Đời Sống Tâm Linh - Nơi Trú Ngụ Của Những Niềm Tin Tôn Giáo


trong số phụ nữ của 54 dân tộc ở Việt Nam lại có thể kiên nhẫn ngồi xoè ô đợi chồng ngủ ngay bên vệ đường cho vợi cơn say trong những buổi chợ phiên gặp gỡ bạn bè, quá chén vì vui. Sự kiên nhẫn và bình thản chúng ta vẫn thường thấy trên gương mặt của rất nhiều người phụ nữ như thế trong những buổi chợ phiên vùng cao là một nét phẩm hạnh vừa đáng trân trọng, vừa giàu bản sắc. Nó như một biểu trưng cho hạnh phúc đơn sơ nhưng giàu tính nhân văn trong mối quan hệ vợ chồng cuả người Hmông. Cũng chỉ có dân tộc này mới có tục làm giường ngủ rất hẹp với ý nghĩa "vợ chồng ghét nhau không bỏ được cái giường".

Mối quan hệ anh-em (cưr-tix) chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Theo luật tục người Hmông, người thấy mặt trời trước là anh (tix) bao giờ cũng được sự kính trọng của "người thấy mặt trời sau" là em. Đã là anh em- cứ ti thì dù có khác nhau về quan điểm, lẽ sống, địa vị xã hội, thậm chí ở hai chiến tuyến đối lập nhau, thì khi một người chết đi, người sống vẫn phải mời người đó về trong bữa cơm cúng tổ tiên ngày tết. Ngoại trừ trường hợp một ai đó bị qui là "ma Ngũ hải" thì vĩnh viễn bị loại khỏi cộng đồng gia đình, dòng tộc. Có thể nói, mối quan hệ anh em của người Hmông có sự liên kết chặt chẽ và bền vững. Nó không chỉ in đậm trong ý thức, trong cuộc sống hàng ngày của họ, mà hơn thế, cùng với mối quan hệ cha mẹ - con cái, và vợ- chồng, tất cả đã trở thành nền tảng cho sự cố kết mạnh mẽ của gia đình, dòng họ và cộng đồng Hmông truyền thống.

So với các dân tộc khác, mối quan hệ dòng họ của người Hmông là đặc trưng bản sắc phong phú và rò rệt nhất, nó là nền tảng, là yếu tố cốt lòi cấu thành xã hội Hmông cả trong quá khứ và hiện tại. Khái niệm dòng họ (xênhv) chỉ những người có chung nguồn gốc tổ tiên và phong tục tập quán, iz trôngs Hmông- cùng một cây người. Ở Việt Nam, người Hmông có khoảng trên dưới hai mươi dòng họ (xênhv) khác nhau. Mỗi dòng họ ở dân tộc này đều có một tổ chức tự quản riêng, gồm các thành viên: Trưởng họ- Ua thừa (Uô thơưx), là người đứng đầu, "cầm quyền người", do dòng họ cử ra và có thể bị phế truất nếu không được tín nhiệm; Người "cầm quyền ma quyền khách" (Cho đaz khuô), là người am hiểu nghi lễ, cách thức làm ma của dòng họ và trực tiếp phụ trách những phần việc liên quan đến tín ngưỡng của dòng họ mình. Khác với Ua thừa, Cho đaz khuô không do bầu bán, không bị phế bỏ và thường là cha truyền con nối. Có thể hình dung trưởng họ là


người đảm nhận chức năng quản lí hành chính, còn đaz khuô là người đảm nhận chức năng hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của cả dòng họ.

Ngoài ra, trong hoạt động dòng họ của người Hmông còn một nhân vật đặc biệt, đó là Bà cô (Fâux hay Pu nhăngx). Họ là chị em gái của thế hệ cha chú ở dòng họ. Một người có uy tín nhất trong số đó được cử ra để thực hiện trách nhiệm giám sát công việc của Cho đaz khuô và việc thực hiện, tuân theo luật tục của dòng họ. Quyền tối cao của Bà cô là có thể đưa ra những quyết định liên quan đến việc sửa đổi 'kí hiệu" tín ngưỡng của dòng họ khi cần thiết.

