nghiên cứu thực tiễn và lý thuyết về văn du ký của nước ngoài để tiếp cận văn du ký Việt Nam. Đây là một khoảng trống khá rò trong nghiên cứu du ký mà chúng tôi nhận thấy cần có những đóng góp nhất định để bổ sung.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài Văn du ký và quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nhằm đến các mục tiêu sau đây:
2.1. Xác định khái niệm về thể loại văn du ký và giới thiệu một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn của văn du ký thế giới, chủ yếu của các tác giả Phương Tây để định hướng cho việc tiếp cận văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
2.2. Chỉ ra tiến trình vận động của văn du ký trong tiến trình chung hiện đại hóa văn học dân tộc.
2.3. Luận án sẽ làm rò, văn du ký trong nửa đầu thế kỷ XX có những đóng góp gì cho tiến trình hiện đại hóa văn học về các phương diện nội dung và nghệ thuật.
2.4. Bước đầu nhận xét về khả năng kế thừa và phát triển những thành tựu của văn du ký nửa đầu thế kỷ XX đối với văn du ký Việt Nam đương đại, trong thế kỷ XXI.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi chọn dối tượng nghiên cứu là các tác phẩm văn du ký tiêu biểu, có giá trị về nội dung và nghệ thuật xuất hiện trên các báo và tạp chí nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt chú ý đến các tác phẩm du ký phản ánh quá trình vận động, thay đổi của văn du ký theo thời gian.
Có thể bạn quan tâm!
- Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học - 1
- Khái Niệm “Hiện Đại” Và “ Hiện Đại Hóa Văn Học ”
- Nam Phong Tạp Chí Là Tên Gọi Chính Thức. Nhưng Một Số Nhà Nghiên Cứu Vẫn Gọi Đây Là “Báo” (Xem Từ Điển Văn Học –Bộ Mới, Mục Từ Phạm Quỳnh (230,
- Nghiên Cứu, Phê Bình Văn Du Ký Trong Nước Và Thế Giới
Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.
Vì số lượng văn du ký rất lớn, in rải rác trên nhiều báo và tạp chí khác nhau qua thời gian dài, khó có thể đọc hết trong phạm vi thời gian làm luận án và mặt khác do thực tế lưu trữ của nước ta, không phải tạp chí nào hiện cũng còn đủ số trong thư viện nên chúng tôi chỉ chọn lựa một số tác phẩm văn du ký tiêu biểu nhất, có khả năng tiếp cận cao nhất.
Các tác phẩm du ký bằng thơ sẽ chỉ được liên hệ so sánh khi cần thiết chứ không phải là đối tượng nghiên cứu chính.
Du ký trong văn học trung đại cũng chỉ được đề cập khi cần thiết nhằm phục vụ cho mục tiêu so sánh.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1. Các vấn đề lý thuyết của văn du ký, từ vấn đề định nghĩa đến các đặc trưng thể loại. Một số lý thuyết về văn du ký của Phương Tây, khái quát từ đặc trưng văn học Phương Tây cũng là một phạm vi quan tâm.
3.2.2. Những tiền đề văn hóa, xã hội của văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
3.2.3. Quá trình hình thành cũng như sự vận động của du ký trong văn học Việt Nam. So sánh du ký trung đại và du ký hiện đại, những đặc điểm tương đồng và khác biệt của hai kiểu du ký.
3.2.4. Những vấn đề của hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX và vị trí của văn du ký trong dòng chảy hiện đại hóa đó.
3.2.5. Tính hiện đại của văn du ký nửa đầu thế kỷ XX về nội dung và nghệ thuật.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra, trong luận án chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
4.1. Phương pháp lịch sử: phân tích, đánh giá văn du ký như là một đối tượng có lịch sử ra đời, vận động trong thời gian.
4.2. Phương pháp hệ thống: nhìn nhận văn du ký như là một chỉnh thể riêng có cấu trúc nội tại, có những mầm mống riêng từ văn học trung đại nhưng nằm trong một hệ thống lớn hơn là cả tiến trình hiện đại hóa của văn học dân tộc. Đến lượt mình, văn học Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa lại được xem xét trong bối cảnh chung của công cuộc tiếp xúc văn hóa và văn học Phương Đông -Phương Tây.
