Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam - Nguyễn Thị Liên Tâm - 9


trữ tình sử thi. Cái “tôi” Nguyễn Khoa Điềm trong Mặt đường khát vọng, của Giang Nam trong Ánh chớp đêm giao thừa, của Hưởng Triều trong Hành trình, của Thanh Thảo trong Những người đi tới biển, của Hữu Thỉnh trong Đường tới thành phố, của Trần Mạnh Hảo trong Mặt trời trong lòng đất… đều là cái “tôi” tập thể, cái tôi của cả một thế hệ anh hùng.

Như trên đã đề cập; trong thời đại mà tình yêu, cuộc sống riêng tư tạm gác lại để nhường chỗ cho trạng thái tinh thần dân tộc đang bùng lên mãnh liệt thì cái tôi nhà thơ vẫn được bôc lộ. Cái tôi gắn bó với cái ta, cá nhân gắn bó mật thiết với cộng đồng. Hình tượng nhân dân là hình tượng mang sức khái quát đẹp đẽ nhất của trường ca sử thi hiện đại. Đây cũng là điểm biệt khác so với trường ca sử thi cổ điển; không phải là cái tôi cá nhân đơn lẻ mà là cái tôi đại diện; cái tôi riêng trong tổng thể chung cả dân tộc. Cái tôi tự nguyện hòa nhập vào cộng đồng, trở thành con người cộng đồng. Con người cộng đồng trong mỗi cá nhân hoàn toàn phù hợp với tâm thế thời đại và nhu cầu của cuộc kháng chiến. Đúng vậy: “rõ ràng có mối quan hệ hai chiều giữa cá nhân và cộng đồng [38, tr.81]. Và “cái hay của các trường ca ở ta không chỉ là cái tôi chứng nhân lịch sử của các nhà thơ chiến sĩ, mà còn ở các chân dung tiêu biểu, rất tự nhiên bộn bề, nhưng vẫn toàn thể, duy nhất… và là điều tất yếu phải có đối với một nền sử thi dân tộc” [38, tr.88]. Lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc đã tạo nên những con người có lý tưởng cao cả, con người quên đi “cái tôi riêng”.

Đó là cái tôi cá nhân của Nguyễn Khoa Điềm, cái tôi của tuổi trẻ xuống đường,đi trên con đường mà nhân dân đã chọn: “Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng/ Thế vô tận của ngàn năm giết giặc/ Lửa đã cháy hồng hào mặt đất/ Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù!”. Từ những đau thương của riêng cá nhân mình, cái tôi nhà thơ - chiến sĩ đã liên kết với nhiều cái tôi riêng khác nữa để hoà nhập thành cái ta chung: “Ta không còn là ta của đau thương/ Ta là quê hương, ta là sức mạnh” (Mặt đường khát vọng).


Cái tôi của Thanh Thảo cũng được hòa vào hình tượng những chàng lính trẻ để thành cái ta chung, cái ta trẻ trung của lớp thanh niên thời chống Mỹ, biết sống vì lẽ sinh tồn của dân tộc. Họ sẵn sàng chịu đựng mọi khổ ải, khó khăn để sống, chiến đấu hết mình: “Chúng tôi sống ở đây mấy mùa khô mấy mùa mưa/ Có mùa đói và mùa nào cũng giặc/ Những cái hố đào củ mài sâu hút/ Những cánh tay không với tới nữa rồi” (Những người đi tới biển). Đó là cái tôi từng trải, cái tôi chứng kiến, cái tôi nhập cuộc, cái tôi hóa thân; vì trên hết, Thanh Thảo là người lính thời chống Mỹ.

Qua nghiên cứu, ta có thể khẳng định trường ca về thời chống Mỹ đủ tâm thế, đủ trường độ, cường độ... để thể hiện cái tôi chứng nhân lịch sử, thể hiện những chân dung tiêu biểu chỉ có trong cuộc sống chiến đấu. Khẳng định những mối liên hệ gắn kết giữa thời đại và dân tộc, giữa cá nhân và cộng đồng cũng chính là xác định trách nhiệm của nhà thơ với cuộc đời và với thơ.

Cũng trên tuần báo Văn nghệ Trẻ số 36 (9/2006), trong bài “Những giá trị còn mãi...”, Phong Điệp đã phỏng vấn nhà văn Võ Hồng về giá trị của dòng văn học thời chiến. Võ Hồng đã nêu cảm nhận: “Văn học Việt Nam hai thời kỳ kháng chiến... để lại cho văn học chữ viết Việt Nam những đỉnh cao... có những thế mạnh riêng đi vào lòng người… làm nhiệm vụ tuyên truyền của nó, mà đối tượng chính là con người, tuy nhiên con người ở đây là con người “tập thể” chứ không phải con người “cá nhân”. Như vậy, nhà văn đã đề cao tính tập thể, tính cách mạng, khẳng định việc mổ xẻ những vấn đề cá nhân của con người gần như được thể hiện rất ít trong văn học thời chiến.

Sự gắn kết giữa cá nhân và cộng đồng được biểu hiện rõ nhất ở lý tưởng, ý nghĩ, hành động của mỗi cá nhân trong tập thể. Đó là “Cái tôi”. Cái tôi ý thức về con người cá nhân của từng cá nhân bao giờ cũng tồn tại; nhưng mỗi thời đại, mỗi xã hội, mỗi nền văn hóa… lại có những thể hiện không giống nhau. Thời đại chống Mỹ, để bảo vệ tổ quốc, mọi quyền lợi cá nhân phải nhường chỗ cho quyền lợi tập thể. Điều này đã lý giải vì sao cả một đội ngũ


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 223 trang tài liệu này.

sinh viên trong Mặt đường khát vọng tham gia xuống đường giữa lòng thành phố Huế; lý giải vì sao những cô gái trong Sông núi trên vai, mười cô gái ngã ba Đồng Lộc trong Lửa mùa hong áo, những chàng trai trong Những người đi tời biển, những chàng lính trẻ trong Đường tới thành phố và cả những người lính đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ trong Trường ca Sư đoàn... đều sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư, tình yêu đôi lứa... để cống hiến cho sự nghiệp chung của dân tộc. Từ hình ảnh bà mẹ Tuy Hòa trong Ở làng Phước Hậu, bà mẹ ở triền sông Hồng, sông Mã; đến các bà mẹ trong Những người đi tới biển, bà mẹ trong Đường tới thành phố... đều phải hành động như đã hành động; không than van, yếu hèn. Thời đại ấy; nếu nghĩ khác, sống khác, hành động khác với những gì đã nghĩ, đã sống, đã hành động... sẽ đồng nghĩa với việc đối lập lý tưởng và đường đi của cả cộng đồng, cả dân tộc.

Từ hậu phương đến chiến trường đã hừng hực lửa; con người cá nhân… với cái tôi đời thường đã nhường chỗ cho cái ta chung, cái ta tập thể. Văn học nói chung và trường ca nói riêng đã tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, là vũ khí tích cực phục vụ cuộc kháng chiến một cách hữu hiệu... và tự thân đã góp phần hình thành một nền “văn học sử thi hiện đại”. Tất cả đều ghép vào hàng ngũ, gắn chặt với đội ngũ. Hậu phương, tiền tuyến đều là tổ, là đội, là hợp tác xã, là cộng đồng. Chính vì thế mà cái chung, cái toàn dân, cái toàn quân, cái tập thể, cái cộng đồng... là một khối vững bền, luôn được đặt lên trên tất cả. Sống trong hoàn cảnh xã hội như thế, các nhà thơ chống Mỹ đa phần có chung cảm hứng sử thi, có chung một lối tư duy về cuộc chiến tranh vĩ đại. Các bản trường ca sử thi hiện đại đã thực sự là những khúc ca rộn rã, là khúc quân hành cháy bỏng tâm can người ra trận, dù rằng đằng sau chiến thắng có những mất mát, khổ đau. Có thể nói đây là một thời đại thơ ca vô cùng đặc biệt mà thiếu nó, văn học hiện đại Việt Nam sẽ thiếu đi sự hoàn mỹ, thiếu đi một phần sự phản ánh hiện thực lịch sử đầy sống động.

Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam - Nguyễn Thị Liên Tâm - 9


Các nhà thơ chống Mỹ - các nhà thơ sáng tác trường ca, đã được gọi là “dàn đồng ca”. Theo Lê Thành Nghị: “Bản thân “dàn đồng ca” chứa đựng hai nội dung: nội dung “tập thể” (không còn cá nhân) và nội dung “một giọng” (giọng ngợi ca)” [58, tr.13]. Quả thật, để nâng mình lên ngang tầm thời đại, các nhà thơ thời chống Mỹ đã cùng hát “giọng ngợi ca”. Như vậy, mỗi nhà thơ thời chống Mỹ là một giọng ca cá nhân hòa trong dàn đồng ca của cả cộng đồng. Và vì thế, hầu như tên các bài thơ, tập thơ lớn thời kỳ này đều bắt đầu từ hai tiếng “bài ca, khúc hát, tiếng hát” như Khúc hát người anh hùng, Bài ca Việt Bắc, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Cái ta ở đây vừa giống lại vừa khác với cái ta của thời Trung đại. Vì từ thời Ngô, Đinh đến Tiền Lê, con người công dân đã ra sức giữ gìn nền độc lập mới giành lại được. Suốt mấy thế kỷ, vấn đề lớn nhất quan hệ đến sự tồn vong của đất nước là vấn đề vận mệnh dân tộc. Văn học thời kỳ này nghe theo mệnh lệnh của trái tim để viết về vấn đề vận mệnh dân tộc như một lời hiệu triệu toàn quân đánh giặc. Các tác phẩm có thể gọi là bản trường ca sử thi của thời trung đại như: Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi... Nhân vật trữ tình mang tâm thế của cái ta công dân - mặc dầu cái ta ấy mang hơi hướng của người chỉ huy, người cầm quyền lãnh đạo. Thời ấy, ông cha ta vẫn hiện lên trong văn chương là con người công dân có trách nhiệm với nước với dân: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ tiếc là không lột da, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng xin làm” (Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn).

Còn đây là đoạn biền ngẫu đặc sắc giàu chất sử thi trong Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu/ Cổ xe cầu hiền đăm đắm còn dành phía tả/ Thế mà/ Trông người người càng vắng bóng/ Mịt mù như nhìn chốn bể khơi/ Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã như cứu người chết đuối...”, đoạn văn đã bày tỏ tấm lòng lo cho dân, cho nước của một


vị anh hùng dân tộc văn võ song toàn, thể hiện cái ta công dân vì dân vì nước. Vua Lý Nhân Tông (1064 - 1127), con trưởng của Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan, trong Tờ chiếu để lại khi sắp mất tự nhận xét mình: “ít đức, không làm gì cho trăm họ được yên”, khi chết “không muốn dân lo tang chế hao tốn công quỹ, tiết kiệm không cho xây lăng tẩm riêng...” đều là những tấm gương điển hình về người công dân mẫu mực hết lòng vì dân vì nước [96, tr.440]. Tất cả những vấn đề nêu ra đều nhằm mục đích khẳng định văn chương thượng kỳ trung đại đã tô đậm hình ảnh con người cá nhân nhưng cũng chính là con người công dân phục vụ lợi ích tối thựơng của cộng đồng dân tộc; thể hiện cái tâm, cái chí, cái đạo của cái ta “đạo lý”.

Sang giai đoạn văn học Trung đại hạ kỳ, từ con người vô ngã đã chuyển sang con người hữu ngã. Thời kỳ này, con người mang ý thức bản ngã đã trỗi dậy nên văn chương viết về cái tôi cá nhân có chiều hướng phát triển và làm nên những giá trị văn chương đặc sắc. Nhiều ngâm khúc, truyện thơ xuất hiện và sống mãi với thời gian vì nó đã đề cập đến một vấn đề luôn mới mẻ, luôn đồng hành cùng sự sống của con người: đó là vấn đề tình yêu và thân phận. Điển hình như: Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm - Nguyễn Gia Thiều, Đoạn trường tân thanh - Nguyễn Du...

Thời chống Pháp, văn chương lại tiếp tục sứ mệnh đồng hành cùng lịch sử. Nhiều tác phẩm thơ ca có giá trị ra đời. Tất nhiên, trường ca không nhiều (như Từ đêm mười chín - Khương Hữu Dụng), nhưng cũng góp mặt để cùng phản ánh công cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc. Cái tôi công dân cũng được khẳng định khá rõ trong một số bài thơ như Đồng chí - Chính Hữu; Nhớ - Hồng Nguyên; Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Bắc - Tố Hữu, Đất nước - Nguyễn Đình Thi... Và cũng khác với cái tôi của Thơ mới mang nhiều dấu ấn cá nhân riêng lẻ, chủ yếu thể hiện cái tôi trữ tình cô đơn, buồn bã.

Đến thời chống Mỹ, trường ca mô tả những con người công dân điển hình cho cả cộng đồng công dân, cảm xúc cá nhân mang đậm lý tưởng cách


mạng. Cái tập thể, cái chung, cái cộng đồng… luôn được đặt lên hàng đầu. Có lẽ vì thế mà các nhà thơ thời chống Mỹ đã được gọi là là “dàn đồng ca” thời đại cùng hát bài ca tập thể, cùng điệu ngợi ca tổ quốc và nhân dân.

Cá nhân hòa vào cộng đồng, cộng đồng nâng tầm cho mỗi cá nhân sát cánh với mỗi cá nhân để tạo nên sức mạnh. Từ thế hệ này đến thế hệ khác; nối tiếp và nối tiếp không ngừng, như một dòng chảy liên tục. Từ cách sinh hoạt, ăn ở; đến cách nghĩ, cách làm; từ truyền thống xa xưa nối tiếp đến hiện đại hôm nay. Cá nhân kết hợp với cá nhân để tạo nên tập thể gắn bó hữu cơ, mật thiết với nhau. Chất kết dính ấy đã được tạo nên từ xa xưa trong truyền thuyết Bọc trăm trứng”, trong cái nghĩa “đồng bàomãi mãi an nhiên và được Nguyễn Khoa Điềm đưa vào trong Mặt đường khát vọng. Đó là sự thống nhất giữa cá nhân và cộng đồng, của nhiều cộng đồng với dân tộc.

Trong Điệp khúc vô danh của Anh Ngọc, hình ảnh Bác Hồ - người công dân số một của nước Việt Nam thời chống Mỹ được miêu tả thật gần gũi, thân thuộc. Khoảng cách giữa lãnh tụ và nhân dân, giữa cá nhân và cộng đồng đã xóa nhoà khi Người đọc Tuyên ngôn Độc lập giữa vườn hoa Ba Đình rực nắng: “Người là ai?/ Người đã tới từ đâu? Cả dân tộc ngỡ ngàng trong phút đầu gặp Bác/ Người đã nói nói cái điều đơn giản nhất/ và cũng là điều hệ trọng nhất trên đời rằng: Người với nhân dân chỉ là một mà thôi”. Nhiều cá nhân tạo nên cộng đồng, nhiều cộng đồng họp thành dân tộc có rất nhiều điểm chung: nguồn cội, giai cấp, lãnh tụ, chung lòng đánh giặc.

Trong trường ca về thời chống Mỹ; các yếu tố, các sự kiện mang tính cộng đồng được xây dựng khá rõ nét. Những con người sống hòa trong cộng đồng ấy, cũng có những phút giây đời thường riêng tư. Họ vẫn yêu, vẫn hát, vẫn cười, vẫn sống theo lẽ đời của một cá thể không ai giống với ai. Nhưng khi giáp mặt với những sự việc trọng đại liên quan đến tập thể, đến sự vinh nhục của tổ quốc thì họ lại trở thành người đại diện cho dân tộc, cho cộng đồng. Họ cùng một giọng đồng ca bài ca chiến đấu, một khối thống nhất sẵn sàng sống


chết vì tập thể nhân dân. Vì vậy, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến tranh toàn dân; vì nhân dân, vì cộng đồng mà chiến đấu. Chất trữ tình trong trường ca về chống Mỹ càng về sau càng bộc lộ mạnh mẽ. Chủ yếu vẫn là con người cá nhân, nhưng mỗi người là một mạch máu nhỏ trong quả tim lớn. Vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc gắn liền với số phận của mỗi cá nhân, với tình yêu đôi lứa, với tình yêu nhân dân rộng lớn.

Không còn là niềm riêng mà chính là nỗi chung của bao phụ nữ nước ta trong thời chinh chiến. Niềm thương nhớ có khi dài dằng dặc cả hai mươi năm dài với những mùa hạ ròng rã nồng nàn của mười tám thôn trầu, trong cả một thời xuân sắc của người con gái. Cá nhân riêng lẻ nhưng lại chính là cả cộng đồng người phụ nữ có chồng đi chiến đấu: “Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” (Hữu Thỉnh - Đường đi tới thành phố).

Thời khắc đưa tiễn của cái tôi cá nhân cũng chính là nỗi niềm chung của những người con sắp sửa phải rời xa quê, xa mẹ để đi vào cuộc chiến. Nhà thơ đã hòa cái riêng, nâng lên thành cái chung. Tình cảm ấy được diễn tả thật tinh tế: “Khi con thưa với mẹ/ Mưa bay mờ đồng ta/ Ngày mai con đi/ Khói bếp mình chợt ngừng trên mái rạ” (Những người đi tới biển - Thanh Thảo).

Thời gian như dừng lại, cảnh vật như lưu luyến. Buổi tiễn đưa bồi hồi nhưng không hề bi lụy. Cái khoảnh khắc đặc biệt ấy được nhà thơ ghi lại một cách giản đơn mà lay động lòng người. Ai có thể đếm được có biết bao nhiêu cuộc tiễn đưa như thế. Những cuộc tiễn đưa riêng tư mà cũng rất chung của những bà mẹ Việt Nam yêu con, yêu nước. đã được phản ánh lại trong trường ca. Có những bà mẹ đưa tiễn dài dằng dặc cả đời: “Con thương mẹ thương cả đời đưa tiễn/ Hết giặc này lại đến giặc kia/ Mẹ cưu mang hết mọi thời kháng chiến/ Những đứa con đi biết dẫu không về” (Đất nước hình tia chớp).

Trong những đêm dài lặng lẽ giữa trời, những cô gái vận tải trong Sông núi trên vai, những cô thanh niên xung phong trong Lửa mùa hong áo, đã sống hết lòng vì quê hương, đồng đội; sẵn sàng đón nhận nguy hiểm về mình:


“Em Mận/ Không chịu thay ca/ Đứng làm cọc đường/ Mắt thâm quầng/ Ngửa mặt nhìn quầng trăng hạn”. Cả tập thể nào Nụ, Ngân, Xoan, Thảo, Cúc, Hoa, Đào, Cải, Quế, Nết, Ngò cùng chung chí hướng: “mười hai trái tim/ mười hai hòn lửa đỏ/ Từ ngực thanh xuân/ Ủ vào bếp Hoàng Cầm” (Lê Thị Mây) . Đó là những hình ảnh đẹp biểu hiện cái tôi cá nhân đã hoà vào cái ta cộng đồng.

Những vần thơ văn xuôi trong Ngựa trắng bay về của Văn Công Hùng cũng đã chuyển tải những nỗi niềm thương nhớ về một người nữ thanh niên xung phong năm xưa đã mãi mãi nằm lại nơi khoảng trời rừng núi. Lời thơ của “cá nhân tôi - và cũng là của những người tri ân” nghe thật dịu êm mà cháy lòng cháy dạ người đọc:

“Tháng năm này gió thổi dọc Trường Sơn, tôi lặng lẽ lần qua từng khu rừng lá đổ. Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng, gió thổi hoài rát ruột lắm gió ơi. Ngày chia tay em kẹp tóc mảnh mai, dáng nhỏ thó đưa mắt nhìn rất vội. Vịn thành xe mưa giăng giăng ngõ tối, hương ngọc lan thoang thoảng tỏa sau hè. Biền biệt em di, biền biệt mẹ chờ. Chiều tựa cửa ngóng hoài về phương ấy. Phương ấy ơi, phương ấy là nỗi nhớ. Trường Sơn mờ, ngăn ngắt một màu xa” (Ngựa trắng bay về).

Mỗi sự hy sinh thầm lặng và tự nguyện của từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc đã làm nên sức sống diệu kỳ, đã làm nên chiến thắng, mặc dù chiến thắng ấy có khi phải trả bằng máu và nước mắt.

Rõ ràng “có mối quan hệ hai chiều giữa cá nhân và cộng đồng... một hồi âm về sự gắn bó của mỗi thành viên mang ý thức tự nguyện trong cộng đồng ấy” [38, tr.80-81]. Có thể cho rằng, từ thưở sơ khai của thể loại sử thi, trong các bản hùng ca ngày xa xưa ấy, đã thấy hình bóng cá nhân mỗi thành viên tự nguyện gắn bó trong cộng đồng, dân tộc. Ngày nay, trong các bản trường ca sử thi hiện đại, mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/09/2023