Cơ Sở Của Mối Quan Hệ Giữa Dân Ca Dân Tộc Mông Và Truyện Thơ Tiếng Hát Làm Dâu

Như vậy, đối với nguồn gốc ngoại sinh, để cấu thành truyện thơ, không chỉ đòi hỏi có những ảnh hưởng từ nội tại của văn học mà quá trình tiếp biến văn hóa, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau diễn ra cũng vô cùng quan trọng. Sự tiếp biến này dẫn đến việc hấp thu các mô-típ, hấp thu các hình tượng và đặc biệt là dẫn đến sự thay đổi của ý thức hệ, sự thay đổi của kết thúc các truyện thơ. Về nhóm này, có lẽ truyện thơ Tày – Nùng là truyện thơ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của quá trình tiếp biến văn hóa. Các dân tộc còn lại đặc biệt là nhóm truyện thơ của các dân tộc ít có sự giao lưu văn hóa với các dân tộc khác chịu ảnh hưởng ít hơn, tuy nhiên không hoàn toàn là sản phẩm tự thân nội tại văn học. Về một khía cạnh nào đó, về một tình tiết nhất định hoặc một kết thúc thay đổi với hệ thống kết thúc truyền thống là minh chứng cho kết quả của sự giao lưu văn hóa.

Tóm lại, sự tiếp biến – giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em khi xã hội đã phân chia giai cấp với những mâu thuẫn xã hội lên đến đỉnh điểm dẫn đến một hệ quả là sự thay đổi về loại hình văn học mới. Loại hình văn học truyện thơ ra đời vừa đáp ứng yêu cầu xã hội của một dân tộc cụ thể, vừa là kết quả tất yếu trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau.

1.2. Cơ sở của mối quan hệ giữa dân ca dân tộc Mông và truyện thơ Tiếng hát làm dâu

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, dân tộc Mông là một trong những dân tộc có nhiều đóng góp làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Dân tộc Mông với những đặc điểm riêng biệt về tâm lí, đời sống văn hóa, không gian định cư, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng cùng những tư tưởng, quan niệm sống đã tạo nên một mảng màu riêng biệt của đời sống văn học dân gian. Folklore của người Mông tồn tại như một món ăn tinh thần không thể thiếu, cùng với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, làm nên tiếng nói, tạo nên giá trị của người Mông trong đời sống sinh hoạt văn hóa. Như đã trình bày ở trên, truyện thơ dân tộc Mông được xếp vào tám dân tộc đến nay đã có tác phẩm truyện thơ cụ thể được công bố và xuất bản. Tất nhiên, truyện thơ Mông cũng có những đặc trưng chung của thể loại truyện thơ, có sự hình thành không vượt qua ngoài ranh giới của hai nền tảng ngoại sinh nội sinh đã trình bày ở trên. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng cụ thể như thế nào thì không hẳn đã là tương đương giữa

truyện thơ của các dân tộc. Khác với truyện thơ Tày, Thái, Mường...truyện thơ dân tộc Mông có lẽ chịu sự ảnh hưởng từ nền tảng nội sinh nhiều hơn nền tảng ngoại sinh. Các tiểu loại văn học dân gian Mông có nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành một thể loại văn học dân gian mới của dân tộc này, đó chính là truyện thơ. Để chứng minh được lập luận này, chúng tôi quyết định tìm hiểu sự ảnh hưởng của một tiểu loại folklore, đó là dân ca đến quá trình hình thành của ba truyện thơ có nội dung được gọi chung là Tiếng hát làm dâu: truyện thơ Vừa-chúa-pua (có tên gọi khác là Tiếng hát làm dâu, Tiếng hát làm dâu Tây Bắc), truyện thơ A Thào- Nù Câu, truyện thơ Nhàng Dợ - Chà Tăng. Và cũng để lí giải thấu đáo đến đề tài luận văn, chúng tôi bắt nguồn từ sự lí giải dựa trên cơ sở mối quan hệ giữa dân ca dân tộc Mông và ba truyện thơ này dưới hai luận điểm chính: cơ sở lịch sử - xã hội và cơ sở nội tại văn học.

