Trữ Lượng Của Văn Tế Và Nguồn Văn Liệu Dùng Cho Luận Án


khi tiêu đề ghi là “tế sống” như Văn tế sống thầy đồ hủ, ghi bình thường như Văn bà xã tế ông xã, ghi khôi hài như Văn mụ Quýnh tế lão Cướng, mượn loài vật để tế như Văn tế con chuột. Mục đích viết những bài văn tế này là gây cười hoặc nêu lên sự phản đối của tác giả về một hiện tượng xấu xa nào đó của con người nói riêng, của xã hội nói chung.

1.3.3. Đặc trưng thể loại của văn tế

Từ lâu, văn tế đã được xem là một thể loại văn học. Nhiều tuyển tập thơ văn Hán Nôm có sưu tập cả loại văn tế ([1], [2], [8], [10], [14]…) cho thấy từ xưa văn tế đã được xếp cùng loại với thơ văn. Một số công trình nghiên cứu ra đời vào những thập niên đầu và giữa thế kỷ XX (như Quốc văn cụ thể của Bùi Kỷ-1927, Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính-1938…) đều xem văn tế là một thể loại văn học. Vì vậy, khi nghiên cứu văn tế, không thể tách nó ra khỏi hệ thống đặc trưng thể loại. Đặc trưng của từng thể loại văn học có tầm quan trọng quyết định trong nghiên cứu thể loại ấy. Bởi vì “việc xác định đúng đắn những đặc trưng nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật là một vấn đề hết sức quan trọng, giúp người nghiên cứu, giảng dạy và học tập có thể đi sâu vào bản chất nghệ thuật của một thể loại, khám phá chính xác các giá trị nội dung và hình thức riêng của nó, giải mã được các tín hiệu thẩm mỹ trong các văn bản nghệ thuật quá khứ” [155; 14]. Nghiên cứu thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam trước tiên cũng phải xác định đúng đặc trưng về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật và những vấn đề khác có liên quan. Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam có các đặc trưng cơ bản sau:

1.3.3.1. Đặc trưng về chức năng

Chức năng ban đầu của văn tế là đọc trong lễ tế thần để cầu phúc, sau đó là tế người chết để bày tỏ lòng tiếc thương. Chức năng này ra đời ở Trung Quốc từ thời cổ đại, về sau vẫn rất ít thay đổi. Văn tế của Việt Nam cũng mang những chức năng nguyên thuỷ như trên, nhưng theo chuyển biến của thời đại, về sau còn được dùng với nhiều chức năng khác như cổ vũ chiến đấu chống kẻ thù, phê phán thói hư tật xấu…

1.3.3.2. Đặc trưng về phương thức phản ánh

Vì văn tế thể hiện sự tưởng nhớ, tiếc thương dành cho người chết nên về căn bản thuộc loại văn trữ tình. Phương thức tự sự cũng có nhưng ít hơn, khi kể lại cuộc đời người chết. Hơn nữa, “ngay cả những đoạn tự sự cũng không phải là tự sự thuần tuý mà là tự sự

- biểu cảm, tự sự trong không khí trang nghiêm và xúc động” [155; 17]. Văn tế là một


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 335 trang tài liệu này.

trong những thể loại thể hiện rò cái tôi trữ tình của tác giả. Phương thức phản ánh của văn tế trái ngược với văn bia, vì văn bia căn bản thuộc loại văn tự sự, phương thức trữ tình cũng có nhưng rất mờ nhạt.

1.3.3.3. Đặc trưng về văn tự

Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 6

Do thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam nằm trong phạm trù trung đại, văn tự dùng để viết là chữ Hán và chữ Nôm, vì vậy về văn tự có văn tế chữ Hán và văn tế chữ Nôm. Văn tế chắc chắn du nhập vào nước ta và trở nên thông dụng từ rất sớm. Trong thời kỳ đầu khi chưa có chữ Nôm, văn tế được viết bằng chữ Hán, nhưng vì nhiều lý do nên không bảo tồn được hoặc chưa được phát hiện. Nếu không kể tác phẩm văn tế sớm nhất đến nay ra đời vào đầu đời Trần Văn tế cá sấu theo nhiều nhà nghiên cứu là đã thất truyền, thì ba tác phẩm văn tế ai điếu sớm nhất với hai loại văn tự tìm được cho đến nay cũng có niên đại đời Trần là Văn tế một vị công chúa tương truyền của Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bích Châu tế văn của Trần Duệ Tông viết bằng chữ Hán và Văn tế Nguyễn Biểu của Trần Trùng Quang viết bằng chữ Nôm.

Những tác gia Hán Nôm danh tiếng thường cũng có sở trường về văn tế, có người viết cả văn tế chữ Hán và văn tế chữ Nôm. Cả hai loại đều có số lượng rất nhiều, đồng thời có nhiều bài hay. Khi nói về số lượng từng loại theo văn tự, có nhà nghiên cứu phỏng đoán, phần lớn văn tế được viết bằng chữ Hán, số lượng văn tế Nôm không nhiều [111; 44]. Tuy nhiên, dù có một sự thật là nhiều bậc trí thức nhà Nho xưa thuần thục chữ Hán và các thể văn Trung Hoa hơn các thể văn nước nhà, thực tế vẫn cho thấy, số lượng văn tế Nôm không kém thua văn tế chữ Hán, nếu không nói có phần vượt trội. Bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu cũng ghi nhận nhiều tuyển tập văn tế Nôm (Quốc âm tế văn, AB.318; Quốc âm tế văn ca phú, VNv.150; Văn tế Nôm, VNv.173…) hoặc tuyển tập văn tế Nôm có chen văn tế chữ Hán (Điếu văn, VNv.285A…), chưa kể các sách gia lễ, gia huấn và tuyển tập thơ văn nói chung của các tác gia khác. Tuy chưa thể thống kê cụ thể, nhưng điều này cho thấy số lượng văn tế Nôm cũng rất nhiều.

Về giá trị văn chương, văn tế chữ Hán ít bài xuất sắc, trong khi rất nhiều bài văn tế xuất sắc có tính chất quan phương (Tế trận vong tướng sĩ văn, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…) hoặc tính chất cá nhân, gia tộc (Văn tế chị, Văn tế Trương Quỳnh Như…) được viết bằng chữ Nôm. Đúng như nhận định rất khiêm dè nhưng cũng rất phù hợp thực tế của


Phạm Tuấn Vũ: “Không rò số văn tế hiện chúng ta chưa được biết có tạo ra sự thay đổi lớn hay không, còn cứ nhìn vào số văn tế đã biết thì ưu thắng cả về số lượng và chất lượng đã thuộc về văn tế Quốc âm.” [157; 53] Hiển nhiên, thành tựu của thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam thuộc về văn tế Nôm lý do chủ yếu vì chữ Nôm là chữ Quốc ngữ, do cha ông ta chế tác để ghi tiếng nói của dân tộc, nên thích hợp hơn trong việc bày tỏ tâm lý, tình cảm của người dân Việt.

1.3.3.4. Đặc trưng về văn thể

Văn tế được viết bằng nhiều thể văn khác nhau. Có thể chia văn tế thành các dạng theo thể văn là phú, văn xuôi, thơ hoặc kết hợp các thể văn với nhau trong một bài văn tế.

Trong các thể văn trên thì phú, đặc biệt là phú Đường luật, được vận dụng nhiều nhất. Phú là lối văn vừa trang nhã vừa sang trọng, lại dễ tỏ bày tâm trạng theo nhiều cung bậc trầm bổng, uyển chuyển khác nhau, nên rất được chuộng dùng viết văn tế. Phú cũng là lối văn được đề cao và ưa chuộng thời xưa, khi nó được nhiều học giả nổi tiếng của Trung Quốc và Việt Nam thời xưa đặt ở vị trí hàng đầu trong các tuyển tập của mình, tiêu biểu như Tiêu Thống (Trung Quốc, đời Lương) trong Văn tuyển và Bùi Huy Bích (Việt Nam, đời Lê - Trịnh) trong Hoàng Việt văn tuyển đều xếp lối phú ở vị trí đầu tiên.

Văn tế viết theo kiểu phú Đường luật phần nhiều dùng độc vận. Vần của bài gieo vào cuối câu (vần chân). Câu văn tế gọi là liên, mỗi câu có 2 vế đối nhau. Số câu được tính bằng số vần. Kiểu câu trong thể này thường hạn chế trong một số cấu trúc cố định như tứ tự, bát tự, song quan, cách cú, hạc tất… Về thể thơ thì lục bát và song thất lục bát là hai thể thơ thuần Việt, tuy văn tế viết theo hai thể thơ này không nhiều nhưng đều là những tác phẩm xuất sắc. Nhìn chung, việc dùng thể thơ nào chủ yếu tuỳ theo sở trường của tác giả và cốt sao việc diễn đạt được trọn vẹn.

1.3.3.5. Đặc trưng về bố cục

Vì phú là lối văn dùng phổ biến nhất trong văn tế nên chúng tôi đưa ra bố cục của một bài văn tế theo lối này. Thông thường bài văn tế theo lối phú có bốn phần như sau (có tham khảo Văn học Việt Nam [43; 65]):

1/ Lung khởi: Đoạn mở đầu, thường bắt đầu bằng chữ Duy hay các nhóm từ Than ôi, Than rằng, Thương ôi, sau đó là một đoạn nói lên tâm trạng hiện tại và luận chung về lẽ sống chết. Đoạn này gồm một câu cách cú hoặc gối hạc và một câu song quan.


2/ Thích thực: Kể về thân thế, phẩm hạnh, công đức, sự nghiệp và kỷ niệm của người đã qua đời. Thường bắt đầu bằng cụm từ Xót (nhớ, nghĩ, tưởng) ông (bà, cha, mẹ…) thay. Phần này trước tiên đặt vài câu 4 chữ hoặc 8 chữ, sau đó đến những câu cách cú, song quan, gối hạc, số câu nhiều ít tuỳ ý.

3/ Ai vãn: Than tiếc người đã mất. Thường bắt đầu bằng những tiếng Ôi, Hỡi ôi.

4/ Kết: Bày tỏ lòng thương tiếc, kính trọng, nhớ ơn của người đứng tế hay của người còn sống nói chung. Thường bắt đầu bằng cụm từ Con (tôi, chúng tôi, bản chức…) nay, kết cục thường đặt thêm các chữ Thượng hưởng, Phục duy thượng hưởng, Cẩn cáo, ý nói mời linh hồn về chứng giám, hưởng lễ...

Trên đây là bố cục thông thường của 1 bài văn tế. Tuy nhiên, do sự phong phú, đa dạng về mặt văn thể cũng như ý thức của người viết, trên thực tế các bài văn tế không nhất thiết hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc trên.

1.3.3.6. Đặc trưng về nội dung

Nội dung của văn tế không nằm ngoài chức năng tế lễ nhưng trong quá trình phát triển, biên độ nội dung không ngừng mở rộng cả về chiều sâu tư tưởng và chiều sâu tâm lý sáng tác. Điều đó được thể hiện qua dạng văn tế ai điếu và văn tế trào phúng.

Nội dung chính của văn tế ai điếu là kể lại cuộc đời, công đức của người chết, tức là qua nội dung, chúng ta có thể biết được phần nào hành trạng của người ấy; đồng thời bày tỏ tình cảm, lòng tiếc thương của người sống dành cho người chết. Bên cạnh đó, ở những hoàn cảnh đặc thù, một số bài còn thể hiện tinh thần nhân đạo, vì nhân sinh, cao hơn nữa là vì cộng đồng, vì dân tộc, với nội dung yêu nước, ca ngợi những người hi sinh vì đại cuộc, nêu lên quyết tâm tiêu diệt kẻ thù với đối tượng hướng tới là người sống và được dung chứa bằng một sự đồng cảm, ngưỡng mộ lớn lao. Vì có nội dung như thế nên đặc điểm chung của văn tế là thường không nói đến khuyết điểm của người chết. Đành rằng “nhân bất thập toàn”, con người không ai không có khuyết điểm, nhưng “trước cái chết, người ta xoá bỏ mọi oán thù, từ bỏ mọi phê phán người đã chết”, công đức bao giờ cũng được đánh giá cao, mọi khuyết điểm được giảm nhẹ và triệt tiêu, ưu điểm được đề cao và tưởng nhớ [155; 17].

