng (2005), Những người lính của làng của Nguyễn Quang Thiều (1994), Đổ bóng xuống mặt trời (1999) của Trần Anh Thái, Lửa mùa hong áo (2003) của Lê Thị Mây, Trường ca Hàm Rồng (2000) của Từ Nguyên Tĩnh, Mảnh hồn chim Lạc (2004) của Nguyễn Hưng Hải, Sinh ở cuối dòng sông (2003) của Nguyễn Hữu Quý, Trầm tích (1999) của Hoàng Trần Cương, Những cánh đồng dưới lửa (1997) của Văn Lê, Tiếng bom và tiếng chuông chùa của Phạm Tiến Duật, Đi trong sen ngát bóng xanh (2005) của Phạm Thái Quỳnh... Những trường ca kể trên thường thiên về cảm hứng bi tráng; nặng chất hồi tưởng, suy ngẫm khác với trường ca những năm 1960 - 1980 thiên về cảm hứng ngợi ca; giàu chất tráng ca, anh hùng ca. Bởi, độ lùi của chiến tranh đã giúp các nhà thơ tỉnh táo hơn, cẩn trọng và công bằng hơn trong việc nhìn nhận, phản ánh vấn đề.
Một số trường ca thuộc về nhiều đề tài khác có: Người bác sĩ (1963) của Huy Cận; Ngày hội của rạng đông (1978) của Võ Văn Trực; Hơi thở rừng hồi (2002) của Vương Trọng; Sông Mêkông bốn mặt (1988) của Anh Ngọc. Trong Trường ca thành Tây Đô, Văn Đắc ca ngợi công lao của Hồ Quý Ly, Thanh Chương tráng khúc của Nguyễn Bùi Vợi ca ngợi hào khí của quê nhà “địa linh nhân kiệt”. Năm 2001, Nguyễn Khắc Phục, cho ra đời trường ca Bài ca nữ thần Jang Hơ-ri (3.947 câu). Cũng trong năm này, Phan Quế có Cổ kính và phóng túng (1795 câu), viết về đất và người thủ đô thời trước 1945. Thanh Thảo nổi tiếng với Những người đi tới biển lại có cảm hứng về nhân vật lịch sử Nguyễn Đình Chiểu nên đã sáng tác Trò chuyện với nhân vật của mình (960 câu thơ) nhân dịp kỷ niệm 160 năm ngày sinh của nhà thơ Nam bộ này (hầu như được viết toàn bộ bằng thơ văn xuôi). Trước đây, trong đợt vận động sáng tác lần đầu (1992 đến 1995), Thanh Thảo cũng đã viết về đề tài này qua trường ca mang tên: Những ngọn sóng mặt trời gồm hai trường ca nhỏ: Những nghĩa sĩ Cần Giuộc và Bùng nổ của mùa Xuân.
Đến đợt vận động sáng tác lần thứ hai về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang số lượng trường ca đã tăng lên mạnh mẽ; đợt 1: 2002 – 2005 có trên 50 trường ca ra đời, phần lớn viết về cuộc chiến đấu chống Mỹ của dân tộc. Đợt 2 (2005-2009) cũng đã kết thúc với hai trường ca được giải là Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái và Vạn lý Trường sơn của Nguyễn Hữu Quý. Cuộc thi sáng tác trường ca viết về đề tài “Bác Hồ của chúng ta” do báo Văn nghệ phát động (2005) nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác Hồ cũng đã khép lại nhưng bầu trời thơ ca thì đã nở rộ một không khí mới: có trên 2.500 tác giả dự thi với 7.950 bài thơ và trường ca viết về Bác. Đây cũng là hình thức thể hiện sự trở lại của trường ca sau một thời gian dài hầu như vắng bóng.
