Có thể nói, so với các giai đoạn thơ trước đó, các nhà thơ cách tân đầu thế kỷ XXI tuyên ngôn nhiều hơn, mạnh mẽ thậm chí “đại ngôn” hơn. Cần tỉnh táo rằng, không hẳn có nhiều tuyên ngôn cách tân là sẽ có thơ cách tân. Từ lời nói đến thực tế sáng tác là một khoảng cách. Nhưng ngược lại, muốn có một cuộc cách mạng thơ thì trước hết phải có một cuộc cách mạng trong tư duy của người làm thơ. Những thay đổi trong quan niệm nghệ thuật sẽ dẫn dắt quá trình sáng tác của các nhà thơ, là căn nguyên cơ bản hình thành nên những đặc điểm riêng về nội dung cũng như về nghệ thuật thơ đầu thế kỷ XXI.
2.3. Các khuynh hướng sáng tạo tiêu biểu
Căn cứ vào tư duy mĩ cảm và nghệ thuật biểu hiện, có thể chia sự vận động của thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI thành ba khuynh hướng: Khuynh hướng bảo tồn giá trị thơ truyền thống, Khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống, Khuynh hướng cách tân triệt để.
Trước khi đi vào ba khuynh hướng của thơ Việt đương đại, cần phải làm rò thế nào là thơ truyền thống, thế nào là thơ cách tân.
Truyền thống là một danh từ “chỉ thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ được truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác”, hoặc là một tính từ “chỉ các tính chất, phẩm chất được truyền lại từ các đời trước” [210, tr.1304]. Truyền thống là một sản phẩm của quá khứ. Khái niệm “truyền thống văn học” chỉ những thành tựu chung, đặc sắc, tương đối bền vững, ổn định trên cả hai phương diện nội dung, hình thức của văn học được lưu chuyển, kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nội hàm của khái niệm truyền thống văn học còn được mở rộng, nó chỉ nét đặc sắc của một bộ phận văn học đã trở thành bản chất, thành nét đặc trưng của một nền văn học, hoặc những mảng đề tài, những loại hình nghệ thuật đặc sắc được duy trì ở nội dung và hình thức của nền văn học dân tộc trong quá trình văn học.
Thơ truyền thống ở đây được hiểu là những dòng thơ có lịch sử lâu đời mà mỹ cảm nghệ thuật và thi pháp của nó vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn học hiện tại (ở nước ta đó chính là Thơ mới, xa hơn nữa là thơ trung đại– hai thành tựu văn học rực rỡ trong lịch sử văn học dân tộc). Về mỹ cảm nghệ thuật, thơ truyền thống “trung thành với quan niệm thơ là địa hạt của sự thanh cao, diễm lệ, là
sự lên tiếng của trái tim đang xúc cảm mãnh liệt về sự sống thông qua thể nghiệm kỳ diệu của chủ thể sáng tạo. Ở địa hạt này, mĩ học của thơ thể hiện tín niệm về “cái đẹp”, đồng thời đưa cái đẹp đến giới hạn của tính thiêng” [174]. Về mặt thể loại, đó là các thể thơ lục bát, thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ tám chữ, thơ mười hai chữ. Giọng điệu chủ yếu là tâm tình, tự sự. Nhạc tính du dương, êm đềm được tạo nên bởi vần điệu và sự đều đặn của cách ngắt nhịp. Ngôn ngữ trong sáng giàu hình ảnh. Thơ dễ đọc, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ ngâm nga. “Đặc biệt, ở địa hạt này, tính điển phạm nổi lên như một sắc thái đặc thù trong quan niệm của chủ thể sáng tạo tương thích với tính chất (được quan niệm) của thể loại. Vẫn có nỗi đau, vẫn đầy trăn trở, vẫn âu lo, vui buồn, hờn giận... nhưng, người ta sẽ đi qua tất cả để lại quay về với “cái đẹp” tiên nghiệm mang tính điển phạm. Kỳ thực, đó là điểm níu bám của con người như một hằng số hiện sinh mà họ khó lòng có thể để tuột tay hay đánh đổi” [174].
