thời bấy giờ.
Bên cạnh những yếu tố lịch sử, văn hoá, văn học, chúng tôi cũng tìm hiểu những nhân tố thuộc về gia đình, con người Cao Bá Quát ảnh hưởng đến sang tác của ông. Những đặc điểm gia đình nho gia, con người tài năng, cá tính, con người được tiếp xúc với văn minh phương Tây của Cao Bá Quát được chúng tôi chú ý khai thác cho thấy ở Cao Bá Quát có sự thống nhất giữa một con người khát khao đổi mới, “chân trời mới” và một nhà thơ có phong cách sáng tạo.
Phương diện này chúng tôi trình bày trong chương 2 của luận án.
1.2.2.2. Nghiên cứu tác giả trong tiến trình văn học
Chúng tôi đặt tác giả trong mối tương quan với các giai đoạn văn học trước, cùng thời và sau tác giả để thấy được những kế thừa, phát huy và những đóng góp của tác giả.
Với các giai đoạn văn học trước, chúng tôi chủ yếu so sánh nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán Cao Bá Quát với các tác giả tiêu biểu trước Cao Bá Quát (đặc biệt là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du) để thấy sự kế thừa và đổi mới của Cao Bá Quát so với thi ca thời trước ông.
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Những điểm mới về nội dung và nghệ thuật - 1
- Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Những điểm mới về nội dung và nghệ thuật - 2
- Nghiên Cứu Tác Giả Cao Bá Quát Trong Mối Tương Quan Với Thời Đại, Gia Đình, Cuộc Đời - Con Người Tác Giả.
- Văn Hoá Dân Gian Và Trào Lưu Tư Tưởng Nhân Văn Chủ Nghĩa
- Con Người Được Tiếp Xúc Với Văn Minh Phương Tây Qua Chuyến Đi “Dương Trình Hiệu Lực” Ở Hạ Châu
- Điểm Mới Trong Việc Nhìn Nhận Và Phản Ánh Hiện Thực Xã Hội Trong Nước
Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.
Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp so sánh thơ chữ Hán Cao Bá Quát các tác giả cùng thời với ông (nửa đầu thế kỉ XIX, trọng tâm là các tác giả Nguyễn Văn Siêu, Phan Thúc Trực, Nguyễn Miên Thẩm) để tìm ra sự khác biệt, mới mẻ của Cao Bá Quát so với các tác giả đương thời.
Chúng tôi cũng đặt thơ chữ Hán Cao Bá Quát trong mối tương quan với đặc điểm thi pháp của văn học trung đại và văn học hiện đại Việt Nam để thấy được những đóng góp của tác giả đối với văn học dân tộc, nhất là ở việc bước đầu đặt nền móng cho sự hiện đại hoá văn học dân tộc.
Khi so sánh, chúng tôi quan niệm về mức độ của điểm mới trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát như sau:
- Điểm mới là những đặc điểm riêng (ít có ở tác giả khác).
- Điểm mới có tác dụng làm thay đổi sắc thái văn học (mới so với truyền thống - cũ chưa có, mới trong đặc điểm chung của đương thời và so với đương thời - các tác giả cũng đề cập đến, nhưng Cao Bá Quát riêng ở khía cạnh nào).
- Về mức độ: không phải là toàn bộ hệ thống mà chỉ là những yếu tố trong hệ
thống. Điểm mới không phải là tầm vĩ mô (lí tưởng xã hội, triết lí nhân sinh) mà là ở những yếu tố trong hệ thống: quan niệm khoa cử, quan niệm con người - đặc biệt là con người phụ nữ, sự nhạy cảm trước những vấn đề của đời sống…. Điểm mới còn được hiểu hẹp hơn: sự mở rộng, phát triển những yếu tố có trước.
1.2.2.3. Nghiên cứu tác giả trong loại hình tác giả nhà nho
Nghiên cứu tác giả trong loại hình tác giả nhà nho để thấy được điểm chung và độc đáo ở Cao Bá Quát.
Trong nghiên cứu văn học, bên cạnh sự nghiên cứu riêng về từng tác giả văn học, phạm trù loại hình tác giả cũng được nhấn mạnh với tư cách là loại hình chủ thể thẩm mĩ, được hình thành như những sản phẩm xã hội, lịch sử, văn hoá cụ thể. Những loại hình tác giả văn học thường có dấu hiệu chung về cách nhìn và cách lựa chọn thái độ sống, tư thế ứng xử, quan điểm thẩm mĩ, xu hướng nghệ thuật… Trong thời trung đại, nhà nho là tầng lớp trí thức chủ yếu trong xã hội. Tuy nhiên, theo quá trình lịch sử, đội ngũ nhà nho có sự vận động, phân hoá, hình thành nên những loại hình nhà nho - cũng là những loại hình tác giả văn học, mang những đặc trưng loại biệt đối với nhau. Chúng tôi đặt Cao Bá Quát trong loại hình tác giả nhà nho để thấy điểm mới. Cụ thể:
- Trong hệ thống các nhà nho hành đạo nhưng bất đắc chí, các nhà nho trước Cao Bá Quát lui về ẩn cư, còn Cao Bá Quát có hành động để thay đổi triều đại. Ông “nổi loạn” trong sự nghiệp và trong thi ca.
- Trong hệ thống các nhà nho có những biểu hiện li tâm với Nho giáo đặc biệt là Nho giáo thời Nguyễn. Các nhà nho thời trước bất mãn với các vị vua cụ thể nhưng không li tâm với quan điểm Nho giáo. Đến Cao Bá Quát đã có những biểu hiện li tâm với tư tưởng Nho giáo. So với Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông rất ít ca tụng thánh đế, minh vương.
- Cao Bá Quát thuộc lớp các nhà nho có tư tưởng tiến bộ. Ông thuộc số ít nhà nho dự báo sự xuất hiện của một lớp sĩ phu thức thời có tư tưởng canh tân của giai đoạn sau (Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Trương Vĩnh Ký...). Cao Bá Quát cũng là tác giả có tính dự báo cho sự phá cách của cả một thế hệ, đưa đến phong trào tiếp nhận các thể thơ tự do của phương Tây sau này.
Từ đường hướng trên, mục đích đạt tới của đề tài là:
- Tìm những đặc điểm mang tính chất đổi mới trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát (cả nội dung và nghệ thuật).
- Lí giải nguyên nhân dẫn đến những nét mới lạ của thơ chữ Hán Cao Bá Quát.
- Rút ra những vấn đề lí luận về nghiên cứu văn học trung đại.
Nói chung, trên cơ sở các thành tựu sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật thơ chữ Hán Cao Bá Quát; trân trọng, kế thừa các kết quả nghiên cứu trước và những băn khoăn khoa học đã mở đường, gợi ý, chúng tôi tiếp tục suy nghĩ để bổ sung những điểm mới về nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán Cao Bá Quát.
Chương 2
NHỮNG TIỀN ĐỀ TẠO NÊN ĐIỂM MỚI TRONG THƠ CHỮ HÁN CAO BÁ QUÁT
2.1. Tiền đề lịch sử, xã hội triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX
Sinh năm 1808, mất năm 1855, cuộc đời Cao Bá Quát trải qua các triều vua: Gia Long (1802-1820), Minh Mệnh (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và thời kỳ đầu của triều vua Tự Đức (1848-1883). Đây là giai đoạn đầu, độc lập tự chủ của triều Nguyễn, đồng thời là giai đoạn bắt đầu có sự xâm lược của phương Tây. Đặc điểm lịch sử xã hội đầu thế kỷ XIX ảnh hưởng lớn đến Cao Bá Quát, tạo tiền đề cho sự xuất hiện những điểm mới trong thơ ca chữ Hán của ông.
2.1.1. Những yếu tố truyền thống đã tỏ ra lỗi thời
Ra đời vào năm 1802, triều Nguyễn đã có công thống nhất đất nước cả về lãnh thổ lẫn chính quyền. Trong khoảng 50 năm đầu thế kỉ XIX, triều Nguyễn đã nỗ lực và đạt không ít thành tựu trong củng cố và xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Tuy nhiên, hệ tư tưởng và chính sách cai trị của triều Nguyễn đã bộc lộ nhiều yếu tố lỗi thời so với thời cuộc.
Thứ nhất là việc triều Nguyễn dùng Nho giáo làm quốc giáo. Xem mình là “trung quốc ở phía Nam: ở trung tâm thế giới phía Nam, xung quanh có các nước chư hầu và bình đẳng với người láng giềng phương Bắc”, các vua Nguyễn nỗ lực để chuyển tải mô hình chính trị chuyên chế đại tập trung, đại thống nhất của các đế chế Trung Hoa xưa vào Việt Nam. Học giả Yoshiharu Tsuboi đã viết: “Trong lúc nhà Thanh đang trị vì ở Trung Hoa sau khi lật đổ nhà Minh năm 1644, thì nhà Nguyễn vẫn thích tự coi mình như nhà Minh. Điều này cho phép họ tỏ vẻ là những người thừa kế chính thống của nền văn minh Trung Hoa, thấm nhuần truyền thống và đạo lí Nho giáo” [191,224]. Song, dù có rất nhiều biện pháp nhằm chấn hưng, triều Nguyễn vẫn không làm Nho giáo có được vị thế như nó từng có ở thế kỉ XV. Hơn nữa, “không phải Minh Mạng cố thủ xây dựng một quốc gia mới, đặc biệt mọi hình thức mới để hội nhập tầng lớp văn thân trong lòng dân tộc, mà nhà vua chỉ muốn tái tạo lại bằng cung cách nệ cổ, kể cả tranh đua về mặt văn hoá với triều Mãn Thanh, tái tạo lại những định chế không còn thích hợp và liên hệ gì với thực tế xã hội của đất nước” [191,60]. Với việc làm này, nhà Nguyễn đã đưa chế độ
chuyên chế trở lại, thắt nghẹt bầu không khí ít nhiều dân chủ của chế độ lưỡng đầu chế có vua Lê chúa Trịnh thời trước. Đối chiếu với phạm vi toàn cầu, bấy giờ các nước phương Tây đã chuyển sang chủ nghĩa tư bản được khá lâu, việc tiếp tục dùng hệ tư tư tưởng Nho giáo rõ ràng là lạc hậu so với thế giới. Nó “cản trở trào lưu duy tân đổi mới khiến cho thế nước ngày càng suy vi, tinh thần bạc nhược đối lập với các trào lưu tiến hoá” [8,15].
Thứ hai là về giáo dục, như nhiều triều đại trước trong lịch sử, các vua Nguyễn từ Gia Long, Minh Mệnh đến Thiệu Trị, Tự Đức đều coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị trí của giáo dục, tất nhiên là giáo dục theo Nho học. Đáng tiếc, hạn chế của lối Nho học đã lập tức thể hiện và để lại hậu quả nghiêm trọng. Chính vua Minh Mạng đã nói: “Lâu nay cái học khoa cử làm cho người ta sai lầm. Trẫm nghĩ văn chương vốn không có quy củ nhất định, mà nay những văn cử - nghiệp chỉ câu nệ cái hư sáo khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó. Khoa tràng lấy hay bỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đã quen rồi, khó đổi ngay được, về sau nên dần dần đổi lại" [63,462]. Lối giáo dục này làm ảnh hưởng rõ rệt đến bộ máy quan lại thời Nguyễn. Các học giả cho rằng thời vua Gia Long (1802-1820) đến Minh Mạng (1820 - 1840), nhà Nguyễn đã thực hiện công cuộc cải cách hành chính theo xu hướng đơn giản, hợp lý, hiệu quả, chú trọng xây dựng đội ngũ quan lại có năng lực, đáp ứng yêu cầu của đất nước. Song đến thời vua Tự Đức, bộ máy quan lại bộc lộ rõ sự cồng kềnh, kém hiệu quả. Theo Nguyễn Trường Tộ, quan chế thời Tự Đức là một hệ thống quan liêu nặng nề đến mức “10 con dê chín người chăn”, “1 con ngựa 9 người giữ”. “Quan viên phần lớn là bất tài, quan võ như đề đốc, lãnh binh có người không đọc được binh thư, chỉ viết hai chữ “tuân phụng”. Làm dân chúng lầm than, bộ máy này còn khiến nhà Nguyễn “không bắt kịp xu thế của thời đại, không đưa ra được những đối sách phù hợp để tự cứu mình, cứu dân tộc trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản châu Âu đang ráo riết bành trướng sang phương Đông” [8,15].
Thứ ba là về kinh tế, do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và truyền thống, triều Nguyễn thực hiện chính sách “trọng nông ức thương” làm triệt tiêu nội lực, ngăn cản sự phát triển. Nhiều học giả khẳng định, kinh tế triều Nguyễn là một bước tụt hậu so với triều đại trước. Nhà Nguyễn đã làm “ngăn chặn và thui chột những yếu tố tiến bộ của nền sản xuất hàng hoá, đã manh nha xuất hiện từ thế kỷ XVIII” [8,15].
Thứ tư là về xã hội. Chính sách cai trị nói trên khiến khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Nếu như ở các triều đại trước, phong trào đấu tranh của nông dân chủ yếu xảy ra ở cuối một vương triều khi vương triều đã suy yếu, khủng hoảng, thì phong trào nông dân ở triều Nguyễn lại bùng nổ ngay từ khi triều đình Nguyễn mới ra đời. Năm mươi năm đầu thế kỉ XIX có tới 400 cuộc đấu tranh của nông dân. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tục, đồng loạt ở nhiều nơi đã nói lên một hiện tượng không bình thường trong quan hệ giữa nhân dân và nhà nước phong kiến. Nó chứng tỏ, nhà Nguyễn chưa kết hợp được quyền lợi của giai cấp với quyền lợi dân tộc, chưa đáp ứng được quyền lợi của nhân dân, chủ yếu là nông dân.
Nói chung, đặt trong xu thế các nước châu Âu đã chuyển sang chế độ tư bản chủ nghĩa từ thế kỉ XVII - XVIII với nền văn minh công nghiệp, các nước châu Á cùng thời như Nhật Bản, Thái Lan cũng đã bước đầu đổi mới, sự hạn chế của nhà nước phong kiến Việt Nam với nền sản xuất nông nghiệp càng thể hiện rõ rệt.Những yếu tố truyền thống đã tỏ ra lạc hậu khiến cho Cao Bá Quát chịu áp lực lớn hơn các tác giả thời trước.
2.1.2. Tầng lớp thị dân và tư tưởng phi Nho giáo
Ở Việt Nam, nền kinh tế hàng hoá xuất hiện từ thế kỉ XVI - XVII. Trước kia, vua chúa chủ yếu chỉ giao dịch ngoại thương với nước ngoài qua một cửa khẩu xa xôi là Vân Đồn, nhà vua mua toàn bộ sản phẩm nước ngoài, đổi bằng sản phẩm trong nước. Thời chúa Trịnh, do thiếu tiền, chúa đã phải để cho ngoại thương vào tận phố Hiến, tức là trong nội địa. Biện pháp này đã làm cho kinh tế thương nghiệp phát triển và thực tế đã làm nảy sinh một tầng lớp thị dân ở đô thị. Kẻ Chợ đã trở nên một thành phố sầm uất, với ba mươi sáu phố phường, và thủ công nghiệp bắt đầu phát triển. Giữa các tỉnh bắt đầu có quan hệ nội thương.
Chúa Nguyễn cần tiền để xây đắp thành luỹ cũng phải mở rộng ngoại thương. Quy Nhơn, Hội An ra đời. Còn Sài Gòn, thì vào thế kỉ XVIII đã là một trung tâm xuất cảng gạo. Việc phát triển thương mại giai đoạn này đã tạo điều kiện cho sự ra đời một tầng lớp buôn bán. Họ giàu có không phải nhờ làm quan mà nhờ lợi nhuận thương trường. Để ngăn chặn nguy cơ không có lợi cho triều đình phong kiến, chúa Nguyễn cũng như chúa Trịnh đều đặt thương nghiệp dưới sự quản lí của chính quyền quan liêu. “Thế là ở Việt Nam hình thành thêm một tầng lớp thương nhân độc đáo của chính quyền vua chúa phương Đông, tầng lớp thị dân nảy sinh từ nách của quan lại phong kiến (…) giàu có nhờ thế lực phong kiến chứ không phải nhờ tài kinh doanh” [93,58-59].
Cả hai đối tượng giàu có này đều có “tật” của thị dân: thích tiền, thích hưởng thụ, ghét nghèo khổ, nghĩ đến cá nhân. Thêm nữa, dù chưa phát triển hoàn chỉnh để trở thành một giai cấp mới tác động đến sự phát triển kinh tế chính trị, văn hoá, xã hội nhưng tầng lớp này, do sinh hoạt kinh tế của họ, đã ly khai phần nào với quan hệ sản xuất phong kiến. Họ quan hệ phường hội mang tính chất bình đẳng (quan hệ ngang) thay vì quan hệ đẳng cấp trên dưới (quan hệ dọc). “Cuộc sống của họ là đi đây đi đó, giao tiếp rộng rãi, kể cả giao tiếp với người nước ngoài, dù còn ít ỏi, là cuộc sống tương đối tự do hơn cuộc sống của người nông dân bị trói buộc vào mảnh ruộng lĩnh canh hay cuộc sống của nho sĩ rập khuôn theo trăm nghìn thể chế, giáo điều cứng nhắc” [71,12]. Do đó, “Tư tưởng thị dân đòi hưởng lạc, đòi hỏi hạnh phúc, chống lại thói an bần lạc đạo xuất hiện, và trở thành xu thế chính (…). Con người tài tử là điển hình mới của thời đại. Còn người quân tử bị chế giễu, đạo đức khắc kỉ bị mạt sát. Một trào lưu tư tưởng mới manh nha trong lòng những chàng trai tài giỏi nhất của thời đại” [93,60], “mọi người đều ý thức về cái tài của mình, đều khoe tài và đều đòi hỏi phải đãi ngộ xứng đáng với cái tài của họ” [93,62].
Buôn bán dưới thời Nguyễn hạn chế, “nhưng tư tưởng thị dân không thể vì thế mà mất đi. Những con người của thời đại vẫn đi theo hệ tư tưởng cũ mà họ cho là thích hợp với nhu cầu của chính họ” [93, 78].
Tầng lớp thương nhân đã làm xuất hiện và phát triển không gian văn hoá “thị - chợ”. Nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn đã nói rất chính xác rằng: “Đó là một không gian văn hoá khác biệt so với văn hoá cung đình, hàm chứa những vấn đề của đời sống thị dân, văn hoá thị dân, mang cái nhìn cuộc sống và con người từ điểm nhìn thị dân” [176,28]. Không gian ấy có đông đảo các nhân vật hoạt động trong lĩnh vực giải trí như ca nhi, kĩ nữ, ả đào... Họ phục vụ cả tầng lớp thương nhân lắm tiền nhiều của lẫn lớp quan lại, nho sĩ… cùng có nhu cầu hưởng lạc. Các tiểu thuyết tài tử - giai nhân, “dâm từ, diễm khúc”, các sách “nôm na mách qué”… được truyền tay, in ấn…
Hoạt động của không gian văn hoá thành thị tất yếu ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự vận động, thay đổi cho nền văn học vốn đượm màu quan phương, chính thống. Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, đương nhiên, không nằm ngoài từ trường của ảnh hưởng này.
2.1.3. Ảnh hưởng bước đầu của tư tưởng, văn hoá phương Tây.
Vào nửa đầu thế kỉ XIX, châu Á chịu sự tấn công dữ dội của các nước Âu - Mĩ. Mĩ, Anh, Pháp, Nga, Đức đua nhau ép Nhật kí các hiệp ước bất bình đẳng khiến Nhật
Bản rơi vào khủng hoảng và buộc phải đứng trước sự lựa chọn: hoặc duy trì chế độ phong kiến trì trệ, bảo thủ để bị các nước đế quốc xâu xé hoặc phải tiến hành duy tân, đưa Nhật Bản phát triển theo con đường của chủ nghĩa phương Tây. Ấn Độ đã bị Anh xâm lược. Trung Quốc rơi vào cuộc chiến tranh thuốc phiện rồi buộc phải kí hiệp ước Nam Kinh với thực dân Anh, trở thành nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến. Các nước Đông Nam Á cũng hoặc bị xâm lược hoặc bị nhòm ngó (cuối thế kỉ XIX thì đều trở thành thuộc địa, trừ nước Xiêm - Thái Lan). Bối cảnh châu lục này tác động nhiều mặt tới Việt Nam. Mặc dù nhà Nguyễn thực hiện nhiều rào cản, song những luồng gió từ phương Tây vẫn xâm nhập vào Việt Nam dưới nhiều hình thức.
Trước hết là bằng những con đường “chính danh” được mở ra từ chính triều đình phong kiến. Do muốn dựa vào thế lực của Pháp để chống Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã cho con trưởng là Cảnh sang Pháp làm tin (sau này hoàng tử về nước, nhà vua đã ngạc nhiên vì hoàng tử không đến nhà thờ tổ dự lễ tế tổ tiên). Ngay sau khi đánh bại Tây Sơn để lên cầm quyền, Gia Long đã “trả ơn” cho một số người Pháp. Ông giữ lại một số người làm quan trong triều, phong cho các chức quan cao cấp, biệt đãi hậu hĩnh. Việc người phương Tây ở Việt Nam đã có từ trước, nhưng đây là lần đầu tiên có người được làm quan trong triều. Thêm nữa, triều Nguyễn còn cho phép Pháp thiết lập toà lãnh sự quán ở Huế vào năm 1805 cùng với việc thành lập nhà công quán để khoản tiếp các thương gia phương Tây. Bằng những việc trên, chính vị vua đầu của nhà Nguyễn đã “rước” con người và văn hoá phương Tây đến hiện diện trên đất Việt Nam.
Giai đoạn đầu của vương triều, nhà Nguyễn cũng thực hiện chính sách mở cửa, tạo điều kiện cho việc giao thương buôn bán với phương Tây. Trong thực tế, triều Nguyễn đã mở các cánh cửa giao lưu, cho thuyền buôn Trung Quốc và các nước trong khu vực thông thương, mở cửa khẩu Đà Nẵng cho thuyền phương Tây đến buôn bán. Triều Nguyễn cũng là thời kỳ khởi phát của những chuyến tàu viễn dương, thông thương, quan hệ quốc tế với nhiều nước trong khu vực và châu Âu. “Trong khoảng 1835-1840 đã có 21 chuyến đi” [58,546]. Năm 1844, Cao Bá Quát cũng được phái đi Hạ Châu “dương trình hiệu lực”. “Ngoài nhiệm vụ diễn tập và mua bán, phái bộ đi Hạ Châu năm 1844 còn có mục đích mua chiếc tàu chạy bằng hơi nước cỡ lớn” [144,189]. Từ thời Thiệu Trị, do xung đột với phương Tây bởi nguyên nhân tôn giáo, quan hệ buôn bán với các nước này bị tổn hại. Năm 1850, Tự Đức không phái thuyền đi buôn ở Hạ Châu nữa.