Diện Mạo Của Thể Loại Văn Tế Trong Văn Học Trung Đại Việt Nam


Trong những ngày tế tự, người ta không những tế tổ tiên, nguyện cầu được bình yên may mắn, mà các bậc tôn trưởng còn tiến hành giáo dục luân lý đạo đức cho con em mình. Vì thế, về chiều sâu, tế tự trong gia tộc mang ý nghĩa rất to lớn, giúp con người “tiến gần hơn với gia tộc mình, tiến hành nhận biết văn hoá dân tộc mình, nhen nhóm tình cảm tự hào, tôn kính, nghiêm túc với tổ tiên và dân tộc” [30; 1209].

Tế tự có vai trò to lớn trong việc giáo dục con người. Lễ ký - “Tế thống” đã khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu về giáo dục của tế tự. Vương Biệt Huyền chỉ ra rằng, trong 10 luân lý của tế lễ thì hết 9 luân lý liên quan đến vấn đề con người, cho thấy ngoài phương diện thiên mệnh, thần quyền và vương quyền, việc tế lễ cũng được nhà cầm quyền đặt trọng tâm ở các phương diện vun bồi văn hoá và giáo dục [169; 34].

Tế tự người đã khuất thể hiện nét nhân văn của con người, nó diễn ra ở mọi nơi, mọi thời đại, mọi hoàn cảnh. Trong bối cảnh chung đó, văn tế trở thành một loại văn rất thông dụng thời xưa.


1.2. CÁC DẠNG VĂN TẾ CHỦ YẾU CỦA TRUNG QUỐC

Trải theo thời gian cùng với sự phân biệt về chủ thể, đối tượng, mục đích…, văn tế của Trung Quốc phát sinh rất nhiều dạng khác nhau, được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau. Một số học giả Trung Quốc dùng khái niệm văn tế chỉ chung các dạng văn thuộc

loại ai điếu như lỗi văn 誄 文 (bài văn tưởng nhớ, thuật lại hành trạng, đức hạnh của người

chết để đặt tên thuỵ), ai từ 哀 辭 (bài văn thương trẻ chết non và người trưởng thành có tài có đức mà không sống thọ), điếu văn 吊 文 (bài văn viếng người chết), khốc văn 哭 文 (bài văn khóc bạn tâm giao hoặc người mà mình ngưỡng mộ), vãn văn 輓 文 (lời văn xót

thương người chết khi đưa xe tang), ế văn 瘞文 (bài văn xót thương người chết khi đưa đi an táng)… [166] Tuy nhiên, với nội hàm khái niệm đã xác định ở trên, văn tế phải là các dạng văn gắn liền với nghi thức tế lễ, nên chúng tôi không xem các dạng văn vừa kể là văn tế. Dưới đây chúng tôi giới thiệu 3 dạng văn tế thường gặp của Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 335 trang tài liệu này.

1.2.1. Chúc văn 祝文 (chúc từ 祝辭)

“Chúc” nghĩa là khấn, cầu xin. “Chúc văn” là lời con người khẩn cầu thần linh ban phước. Chúc văn là dạng văn tế ra đời sớm nhất, dùng cáo tế thần linh để cầu phúc và tiêu

Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 4


tai giải nạn. Như trên đã nói, văn tế có nguồn gốc từ nghi thức đọc chúc văn trong lễ tế nhiên thần thời cổ đại trước khi trở thành dạng văn tế người chết. Thư kinh là bộ sử cổ nhất của Trung Quốc [141; 8], chép vô số lễ tế và nghi thức tiến hành lễ tế, trong đó có chép việc tế Giao (ngày đông chí tế Trời ở còi phía nam ngoài thành) vào đời Thành vương, nhà vua sai Sử quan làm văn tế, Sử quan đã chúc sách (thảo và đọc văn tế) theo lệnh của vua [164; 147]. Nội dung chính của chúc sách (tức chúc văn) là báo cáo sự việc, cầu xin Trời ban phước. Từ đó dùng chúc sách gọi tên loại văn tế Trời. Đây là mục đích cúng tế đầu tiên của văn tế. Về sau, trong việc tang ma chôn cất người thân, bạn bè, người ta cũng đọc văn tế biểu thị lòng xót thương, tưởng nhớ và cầu xin được linh hồn phò hộ, dạng văn này thường được gọi là “tế văn”.