1.2.1. Cơ sở lịch sử - xã hội

1.2.1.1. Đặc điểm không gian địa lí định cư

Việt Nam là một quốc gia bao gồm nhiều thành phần dân tộc, chung sống trên cùng một lãnh thổ, có cùng bản sắc văn hóa và cùng chung vận mệnh lịch sử. Trên lãnh thổ nước ta hiện nay, có sự quần cư đông đúc do nhiều dân tộc anh em cùng chung sống. Có nhiều dân tộc là người bản xứ, nhưng cũng có nhiều dân tộc nhập cư đến nước ta vào những thời điểm khác nhau, những miền đất khác nhau. GS.TS. Lê Chí Quế trong Việc phân loại các dân tộc ở miền bắc nước ta cho rằng: “ở miền bắc có trên 30 dân tộc thiểu số, trong đó nổi lên mấy nhóm cơ bản: Nhóm Mường – Việt, nhóm Tày – Thái và nhóm Mèo – Dao, trong đó hai nhóm Tày – Thái và Mèo

– Dao thiên di đến nước ta từ Trung Quốc, trong đó người Tày có mặt ở Việt Nam sớm hơn cả, khoảng 2000 năm, người Dao khoảng 1000 năm, và người Mèo – Nùng chỉ khoảng vài trăm năm” [25, tr.834]. Theo sử sách của nhà Nguyễn trong Đại Nam Thực lục, đến thế kỉ XIX mới thấy có sự xuất hiện của người Mông ở Việt Nam. Cũng theo nhiều tài liệu khác, dù khác nhau về con số, nhưng tựu trung lại đều khẳng định người Mông là một dân tộc nhập cư đến nước ta từ Trung Quốc, và là tộc người nhập cư muộn nhất so với các tộc người còn lại. Theo các nhà dân tộc học Việt Nam thì phần lớn những người Mông ở miền núi phía Bắc đều di cư trực tiếp từ Quý Châu, Quảng Tây và Vân Nam sang. Riêng một số nhóm người Mông ở

vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An di cư vào Việt Nam qua Lào. Về tên gọi, người Mông có nhiều tên gọi khác nhau. Ở Trung Quốc, người Mông cư trú ở miền nam, là nhóm dân tộc lớn thứ 5 trong 56 dân tộc được Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chính thức công nhận, họ chuyên sống ở vùng núi đá cao và thường được gọi là người H’mông, người Mông, người Hơ - mông, người Hmông, người Miêu, người Tam Miêu. Ở Việt Nam, người Mông được gọi chủ yếu với các tên gọi là người H’mông, người Mèo, người Mán. Ở Lào, người Mông được gọi là người Mẹo. Về vấn đề sinh tụ và quá trình hình thành phân hóa dân tộc Mông, hiện nay vẫn chưa được chứng minh cụ thể, tất cả mới chỉ dừng lại ở những giả thuyết. Điều này cho thấy những hạn chế trong việc tái tạo lại nền văn hóa lâu đời của tộc người đông thứ năm của Trung Quốc. Điều này cũng dễ giải thích, bởi dân tộc Mông là dân tộc không có chữ viết. Tất cả nền văn hóa của họ từ bao đời nay chỉ được bảo tồn duy nhất là phương thức truyền miệng. Trong truyền thuyết, người Mông cho rằng họ cũng đã từng có chữ viết nhưng chữ viết này đã bị mất, cho nên thành thử, hiện nay chữ viết của người Mông mới được chính thức công nhận bằng loại chữ viết ghi bằng kí tự la tinh như chữ quốc ngữ. Trở lại với vấn đề sinh tụ và quá trình hình thành phân hóa các dân tộc Mông, GS. Đặng Nghiêm Vạn cho rằng: “theo các thư tịch cổ Trung Quốc, tổ tiên các dân tộc này (tức người Mông và người Dao) đã sinh tụ ở suốt một dải đất giữa sông Hoàng Hà và sông Trường Giang. Tổ tiên của họ đã đạt đến một nền văn minh lúa nước vĩ đại, có thể sánh ngang với nền văn minh của nhà Hán ở Bắc Trung Hoa. Người Hán gọi là Tam Miêu. Họ đã có nhà nước, có chữ viết, có phân tầng giai cấp xã hội, rất thạo nghề bắn cung, rèn kiếm” [6, tr.544]. Nhà thơ Chế Lan Viên trong Tâm hồn và Tiếng hát Mèo lại có ý kiến cho rằng tổ tiên người Tam Miêu là Viêm tộc [41, tr.872]. Trong lịch sử Trung Quốc có nhắc đến mâu thuẫn giữa Viêm tộc và Hán tộc. Hai tộc người này đã diễn ra rất nhiều cuộc tranh giành quyền lực và bành trướng lãnh thổ, cuối cùng Viêm tộc bị thua và dẫn đến người Miêu thuộc Viêm tộc phải rút dần xuống phía nam để tránh sự truy sát của nhà Hán. Nhưng cũng có ý kiến khác của các nhà dân tộc học cho rằng, Miêu tộc là tộc người hoàn toàn khác với Viêm tộc. Miêu tộc ở Trung Quốc có tên là Xi- Vưu, đây là một tộc người có tộc trưởng tương đương với ngôi Vương, chỉ dưới trướng quyền lực của hoàng đế. Miêu tộc được cho là có quyền lực đối với 9 bộ tộc

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 156 trang tài liệu này.

và 81 thị tộc. Dưới sự ảnh hưởng và những thành tựu rực rỡ như vậy của Miêu tộc, Viêm Đế và Hoàng Đế đã liên kết lại đánh đuổi Miêu tộc, bành trướng thế lực xuống phía nam. Miêu tộc bị thua, phân chia thành hai nhánh, nhánh người Miêu di chuyển xuống Vân Nam và Việt Nam. Nhóm người Lý ở lại vùng Hoàng Hà và về sau sát nhập trở thành công dân của Hán tộc.

Những nhận định trên mới dừng lại ở các giả thuyết của các nhà nghiên cứu sử học, dân tộc học. Có những nhận định dựa trên cứ liệu lịch sử, cũng có những nhận định là dựa trên chính các tác phẩm văn học dân gian của người Mông, đặc biệt là ca dao – dân ca. Tuy nhiên theo truyền thuyết truyền miệng và dựa vào nghi thức an táng trong bài hát Chỉ đường của người Mông, họ cho rằng lịch sử xa xưa của dân tộc họ không phải là ở Trung Quốc, mà Trung Quốc chỉ là điểm dừng chân đầu tiên trong quá trình di cư của họ. Với những truyền thuyết Con gấu ăn mặt trăng, truyền thuyết, thần thoại hóa được chuyển thể trong bài hát cúng ma Chỉ đường [31, tr.307

Ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu - 3

-335], người Mông có nhắc đến chuyện họ đã đến từ những vùng đất cực kì lạnh lẽo, ở đó ban ngày kéo dài sáu tháng và bóng tối kéo dài sáu tháng. Từ nơi này họ đã đặt chân đến Trung Quốc qua những chuyến đi săn. Vì vậy, trong Chỉ đường, người Mông quan niệm rằng, người chết phải về với tổ tiên, là nơi đầu tiên họ được sinh ra, là mảnh đất có trong truyền thuyết. Vì vậy, hầu hết các bài hát cúng ma đều nhắc đến nơi mà mặt đất vô cùng lạnh lẽo, băng giá, xứ sở đầu tiên của tộc người này.

Tóm lại, tuy chưa có nhiều dẫn chứng lịch sử để chứng minh rõ ràng nguồn gốc sinh tụ và quá trình hình thành dân tộc của người Mông ở Trung Quốc, nhưng có một điều chắc chắn rằng, người Mông là một tộc người lớn của quốc gia này. Điều này được chứng tỏ bởi số dân của dân tộc này được xếp thứ năm trong 56 dân tộc được công nhận. Chưa kể số lượng đã di chuyển và nhập cư sang Việt Nam, Lào, Thái Lan. Đồng thời, tất cả các triều đại phong kiến Trung Quốc từ thời kì Xuân Thu – Chiến Quốc cho đến đời Minh- Thanh đều có những chính sách chính trị - quân sự đàn áp người Miêu và buộc họ phải lùi dần về phía Nam. Như vậy, có thể kết luận người Mông ở Việt Nam là dân tộc có nguồn gốc nhập cư, họ đến Việt Nam rất muộn, chính vì vậy, khả năng bị đồng hóa về văn hóa với các dân tộc khác là rất ít. Khi đến Việt Nam, họ đã trở thành một dân tộc hoàn chỉnh về đời sống sinh

hoạt văn hóa cộng đồng và đại đa số các giá trị văn hóa nghệ thuật của họ đã được hình thành trên một nền tảng từ rất lâu đời. Điều này cho thấy rằng, văn học dân gian cũng như dân ca và truyện thơ của họ chủ yếu do nguồn gốc nội sinh chứ ít chịu ảnh hưởng của nguồn gốc ngoại sinh như các dân tộc khác nhập cư đến nước ta thời điểm sớm hơn.

1.2.1.2. Đặc điểm không gian sinh hoạt văn hóa – xã hội

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Mông ở Việt Nam có dân số khoảng 1.068.189 người, chủ yếu sinh sống ở các tỉnh vùng núi cao như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An...dân tộc Mông sống tập trung ở vùng núi đá, cheo leo, khí hậu thoáng mát, chủ yếu sinh sống bằng sản xuất du canh du cư, đốt nương làm rẫy, trỉa bắp, tra hạt. Họ sống tương đối tách biệt đối với các dân tộc khác, họ phân thành các ngành nhỏ hơn, như Mông Hoa, Mông Trắng, Mông Đỏ, Mông Đen, Mông Xanh, Nà Mieo, Mông Súa. Sự phân chia ra các ngành này chủ yếu là dựa vào trang phục, đặc biệt là trang phục của người phụ nữ. Người Mông Việt Nam ở tương đối phân tán, mỗi bản làng của họ chỉ vài chục nóc nhà, thường thì khoảng cách giữa các hộ gia đình khá xa, điều này gây cản trở trong việc giao lưu, buôn bán với các dân tộc khác cũng như ngay chính đối với dân tộc mình. Người Mông ở trên núi cao, tuy điều kiện khí hậu mát mẻ, song lại rất khan hiếm nước, điều đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến khả năng canh tác lúa nước của họ. Chính vì thế, nguồn thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn của người Mông không phải là lúa gạo mà là mèn mén, một loại bột ngô xay nhuyễn, nấu chín rất phù hợp với kiểu canh tác trên cạn. Thêm vào đó, người Mông rất ít khi giao lưu với các dân tộc khác, ngay chính cả người Mông với nhau. Điều này có thể dựa vào đặc điểm làm nhà và cư trú của họ. Nhà của người Mông thường được xếp đá chung quanh làm hàng rào che chắn, nhà đất trình tường, ở cách xa nhau. Hàng rào đá xếp xung quanh một nhà hoặc hai, ba nhà có quan hệ anh em nội tộc với nhau, làm thành một khu riêng biệt. Không gian sinh hoạt văn hóa duy nhất của họ, cũng là không gian giao lưu, buôn bán trao đổi hàng hóa là xuống chợ. Người Mông không giỏi buôn bán do họ phân tán ở vùng núi cao, họ cũng ít khi xuống chợ bởi do hình thức sản xuất tự cung, tự cấp của họ. Họ chỉ đi xuống chợ khi nào có nhu cầu trao đổi hàng hóa thiết yếu hoặc nhu cầu trao đổi tâm

tình. Vì thế không gian chợ đã trở thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu của họ. Thanh niên nam nữ muốn giao lưu, tìm hiểu nhau hoặc những người có vợ có chồng muốn tìm nơi tâm tình với người trong mộng chỉ có thể xuống chợ tình được tổ chức một năm một lần, hoặc đợi các dịp lễ tết lớn mới có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi về văn hóa, phong tục, tập quán. Mỗi lần xuống chợ, cả đi cả về có thể mất vài ngày đường, vô cùng xa xôi. Do vậy, đối với họ, chợ còn là nơi vui chơi, giải trí, nơi giao tiếp học hỏi, nơi tìm bạn trăm năm.

Người Mông có tập tục, nghi thức vô cùng hà khắc đối với phụ nữ trong gia đình. Ở nhà mẹ đẻ, người con gái thường không được tham gia vào công việc gia đình, họ cho rằng, con gái chỉ là những bông hoa dại, không thể “cầm thìa để cúng bái, cầm thìa để cúng lễ”. Vì vậy, trước đây thân phận của họ rất khốn khổ. Ở gia đình nhà chồng, người con dâu không được phép vào nơi ngủ của bố chồng hoặc em chồng, cũng không được phép về nhà bố mẹ đẻ khi chưa được sự đồng ý của gia đình nhà chồng. Ngay cả khi gia đình nhà chồng có quan hệ gần gũi (trong họ) với gia đình nhà cha mẹ đẻ. Hệ thống tín ngưỡng của người Mông cũng rất phong phú, họ thờ rất nhiều thần, và những thần ấy đều được phân chia cai quản từng vùng theo những chức năng nhất định. Hôn nhân của họ thông qua các tập tục cưới xin hà khắc, tiêu biểu nhất là nạn tảo hôn và nạn gả bán dưới quyền lực của đồng tiền, tín ngưỡng, và chế độ phụ quyền.

Tóm lại, với không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng như đã trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng, dân tộc Mông là dân tộc ít chịu ảnh hưởng từ các dân tộc khác, họ có ý thức rất mạnh mẽ để bảo tồn và lưu truyền những phong tục, tập quán của mình cũng như những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng cụ thể. Vì họ ít có cơ hội để giao lưu với quá trình tiếp biến văn hóa, cho nên dẫn tới hệ quả tất yếu rằng, ý thức hệ của họ được bảo tồn tương đối thuần nhất, ít chịu ảnh hưởng từ ý thức hệ của các dân tộc khác cũng như ít chịu ảnh hưởng từ thế giới quan, nhân sinh quan. Từ đó cho thấy rằng, văn học dân gian của người Mông cũng như vậy, nó ít chịu ảnh hưởng từ nền tảng ngoại sinh và tiếp biến mà chủ yếu dựa trên nguồn gốc nội sinh.

1.2.2. Cơ sở nội tại văn học

1.2.2.1. Sự đa dạng, phong phú của kho tàng văn học dân gian Mông

Nói đến sự ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông đến sự hình thành của thể loại văn học truyện thơ, chúng ta thấy rằng đó là một quá trình kế thừa từ rất lâu đời. Truyện thơ đã chọn lọc từ một kho tàng văn học phong phú, được xây dựng khởi thủy từ hàng ngàn năm của chính dân tộc mình. Có thể nói, hiếm có dân tộc nào lại như dân tộc Mông. Họ không có chữ viết. Tuy rằng trong truyền thuyết, người Mông đã từng nhận định rằng họ có chữ viết, họ có hẳn một nghi thức cúng Bùa Đáng trong bài hát cúng ma để tạ ơn chữ viết đã mất, điều này cũng có thể hiểu được, bởi vì một tộc người có truyền thống lâu đời như vậy, cộng với số dân đông đảo không có chữ viết là một điều khó hiểu. Tuy nhiên, đến ngày nay, người Mông vẫn không thể chứng minh được chữ viết của họ đã tồn tại như thế nào, vì thế, giới nghiên cứu vẫn khẳng định, trong lịch sử chữ viết không tồn tại với dân tộc này. Chính vì điều đó, dẫn tới nền văn học nghệ thuật của người Mông chỉ có văn học dân gian truyền miệng cho đến thời điểm trước khi có chữ viết theo kí tự la-tinh. Họ không giống như các dân tộc khác có văn học trung cận đại và văn học chuyển giao, nền văn học dựa trên chữ viết để bảo tồn. Điều này cũng đi kèm yếu tố cá nhân tác giả trong văn học dân gian Mông. Chúng ta khi tìm hiểu tất cả các câu chuyện cổ, các bài hát dân ca, các bài hát truyện thơ, hoặc các loại hình diễn xướng dân gian khác của dân tộc này, chủ yếu chúng ta chỉ tiếp cận với khái niệm người hát, người kể chứ không tiếp cận được khái niệm người sáng tác. Điều đó cho thấy, cả dân tộc Mông đã dồn hết tâm sức của họ để xây dựng một nền văn học dân gian có nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Tất nhiên là cũng như các dân tộc khác, dựa vào đặc điểm của dân tộc mình, người Mông chọn lựa những loại hình văn học dân gian chủ lực làm nền tảng. Trong đó dân ca và truyện thơ là hai thể loại đạt được nhiều thành công rực rỡ nhất.

Nếu xét đến các thể loại văn học dân gian Mông, chúng ta có thể kể đến truyện cổ Mèo, dân ca Truyện thơ. Người Mông cũng có thần thoại, có truyền thuyết, thậm chí có thể có cả các pho sử thi đồ sộ, bởi ẩn chứa đâu đó trong các bài hát cúng ma, bài hát cưới xin cũng như bài hát tình yêu của họ, ta vẫn thấy thấp thoáng những hình ảnh nhân vật, những sự kiện minh chứng ít nhiều cho sự tồn tại của các thể loại này trong đời sống sinh hoạt tinh thần phong phú của người Mông.

Tuy nhiên trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến sự phong phú của kho tàng văn học Mông trên ba thể loại: truyện cổ, dân ca và truyện thơ.

-Về truyện cổ: Trong cuốn Truyện Cổ dân tộc Mèo do tác giả Lê Trung Vũ sưu tầm và biên soạn, NXB Văn hóa Hà Nội năm 1975 [40] đã thống kê được 49 câu chuyện cổ và khảo dị của nó. Những câu chuyện cổ này chủ yếu kể về những nhân vật mồ côi với các quan hệ mâu thuẫn khác nhau, hoặc là kể nhằm mục đích giải thích một tích truyện nào đó tồn tại trong cộng đồng người Mèo, với những bất công, ngang trái trong xã hội đương thời.

-Về hệ thống dân ca: Trong cuốn Dân ca Mèo do tác giả Doãn Thanh sưu tầm, biên dịch xuất bản năm 1967 [31], dân ca của người Mèo bao gồm 6.008 câu thơ được chia thành bốn loại tiếng hát cơ bản:

+ Tiếng hát cưới xin 619 câu.

+ Tiếng hát làm dâu 610 câu.

+ Tiếng hát cúng ma 1663 câu.

+ Tiếng hát mồ côi 367 câu.

+ Tiếng hát tình yêu 2749 câu.

-Về hệ thống truyện thơ: Trong Tổng tập văn học dân gian Việt Nam, tập 21, do GS.TS Nguyễn Xuân Kính chủ biên, đã tổng hợp lại quá trình sưu tầm và công bố, xuất bản truyện thơ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Theo tài liệu này, từ năm 1957 cho đến 2008 đã có 15 truyện thơ của người Mông được sưu tầm và công bố [12, tr.41-42]. Trong đó có 13 truyện được giới thiệu dưới hình thức song ngữ, hai truyện chỉ có bản dịch Tiếng Việt. Tiêu biểu phải kể đến những truyện thơ như: Tiếng hát làm dâu, (còn gọi là truyện Vừ- chúa-pua), A Thào- Nù Câu, Nhàng Dợ- Chà Tăng, Gầu Li- Nụ Dia, Sẻo Mỉ - A Sình....

Như vậy, có thể nói với sự phong phú, đa dạng của các thể loại văn học dân gian dân tộc Mông, đó chính là một nền tảng lớn, tạo nên sự ảnh hưởng trong quá trình kế thừa các giá trị nội dung thẩm mĩ và các giá trị hình tượng nghệ thuật của thể loại văn học truyện thơ dân gian. Với 15 tác phẩm đã được công bố và xuất bản, truyện thơ Mông xứng đáng được trân trọng bởi nó đã góp phần không nhỏ làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian, đặc biệt là kho tàng truyện thơ dân gian của Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/10/2023