4.3. Phương pháp tiếp cận văn hóa học: cho phép nhìn nhận văn du ký như là sản phẩm văn hóa tinh thần của tác giả Việt Nam, tuy trong bối cảnh hội nhập, giao lưu, tiếp biến văn hóa với Phương Tây để thay đổi nhưng vẫn ít nhiều chịu sự chi phối của văn hóa Việt Nam, của những quan niệm về con người và thế giới.
4.4. Thi pháp học: các vấn đề chủ yếu về thi pháp và nghệ thuật nói chung của văn du ký nửa đầu thế kỷ XX như vấn đề người kể chuyện ngôi thứ nhất và thứ ba, vấn đề tự khám phá, bộc lộ cái tôi, vấn đề tư duy tả chân.
4.5. Phương pháp nghiên cứu văn học theo thể loại: phân tích, minh chứng, đánh giá văn du ký như là một thể loại độc lập của văn học.
5. Đóng góp mới của luận án
5.1. Về lý luận: xác lập đặc trưng của văn du ký từ điểm nhìn của giao lưu tiếp biến văn hóa, chú ý đến những nội dung và hình thức tiếp nối truyền thống du ký trung đại đồng thời các ảnh hưởng của xu thế hiện đại hóa văn học đến văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Cụ thể là vấn đề ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn trong văn du ký Phương Tây, vấn đề con người cá nhân, cái nhìn nữ quyền và tư duy tả chân trong du ký Phương Tây đã ảnh hưởng đến văn du ký Việt Nam như thế nào.
5.2. Về thực tiễn: Chỉ ra nét tương đồng và nét khác biệt, nét kế thừa và nét mới của văn du ký hiện đại so với văn du ký Việt Nam trung đại; chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng của văn học Phương Tây trong văn du ký như một biểu hiện của quá trình hiện đại hóa văn học.
Phân tích văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX với các điểm nhìn lý luận như trên cho phép đánh giá đầy đủ hơn, toàn diện hơn về vị trí, ý nghĩa của văn du ký đối với tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc nói chung ở nửa đầu thế kỷ XX, chỉ ra quan hệ tương tác của văn du ký với quan niệm đổi mới về con người, nhận thức về “người khác” (các dân tộc khác), ý thức về cái tôi, vấn đề nữ quyền, về nghệ thuật tự sự, tả chân trong văn học hiện đại.
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho nhiều đối tượng quan tâm về văn học Việt Nam nói chung và văn du ký nói riêng ở nửa đầu thế kỷ XX.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, luận án có 4 chương Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2. Cơ sở văn hóa xã hội và diễn biến của văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
Chương 3. Nội dung văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và hiện đại hóa văn học
Chương 4. Nghệ thuật văn du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và hiện đại hóa văn học
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Văn du ký cả ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài có lịch sử khá lâu đời và trong bối cảnh văn hóa xã hội từ đầu thế kỷ XX phát triển rất mạnh, hiện vẫn đang được tiếp tục, thậm chí còn làm nên một mảng văn học hấp dẫn. Hiện tượng Huyền Chíp với Xách balô lên và đi gần đây [25] đã gây nên những phản ứng khác nhau của công chúng văn học cho thấy thế mạnh và những đặc điểm của thể loại này cần được chú ý hơn nữa.
Phần tổng quan này được dành cho việc giới thuyết khái niệm văn du ký và các lý thuyết nghiên cứu văn du ký ở nước ngoài cũng như trong nước, trình bày khái quát lịch sử nghiên cứu với những gì giới nghiên cứu đã giải quyết và xác định nội dung cụ thể mà luận án cần giải quyết.
1.1. Một số khái niệm cần xác định
1.1.1. Khái niệm “du lịch” và du lịch hiện đại
Du ký hay văn du ký do những người du lịch viết. Vì vậy chúng ta cần trước tiên bàn về các dạng du lịch khác nhau và những người đi du lịch.
