Nhìn một cách tổng quát; các nhận định, công trình nghiên cứu nêu trên đã giúp chúng tôi có một cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm... sâu sát về trường ca. Ở giai đoạn đầu, khi trường ca mới xuất hiện, tính chất tự sự đóng vai trò chủ yếu (khiến dễ lẫn với truyện thơ). Càng về sau 1975, yếu tố tự sự càng kết hợp chặt chẽ với trữ tình, nhưng vai trò của yếu tố trữ tình bộc lộ mạnh mẽ, rõ nét hơn (khiến dễ lẫn với thơ dài, thơ trữ tình).
Để kết thúc phần nhận định về thể loại trường ca, trên cơ sở đã trình bày ở trên kết hợp với ý kiến mang tính tổng hợp của Đào Thị Bình, người viết cũng cho rằng: "Trường ca hiện đại là một thể loại văn học thuộc hệ thống thơ ca hiện đại Việt Nam, ra đời và phát triển trong hoàn cảnh xã hội có những biến cố lịch sử lớn lao, có dung lượng khá đồ sộ, cảm hứng mãnh liệt, nội dung hoành tráng chứa đựng những sự kiện lịch sử phong phú, âm điệu hào hùng, hình thức thể loại hiện đại, phốí hợp đa dạng các thể thơ, đậm tính trữ tình, giàu chất suy nghĩ, triết lý” (TCGD số 26/2002). Đồng thời, người viết cũng bổ sung ý kiến của ĐàoThị Bình: “trường ca hiện đại không chỉ ra đời và phát triển trong hoàn cảnh xã hội có những biến cố lịch sử trọng đại, lớn lao mà còn ra đời cả trong thời bình”. Vì thực tế, sau 1975, trong thời bình không có biến cố lịch sử lớn lao nhưng vẫn có hàng loạt trường ca ra đời hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ và đa phần được viết bằng thủ pháp “hồi tưởng”.
5.2 Những ý kiến phê bình, nhận định về các tác giả và các trường ca tiêu biểu
Hầu hết đây là những bài phê bình nhận định về một tác giả, về một trường ca cụ thể.
Bích Thu có bài viết “Thu Bồn”, đăng trong Phê bình bình luận Văn học - do Vũ Tiến Quỳnh chủ biên [78], trích từ Nhà thơ Việt Nam hiện đại (Nxb KHXH - 1884). Tác giả nhận định ngòi bút Thu Bồn có khả năng mở rộng sự sáng tạo ở nhiều lãnh vực, thể loại, đặc biệt là ở thể loại trường ca. Là một
người lính gắn bó với chiến trường miền Nam, Thu Bồn đi nhiều, viết khỏe. Ngòi bút sáng tạo kết hợp hài hòa cảm xúc và trí tuệ, khái quát mà không tách rời hiện thực. Bên cạnh mảng thơ trữ tình, Thu Bồn tập trung sức sáng tác trường ca. Sau khi ra mắt Bài ca chim Chơrao (1964), ông viết tiếp Vách đá Hồ Chí Minh (1972), Quê hương mặt trời vàng, Chim vàng chốt lửa (1975), Badankhát (1977), và Campuchia hy vọng (1979). Theo Bích Thu, Thu Bồn là người sáng tác trường ca hiện đại với số lượng khá nhiều, gắn với thời kỳ hoàng kim của thể loại. Và sau 1975, Thu Bồn vẫn say viết trường ca, nhất là viết về Tây Nguyên. Bài ca chim Chơrao có kết cấu theo cốt truyện, được đánh giá là tác phẩm thành công, đưa ông đến với độc giả trong và ngoài nước (giải Bông sen - tại Đại hội các nhà văn Á Phi họp tại Liên Xô 1973). Bích Thu cho rằng: “Trường ca của Thu Bồn thường có tính chất thời sự. Song từ điểm mạnh này, thơ anh cũng bộc lộ một số hạn chế. Chất liệu hiện thực trong thơ… nhiều khi còn bề bộn, ngổn ngang…, có cảm giác Thu Bồn còn cầu kỳ, chuộng lạ trong cách đặt tên cho các tiêu đề của trường ca” [78, tr.66-68]. Qua nghiên cứu, chúng tôi cũng khẳng định rằng: sự xuất hiện rầm rộ của trường ca, trong đó có sự đóng góp chủ lực của Thu Bồn, là một hiện tượng văn học nổi bật trong đời sống thơ ca những năm chống Mỹ.
Tố Hữu, cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, đã được rất nhiều nhà phê bình như Trần Đình Sử, Lê Đình Kỵ, Phong Lan… nghiên cứu và Theo chân Bác được đánh giá là một thiên trường ca viết về Hồ Chí Minh. Nguyễn Văn Hạnh có tiểu luận “Theo chân Bác - một thành công mới của Tố Hữu”, in trong cuốn “Tố Hữu về tác gia và tác phẩm” do Phong Lan chủ biên. Theo ông, ngay việc đặt đầu đề cho trường ca, Tố Hữu đã thể hiện kín đáo ý đồ nghệ thuật: “Theo chân Bác” để làm sống lại trước mắt những chặng đường Bác đã đi qua. Trong trường ca, lịch sử và cảm xúc, tự sự và trữ tình, thủ pháp kể chuyện và miêu tả, biểu hiện xen kẽ… Nguyễn Văn Hạnh cũng ca ngợi: “Theo chân Bác với những thành công nổi bật của nó về nhiều mặt… Bài
Có thể bạn quan tâm!
- Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam - Nguyễn Thị Liên Tâm - 1
- Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam - Nguyễn Thị Liên Tâm - 2
- Những Nhân Tố Khách Quan Tạo Nên Sự Xuất Hiện Của Trường Ca
- Sự Gắn Kết Giữa Yếu Tố Thời Đại Và Dân Tộc
- Những Nhân Tố Chủ Quan Tạo Nên Sự Xuất Hiện Của Trường Ca
Xem toàn bộ 223 trang tài liệu này.
thơ viết với một cảm hứng lớn, công phu và với một trình độ già dặn… đã gửi vào bản trường ca tất cả tâm huyết, tất cả sức mạnh nghệ thuật của anh và bài thơ đã làm“nhiệm vụ lịch sử” của nó một cách xứng đáng” [43, tr. 670, 674, 675]. Tuy vậy, ông cũng chỉ ra những hạn chế của trường ca: có những đoạn không hay, dễ dãi, dàn trải… có đoạn nặng tưởng tượng, một số hình ảnh trùng lặp, ít có sức nặng (ngẩng đầu cao, vỗ cánh bay…). Những nhận định của ông giúp chúng tôi có cơ sở nghiên cứu giá trị văn học, giá trị lịch sử, cảm hứng sử thi của trường ca về thời chống Mỹ.
Tôn Phương Lan đã đánh giá cao về tài năng Nguyễn Khoa Điềm trong bài viết “Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ trẻ có nhiều triển vọng" (TCVH số 5/1976): “Một điểm đáng chú ý trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là những liên tưởng độc đáo, kết quả của một sự am hiểu cuộc sống và một cảm quan nhạy bén” [44, tr.110]. Tôn Phương Lan cũng khái quát về giá trị phản ánh của tác phẩm: “góp cho văn học một phong cách mới... những khái quát thơ sâu sắc với bút pháp hiện thực và lãng mạn quyện chặt vào nhau [44, tr.112]. Cuộc sống chiến đấu vĩ đại của toàn dân là cơ sở hiện thực cho những dòng suy tư cuộn chảy” [44, tr.115]. Tuy nhiên, Tôn Phương Lan cũng cho rằng chất suy tưởng đằm sâu của Nguyễn Khoa Điềm nhiều khi khiến cho thơ ít chất hồn nhiên tươi tắn: "Lắm khi nó trở nên rắc rối, cầu kì, chữ nghĩa" [44, tr.112]. Những nhận định chính xác của tác giả giúp chúng tôi nghiên cứu sâu hơn về sức khái quát hiện thực của tác phẩm và phong cách chính luận của Nguyễn Khoa Điềm.
Trong bài viết “Thơ chống Mỹ, cứu nước trong tiến trình thơ hiện đại” Vũ Tuấn Anh cũng nhận xét: “Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm mở ra cuộc đối thoại thảo ngay… Phương thức chính luận mở ra nhiều bình diện, đi sâu vào nhiều khía cạnh của nội dung lịch sử - dân tộc, thời đại, tạo nên tính thuyết phục trí tuệ của thơ ca, mở rộng những khả năng mới cho thơ trữ tình” [1]. Nhận xét trên góp phần khẳng định giá trị của Mặt đường
khát vọng, tài năng của Nguyễn Khoa Điềm, mở ra hướng nghiên cứu về nội dung lịch sử - dân tộc, thời đại, biểu hiện qua phương thức chính luận giàu chất trữ tình, giúp người viết đánh giá về sự đóng góp của tác giả và tác phẩm.
