Sự Vận Động Và Đổi Mới Quan Niệm Nghệ Thuật Về Thơ

2.1.2. Các hoạt động thơ của lực lượng sáng tác

Khi nói đến lực lượng sáng tác của một giai đoạn thơ, không thể không đề cập đến cách thức sinh hoạt thơ của họ. Môi trường sinh hoạt thơ hiện nay được mở rộng, đa dạng, sinh động và dân chủ hơn rất nhiều so với trước. Các hình thức sinh hoạt thơ cũ như tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi thơ của một số tờ báo uy tín như Văn nghệ, các hội thảo văn học, hay giải thưởng thơ hàng năm của Hội Nhà văn vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, sự ra đời một số giải thưởng tư nhân như Lá trầu, Bách Việt (tuy không tồn tại được lâu dài) nhằm tôn vinh những sáng tạo mới cũng tạo động lực cho sáng tác thơ, đặc biệt là thơ cách tân. Bàn tròn văn chương là hình thức sinh hoạt văn học dân chủ rộ lên trong những năm gần đây thu hút được nhiều nhà văn, nhà thơ (cả trong và ngoài Hội Nhà văn Việt Nam, có tên tuổi hay chưa tên tuổi), nhà nghiên cứu, nhà báo trong toàn quốc. Ở đây không có sự phân biệt xu hướng sáng tác, miễn các thành viên đều đọc tác phẩm của nhau và tuân thủ một số quy ước của Bàn tròn văn chương. Các cuộc tranh luận trong Bàn tròn văn chương không tranh thắng-thua, hơn-kém, không nhất thiết đi đến nhất trí, mà cốt để những người sáng tạo có thể hiểu nhau, từ đó học cách chấp nhận cái giống/khác mình; để các quan điểm, các hệ mỹ học văn chương cùng tồn tại, cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng, từng bước thuyết phục người đọc trở lại với văn chương hay hứng thú với văn chương. Bắt đầu từ năm 2003, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm để tôn vinh thành tựu thơ ca. Đây cũng là nơi giao lưu gặp gỡ giữa các nhà thơ, nhà thơ với độc giả, là sân chơi để nhà thơ quảng bá hoặc trình diễn tác phẩm của mình.

Nhưng yếu tố làm thay đổi căn bản cách thức sinh hoạt thơ trong những năm đầu thế kỷ XXI đó chính là Internet. Internet với khả năng cho phép tiếp cận với kho tri thức phong phú của nhân loại, khả năng tương tác rộng lớn và ngay lập lức đã tác động to lớn đến nhận thức và sáng tác của người làm thơ hiện nay (trừ một bộ phận nhà thơ thuộc thế hệ 4X trở về trước do tuổi tác và hạn chế hiểu biết về công nghệ mà ít chịu ảnh hưởng từ môi trường mạng).

Trước hết, môi trường mạng đã đem đến cho người viết một không gian sáng tạo và quảng bá tác phẩm mới. Nhiều nhà thơ đã tận dụng tính chất tự do, tính