Theo Từ điển tiếng Việt, du lịch “đi xa cho biết xứ lạ khác với nơi mình ở” [232, 272]. Từ định nghĩa này, cuốn từ điển xác định du ký là “thể ký ghi lại những điều người viết chứng kiến trong chuyến đi chơi xa” [232, 272]. Tất nhiên đây là định nghĩa chung nhất của một cuốn từ điển phổ thông chứ chưa phải là định nghĩa chuyên sâu của sách nghiên cứu về du lịch. Và vì thế mà khái niệm du ký cũng mới chỉ được đề cập sơ bộ, chưa toàn diện. Chẳng hạn, cùng với những điều chứng kiến, người đi xa còn ghi lại các suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, nhìn lại bản thân mình, dân tộc mình và so sánh mình với người. Và nhiều chuyến đi không hề là “đi chơi” mà thực sự là các chuyến “công vụ” như chuyến đi sứ Trung Quốc của Lê Quí Đôn được ghi lại trong Bắc sứ thông lục, hay chuyến đi sứ sang Pháp của Phạm Phú Thứ ghi trong Tây hành nhật ký.
Từ điển Wikipedia (tiếng Anh) định nghĩa “du lịch” (tourism): “du lịch là cuộc đi nhằm mục đích giải trí, nghỉ ngơi, tôn giáo, gia đình hoặc kinh tế, thường
diễn ra trong một quãng thời gian nhất định”. Tài liệu của Tổ chức du lịch thế giới (World Tourism Organisation) định nghĩa du lịch là “những hoạt động của con người di chuyển đến và ở lại những địa điểm nằm bên ngoài môi trường quen thuộc của họ trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm cho các mục đích giải trí, kinh doanh hay các mục đích khác” [282, 1]. Định nghĩa này chú ý đến mục đích đi và thời gian đi. Các mục đích khác đó rất rộng, có thể bao gồm kỳ nghỉ hè, dự lễ hội, kinh doanh, hành hương tôn giáo, truyền giáo, hội nghị khoa học, thăm viếng, đi nghiên cứu, ngoại giao, kể cả hoạt động công cán của sĩ quan của đội quân thực dân xâm lược, của người thám hiểm. Cũng như các khái niệm khoa học xã hội khác, khái niệm du lịch khó có thể có được một định nghĩa bao quát hết được mọi phương diện, khía cạnh và bản thân khái niệm du lịch cũng không diễn tả hết được các kiểu đi, nội dung hoạt động và kể cả nội dung ghi chép, mục đích ghi chép. Thời gian đi du lịch bị khống chế trong phạm vi một năm cũng có thể gây phân vân. Các sứ thần Việt Nam xưa đi sứ Trung Quốc cả đi về mất gần 2 năm, các giáo sĩ Phương Tây đến Việt Nam truyền giáo có người ở lại hàng chục năm, Philiphê Bỉnh sống ở Bồ Đào Nha hàng chục năm có thể cho thấy việc hạn định thời gian du lịch một năm khó thuyết phục. Tuy vậy, một định nghĩa như vừa nêu trên có thể giúp ta hình dung đại thể du lịch như một hiện tượng văn hóa của nhân loại.
Trong các sách nghiên cứu về du lịch của nước ngoài, có phân biệt tourism (du lịch) với travel (du hành). Theo Bách khoa thư về du lịch (Encyclopedia of Tourism), travel chỉ sự di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác-một khía cạnh cơ bản, không thể thiếu của du lịch. Khái niệm du hành có gợi ý về hình thức, phương tiện đi lại: đi bộ, đi ngựa, đi tàu hỏa, đi máy bay, trượt tuyết, tự lái xe v.v…Từ khái niệm travel có từ traveller-người du hành, du lữ mà có thể không hẳn là nhà du lịch- tourist, ví dụ như người nhập cư, người di tản, sinh viên diện trao đổi văn hóa thì không thể gọi là khách du lịch. Lại có trường hợp mà người đi xa tìm thấy ở việc đi xa một phương cách thể hiện quan điểm sống của mình. Nguyễn Tuân thậm chí có lúc cao hứng còn gọi mình là “đổi khách”: “Là một đổi khách chỉ muốn sống với cảnh đẹp luôn đổi thay, tôi chỉ muốn lòng tôi sớm chiều đều rung lên một điệu nhẹ nhòm, vui vẻ” [236, 284]. Thậm chí việc đi xa với ông không phải là để
xem sự khác lạ so với nơi ở của mình mà chính là một cách để thay đổi cảm giác, thể hiện chủ nghĩa lãng mạn sâu đậm của mình. “Tôi chỉ là một du khách đi qua, thấy hay tôi ở lâu, thấy dở tôi lên đường đi ngay”.