Trong bài viết “Nguyễn Khoa Điềm với tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” (TCVH số 4/1988) Vũ Tuấn Anh cũng cho rằng “Triết lý và trữ tình cuộn chảy và lắng đọng, sự già dặn của suy nghĩ đan lẫn nét tinh tế và tài hoa - sự hợp chuyển hài hòa những yếu tố ấy là kết quả của nhận thức lý trí, của sự mẫn cảm của thơ với nhịp đập thời đại mà đời và thơ anh nhập cuộc”.
Vũ Văn Sỹ, trong tiểu luận “Thơ Nguyễn Khoa Ðiềm - một giọng trữ tình giàu chất sử thi” [85, tr.290] đã ca ngợi: “Với Đất ngoại ô và Mặt đường khát vọng có thể khẳng định Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ trẻ đặc sắc của thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Một tiếng nói trẻ trung, có cá tính, vừa “đồng thanh”, vừa đại diện cho một thế hệ trực tiếp cầm súng và vào trận”. Những đánh giá của Vũ Văn Sĩ và Vũ Tuấn Anh về tác giả khá cụ thể, nhất là về sự tinh tế, tài hoa, nhận thức thời đại, sự kết hợp giữa tính triết lý và trữ tình.
"Thanh Thảo, thơ và trường ca" (TCVH số 2/1980) là bài nhận định của Thiếu Mai về một cây bút bộ đội viết về người lính Trường Sơn thời chống Mỹ. Theo Thiếu Mai: "Ngòi bút Thanh Thảo tinh tế mà thanh thoát, phong phú mà nhẹ nhõm… lời thơ đẹp, không dễ dãi, buông thả” [52, tr.102]… là thơ của một tâm hồn giàu suy tưởng, giàu trí tuệ. Thơ Thanh Thảo có chiều sâu…, bao giờ anh cũng muốn vượt qua những hiện tượng bên ngoài để tìm đến cái đích thực, cái bản chất của sự vật” [52, tr.99]. Bài viết đã dành nhiều trang nhận định về giá trị của Những người đi tới biển, giúp người viết có thuận lợi ban đầu trong việc nghiên cứu về tác giả và đặc biệt là giọng điệu và sức khái quát hiện thực của trường ca.
Trong bài "Thanh Thảo, một gương mặt tiêu biểu trong thơ từ sau 1975" đăng trên TCVH số 5, 6/1985, Bích Thu nhận xét: Thơ anh “hướng ngòi bút vào chân dung người lính, vào hiện thực chiến trường, vào đời sống nhân
dân… để khám phá ra chân dung tinh thần của một thế hệ người lính trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt mà hào hùng… là tiếng nói thâm trầm, thấm thía về hiện thực chiến tranh, về trách nhiệm và số phận của thế hệ mình trước Tổ quốc, nhân dân” [99, tr.67]. Đánh giá về Những người đi tới biển, Bích Thu khẳng định so với nhiều trường ca xuất hiện rầm rộ vào những năm 70, tác phẩm thực sự gây ấn tượng đẹp đối với người đọc về thể thơ này vì: “Cái tôi trong trường ca. là cái tôi từng trải, cái tôi chứng kiến... mang đậm dấu vết cá nhân, không lập lại bất cứ ai, lý giải được những vấn đề sinh tử của một giai đoạn lịch sử, chất liệu hiện thực đi vào thơ Thanh Thảo, vừa bình dị, đời thường vừa lung linh, huyền ảo…” [99, tr.70-71]. Như vậy, Bích Thu đã điểm qua về vấn đề xây dựng cái tôi của nhà thơ, nhận xét về chất liệu cuộc sống trong trường ca và có nhận định rất khách quan rằng: “Thanh Thảo có những tìm tòi mới trong hành trình sáng tạo [99, tr.69], nhưng "Thơ Thanh Thảo giàu chất suy tư, hơi quá trí thức mà thành ra khó hiểu" [99, tr.72].
Tuy nhiên, cuối cùng, Bích Thu vẫn khẳng định Thanh Thảo xứng đáng là một gương mặt thơ tiêu biểu [99, tr.73]. Những nhận xét của Bích Thu và Thiếu Mai giúp chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về giá trị phản ánh hiện thực thời chống Mỹ, cái tôi và cái ta trong trường ca của Thanh Thảo, những đóng góp của nhà thơ đối với dòng văn học thời chống Mỹ để thực hiện việc nghiên cứu chương II của luận án.
Lại Nguyên Ân cũng đã viết về Thanh Thảo trong bài "Dấu chân và người lính trẻ trong thơ Thanh Thảo”, [5, tr.45]. Ông đã nhận định: “Thanh Thảo… đi vào chiến trường cuối những năm 60, suốt dọc Trường Sơn, theo dấu chân người lính trẻ... Và tâm trạng người lính, đời sống, chiến đấu của người lính, đời sống nhân dân trong vùng sát nách giặc đã dội vào thơ các anh với những âm điệu và màu sắc có khác”. Thơ Thanh Thảo viết về cuộc chiến đấu ở dọc Trường Sơn và đồng bào Nam Bộ, cố gắng phác họa chân dung tinh thần của những người lính bình thường, vô danh nhưng rất có ý thức về vận mệnh
Tổ quốc. Thơ anh không thiếu cái cụ thể... mà “vẫn giàu khái quát” [5, tr.52]. Nhận định trên đã khẳng định sức khái quát hiện thực của Những người đi tới biển và ngòi bút Thanh Thảo mà chúng tôi sẽ nghiên cứu ở chương II.
Đánh giá về bút pháp xây dựng trường ca Những người đi tới biển, Lại Nguyên Ân cho rằng: “Thanh Thảo chính đã thành công ở phần chân thật trong cảm quan về thực tại chiến đấu, có hy sinh mất mát, có chiến thắng lạc quan; sắc thái bi hùng, trữ tình… hòa hợp ở mức khá cao với tính sử thi, điều này đem lại thành công cho anh” [5, tr.55]. Ý kiến của Lại Nguyên Ân tạo thêm cơ sở để chúng tôi nghiên cứu sức khái quát hiện thực; yếu tố sử thi, trữ tình trong trường ca cũng như bút pháp hiện thực của Thanh Thảo.
Mai Hương rất tâm đắc với phong cách viết trường ca của Hữu Thỉnh - một nhà thơ bộ đội thời chống Mỹ. Trên TCVH số 3/1980, với bài "Đọc Đường tới thành phố”, Mai Hương cho rằng: "Ngòi bút Hữu Thỉnh thật tỉnh táo, khỏe khoắn, không một chút cường điệu dễ dãi... khi viết về cuộc hành trình vĩ đại của cả dân tộc” [35, tr.109]. Trong những trang viết khá cẩn thận, Mai Hương đã nhận xét khái quát từng chương của trường ca: cách khai thác chủ đề, cách chọn vấn đề của tình cảm, chọn tình huống gây cấn để mô tả, từ đó đưa người đọc đến với “sự tinh tế trong đời sống” tình cảm vốn đẹp và trong lành của con người Việt Nam, đặc biệt là sự hoà quyện giữa cá nhân và cộng đồng [35, tr.110]. Mai Hương cũng cho rằng: "Khi tác giả cố chỉ thuần lao tìm về mặt hình thức, ở những chỗ ấy... khó đọc, khó nhớ và có phần nặng nề" [35, tr.112]. Nhưng cuối cùng, tác giả vẫn khẳng định Đường tới thành phố đã thu hút được sự chú ý, tin yêu của đông đảo bạn đọc. Điều này đã giúp người viết khẳng định thêm giá trị của trường ca và bút lực của Hữu Thỉnh.
"Hữu Thỉnh - một phong cách thơ sáng tạo" là bài viết của Lưu Khánh Thơ, đăng trên TCVH số 2/1988. Trước hết, Khánh Thơ đã giới thiệu sự thành công của Đường tới thành phố (giải ba báo Văn nghệ 1972 - 1973, giải nhất báo Văn nghệ 1975 - 1976, tặng thưởng của Hội Nhà Văn 1980). Theo Khánh Thơ: "trước khi là nhà thơ, Hữu Thỉnh đã là một người lính. Hình tượng người
lính và hiện thực lớn lao, sôi động của những năm tháng chiến tranh ác liệt đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo cho các sáng tạo của anh” [95, tr.75]. Như vậy, “người lính và hiện thực cuộc cách mạng lớn lao của dân tộc” là nội dung quan trọng trong Đường tới thành phố. Cảm hứng, phong cách sáng tạo của tác giả cũng là vấn đề được tập trung nghiên cứu ở chương II.
Lúc bấy giờ, Lưu Khánh Thơ đã đánh giá khá dè dặt:“Hữu Thỉnh đã khẳng định mình là một trong những nhà thơ có thành công khi viết về đề tài chiến tranh chống Mỹ". Tác giả nhận xét trường ca có khá nhiều những đoạn thơ cảm động, những câu thơ sắc nhọn, phản ánh sâu sát hiện thực của một thời chiến, hơn hẳn những tác phẩm ở giai đoạn trước. Tuy nhiên, Khánh Thơ cũng chỉ ra những hạn chế: "chất lượng các chương không đồng đều... ở đoạn cuối không giấu nổi tình trạng hụt hơi... có khi không làm chủ được ngòi bút của mình, thơ bị rơi vào tình trạng lan man" [95, tr.81-82].