Theo ý kiến chung của các nhà nghiên cứu văn học, đặc biệt là nghiên cứu về sự xuất hiện cũng như sự phát triển của thể loại trường ca hàng mấy mươi năm nay, nhiều người cho rằng cái thời sôi nổi của trường ca đã qua. Nhưng gần đây, trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 617, Nguyễn Hữu Quý đã viết: “trường ca đã quay trở lại thời hoàng kim”. Chúng tôi cho rằng ý kiến trên thể hiện mục đích động viên tinh thần sáng tác trường ca của các nhà thơ. Bởi lẽ, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng “người trong cuộc viết về chính bản thân mình; về đồng đội; nhân dân trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt sẽ hiện thực và đặc sắc hơn; tâm tư, cảm xúc sẽ được giải bày sâu kỹ hơn”.
Có thể bạn quan tâm!
- Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam - Nguyễn Thị Liên Tâm - 2
- Những Ý Kiến Phê Bình, Nhận Định Về Các Tác Giả Và Các Trường Ca Tiêu Biểu
- Những Nhân Tố Khách Quan Tạo Nên Sự Xuất Hiện Của Trường Ca
- Những Nhân Tố Chủ Quan Tạo Nên Sự Xuất Hiện Của Trường Ca
- Nhà Thơ Thời Hậu Chiến. So Sánh Với Nhà Thơ - Người Trong Cuộc
- Sự Gắn Kết Giữa Yếu Tố Cá Nhân Và Cộng Đồng
Xem toàn bộ 223 trang tài liệu này.
Từ 2004 đến nay, trong các bản trường ca hiện đại, các nhà thơ vẫn dành những chương, khúc để viết về thời chống Mỹ như Ngày đang mở sáng (2007) của Trần Anh Thái, Mở bàn tay gặp núi của Nguyễn Đức Mậu, Vạn Lý Trường Sơn của Nguyễn Hữu Quý, Trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông… Đề tài chiến tranh và người lính không ngừng ám ảnh họ. Bên cạnh sự ra đời của trường ca sử thi hiện đại; việc tìm kiếm, sưu tầm, bảo tồn và lưu giữ những tác phẩm sử thi - tài sản quý báu của dân tộc vẫn được chú trọng, cụ thể là “vừa phát hiện ba bộ sử thi liên hoàn của các dân tộc MơNông, BaNa và Xêđăng, khảo sát sử thi ở hàng nghìn buôn, bon, plây ở năm tỉnh: Đắc Lắc, Đắc Nông,
Gia Lai, Bình Phước, Bình Thuận và sưu tầm trên 500 tác phẩm sử thi” (TC VNQĐ số 641 - 2/2006).Tháng 3/2010, bộ sử thi Tây Nguyên (Viện KHXH và các tỉnh Tây Nguyên) ra đời với 60 ngàn trang, in thành 62 tập (có chân dung người hát), đang đề nghị UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể.
Tóm lại, qua các cứ liệu đã dẫn trên, chứng tỏ các nhà thơ của chúng ta muốn tìm mọi hình thức thích hợp, phong phú để thể hiện cuộc sống đa dạng của những tháng năm nhiều biến động và đầy tự hào của dân tộc. Điều đó chứng tỏ khả năng của họ muốn vươn tới một tầm cao của tư tưởng nhận thức về nhân dân và đất nuớc. Đó cũng là kết quả tất yếu của một quá trình thừa hưởng, tiếp nối hào khí thời đại đã qua và cũng là sự tiếp nối hình thức trường ca sử thi từ truyền thống đến hiện đại: góp phẩn khẳng định: trường ca sử thi hiện đại là sự tiếp nối trường ca sử thi cổ điển. Các nhà thơ hiện đại đã hoà quyện tính chất truyền thống như: độ dài, kết cấu, giọng điệu ngợi ca, yếu tố sử thi, yếu tố tự sự, chất anh hùng ca… vào trong các bản trường ca, duy chỉ khác về tính chất chiến tranh, qui mô chiến tranh tuỳ thuộc vào thời kỳ lịch sử mà nó được chứng kiến mà thôi. Và đó chính là một nhân tố khách quan góp phần tạo nên những bản trường ca sử thi hiện đại.
1.1.2 Thời đại
Việt Nam, đất nước xinh đẹp nằm bên bờ biển Đông đã chịu nhiều cuộc xâm lược của các cường quốc ôm mộng bành trướng lãnh thổ. Với truyền thống lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước; dân tộc ta đã chiến đấu và làm nên chiến thắng bởi dân tộc ta có hàng hàng lớp lớp thế hệ này đến thế hệ khác mang dòng máu yêu nước mãnh liệt.
Có lẽ, chưa có một dân tộc nào mà đất nước lại có quá nhiều cuộc chiến tranh xảy ra như đất nước Việt Nam. Thời chống Mỹ là một chặng đường lịch sử đau thương nhưng bất khuất, kiên cường. Đó là thời đại của những con người giàu phẩm chất cách mạng, mang trong mình tư thế của một dân tộc anh hùng, tiếp nối truyền thống của cha ông. Xưa nay, chưa có một thời đại nào sôi
động bão táp cách mạng như thời chống Mỹ; và sự thật hiển nhiên là dân tộc ta, đất nước ta đã sống xứng đáng với thời đại anh hùng ấy.
Đất nước trong những năm chống Mỹ luôn hừng hực lửa chiến tranh, dồn nén biết bao cung bậc của tình cảm. Chia ly, đoàn tụ, tan hợp, vui buồn, đau thương, chiến thắng… đều đổ dồn lên mảnh đất này. Con người, đất nước… trong thời kỳ lịch sử ấy được các nhà thơ, nhà văn tái hiện trong văn học một cách khá toàn diện.
Trên thế giới, thực tế không phải chỉ có Việt Nam trải qua những năm tháng chiến tranh, không phải chỉ có con người Việt Nam mới thấm thía nỗi đau buồn do chiến tranh ác liệt gây ra. Thế nhưng, ở Việt Nam, dẫu ba mươi năm chiến tranh đã qua đi, dẫu cuộc chiến đã lùi vào quá khứ; văn học vẫn dành một mảnh đất phì nhiêu cho đề tài chiến tranh. Con người ta chỉ cần sống một ngày trong chiến tranh đã có thể ghi nhớ suốt cả cuộc đời. Hàng chục triệu con người Việt Nam đã chịu đựng những tháng ngày chiến tranh gần một phần ba thế kỷ và hậu quả chiến tranh để lại sẽ còn kéo dài đeo đẳng. Ngòi bút văn chương đương đại và ngay trong thời bình, còn phải trải lòng với những hồi ức ấy. Thời kỳ lịch sử này, chính đất nước đã vinh danh cho các nhà văn, nhà thơ.
Người Việt Nam yêu nước, yêu dân tộc bằng tâm thế thời đại và kết nối từ truyền thống đến hiện đại. Yêu nước và anh hùng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhưng luôn mang tầm vóc thời đại. Việt Nam là quốc thi, là đất nước của thơ ca. Thế mà, gần một phần ba thế kỷ, đất nước và dân tộc Việt Nam đã trải qua những thử thách lịch sử vô cùng lớn lao mang ý nghĩa sống còn.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân và truyền thống yêu nước của cả dân tộc. Cả thế giới tiến bộ hướng về Việt Nam, đồng cảm, sẻ chia nỗi đau chiến tranh với Việt Nam. Những trận Mỹ Sơn, Gio Linh, Đồng Xoài, Bình Ba, Bình Giả… hình như cứ ám ảnh, đeo đẳng và vận mãi vào tâm hồn cũng như ngòi bút của các nhà văn, nhà thơ… Chính họ là những người nhận thức rõ vị trí, tầm vóc của cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước. Vì thế, đề tài chiến tranh đã được khai thác sâu rộng. Có thể khẳng định rằng, cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đằng đẵng đã làm thăng hoa những giá trị lớn lao của dân tộc. Truyền thống yêu nước, thơ ca và lòng dân quật khởi đã đánh bại sức mạnh của dầu hỏa và dolla.