Phân biệt một cách tinh tế các trường hợp cụ thể, vốn rất đa dạng phong phú của những người di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác không phải là nhiệm vụ của luận án. Chúng tôi quan tâm nghiên cứu tất cả các dạng văn bản do những người lữ hành, du lịch hay du lữ.
Để hiểu được tầm quan trọng của văn du ký, chúng ta cần chú ý đến sự phát triển bùng nổ của du lịch hiện đại. Việc đi từ điểm này đến điểm khác đã diễn ra từ thời cổ đại nhưng hiện nay, việc đi tăng mạnh hơn bao giờ hết do những nhân tố khác nhau. Tổ chức du lịch thế giới ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục của du lịch trên toàn cầu: từ năm 1950 mới có 25 triệu người đi du lịch đến năm có 277 triệu người, qua năm 1990, con số này đạt đến 438 triệu, năm 2000 lên tới 919 triệu [283, 2]. Khi du lịch đã thành một hiện tượng toàn cầu hóa thì văn du ký tất nhiên có vị trí, ý nghĩa to lớn hơn trước vì nó nằm trong tổng thể hoạt động của con người trên phạm vi toàn cầu, phục vụ cho nhu cầu tuyên truyền, quảng bá, giải trí của ngành du lịch.
1.1.2. “Văn du ký”
Thực tế, khái niệm “văn du ký” cũng đã được tòa soạn Phụ nữ tân văn dùng để giới thiệu du ký của Phạm Vân Anh (năm 1929), nhưng cho đến nay, chúng ta thường gặp khái niệm phổ biến “du ký” chứ ít khi thấy nói đến “văn du ký”. Chúng tôi lại chủ trương phải gọi là “văn du ký” vì lý do sau:
Trước hết, trong lịch sử văn du ký ở nước ta, kể cả thời trung đại và hiện đại (chủ yếu là nửa đầu thế kỷ XX), có hiện tượng viết du ký bằng thơ. Đơn cử Nguyễn Tông Quai (1692-1767) có Sứ trình tân truyện -một tập thơ sứ trình dài 646 câu thơ Nôm theo thể song thất lục bát kể về chuyến Bắc sứ năm 1742 [234, 1196]. Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) viết Phụng sứ Yên Kinh tổng ca dài 472 câu thơ lục bát chữ Hán [234, 1150]. Trương Minh Ký (1855-1900), người có thể liệt vào loại tác giả văn học hiện đại, có Như Tây nhật trình (năm 1888) gồm 2000 câu thơ song thất lục bát, theo thể thức nhật ký, kể về từng ngày dẫn 10 du học sinh sang Trường trung
học Angiê (Bắc Phi) và Chư quấc thoại hội (năm 1891) cũng bằng thơ. Do viết về hành trình bằng thơ nên các tác phẩm này có những điểm khác với văn xuôi du ký về thể loại. Hiển nhiên, thơ không có lợi thế ghi chép cụ thể, chi tiết các hiện tượng của cuộc sống như văn xuôi, tính tự sự mờ nhạt hơn. Trong khi đó, một trong những nội dung quan trọng của luận án này là nghiên cứu nghệ thuật tả chân của nhiều tác phẩm du ký. Gọi là “văn du ký” để phân biệt với “thơ du ký”.
Chúng ta cũng cần chú ý đến thuật ngữ quốc tế về văn du ký- travel literature-khái niệm cấu tạo từ travel có nghĩa là du lữ, và literature tức văn học. Nếu dịch nguyên văn thì sẽ là “văn học du lịch”, nếu Việt hóa sẽ có “văn du ký”.
Về tinh thần chung, khái niệm “văn du ký” của chúng tôi thống nhất với khái niệm “du ký” mà giới nghiên cứu hiện đang sử dụng, chỉ có điều cách gọi này có khả năng làm rò hơn nội dung và đặc điểm của đối tượng.
Nhân đây cũng cần lưu ý rằng trong lịch sử du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, có trường hợp tác giả đặt tên tác phẩm của mình dưới một tiêu mục là “lữ ký” mặc dù về hình thức và nội dung về cơ bản tương đồng với văn du ký. Đó là trường hợp Biệt Lam Trần Huy Bá trên tạp chí Tri tân với bài ký xuất bản năm 1942 Ban Mê Thuột [8] và bài ký xuất bản năm 1944 Hai tháng ở gò Óc eo hay là câu chuyện đi đào vàng [9]. Đây là áng văn du ký của một nhà khảo cổ học, không phải là một khách du lịch theo nghĩa người du lịch hiện đại. Vì vậy, lại cần phải có phân biệt kiểu tác giả viết du ký và hình thức đi. Trần Huy Bá dùng khái niệm “lữ ký” theo chúng tôi là rất chính xác. Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, du là “đi chơi”, còn lữ là “đi ra xa nhà”. Cả hai hình thức đi đều là đi xa nhà, song một bên là đi chơi, chủ động, tự nguyện; còn một bên là xa nhà có thể bất đắc dĩ, do công việc đòi hỏi hay những lý do khác. Sắc thái phân biệt rò ràng là có. Có thể phải xét sự khác biệt giữa một bên là chủ động đi và một bên là bị động, đi ra khỏi nhà mà không phải đi chơi.
Cũng có trường hợp nhà nghiên cứu đồng nhất du ký với phóng sự. Đức Dũng viết: “Ngay từ những thập niên đầu thế kỉ XX, một loạt phóng sự đã xuất hiện trên báo chí ở nước ta …Tiêu biểu cho loại này là một số phóng sự như: Mười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật kí, Hạn mạn du kí v.v” [34, 65-66]. Nhưng việc
đồng nhất này theo chúng tôi không có căn cứ khoa học. Mục đích, tính chất, chức năng của phóng sự khác du ký mặc dù có thể giữa chúng có sự giao thoa nào đó. Phóng sự thường đòi hỏi tính nhanh nhạy của tin tức cần cung cấp, còn du ký có thể là viết lại hành trình qua sự hồi tưởng dựa trên trí nhớ hay sổ ghi chép.
1.1.3. Một số định nghĩa về văn du ký
- Có một giới thuyết khá sớm về văn du ký trên Phụ nữ tân văn năm 1929 khi toà soạn viết lời giới thiệu cho du ký đi sang Tây của Phạm Vân Anh, trong đó sử dụng chính khái niệm “văn du ký”: “Thể văn du ký là một thể văn ai cũng ham đọc, và nó dễ khích phát lòng người hơn là tiểu thuyết. Tiểu thuyết còn có thể tưởng tượng ra, chớ du ký là tả những sự thiệt, có khi đọc du ký mà tức là học lịch sử, học địa lý, học mỹ thuật, học phong tục, mình ngồi tựa trước bên đèn, mà hình như thấy rò những non sông, nhân vật ở phương xa đất lạ thì còn có lợi ích gì hơn và thú vị gì hơn nữa” [2]. Ở đây, từ góc nhìn của tòa soạn báo, người viết chú ý đến tính chất tổng hợp về nội dung của văn du ký, đặc biệt quan tâm đến tính hấp dẫn (có lẽ trước hết nhờ nó mà bán được nhiều báo) của văn du ký so với tiểu thuyết, dường như để giải thích vì sao báo này lại cho đăng du ký. Đồng thời người viết cũng nhấn mạnh việc “tả sự thiệt” trong các áng du ký.
- Định nghĩa của Từ điển thuật ngữ văn học:“ Du ký - một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân mình đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đến. Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến… Dạng đặc biệt của du ký phát huy cái chất ghi chép về miền xa lạ của nó là du ký về các xứ sở tưởng tượng, có tính chất không tưởng hay viễn tưởng khoa học… Dạng du ký khác đậm đà phong vị Phương Đông là ghi chép cảm tưởng, nhận xét về những nơi danh lam thắng cảnh đất nước… Thể loại du ký có vai trò quan trọng đối với văn học thế kỷ XVIII-XIX trong việc mở rộng tầm nhìn và tưởng tượng của nhà văn. Sang thế kỷ XX, du ký mang nhiều tính chất tư liệu khoa học do các nhà địa chất, nhà dân tộc học viết. Loại du ký khoa học cũng rất thịnh hành” [233, 108]. Định nghĩa này