Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 4

mặt cách tân thơ đáng chú ý nhất của thơ đương đại. Đào Duy Hiệp trong Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều đặc biệt ấn tượng với “chủ âm bóng tối” trong tập thơ, từ đó tác giả đi vào tìm hiểu cấu trúc của bóng tối, thế giới “bóng tối” cùng những phận người của nó; không gian thơ và ngữ pháp thơ trong Châu thổ. Qua biện pháp thống kê, so sánh, Đào Duy Hiệp chỉ ra sự lấn át của bóng tối so với ánh sáng. Tác giả phân tích thế giới “bóng tối” trong Châu thổ qua hai hình ảnh: nhà thơ và người bà; người mẹ - thế giới phụ nữ trong “bóng tối” [53].

Cũng nghiên cứu về Châu thổ nhưng Nguyễn Thị Loan quan tâm đến thế giới tâm linh trong Nguyễn Quang Thiều: Miền tâm linh ngập tràn Châu thổ. Miền tâm linh đó thể hiện ở những khía cạnh: Nguyễn Quang Thiều đã lắng nghe những đổ vỡ sâu sắc trong đời sống tâm linh văn hóa trước mỗi bước đi của kỷ nguyên đô thị hóa, công nghiệp hóa; ở màu sắc nghi lễ thiêng liêng của đời sống tâm linh không gắn với tôn giáo nào và không xa lạ với con người. Chiều sâu tâm linh trong thơ Nguyễn Quang Thiều được thể hiện qua những giấc mơ đầy nhân bản luôn khao khát kiếm tìm một thế giới thanh khiết và bình an [96].

Nguyễn Thị Minh Tâm thì ấn tượng với Không gian văn hóa nguồn cội trong "Châu thổ" của Nguyễn Quang Thiều. Theo tác giả có hai lớp không gian cơ bản trong Châu thổ: một đời sống làng Chùa ở phần dương với những hoạt động dương gian và một đời sống làng Chùa ở phần âm với những hoạt động u hiển của nó. Đời sống phần dương của làng Chùa mở ra mênh mang với một miền đất nguyên sơ. Không gian nghệ thuật ấy đã chi phối đến các yếu tố nghệ thuật của Châu thổ. Cách cảm nhận đời sống nghiêng về tâm linh đã tạo nên một không khí trầm mặc, một giọng điệu rưng rưng bao trùm lấy không gian nghệ thuật của cả tập thơ. Những hình ảnh thuộc về không gian làng Chùa vừa gần gũi vừa mơ hồ, nó hiện lên qua hình dung, cảm nhận hơn là miêu tả. Mọi màu sắc và đường nét dường như nhòa nhạt đi, nhường chỗ cho cảm giác, âm thanh, ý niệm [171].

Một tác giả nhận được sự quan tâm của dư luận cũng như giới phê bình không kém là Mai Văn Phấn. Nhiều người đánh giá rất cao vị trí của Mai Văn Phấn trong nền thơ Việt Nam đương đại. Theo Văn Giá: “Sang chặng sau cùng này (từ năm 2000 đến nay), Mai Văn Phấn đã có được một mùa màng nặng hạt. Nhiều

bài thơ được coi là đỉnh cao của thơ Mai Văn Phấn, đồng thời cũng là những thi phẩm sáng giá trong nền thi ca đương đại” [128, tr.527].

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã mạnh dạn khẳng định rằng: “Nếu có nhà thơ nào đó đang lặng lẽ luôn tự đổi mới thơ mình và phá vỡ các nhịp điệu mòn cũ trong các thể nghiệm thơ hôm nay, theo tôi, người đó phải là Mai Văn Phấn. Từ trữ - tình

– cổ - điển, anh “bay” thẳng một mạch vào hậu - hiện - đại, rồi từ đó “lao” vào vòng xoáy đầy ấn tượng của thơ - cách - tân” [128, tr.420].

Nhà thơ Đỗ Quyên trong bài tham luận gửi đến Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn có viết: “Những sáng tạo của Mai Văn Phấn đã đặt ông vào vị trí những nhà thơ hàng đầu của nền thơ đương đại Việt Nam” [128, tr.130].

