Khái Niệm "thơ Ca" Trong Nội Dung "thơ Ca Dân Gian Hmông"


ngữ dân tộc được phát huy, ý tưởng thơ cũng được khắc sâu hơn” [147]. Thơ hiện đại Hmông đã phần nào bắt nhịp và chan hoà vào dòng chảy của thơ ca đương đại. Xuất hiện ngày càng nhiều những bài thơ giàu triết lý, nhiều lớp nghĩa, mang dấu ấn rò rệt của lý trí nhưng không vì thế mà mất đi những nét bản sắc dân tộc.

Thơ ca hiện đại Hmông đã đóng góp cho thơ ca các dân tộc thiểu số nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung một số thành tựu không thể phủ nhận. Đó có thể là một màu sắc trên tấm hoa văn thổ cẩm của thơ ca các dân tộc thiểu số; là một giai điệu bổng trầm đầy quyến rũ trong bản hoà tấu của thơ ca hiện đại Việt Nam. Chính vì vậy mà những sáng tác của các nhà thơ Hmông đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng quan trọng của Hội Nhà văn và các Hội Văn học Nghệ thuật từ trung ương đến địa phương. Những tên tuổi đại diện cho thơ Hmông hiện đại phải kể đến là các nhà thơ Mã A Lềnh, Hùng Đình Quí. Bên cạnh đó, nhiều tác giả thơ người Hmông khác như: Giàng A Páo, Mùa A Sấu, Hờ A Di… đã được công chúng yêu văn học trong cả nước phần nào biết đến và được cộng đồng người Hmông ghi nhận. Thơ của họ đã trụ lại được và nảy mầm, đơm hoa, kết trái trong trái tim và lòng mến mộ của đồng bào.

Tiểu kết

Là một dân tộc thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, dân tộc Hmông đã góp vào bức tranh toàn cảnh của đời sống văn hóa Việt Nam một màu sắc, một đường nét độc đáo và hết sức đặc sắc, không thể trộn lẫn với bất kì một dân tộc nào. Chính điều đó đã góp phần làm đa dạng, phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Các cuộc thiên di từ trong lịch sử đã khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc Hmông, khẳng định bản lĩnh và ý chí của một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục trước cái xấu, cái ác của con người, trước các thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên; luôn mơ ước một cuộc sống thanh bình, no ấm.

Cuộc sống ở trên núi cao với những hoàn cảnh, điều kiện hết sức khắc nghiệt đã sản sinh ra một dân tộc Hmông với đời sống kinh tế, phong tục tập quán, đời sống xã hội, đời sống tâm linh...đầy cá tính và bản sắc. Tinh thần lạc quan, lãng mạn đến phóng túng; tâm hồn giản dị, chân thật, mộc mạc đến đơn sơ; sự yêu ghét


rò ràng, ngay thẳng đến độ cực đoan... là những nét tính cách của người Hmông. Người Hmông là một dân tộc yêu nghệ thuật, ưa ca hát, nhảy múa, có truyền thống thơ ca. Những lễ hội gầu tào, gầu xống; những cuộc hát gầu plềnh là cơ hội, là sàn diễn tự nhiên nhất để người Hmông giao duyên, trao đổi tâm tình. Những lời dân ca véo von trên các sườn núi, những tiếng kèn lá, đàn môi, những điệu múa khèn say nghiêng ngả đất trời là tiếng lòng của các chàng trai, cô gái Hmông. Đó là những hợp âm của tâm hồn và tính cách Hmông mạnh mẽ, sôi nổi và quyết liệt. Tất cả những cái đó tạo nên sự phong phú, đặc sắc cho cuộc sống của đồng bào Hmông. Đó cũng chính là chất men, là ngọn nguồn của cảm hứng sáng tạo thơ ca, góp phần tạo nên một giọng điệu thơ ca Hmông vừa đằm thắm trữ tình, vừa thiết tha lãng mạn, vừa phóng túng ngang tàng. Đó cũng chính là một giọng điệu thơ ca nhất quán từ thơ ca dân gian tới thơ ca hiện đại của dân tộc Hmông.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 186 trang tài liệu này.


Chương 2

Thơ ca dân tộc Hmông - Từ truyền thống đến hiện đại - 8

QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG CỦA THƠ CA HMÔNG NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG PHẢN ÁNH

2.1. Giới thuyết về một số khái niệm cơ bản

2.1.1. Khái niệm "thơ ca" trong nội dung "thơ ca dân gian Hmông"

Thơ ca là một khái niệm sử dụng kết hợp cả hai thành tố Hán và Việt. Thơ chính là âm Việt của Thi, là một "thể văn có âm vận rò ràng" [61; 598]; Ca trong âm Hán Việt có nghĩa là hát. Thơ ca chính là từ hợp nghĩa của cả hai khái niệm thơ ca. Có thể hiểu thơ ca như là một từ ghép tổng hợp. Chúng tôi không có ý phân định rạch ròi để khảo sát, nghiên cứu thơ ca trong nội dung luận án. Sở dĩ chúng tôi sử dụng khái niệm trên vì những lí do sau:

Thứ nhất, trong văn học truyền thống của dân tộc Hmông không có thể loại ca dao, chỉ có khái niệm dân ca bao gồm phần lời ca và phần nhạc (làn điệu). Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, chúng tôi chỉ tìm hiểu phần lời ca dưới góc độ nội dung và cấu trúc ngôn ngữ. Trong văn học dân gian của người Việt, sự phân định giữa ca dao dân ca là tương đối rò ràng: ca dao được hiểu như phần lời của các làn điệu dân ca. Cho dù về nghĩa từ nguyên, sự khác nhau cơ bản của hai khái niệm này nằm ở hai phương diện hình thức và tính chất. Ca dao là những lời ca không thành chương khúc (dao: câu hát không thành chương khúc) và dân ca là những lời ca dân dã, dân gian. Tuy nhiên, khái niệm ca dao không thấy có ở văn học dân gian Hmông, trong khi tất cả các bài "có âm vận rò ràng" được viết ra đều để hát. Vậy nên, chúng tôi nghiên cứu dân ca Hmông thực chất là nghiên cứu phần lời của các bài ca ấy.

Mặt khác, phạm vi của khái niệm "thơ ca dân gian" cũng rất rộng. Có ý kiến cho rằng thơ ca dân gian bao gồm tất cả những tác phẩm văn học dân gian có yếu tố "vần". Về cơ bản, chúng tôi thống nhất với quan điểm này. Tuy nhiên, xét về phương thức phản ánh là phương thức trữ tình, nhưng mặt khác, phương thức trữ tình đó lại được biểu hiện thông qua yếu tố "ca" của phương thức diễn xướng. Trong khuôn khổ của luận án và khả năng nhận thức cũng như bao quát vấn đề nghiên cứu của người viết, ở phần thơ ca dân gian, chúng tôi chỉ đi sâu


vào hai thể loại loại cơ bản nhất và quan trọng nhất của thơ ca dân gian Hmông là dân ca truyện thơ, còn tục ngữ, câu đố của người Hmông, tuy cũng có yếu tố vần nhưng lại không được diễn xướng bằng hình thức hát (ca), nên chúng tôi không đưa vào phạm vi khảo sát. Ngoài ra, tục ngữ, câu đố hoàn toàn không phải là 'tiếng nói của tình cảm" mà là sự thể hiện những kinh nghiệm và nhận thức của con người trong cuộc sống. "Tục ngữ diễn đạt rất hoàn hảo toàn bộ kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm lịch sử, xã hội của nhân dân" (M. Gorki). Khác với tục ngữ, câu đố không nhằm phản ánh những kinh nghiệm thực tiễn trong lao động sản xuất, trong các mối quan hệ xã hội, mà là "một phương tiện đặc biệt để nhận thức và kiểm tra nhận thức về các sự vật, sự việc,các hiện tượng của thế giới khách quan" (Ninh Viết Giao).

Thứ hai, thơ ca Hmông thời kì hiện đại (từ 1945 đến nay), ngoại trừ một số bài thơ của các tác giả viết vào những năm cuối của thế kỷ XX có sự cách tân về hình thức, còn lại, hầu như tất cả thơ dân tộc Hmông đều có thể ca được. Trong thực tế, rất nhiều bài thơ của các tác giả người Hmông như Mã A Lềnh, Hùng Đình Quí, đều được phổ biến tới đồng bào qua hình thức hát. Vì vậy, ở một góc độ nào đó, có thể coi thơ dân tộc Hmông thời kì hiện đại cũng gắn liền với ca.