chất không bị chi phối bởi sự kiểm duyệt để triển khai những thực hành nghệ thuật của mình trên cả hai phương diện tư tưởng và thi pháp. Qua một số trang web văn học như tanhinhthuc.org, lucbat.com, hoặc các blog chuyên về hậu hiện đại trên nền tảng blog.yahoo.com, một số khuynh hướng, trào lưu văn học Việt Nam đang dần hình thành và được cổ vũ bởi các trang mạng. Một số khuynh hướng, trào lưu mới có tính chất cách tân quyết liệt nền văn học nước nhà như thơ tân hình thức, thơ đọc, thơ kể, thơ trình diễn, thơ hậu hiện đại. Một số khuynh hướng, trào lưu khác lại ra sức phục hưng và nhuận sắc cách tân cho các thể thơ truyền thống như thơ lục bát. Do đó, tuy còn nhiều hạn chế, nhưng việc xuất hiện và thu hút sự chú ý của những trang web, blog chuyên biệt có vai trò lập ngôn, cổ vũ cho từng khuynh hướng, trào lưu, thể loại văn học cụ thể đã mang ý nghĩa thúc đẩy văn học Việt Nam đương đại phát triển cả trên phương diện cách tân và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Cũng phải nói rằng, những cách tân cực đoan nhất xuất hiện từ môi trường mạng. Nếu không có môi trường mạng thì không thể xuất hiện những bài thơ thách thức công chúng như của nhóm Mở Miệng, Ngựa Trời, những cuộc nổi loạn ngôn từ của Đinh Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh; loại thơ thị giác của Trần Nguyễn Anh… từ đó dấy lên những tranh luận không dứt thế nào là thơ, thế nào là phi thơ; đâu là giới hạn thẩm mỹ của thơ ca. Internet cũng là chiếc cầu nối giữa thơ trong nước và thơ Việt ở hải ngoại, điều mà trước đây rất khó và rất hiếm. Nhờ có Internet mà Tân hình thức, một trào lưu thơ được khởi xướng ở hải ngoại đã nhanh chóng thâm nhập vào Việt Nam và lôi kéo được không ít các nhà thơ trong nước hào hứng tham gia. Cũng như vậy, nhiều sáng tác của tác giả Việt kiều được nhiều bạn đọc trong nước biết đến cũng như nhiều nhà thơ trong nước truyền bá được tác phẩm ra nước ngoài.

Qua mạng Internet, đặc biệt là qua các web nghiên cứu văn học như lyluanvanhoc.com, phebinhvanhoc.com.vn, vienvanhoc.org.vn,… trang web của một số tạp chí tapchisonghuong.com.vn, vanhoanghean.vn… hoặc một số trang web và blog cá nhân của các nhà nghiên cứu văn học có uy tín như Phạm Xuân Thạch, Trần Ngọc Hiếu, Cao Việt Dũng, Hoàng Phong Tuấn… người làm thơ, làm văn, người phê bình đã được cập nhật các lý thuyết nghiên cứu văn học mới, được đối

thoại, tranh luận về các lý thuyết văn học này tạo ra một không khí học thuật dân chủ. Điều này có tác động rất lớn đến sáng tác thơ đương đại, bằng chứng là có thể nhận thấy ảnh hưởng của nhiều trào lưu, khuynh hướng thơ trên thế giới như Tượng trưng, Siêu thực, Biểu hiện, Hậu hiện đại, thơ Ngôn ngữ, Tân hình thức, Cổ điển tự nhiên,… trong sáng tác của các nhà thơ hiện nay.

Cùng với đó là sự ra đời của hàng loạt những blog văn học, những trang web văn học cá nhân đã tạo ra không khí sôi nổi cho văn học nói chung và thơ nói riêng. Blog và web cá nhân của một số nhà thơ nổi tiếng như Lê Thiếu Nhơn, Phong Điệp, Nguyễn Trọng Tạo, Mai Văn Phấn… đã có một ảnh hưởng quan trọng đến đời sống văn học Việt Nam. Đây không chỉ là nơi giới thiệu những sáng tác mới nhất, hoặc lưu trữ đầy đủ nhất những tác phẩm của một tác giả, mà còn là một tờ báo văn chương tư nhân của nhà thơ, trong đó nhà thơ đăng tải lại mọi tin tức văn nghệ hoặc những sáng tác, công trình nghiên cứu của các tác giả khác. Quan trọng hơn, các nhà thơ, nhà văn này dùng blog và web cá nhân nhằm lập ngôn văn chương, thể hiện quan điểm nghệ thuật của chính mình, cũng như bày tỏ cảm quan, thái độ của mình trước những vấn đề của văn học nói riêng và xã hội nói chung, qua đó cho thấy trách nhiệm xã hội của nhà thơ.