Trần Thiện Khanh lại đặc biệt đề cao vị trí tiên phong trong tinh thần cách tân thơ của Mai Văn Phấn: “Có thể nói, Mai Văn Phấn thuộc số ít nhà thơ có tham vọng tạo dựng cho thi ca một diện mạo mới từ và trong nhịp điệu đời sống hiện đại. Ông cổ súy cho sự đa dạng về khuynh hướng sáng tác, cởi mở và chấp nhận mọi sự thể nghiệm chuyển đổi” [128, tr.501].

Một số nhà nghiên cứu dành mối quan tâm đặc biệt cho sự chuyển biến trên các bình diện nội dung và nghệ thuật trong suốt hành trình thơ Mai Văn Phấn. Nhà văn Văn Chinh cho rằng: Hành trình thơ Mai Văn Phấn là hành trình của sự trở về với bộ đôi song bước: ở bình diện nội dung, đó là “sự trở về với bản thể hồn nhiên, trở về với bản lai diện mục của nhân sinh diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt hơn nhiều” [128, tr.524] và ở bình diện nghệ thuật, đó là “quá trình vùng thoát khỏi các bãi lầy của các trường phái nghệ thuật để trở về với truyền thống, với cổ điển” [128, tr.524]. Còn Nguyễn Hoàng Đức lại đề cập đến sự thay đổi bút pháp thơ Mai Văn Phấn qua các giai đoạn sáng tác: “... Phải nói, anh đã thể nghiệm rất nhiều bút pháp thơ từ cổ điển đến các khuynh hướng thơ hiện đại thế kỷ hai mươi và thơ văn xuôi. Tất cả đều được cày xới, chiêm nghiệm, chìm đắm đến nhuần nhị. Đọc thơ anh, có cảm giác bình thản như một nhạc công đã tu luyện thành thạo và dễ dàng biểu diễn những khúc nhạc khó nhẹ như lông hồng” [37, tr.35].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

Văn Giá chỉ ra cái khó trong việc tiếp cận thơ Mai Văn Phấn: “Thế giới thơ Mai Văn Phấn khá bề bộn. Bề bộn về số lượng: 370 bài (Thơ tuyển Mai Văn Phấn,

Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2011). Bề bộn về ý tưởng. Bề bộn về thi ảnh. Bề bộn cả về thể điệu: lục bát, đường luật, tự do, thơ văn xuôi, trường ca. Lại đi qua ba quãng tính từ những bài thơ đầu tiên cho đến hôm nay. Thế nên, để gọi ra được “khuôn mặt” nhà thơ Mai Văn Phấn với tất cả những nét đặc sắc riêng quả là một thử thách đối với bất cứ ai” [128, tr.528].

Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 4

Một số tác giả khác lại quan tâm nghiên cứu ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn. Họ đều thống nhất ở quan điểm cho rằng, Mai Văn Phấn đã tạo ra được một cách diễn đạt hoàn toàn mới và ở một góc độ nào đó ông đã tạo được một thứ ngôn ngữ thơ mới (sự xóa nhòa ranh giới giữa ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ văn xuôi và ngôn ngữ đời thường).

Hồ Thế Hà trong bài viết Thơ tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn đã có một cách tiếp cận khá mới mẻ từ thế giới hình tượng và ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn. Tác giả này cho rằng: “Mai Văn Phấn đang xóa nhòa ranh giới giữa văn xuôi và thi ca mà vẫn được gọi là ngôn ngữ thi ca (langue poétique), nghĩa là anh luôn thay đổi hệ ngôn từ để chúng làm tiền trạm cho cảm xúc và suy nghĩ của mình để không trở nên xa lạ với mọi người” [128, tr.227].

Bên cạnh đó, lại có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến những hình ảnh mang tính biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn. Họ đã chỉ ra rằng: hình ảnh cây cỏ, ban mai, ngọn lửa, đất đai, ánh sáng và người tình là những hình ảnh có sức ám ảnh lớn và xuất hiện lặp đi lặp lại trong thơ Mai Văn Phấn. Văn Giá nhận định: “Trong rất nhiều thi ảnh bề bộn ở thơ Mai Văn Phấn, có ba hình ảnh cô đọng nhất, chụm nhất nên trở thành tiêu biểu nhất: Đất đai, Ánh sáng và Người tình (được gọi là Em). Cả ba hình ảnh này đều nằm trong sự quy chiếu của lẽ phồn sinh và hóa sinh bất định với tất cả sự sống động của chúng” [128, tr.534-535].