Theo Từ điển Tiếng Việt, cách tân có nghĩa là đổi mới (thường nói về văn hoá, nghệ thuật) [210, tr.35]. Cách tân trong văn học là quá trình thoát khỏi ảnh hưởng về mỹ cảm nghệ thuật cũng như phương thức biểu hiện của giai đoạn văn học trước đó. Thơ cách tân tức là loại thơ khác với thơ truyền thống, hoặc về nội dung, hoặc về nghệ thuật, hoặc cả hai. Xét về mặt ngữ nghĩa thì thuật ngữ “thơ cách tân” chỉ được xác định nghĩa trong tương quan với “thơ truyền thống”. Nó là một khái niệm động, có tính lịch sử. Thơ mới là loại thơ cách tân triệt để so với thơ trung đại. Nhưng đến ngày nay, Thơ mới lại trở thành một loại thơ truyền thống và trên thi đàn đang có những cố gắng thoát ra khỏi ảnh hưởng của mĩ học và thi pháp Thơ mới nhằm tạo ra một loại thơ mới khác mà người ta gọi là “thơ cách tân”. Cách tân thơ hiện nay diễn ra ở nhiều cấp độ, trên nhiều phương diện. Có cách tân diễn ra trên một vài khía cạnh về nội dung, thể tài hoặc về phương tiện biểu hiện, còn cơ bản vẫn kế thừa mĩ cảm và thi pháp truyền thống. Có những cách tân khá triệt để với những quan niệm nghệ thuật mới, cảm hứng mới, và phương tiện biểu đạt mới. Ví dụ, về mĩ cảm nghệ thuật, các nhà thơ cách tân triệt để không coi thơ là địa hạt của cái đẹp, cao sang, mĩ lệ, thơ bình đẳng với những nghệ thuật khác, thậm chí có người còn khước từ chức năng xã hội của thơ, coi thơ chỉ là phương tiện giải tỏa
xúc cảm, thậm chí thơ là một trò chơi chữ nghĩa. Về mặt nội dung, thể tài, thơ cách tân không ngại nói những chủ đề mà thơ truyền thống né tránh, khai mở đến những chủ đề khó như tâm linh, vô thức, ảo giác, ẩn ức, mê sảng, đào sâu đến cái tôi đa ngã nhiều thái cực. Về hình thức nghệ thuật, thơ cách tân thể nghiệm những thể thơ mới, thâm nhập và dung hòa các thể loại văn học khác như văn xuôi, nhật kí,… vào thơ, hệ quả là thơ cũng bớt đi tính nhạc, khước từ sự du dương hài hòa. Ngôn ngữ thơ hoặc là xô bồ, thiếu chọn lọc, hoặc được dụng công đến cầu kì với khát vọng đi đến tận cùng chiều năng nghĩa của chữ.
Tuy nhiên việc chia thành ba khuynh hướng như trên là việc làm cơ học và có tính tương đối nhằm nhận diện rò sự vận động của thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Trên thực tế đời sống thơ hết sức phức tạp. Không có nhà thơ nào hoặc chỉ trung thành với truyền thống mà không cách tân, hoặc chỉ chăm chăm cách tân mà bỏ qua truyền thống. Có những nhà thơ vốn thuộc khuynh hướng này nhưng đôi lúc lại thâm nhập, giao thoa với khuynh hướng khác. Việc chia sự vận động của thơ thành ba khuynh hướng còn nhằm xác lập một cơ sở để khảo sát, đánh giá mức độ phát triển của thơ Việt đương đại. Nếu khuynh hướng bảo tồn thơ truyền thống chiếm ưu thế, chứng tỏ thơ hiện nay hầu như vẫn dậm chân tại chỗ, chưa có biến chuyển đáng kể; nếu khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống chiếm ưu thế, thì thơ hiện nay là thơ truyền thống đang đổi mới, còn nếu khuynh hướng cách tân triệt để chiếm ưu thế, tạo thành một trào lưu rộng khắp với sự tham gia của phần lớn lực lượng sáng tác với sự đón nhận rộng rãi của độc giả thì thực sự đã có một cuộc cách mạng trong thơ hiện nay.
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 6
- Sự Vận Động Và Đổi Mới Quan Niệm Nghệ Thuật Về Thơ
- Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 8
- Khuynh Hướng Cách Tân Thơ Triệt Để
- Biển Đảo Quê Hương, Chủ Đề Nổi Bật Nhất Trong Cảm Hứng Lịch Sử Dân Tộc Đầu Thế Kỉ Xxi
- Dòng Thơ Thế Sự Ngày Càng Chiếm Vị Trí Chủ Đạo
Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.
Việc chia thành thơ cách tân hay thơ truyền thống cũng không bao hàm sự đánh giá cái nào hơn cái nào. Chất lượng của thơ không phụ thuộc vào cũ, mới mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác đặc biệt là tài năng và bản lĩnh của nhà thơ.
2.3.1. Khuynh hướng bảo tồn các giá trị thơ truyền thống
Thơ truyền thống chứa đựng những giá trị vững bền đã ăn sâu vào máu của bộ phận không nhỏ người làm thơ cũng như người đọc thơ. Hầu hết người sáng tác phong trào hay câu lạc bộ ở địa phương đều lựa chọn thơ truyền thống bởi thói quen sáng tác. Ngay cả những nhà thơ đã thành danh, phần nhiều là những người thuộc
lớp trước, từng đi qua chiến tranh, từng sống trong bầu không khí thơ trước giải phóng vẫn nặng lòng với mĩ cảm và thi pháp thơ truyền thống, có thể kể ra một vài tên tuổi như Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Vũ Quần Phương, Trương Nam Hương, Lê Đình Cánh, Vũ Thị Khương, Huy Trụ, Vân Long, Trần Ninh Hồ, Nghiêm Huyền Vũ, Hồng Thanh Quang... Tất nhiên không phải trong thơ họ không có sáng tạo hay đổi mới nhưng khuynh hướng bảo tồn các giá trị thơ truyền thống vẫn là khuynh hướng nổi trội hơn cả.
Như trên đã nói, mĩ cảm thơ truyền thống quan niệm thơ là địa hạt của cái đẹp, là sự lên tiếng của trái tim đang xúc cảm mãnh liệt về sự sống thông qua thể nghiệm của chủ thể sáng tạo. Cái đẹp trong mĩ học truyền thống cũng rất đa dạng, nếu thơ cổ điển hướng đến cái đẹp hữu ích, cái đẹp chuẩn mực, cân đối; thì Thơ mới đề cao cái đẹp phi thường (vượt lên cái bình thường, tẻ nhạt) cái đẹp kỳ dị, cái đẹp "phi chuẩn mực”. Nhưng tựu chung lại, thơ không dung nạp những cái bình thường, càng không dung nạp cái tầm thường, xấu xí. Các nhà thơ theo khuynh hướng truyền thống tiếp tục đề cao quan niệm này. Hiện thực đời sống khi vào thơ được thi vị hóa, mĩ lệ hóa, ví dụ như cách mà Lê Đình Cánh thi vị cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông xứ Đoài: “Rét trùm mây núi Tản Viên/ Mưa nghiêng sông Đáy. Gió xiên sông Đà/ Rét cong mái ngói đền Và/ Ngoài trăm tuổi rét lim già hắt hiu...” (Rét xứ Đoài)”. Các nhà thơ theo khuynh hướng truyền thống thường hướng tới một còi đẹp đẽ, đầy ắp tình người và kỉ niệm: “Đến với vô cùng trong trẻo em/ Anh bơi qua anh qua mười sáu tuổi/ Hoa súng ao đầm tím lịm/ Mùa thu xanh nhói vàng ngân lên lặng im” (Miền em – Trương Nam Hương); “Nếu thật buồn em hãy về với biển/ Biển vẫn xanh rờn như thuở ấy vừa yêu” (Nếu thật buồn em hãy về với biển – Đàm Huy Đông), “Sao em không về cùng với lá bay/ căng trên tay một dây cung man dại/ em hãy nhắm thẳng vào ngực trái/ ở đấy vẫn còn có trái tim anh...” (Gió trở - Nghiêm Huyền Vũ),…. Các nhà thơ thuộc khuynh hướng này cũng ưa sử dụng những thể thơ quen thuộc như lục bát, thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ. Ngôn ngữ trong thơ là thứ ngôn ngữ được chọn lọc, giàu hình ảnh, màu sắc, đường nét, sử dụng tối ưu các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, hoán dụ, điệp từ, điệp ngữ,…: “Khi bầu trời nghiêng về núi biếc/ Cả rừng cây bừng dậy xanh màu/
Mặt trời hồng đánh thức cây cỏ/ Đêm lụi tàn đời lại có nhau/ Khi bầu trời nghiêng về biển mặn/ Suối tóc em ôm má anh hồng/ Những vì sao nhìn ta chói sáng/ Đất bừng tươi đẹp tựa mùa bông” (Bầu trời nghiêng – Nhất Lâm). Những hình ảnh núi biếc, rừng cây xanh màu, mặt trời hồng, suối tóc, vì sao chói sáng, gieo hạt cho mùa kết trái rất quen thuộc trong thế giới thi ảnh thơ truyền thống. Thơ theo khuynh hướng truyền thống còn rất giàu nhạc tính, nhạc tính được tạo nên bởi cách ngắt nhịp đều đặn hoặc phối hợp bằng, trắc nhịp nhàng tạo nên âm điệu du dương, trầm bổng trữ tình.
