Trong quá trình xây dựng nhân vật, các tác giả miền núi thường có những cách thức khắc họa đời sống tâm lí nhân vật khá độc đáo. Nhân vật hiện lên khá rõ nét và để lại ấn tượng trong lòng độc giả nhờ những suy nghĩ, những diễn biến tâm lí của họ. Có khi nội tâm nhân vật được bộc lộ qua lời kể của tác giả. Tác giả đã hóa thân vào nhân vật, hiểu những suy nghĩ của nhân vật và thể hiện một cách tinh tế, sâu sắc đời sống nội tâm ấy. Những khát khao được sống, được yêu của Pham, của Đàu (Thổ phỉ); nhân vật Lay, Lin, Dỉ trong tiểu thuyếtTrên đỉnh đèo giông bão.
Qua miêu tả tâm lý nhân vật, Hồ hằm hiện lên là kẻ cơ mưu túc trí “Nhớ lại lần đầu, khi vượt đèo Mây, lão không khỏi ngỡ ngàng. Vốn võ vẽ nghề địa lý, cái "hình sông, thế núi" của đất này đã làm cho lão sôi lên những dự định, toan tính”[24, tr. 11].
Trong tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam, nghệ thuật miêu tả nội tâm của nhân vật là điều thường rất dễ nhận thấy. Ông là nhà văn rất tinh tế trong quá trình miêu tả những trạng thái cảm xúc, những chuyển biến tâm lý của nhân vật. Tùy thuộc vào từng nhân vật cũng như bộc lộ trạng thái tình cảm khác nhau mà nhà văn sử dụng cách miêu tả khác nhau. Có lúc nhà văn sử dụng cách đi sâu vào tâm lý nhân vật, nhất là những con người có số phận hẩm hiu, không may mắn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc vùng cao. Họ bị chèn ép bởi áp lực của những luật tục cổ hủ của một số phong tục tập quán lạc hậu. Ở họ luôn luôn khát khao có một cuộc sống tự do, hạnh phúc, không bị lệ thuộc, không bị áp lực bởi những luật tục và có những ước mơ của mình… Thông qua ngòi bút của mình, Đoàn Hữu Nam đã miêu tả diễn biến tâm lý của những con người này một cách chân thực, phù hợp với tâm lí – tính cách của con người miền núi.
Triệu Tá Sắn xưng "vua" trở thành thủ lĩnh là một tên đầu sỏ thổ phỉ khét
tiếng, tác oai tác quái, vùng vẫy khắp vùng. Sắn là người Dao, được học, được hiểu biết, khôn ngoan, lọc lõi, ý đồ bá chủ luôn thường trực. Là người dân tộc
bản xứ, hắn hiểu người Dao đến tận gốc rễ: nắm phong tục, hiểu sinh hoạt, thạo tiếng nói, thuộc đường đi, rõ tình người. Hắn tự hào tự mãn về những điều hắn có. Hắn đau khổ vì chưa thoả mãn vai trò bá chủ. Hắn lồng lộn tập hợp, lôi kéo, trấn áp, gây tội ác dã man để đạt được mục đích cá nhân. Hắn là một con người mà phần con hiện rõ hơn phần người khi cần thoả mãn dục vọng tầm thường. Hắn cũng là con người gian ngoan biết quên phần con đi để mưu đồ việc lớn. Triệu Tá Sắn được xây dựng phù hợp với cái nền hiện thực, hoàn cảnh, không gian nghệ thuật của tác phẩm, đồng thời rất sát thực với cuộc sống đời thường. Đây là nhân vật tiêu biểu làm nên sức nặng của tiểu thuyết Thổ phỉ. Sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa – lịch sử - con người cộng với sự kỳ công trong việc xây dựng nhân vật Triệu Tá Sắn của tác giả chính là yếu tố góp phần quan trọng có tính chất quyết định đối với tác phẩm và thế giới nhân vật trong Thổ Phỉ.
Bí thư châu ủy Long lại được miêu tả bằng bút pháp hiện thực bằng những mảng đan xen giữa ngoại hình, tính cách, đời sống nội tâm. Đó là con người có thân hình “mạnh mẽ, cứng cáp như cây lim, cây táu”, có tài đờn ca hát xướng khiến nhiều cô gái phải đổ quán xiêu đình, có tính cách kiên cường mà thâm trầm, sâu sắc, có đời sống nội tâm phong phú, biết đau nỗi đau của người khác, không mất niềm tin vào sự hướng thiện của con người. Qua đó, hình ảnh Long hiện lên là con người toàn diện, một chiến sĩ đầy bản lĩnh, luôn vững vàng trước sóng gió phong ba, là nhân tố then chốt làm nên chiến thắng của cách mạng. Chỉ đáng tiếc những mảng miếng này tuy đầy đủ nhưng chưa được tác giả chăm chút nhiều nên sắc màu còn hơi nhàn nhạt, chưa đậm nét.
Dường như bao nhiêu tâm sức của Đoàn Hữu Nam dồn cả vào nhân vật Triệu Tá Sắn. Con người này được Đoàn Hữu Nam dựng nên bằng hai phương pháp tiểu sử xen lẫn huyền ảo. Bạn đọc được cung cấp một lai lịch đầy đủ về Triệu Tá Sắn từ khi còn là giọt máu đỏ hòn trong bụng mẹ đến khi
ra đời, đến tuổi trưởng thành, khi làm thổ phỉ cho đến những ngày tàn. Bạn
đọc cũng được biết đến một Triệu Tá Sắn được hổ nuôi lớn, luyện đươc phép thôi miên của loài hổ, có tài hô phong hoán vũ, điều khiển âm binh... Hai lối viết này hòa quyện vào nhau tạo nên chân dung tên vua phỉ vừa hư vừa thực, vừa kỳ quái vừa rõ ràng, vừa âm u đáng sợ, vừa có nét dài dại ngây ngây... Đây là nhân vật được Đoàn Hữu Nam miêu tả thành công nhất.
Có thể bạn quan tâm!
- Những Tên Thổ Ty, Thổ Phỉ Cuồng Vọng, Tàn Bạo
- Tiểu thuyết Đoàn Hữu Nam - 9
- Khắc Hoạ Nhân Vật Qua Miêu Tả Ngoại Hình
- Sử Dụng Nhiều Thành Ngữ, Tục Ngữ Dân Gian Của Các Dân Tộc Thiểu Số
- Tiểu thuyết Đoàn Hữu Nam - 13
- Tiểu thuyết Đoàn Hữu Nam - 14
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
Tuy nhiên, có một điều đáng nói là, tác giả Thổ phỉ chưa quan tâm đúng mức tới ngôn ngữ và tính cách của nhân vật, có nghĩa là những yếu tố sự kiện, tình tiết, nhân vật chưa được triển khai theo mạch cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật, phần độc thoại nội tâm để nhân vật tự nhận thức về mình và về nhân vật khác còn hạn chế.
3.2.3. Sử dụng đắc dụng yếu tố kì ảo để xây dựng nhân vật phản diện
Trong các tiểu thuyết của mình, Đoàn Hữu Nam không chỉ đưa những truyền thuyết dân gian vào tác phẩm để tô đậm thêm màu sắc dân tộc mà yếu tố kì ảo được sử dụng rất thành công, góp phần quan trọng thể hiện rõ ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Nghiên cứu về tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam, nhiều tác giả cũng chú ý tới yếu tố kì ảo, lạ hoá mà tác giả sử dụng. Sương Nguyệt Minh đã chỉ ra bối cảnh không gian “rừng rú” kì lạ trong tiểu thuyết Thổ phỉ: “vừa âm u, hoang dã, cũ kĩ, mòn mỏi, vừa lung linh, sáng rõ, đẹp huyễn hoặc…”[4]. Đó là không gian ma mị đặc thù phù hợp với thế giới của thổ phỉ. Có tác giả còn khẳng định: “những yếu tố lạ hoá và kì ảo được vận dụng trong Thổ phỉ tỏ ra rất thích hợp để diễn tả một không gian miền núi huyền bí từ xa xưa vốn được xem là “ma thiêng nước độc”[4]. Nhận xét về tiểu thuyết Trên đỉnh đèo giông bão, Phạm Duy Nghĩa cũng cho rằng: “Lạ hoá được Đoàn Hữu Nam sử dụng một cách có ý thức, không phải trực giác, ngẫu nhiên”, “trong thế giới nghệ thuật của anh cái gì cũng lạ: thiên nhiên tạo vật lạ… Hiện tượng sinh nở lạ… Bệnh tật lạ…”[4]. Tuy nhiên, trong việc xây dựng nhân vật, đặc biệt là những nhân vật phản diện, yếu tố kì ảo, lạ hoá được Đoàn Hữu Nam sử dụng thành công hơn cả.