Trái ngược với nội dung ca ngợi của văn tế ai điếu, với dạng văn tế trào phúng thì nội dung chính là phê phán. Đương nhiên đối tượng của những bài văn tế này thường là


kẻ xấu, bị mọi người oán ghét, chê cười. Tính chất thậm xưng cái xấu vì thế cũng không thể tránh khỏi. Nhưng “thậm xưng” ở đây không phải hoàn toàn hư cấu, mà là nói quá từ một cái xấu có thật, từ đó nâng cao mục đích phê phán, chiến đấu của dạng văn tế này.

Như vậy, cùng với nội dung truyền thống là ai điếu người chết bày tỏ lòng xót thương, tưởng nhớ, thể loại văn tế còn thể hiện tinh thần nhân đạo với đồng loại, bất kể đó là ai; thể hiện lòng trân trọng, tự hào trước những tấm gương hi sinh vì nước, ca ngợi lòng yêu nước, tinh thần vì chính nghĩa. Đi liền với những nội dung trên là hình tượng các bậc anh hùng nghĩa sĩ, nhân sĩ chí sĩ được đề cập trong các bài văn tế. Chính tính cách, đức độ, ý chí, công lao của họ là nguồn cảm hứng sáng tạo nên tác phẩm. Đồng thời, do văn tế gắn liền với cảm nhận về sinh tử, nên trong đó ít hoặc nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề sinh tử theo tư tưởng Tam giáo (tư tưởng Tam giáo về sinh tử chỉ được vận dụng như một phương tiện để tác giả bày tỏ nguyện vọng của mình về một nơi quy hướng tốt đẹp cho người chết, chứ không phải là một trong những nội dung chính của văn tế). Nội dung trào phúng cũng là điểm đặc biệt làm cho văn tế vượt khỏi chức năng truyền thống. Có thể thấy, nội dung của văn tế trung đại Việt Nam là tương đối rộng.

1.3.3.7. Đặc trưng về giọng điệu

Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam không chỉ phong phú về nội dung mà còn đặc sắc về giọng điệu. Đây cũng là yếu tố tạo nên nét độc đáo của thể loại này.

Ngoài giọng điệu chính là xót thương, tuỳ theo đối tượng, nội dung, mục đích sáng tác…, văn tế còn mang nhiều giọng điệu khác nhau. Có thể là giọng thê thiết bi ai khi khóc người yêu, người thân; giọng buồn thương, xót xa khi tế chúng sinh; giọng hùng nghiêm, rắn rỏi khi tế anh hùng nghĩa sĩ; giọng căm phẫn khi nói về sự tàn bạo của giặc và sự khổ nhọc, vất vả của nhân dân; giọng hào hùng, dồn dập khi nói về khí thế hiên ngang chống lại kẻ thù; giọng bi tráng khi nói về sự hi sinh của anh hùng nghĩa sĩ; giọng hài hước, trào lộng khi tự giác nhận ra tật xấu của mình; giọng đả kích, phê phán mỉa mai khi nói về cái xấu và kẻ thù…

1.3.3.8. Đặc trưng về ý thức và mục đích sáng tác

Ý thức và mục đích sáng tác văn tế liên quan mật thiết đến đối tượng tiếp nhận của thể loại này. Văn tế là thể loại văn học có vùng tiếp nhận đặc thù. Trong khi các thể loại


văn học khác hướng tới đối tượng tiếp nhận duy nhất là con người bằng xương bằng thịt, thì văn tế có đến hai loại đối tượng.

Đối tượng đầu tiên là linh hồn người chết, mục đích đầu tiên của văn tế là đọc cho người chết nghe. Cũng từ đó đã tạo ra một không gian nghệ thuật độc đáo của văn tế mà nhiều thể loại khác không có: không gian của tâm linh, siêu thực, linh thiêng và huyền ảo. Trong ý thức văn hoá cổ và tâm thức của người xưa, linh hồn người chết là bất tử, vẫn nghe thấy, nhìn thấy và tiếp nhận được nội dung bài văn tế. Linh hồn có thể hiện diện, chứng kiến, quán xét hành vi của người sống, có thể giúp người hiền phạt người dữ, thậm chí còn là hiện thân của tinh thần chống giặc.