Trên Văn Nghệ Trẻ số 33/2006, Mã Giang Lân đã viết: “Thơ hay là báu vật của Trời đánh rơi xuống mà nhà thơ vô tình nhặt được... trong sáng tác có sự lóe sáng, xuất thần, tình cờ”. Thật vậy, báu vật của trời chính là ý, là tứ thơ hay nhưng tất yếu phải trên một nền hiện thực xã hội mang dấu ấn đặc biệt. Thành tựu của văn học, của thơ ca chiếm một vị trí quan trọng. Bởi lẽ, thơ ca đã thể hiện bức tranh hiện thực xã hội, tâm thế của những con người sống và viết, giữa anh hùng và lãng mạn, giữa khoảnh khắc và sự trường tồn. Các nhà văn, nhà thơ thời chống Mỹ đã làm được điều ấy, đã sống đẹp và viết hay, đã ghi lại hình ảnh và không khí một thời đáng nhớ. Trường ca về thời chống Mỹ, với những đoản khúc thơ có giá trị đi sâu vào lòng người, được trích để giảng dạy trong chương trình Văn các cấp khá nhiều, đó là thành tựu lớn.
Sau chiến tranh, những con người tham gia cuộc chiến năm xưa lại trăn trở, hồi tưởng về một thời không quên để rồi phải cầm bút viết tiếp. Có thể nói, những trường ca ra đời sau 1975, và nhất là từ sau 1980 trở về đây càng nặng chất hồi tưởng, suy ngẫm. Trường ca, với độ dài không hạn định đã giúp các nhà thơ rộng mở biên độ phản ánh, trình bày cảm xúc, tự do thể hiện để chắp cánh cho quá khứ và hiện thực bay lên. Độ lùi của chiến tranh giúp họ tỉnh táo hơn, cẩn trọng hơn, công bằng hơn trong việc nhìn nhận và phản ánh vấn đề.
Hiện nay, trường ca xuất hiện khá nhiều. Dấu ấn chiến tranh thời chống Mỹ đã đè nặng lên tâm trạng, cảm xúc những người cầm bút. Ký ức chiến tranh của dân tộc còn đó trên những thân thể đã gửi lại một phần nơi chiến trường, trên những hình hài bị dị dạng do chất độc da cam… thì tất yếu, văn chương còn phải viết về ký ức chiến tranh bằng sự hồi tưởng quá khứ, bằng sự ngưỡng vọng thành kính tri ân, bằng sự trăn trở của những người sinh sau thời
đại nhưng không vô cảm với thời đại chống Mỹ. Nếu không, những người cầm bút sẽ cảm thấy mình thiếu nợ với văn học, với nhân dân, với đất nước.
Bảo Ninh, tác giả tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã nói rằng: “Đề tài chiến tranh hay nói đúng hơn là ký ức chiến tranh là một thế mạnh của văn học Việt Nam, của từng nhà văn Việt Nam. Vì đã có một thời gian dài, thế giới biết đến Việt Nam chính là nước Việt Nam trong chiến tranh. Chiến tranh thời chống Mỹ chính là trường đào tạo, tôi luyện các nhà thơ chiến sĩ và cả việc tôi rèn nền văn học chiến tranh Việt Nam” [68]. Các nhà thơ thời chống Mỹ đã tái hiện quá khứ, viết về ký ức chiến tranh bằng nhiều thủ pháp: đồng hiện, hồi tưởng... Nếu thời đại chiến tranh càng chìm sâu vào quá khứ thì hiện thực của thời đại ấy càng trở nên sống động với các tác giả thời hậu chiến. Và tất nhiên; cách nhìn, cách cảm, cách hiểu của họ sẽ khác rất nhiều so với những người đã đi qua chiến tranh. Họ cũng có những cách nói, cách nghĩ không thể hệt như những người nhà thơ kỳ cựu thời chống Mỹ nhưng sẽ có những điều mà các nhà thơ thời chống Mỹ chưa thể bày tỏ mạnh dạn, thẳng thắn.