Yếu tố kì ảo (fantasticque) xuất hiện trong sáng tác văn chương như là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo, có tác dụng lớn trong việc kiến tạo thế giới hình tượng của tác phẩm. Nó giúp nhà văn khai thác những tầng vỉa khác nhau của hiện thực cuộc sống hay có thể phóng ngòi bút của mình vào những địa hạt có những thời kì bị xem là “nhạy cảm” như tôn giáo, tính dục... nhằm tạo ra sức hấp dẫn, mê hoặc đối với độc giả. Addison cho rằng sáng tác theo xu hướng kì ảo là tạo ra một loại khoái cảm về nỗi sợ hãi trong tâm trí độc giả và làm thoả mãn trí tưởng tượng của độc giả bởi những cái lạ lùng và tính chất khác thường của những con người được miêu tả trong đó.
Khi xây dựng nhân vật phản diện, nhà văn Đoàn Hữu Nam đặc biệt chú ý miêu tả sự ra đời rất kì lạ của nhân vật. Sự có mặt của mỗi nhân vật trên cõi đời này dường như đã dự báo trước cho cá tính và số phận của họ. Đó là Chẩu Po, Triệu Tá Sắn trong Thổ phỉ hay Lù Tà trong tiểu thuyết Trên đỉnh đèo giông bão…
Không giống như bao sinh linh khác đủ chín tháng mười ngày thì chào đời, Chẩu Po (Thổ phỉ) đã gan lì đợi đến lúc năm mới năm cũ giao nhau – khi mà những người thân đứng ngồi không yên - mới chui ra từ bụng mẹ. Những đứa trẻ sơ sinh khác thì oe oe khóc khi chào đời, ngược lại Chẩu Po vừa ra đời đã toét miệng cười, “nụ cười khinh mạn của đứa trẻ sinh ra một cách không bình thường, trong ngày giờ không bình thường”[25]. Sự ra đời khác thường như vậy đã khiến cho Chẩu Po khác hẳn với những đứa trẻ khác. Hắn có cái nanh nọc lõi đời của một con thú tinh khôn.
Sự ra đời của Triệu Tá Sắn (Thổ phỉ) cũng thật kì dị: “Ngày Sắn sắp chào đời thì mẹ Sắn vô tình chui qua rừng ma. Hàng trăm con ma đói khát vây quanh đùa bỡn, một tốp thợ săn phát hiện ra đưa về nhà châu đoàn thì bà đang ngấp nghé ở cửa ngục” [25, tr. 29]. Để thoát khỏi địa ngục của ma quỷ, người mẹ ấy đã gắng gỏi với chút sức tàn cuối cùng của mình lê thân đến
vương quốc của hổ để gửi gắm lại đứa con cho đời. Sắn đã được sinh ra
“trong vương quốc của hổ, được hổ cứu sống cho bú mớm nên pha trộn dòng máu của nó là dòng máu hổ”[25, tr. 29]. Và chính dòng máu hổ đã khiến cho hắn mang bản năng của loài mãnh thú, không chỉ quần hôn với sáu người đàn bà như “đàn hổ trong mùa giao phối” mà hắn còn “luôn thèm thịt sống, nhất là loài ăn thịt hai chân biết nói, biết nghĩ” [25, tr. 30]. Sắn đã khát khao đến cuồng vọng được lên ngôi vua bằng bất cứ giá nào, mặc cho trời đất không thuận. Trong ngày lễ lên ngôi của vua Dao - Triệu Tá Sắn, sau khi hắn khấn xong thì: “Bầu trời vần vũ, từng đám mây đen ùn ùn kéo tới, phút chốc mặt trời chìm nghỉm trong cái ô mang màu chết chóc. Dưới đất rừng núi lặng phắc như trước đám tang, lam sơn chướng khí bốc lên ngùn ngụt khiến từng đàn chim lao ra khỏi tổ kêu inh ỏi, từng đàn khỉ, vượn lao ra khỏi hang ngửa mặt lên trời hú hét.”[25,tr. 48]. Hiện tượng này như dự báo trước một hiểm hoạ bất thường sắp xảy ra. Đặc biệt là chi tiết tái hiện cảnh làm lễ lên ngôi: “Mở đầu của lễ, chậu nước rửa tay của thầy, của người thụ lễ biến thành chậu máu. Vào lễ, con gà sống sau khi cắt tiết đầu một nơi, thân một nẻo vẫn bay loạn xạ quanh hang” [25, tr. 49]. Khi mổ bụng con dê làm lễ “quả mật to như quả gấc dính với lá gan, lá lách lằng nhằng” [25, tr. 58]. Những chi tiết bất thường lạ hoá này là lời dự báo cho một tương lai đầy chết chóc đang đón đợi nhân vật ở phía trước.
Yếu tố kì ảo có sức ám ảnh sâu đậm nhất trong người đọc phải kể đến hiện tượng đầu thai của Lù Tà (Trên đỉnh đèo giông bão). Sự ra đời của Lù Tà như một quy luật nhân quả. “Nó ở lỳ trong bụng mẹ chín, mười rồi ngoài mười tháng” và “đúng lúc lưỡi tầm sét loằng ngoằng, sáng chói bập xuống cây chò chỉ đứng đầu bản thì mẹ nó giật mình và bật ra nó”. [24, tr. 21] Vừa ra đời, nó đã thấy thế giới này hết sức quen thuộc. Rồi vừa biết nói nó đã “bi bô kể cho mọi người chuyện người đẻ ra nó là ai ! Nhà nó ở đâu! Bố nó thế nào! Nó đã phải giã từ kiếp trước ra sao!”. [24, tr. 21] Kiếp trước của hắn bắt
đầu từ một cuộc hôn nhân bất bình thường giữa một người đàn bà ngủ ngáy
79
và ông chồng nghiện rượu. Lão Vắn vì nghiện rượu đã vô tình giết chết đứa con vô tội để rồi sống trong những ám ảnh ghê rợn, khi “đêm đêm hồn của nó vẫn quẩn quanh. Nó có mặt khắp nơi, lúc chui sâu vào giấc ngủ của lão, lúc chập chờn trong ánh nắng, lúc in hình trên bức tường loang lổ…”. Rồi những đêm trăng suông “hình bóng thằng con lúc ẩn lúc hiện, tiếng cười vô tư của nó cứ vỡ ra trong tiếng lật phật của những tầu chuối rách tướp, trong tiếng gió u u luồn qua vách lưới đầu hồi”… chờn vờn chờn vờn rồi mất hút khi “đám mây đen lướt tới, cái vực nở ra thành cái huyệt đen ngòm” [24, tr. 133]. Đau khổ, ân hận khiến cho người đàn ông khốn khổ đó đã dang rộng vòng tay đón Lù Tà về nuôi khi cha mẹ nó chết hết trong một trận mưa bão với hi vọng chuộc lại lỗi lầm đã gây ra. Sự dị kì về hình dáng của thằng Lù như mối nợ tiền kiếp cứ bám riết lấy cuộc đời của lão Vắn. Tưởng rằng trời ban ơn mang đến cho lão thằng bé để chuộc lại những lỗi lầm xa xưa khiến cả đời lão ân hận day dứt, nhưng oan nghiệt thay, Lù Tà trở về từ kiếp trước để hành hạ người cha đã vô tình hại chết nó: “Thằng bé giống như con quỷ nhập tràng. Thân nó ngắn chủn, nặng nề. Hai cẳng chân dài ngoẵng, gầy guộc như hai cái tăm cắm vào củ khoai. Hai cẳng tay đầy lông lá dài chấm hai đầu gối, hệt như tay vượn. Khuôn mặt ngắn lông lá viền quanh minh chứng cho sự lại giống”[24, tr.134]. Đặc biệt là khuôn mặt nó như một di chứng ám mãi cái hình ảnh định mệnh khi lão quăng cái chày khiến thằng con lăn quay ra chết: “Hai cánh mũi trồi hếch lên như hai cái cửa hầm. Ngược lại cái sống mũi tẹt lõm hẳn xuống như bị ai giáng vào đó một chày.”[24, tr. 134]. Nó như ma quỷ hiện hình ám ảnh cuộc đời đau đớn của lão cho đến tận lúc chết.
Rõ ràng, việc sử dụng những chi tiết kì ảo để miêu tả về sự ra đời một cách bất thường của những nhân vật phản diện giúp nhà văn lí giải về những hành động vô nhân tính của nhân vật về sau. Những nhân vật này giống như những quái thai lại giống của loài người, biến dạng từ phiên bản của loài vật - loài mãnh thú đội lốt người. Chẩu Po là kẻ khát máu điên cuồng chống phá
cách mạng. Triệu Tá Sắn với tham vọng cuồng tín được làm vua thiết lập một khu tự trị để cai quản cả một vùng rừng núi - kẻ ăn thịt người không biết tanh. Lù Tà là tên tay sai giết người không ghê tay chỉ cần được thoả mãn bản năng nhục dục. Chính yếu tố kì ảo đã cho người đọc cảm nhận khá sâu sắc về kiểu nhân vật phản diện - những thổ ty, thổ phỉ - kẻ đại diện cho thế lực hắc ám của miền núi. Việc sử dụng chi tiết kì ảo để miêu tả nhân vật phản diện là một lí giải có chủ đích của Đoàn Hữu Nam cho tính chất bản năng của nhân vật.
Yếu tố kì ảo có thể là những điều lạ lùng, huyền bí, vừa chân thực, vừa hư huyễn mà một trong những đặc trưng của nó là sự tưởng tượng, hư cấu có sức lay động hứng thú thẩm mĩ của người đọc. Nhưng không thể hiểu đơn giản, kì ảo chỉ là cái siêu nhiên, cái không thể xảy ra, phi hiện thực mà quan trọng hơn những cái đó phải tạo ra “hiệu ứng hoang mang” cho những người đối diện với nó, tạo ra sự kinh ngạc, cảm nhận khác thường đối với người tiếp nhận. Sự ra đời của những tên thổ phỉ khát máu, giết người không ghê tay như Lù Tà, Triệu Tá Sắn hay Chẩu Po đã đạt đến độ đó.
Một nhà nghiên cứu đã có lý khi cho rằng “cái làm nên nét riêng cho cuốn sách của Đoàn Hữu Nam, trong cái mênh mông của văn xuôi miền núi, cách mạng xưa nay, là anh đã chủ ý làm lạ hoá thế giới nghệ thuật của mình bằng những chi tiết, hình ảnh kì lạ, có lúc hoang đường” [25]. Rõ ràng, so với những sáng tác của Tô Hoài (với Vợ chồng A Phủ), Nguyên Ngọc (với Đất nước đứng lên, Rừng xà nu) hay Ma Văn Kháng (với Đồng bạc trắng hoa xoè)… cùng viết về hiện thực đấu tranh chống lại những thế lực phản cách mạng của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thì tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam có điểm mới. Việc sử dụng yếu tố kì ảo đã giúp nhà văn xây dựng thành công, ấn tượng những hình tượng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn nhất là những nhân vật phản diện, vốn khá xa lạ đối với văn học viết về miền núi cách mạng trước đây. Đây có thể coi là điều làm nên nét mới mẻ và độc đáo của nhà văn Lào Cai này trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, đồng thời cũng
là đóng góp riêng của tác giả Đoàn Hữu Nam cho văn học viết về dân tộc và miền núi đương đại.
3.3. Ngôn ngữ nghệ thuật
Ngôn ngữ nghệ thuật được sử dụng chủ yếu trong các tác phẩm văn chương có chức năng xây dựng hình tượng nghệ thuật tác động đến cảm xúc của người đọc, biểu hiện cái đẹp, khơi gợi nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ cho người đọc.
Ngôn ngữ nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó là yếu tố vật chất duy nhất trong tác phẩm văn học. Qua ngôn ngữ, người đọc khám phá được bao điều trong tác phẩm: thế giới hình tượng, tư tưởng, quan niệm…mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, ngôn ngữ nghệ thuật lại chứa đựng cả thế giới mà nhà văn sáng tạo từ cảnh vật, con người đến cốt truyện, kết cấu, chủ đề… Trong mối quan hệ chặt chẽ ấy, ngôn ngữ nghệ thuật trở thành phương thức tồn tại, phương thức biểu hiện của nội dung, đồng thời nó còn biểu hiện trực tiếp và rõ nét phong cách và tài năng của nhà văn.
Ngôn ngữ nghệ thuật được hoàn thiện nhờ tài năng lao động của nhà văn. Khác với ngôn ngữ văn hóa, ngôn ngữ nghệ thuật mang dấu ấn, màu sắc riêng của từng tác giả, phản ánh nét độc đáo không lặp lại của mỗi nhà văn. Khi các nhà văn sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi người lại có khả năng thể hiện một giọng điệu riêng, cách xử lý riêng tạo nên cá tính sáng tạo, phong cách đặc thù.
Trong các tiểu thuyết của mình, Đoàn Hữu Nam đã tạo nên một phong cách riêng khi sử dụng phong phú nghệ thuật so sánh với ngôn ngữ giầu hình ảnh, chêm xen nhiều thành ngữ, tục ngữ dân gian theo lối nói của người miền núi. Đặc biệt tác giả đã rất thành công với lời văn đậm tính triết lý nhưng lại lãng mạn, phiêu bồng.
3.3.1. Sử dụng phổ biến nghệ thuật so sánh và ngôn ngữ giầu hình ảnh
Mặc dù không phải là người dân tộc thiểu số, nhưng Đoàn Hữu Nam đã từng gắn bó nhiều năm ở với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Đồng thời