Một nhóm tác giả khác lại tập trung khai thác những nét đặc sắc trong địa hạt thơ tình của Mai Văn Phấn. Họ đều thống nhất ở quan điểm cho rằng, Mai Văn Phấn đã làm mới đề tài tình yêu muôn thuở bằng nội lực phong phú, phóng dật và rất độc đáo của riêng mình. Nguyễn Hoàng Đức đã từng nhận định: “Tình yêu trong thơ Mai Văn Phấn không đơn giản là chiếc giường hoan lạc. Mà đó là một quá trình như nụ ra hoa, rồi hoa ra quả. Những nụ hôn có thể hiện lên như khao khát của hiện

tại, những khao khát đó bắt nguồn từ hang thẳm cô đơn, đòi sống, đòi yêu và đòi gieo hạt. Rồi cuối cùng đòi được giang tay đón hài nhi chào đời từ giữa cơn đau tràn đầy hạnh phúc. Một cơn đau vĩ đại như sự trở dạ của Càn – Khôn muốn làm nên một cuộc sinh thành khai thiên lập địa” [128, tr.360]. Còn nhà thơ Đỗ Quyên lại xem xét thơ tình yêu của Mai Văn Phấn ở một góc độ khác: “... Anh luôn chuyển hình tượng thành các trạng thái của tình ái và tâm thức linh nghiệm. Trạng thái, chứ không phải tình cảm. Đọc thơ của người – đang – yêu này, thêm một lần ta hiểu hai chữ thanh tân nơi tình yêu đôi lứa. Cống hiến mới của nhà thơ là đã thanh tân hóa cái địa hạt tưởng khô cũ, giáo điều: Đó là tâm linh và siêu thoát” [128, tr.188].

Nhã Thuyên tiếp cận thơ Mai Văn Phấn dưới góc độ rất lạ: sinh thái học qua bài viết Khí quyển thơ-sinh thái của Mai Văn Phấn: Thơ, bầu trời và những linh hồn. Với góc tiếp cận này, tác giả đã phân tích hai biểu tượng lớn cũng đồng thời là hệ sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn: những linh hồn trong bầu trời. Về phương diện nghệ thuật, Nhã Thuyên cũng phát hiện ra cấu trúc thơ Mai Văn Phấn: thơ như một cấu trúc sinh thái, từ nhan đề các tập thơ, từ cách trình bày, sự trở đi trở lại của một số chủ đề cơ bản, một số không gian thơ, mối liên hệ giữa tác giả và vùng đất máu thịt của anh. Và cuối cùng là đi đến mục đích sáng tác thơ của Mai Văn Phấn: thơ là để bám rễ vào mặt đất, trở về với đất đai, đồng quê như nguồn cội của sự sinh [197].

Ngô Hương Giang, Nguyễn Thanh Tâm trong chuyên luận Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào còi khác nghiên cứu hiện tượng Mai Văn Phấn dưới góc độ nhân học và văn hóa học. Chuyên luận chú giải thơ Mai Văn Phấn, như là cách thức giải quyết vấn đề tư liệu cũng như làm thế nào để hiểu đúng tư liệu của một người thơ; Nghiên cứu trường hợp Mai Văn Phấn dưới cái nhìn nhân học vi mô qua các giai đoạn hiện thực khách quan; Thơ Mai Văn Phấn trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại, là chương có ý nghĩa tổng kết một hành trình thơ của một cá nhân cụ thể trong khuynh hướng chung của nền thơ Việt Nam; là quá trình vượt qua chính mình của người thơ để đưa thơ tồn tại trong cuộc đời như một thực thể sinh động [42].