Điều này cho thấy chúc văn ra đời rất sớm từ thời thượng cổ còn quan niệm “vạn vật hữu linh”, như lời Lưu Hiệp “khi đất trời định vị, các thần linh được tế tự khắp nơi…” đã nói trên. Văn tâm điêu long cũng chép lại một loạt các lễ tế thần của Y Kỳ (theo truyền thuyết là Thần Nông hoặc Đế Nghiêu), Đế Thuấn, Thành Thang… và các cuộc tế lễ trước lúc ra quân, lúc mừng nhà mới [56; 137]. Thượng thư - “Chu thư” có chép câu chuyện đời Chu: Chu Vũ vương bệnh nặng, Chu Công Đán cầu khẩn với Tam vương, dâng chúc sách xin lấy thân mình thay thế [141; 117]. Điều đó cho thấy thời cổ đại việc tế tự diễn ra phổ biến. Thời cổ đại, việc tế cáo thần linh thường chỉ do vua và các vị quan có chức trách liên quan thực hiện. Về sau, chúc văn không còn hạn cuộc ở người tế và việc tế mà mở rộng ra đến mọi tầng lớp nhân dân và tất cả những gì con người cần thần linh phù hộ, chứng giám. Việc tế lễ cầu đảo như thế càng thịnh hành ở các triều đại sau, dẫn đến sự ra đời của vô số chúc văn.

1.2.2. Tế văn 祭文

“Tế” có nghĩa chung là cúng tế, dùng cả trong tế thần và tế vong linh. Trong tế vong linh, lễ cúng được tiến hành sau khi chôn hoặc sau tang lễ được gọi là “tế”. Bài văn đọc trong lễ tế này gọi là tế văn(1).

Tế văn là dạng thông dụng nhất trong các dạng văn tế. Từ Sư Tăng nói: “Tế văn là lời tế viếng người thân, bạn bè. Tế tự thời xưa chỉ để tế cáo mời linh hồn về hưởng lễ mà


1 Khi nói về khái niệm, chúng tôi dùng từ tế văn theo cấu trúc chữ Hán để chỉ một dạng cụ thể, tương ứng với cách gọi chúc văn. Những trường hợp khác chúng tôi dùng từ văn tế theo cấu trúc tiếng Việt chỉ thể loại văn tế nói chung.


thôi. Thời trung đại về sau mới kiêm cả ca tụng đức hạnh để ngụ ý bi thương. Tế văn là biến thể của chúc văn.” (Theo [169; 41]) Qua đó có thể thấy, tế văn có nguồn gốc từ chúc văn, nên ngoài tế người thân, bạn bè, cũng có vai trò tế trời đất, thần linh… như chúc văn. Lúc đầu tế văn chỉ đơn thuần thể hiện chức năng cúng tế cáo thỉnh, tức là mời linh hồn người chết về thọ hưởng thức ăn và lễ vật, về sau mới thêm chức năng ca tụng công lao, đức hạnh của người chết.

Về thể văn viết tế văn, theo một số học giả Trung Quốc như Chử Bân Kiệt, Vương Nhân Ân…, tế văn được viết bằng nhiều lối văn khác nhau, có khi dùng văn vần, có khi dùng văn xuôi, nhưng chủ yếu là văn vần; trong thời kỳ biền văn lưu hành phổ biến, tế văn cũng được viết bằng lối văn này [164; 415], [166; 34]. Từ đó cho thấy, tế văn của Trung Quốc thường dùng văn vần, còn biền văn chỉ được dùng phổ biến trong thời kỳ lối văn này được lưu hành phổ biến, tức khoảng thời Nam Bắc Triều cho tới Đường - Tống. Trong khi đó ở Việt Nam, tế văn viết theo biền văn vẫn xuất hiện xuyên suốt các thời kỳ, hơn nữa mỗi thời kỳ đều có giá trị cao ở những phương diện nhất định.

Một trong những đặc điểm về nội dung của tế văn là chú trọng bày tỏ lòng xót thương, tưởng nhớ đối với người chết, thường được tác giả viết từ chính nhu cầu tinh thần của mình. Đối tượng của tế văn thường là người thân, bạn bè nên nội dung cũng có thuật lại cuộc đời và ca tụng người chết với thái độ kính cẩn, sắc thái tình cảm sâu đậm, tính trữ tình rất cao, đúng như nhận định của Từ Sư Tăng trong Văn thể minh biện: “Phép cúng tế phải nghiêm kính và bi ai.” (Theo [168; 6])

Một trong những bài tế văn của Trung Quốc thể hiện rò nhất tính trữ tình là Tế phu Từ Phỉ văn (Văn tế chồng là Từ Phỉ) của nữ tác giả Lưu Lệnh Nhàn. Tế Nguyên Vi Chi văn của Bạch Cư Dị tế Nguyên Chẩn, Tế Thập Nhị lang văn của Hàn Dũ tế người cháu họ và Tế Thạch Mạn Khanh văn của Âu Dương Tu cũng là những bài tế văn nổi tiếng của Trung Quốc. Trong đó, Tế Thạch Mạn Khanh văn có điểm đặc biệt là bút pháp tự do, tự sự, trữ tình chen lẫn nghị luận. Còn Tế Thập Nhị lang văn đã “phá vỡ quy cách truyền thống” khi dùng toàn câu văn xuôi không hiệp vận [164; 416]. Với thể văn xuôi tự do không có tính bó buộc, tác giả đã kể lại rất nhiều việc thường ngày dường như vô tận để bày tỏ tình thân và nỗi niềm đau xót của mình đối với cháu. Bài tế văn được đánh giá là một trong những tuyệt tác của tế văn Trung Quốc [164; 416].


Ngoài ra, tế văn thời cổ đại của Trung Quốc còn dùng để tế cáo linh vật của núi sông, tế viếng người xưa và di tích. Tiêu biểu có Tế Trúc Lâm thiền văn (Văn tế chùa Trúc Lâm) của Hàn Dũ, Tế xà văn (Văn tế rắn) của Bạch Cư Dị… Dạng tế văn này bị hạn chế ở tập tục dân gian nên nội dung thường ít có chỗ đặc sắc. Trong số này đáng kể nhất chỉ có Tế ngạc ngư văn (Văn tế cá sấu) của Hàn Dũ.

Ở Trung Quốc từ đời Minh về sau, nội hàm của tế văn bao gồm cả chúc văn, tức là khái niệm tế văn cũng được dùng để gọi cả các bài văn tế trời đất, tế thần linh, tế người xưa, tế vong linh… Hiện tượng này ở Việt Nam cũng diễn ra tương tự, ví dụ như ngoài tế vong linh thì tế văn của Việt Nam còn được dùng để gọi nhiều dạng văn tế khác, như văn tế cầu phúc ở đình làng vào tháng 2 hàng năm gọi là Nhị nguyệt xuân tế văn, văn tế Hạ điền gọi là Tế Thần Nông văn

1.2.3. Cáo văn 告文

“Cáo” vốn có nghĩa là báo với người trên. “Cáo” với vai trò là một loại lễ tế còn gọi là tế cáo, là nghi thức cúng tế để báo cáo sự việc với trời đất, thần linh, được tiến hành khi đất nước có việc trọng đại. Bài văn đọc trong lễ tế này gọi là cáo văn. Đời Hán có tế

cáo loại 告 類 là lễ tế trời nhân những dịp trọng đại của đất nước như vua lên ngôi, lập

Thái tử…; tế cáo thiên 告天 là lễ Thiên tử tế Trời. Hậu Hán thư - “Quang đế kỷ thượng” chép chuyện khi hoàng đế lên ngôi đã cho đốt lửa để cáo thiên (tế trời tấu việc mình lên ngôi). Về sau, phạm vi sử dụng của “cáo” được mở rộng sang tế cáo vong linh để tỏ lòng thương tiếc, tưởng nhớ, ca ngợi công đức của họ. Với nghĩa gốc là báo với người trên, “cáo” chủ yếu thích hợp dùng cho kẻ hậu sinh tế các bậc tiền bối như tổ tiên, sư trưởng…

Về cách phân loại văn tế của Trung Quốc, qua một số tuyển tập, công trình nghiên cứu của giới học thuật nước này, chúng tôi nhận thấy dường như họ không quan tâm đến việc phân loại cụ thể. Các tài liệu này thường chỉ chú trọng tìm hiểu, giải thích nguồn gốc các dạng văn tế theo khái niệm cùng đặc điểm của chúng, sau đó tìm ra những điểm tương đồng dị biệt. Tuy nhiên, cũng từ đó, chúng tôi nhận thấy khuynh hướng chung của họ là phân loại văn tế theo đối tượng gắn với khái niệm của từng dạng. Tuy cũng có học giả như Lận Văn Nhuệ nói đến cách phân loại theo văn thể, nhưng rất sơ lược chỉ vỏn vẹn trong một dòng ngắn ngủi: “Văn tế có sự phân biệt tản văn, vận văn, phú và biền thể.” [168; 3]