Khuynh hướng bảo tồn giá trị thơ truyền thống vẫn là một khuynh hướng chủ đạo trong sự vận động của thơ hiện nay. Tuy vậy, ít có tác phẩm gây tiếng vang, có lẽ đối với người đọc, mĩ cảm và thi pháp nghệ thuật thơ truyền thống đã quen thuộc khó có thể làm cho họ ngạc nhiên và sửng sốt cho dù đó là tác phẩm hay. Nhưng đôi lúc, thi pháp thơ truyền thống lại là sự lựa chọn phù hợp nhất với trạng huống của bài thơ và cảm xúc của tác giả. Ví dụ như bài thơ sau: “Cỏ may khâu áo làng quê/ cớ chi gió thổi bay về trời cao/ ta lên sân thượng chạm vào/ cỏ may. Ta cúi xuống chào… cỏ may! Đời phiêu bạt sáu tầng mây/ từ trên chót đỉnh nhìn ngây phố nhà/ nào ngờ cỏ đã đơm hoa/ găm vào ta vết xót xa tận lòng/ Người như con tốt sang sông/ chìm trong phố thị còn trông quê nhà/ áo quần chẳng rách như xưa/ trái tim rạn vỡ vẫn chưa vá lành/ Cỏ may không hẹn mà xanh/ tìm ta khâu vá cho lành nhớ thương/ ngang trời hoa cỏ đẫm sương/ loanh quanh sân thượng mà thương cánh đồng” (Cỏ may trên sân thượng – Nguyễn Trọng Tạo). Xét về tổng thể, bài thơ không có gì mới lạ. Điệu tình cảm thương nhớ đồng quê vốn đã là xưa cũ. Đến thể thơ sáu tám lại càng truyền thống hơn nữa. Mà hình ảnh cây “cỏ may” chẳng phải đã từng xuất hiện rất ấn tượng trong thơ Xuân Quỳnh, Phạm Công Trứ rồi đó sao? Cái mới, có chăng chỉ là một chút cách điệu ở thể thơ như đầu dòng không viết hoa, là dấu chấm câu đột ngột ở dòng thứ 4 (thật ra, điều này đến bây giờ cũng chẳng có gì là mới nữa). Nhưng từng câu, từng từ thấm vào người đọc, làm sống dậy trong họ “con người nhà quê” vốn bị che khuất trong lối sống thị thành. Bài thơ chạm đến điệu hồn dân tộc, đó là truyền thống nghĩa tình, là sự gắn bó với thiên nhiên của một dân tộc đi lên từ nền văn minh lúa nước, là sự thèm khát một
cuộc sống yên bình, nguyên sơ. Thiết nghĩ điệu tâm hồn đó chỉ phù hợp với lối nói như thế, giọng điệu như thế, hình ảnh như thế. Cho nên, thơ dù cũ vẫn có sức ám ảnh “cỏ may không hẹn mà xanh/ tìm ta khâu vá cho lành nhớ thương”. Lời thề mùa đông của Bùi Hoàng Tám với những câu: “Cũng là phận gái chưa chồng/ Người còn hóa đá – chị không hóa gì!/ Đá còn đợi bước thiên di/ Còn con để bế, chị thì chịu không” cũng rất truyền thống từ cảm hứng, đề tài, thi pháp nhưng lại xúc động bao người đọc, thậm chí còn được tạp chí văn học Prairie Schooner của Mỹ lựa chọn là một trong những bài thơ hay tiêu biểu.