Các sáng tác gần đây của Mai Văn Phấn khi xuất hiện đều thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Năm 2009, hai tập thơ Hôm sau, và Đột nhiên gió thổi xuất bản

cùng một thời điểm đã nhận được nhiều quan tâm của giới phê bình như: Hiện thực giả định và hiện thực tâm tưởng trong hai tập thơ mới của nhà thơ Mai Văn Phấn (Dương Kiều Minh); Động hình của tư duy và mĩ cảm trong tập thơ “Hôm sau” của Mai Văn Phấn (Nguyễn Thanh Tâm); Những ảnh hưởng khuynh hướng siêu thực trong tập thơ “Hôm sau” của Mai Văn Phấn (Vũ Thị Thảo); Mai Văn Phấn, Hai tập thơ, Hai mảng màu hiện thực (Lê Vũ); Cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh trong tập thơ “và đột nhiên gió thổi” của Mai Văn Phấn (Đào Duy Hiệp);… Theo các tác giả, cái độc đáo trong hai tập thơ của Mai Văn Phấn đó là đã tạo dựng một không khí thơ khác lạ, hiện thực được nói đến là “hiện thực được giả định. Sự giả định được thực hiện trong cách thức xếp đặt và phương pháp giải thích của bài thơ. Trong nó thu nạp và phát huy các yếu tính tự trào, tự giễu trong lối giễu nhại và phóng dụ” (Dương Kiều Minh). Hiện thực giả định đó là kết quả của “Sự hoài nghi và chối từ trật tự, mĩ cảm cũ hướng tới một thế giới mà ở đó mọi khả năng đều có thể xảy ra. Sự trực nhận của cảm giác xui khiến tư duy phủ nhận những khuôn thước cũ đã chật hẹp, lỗi thời, những chuẩn mực đã méo mó, không còn khả năng định vị” (Nguyễn Thanh Tâm).

Tập thơ Bầu trời không mái che (xuất bản năm 2010) của Mai Văn Phấn (giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam) làm dấy lên những dư luận khác nhau. Đỗ Hoàng trong bài viết Bầu trời không mái che – yếu kém sáng tạo cho rằng đây là một lối thơ vô lối, tắc tỵ, hũ nút, dở dơi, dở chuột, không hiểu ra làm sao. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là một sáng tạo đột phá của Mai Văn Phấn. Dương Kiều Minh trong bài viết Cuộc trở về tâm không trong tập Bầu trời không mái che của nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng xuyên suốt cả tập thơ là hành trình đi đến Tâm không: “Bầu trời không mái che của nhà thơ Mai Văn Phấn được bao phủ bởi không gian và ánh sáng từ cuộc trở về tĩnh lặng đến cái đích của Tâm không và tái sinh ở một đời sống mới với tinh thần Vẫn hiểu nhau dù quên tiếng nói/ Đã yêu. Hiến dâng. Đã sống” [104]. Lê Vũ trong bài viết Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn cũng có cảm nhận tương tự “Thơ rơi nghiêng về nẻo tâm linh. Hiện thực chuyển động theo những con đường bí mật nên một ô trống, cái màu trắng của ngã tư, của cụ già… là những mật mã mở ra nhiều phương vị tương tự những làn sóng

điện từ chồng chéo đan xen… Bầu trời không mái che, ba phần chia biệt nhưng là một thể thống nhất trong cái nhìn đậm màu sắc tâm linh của Mai Văn Phấn về thế giới mà nổi lên là mối quan hệ giữa thiên nhiên và người, giữa động và tĩnh, giữa sinh và tử, giữa tình và dục. Thiên nhiên sinh thành tạo tác nhưng cũng là môi trường hủy diệt; cái tiểu ngã chan hòa với đại ngã để nhận ra mình; tình yêu thăng hoa trong lạc thú huyền nhiệm. Vũ trụ, hoa cỏ, con người là đồng nhất thể trong một chiêm ngắm, nhập hòa vào nhau trong vô biên và vô cùng thời gian. Mai Văn Phấn đã gói lại tất cả ý niệm của mình bằng kỹ thuật đồng hiện, chuyển dịch không/ thời gian: ánh sáng & bóng tối, quá khứ với hiện tại, pha trộn những nhát cắt ngày sống với nhịp điệu đêm nồng nàn… đồng thời chuyển dịch cái nhìn của cái tôi: khi thành kính, khi hưng phấn, khi lơ mơ, khi nghẹn ngào, khi mệt mỏi, lọ mọ chán với buồn, cả ngờ vực sợ hãi, phân vân” [214].

Tập thơ thả của Mai Văn Phấn sử dụng thể thơ ba câu là một cách học tập sáng tạo thể thơ Haiku truyền thống của Nhật Bản đã tạo ra được sự thú vị đối với giới phê bình cũng như độc giả. Nguyễn Chí Hoan trong bài viết Thả và cười thấy thấp thoáng giữa các hàng chữ “một nụ cười kiểu nụ cười Bayon bốn mặt”. Liêu Thái thì cảm nhận “cả một tập thơ là một vòng tròn của sự thả, buông bỏ và để mọi sự phát triển theo qui luật tự nhiên của nó, kể cả tư tưởng và chữ nghĩa” (“thả”, Đóa Hoa Vô Thường và Thập Mục Ngưu Đồ).

Dương Kiều Minh cũng là tên tuổi không thể không nhắc đến trên thi đàn Việt cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Tọa đàm Thơ Dương Kiều Minh trong diễn trình đổi mới thơ đương đại do khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức sáng ngày 15/5/2012 tập hợp nhiều ý kiến đánh giá về những nỗ lực đổi mới thơ và vị trí của Dương Kiều Minh trên thi đàn: Cảm nhận thơ Dương Kiều Minh ( Bích Thu), Dương Kiều Minh có cuộc đời giấu bao nhiêu ánh sáng ( Bình Nguyên Trang), Những mùa thu ám ảnh trong còi lửng lơ (Đặng Thân), Dương Kiều Minh : “Thuở niềm tin chưa có trên đời” (Khánh Phương), Nhà thơ Dương Kiều Minh – Bông hoa kèn nở ngang tàn mùa hạ (Lê Thị Bích Hồng), Thơ Dương Kiều Minh mang hơi xuân từ những cánh đồng (Mai Văn Phấn), Dương Kiều Minh

– Thi sỹ của những thôi thúc và quyễn rũ từ khoảng trống đời người (Ngô Kim

Đỉnh), Thơ Dương Kiều Minh – vẻ đẹp của ngôn từ giản dị (Nguyễn Phan Quế Mai), Nhà thơ Dương Kiều Minh với những thi tầng minh triết Phương Đông (Nguyễn Việt Chiến), Ngày xuống núi, đôi điều cảm nhận (Ngô Xuân Diện), Dương Kiều Minh lá vàng kiếp kiếp rơi mờ hoàng hôn ( Trần Anh Thái), Thơ Dương Kiều Minh ngọn lửa đêm hàn (Văn Chinh), Dương Kiều Minh – Thơ của số phận (Đoàn Ánh Dương), Một khoảng trống sau: “Mùa xuân gấp gấp” (Vi Thùy Linh), Dương Kiều Minh với thể thơ văn xuôi (Lưu Khánh Thơ), Nhà thơ Dương Kiều Minh: Thơ đi giữa đời không lấm bụi (Nguyễn Sỹ Đại), Dương Kiều Minh vẫn còn hơi ấm từ củi lửa (Nguyễn Ngọc Phú), Dương Kiều Minh tràn ngập âm thanh mê đắm và khoái cảm (Nguyễn Linh Khiếu)…[129]

Nguyễn Bích Thu khẳng định: Hành trình thơ Dương Kiều Minh là hành trình đau đáu tìm đường đi và trải nghiệm, trong đó nổi bật là những ưu tư đậm chất thế tục về thân phận con người. Điều đó tạo nên trong thơ ông cảm thức về thời gian rất rò nét (được ý thức như một phúng dụ về trạng thái nhân sinh). Đây cũng là lý do để Dương Kiều Minh lựa chọn hai cách thể hiện hình thức thơ phù hợp nhất nhằm diễn tả những cảm thức và trạng thái ấy: thơ tự do và thơ văn xuôi.

Nhà thơ Bằng Việt đã khẳng định tầm vóc thơ Dương Kiều Minh, không chỉ ở sự bề thế của số lượng thi tập, mà còn ở những tìm tòi, cách tân táo bạo của ông để đem đến sự mới mẻ cho thơ ca. Đó là sự biểu hiện một cái tôi kiêu hãnh, tự giải phóng mình ra khỏi những ràng buộc, cái tôi dám ngẩng cao đầu nói về bản thể, khẳng định bản thể. Đó là cách suy nghĩ vừa sâu sắc, vừa rộng mở phóng khoáng của thế hệ nhà thơ sau 1975 mà Dương Kiều Minh là một bằng chứng sinh động.Và với ý nghĩa đó, ông đã lập nên một chiến công, thậm chí, là một kỳ tích vào hành trình đổi mới thơ đương đại.