Thiên hướng nghiêng về phía đối tượng là người chết chi phối rất lớn đến tâm lý sáng tác của tác giả văn tế thời trung đại. Trong quan niệm của con người, cái chết là bất hạnh, đáng thương, nhưng linh hồn lại tinh anh, bất tử. Đó cũng chính là nguồn gốc cho sự ra đời lễ tế. Tác giả nào cũng tiếc thương người chết nhưng lại linh thiêng hoá linh hồn của họ. Quan niệm này của tác giả văn tế và con người nói chung có một ý nghĩa tích cực là giúp người đời biết làm lành lánh dữ, tự điều chỉnh hành vi của mình trong cuộc sống.

Đối tượng thứ hai là người sống. Người dự lễ tế (người thân, bạn bè, láng giềng của người chết), người đọc văn tế, thậm chí là chính tác giả đều là đối tượng của bài văn tế. Với đối tượng này, mục đích ca ngợi của văn tế không chỉ dành cho người được tế, mà đó cũng chính là những nét đẹp, những bài học mà mọi người, kể cả tác giả, cần phải noi theo. Điều này đã tạo ra một không gian nghệ thuật đa chiều cho văn tế: thời gian đồng hiện của quá khứ (cuộc đời, công đức của người chết) - hiện tại (tưởng nhớ, thương tiếc, nhớ ơn) - vị lai (noi theo, học tập đức tốt của người chết).

Như vậy, dù ý thức và mục đích sáng tác như thế nào, văn tế đều có ảnh hưởng rất tích cực đến sự điều chỉnh hành vi của con người. Chính đặc điểm này đã tạo nên tính nhân văn vô cùng độc đáo và sâu sắc cho thể loại văn tế.

Với đối tượng tiếp nhận là người sống thì lớp đối tượng này cũng khác với đối tượng của các thể loại khác. Khi tiếp nhận các thể loại khác, người ta có thể khen chê, tán đồng, phản đối, cũng có thể nhận xét, đánh giá, phê bình, tức là nó mở ra một vùng tiếp nhận, phản biện phong phú, rộng lớn cho người tiếp nhận. Còn đối tượng (người đọc, người nghe) của văn tế thì hoàn toàn tiếp nhận. Đây không phải là sự tiếp nhận thụ động


mà do sự quy định từ tính chất trang nghiêm của nghi lễ và thái độ thành kính trước người đã khuất.

Điều vừa nói trên rất đúng với câu nói dân gian “Khôn văn tế, dại văn bia” hay “Khôn văn ai, dại câu đối” ý nói viết văn tế ít bị “xoi mói” hơn viết văn bia, câu đối, hay các thể loại khác nói chung. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cách nói ví von. Không phải vì ít bị xoi mói mà tác giả văn tế muốn viết thế nào cũng được. Văn tế cũng có những quy cách riêng của nó. “Thời trung đại, văn tế không chỉ là sáng tác văn học mà còn là hiện tượng của đời sống, của tập quán, của phong tục. Đặc tính này đặt người viết đứng trước nghịch lý giữa riêng và chung, cụ thể và khái quát, thực tại và hư cấu, cảm xúc và lý trí. Những mâu thuẫn biện chứng này ai sáng tạo văn chương cũng đều phải giải quyết, tuy nhiên ở văn tế có những đặc điểm riêng vì thế người viết bị trói buộc chặt hơn.” [157; 56] Bởi vì bài văn tế bao giờ cũng có đối tượng cụ thể, do đó mối quan hệ giữa người đứng tế và người được tế được xác định, có thể không cần đề cập mức độ hay dở của bài văn tế, nhưng nội dung của nó sẽ được người đọc người nghe “thẩm định” đúng sai. Vì vậy, tác giả văn tế không thể viết tuỳ tiện, tự do hư cấu hay chỉ sử dụng các chất liệu khuôn sáo từ sách vở.

1.3.3.9. Đặc trưng về tâm linh

Quan niệm về cái chết trong văn tế thể hiện rò quan niệm tâm linh của người xưa, khi cho rằng chết là sự giải thoát cho người ra đi, đồng thời cũng phản ánh tâm thức Nho giáo (chết vì vua, xã tắc; được trở về với tổ tiên…), tâm thức Phật giáo (về còi Niết Bàn, sinh ký tử quy…), tâm thức Đạo giáo (hạc giá vân du, chuyển hoá vận số…) về cái chết.

1.3.3.10. Đặc trưng về tác giả

Văn tế Hán Nôm hiện có một số lượng lớn tác phẩm khuyết danh và chưa rò tác giả. Trường hợp thứ nhất là những tác phẩm ra đời trong dân gian hoặc có tác giả nhưng không để lại tên tuổi, đến nay không xác định được. Trường hợp thứ hai là những tác phẩm có tác giả, được người đời sau sưu tập vào các tuyển tập nhưng không ghi tác giả cụ thể cho từng bài; hoặc có ghi chức quan, tước hiệu, họ hoặc quê quán của tác giả nhưng chưa xác định được đó là ai. Trường hợp này thường thấy trong các tuyển tập Hán Nôm.

Tác giả văn tế có đặc điểm là đa dạng, gồm cả nam và nữ; thuộc nhiều tầng lớp: vua, quan lại, người bình dân; thuộc nhiều mối quan hệ: vợ chồng; cha mẹ - con cái, anh


chị em, ông bà-cháu, vua-bề tôi, bạn bè, chủ tớ, người xa lạ… Điều đặc biệt về tác giả văn tế là có nhiều người viết hộ. Đây cũng là những yếu tố giúp nội dung và cách diễn đạt của văn tế thêm phong phú.

1.3.4. Trữ lượng của văn tế và nguồn văn liệu dùng cho luận án

Trong sinh hoạt tín ngưỡng cũng như đời sống tinh thần của người Việt Nam và người Trung Quốc, tang tế là một trong những việc hệ trọng nhất đời người, cũng là sự kiện để mọi người bày tỏ tình cảm và chia sẻ mọi chuyện với nhau. Đối với con cháu, chữ hiếu làm đầu, cha mẹ còn sống phải giữ tròn hiếu đạo, cha mẹ qua đời phải lo tròn tang tế. Người con hiếu thờ cha mẹ có ba đạo: Cha mẹ còn sống ắt phải phụng dưỡng, qua đời ắt phải lo tròn tang ma, tang ma xong rồi ắt phải làm lễ tế [88; 202]. Điều đó cho thấy đạo làm con không chỉ phải phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còn sống, mà phải lo tròn tang lễ khi cha mẹ qua đời và làm lễ tế đúng kỳ theo nghi lễ.

Ngoài con cháu và người thân của người quá cố, còn có nhiều người với những mối quan hệ khác nhau như bạn bè, hàng xóm, đồng liêu, thầy trò, thậm chí là người chưa quen biết… đều có thể đến nhà chia buồn, thăm hỏi.

Đối với nhà Nho, họ có cách bày tỏ đặc biệt. Không muốn những lời bày tỏ, chia buồn chỉ thoáng qua trong phút chốc, họ đã tưởng nhớ, hoài niệm để viết thành những bài văn với nội dung chân thật, đầy cảm xúc để đọc trong buổi tế và lưu truyền lại trên đời. Lịch sử văn tế của Việt Nam còn ghi nhận rất nhiều bài văn tế của các tác giả hữu danh và khuyết danh, trong đó có cả một số bài tế người không thân thuộc hoặc không quen biết. Dễ dàng nhận thấy, từ chức năng đặc thù của văn tế trong xã hội thời xưa, cùng với lối sống tình nghĩa của người Việt, văn tế là loại văn rất thông dụng thời xưa, nên trữ lượng văn tế trung đại Việt Nam là rất lớn, “gần như mở một văn tập bất kỳ nào của cổ nhân cũng bắt gặp loại văn này, danh mục rất nhiều với nhiều tên gọi” [18; 62]. Có thể ví von, ngày nay người ta hay đi viếng tang bằng vòng hoa thành kính, thì ngày xưa người ta đi viếng bằng những bài văn tế trang trọng (hoặc thơ viếng, câu đối viếng). Ngay cả thời hiện đại, tuy tại các đám tang người ta không còn đọc văn tế (thảng hoặc nếu có thì viết bằng Quốc ngữ) nhưng văn tế thần viết bằng chữ Hán chữ Nôm vẫn còn được dùng tại một số di tích, cơ sở thờ tự.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022