2.1.2. Khái niệm"truyền thống", "hiện đại" trong nội dung"từ truyền thống đến hiện đại"

Truyền thống hiện đại là những từ Hán Việt. Từ điển từ nguyên giải nghĩa (1998) của Vũ Ngọc Khánh- Nguyễn Thị Huế, giải thích truyền thống là: "truyền từ đời này qua đời khác". Theo giáo sư Nguyễn Lân trong Từ điển từ và nghĩa Hán- Việt thì truyền thống có nghĩa là "điều truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác"[61; 784].

Từ cách hiểu như trên, chúng tôi xây dựng khái niệm thơ ca truyền thống như sau: Thơ ca truyền thống là thơ ca được truyền (miệng) từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bên cạnh đó, căn cứ vào một trong những đặc trưng của văn học dân gian là tính truyền miệng, chúng tôi tạm thời đồng nhất các khái niệm thơ ca truyền thống của dân tộc Hmông với thơ ca dân gian của dân tộc Hmông.

Cũng như một số dân tộc thiểu số khác, dân tộc Hmông không có nền văn học (hay giai đoạn văn học) trung đại. Nói cách khác, văn học dân tộc Hmông đi thẳng


từ dân gian lên hiện đại, từ văn học truyền miệng tới văn học thành văn. Bởi vậy, văn học truyền thống của người Hmông cũng chính là văn học dân gian. Các sáng tác văn học của dân tộc Hmông tính từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay thuộc vào phạm vi văn học Việt Nam hiện đại, là một bộ phận cấu thành nền văn học các dân tộc thiểu số nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Do đó, văn học dân tộc Hmông thời kì hiện đại vừa mang những đặc điểm phổ quát của văn học Việt Nam hiện đại, vừa có những đặc điểm riêng gắn với bản sắc văn hóa, với truyền thống của dân tộc Hmông.

Mặt khác, cũng có thể hiểu truyền thống trong văn học của một dân tộc là những giá trị đặc trưng mang tính bản sắc được truyền từ đời này sang đời khác (trong văn học) của dân tộc đó.

Khái niệm hiện đại, hiểu theo nghĩa phổ quát nhất là: thuộc về thời đại hiện nay (hiện: tỏ rò trước mắt; đại: đời). (GS Nguyễn Lân, Từ điển từ và nghĩa Hán Việt, Nxb Văn học, 1998).

Tuy nhiên, tính hiện đại, văn học hiện đại và chủ nghĩa hiện đại trong văn học lại là những khái niệm mang những nội hàm khác nhau.

Khái niệm ''tính hiện đại"- theo giáo sư, viện sĩ người Đức Claus Troger- chứa trong đó ý nghĩa: cái mới, cái hợp thời (từ tiếng Latinh: modo, modernus). Nó được sử dụng như một khái niệm đối lập với thời cổ đại bởi Ge-la-si-us vào cuối thế kỉ thứ V. Qua mười lăm thế kỉ, nó luôn được sử dụng lại như một thuật ngữ chỉ ra bước phát triển cao hơn của nền văn hóa sau đó.. Đến thời Phục Hưng, trong tiếng Pháp thế kỉ XV, "hiện đại" có nghĩa là mới mẻ, tươi tắn, đương thời. Sau năm 1950, nó nhập vào từ vựng tiếng Anh và đầu thế kỉ XVIII hòa nhập vào tiếng Đức với nghĩa: mới, hôm nay, thời mới...Khái niệm "hiện đại" thể hiện ổn định như một thuật ngữ văn học, lịch sử và mĩ học, xuất hiện trong cuộc tranh luận về vấn đề cái mới chống lại cái cũ và đồng thời, nó đánh dấu sự bắt đầu kỉ nguyên khai sáng ở Pháp. Trong các giai đoạn phát triển kế tiếp, nó được dùng làm tiêu chí, làm thước đo cùng với khái niệm tiến bộ hoặc khoa học [83,tr.12]. Tuy nhiên, trong khuôn khổ luận án, chúng tôi không đặt ra vấn đề kiến giải một cách thấu đáo về nguồn gốc của khái niệm hiện đại cũng như quá trình phát triển của nó, hoặc những tiêu chí biểu hiện của tính hiện đại... Điều đó dành cho những công trình nghiên cứu liên quan đến quá trình


"hiện đại hóa" thơ ca Việt Nam. Đặt sự chú trọng vào ý nghĩa phổ quát nhất của khái niệm hiện đại là "thuộc về thời đại hiện nay", trong việc nghiên cứu thơ ca Hmông, chúng tôi cố gắng chứng minh rằng, thơ ca dân tộc Hmông thời kì hiện đại mang trong đó những đặc điểm của thơ ca Việt Nam nói chung. Ở phương diện nội dung thì có thể đó là sự mở rộng đề tài, phạm vi phản ánh hay quan niệm về hiện thực. Còn dưới góc độ nghệ thuật thì đó là quá trình đạt tới, hay tiệm cận một số phương diện nào đó của thơ ca Việt Nam thời kì hiện đại. Đây là con đường ngắn nhất để vượt qua những lí thuyết cũng như việc xây dựng những khái niệm công cụ cần thiết mà bất cứ một công trình nghiên cứu nào cũng phải dụng công. Như vậy, tính hiện đại trong thơ ca dân tộc Hmông là những biểu hiện cụ thể của tính hiện đại trong thơ ca Việt Nam nói chung. Nói cách khác, thơ ca hiện đại dân tộc Hmông mang đặc điểm (hoặc một số đặc điểm) của thơ hôm nay. Chứng minh được điều này chính là một trong những mục tiêu quan trọng của luận án.

Về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, chúng tôi cho rằng, trên một phương diện nào đó, nó là biểu hiện của tính dân tộc trong thơ ca. Trong một phạm vi nhất định thì "giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại cũng chính là giải quyết vấn đề tính dân tộc trong văn học"[147, tr.72]. Bởi lẽ, tính truyền thống trong văn học bao gồm những nét đặc trưng mang tính bản sắc trong văn học của một dân tộc, nó ít nhiều được bao chứa trong một phạm trù rộng hơn là tính dân tộc. Nếu như tính dân tộc là diện mạo tinh thần trong văn học của một dân tộc thì tính truyền thống là những nét đặc trưng và đặc sắc nhât trong diện mạo tinh thần của dân tộc ấy. Nó không chỉ được bảo lưu mà còn luôn tiếp biến và phát triển trong mối quan hệ hữu cơ với tính hiện đại. Trong mọi mặt của đời sống xã hội, hiện đại không gắn với truyền thống sẽ mất đi bản sắc, cũng như truyền thống nếu không được tiếp biến và phát triển cũng sẽ phần nào mất đi giá trị của mình. Từ việc ý thức rằng văn học của một dân tộc chính là gương mặt văn hóa tinh thần của dân tộc ấy, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu: Đó là đi tìm nét bản bản sắc đặc trưng nhất của thơ ca Hmông đặt trong sự vận động từ truyền thống đến hiện đại... Như vậy, nghiên cứu tính truyền thống và hiện đại (đúng hơn là quá trình vận động từ truyền thống đến hiện đại) của thơ ca Hmông là quá trình xác định những thuộc tính phẩm chất trong sự vận động, biến đổi, sự kế thừa và phát triển của nó, tức là xác


định những hệ giá trị của thơ ca Hmông trong hành trình tiệm cận và hòa nhập vào dòng chảy của thơ ca hiện đại Việt Nam.

Cho nên, nhiệm vụ quan trọng nhất của luận án không chỉ là xác định những biểu hiện của tính truyền thống và tính hiện đại trong thơ ca dân tộc Hmông, mà còn phải thấy được mối quan hệ và sự ảnh hưởng của tính truyền thống đến tính hiện đại, nghĩa là có sự vận động và phát triển. Đi tìm dấu ấn của truyền thống trong những sáng tác thơ Hmông thời kì hiện đại là một nỗ lực để khẳng định bản sắc dân tộc Hmông trong thơ ca.

Mặc dù về phương diện nội dung của thơ ca Hmông, có nhiều thành tố cùng tham gia biểu hiện như: đề tài, chủ đề, hình tượng, cảm hứng sáng tạo, quan niệm nghệ thuật...song trong phạm vi của luận án và điều kiện năng lực còn hạn chế của người viết, chúng tôi chỉ đi sâu nghiên cứu ba thành tố cơ bản là đề tài, cảm hứng, quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người.

2.2. Thơ ca Hmông và quá trình mở rộng đề tài, gắn liền với sự đổi thay, phát triển của đời sống cộng đồng

Đề tài là một khái niệm của khoa lí luận văn học, một thuật ngữ văn học dùng để chỉ "các hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học. Đề tài là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm" [33]. Việc xác định và phân loại các đề tài trong văn học căn cứ vào mối quan hệ liên kết giữa các hiện tượng trong đời sống. Tùy vào mối liên kết đó mà ta có thể phân loại được các đề tài khác nhau. Có thể phân loại đề tài theo giới hạn của phạm vi bên ngoài hoặc bên trong của phạm vi hiện thực được phản ánh trong tác phẩm. Khái niệm đề tài giúp ta xác định: Tác phẩm viết về cái gì?. Như vậy, đề tài là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm, "là đối tượng đã được nhận thức, lựa chọn gắn liền với dụng ý, thế giới quan, lập trường tư tưởng, quan điểm thẩm mĩ của nhà văn [33]. Nghiên cứu về thơ ca Hmông, chúng tôi nhận thấy, đề tài thường gắn liền với hiện tượng xã hội- lịch sử của dân tộc Hmông, phản ánh những biến động trong đời sống xã hội của người Hmông trong suốt chiều dài lịch sử. Trên hành trình đó, thơ ca Hmông luôn có xu hướng mở rộng đề tài. Đó cũng chính là quá trình mở rộng phạm vi phản ánh của thơ ca Hmông từ truyền thống đến hiện đại.


Cũng như thơ ca của các dân tộc khác, những đề tài quen thuộc và lớn nhất của thơ ca Hmông là thiên nhiên, con người và cuộc sống của cộng đồng Hmông trong suốt quá trình phát triển. Đó cũng chính là phạm vi phản ánh của thơ ca Hmông. Thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp nhưng cũng rất đỗi khắc nghiệt; con người giản dị, mộc mạc, chân thành nhưng cũng rất mạnh mẽ và phóng túng; cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khổ cùng với những hủ tục lạc hậu còn tồn tại, nhưng cũng rất phong phú, đáng yêu và giàu bản sắc. Nhìn một cách tổng quan, quá trình vận động và phát triển của thơ ca Hmông từ truyền thống đến hiện đại là một quá trình mở rộng đề tài, cũng tức là mở rộng tầm mắt, tâm hồn của người Hmông trước cuộc sống. Về cơ bản, đó là quá trình phản ánh từ đời sống cá nhân đến đời sống cộng đồng.

2.2.1. Thiên nhiên khắc nghiệt và hùng vĩ- chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn, tích cách dân tộc Hmông

Thiên nhiên là đề tài quen thuộc, gần gũi trong thơ ca của mọi dân tộc. Tuy nhiên, thiên nhiên trong thơ của mỗi dân tộc lại biểu hiện những đặc trưng của dân tộc đó trong mối quan hệ mật thiết giữa con người và môi trường tự nhiên của họ. Thiên nhiên là môi trường sống, là bạn bè và cũng là kẻ thù của con người trong những thời điểm khác nhau của sự sinh tồn.

Trong môi trường khắc nghiệt, cuộc sống phải chịu nhiều đau khổ, đắng cay, cùng với những ám ảnh của một "quá khứ trầm luân nặng nề trong kí ức" (Mã A Lềnh)[63], người Hmông vẫn lựa chọn và tự trang trải cho mình những niềm vui. Ở đó, tâm hồn và tính cách Hmông hiện ra với tất cả sự phong phú và độc đáo, khó có thể trộn lẫn với các dân tộc khác. Một tâm hồn phóng khoáng, rộng mở trước thiên nhiên; một tư tưởng yêu tự do và chiến đấu đến cùng để bảo vệ tự do; một tình cảm nồng nàn mà cả yêu lẫn ghét đều thái quá đến độ cực đoan...Tất cả đều bộc lộ một cách chân thành qua thơ ca dân gian. Đồng thời, đó cũng chính là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca dân gian Hmông.

Người Hmông yêu thiên nhiên, đơn giản vì cuộc sống của người Hmông luôn gắn bó với thiên nhiên. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, những sinh hoạt đời thường, những phong tục tập quán; từ đời sống vật chất đến đời sống tình cảm và đời sống tâm linh, tất thảy đều nương vào thiên nhiên.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022