Lưu Khánh Thơ hướng sự chú ý của mình tới một đặc điểm độc đáo khác của thơ Dương Kiều Minh. Đó là sự xuất hiện ở tần số cao những bài thơ văn xuôi trong hai tập thơ sau này của ông là Tựa cửa Tôi ngắm mãi những ngày thu tận. Đây là một biểu hiện khác của nỗ lực cách tân thơ ca, đồng thời thể hiện ý thức muốn bung phá của cái tôi bản thể khỏi những chật hẹp của sự ràng buộc. Đánh giá về kết quả của những nỗ lực và đổi mới thơ Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang

Thiều, Trần Anh Thái, Chu Văn Sơn, nhà văn Văn Chinh đã gặp gỡ nhau ở một số phát hiện thú vị, căn cốt nhất, đó là vẻ đẹp trong sáng và thuần khiết của thơ Dương Kiều Minh. Nguyễn Quang Thiều say sưa nói về một miền ngập tràn ánh thiên thanh trong thơ Dương Kiều Minh, về niềm hạnh phúc của mỗi một đời người, một đời thơ khi được tắm mình trong miền tinh khiết của thiên nhiên, đất đai, cây cỏ, ở đó con người không còn phải phiền muộn, phải giày vò về bất cứ điều gì. Hiểu theo nghĩa đó, con đường cách tân thơ mà Dương Kiều Minh đã đi qua, chính là con đường trở về miền thanh khiết, trong trẻo, để gắn bó và sống trọn mình cho nó. Trần Anh Thái cho rằng Dương Kiều Minh không phải là người tìm tòi về hình thức. Câu chuyện thơ Dương Kiều Minh là câu chuyện về vẻ đẹp thuần khiết trong sáng, câu chuyện về bản thể con người, câu chuyện của sự tồn tại. Đó là một tinh thần hoàn toàn tự do, vượt lên tất cả mọi ràng buộc và sự hư vô của các giá trị vật chất. Chu Văn Sơn khẳng định sự liên tục, bền bỉ trong hành trình cách tân thơ của tác giả Củi lửa. Trong hành trình rất dài đó, ông đã đem đến sự mới mẻ cho thơ từ ý thức trữ tình tới những khuynh hướng đổi mới về hình thức. Tác giả bài viết đã chỉ ra đặc điểm riêng biệt của cái tôi Dương Kiều Minh: Sự hoài vọng về thế giới ấu thơ trong trẻo, linh thiêng. Thơ ông chỉ hay khi viết về miền đó. Nếu bất chợt (hoặc cố ý) lấn sang địa hạt khác, chất Dương Kiều Minh lập tức bị mai một. Ở những tìm tòi hình thức, thơ Dương Kiều Minh có sự kết hợp giữa vẻ đẹp của họa phái ấn tượng phương Tây và những bức tranh thủy mặc phương Đông. Điều đó tạo nên một thứ ngôn ngữ mờ nhòe cùng xu hướng đặc trưng trong thơ ông: xu hướng xa vắng hóa không gian và chập chờn hóa thời gian. Đặc điểm mang dấu ấn phong cách này thể hiện rò nhất trong tập Củi lửa, tập thơ đầu tay của Dương Kiều Minh. Văn Chinh khẳng định vẻ đẹp thuần khiết của thơ Dương Kiều Minh. Đó là cái đẹp mà ông luôn khao khát tìm kiếm, cái tạo nên dấu vết bản ngã cứng cỏi, kiêu hãnh nhưng nhiều khi cũng đầy hụt hẫng, bất lực, là căn cớ tạo nên ngọn lửa ấm áp trong thơ chống lại sự giá lạnh trong đời Dương Kiều Minh.

Dưới góc độ thi pháp, Đỗ Ngọc Yên nói về cảm thức thời gian trong thi pháp thơ Dương Kiều Minh. Đó là sự kết hợp của thời gian vật chất (những cảm

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022