Khuynh hướng bảo tồn giá trị thơ truyền thống không chỉ thấy ở các nhà thơ lớp trước mà còn xuất hiện ở cả trong thơ những nhà thơ trẻ đương đại. Nguyễn Phong Việt là cái tên có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trên thi đàn hiện nay, bởi nhà thơ này đã xác lập những con số kỷ lục về số lượng bản thơ được bán: tập thơ đầu tay Đi qua thương nhớ bán được 30 nghìn bản, tập thơ thứ hai Từ yêu đến thương cũng được tới 20 nghìn bản. Trong tình cảnh hiện nay, thơ in ra chỉ để tặng thì thơ “đắt hàng” như Nguyễn Phong Việt quả là một hiện tượng. Phải chăng Nguyễn Phong Việt đã tạo ra một phong cách thơ mới với một lỗi diễn đạt mới và một mỹ cảm nghệ thuật mới? Không phải, nếu không muốn nói là đôi khi thơ anh khá “cũ”, có nhiều bài theo khuynh hướng thơ truyền thống: “Không ai mang những nỗi đau ra so sánh trong tình yêu/ bởi vết thương nào trong tim người cũng không đáy/ có người cần nỗi buồn để soi mình có trẻ dại/ nhưng có những nỗi buồn làm bạc tóc con người ta mãi mãi (như ta đang bạc tóc mỗi ngày)” (Bên kia là nắng ấm). “Phải những ai đã từng đi qua thương nhớ/ mới thấy cô đơn chưa bao giờ là thứ ta chọn lựa” (Đi qua thương nhớ), “Nếu không muốn đi hết con đường…/ Thì nên dừng lại trước lúc kịp hoàng hôn/ không ai bắt ta phải sống cuộc đời cho người khác/ muôn triệu tình yêu có muôn triệu lần đích đến/ làm ơn đi mà!...” (Nếu không muốn đi hết con đường). Nguyễn Phong Việt không nhọc nhằn đi tìm cái mới, cái lạ, anh dùng những câu thơ đơn sơ, trong những giai điệu giản dị để nói về những trạng thái cảm xúc, những suy nghĩ rất đời thường của con người nhưng lại lôi kéo được sự đồng điệu của độc giả. Có lẽ thơ Nguyễn Phong Việt bán chạy là bởi nhiều người (nhất là những người trẻ tuổi) nhìn thấy hình bóng của mình trong thơ của anh.
2.3.2. Khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống
Đặc điểm của khuynh hướng này là sự cách tân trên cơ sở kế thừa và phát huy các ưu thế của truyền thống thơ trữ tình Việt Nam. Thực ra, khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống đã mãnh liệt ngay từ những năm đầu sau Đổi mới, gắn liền với tên tuổi của Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Dư Thị Hoàn,… Cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, khuynh hướng này vẫn được thi sĩ thuộc cả ba thế hệ lớp trước, lớp giữa, lớp sau ưa chuộng tạo nên lực lượng sáng tác đông đảo hơn hẳn hai khuynh hướng còn lại. Một mặt, khuynh hướng này vẫn phù hợp với tầm tiếp nhận của đa số độc giả, mặt khác vẫn có đất để các nhà thơ triển khai những sáng tạo mới, nhằm để thơ không hoàn toàn lặp lại những gì đã cũ nhàm.
Ở khía cạnh nội dung, thể tài có thể dễ nhận thấy nổi lên cảm hứng nhận thức lại, phản biện lại những tín điều cũ. Đó có khi là sự nhận thức lại lịch sử, truyền thuyết. Không có ngọc trai nào hóa giải nỗi oan nàng Mị Châu: “Không phải máu nào cũng hóa ngọc châu./ Những khát vọng cụt đầu thầm kể” (Cổ Loa - Trương Thị Kim Dung). Còn với Thúy Kiều, màn đoàn viên trong tác phẩm của Nguyễn Du chỉ là tưởng tượng: “Đêm nay lạnh, đáy sông/ lấp lánh nhục thể đạo đức/ thiếp ngắm trăng/ trăng ngắm thiếp/ nước mắt chảy dưới đất thành sông/ nước mắt trôi trên trời thành mây” (Gửi Thúc Sinh - Phan Huyền Thư). Bi kịch của các nhân vật được nhận thức lại bằng cái nhìn thế sự. Đó có khi là sự nhận thức lại những giá trị đạo đức, những lối ứng xử từng được ngợi ca, tôn vinh: “Chỉ cần đoàn kết, chẳng cần tài năng/ Cây cỏ thu mình trong hàng rào danh dự/ Bông hoa không thể nở ở ngoài tường…” (45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh – Trần Nhuận Minh). Thơ cũng không còn né tránh những hiện thực trần trụi, gây sốc: “Các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời/ Họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu./ Các nữ y tá nhìn ta/ Kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi rói/ Không có bông, họ lấy tà áo choàng lau vội” (Những kỷ niệm tưởng tượng – Trương Đăng Dung). Cái đẹp trong thơ không còn dừng lại ở sự thanh tao, diễm lệ mà là cái đẹp toát lên từ chiều sâu nhân bản qua những day dứt, xót thương về số kiếp con người.
Khi viết về những đề tài cũ, các nhà thơ cách tân luôn thể hiện những nhận thức, tư tưởng mới. Tình yêu, hôn nhân tan vỡ là chủ đề của bao vần thơ đau xót, bi
thương, nhưng Bùi Hoàng Tám đem đến một cái nhìn rất khác: “Vợ cũ đi lấy chồng/ Mời mình về ăn cưới/ Mình bàn với vợ mới/ Có đi không vợ ơi! Vợ mới cười rất tươi/ Chị mời thì nên đến/ Hai chúng mình cùng đi/ Để tỏ tình thân mến!/ Vợ cũ mặc rất đẹp/ Nhìn thấy chạy đến chào/ Chồng mới của vợ cũ/ Ra tận nơi đón vào/ Ôi cuộc tình rổ rá/ Mà cưới vui bất ngờ/ Mọi người tranh nhau hát/ Mình cũng lên đọc thơ/ Trong làn khói lơ mơ/ Ghé tai mình hỏi vợ/ “Nếu cuộc tình này vỡ/ Mình có mời anh không?” (Đi ăn cưới vợ cũ). Hai câu kết khá đặc biệt, bởi nó khác hoàn toàn khác với tư tưởng truyền thống về hôn nhân bền vững “đầu bạc răng long”, cũng không kiêng kị “nói gở” (gia đình đang yên đang lành lại nói chuyện tan vỡ) như quan niệm của cha ông.
Những suy nghĩ “lạ” như vậy không hiếm, xuất hiện trong hầu hết các đề tài truyền thống trong giai đoạn thơ hiện nay.
Ở khía cạnh thể loại, các nhà thơ vẫn dùng những thể thơ cũ, từ đó cấu trúc lại nhịp điệu và ngôn ngữ trong thơ. Đáng kể nhất là kiểu lục bát “thảo dân” của Nguyễn Duy, lối lục bát thị dân (thế hệ thứ 3) của Nguyễn Thế Hoàng Linh, Miên Di, lối lục bát đọc chậm của Nguyễn Việt Chiến...
“Sao không chung mảnh buồn nhau để cho mây trắng trên đầu đưa xa. Có khi không ở trong nhà, mà sao cứ tưởng ở ba ngã đường, có ngày mà tối bưng bưng, đập im ắng để tưng bừng vỡ ra. Sỏi là sỏi ở ngoài da, bên trong lòng sỏi cũng là đá thôi. Nên cau trầu phải têm vôi, ngày vui chất chứa một đôi chút buồn.”
(Lục bát ly thân - Miên Di)
Đêm. Mưa. Gặp Nguyễn. Trên sông Đầu đội nón lá. Chân không mang giày Ông ra câu cá. Sông này
Một chiếc cần trúc. Phất đầy mưa đêm
(Gặp Nguyễn Du trên sông đêm – Nguyễn Việt Chiến)
Mã Giang Lân lại có một cái thú chơi khác với thơ lục bát: gieo vần ở những từ láy trong toàn bài, Lên cao là một ví dụ: “Lên cao với gió bời bời/ với mây lam lũ gió vời vợi xa/ Mong sao thoát kiếp phồn hoa/ sớm mơn mởn sớm chiều tha thướt chiều/ Nếu em còn bịn rịn nhiều/ thì tôi thế chấp đành liều lĩnh tôi/ Nếu