Có thể khẳng định, “chiến thắng vĩ đại trong cuộc chống Mỹ cứu nước là một trong những nhân tố, thúc đẩy các nhà thơ viết trường ca” [70]. Quả đúng như thế, không ai muốn đất nước có chiến tranh nhưng khi chiến tranh xảy ra thì hiện thực thời đại ấy chính là nhân tố khách quan để các nhà thơ tạo nên những tác phẩm sử thi đáng quý về một thời đáng nhớ.
1.1.3 Sự gắn kết giữa yếu tố thời đại và dân tộc
Suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thăng trầm theo từng giai đoạn lịch sử. Trải qua hơn một nghìn năm sống dưới sự đô hộ của phương Bắc; rồi gần một trăm năm bị thực dân Pháp xâm lược, xen kẽ với những thời kỳ độc lập; dân tộc Việt Nam vẫn vững vàng sống, chiến đấu và vượt lên nỗi đau chiến tranh để vững vàng chiến thắng. Thời chống Mỹ, tổ quốc ta có lúc như con thuyền bị phong ba bão táp vây chặt giữa biển khơi. Tinh thần dân tộc dâng cao, gắn với tâm thế thời đại để chiến đấu và chiến thắng.
Những nhà thơ có tài năng đều mang đậm dấu ấn nhân dân, dấu ấn của cả thời đại, của môi trường mà họ sống. Dấu ấn đó sẽ ảnh hưởng và bộc lộ trong chính tác phẩm nghệ thuật của họ, qua những hình tượng văn học đơn lẻ nhưng mang tính khái quát, điển hình cao.
Trong trường ca về thời chống Mỹ, sự gắn kết giữa thời đại và dân tộc thể hiện rất rõ nét, trước tiên là ở những danh xưng. Số lượng các từ Ta, chúng ta, dân tộc, đất nước... trong các trường ca được lựa chọn để nghiên cứu, xuất hiện khá nhiều. Khảo sát trong Mặt đường khát vọng, từ “đất nước” xuất hiện 81 lần, trong Đất nước hình tia chớp xuất hiện 104 lần, Đường tới thành phố có 17 lần (phụ lục1)... Chủ thể trữ tình xưng “ta” xuất hiện 162 lần trong Mặt đường khát vọng, 58 lần trong Đất nước hình tia chớp và 18 lần trong Đường tới thành phố”. Chủ thể trữ tình xưng “Con, chúng con” xuất hiện 152 lần trong Mặt đường khát vọng, 13 lần trong Đất nước hình tia chớp và 53 lần trong Đường tới thành phố (phụ lục 2).
Đó là cái Ta, chúng ta đại diện cho cả cộng đồng mang tâm thế của một dân tộc bị áp bức trong thời đại chống Mỹ. Những từ Ta, chúng ta, dân tộc, đất nước xuất hiện nhiều trong các trường ca hiện đại đã minh chứng sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, giữa bộ phận và toàn thể, giữa cá nhân và tập thể, giữa dân và nước, giữa gia đình và tổ quốc, giữa dân tộc và thời đại. Thi liệu “Một bọc trăm trứng nở ra trăm con”, “hào khí Đông A thời đại nhà Trần” được nhắc đến rất nhiều trong các trường ca sử thi hiện đại càng chứng tỏ: tính dân tộc đã gắn kết chặt chẽ cùng yếu tố thời đại.
Trao đổi với nhà báo Nguyễn Quýnh (GDTĐ số 110 9/2004), Nguyễn Khoa Điềm cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề “số phận cá nhân” trong mối quan hệ với thời đại mà họ đang sống: “Chúng tôi, mỗi người có một số phận khác nhau nhưng đều gắn kết trong một số phận chung là số phận Đất nước. Đất nước với các nhà thơ khác là những huyền thoại của những anh hùng, nhưng với tôi là của những con người vô danh, của nhân dân”. Đất nước ở đây chính