Bên cạnh đó, vai trò của thầy Sa man (Txir nênhz) cũng rất quan trọng. Txir nênhz giúp những người có trách nhiệm trong dòng họ phát hiện những dấu hiệu vi phạm luật tục, đồng thời giúp người phạm lỗi chuộc tội với tổ tiên và sửa sai cho người ấy.

Tổ chức dòng họ ở người Hmông không giống như một cơ cấu hành chính, cũng không phụ thuộc vào chính quyền nhà nước. Tổ chức dòng họ xử lý công việc dựa trên nguyên tắc tối cao là những luật tục, những qui định của dòng họ, trong đó chứa đựng cả yếu tố tình cảm. Nó mang đậm tính dân chủ và tự nguyện. Khi có chiến tranh, dòng họ trở thành đơn vị quân sự. Trưởng họ có vai trò của người chỉ huy đứng ra tổ chức việc chiến đấu bảo vệ dòng họ. Có thể khẳng định, trong bối cảnh xã hội truyền thống của người Hmông thì tổ chức dòng họ thực sự là một bộ máy tự quản hữu hiệu, nó không chỉ đảm bảo chức năng quản lí mà còn tạo nên sự gắn bó, cố kết của những người cùng huyết thống.

Luật tục của người Hmông có những qui định rất nghiêm khắc. Chẳng hạn: Việc cấm kết hôn trong dòng họ kể cả những anh em "khác ma" nhưng cùng tên họ. Những người trong dòng họ dù xa xôi hay gần gũi vẫn có thể chết hay đẻ trong nhà của nhau. Trong khi đó, không bao giờ cho phép những người khác họ có thể làm điều đó. Trong cuộc sống, người Hmông luôn tuân thủ nghiêm ngặt những lễ nghi, kiêng kị của dòng họ mình. Dòng họ cư trú tới đâu, luật tục của dòng họ quản tới đó. Ở dân tộc này, sự giàng buộc và liên kết của những người "cùng ma" rất chặt chẽ, luôn có thể vượt qua ranh giới về hành chính và lãnh thổ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 186 trang tài liệu này.

Sinh hoạt mang sắc thái miền núi đặc trưng nhất của người Hmông là “văn hoá chợ”. Do điều kiện sống khắt khe cho nên chợ vừa là nơi giao lưu mua bán,


Thơ ca dân tộc Hmông - Từ truyền thống đến hiện đại - 6

giao lưu tình cảm, vừa là nơi để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, xây dựng cuộc sống. Người già đến chợ để gặp gỡ thăm hỏi lẫn nhau, chuyện trò rôm rả bên nồi “thắng cố”, trong men say ngây ngất của bát rượu ngô; trai gái đến chợ là làm quen, tìm hiểu, tính chuyện tương lai. Những chiếc ô xoè màu sắc rực rỡ che má hồng và đôi mắt lúng liếng của cô gái Hmông. Những điệu múa khèn nghiêng ngả đất trời, thăng hoa trong men rượu của chàng trai. Và cả những tiếng kèn lá, đàn môi vừa rụt rè e ấp, vừa sôi nổi mãnh liệt, đã tạo nên một khung cảnh nên thơ trữ tình đặc trưng của miền núi. Mỗi tuần một phiên chợ như để xoá đi những lo toan, vất vả của cuộc sống thường nhật, để tâm hồn mỗi người Hmông nở hoa. Từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cúu văn hoá hay nhắc đến và hết sức quan tâm tới là “chợ tình”. Ở Mèo Vạc (Hà Giang) và Sa Pa (Lào Cai) đều có chợ tình. Mỗi năm chợ họp một lần vào một ngày nhất định. Chợ tình là nơi để cho những cặp, những đôi trai gái lỡ duyên tìm về với nhau, tự do tình tự với nhau một đêm, để rồi hôm sau, mỗi người lại trở về với cuộc sống hiện tại của mình, những cuộc sống thường nhật với những niềm vui và khổ đau của từng gia đình, cá nhân. Chợ tình đã tồn tại rất lâu với tính nhân văn cao cả của nó trong ký ức của những người già. Tuy nhiên, hiện nay, bản sắc văn hoá của chợ tình đã mai một rất nhiều. Đến độ, hàng năm vào ngày 27 tháng 3 âm lịch, chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc - Hà Giang) đã trở thành nơi du lịch của rất nhiều những vị khách hiếu kì, ta có, tây có, đổ xô đến để mong được tận mắt chứng kiến những cuộc tình lâm li ai oán, mà phần nhiều chỉ còn diễn ra trong tưởng tượng. Dẫu sao thì sự xuất hiện “chợ tình” cũng phần nào nói lên được đời sống tinh thần phong phú độc đáo và giàu bản sắc của dân tộc Hmông. Đó là sự biểu hiện của một hình thức sinh hoạt tinh thần độc đáo và đầy tính nhân văn, nhân bản.

“Hội chợ núi mùa xuân” tiếng Hmông gọi là hội “Gầu tào” (gruôv taox) là một lễ hội tiêu biểu nhất của người Hmông. Với mục đích cầu mong được mùa “người yên, vật thịnh”. Hội được một gia đình tổ chức và thông tin để bà con khắp nơi biết về dự, thường diễn ra sau tết khoảng vài ngày. Hội được tổ chức trên một khu đất tương đối rộng rãi, bằng phẳng. Hội “Gầu tào” gồm 2 phần chính: Phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, trước đó, chủ nhà đã trồng sẵn một cây nêu (một cây mai để cả lá trên ngọn). Trên ngọn cây treo một mảnh vải đỏ. Sau khi cúng tổ tiên ở nhà, gia chủ


đặt dưới gốc nêu một mâm cúng, cầu khẩn các lực lượng siêu nhiên phù hộ cho họ có con trai, làm ăn khấm khá. Tiếp đến là bắt đầu phần hội. Nhiều trò chơi bổ ích và lý thú như đấu vò, đua ngựa, bắn súng kíp, bắn nỏ, đánh yến, chọi gà, múa khèn, thổi sáo và thi hát đối đáp. Đây là dịp để các chàng trai, cô gái thi nhau trổ tài. Những người thắng cuộc bao giờ cũng được phần thưởng (một bầu rượu, một cây sáo, một chiếc đàn môi…). Đám hát “gầu plềnh” (hát đối đáp) thu hút đông đảo nam nữ thanh niên. Qua đó cũng là dịp để những lứa đôi gặp gỡ, tâm sự và tìm thấy hạnh phúc của mình. Hết thời gian mở hội, cây nêu được gia chủ đem về làm giát gường để mong sớm có con; mảnh vải đỏ được gia chủ đem về treo trong nhà để cầu hồng phúc. Nhìn chung, “Gầu tào” là một lễ hội lớn, một sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, hấp dẫn và hết sức lành mạnh.

Có thể nói, phong tục tập quán là một phần cuộc sống của mỗi cộng đồng. Nó tạo nên sự phong phú và góp phần qui định diện mạo, tích cách và tâm hồn mỗi dân tộc. Phong tục tập quán của người HMông mang đậm bản sắc riêng, được hình thành một phần do điều kiện sống ở những miền núi cao, hẻo lánh và hoang dã. Nó góp phần khắc hoạ một dấu ấn riêng không thể trộn lẫn trên gương mặt của cộng đồng người Hmông. Nó vừa bất tử khi vượt qua cả không gian và thời gian để trường tồn trong kho tàng văn học dân gian phong phú, vừa là niềm cảm hứng sáng tạo cho những tác giả, cả người Hmông và các dân tộc khác, trong những sáng tác thơ văn hiện đại.

1.3.4. Đời sống tâm linh - nơi trú ngụ của những niềm tin tôn giáo

Người Hmông quan niệm “vạn vật hữu linh”. Tất cả sự vật hiện tượng trong cuộc sống đều có linh hồn. Con người cũng có phần xác và phần hồn. Vì thế mới có tục cúng ma tươi và ma khô, tức là để người chết gột rửa sạch tội lỗi, hoá kiếp để đầu thai làm kiếp khác. Sống trên trần thế, với người Hmông cũng chỉ là sống tạm nên hết sức thanh thản. Điều đó lí giải tại sao khi cuộc sống không được toại nguyện hoặc khi bất lực trước thiên nhiên, người Hmông dễ tự tử để hy vọng vào kiếp khác. Nhất là những đôi trai gái yêu nhau không lấy được nhau, ăn lá ngón tự tử và hứa sẽ “cầm ô đứng đợi nhau trên cổng nhà trời”.


Theo ý niệm của người Hmông, thế giới này thuộc về các thần linh cai quản, gồm có 3 tầng: Tầng trời, tầng giữa (trần gian) và tầng dưới lòng đất (địa ngục). Vị thần vĩ đại nhất của muôn loài là trời. Tầng trời là nơi cư trú của Ngọc Hoàng và các thần như thần Sấm, thần Sét, thần Mưa … và còn là nơi sinh sống của các ma tổ tiên. Tầng giữa - trần gian (ntiêx têz) là nơi cư trú và sinh sống của con người muông thú, cây cỏ … tầng dưới cùng là địa ngục, còn gọi là “đáy trần gian” (kangz ntiêx têz) chỉ là một nơi tối om, nằm sâu trong lòng đất. Người Hmông luôn tin rằng, khi con người chết đi, hồn ma được đoàn tụ với tổ tiên. Hồn con người tồn tại vĩnh viễn, nên chết chỉ là một sự hoá kiếp mà thôi.

Trong trí tưởng tượng của người Hmông, có nhiều loại thần linh và ma khác nhau. Trong thế giới âm, các loại ma quỉ, thần thánh được chia làm 2 loại: Ma lành và ma dữ. Ma lành bảo vệ cho cuộc sống của con người nên phải được tôn trọng, quan tâm tới việc cúng bái một cách chu đáo, đúng kỳ hạn; ma dữ là ma chuyên làm hại người và gia súc, mùa màng. Nếu được cúng bái kịp thời ma dữ cũng sẽ giảm bớt đi sự hung dữ.

Tục thờ cúng tổ tiên của người Hmông cũng có phần khác với người Kinh hay các dân tộc khác. Tuỳ từng dòng họ mà trong nhà có hoặc không có bàn thờ. Bàn thờ của người Hmông thường được đặt ở vách hậu gian giữa và được cố định để thờ cúng quanh năm. Trên đặt 3 ống tre để cắm hương (ống giữa thờ tổ tiên, ống bên phải thờ thần trông coi gia đình, ống bên trái thờ thần chăm sóc sức khoẻ các thành viên trong gia đình) [66]. Sáng mồng một tết, các gia đình người Hmông thường mổ một con gà để cúng tổ tiên. Chủ nhà nhổ một ít lông gà nhúng vào bát tiết sau đó đem dán lên bàn thờ. Sau khi cúng mời tổ tiên, gia chủ dán những tờ giấy bản vào công cụ sản xuất, đồ đạc trong nhà để ma các đồ vật đó được ăn tết và phù hộ cho gia đình. Khi gia đình có đám cưới, đám tang hay có người ốm đau, người Hmông cũng cúng mời ma nhà về phù hộ. Trong nghi lễ thờ cúng, người Hmông có một số kiêng kị như chỉ có con trai mới được đến gần bàn thờ; khách đến chơi không được ngồi quay lưng lại bàn thờ vì làm như vậy tổ tiên sẽ phật ý. Ma tổ tiên là ma lành nhưng nếu không thờ cúng một cách chu đáo, ma tổ tiên sẽ nổi giận và gây ra ốm


đau cho con cháu. Vì vậy, việc thờ cúng ma tổ tiên được các gia đình người Hmông thực hiện và duy trì hết sức cẩn thận.

Hệ thống thần bản mệnh trong quan niệm của người Hmông rất phong phú và đa dạng. So với một số dân tộc khác thì hệ thống thần bản mệnh này ít bị pha tạp bởi các yếu tố tôn giáo mà tương đối thuần nhất. Đó là các loại ma nhà gồm: ma cửa, ma buồng, ma giữ của, ma góc nhà, ma cột chính… Từ quan niệm đó, dẫn tới một số kiêng kị mang tính chất phong tục như: Người có thai không được bước qua cửa vào xông đất, vì làm như vậy sẽ làm cho ma cửa sợ hoặc bị ngã, khiến cả năm đó gia chủ sẽ gặp những điều không may mắn; người lạ không được tựa lưng vào cột chính, không treo quần áo hoặc các thứ khác lên cột; người lạ không được bước qua cửa buồng. Ngày tết không được thổi hơi vào bếp lửa vì sợ năm đó hơi lửa sẽ bùng to cháy nhà; không dẫm chân lên bếp vì sợ ma bếp tức giận bỏ đi. Ở một số nơi, người Hmông kiêng con dâu không được lên gác…

Trong xã hội Hmông truyền thống, Sa Man giáo có ảnh hưởng rất rộng lớn và sâu đậm. Đó là hình thức tôn giáo rất phổ biến. Thầy Sa Man là những thầy cúng (chí nềnh) chuyên nghiệp, có khả năng dùng phép đưa mình vào trạng thái hôn mê để có thể trực tiếp giao tiếp được với các lực lượng siêu nhiên (các vị thần và những linh hồn). Thầy Sa Man có thể là đàn ông hoặc đàn bà, có mặt ở khắp các bản làng của người Hmông. Nhiệm vụ chủ yếu của các thầy Sa Man là cầu cúng chữa bệnh, hoặc có thể đi sang thế giới bên kia để tìm cách đưa hồn người ốm trở về. Cũng có khi, thầy Sa Man còn sử dụng thuật bói toán để tìm của cải bị mất, hay chủ trì một số nghi lễ như cúng trừ tà, cúng ma lợn...Người có quyền năng để hướng dẫn và giúp đỡ thầy Sa Man là ông tổ ma thầy cúng (đá nềnh). "Đá nềnh" có sự am hiểu sâu sắc thế giới bên kia và thường dẫn đường cho "chí nềnh" đi tìm hồn hay trừng trị ma ác bắt hồn...[111].

Thầy Sa Man hành nghề bằng những trang bị đặc biệt. Đó là bàn thờ với cây cầu dẫn đường gồm ba cây tre dài, nhỏ như cần câu. Ba ngọn cây tre đều phải còn lá và hướng về phía bếp. Ba sợi dây lanh vắt ngang qua ba ngọn tre, nối chúng với bàn thờ Sa Man. Ba sơi dây lanh này tượng trưng cho đường đi của tổ sư Sa Man và hồn của thầy Sa Man. Đó cũng chính là đường đi sang thế giới bên kia của thầy Sa Man.


Mỗi năm, vào dịp cúng tất niên, các cây cầu này lại được thay mới. Ngoài ra bàn thờ của thầy Sa Man còn có ống hương, bát ngô rang ở bên phải và bát nước bỏ phép ở bên trái. Tầng dưới để các dụng cụ và nhạc cụ của thầy cúng, đó là đôi sừng trâu, một đôi nhạc ngựa bằng đồng, một chiếc vòng lắc gồm 7 hoặc 9 mảnh sắt nhỏ gắn kèm, một chiếc thanh la...đó là những vật thiêng kị ma của thầy Sa Man.

Qua các bài cúng của thầy Sa Man, có thể thấy thế giới bên kia cũng rất đơn giản. Trên trời có các vị thần linh phán xét hồn người chết, có những vườn hoa thơm cỏ lạ dễ quyến rũ hồn người chết mải chơi đi lạc không về. Ở đó còn là nơi ở của tổ tiên.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, những tín ngưỡng cổ truyền vẫn còn hiện hữu và chi phối rất lớn đến đời sống tâm linh của người Hmông, tiêu biểu là các hiện tượng "xưng vua" và đạo "Vàng Chứ".

Việc xưng vua của người Hmông là một hiện tượng thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội trong vài thập kỉ gần đây. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ chiều sâu lịch sử với yếu tố tâm linh cùng với tâm lí dân tộc đặc thù. Người đứng ra xưng vua thường chỉ tự nhận mình là "người được thừa hành" sự sai khiến của vua. Vua trong ý thức của người Hmông là người tài giỏi như thần, sẽ đem lại hạnh phúc cho cuộc sống của họ. Vì vậy, khi được loan tin vua sắp về, người Hmông tích cực chuẩn bị đi gặp vua hoặc đi đón vua với một niềm tin tuyệt đối. "Đây là hành động đan xen giữa những hành động đời thường, con người cụ thể với những con người ảo tưởng mà ở đó thể hiện sự mong mỏi của con người. Bởi vậy, "xưng vua" là hiện tượng vừa có tính thế tục, vừa mang tính tôn giáo"[14; tr.228].

Đạo Vàng Chứ có nguồn gốc từ Mỹ, nơi có trên 200.000 người Hmông sinh sống rải rác trong 16 bang [14]. Đạo này do một người Hmông gốc Lào cầm đầu, phát triển ra tất cả các nước có người Hmông, trong đó có Việt Nam. Xuất phát từ truyền thuyết cho rằng xưa kia người Hmông có chữ, nhưng đã bị thất lạc, những người truyền bá đạo Vàng Chứ tuyên truyền rằng: Kinh thánh chính là chữ xưa kia người Hmông đánh mất, nay người da trắng và chúa Jêsu tìm được và trả lại cho họ; chúa Jêsu thương người Hmông nhất vì họ có lịch sử và tài năng như người Do Thái và đất nước Ixraen; người Hmông cũng sẽ có được một nhà nước hùng mạnh như


Ixraen hiện nay. Đối tượng để những người truyền đạo Vàng Chứ xâm nhập, tuyên truyền là những người Hmông trẻ tuổi, nhất là sinh viên các trường đại học, móc nối với các trí thức thông qua các hội thảo trong và ngoài nước hay cấp học bổng cho sinh viên, học sinh người Hmông sang các nước tư bản đào tạo để sử dụng lâu dài [14].

Đạo Vàng Chứ từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đã lan rộng trong các vùng đồng bào Hmông ở nước ta, nhất là ở các vùng Việt Bắc và Tây Bắc. Không chỉ có vấn đề truyền đạo trái phép một cách trực tiếp thông qua một số người Hmông đã được truyền đạo, len lỏi vào tận các bản làng người Hmông heo hút, việc truyền đạo còn được tiến hành thông qua việc lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng chú ý là đài phát thanh tiếng Hmông FEBC, đây là đài thuộc đạo Tin Lành của Mỹ, lấy tên là đài Viễn Đông, có trụ sở đặt trên một hòn đảo của Mỹ, gần Philippin. Nội dung tiếng Hmông của đài chủ yếu là truyền đạo. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người Hmông rất quan tâm nghe và tin theo những nội dung phát thanh của đài này. Việc truyền đạo gây nên tính bất ổn định trong cộng đồng người Hmông. Đây là một vấn đề vừa nhạy cảm, vừa phức tạp cần được giải quyết một cách triệt để. Tuy nhiên, cũng có không ít người Hmông tỏ ra cảnh giác và không tin theo những lời rao giảng của đạo Vàng Chứ. Bởi lẽ, nó trái với những phong tục và tín ngưỡng của người Hmông có từ xa xưa. Nhà thơ Hùng Đình Quí là một người rất tich cực trong việc vận động nhân dân chống lại những luận điệu của những người theo đạo và tuyên truyền cho đạo Vàng Chứ: "Người ta lừa rằng/ Theo Vàng Chứ không làm cũng có ăn/ Thách các người cứ thử đợi/ Nếu đúng như vậy/ Tôi xin đi bằng đầu xuống đất!". Nhà thơ cảnh tỉnh đồng bào mình: "Người rước đạo về lừa ta/ Là kẻ muốn ta hết giống/ Người đem đạo về dối mình/ Là kẻ muốn ta tiệt gốc"...

Tóm lại, đời sống tâm linh là nơi trú ngụ của những niềm tin mang tính tôn giáo. Đó là những niềm tin mãnh liệt tạo dựng lên sức mạnh tinh thần. Xét dưới góc độ nào đó, quan niệm và niềm tin chính là ý nghĩa mục đích của cuộc sống. Dân tộc Hmông gan dạ, cứng cỏi, có bản lĩnh nhưng bảo thủ và cả tin. Đó là mặt

Xem tất cả 186 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí