Tiểu Thuyết Việt Nam Đương Đại Trong Ngữ Cảnh Văn Hóa Mới

định những thành công và đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp trong nền văn học Việt Nam. Tác giả viết “VB văn chương Nguyễn Huy Thiệp có tính năng sản, tính dân chủ hóa điển hình cho cả giai đoạn văn học Đổi mới.” [123]. Như vậy, Nguyễn Văn Thuấn đã vạch ra con đường nghiên cứu văn học từ lý thuyết LVB vào tác phẩm của một tác giả mà sáng tác của ông cần thiết phải có cách “đọc LVB”. Đây có thể xem là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Văn Thuấn khi dùng tư duy hậu hiện đại để nghiên cứu văn chương. Tiếp tục tinh thần đó, năm 2018, trong bài viết: Tên của đóa hồng – thực hành hoàn hảo của Umberto Eco về tính liên văn bản, Nguyễn Văn Thuấn đã tiếp tục dùng lí thuyết LVB để nghiên cứu tiểu thuyếtTên của đóa hồng của Umberto Eco. Bản thân Tên của đóa hồng đã chứa đựng trong nó hàng loạt các đối thoại LVB và Nguyễn Văn Thuấn đã chỉ ra một cách tường tận các hình thức đối thoại cũng như những thủ pháp LVB được thể hiện trong tác phẩm này: “Tiểu thuyết Tên của đóa hồng đã xây dựng thành công độc giả kiểu mẫu kép của nó: khung trinh thám và khung lịch sử đã làm hài lòng những độc giả trung thành của dòng tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết lịch sử; khung kí hiệu học và LVB làm hài lòng các nhà lí thuyết hàn lâm, các siêu độc giả, theo đó, toàn bộ tiểu thuyết có thể được đọc như là sự diễn giải và bình luận của Eco về lí thuyết LVB nói riêng và kí hiệu học nói chung. Người đọc có thể phải thường xuyên ngã mũ cúi chào những người quen cũ (Conan Doyle, Thomas Mann, Dante, Jules Verne, Borges, Calvino, Pynchon; Bakhtin, Barthes, Guattari, Deleuze, Derrida, White, Chomsky, Peirce…), nhưng sẽ luôn cảm thấy hồi hộp, thú vị về cuộc đối thoại bàn tròn kịch tính giữa họ do Eco kiến tạo. Tiểu thuyết kinh viện này là khả độc đồng thời là khả tác, vừa thuộc về đại chúng vừa chỉ dành cho thiểu số.” [131]. Những nội dung nghiên cứu trên đã đóng góp thêm về mặt thực hành lí luận của lí thuyết LVB vào nghiên cứu văn chương và một lần nữa tỏ rõ vị trí của thuyết này trong tiến trình phát triển của lí luận văn học hậu hiện đại.

Ngoài ra, có thể kể đến Luận văn Tiểu thuyết Hồ Anh Thái từ góc nhìn liên văn bản (2013) của tác giả Nguyễn Văn Thành bước đầu đã nghiên cứu những biểu hiện của tính LVB trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, khẳng định những giá trị nghệ thuật LVB tạo nên những thành công và đóng góp của Hồ Anh Thái trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Cũng với tác giả Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Huế trong bài viết Truyện ngắn Hồ Anh Thái từ góc nhìn LVB đã có những kết luận về tính LVB trong sáng tác của Hồ Anh Thái, phát hiện ra sự lặp lại của mô típ ám ảnh, sự hấp thu và biến hóa của một VB khác, sự giễu nhại,… từ đó chỉ ra khả năng đối thoại của VB trong việc “hướng đến người đọc thông minh” của Hồ Anh Thái. Tuy nhiên, luận văn và bài viết trên chưa phải là một phần nghiên cứu có tính chuyên sâu, mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện tính LVB về nội dung và hình thức trong tác phẩm của một tác giả cụ thể.

Việc vận dụng lí thuyết LVB hiện nay được thể hiện trong mối tương quan với lí thuyết hậu hiện đại. Điều này có nghĩa là LVB trở thành một vấn đề nghiên cứu xuất hiện cùng với việc nghiên cứu của các vấn đề của văn chương hậu hiện đại. Có thể kể đến luận án của tác giả Lê Thị Diễm Hằng với đề tài Yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Haruki Murakami (2014), đã có một chương trong luận án dành nghiên cứu vấn đề Cấu trúc LVB trong tiểu thuyết Haruki Murakami. Nội dung của chương này đã phát hiện ra các hình thức LVB như sự đan xen các thể loại, sự giải thiêng huyền thoại, sự lai ghép văn hóa, hệ thống các biểu tượng. Từ đó khẳng định “Văn chương Murakami vì thế đã phá bỏ ranh giới giữa văn chương cao/thấp, tinh tuyển/bình dân, quý tộc/đại chúng.” [58]; Luận án Đặc trưng bút pháp hậu hiện đại trong tiểu thuyết Paul Auster (2014) của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hiếu đã khẳng định “LVB như một sự viết lại đặc thù”. Luận án giới thiệu khái quát về sự ra đời của lý thuyết LVB, chỉ ra sự “viết lại” trong tiểu thuyết Paul Auster trên tinh thần kế thừa và đối thoại mà các hình thức LVB chủ đạo chính là giễu nhại và lắp ghép, từ đó thấy được sự “không ngừng nghỉ đối thoại, va đập vào nhau và va đập vào những văn hóa trước đó.” [61]. Như vậy, lý thuyết LVB gắn liền với chủ nghĩa

hậu hiện đại và không tách rời chủ nghĩa hậu hiện đại. Tuy mỗi tác giả có cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều xuất phát từ việc vận dụng lý thuyết LVB, tìm ra những “mã” rồi từ đó triển khai xoay quanh “trục” chính của nó bởi “không có gì ngoài VB”. Kết quả nghiên cứu của những luận án trên tiếp tục là sự gợi ý và định hướng cho việc triển khai thuyết LVB nghiên cứu văn chương.

Thái Phan Vàng Anh trong cuốn Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI – Lạ hóa một cuộc chơi (2017) đã tìm hiểu về LVB và tính đối thoại của tiểu thuyết. Tác giả đã chỉ ra nguồn gốc của thuật ngữ LVB được định danh bởi Kristéva. Người viết trích dẫn quan niệm của Kristéva: “Mọi văn bản đều được cấu tạo như là một bức khảm từ những đoạn trích dẫn; mọi văn bản đều là sự hấp thụ và biến đổi của một văn bản khác” [2, tr.234]. Nội hàm khái niệm tiếp tục phát triển bởi R. Barthes, Genette, L.P. Rjanskaya. Với R. Barthes “bất kì VB nào cũng là LVB” “LVB là hình thức tồn tại của tác phẩm văn học” nếu hiểu theo nghĩa rộng. Còn Genette phát triển khái niệm tính LVB thành xuyên VB (transtexttuality) bao gồm 5 tính chất: cận VB, siêu VB, ngoa dụ VB, kiến trúc VB và LVB. L.P. Rjanskaya thì khái niệm LVB được hiểu từ 3 cấp độ: 1) Thủ pháp văn học cụ thể; 2) Nguyên lý phổ quát của sự tồn tại của VB văn học; 3) Hình ảnh “thế giới như VB”. Những tiền đề lí thuyết trên được Thái Phan Vàng Anh tổng hợp lại và trích dẫn từ những công trình dịch thuật trước đó, điều đáng ghi nhận trong công trình này, trên cơ sở lí thuyết LVB, người viết đã nghiên tính đối thoại của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI. Ở tính LVB, tác giả chú ý đến “kiến trúc VB”, LVB như là thủ pháp từ đó khám phá VB như là một LVB với “sự chồng lấn các lớp diễn ngôn” [2; tr.237], nêu lên quan điểm: “nền tảng cơ bản nhất của một cấu trúc LVB ở tiểu thuyết chính là sự đan xen các lớp diễn ngôn trong một VB chính” [2; tr.239]. Từ đó, người viết chỉ ra sự tương tác giữa các thể loại văn học, chỉ ra các mã lịch sử, mã văn hóa khi tiến hành khảo sát một số tiểu thuyết Việt Nam tiêu biểu đầu thế kỉ XXI. Cuối cùng tác giả đặt ra vấn đề: “Rốt cuộc, LVB là gì, “là sản phẩm của lối viết” hay là “hiệu quả của sự đọc”?”. Theo tác giả “Nó có thể chỉ là cái này, chỉ

là cái kia hoặc đồng thời là cả hai – tùy thuộc vào không gian văn hóa,…” [2; tr.240]. Ở tính đối thoại, khi cụ thể hóa quan niệm về tính đối thoại để nhìn vào tiểu thuyết Việt Nam đương đại, người viết đã đi từ “đối thoại liên cá nhân đến đối thoại LVB” [2; tr.244] và cho rằng “LVB chính là biểu hiện cao nhất của tính đối thoại trong tiểu thuyết” [2; tr.250]. Ở một chỗ khác lại khẳng định: “Tính đối thoại như là hệ quả của tính LVB trong văn học hậu hiện đại tỏ ra phù hợp để bộc lộ thái độ giễu nhại, hoài nghi…” [2; tr.250] và kết luận “tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI đã hoài nghi chân lí.” [2; tr.252]. Ngoài ra khi khảo sát tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI, người viết cũng chỉ ra “triết lý và giễu nhại như một hình thức đối thoại” [2; tr.252]. Tuy nhiên, phần nghiên cứu của Thái Phan Vàng Anh chỉ mới dùng lí thuyết này soi chiếu vào tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI ở góc nhìn khái quát nhất, người viết chỉ dừng lại ở việc chỉ ra một số biểu hiện chính, chưa đi sâu tìm hiểu một cách toàn diện các khía cạnh của tính LVB, của tính đối thoại. Nội dung nghiên cứu này cần được tiếp tục mở ra chi tiết hơn, cụ thể hơn trong cái nhìn đa chiều kích để thấy được sự vận động của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Tiểu kết

Từ những khảo sát về tình hình nghiên cứu LVB trên thế giới và ở Việt Nam cũng như việc nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết này trong phê bình tiểu thuyết ở nước ta, chúng tôi nhận thấy:

1. Từ khi du nhập vào Việt Nam, LVB lúc đầu được chú trọng nghiên cứu về lý thuyết, cho đến nay đã có một số công trình khoa học, một số bài báo khoa học, luận án, luận văn,.. nghiên cứu và vận dụng lý thuyết này vào phế bình văn học.

2. Việc vận dụng lý thuyết LVB vào phân tích văn học Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở những bài viết riêng lẻ trong từng tác phẩm hoặc của một tác giả cụ thể. Do đó hiệu quả còn rất khiêm tốn nhất là đối với tiểu thuyết. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại đang có những chuyển biến phức tạp đòi hỏi cách tiếp cận mới trong đó có việc phân tích LVB. Chúng tôi đặt ra vấn đề nghiên cứu tiểu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

thuyết Việt Nam nhìn từ lý thuyết LVB là đáp ứng yêu cầu khoa học này để góp phần làm rõ hơn đặc điểm của tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Chúng tôi tiến hành khảo sát một cách có hệ thống các xu hướng vận động về mặt hình thức cũng như nội dung của tính LVB, chỉ ra quy luật vận động nội tại của tiểu thuyết hiện nay so với trước đó. Từ đó đề xuất một cách “đọc LVB”. Hướng nghiên cứu trên có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hiện thực hóa việc ứng dụng lí thuyết LVB vào nghiên cứu văn chương.

Tính LVB là một trong những nội dung lý luận quan trọng nhận được nhiều sự quan tâm của lý luận và phê bình thế giới từ nửa sau thế kỉ XX cho đến nay. Nhiều tài liệu đã thống nhất Kristeva là người đã đề xuất tên gọi LVB và tính LVB này được tiếp tục đào sâu nội hàm khái niệm ở nhiều nhà lập thuyết khác nhau của chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc sau này. Quan điểm của các nhà lập thuyết không phải lúc nào cũng đồng nhất bởi còn tùy thuộc vào những tiền đề lý luận và triết học của mỗi nhà khoa học trong các công trình nghiên cứu của họ. Cái chung cho tất cả họ là định đề “bất cứ VB nào cũng là sự “phản ứng” đối với các VB có trước đó.” [66, tr.324]. Chính những điểm chung và riêng này làm cho nội hàm khái niệm LVB là chưa hoàn kết.

Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn bản - 6

Việc ứng dụng những tiền đề lý thuyết LVB vào nghiên cứu VB văn học là thao tác quan trọng trong phê bình, góp phần đưa văn chương đi vào đời sống. VB tạo ra sự kết nối không biên giới mà độc giả chính người đóng vai trò đồng sáng tạo đối với tác phẩm văn học. Người viết là người nhận, đã đọc, đã nghe vô số VB khác, và VB hiện thời là sản phẩm của sự biên chép VB xã hội, là sự viết lại/đọc lại các VB khác,…thì vẫn luôn có ở đó bóng dáng của một nhà biên chép mà năng lực lắp ghép, chạm khảm, phối kết, chuyển hoán không hoàn toàn như các đồng nghiệp. Chính năng lực LVB này tạo nên sự tinh tế LVB, không chỉ là vấn đề mở ra ý nghĩa đến bùng nổ đa bội mà còn là vấn đề sáng tạo các hình thức văn chương.

Chương 2

SỰ ĐỔI MỚI CỦA TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI


Nhiệm vụ chính của luận án là phân tích tính LVB của tiểu thuyết Việt Nam đương đại thông qua các hình thức biểu hiện của nó, chỉ ra hiệu quả và ảnh hưởng của nó đến việc thay đổi mô hình thể loại. Luận án như vậy thuộc chuyên ngành văn học Việt Nam và không nặng về trình bày lí thuyết LVB dù vẫn phải diễn giải lí thuyết chu đáo. Do đó, chúng tôi dành chương này cho việc mô tả tiểu thuyết đương đại với tư cách một hệ hình tiểu thuyết mới. Tiểu thuyết thời nào cũng có tính LVB, nhưng mỗi hệ hình chúng lại có những tính chất và biểu hiện khác nhau. Luận án cũng không mô tả toàn diện sự đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam đương đại mà chủ yếu nêu các khía cạnh có liên quan đến việc phân tích LVB ở các chương sau.

2.1. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại trong ngữ cảnh văn hóa mới

Chiến thắng mùa xuân năm 1975 đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc, kết thúc thắng lợi công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra kỉ nguyên độc lập. Tuy vậy, trong khoảng thời gian mười năm (1975-1985), là giai đoạn khép kín, chưa có những vận động về mọi mặt để có những bước phát triển trên nhiều phương diện. Từ sau năm 1986, cụ thể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), tình thế của dân tộc có nhiều xoay chuyển do chính sách kinh tế, chính trị, xã hội thay đổi. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đất nước tiến hành đổi mới và tiến hành cách tân do quá trình hội nhập, giao lưu tiếp xúc với nền văn hóa của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây. Quá trình hội nhập diễn ra trong bối cảnh xã hội của thế giới có nhiều thành tựu vượt bậc trên mọi lĩnh vực như: nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật, khoa học xã hội, hệ thống lý thuyết khoa học của nhiều ngành khoa học được xác lập. Cho đến đầu thế kỉ XXI, cùng với xu thế toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mà cụ thể là internet đã làm

phẳng thế giới về phương diện thông tin. Internet đã nhanh chóng đưa những thành tựu của nền học thuật của thế giới về Việt Nam, giúp các nhà lý luận phê bình tiếp cận một cách trực tiếp các trường phái lý thuyết văn học của thế giới. Từ đó, việc tiếp nhận lý thuyết có phần chính xác, toàn diện, sâu sắc hơn. Những công trình dịch thuật được đăng tải nhanh chóng trên internet, giúp các nhà lý luận phê bình có thêm công cụ để nghiên cứu, đồng thời, người nghiên cứu có không gian rộng mở trong đối thoại phê bình. Quan trọng hơn, internet đã giúp rút ngắn thời gian, làm cho tác phẩm nhanh chóng đến tay người đọc, mở ra được không gian kết nối, trao đổi giữa nhà văn – độc giả, độc giả - độc giả. Để đăng tải các ý kiến, lưu trữ thông tin văn học, chia sẻ các VB, quảng bá các sáng tác mới, đối thoại phê bình người ta sử dụng các trang web tự do, những blog cá nhân. Có thể kể đến những trang blog nổi tiếng mang đậm tính học thuật của Trần Đình Sử, những trang facebook cá nhân của Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thanh Cảnh, Lão Ta (Tạ Duy Anh),.. Ngoài ra còn có chuyên trang văn học, văn nghệ, lý luận phê bình của hệ thống báo chí, nhà xuất bản mang tính chính thống năng về diễn giải, ủng hộ đường lối văn nghệ của nhà nước.

Với những trang mang tính chất cá nhân, thông tin cũng như các sản phẩm văn chương, nghiên cứu phê bình chắc chắn in đậm tính tự do của trò chơi và kĩ thuật xây dựng VB. Mỗi tác phẩm văn học mạng là một LVB, siêu VB, một VB luôn luôn mở. Do tất cả mọi người đều có thể nối kết với nhau trên tinh thần dân chủ. Đó là tinh thần dân chủ trong sáng tác và tiếp nhận văn học. Nó gia nhập vào hệ thống thông tin toàn cầu dưới dạng các tài nguyên, dữ liệu, dịch vụ, là kho hệ thống kí hiệu chưa hoàn kết, có thể bổ sung, thay đổi, chỉnh sửa. Quá trình tham gia của người đọc vào tác phẩm có thể trực tiếp hơn, có ảnh hưởng sâu sắc hơn đến quá trình sáng tác. Tiếp nhận văn học mạng vì thế làm cho độ mở của VB là vô hạn, xóa bỏ mọi ranh giới của sáng tác và tiếp nhận. Đi theo hướng nào còn phụ thuộc rất nhiều vào câu chuyện của trình độ nhận thức, tư duy. Tuy nhiên, giá trị của văn học mạng còn có những tính chất

phức tạp. Bởi văn học mạng chỉ đóng vai trò đăng tải, quảng bá tác phẩm, nó chưa được kiểm duyệt, thẩm định chặt chẽ. Xuất bản tác phẩm thành sách giấy phần nào khẳng định được tên tuổi của người viết, và an toàn hơn cho độc giả bởi đã được qua khâu kiểm duyệt của các nhà xuất bản. Nhưng dù sao, sự xuất hiện của internet và sự tác động của nó đến văn học, lý luận phê bình văn học là không thể phủ nhận.

Tác động của xu thế toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường đã tạo ra ngữ cảnh văn hóa mới, góp phần cởi trói cho những nguyên tắc phản ánh của nghệ thuật, tạo bước ngoặc cho văn học Việt Nam nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Sự tiếp biến và giao lưu văn hóa đã làm cho đời sống văn học trở nên phong phú và sôi nổi, đó cũng chính là những tiền đề cho sự đổi mới quan trọng của nền văn học trên nhiều phương diện: cái nhìn về hiện thực, con người, sự đổi mới về bút pháp,... Tất cả làm cho tính thể loại của tiểu thuyết Việt Nam đương đại đang trong xu thế vận động có nhiều biến đổi và không ngừng phát triển.

2.2. Từ cái nhìn mới về hiện thực và con người đến hiện thực nghệ thuật mới

2.2.1. Vấn đề kiến tạo hiện thực

Hiện thực trong văn học giai đoạn 1945-1975 là hiện thực mang tính sử thi với những con người lý tưởng phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Sau năm 1975, để có thể chạm đến hiện thực một cách toàn diện, văn chương đã bắt đầu dịch chuyển từ quan niệm phản ánh thực tại đến kiến tạo thực tại. Quá trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 manh nha ở một số sáng tác của Nguyễn Minh Châu với Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà,...; Nguyễn Trí Huân với Năm 75 họ đã sống như thế, Nguyễn Khải với Cha và Con và ... (1979), Nguyễn Trọng Oánh với Đất trắng (Tập 1-1979),... Nhà văn soi chiếu hiện thực đa chiều luôn đòi hỏi những suy ngẫm để khám phá, lý giải, thậm chí là nhận thức lại một cách toàn diện. Là chủ thể của quá trình sáng tác, nhà văn có nhiều cơ hội tự do hơn, cởi mở hơn trong việc thực hiện quyền lựa chọn các vấn đề và thể hiện cái nhìn riêng đối với hiện thực. Từ đó thực hiện

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 03/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí