Phương Pháp Nghiên Cứu Lịch Sử - Xã Hội: Nghiên Cứu Văn Tế Trong Mối Liên Hệ Với Lịch Sử - Xã Hội.


Bá Quát toàn tập (2012) [69]... Một số tờ báo như Nam phong, Phụ nữ tân văn, Nông cổ mín đàm, Đồng Nai văn tập… có giới thiệu một số bài văn tế trong nhiều kỳ. Chúng tôi cũng đã giới thiệu 8 bài trên Tạp chí Hán Nôm, Thông báo Hán Nôm học, Xưa và Nay, Bình luận văn học.

Tác giả có tác phẩm được sưu tập nhiều nhất là Phan Bội Châu, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Bá Xuyến; tác giả được giới thiệu nhiều nhất là Nguyễn Đình Chiểu.

Một số công trình thông qua viết về một tác giả có giới thiệu văn tế của tác giả khác: Chân dung Phan Thanh Giản (1974) [93] có Văn tế Vò Trường Toản và Phan Thanh Giản của Nguyễn Trọng Tổn; Ngô Thì Nhậm trong văn học Tây Sơn (1985) [68] có Phụng soạn tôn tế bắc lai trận vong chư tướng văn (Văn tế tướng sĩ nhà Thanh tử trận) của Vũ Huy Tấn; Nguyễn Huy Quýnh cuộc đời và thơ văn (2012) [77] có Tế Hữu Đốc thị Nguyễn Phùng Hiên (Văn tế Nguyễn Phùng Hiên) của Phạm Nguyễn Du...

Một số sách giới thiệu tác phẩm có trình bày đôi nét về nội dung và nghệ thuật, trong đó đáng chú ý có Văn tế cổ và kim, Xuyến Ngọc hầu tác phẩm... nhưng nhìn chung rất sơ lược. Các sách này chủ ý sưu tập tác phẩm, không phải là công trình nghiên cứu chuyên sâu nên tác giả không đưa ra lý giải hay chứng minh cho những luận điểm của mình. Tuy nhiên, từ những điều trình bày vắn tắt ấy cũng có thể là cơ sở cho những nghiên cứu chuyên sâu.

Ngoài ra, một số từ điển giải thích mục “văn tế” khá chi tiết như Văn hoá phong tục Việt Nam (2002, tái bản) [103], Từ điển văn học bộ mới) (2004) [58], Từ điển thuật ngữ văn học (2007, tái bản) [46]…

Nhận xét chung: Chiếm tỉ lệ lớn nhất là các công trình sưu tập giới thiệu tác phẩm, kế đến là nghiên cứu tác giả tác phẩm, sau cùng là nghiên cứu thể loại. Các công trình trên nghiên cứu chung về thể loại cũng có, nghiên cứu riêng về tác giả tác phẩm cũng có, nhưng nhìn chung chỉ ở một chừng mực nhất định. Về nội dung một số công trình chú ý nhiều đến nội dung yêu nước, kế đến là nội dung nhân đạo; nội dung trào phúng cũng được nói đến nhưng chủ yếu chỉ nói về Văn tế vợ của Trần Tế Xương, Văn tế Crivier của Nguyễn Khuyến. Về nghệ thuật thường đề cập vấn đề thể văn và ngôn ngữ ở mức độ sơ lược. Các sách khi viết về văn tế đều chọn phân tích trong số những tác phẩm quen thuộc của những tác giả nổi tiếng. Nếu có nhắc đến một vài tác phẩm khác thì chỉ đưa ra tiêu đề


hay văn bản tác phẩm mà không phân tích hay nhận xét về chúng. Chính vì thế, một thể loại chứa đựng nhiều điều thú vị như văn tế chắc chắn vẫn còn cần sự quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu của giới nghiên cứu. Công trình của chúng tôi kế thừa kết quả nghiên cứu của người đi trước về nội dung và nghệ thuật của văn tế, đồng thời tiếp tục nghiên cứu sâu và tìm thêm những điểm mới về hai phương diện này ngò hầu điểm xuyết vào cho việc nghiên cứu, khai thác thể loại văn tế ngày càng hệ thống hơn.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 335 trang tài liệu này.

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

4.1. Phương pháp văn bản học: Luận án có sử dụng nhiều tác phẩm văn tế đã được phiên dịch và giới thiệu, công bố trong các công trình nghiên cứu, dịch thuật trước nay. Đối với tác phẩm có nhiều bản dịch, nếu có nguyên văn chúng tôi sẽ so lại trước khi quyết định dùng bản nào. Với thái độ trân trọng công sức của người dịch, bản dịch nào tương đối tốt thì chúng tôi sử dụng (có ghi xuất xứ rò ràng). Trường hợp cảm thấy không thoả mãn với bản dịch vì dịch sai hoặc quá xa so với nguyên văn, chúng tôi sẽ tự dịch lấy.

Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 3

4.2. Phương pháp nghiên cứu lịch sử - xã hội: Nghiên cứu văn tế trong mối liên hệ với lịch sử - xã hội..

4.3. Chúng tôi còn vận dụng các phương pháp và thao tác khác như phân tích, tổng hợp, so sánh, hệ thống, nghiên cứu liên ngành để đưa ra những nhận định có tính thuyết phục khi nghiên cứu.


5. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Luận án này hoàn thành, chúng tôi hi vọng có đóng góp ở các phương diện sau:

5.1. Về mặt nguồn gốc thể loại: Văn tế là thể loại có nguồn gốc từ Trung Quốc nên luận án có một phần nói về nguồn gốc thể loại. Chủ yếu chúng tôi dựa vào một số công trình nghiên cứu của Trung Quốc để tổng thuật về nguồn gốc và các dạng văn tế của Trung Quốc. Sau đó tham khảo một số công trình nghiên cứu của Việt Nam kết hợp với nguồn tư liệu Hán Nôm tìm được để tìm ra điểm tương đồng, dị biệt giữa văn tế của Việt Nam so với văn tế của Trung Quốc.

5.2. Về mặt tư liệu: Chúng tôi đã tập hợp được một số lượng khá lớn tác phẩm văn tế từ nguồn tư liệu gốc Hán Nôm. Kết hợp với các tư liệu về tác phẩm đã được công bố


trước đó, chúng tôi tiến hành khảo sát, phân loại và rút ra một số đặc điểm cơ bản của thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam về các phương diện như trữ lượng, phân loại, trường hợp sáng tác, đặc trưng thể loại…

5.3. Về mặt dịch thuật: Sau khi khảo sát nguồn tư liệu Hán Nôm nói trên, chúng tôi chọn một số bài tiêu biểu để phiên dịch, chú thích (22 bài cả Hán lẫn Nôm dịch hoặc phiên âm toàn bài; một số bài dịch một phần) theo tiêu chí đa dạng về nội dung và nghệ thuật. Những bản dịch này sẽ đóng góp vào cho lĩnh vực phiên dịch văn tế thêm phong phú cả về số lượng và chất lượng. Đây cũng là một trong những cơ sở để chúng tôi đưa ra những nhận định về nội dung và nghệ thuật của thể loại văn tế trong luận án của mình.

5.4. Về nội dung văn tế: Tìm ra, hệ thống, nêu nhận định và chứng minh nhận định về nội dung chủ yếu của văn tế trước nay chưa được nói tới hoặc nói chưa đầy đủ: khẳng định các giá trị đạo đức luân lý chuẩn mực; ca ngợi tinh thần yêu nước, tinh thần tôn quân, tinh thần vì nhân dân, tinh thần nhân đạo; thể hiện ý nghĩa trào phúng sâu sắc… Qua đó cho thấy văn tế Việt Nam chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng có ý nghĩa và giá trị to lớn, thiết thực.

5.5. Về hình thức nghệ thuật văn tế: Tìm ra, hệ thống, nêu nhận định và chứng minh nhận định về hình thức nghệ thuật văn tế trung đại Việt Nam trước nay chưa được nói tới hoặc nói chưa đầy đủ: hệ thống văn thể, ngôn ngữ, giọng điệu, nội dung điển cố, sự vận dụng linh hoạt điển cố, tập Kiều và lẩy Kiều, các kiểu điệp, câu đối lập, từ ngữ và cú thức mẫu… Qua đó cho thấy hình thức nghệ thuật văn tế có nhiều điểm đặc sắc, góp phần nâng cao sức hấp dẫn và giá trị nội dung của thể loại này.

5.6. Ở một số chỗ cần thiết, chúng tôi đưa ra ý kiến của mình bước đầu nhìn nhận lại vấn đề tác giả của một bài văn tế hoặc nhìn nhận lại một sự kiện lịch sử liên quan đến người đứng tế (tác giả) và đối tượng được tế. Điều này cũng có một phần ích lợi cho việc nghiên cứu nội dung của một số bài văn tế cụ thể.


6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN

Luận án gồm 211 trang chính văn, 100 trang phụ lục (3 phụ lục). Phần chính văn ngoài Mở đầu (13 trang), Kết luận (5 trang), Danh mục bài báo (1 trang), Tài liệu tham khảo (12 trang, 180 đề mục), nội dung chính chia thành 3 chương (185 trang):


Chương 1. Tổng quan về văn tế và thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam (34 trang). Trình bày các vấn đề: nguồn gốc, vai trò của lễ tế và văn tế của Trung Quốc; các dạng văn tế chủ yếu của Trung Quốc; diện mạo của thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam.

Chương 2. Nội dung chủ yếu của thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam (76 trang). Trình bày những nội dung chính của văn tế: khẳng định các giá trị đạo đức, luân lý chuẩn mực; ca ngợi tinh thần yêu nước, tinh thần tôn quân, tinh thần vì nhân dân; thể hiện tinh thần nhân đạo; thể hiện ý nghĩa trào phúng.

Chương 3. Đặc điểm hình thức nghệ thuật của thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam (70 trang). Trình bày những đặc điểm nghệ thuật chủ yếu của văn tế: đa dạng về thể văn; đặc sắc về ngôn ngữ, giọng điệu; vận dụng điển cố vừa theo kiểu truyền thống vừa linh hoạt, có vận dụng điển cố từ lịch sử và văn học cổ điển Việt Nam; vận dụng một số thủ pháp nhằm làm tăng khả năng biểu đạt.


CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN VỀ VĂN TẾ VÀ THỂ LOẠI VĂN TẾ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM


1.1. NGUỒN GỐC, VAI TRÒ CỦA LỄ TẾ VÀ VĂN TẾ CỦA TRUNG QUỐC

Cũng như nhiều thể loại khác, văn tế có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại. Hiện nay, người ta thường hiểu văn tế theo nghĩa hẹp là loại văn được viết ra để đọc trong lễ tế người đã khuất. Thực tế, khái niệm chung của văn tế có phạm vi ý nghĩa và đối tượng rộng hơn nhiều, văn tế có thể dùng để tế trời đất, thần linh, người chết, người sống, nhân vật lịch sử, sự vật, loài vật... Thời cổ đại, chức năng đầu tiên của văn tế không phải cúng

tế người chết, mà cúng tế trời đất, thần linh, lúc đó được gọi là chúc văn 祝 文 . Theo thời

gian, đối tượng của văn tế dần được mở rộng với nội dung, mục đích, chủ thể, đối tượng đều có sự khu biệt tương đối.

Cuộc sống của con người cổ đại vừa gắn liền với thiên nhiên, vừa phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Chính từ đặc điểm đó, cộng với quan niệm chất phác về thiên nhiên, đã sản sinh các nhân vật siêu nhiên trong tâm thức người cổ đại gồm Trời và hệ thống thần linh (nhiên thần), trong đó Trời là đấng tối cao. Người cổ đại quan niệm, các nhân vật siêu nhiên này có quyền năng chi phối toàn bộ sự vật hiện tượng và hoạt động của con người, có thể khuyến thiện trừng ác, ban phước giáng hoạ. Quan niệm này có vai trò tích cực là khiến con người sống tốt hơn, biết làm lành tránh dữ, nhưng mặt khác, cũng khiến con người có tâm lý e sợ, từ đó phát sinh tâm lý phụ thuộc, mong cầu. Trước quyền năng của các đấng siêu nhiên, để có một cuộc sống an lành hạnh phúc trước vô số tai hoạ rình rập, con người phải nghĩ cách “lấy lòng” họ bằng cách tế tự. Đó là cội nguồn của tế tự. Văn tâm điêu long - “Chúc minh” chép về nguồn gốc của tế tự: “Khi đất trời định vị, thần linh được tế tự khắp nơi. Đã tế đủ Lục tôn, lại tế sang Tam vọng. Mưa hoà gió thuận, ngô tốt lúa tươi, dân chúng được trông nhờ, nên hết lòng tế lễ.” [56; 133] Cuộc sống của con người, nền kinh tế và cả sự tồn vong của quốc gia thời xưa chủ yếu dựa vào nông nghiệp.


Thời tiết là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quốc kế dân sinh. Để cầu mong được tiết trời thuận lợi, mùa màng bội thu, giai cấp thống trị thời xưa đã thực hiện các nghi lễ tế trời (các thần Lục tôn), tế đất (các thần Tam vọng)(1). Thượng thư - “Nghiêu điển” cũng nói “lễ tế Trời phải tế Lục tôn” (Theo [56; 140]). Khi cuộc sống được ấm no, được như sở nguyện, các lễ tế lại được tiến hành để cảm tạ ơn thần. Có thể thấy, về phương diện quốc

gia, tế tự là việc trọng đại liên quan đến quốc kế dân sinh. Từ đó mở đường cho vô số nghi thức tế lễ sau này, cho nên việc tế tự đời đời không dứt.

Đầu tiên tế tự do giai cấp thống trị thực hiện trên danh nghĩa vì lợi ích quốc gia dân tộc. Theo quan niệm xưa, tế tự chính là phương pháp, phương tiện giúp con người, chủ yếu là giai cấp thống trị, với lòng thành kính của mình có thể tương thông với thần linh, khẩn cầu thần linh phò hộ cho nhân dân, đất nước. Việc tế tự có thể diễn ra tại nhiều thời điểm, nhiều dịp trong năm như tế trời đất vào ngày đông chí, tế bốn mùa, tế bốn phương, tế ngũ tự(2)… Các vua thời cổ đại khi đi tuần thú cũng có tiến hành lễ tế nơi mình đến.

Việc tuần thú của Thiên tử “5 năm đi tuần thú một lần, vào tháng hai trong năm đi tuần thú về phía đông, đến núi Đại Tông, đốt củi làm lễ tế mà xem xét núi sông” chép trong Lễ ký [88; 99] cũng không ngoài mục đích ấy.

Như vậy, đối tượng đầu tiên của tế tự là hệ thống nhiên thần hộ quốc, gồm trời, đất, tứ thời, nhật nguyệt, tinh tú, thuỷ hạn, tứ phương, sơn lâm, khâu hác, phong vũ…, tức là tất cả sự vật hiện tượng có liên quan, chi phối cuộc sống hàng ngày của con người. Mỗi đối tượng đều có lễ tế riêng, trong đó có nghi thức chung là đọc chúc văn (hay chúc từ, tức văn khấn) để cầu xin thần linh chở che, ban phước, tiêu trừ tai hoạ. Đọc chúc văn là nghi thức bắt buộc trong các lễ tế thần. Văn tâm điêu long - “Chúc minh” cũng nói về việc này: “Quan Chưởng tế cầu khấn chân thành, ắt phải có văn từ phù hợp.” [56; 137] Văn từ chính là chúc từ. Tất cả các loại lễ tế trong năm đều có chúc văn tương ứng. Từ sau thời Xuân Thu, “việc tế lễ cầu đảo thần linh ngày càng nhiều, nơi nào cũng phải có đồ tế và lời văn cầu khấn” [56; 138]. Điều này cho thấy tín ngưỡng thần linh ngày càng ăn sâu vào suy nghĩ và chi phối rất lớn đến mọi mặt trong cuộc sống con người.



1 Thần Lục tôn: Sáu vị thần trời, gồm thần coi bốn mùa, thần coi sự nóng lạnh, mặt trời, mặt trăng, sao, thần coi về sông nước và hạn hán; Thần Tam vọng: Ba vị thần đất, gồm thần núi Thái Sơn, thần sông, thần biển.

2 Ngũ tự: Năm vị thần được tế tự. Có nhiều thuyết. Theo Lễ ký - “Khúc lễ hạ” gồm Thần Cửa, Thần Ngò, Thần Giếng, Thần Bếp, Thần Đất.


Việc tế tự thời cổ đại ngoài thể hiện quan niệm, niềm tin chất phác của con người về tự nhiên còn thể hiện ý nghĩa nhân văn hết sức cao đẹp của các vị vua thời ấy. Đọc Thư kinh, chúng ta thấy các vị thánh quân cổ đại tế tự chủ yếu để tỏ lòng thành kính với thần linh, tu sửa đức mình và cầu mong cho đất nước bình yên, nhân dân no ấm. Tất cả là vì nước vì dân, hoàn toàn không tự tư tự lợi. Luận ngữ - “Nghiêu viết” thuật lại câu chuyện đời vua Thành Thang trời hạn 5 năm, dân tình khốn khổ, vua xót thương làm lễ khấn với Trời nhận tội rằng: “Nếu trẫm có tội, xin phạt một mình trẫm. Nếu bá tánh có tội, cũng xin phạt một mình trẫm.” [25; 310] Lòng vua thương dân, muốn làm lợi cho dân thể hiện rò ràng qua lời cầu khẩn, sẵn sàng nhận hết sự trừng phạt của trời. Nhưng về sau, việc tế lễ không còn giữ nguyên mục đích, ý nghĩa như thế. Muộn nhất đến thời Tây Chu, sự thay đổi đã diễn ra, việc tế tự đã được giai cấp thống trị thể chế hoá thành một công cụ trị nước và đảm bảo sự vững chắc địa vị của giai cấp mình.

Thần linh và việc tế thần có vai trò quan trọng trong việc uốn nắn con người vào vòng đạo lý, nên nhà cầm quyền cổ đại và các thời đại về sau đều coi trọng tế lễ. Việc tế tự từ thời Tây Chu về sau thể hiện rò nghĩa vụ, cấp bậc của từng người, từng tầng lớp xã hội. Lễ ký - “Vương chế” chép rò: “Việc tế tự có mười luân lý: thực hiện đạo thờ quỷ thần, thực hiện nghĩa vua tôi, thực hiện luân thường cha con, thực hiện thứ lớp quý tiện, thực hiện bỏ bớt thân sơ, thực hiện ban bố tước thưởng, thực hiện phân biệt vợ chồng, thực hiện quân bình chính trị, thực hiện thứ tự lớn nhỏ, thực hiện phân chia trên dưới.” [88; 204] Trong mười luân lý này, hai luân lý đứng đầu là “thực hiện đạo thờ quỷ thần” và “thực hiện nghĩa vua tôi” nhấn mạnh thiên mệnh, thần quyền và vương quyền đã đưa vị trí của người trị nước lên tầm cao tột đỉnh.