Như vậy, cả hai bài viết đều đánh giá cao bút lực của Hữu Thỉnh, nhưng Lưu Khánh Thơ đi sâu về tính chất văn chương, nghệ thuật biểu hiện nhân vật ở những câu thơ minh họa. Giá trị của Đường tới thành phố cũng được Mai Hương và Lưu Khánh Thơ khẳng định. Ngày nay, lời nhận xét ấy vẫn được trân trọng và là cơ sở để giúp người viết thực hiện việc nghiên cứu giá trị tác phẩm và vai trò của tác giả trong dòng văn học hiện đại Việt Nam.
Nhận định khái quát về giá trị tư tưởng của Mặt trời trong lòng đất, Dục Tú cho rằng: “Tác phẩm ngợi ca sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của cuộc chiến tranh chính nghĩa" [79, tr.146]. Thành công của Mặt trời trong lòng đất (Trần Mạnh Hảo) chính là nhờ sự phản ánh trung thực cuộc sống chiến đấu của nhân dân Củ Chi và bút pháp lãng mạn bay bổng. Tuy nhiên, người viết cũng nhận thấy trong trường ca này, những đoạn triết lý nhiều là những đoạn tối nghĩa, có những mạch liên tưởng thiếu lô-gic [101, tr.152].
Hồng Diệu với bài viết "Những chặng đường thơ Anh Ngọc" (TCVH số 6/1987), đã nhận xét bút pháp và đánh giá Sông núi trên vai: “Cùng với tuổi tác
và sự từng trải, nhà thơ có ý thức sâu sắc hơn về con người và cuộc đời”. Thơ Anh Ngọc có bản sắc riêng của lớp nhà thơ trẻ mặc áo lính, thường đặt yêu cầu cao về tư tưởng, đồng thời chú trọng tính chân thực trong thơ. Tại hội thảo về Trường ca do Tạp chí Văn nghệ tổ chức (1980), Anh Ngọc có bài phát biểu nhan đề “Hãy đưa tôi một tư tưởng”, ở dòng chữ ghi cuối trường ca Sông núi trên vai (1983), anh cũng nêu rõ điều này. Hồng Diệu cho rằng: "Anh Ngọc tập trung nhiều và thành công… rõ hơn là ở trường ca Sông núi trên vai...”. Ca ngợi như thế nhưng Hồng Diệu cũng không bỏ qua những nhược điểm mà Anh Ngọc mắc phải: "Có những câu thơ trong Sông núi trên vai còn công thức và nhạt lắm”. Tuy nhiên, bài phê bình này còn khá chung chung, chưa đào sâu giá trị hiện thực của Sông núi trên vai, mặc dù đây là vấn đề quan trọng nhất làm nên sự thành công cho tác phẩm (vì thực tế, các cô gái trong đoàn Vận tải H 50 ở mảnh đất cực Nam Trung bộ, ngày nay vẫn còn lại một số các chị quá lứa, lỡ thì, đơn lẻ... nhưng lòng không quên những niềm vui; những nhọc nhằn, khốn khó mà họ đã từng trải qua).
Vũ Duy Thông, trong lời giới thiệu Lửa mùa hong áo, đã bày tỏ suy nghĩ: “Không biết có lầm không nhưng các nhà thơ nữ hình như rất ít viết trường ca, bởi đây là lần đầu tôi đọc trường ca của một cây bút khác giới… chúng tôi đã quen nghĩ trường ca đòi hỏi vóc dáng vạm vỡ, mạch thơ dài hơi, bố cục lớp lang, bài bản… không hợp lắm với phụ nữ”. Nhưng đọc Lửa mùa hong áo của Lê Thị Mây, Vũ Duy Thông không chỉ thấy đậm chất nữ rất riêng mà còn thấy bút lực của người viết trên những trang thơ.
Hồng Diệu, trong “Thêm vài suy nghĩ” (TCVN số 5/1981) đã có một nhận xét (theo ông là một nhận xét vui): “Trong bao nhiêu trường ca in ra mấy chục năm nay, chưa có một trường ca nào mà tác giả của nó là nữ mặc dầu các bạn gái làm thơ của chúng ta khá nhiều. Và nếu có trường ca của một bạn gái thì “chất” trường ca ở đó có gì đặc biệt?”. Thật sự, từ sau năm 2000, đã có vài trường ca của các nhà thơ nữ ra đời và chất lượng hầu như không lệ thuộc nhiều