1.3. DIỆN MẠO CỦA THỂ LOẠI VĂN TẾ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Quốc ở hầu hết các phương diện văn hoá tinh thần, nên lễ tế và văn tế cũng không ngoại lệ. Về tế tự, Việt Nam kế thừa rất nhiều từ đối tượng, mục đích, nghi thức tế lễ của Trung Quốc. Về văn tế cũng kế thừa từ khái niệm, cách thức đến mục đích, nội dung của văn tế Trung Quốc.

Văn tế của Việt Nam cũng là loại văn ứng dụng mang tính nghi lễ, giống như Trung Quốc cổ đại, đầu tiên được dùng trong tế tự thần linh nhằm mục đích cầu đảo, sau đó mở rộng phạm vi sang tế người chết (vài trường hợp tế người sống và sự vật nhân hoá) nhằm ca ngợi và bày tỏ lòng tiếc thương. Một số bài văn tế còn có nội dung trào phúng (gồm cả tự trào) nhằm phê phán, đả kích những cái xấu trong xã hội. Sở dĩ những tác phẩm trào phúng này gọi là văn tế là vì tác giả muốn những cái xấu xa đó phải “chết đi” hoặc lùi vào dĩ vãng. Nhìn chung, đối tượng, nội dung, ý nghĩa của văn tế rất phong phú.

1.3.1. Phân loại văn tế

Trước nay các nhà nghiên cứu như Phan Kế Bính, Dương Quảng Hàm, Lê Trí Viễn, Bùi Văn Nguyên, Trần Thị Kim Anh… thường phân loại văn tế theo nội dung và văn thể. Theo đó, về nội dung có văn tế thần, văn tế thánh, văn tế ma, văn tế sống, văn tế khánh chúc; về văn thể có phú (cổ phú, luật phú), văn xuôi (gồm cả văn xuôi cổ), lục bát, song thất lục bát, tán ([19; 34], [43; 63], [153; 134, 135], [85; 272-275], [18; 62]). Ngoài

ra, Dương Quảng Hàm còn phân biệt tế văn với chúc văn [43; 63], Trần Thị Kim Anh phân biệt tế văn với cáo văn [18; 65].

Kế thừa những cách phân loại trên, qua số lượng văn tế hiện có, chúng tôi phân loại thành một số dạng theo ba tiêu chí chức năng nghi lễ, nội dung, văn thể như sau:

1.3.1.1. Phân loại theo chức năng nghi lễ

1/ Dạng dùng để tế nhiều đối tượng

+ Tế : Đây là khái niệm thông dụng nhất, nội dung ý nghĩa phong phú nhất, phạm vi sử dụng dành cho mọi đối tượng. Ngoài tế thần, tế thánh, tế người chết là những dạng phổ biến, tế văn cũng được dùng tế người trước khi chết: Văn tế Phan Bội Châu của Huỳnh Thúc Kháng; tế người cảm tử trước khi lên đường giữ nước: Văn tế khao lề thế lính Hoàng Sa; tế di tích: Yết Hải Quận công từ tế văn (Văn tế trình diện ở đền thờ Hải


Quận công) của Nguyễn Thuật; tế địa danh: Văn tế Đống Đa; tế sự vật: Văn tế bầu rượu; tế loài vật: Văn tế con cóc; tế khánh chúc: Hạ thọ chúc văn (Văn khấn mừng thọ); văn tế trào phúng: Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ của Nguyễn Du… Trong đó số lượng nhiều nhất, có giá trị cao nhất là dạng văn tế người chết, kế đến là văn tế trào phúng.