Theo phân tích và đúc kết của Vương Biệt Huyền, việc tế tự ở Trung Quốc thời Tây Chu thể hiện ba quan điểm của giai cấp thống trị. Thứ nhất, tế tự có vai trò nêu cao chữ hiếu, an ủi vỗ về người dân, an định trăm họ. Thông qua tế tự có thể duy trì sự hài hoà trong dòng họ, củng cố trật tự xã hội cùng quyền lực, địa vị của nhà cầm quyền; Thứ hai, đẳng cấp xã hội được phản ánh rò ràng qua nghi thức, chủ thể và đối tượng tế tự đã được qui định, đồng thời thông qua tế tự khẳng định sự khu biệt về đẳng cấp xã hội. Điều này cũng nhằm mục đích duy trì trật tự xã hội, quyền lực, địa vị của giai cấp thống trị; Thứ ba, thiên tử và chư hầu thường nhân dịp tế tự ban bố chính lệnh. Quốc ngữ - “Lỗ


ngữ, thượng” chép: “Thiên tử tế Thượng đế, chư hầu tụ hợp mà nghe mệnh lệnh. Chư hầu tế tiên vương tiên công, các Khanh Đại phu đến giúp mà nghe theo việc dạy.” (Theo [169; 32]) Đây là những lúc đẳng cấp nhà cầm quyền được thể hiện rò nhất, có sự chứng giám của thần linh, nên mệnh lệnh của họ cũng sẽ được cấp dưới thuận theo và chấp hành tuyệt đối. Qua đó có thể thấy rò động cơ chính trị của giai cấp thống trị khi ban hành nghi thức tế tự và thúc đẩy việc tế tự.

Trong xã hội Trung Quốc thời Tây Chu, gia tộc cũng là một đoàn thể chính trị. Cùng với gia tộc, việc thờ cúng tổ tiên được hình thành. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các lễ tế thuộc điển chế quốc gia, nhà cầm quyền còn chú trọng việc tế tự tổ tiên trong dân chúng. Theo quan niệm cổ đại được Nho giáo kế thừa, linh hồn tổ tiên và người chết vì nghĩa cũng là một dạng quỷ thần, có năng lực quán xét, thưởng phạt đối với tất cả hành vi của người còn sống, vì thế họ cũng thường được tế tự. Cho nên về sau thêm vào nghi thức tế tự nhân thần, tổ tiên và người chết nói chung. Không chỉ vua tế tự tông miếu mà người bình dân cũng tế tự ông bà, cha mẹ, người thân của mình, người có công với đất nước, làng xã. Không chỉ tế tự sau khi chết mà còn tế tự hàng năm hoặc các kỳ trong năm. Việc tế tự thể hiện lòng biết ơn, tình thương, lòng tưởng nhớ của người còn sống dành cho người đã khuất. Về phương diện cá nhân đối với tổ tiên, dòng tộc, tế tự là việc làm “thận chung truy viễn”, “sự tử như sự sinh”, “báo bổn phản nguyên”, thể hiện đúng chữ hiếu theo tinh thần Nho giáo. Ảnh hưởng từ nghi thức đọc chúc văn trong tế thần, nghi thức tế tự này cũng thường đọc văn tế. Nghi thức tế người chết bắt nguồn từ nghi thức tế thần, nên văn tế lúc đầu cũng giống chúc văn, chỉ là những câu đơn giản cốt để cáo thỉnh về hưởng lễ. Nhưng về sau, văn tế kiêm cả ca ngợi ngôn hành của người chết, nên lời lẽ mở rộng ra thêm, người viết cũng chăm chút hơn về mặt hình thức dần trở thành dạng văn tế có tính nghệ thuật cao. Chúng tôi sẽ nói rò hơn về dạng văn tế này ở hai chương sau.

Về phương diện đời sống tinh thần, con người ở bất kỳ đâu, thời đại nào cũng đều coi trọng nguồn gốc. Thờ phụng, tế tự tổ tiên là việc đương nhiên. Trong thư tịch cổ của Trung Quốc không thấy chép tầng lớp bình dân thời cổ đại tế tự ông bà cha mẹ và người thân như thế nào, nhưng chắc chắn không thể không có tế tự. Trong khi về phương diện chính trị, nhà cầm quyền thực hiện tế tự chủ yếu vì mục đích thống trị, thì về phương diện tinh thần, việc tế tự người thân hoàn toàn vì đạo hiếu, vì tình nghĩa, vì tiếc thương thật sự.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022