Internet cũng tạo ra một cuộc cách mạng trong vấn đề tương tác giữa tác giả và độc giả. Chỉ cần nhà thơ post bài lên mạng Internet là ngay lập tức bạn đọc đã có thể tiếp cận với tác phẩm. Những phản hồi từ bạn đọc dù là khen hay chê cũng ngay lập tức đến được với nhà thơ. Điều này là không thể với cách xuất bản sách truyền thống. Nhiều tác giả đưa tác phẩm lên mạng để khảo sát thái độ đón nhận của độc giả, sau đó mới in thành sách mà Nguyễn Phong Việt là một trường hợp tiêu biểu. Các sáng tác của nhà thơ này thường đưa lên mạng xã hội Facebook, được cộng đồng mạng đón nhận nhiệt tình và lan truyền rộng rãi, sau đó mới tập hợp lại in thành sách và bán được số lượng bản đáng mơ ước (trong khi tình hình chung là thơ đang rất ế ẩm). Tuy nhiên, mạng Internet không phải lúc nào cũng là môi trường lý tưởng để người làm thơ tự do thể nghiệm sáng tạo của mình. Lượng thông tin trên mạng là rất lớn, các thông tin bị trôi rất nhanh. Nếu tác phẩm không đủ hay cũng như sự độc đáo để níu chân độc giả thì rất dễ bị chìm vào biển thông tin của

Internet. Thứ nữa, môi trường mạng là môi trường tự do thể nghiệm, những thể nghiệm hay thì ít mà dở thì lại nhiều, do đó làm khó các nhà phê bình khi thực hiện công việc đãi cát tìm vàng, bởi họ đọc không xuể, dễ bị mất phương hướng trong biển thông tin mịt mù. Đấy là chưa kể đến việc môi trường mạng dễ nảy sinh tình trạng đạo văn, ăn cắp ý tưởng, giá trị sáng tạo của người nghệ sỹ không được coi trọng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

Đội ngũ người làm thơ đông đảo và cách thức sinh hoạt thơ đa đạng, phong phú, dân chủ là động lực cho sự phát triển của thơ, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc xác định đâu mới là những sáng tạo giá trị, đâu mới là hướng đi đúng cho thơ Việt hiện nay.

2.2. Quan niệm thơ những năm đầu thế kỷ XXI

Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 7

Những năm đầu của thế kỉ XXI đã đi qua, trong khoảng thời gian đó, xã hội Việt Nam đã có nhiều chuyển biến quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn học. Giao lưu văn hoá phát triển, văn học nói chung và thơ nói riêng được tiếp cận với những trào lưu nghệ thuật hiện đại của thế giới. Nói như Nguyễn Vũ Tiềm: “Nếu như ở thế kỷ trước “Một người đi chật cả con đường” (Nguyễn Duy) thì bước sang thế kỷ này hệ thống đường xá hữu hình và vô hình, thực và ảo, sóng mặt đất và sóng vệ tinh… đến độ biến thế giới tròn thành thế giới phẳng; một nhà thơ ở Thái Bình có đôi chân bất động, nhưng chỉ với ngón tay nhấn chuột anh đã trò chuyện với bạn thơ ở bất cứ nơi nào trên thế giới… thì chân trời sáng tạo tất yếu được mở ra vô biên, thơ đi vào còi sâu thẳm tâm hồn, chia sẻ với mọi cảnh ngộ và số phận con người; khái niệm tự do cũng có màu sắc và hương vị khác” [201, tr.12]. Với sự phát triển của các phương tiện thông tin truyền thông, đặc biệt là mạng Internet, tác phẩm văn học dễ dàng đến với công chúng, đời sống văn học trở nên phong phú, sôi nổi hơn. Internet đã thay đổi cách viết - công bố - đọc - nghĩ - cảm của người sáng tác lẫn người đọc. Qua các website, blog cá nhân, các tác giả tự do trình bày những thử nghiệm mới, từ đó ra đời những khuynh hướng, trào lưu mới trong văn học. Có một sự thật là: số lượng người in sáng tác và đọc trên mạng là rất lớn, vượt trội so với văn chương giấy và ngày càng tăng; các cuộc luận bàn sôi nổi về văn chương cũng phần lớn diễn ra ở trên Internet.

Từ đó, quan niệm về thơ đã có những chuyển biến tạo cơ sở cho những cách tân trong thơ hiện nay.