Người Việt Nam coi trọng lễ nghi, lại là dân tộc sống trọn tình trọn nghĩa, nhất là đối với người chết thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên viết văn tế ai điếu bày tỏ tình cảm tiếc thương, tưởng nhớ người chết và an ủi người thân của họ là việc thường thấy. Điều này đã được khẳng định qua các tuyển tập thơ văn Hán Nôm của người xưa để lại. Dạng văn tế này chiếm đa số, có thể phân thành nhiều dạng theo đối tượng, thường khá dài, có bài rất dài như Tế Trình Trạng nguyên văn (Văn tế Nguyễn Bỉnh Khiêm) của Đinh Thời Trung. Tuy bám sát sự thật về cuộc đời và ngôn hành của nhân vật nhưng ngôn từ được trau chuốt, chắt lọc, viết theo các thể văn nghệ thuật, nên có giá trị thẩm mỹ cao. Lưu Hiệp cũng nói rò nguyên nhân của việc này là “bày tỏ trước nơi đông người, ngôn từ phải hay phải đẹp” [56; 134].

Một trường hợp đặc biệt của văn tế ai điếu là, có tác giả xem việc mất đi một sự vật nào đó quen thuộc, gắn bó với mình như mất đi một người bạn tâm giao nên làm văn tế bày tỏ lòng thương tiếc. Văn tế cây trôi của Nguyễn Hữu Xước (1825-1886) kể lại chuyện ở quê tác giả có cây trôi sống đã lâu năm nhưng bỗng một năm tự nhiên khô chết, tác giả cảm thương viết bài văn tế này [79, T19; 247]. Tâm tình của tác giả đối với cây trôi không khác gì đối với một người bạn thực sự.

Bên cạnh văn tế người chết, văn tế trào phúng cũng là một dạng đặc biệt trong văn tế của Việt Nam. Trái ngược với các dạng văn tế cầu đảo, văn tế ai điếu, văn tế di tích đều cần sự trang nghiêm, thành kính, đây lại là dạng văn tế đem đến tiếng cười cho người đọc. Nhưng hoàn toàn không phải là tiếng cười giải trí, mua vui, mà là tiếng cười tự trào ngậm ngùi chua chát, hoặc tiếng cười trào lộng mỉa mai giễu cợt, đả kích, phê phán những cái xấu, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, hoặc cao hơn nữa là lên án, đả kích những cái ác đi ngược lại lợi ích của dân tộc, quốc gia. Dạng văn tế này được sáng tác theo ý đồ nhất định của tác giả nhằm mục đích bày tỏ một thái độ, một tư tưởng nào đó với đối tượng. Vì vậy, nó thể hiện rò chủ kiến, lập trường chính trị của tác giả, là một loại vũ khí chiến đấu hiệu quả. Do đặc điểm nội dung, nghệ thuật như thế, văn tế trào phúng chỉ được


viết bằng chữ Nôm. Đây là dạng văn thể hiện cao tính dân tộc, đồng thời có nhiều nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.

+ Cáo : Bên cạnh cách dùng giống cáo của Trung Quốc là tế thần linh, như

Phụng sự Kiếp Bạc linh từ yết cáo văn (Văn yết cáo kính thờ ở đền Kiếp Bạc) của một vị Tiến sĩ họ Lê ở Bình Vọng; tế các bậc bề trên, như Bôn tang cáo văn (Văn cáo chạy tang) của Ngô Thì Nhậm thì cáo của Việt Nam còn được dùng để tế cô hồn, như Cáo Sàng Đồng trại cô hồn văn (Văn cáo cô hồn ở trại Sàng Đồng) của Ngô Thì Nhậm. Tức là cáo có thể tế thần linh, tế người bề trên, tế cô hồn.

+ Chúc : Chúc không chỉ dùng tế thần mà cũng được dùng tế người chết, như

Vọng chúc văn (Văn khấn ngày rằm) của Phạm Nguyễn Du tế người vợ đã qua đời.

2/ Dạng chỉ dùng để tế thần

Các khái niệm dùng gọi văn tế thần đều dễ nhận diện đối tượng và nội dung vì phần lớn đều có ý nghĩa cầu đảo, tạ ơn.

+ Kỳ : Nghĩa là tế quỷ thần cầu phước. Trong Thi kinh - “Tiểu nhã” - “Phủ điền”

đã có dùng chữ này. Ở Việt Nam, dạng này được dùng rất đa dạng và phổ biến trong dân gian, có thể dùng để cầu phước, cầu an, cầu mưa gió, hoặc tế thần nói chung.

+ Đảo : Nghĩa là tế thần để cầu tai qua nạn khỏi. Luận ngữ - “Thuật nhi” chép

việc “Khổng Tử bệnh nặng, Tử Lộ thỉnh ngài cầu đảo” cho thấy đảo đã dùng phổ biến từ trước đó. Ở Việt Nam, dạng này ngoài dùng để cầu khỏi bệnh còn dùng để cầu mưa, cầu việc đi lại bình an, cầu Phật ban phước.

+ Cầu : Nghĩa là cầu xin. Lễ nhà Chu chép việc tế tự có chính tế (tế ngày chính),

dịch tế (tế ngày hôm sau), loài vật dùng làm tế phẩm là trâu, dùng cho chính tế gọi là hưởng ngưu, dùng cho dịch tế gọi là cầu ngưu. Cho thấy ít nhất vào thời Chu, cầu đã được dùng với nghĩa tế thần. Ở Việt Nam, dạng này chủ yếu dùng trong cầu tự.

+ Tạ : Vốn nghĩa là tạ ơn, thường dùng đối với người có ơn với mình, như ban

chức tước, giúp đỡ tiền bạc… Từ đó, theo lối suy nghĩ thực dụng của con người, khi cần gì thì cầu xin thần thánh ban cho, nếu đạt được như ý muốn thì làm lễ tế tạ ơn thần. Con người thường có nhiều điều cầu xin thần thánh ban cho, nên có lẽ dạng này thời xưa cũng hay dùng.


+ Nhương : Vốn nghĩa là đuổi, trừ. Được dùng làm tên một loại lễ tế thần để trừ

tai hoạ, dịch bệnh, tà ma, thường gọi chung là trách nhương 磔禳, tức là hiến thịt muông sinh để tế thần. Dấu vết xưa nhất của lễ tế này ở Trung Quốc tìm thấy trong Tả truyện. Ở Việt Nam, văn tế nhương được dùng khá phổ biến.

3/ Dạng chỉ dùng để tế người chết

+ Điện : Vốn nghĩa là đặt để, cũng có nghĩa là dâng tế phẩm (rượu, thịt…) cho vong linh người chết, còn gọi là tế điện. Lễ tế này thấy chép trong Thi kinh - “Thiệu nam”

- “Thái tần”. Bài văn dùng trong lễ tế này gọi là điện văn. Tế điện được tiến hành trong tang lễ trước khi an táng, mục đích cũng là tỏ lòng thương tiếc, tưởng nhớ, ca tụng công đức người đã mất. Trong đám tang ở Việt Nam xưa, những nhà phú quý hay đặt nhà trạm trên đường (trạm trung đồ) để dừng linh cữu mà tế, gọi là tế điện.

+ Tiến : Vốn có nghĩa là thức ăn chưa ăn. Khang Hy tự điển giải thích:

未食未飲曰薦,旣食旣飲曰羞 “Chưa ăn chưa uống gọi là tiến, đã ăn đã uống gọi là tu.” Sau đó được dùng thêm với nghĩa là dâng cúng, hàm ý đồ tế tự không được dùng trước để tỏ lòng cung kính. Trong Luận ngữ - “Hương đảng” đã thấy chép lễ tế này. Bài văn tế duy nhất tìm được hiện nay của Việt Nam dùng khái niệm này là Thê tiến vong phu văn (Văn vợ tế chồng đã mất).

+ Quyến : Có nghĩa là cúng tế, còn gọi là quyến cáo. Khang Hy tự điển chú

thích: 常山謂祭曰餋 “Thường Sơn gọi tế là quyến.” Từ đó có thể biết “quyến” được

dùng với ý nghĩa giống như “tế”. Theo tự dạng, chữ này thuộc bộ “thực” , nên nghĩa gốc có lẽ liên quan đến việc cúng thức ăn trong lễ tế. Ở Việt Nam, chúng tôi tìm được bài Luỵ Ngô Sư Mạnh quyến cáo của Phan Thanh Giản.

Trong các dạng văn tế trên, có hai dạng “tiến”, “quyến” tuy không dám khẳng định chỉ có ở Việt Nam, nhưng chúng tôi chưa tìm thấy văn bản bài nào trong các tuyển tập văn tế của Trung Quốc được tiếp xúc, cũng như chưa thấy tài liệu nghiên cứu nào của Trung Quốc xác nhận đây là một khái niệm văn tế. Hai dạng văn tế này tuy số lượng không nhiều nhưng cũng góp phần làm thành khái niệm văn tế và làm phong phú thêm cho kho tàng văn tế của Việt Nam.

4/ Dạng không mang khái niệm của văn tế trong tiêu đề

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022