2.2.1. Cách tân là vấn đề cấp thiết của thơ

Cách tân là nhu cầu tự thân của thơ. Thơ là một nghệ thuật mà nghệ thuật đồng nghĩa với sự sáng tạo. Thế nhưng lối viết theo kiểu Thơ mới ra đời cách đây gần một thế kỷ đến nay vẫn còn ảnh hưởng, thậm chí có nhà thơ còn cho rằng thơ hiện nay chỉ là vệt kéo dài của Thơ mới. Không ai phủ nhận những thành tựu đột phá của Thơ mới đối với văn học dân tộc, nhưng cái hay lặp đi lặp lại mãi cũng trở nên nhàm. Có một thực tế là những bài thơ giọng điệu đều đều, du dương không còn thu hút được nhiều độc giả. Thơ, nếu muồn tồn tại được, không chỉ hay mà còn phải mới.

Cũng không phải đến bây giờ mới có thơ cách tân. Công cuộc cách tân thơ khỏi âm hưởng Thơ mới đã bắt đầu từ kháng chiến chống Pháp, trở nên sôi nổi từ sau Đổi mới. Nhưng thơ vẫn không níu kéo được người đọc, thậm chí còn bị người đọc ngày càng thờ ơ. Bằng chứng là từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều người đã nói đến sự “khủng hoảng thơ”. Số lượng nhà thơ không ngừng tăng lên nhưng người đọc thơ thì khá ít. Theo thống kê của tác giả Văn Bảy, báo thethaovanhoa.vn, tại Việt Nam, có hơn 1.000 nhà thơ là hội viên từ trung ương đến địa phương, trong đó Hội Nhà văn Việt Nam có khoảng 300 nhà thơ. Đó là chưa nói những nhà thơ không là hội viên, càng đông hơn gấp bội (Nước thơ cũng khủng hoảng thơ). Số lượng các tập thơ cũng vì thế mà tăng theo cấp số nhân. Nhưng sự tăng lên về số lượng không đồng nghĩa với sự đột phá về chất lượng. Thậm chí, điều này còn gây khó khăn cho người đọc trong việc tìm kiếm và tiếp cận những tác phẩm thật giá trị. Bên cạnh đó, các phương tiện giải trí phát triển đa dạng, thơ chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong việc thu hút sự chú ý của con người hiện nay. Vấn đề này đã được Lê Thành Nghị đề cập đến rất sâu sắc trong tham luận Thơ và công chúng thơ hôm nay tại Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung: “Hình như thơ đang mất chỗ đứng trong ồ ạt của cạnh tranh thị trường và thế cũng có nghĩa đang mất chỗ đứng trong đời sống xã hội, cũng có nghĩa đang đứng trước một thảm hoạ của sự rẻ rúng, ghẻ lạnh, thờ ơ của công chúng, sự lãnh cảm mang tính

cộng đồng” [124]. Trước hiện trạng đó, thơ phải mới mẻ, thú vị và sâu sắc để được tồn tại.

Thơ bị mất giá cũng là tình trạng chung ở các quốc gia khác. Báo thethaovanhoa.vn có một chuyên đề bàn về sự mất giá của thơ đương đại. Alec Schachner, nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia (New York) cho biết những người Mĩ bình thường không dành thời gian cho thơ, “họ thấy thơ ca, đặc biệt thơ hiện đại, là quá mịt mù, quá khó khăn để đọc hiểu hoặc giải khuây”, do đó, thơ hiện đại Mĩ thường chỉ có trên mạng hoặc xuất bản trên máy in cá nhân với số lượng hạn chế, và “nói chung là không thể mua được ở các hiệu sách” (Người Mĩ không còn biết tới thơ!). Nguyễn Đỗ, nhà thơ sống ở Mĩ, cho biết các tạp chí thơ ở nước này thường chỉ ra một năm một số, “báo ngày rất ít khi đăng thơ”, “được đăng thì hầu hết không có nhuận bút”, và “nếu muốn đăng, một số tạp chí sẽ nhận đăng nhưng bạn phải đóng tiền” (Chuyện nước Mĩ: Ai dám vỗ ngực mình nhà thơ?). Đặng Tiến, nhà phê bình hải ngoại, đã viết về tình trạng đọc thơ ở Pháp: “Điều làm cho quảng đại quần chúng lơ là với thơ mới, thơ đương đại là ngôn từ trúc trắc, bí hiểm, xa cách với lời ăn tiếng nói ngày ngày của họ; và khi vượt qua ngôn ngữ ấy thì họ gặp phải một nội dung riêng tư, lạ lẫm, không can hệ gì đến vận mệnh của họ. Thơ đương đại nói chung xa rời những ưu tư thực tế, kinh tế, xã hội, chính trị của con người, do đó, họ tìm đến những ca khúc – là nghệ thuật của quần chúng – không những vì ngôn từ bình dị mà còn vì nội dung gần gũi” (Người Pháp đọc thơ). Thơ ở nước ta cũng ở tình trạng tương tự. Thơ Việt cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI có nhiều cách tân nhưng vẫn ít độc giả, trong đó nguyên nhân là bởi nhiều cách tân chưa chín: hoặc đẩy thơ vào tối nghĩa, khó hiểu, hoặc không tạo ra được sự đồng điệu với người đọc. Hướng đi nào cho thơ là trăn trở của nhiều nhà thơ hiện nay. Do đó, cách tân thơ mặc dù rốt ráo từ cuối thế kỷ trước nhưng vẫn còn là vấn đề rất cấp thiết trong đầu thế kỷ này.

Xã hội thay đổi, nhu cầu thẩm mĩ của con người cũng thay đổi, thơ cũng cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới ấy. Theo những điều tra xã hội học của nhóm nghiên cứu đề tài Công chúng và giao lưu quảng bá văn học thời kỳ đổi mới do Tôn Thảo Miên làm chủ nhiệm (Viện Văn học - 2011), sự thay đổi thị hiếu thẩm

mĩ của công chúng về mặt đề tài, chủ đề được thể hiện khá cụ thể. Các đề tài, chủ đề được nêu ra nhằm khảo sát thị hiếu của công chúng như đề tài chiến tranh, nông thôn, tình yêu, hôn nhân, lịch sử, dã sử, trinh thám, viễn tưởng, kinh dị… đã giúp minh định những diễn trạng thị hiếu thẩm mĩ trong đời sống văn học. Kết quả điều tra ngẫu nhiên trên 636 đối tượng tại Hà Nội đã cho thấy 65.9% số người được hỏi đã chọn đề tài hôn nhân, tình yêu cho sự đọc của mình. Các đề tài tiếp theo cũng minh chứng một sự chuyển dịch trong thị hiếu thẩm mĩ của công chúng: đề tài chiến tranh 37.1%, đề tài nông thôn 37%, lịch sử 31.9%, trinh thám 31%... Các tác phẩm hướng tới giá trị tư tưởng cao, mang tầm vóc nhân văn, nhân bản thu hút được 69.1% số đối tượng tham gia khảo sát. Tiếp sau đó, các tác phẩm đề cao tính nghệ thuật cũng thu hút được tới 50.2% công chúng. Các chủ đề khác như tâm linh, vô thức thu hút 41.3%, trào phúng 38.8% [dẫn theo Nguyễn Thanh Tâm, 173]. Các số liệu trên cho thấy công chúng ngày nay chuộng những chủ đề gần gũi với cuộc sống riêng tư của họ, dễ dàng đồng cảm như gia đình, tình yêu,... Công chúng cũng rất quan tâm đến giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, đòi hỏi tác phẩm vừa phải có tính nghệ thuật cao và phải mang giá trị nhân văn, nhân bản. Điều này vừa định hướng phát triển cho thơ, vừa là thách thức đối với các nhà thơ hiện nay.

Thơ cách tân những năm gần đây không phải là không có thơ hay. Có điều thơ hay, thơ sâu sắc thường rất hiếm. “Thơ hay hôm nay vừa hiếm lại vừa bị chen lấn, bị khuất lấp, bị đánh đồng với thơ dở. Nó tựa nụ hoa tí xíu trong đám cỏ rậm rạp của những phế liệu, cần những con mắt công tâm và tinh tường của nhà phê bình, gạn ra tinh tuý từ những phế liệu ngổn ngang kia” [124]. Cũng có người cất công quyết “đãi cát tìm vàng”, đó là Nguyễn Việt Chiến với công trình Tuyển thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975 - 2005 xuất bản tháng 12/2007. Nhưng dường như công chúng không nhiều người biết đến hợp tuyển này. Có lẽ một phần là thiếu sự quảng bá rộng rãi từ các phương tiện truyền thông; phần khác là thiếu sự hỗ trợ hô ứng từ các nhà phê bình trong khi người đọc ngày nay có quá nhiều các phương tiện nghe nhìn giải trí khác ít dành thời gian quan tâm nhiều đến thơ. Do vậy, thơ không chỉ cần cách tân trong sáng tác mà còn đổi mới cách quảng bá, tiếp cận người đọc. Bên cạnh đó cũng cần đổi mới tư duy của các nhà phê bình để giúp người đọc

định hướng được các tác phẩm có giá trị trong “vườn thơ rậm rạp”, từ đó khôi phục địa vị của thơ trong đời sống tinh thần của xã hội.

Sự mất giá của thơ những năm gần đây khiến nhiều người hoài nghi: liệu thơ có cần trong cuộc sống hôm nay? Chúng tôi cho rằng dù ở thời nào, thơ là một nghệ thuật luôn luôn cần thiết cho loài người, nói như Hoài Thanh “… từ bao giờ đến bây giờ, từ Homère đến Kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” [177, tr. 42]. Vấn đề là ở chỗ làm sao để thơ “chạm” đến được đời sống tinh thần của xã hội đương thời; thơ vừa phải là những sáng tạo mới lạ, thú vị, vừa phải đồng điệu với suy nghĩ và cảm xúc của con người hiện nay. Muốn vậy, các nhà thơ cần có tư duy thơ mới, bắt đầu từ những đổi mới quan niệm nghệ thuật về thơ.

2.2.2. Sự vận động và đổi mới quan niệm nghệ thuật về thơ

Thuật ngữ “quan niệm nghệ thuật về thơ” chúng tôi sử dụng ở đây có nội hàm gần gũi với thuật ngữ “quan điểm sáng tác” hơn là thuật ngữ “quan niệm nghệ thuật” của thi pháp học. Quan niệm nghệ thuật về thơ chính là chỗ đứng, điểm nhìn để nhà thơ sáng tác, thể hiện qua các khía cạnh như: quan niệm của người sáng tác về chức năng, vai trò của thơ; quan niệm về vị trí, tầm vóc của nhà thơ trong xã hội và trong sáng tạo nghệ thuật; quan niệm về mối quan hệ giữa tác phẩm và công chúng,… Quan niệm nghệ thuật về thơ chi phối toàn bộ quá trình sáng tác của người viết, từ lựa chọn đề tài, hình tượng, lựa chọn lối viết, các hình thức nghệ thụât.... Do đó, để có cái nhìn khái quát về diện mạo cũng như tìm hiểu những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của một giai đoạn thơ, không thể không tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của những người sáng tác thuộc giai đoạn này.

Từ cuối thế kỷ trước, quan niệm thơ đã có nhiều thay đổi so với thơ kháng chiến. Nếu trước đó, thơ là vũ khí, thơ mang những sứ mệnh cao cả, thơ là ngôi đền thiêng, thì sau chiến tranh, đặc biệt là từ thời kì Đổi mới, các nhà thơ đã nhận thức lại về những giới hạn và tiềm năng của thơ ca: “Theo họ, đừng khoác cho thơ những sứ mệnh, những trách nhiệm lớn lao, đừng quá kì vọng vào khả năng của thơ. Thi sĩ cũng chỉ là người trần mắt thịt như bao nhiêu người khác, đừng ảo tưởng về năng

Xem tất cả 199 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí