Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 18


Bài văn tế trên do Tô Ngọc Đường tế bạn là Vò Thành Gia, ra đời vào đầu thế kỷ

XX. Thời kỳ này chữ Quốc ngữ đã bắt đầu được sử dụng phổ biến nên ảnh hưởng ít nhiều đến các thể văn Hán Nôm, trong đó có văn tế. Trong bài cũng có yếu tố của phú nhưng không quá câu nệ vào đối, vận. Lời lẽ khá tự do, không câu nệ vào âm tiết. Đặc biệt, đoạn văn trên cũng như toàn bài văn hầu như không dùng điển cố, hạn chế tối đa từ Hán Việt khó hiểu, phát huy cao độ lời ăn tiếng nói hàng ngày. Yếu tố khẩu ngữ dày đặc làm cho bài văn như những lời tâm sự với người đã chết. Đây là những hiện tượng không hề thấy xuất hiện trong thể phú thời kỳ trước đó, và là những dấu hiệu về sự phát triển của lối văn xuôi Quốc ngữ từ thời kỳ này trở về sau.

Giống như ở Trung Quốc, văn tế thể phú của Việt Nam cũng diễn ra hai giai đoạn biến đổi: phú tản thể và văn phú. Nguyên do của giai đoạn thứ hai là nước ta có sự chuyển đổi hệ văn tự kèm theo cách diễn đạt tương ứng. Tuy số lượng tác phẩm không nhiều, nhưng hai lần cách tân này, đặc biệt là lần thứ hai, đã thổi vào thể phú một làn gió mới, cho thấy vai trò sáng tạo của các tác giả, tạo ra một thể phú mang phong cách, hình hài Việt Nam.

3.1.2. Văn xuôi

Ở Trung Quốc cổ đại, văn xuôi là thể văn đối ngược với biền văn và vận văn. Tản văn theo nghĩa rộng chỉ tất cả thể tài văn học đối ngược với thơ ca; theo nghĩa hẹp chỉ các tác phẩm tự sự, trữ tình biểu hiện tình cảm, tâm tư của con người trong cuộc sống. Hiện nay văn xuôi chỉ các loại văn gồm ký và các thể văn khác, trừ truyện, thơ, kịch. Nói cho dễ hiểu, văn xuôi là thể văn không có đối, vần, tự do về âm tiết, ngữ điệu.

Trong văn tế, văn xuôi là thể được sử dụng nhiều sau lối phú. Tuy sắc thái biểu cảm có kém hơn phú và các thể thi ca vì được viết tự do, thoải mái, không câu thúc về đối đăng niêm luật, nhưng nhờ sử dụng tốt các từ ngữ luyến láy, trùng điệp cấu trúc, chuyển tải những nội dung tình cảm chân thật, gần gũi, sâu sắc, bi thiết nên vẫn tạo được sự đồng cảm và sức lay động cao. Tiêu biểu như các bài văn tế của Nguyễn Hữu Chỉnh, Phạm Thái, Bùi Huy Bích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đăng Thịnh, Phạm Thận Duật…

Trước khi thể văn xuôi chính thức được sử dụng trong văn tế, nó trải qua một quá trình “thử nghiệm” bằng lối văn xuôi cổ. Đầu tiên là với Nguyễn Hữu Chỉnh. Lối văn xuôi trong văn tế của Nguyễn Hữu Chỉnh là lối văn xuôi nghệ thuật, không bắt buộc phải


có vần và đối, nhưng “thường thì ít nhiều có đối và thỉnh thoảng cũng có vần” [85; 263]. Xin minh hoạ bằng một đoạn trong Văn tế chị của ông:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 335 trang tài liệu này.

“Than ôi! Dòng nước chảy về đâu, biết có về Đông hải vậy chăng; Hồn phách chị ở đâu, biết có về Đông hải vậy chăng? Hay là nơi bồng hồ, lãng uyển; Hay là nơi tử phủ, thanh đô? Ao vàng khơi thẳm, biết là thăng giáng ở nơi nào. Bui còn một chút hình hài đưa về đất cố hương, muôn nước nghìn non, xa khơi cách trở. Ôi! Kiếp nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như lửa đá, như chiêm bao, giây phút nên không, dù nhẫn trăm năm cũng chẳng mấy.” (Văn tế chị [21; 38])

Các câu độ dài ngắn không đều, nhưng không phải lối lưu thuỷ, vì không có vần. Một số câu trong đoạn văn trên cũng như toàn bài văn có hiện tượng đối ngẫu, nhưng phần lớn nghiêng về văn xuôi, câu chữ tự nhiên, không gò bó, không gọt giũa. Chúng ta cũng bắt gặp những đặc điểm như thế trong Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái đầu thế kỷ XIX. Hai bài văn tế này có thể xem là hai tác phẩm có yếu tố văn xuôi nghệ thuật sớm nhất của văn học trung đại Việt Nam.

Thể loại văn tế trong văn học trung đại Việt Nam - 18

Bên cạnh những đặc điểm nổi bật của văn tế viết theo các thể văn khác, văn tế văn xuôi cũng có ưu thế riêng. Do không câu thúc ở niêm luật, độ câu dài ngắn, văn tế văn xuôi không quý phái, cũng ít có những lúc cao trào, mãnh liệt như nhiều bài văn tế theo thể phú, rất thích hợp thể hiện những tình cảm bình dị, sâu lắng, nhẹ nhàng, dâng trào theo cảm xúc tự nhiên. Có lẽ vì vậy, trong khi văn tế theo thể phú thường được viết để tế các bậc công thần, quan lại, tướng sĩ hoặc những người có vai vế, thì văn tế văn xuôi lại thường dùng để tế người thân quen, gần gũi như cha mẹ, anh chị em, thầy; những người ngang hàng như đồng liêu, bằng hữu; hoặc người bình dân như nô bộc. Như vậy, đối tượng được tế có vai trò góp phần chi phối cách vận dụng thể văn này.

Trong khi Nguyễn Bá Xuyến sở trường về văn tế Nôm theo thể phú thì Ngô Thì Nhậm là một trong những tác giả sở trường về văn tế chữ Hán theo thể văn xuôi. Theo tư liệu hiện có, Ngô Thì Nhậm để lại 23 bài văn tế các dạng. Trong khi các tác phẩm khác của ông được viết theo nhiều thể văn khác nhau thì văn tế hầu như chỉ được viết bằng văn xuôi, ngoại trừ Cáo Sàng Đồng trại cô hồn văn viết theo thể tứ ngôn.


Một số bài văn tế thể văn xuôi khuyết danh cũng rất xuất sắc, như Đại nội tử tế kỳ tỉ văn (Bài văn làm thay vợ tế chị vợ), Tế trưởng vong tỉ văn (Văn tế chị cả đã mất). Tạm minh hoạ bằng một đoạn trong Đại nội tử tế kỳ tỉ văn:

Bi tư nhân chi yểu, thương phụ mẫu chi tâm, cảm gia lương chi niệm, bất năng bất phủ ưng nhi đại đỗng dã. Phù phụ mẫu sinh hạ tử nữ, hữu gia thất thập hữu nhất nhân, độc ngô tỉ hoạn bệnh, nhi muội khổ bần. Ngô tỉ tại thời, cái thường viết: Bần bệnh giai nhân sở khổ. Nhiên ninh vi muội chi bần, bất ninh vi tỉ chi bệnh dã.” (Thương chị tôi yểu mệnh, làm cha mẹ đau lòng, khiến chồng chị nát tan trong dạ, em cũng không thể không xót xa kêu khóc. Ôi, cha mẹ sinh các con, mười một người đều đã thành gia thất, riêng chị bệnh hoạn, em lại khổ nghèo. Lúc còn sống, chị đã từng nói: “Nghèo bệnh đều là những thứ khổ của con người.” Nhưng thà em chịu khổ nghèo, chẳng muốn chị bệnh đau.) (Đại nội tử tế kỳ tỉ văn [5; 19b] NĐT) Những câu văn xuôi tự do, nhiều đoạn rất gần khẩu ngữ, nhưng lời lẽ thâm trầm,

da diết thể hiện tình cảm thiết tha của người em dành cho chị. Câu văn trải dài nên sự việc cứ tuần tự diễn ra theo nỗi nhớ, tình cảm cũng dường như vô tận, đồng thời do không cần phải bận tâm sắp xếp đối đăng niêm luật, nên bộc lộ rò tình cảm rất mực chân thành.

Dù thường có sự chắt lọc ngôn từ nhưng văn xuôi về cơ bản được diễn đạt như lời nói nên chắc chắn thể văn này xuất hiện rất sớm ở nước ta và không hẳn chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, về sau do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các lối văn khác như thơ ca từ phú, các tác giả Việt Nam khi viết văn xuôi thường xen các cấu trúc đăng đối hoặc có vần điệu nhịp nhàng dễ đọc dễ nghe vào tác phẩm của mình. Có trường hợp rất khó phân biệt là văn xuôi hay các thể từ phú pha văn xuôi (phú tản thể). Đoạn văn sau minh chứng cho điều vừa nói trên:

Hi! Tử dữ mỗ tiên phụ, tính mệnh chi giao dã. Mỗ tiên phụ thệ niên, thái tuế tại xà, tử táng luy luy, tuy hữu thân cố, suất đa tị chi. Duy tử tắc bất đạn gian hiểm, bồ bặc cứu chi, khâm liệm quan quách, thành tín như nghi. Thành phần chi hậu, tử nãi hồi quy. Tử chi ư mỗ tiên phụ như thử, kim tử tang chi, tức viễn hữu kỳ, nhi mỗ bất hoạch chấp phất, lễ dữ tâm vi. Tầm thường nhất điển, thác chi si chi. Cửu nguyên chi hạ, mỗ tiên phụ dữ tử trùng phùng, đương tự minh tạ.” (Than ôi! Thầy cùng cha tôi tình bạn sống chết có nhau. Cha tôi mất năm Tị, việc chôn cất rối bời,


bạn thân có đấy nhưng phần nhiều lánh mặt. Riêng thầy không ngại vất vả, lật đật đến giúp, khâm liệm vào quan theo đúng lễ nghi. Sau khi cha tôi mồ yên mả ấm, thầy mới ra về. Thầy đối với cha tôi như vậy, giờ thầy mất tôi lại ở xa, không được cầm phất, lễ trái với lòng. Một chén rượu tế cũng phải cho con đến thay. Dưới suối vàng cha tôi gặp thầy, sẽ ân cần cảm tạ.) (Văn tế Vũ Đông Dương [79, T17; 564)

Cách làm này góp phần làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn, dễ dàng được người nghe tiếp nhận, vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu thơ ca.

3.1.3. Thơ

Đặc điểm biểu hiện của văn tế là giàu tính biểu cảm và nhiều giọng điệu. Đặc điểm này chỉ được dễ dàng thể hiện với phú và văn xuôi. Số lượng áp đảo của văn tế thể phú và một số lượng đáng kể văn tế thể văn xuôi đã nói lên tầm quan trọng của hai thể văn này. Về thể thơ, do văn tế là thể loại thường phải viết dài, viết nhiều nên được viết bằng những thể thơ có độ dài không hạn định, tức thơ cổ phong của Trung Quốc và một số thể thơ thuần Việt.

Tuy nhiên, thơ với quy cách số chữ đều nhau không phải là thể văn thích hợp để viết văn tế. Vì thế, số lượng văn tế viết bằng các thể thơ chiếm số lượng không nhiều.

Thơ dùng trong văn tế có hai loại: vay mượn của Trung Quốc và sáng tạo của Việt Nam. Thể thơ mượn của Trung Quốc là thơ cổ phong có trước thơ Đường luật. Theo Bùi Văn Nguyên, thơ cổ phong có một số quy tắc nhất định về vần, câu, luật bằng trắc. Về vần có thể một vần hay nhiều vần theo kiểu vần liền hay vần cách; Về câu có thể 4 câu, 6 câu, 8 câu, 10 câu hoặc nhiều hơn theo lối trường thiên (lối hành). Về luật bằng trắc, tuy không quá gò bó như thơ Đường luật nhưng cũng phải có tiếng bằng tiếng trắc xen nhau mới thành thơ [85; 225]. Do phải đáp ứng nhiều yêu cầu về nội dung và hình thức, văn tế thể thơ chỉ dùng thể thơ cổ phong trường thiên.

Xét về số chữ thơ cổ phong, thể tứ ngôn ra đời sớm nhất trong dân gian Trung Quốc cổ đại. Thể này sau đó được sử dụng khá phổ biến trong thơ cho đến thời Đông Hán thì có sự thay đổi, do lời nhiều ý cạn, biến hoá không linh hoạt nên từ từ không còn được ưa chuộng và được thay thế bằng thể ngũ ngôn [175; 1832]. Tuy có một số tác giả nổi tiếng như Tào Tháo, Kê Khang, Đào Uyên Minh… cố gắng sáng tác theo thể tứ ngôn để vực nó lên nhưng vẫn không thể vãn hồi tình thế. Thể thất ngôn vốn ra đời trong dân gian


thời cổ đại cũng được dùng nhiều trong thơ từ thời Đông Hán. Ngay cả kiểu tạp ngôn cũng chủ yếu là câu thất ngôn nên có khi cũng được gộp chung vào thất ngôn. Hai thể này quan trọng đến mức người đời Đường chỉ dùng chúng trong thơ Đường luật. Thơ tứ ngôn vẫn còn được dùng ở các thời đại sau nhưng phần lớn nệ cổ nên không có nhiều bài hay [175; 1832].

Ở Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, thơ cổ phong chủ yếu dùng thể ngũ ngôn và thất ngôn, nhưng văn tế theo thể thơ cổ phong của Việt Nam chỉ dùng thể tứ ngôn.

Vì số lượng ít ỏi, chúng tôi chưa tìm ra quy luật nào về việc vận dụng thể thơ qua các bài văn tế này, có lẽ chủ yếu tuỳ thuộc vào sở trường hoặc sở thích của từng tác giả. Điều đáng chú ý là, khi vận dụng thể tứ ngôn để viết văn tế, các tác giả Việt Nam đã thấy được nhược điểm của nó nên chủ động phòng tránh và vận dụng có sáng tạo. Vì thế, trong khi thơ tứ ngôn của Trung Quốc bị nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cho là “lời nhiều ý cạn, biến hoá không linh hoạt” và “nệ cổ” thì văn tế thể tứ ngôn của ta lại có ngôn từ hàm súc, cách thể hiện uyển chuyển, đủ khả năng chuyển tải tình cảm, giọng điệu của tác giả.

Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho văn tế thể thơ cổ phong trường thiên là Văn tế Tôn Thất Thuyết của Nguyễn Thượng Hiền. Toàn bài viết theo thể tứ ngôn độc vận với số câu nhiều nhất: 60 câu. Minh hoạ một đoạn như sau:

Kính duy ngã công, gian thế anh kiệt. Thiên hoàng dục tú, uyên ban tịnh liệt. Xuất quân nhung phù, lôi oanh điện xiết. Đông chinh bắc thảo, thôi đảng hung nghiệt. Anh hoàng chi thế, Pháp kỳ đông yết. Xâm ngã bắc địa, đằng hung sinh nghiệt. Công hoạch kỳ cừ, tặc cơ điễn diệt. Nghĩa thanh tứ chấn, lôi đình tỉ liệt. Quốc sự nhất phi, hồ thử bằng huyệt. Tuy chấp trung khu, nan chi phúc triệt. Bối thành tá nhất, khí cương chí quyết. Thiên thị kiêu Pháp, dĩ táng ngã Việt. Phục Sở hữu hoài, dị bang ác tiết. Tạp tải cơ túng, nhất xoang nhiệt huyết. Bệnh duyên chí phẫn, vong do thế tuyệt. Tê chí tuyền đài, thiên thu uất kết.” (Kính nhớ tướng công, trên đời anh kiệt. Dòng dòi hoàng gia, văn quan hàng liệt. Cầm lệnh ra quân, oai vang sấm sét. Dẹp bắc đánh đông, trừ loài hung nghiệt. Đời vua Dực Tông, giặc Pháp uy hiếp. Cướp đất Bắc Kỳ, hung hăng chém giết. Ông trị thằng đầu, quân chúng khủng khiếp. Uy tiếng lẫy lừng, bốn phương vang khét. Việc nước ngày suy, cáo chuột đầy hang. Tuy cầm then chốt, xe đổ khôn ngăn. Tựa thành quyết đánh, khí


cứng chí cường. Trời nuông thằng Pháp, nước Việt tan hoang. Chí quyết trả thù, nước ngoài ôm tiết. Ba chục năm trời, một bầu nhiệt huyết. Bệnh bởi lòng căm, chết do đời tuyệt. Ôm hận suối vàng, nghìn thu uất kết.) [21; 12, 13]

Về nghệ thuật, thể tứ ngôn với câu văn ngắn gọn súc tích tuy bị giới bởi hạn số chữ trong câu nhưng nhờ lối trường thiên đủ để diễn tả trọn vẹn tính cách, uy danh và lòng yêu nước của Tôn Thất Thuyết cũng như tấm lòng và tình cảm sâu đậm của tác giả.

Ngoài thể thơ cổ phong, văn tế của Việt Nam còn được viết theo thể tán. Tán vốn là một thể loại văn học được mượn làm một thể văn để viết văn tế. Theo Lưu Hiệp, tán

có nghĩa là nói rò, nói thêm, muộn nhất vào đời vua Thuấn đã dùng thể văn này [56; 127]. Thời cổ, tán chỉ có nội dung ca tụng, được dùng làm một thể văn tán dương công đức của người hoặc công dụng của vật. Từ đời Hán về sau, thể văn này được dùng để khen lẫn chê. Tán được viết theo lối vận văn, thường dùng tứ ngôn, ngũ ngôn, thường không dài, câu cú cũng ngắn gọn nhưng sáng đẹp, tình ý đầy đủ. Đối tượng được tán dương thường là vua chúa, người trong triều đình, người có công đức, thần linh. Tuy thể tán ra đời từ thời cổ, nhưng về sau không phổ biến.

Thể văn này ở Việt Nam về cơ bản giống như Trung Quốc, bên cạnh đó cũng có vài điểm khác biệt. Giống như biểu văn (sẽ nói ở sau), thể tán cũng có thể dùng với thể thức mở rộng. Ngoài nội dung tán dương người và vật, ở Việt Nam tán còn được dùng để tự tán theo kiểu tự trào, đôi khi được viết khá tự do, không quá câu nệ về thể thức, như Truyền thần tượng tự tán của Ngô Thì Sĩ. Bên cạnh những bài ngắn, thể tán cũng có một số bài dài như Đạo thống tán của Hà Tông Huân, bài này có tới 30 vần.

Thông thường, văn tế theo các thể văn khác đều có phần tán (nội dung ca ngợi) viết theo nhiều thể khác nhau tuỳ thuộc từng tác phẩm cụ thể. Có lẽ vì thế, thể tán ít được sử dụng để viết văn tế hơn các thể văn khác. Trước mắt, chúng tôi chỉ tìm được bài Văn tế một vị chông chúa (tương truyền của Mạc Đĩnh Chi) viết theo thể văn này:

Thanh thiên nhất đoá vân, Hồng lô nhất điểm tuyết, Thượng uyển nhất chi hoa, Dao Trì nhất phiến nguyệt. Y! Vân tản, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết.


(Một đám mây trên trời xanh, một giọt tuyết giữa lò trời, một cành hoa trong ngự uyển, một vầng trăng dưới ao tiên. Ôi! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết.) [43; 67]

Bốn câu đầu ngợi ca tột đỉnh người chết bằng cách ví với hình ảnh “bốn cái độc nhất”. Câu cuối thể hiện sự tiếc thương vì những thứ ấy không còn tồn tại. Cách ví von và thương xót này về sau cũng thấy ở Phạm Thái: “Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm! (…) Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đoá.” (Văn tế Trương Quỳnh Như [21; 49]) Câu văn của Phạm Thái có thể xem là phần “tán” trong bài văn tế, là lời ca ngợi hình ảnh độc nhất của người yêu trong trái tim mình. Cách miêu tả, ca ngợi của hai tác giả (cũng có thể Phạm Thái mượn cách miêu tả, ca ngợi của bài trước) cùng một mục đích: Chỉ có một nên vô cùng đáng quý, vì thế khi mất đi càng đau tiếc tột cùng.

Bên cạnh thể thơ mượn của Trung Quốc, văn tế cũng viết bằng hai thể thơ thuần Việt ra đời rất sớm trong dân gian: lục bát và song thất lục bát. Bên cạnh loại văn tự sáng tạo là chữ Nôm, lục bát và song thất lục bát là hai thể thơ có vai trò quan trọng trong việc định dạng sự trưởng thành của nền văn học dân tộc, vì một nền văn học dân tộc phát triển đến giai đoạn trưởng thành “phải được ghi nhận bởi sự xuất hiện của các thể loại văn học đặc định của dân tộc đó” [158; 149]. Theo nhiều nhà nghiên cứu, dựa vào sách vở còn lại, lục bát và song thất lục bát được ghi lại sớm nhất trong Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào của Lê Đức Mao (1462-1529) [58; 1550]. Từ văn học dân gian được sử dụng vào văn học viết qua văn tự Nôm, hai thể thơ này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Thể lục bát ra đời từ xa xưa trong dân gian dưới hình thức ca dao, dân ca, tục ngữ. Trải qua quá trình phát triển, hoàn thiện, lục bát không chỉ được dùng trong thơ ca dân gian mà còn trở thành thể thơ thông dụng, rất được ưa chuộng của văn học viết, đặc biệt có ưu thế về khả năng tự sự. Tuy là một thể thơ cách luật nhưng lục bát có nhiều biến thể và được vận dụng khá linh hoạt về vần, nhịp, đối, đặc biệt là không hạn định số câu, tạo ra tính phong phú, tiện dụng cho thể thơ, có thể sử dụng trong mọi trường hợp.

Đến nay chỉ tìm thấy duy nhất Văn tế quân Thiên triều viết bằng thể lục bát. Thể lục bát của bài văn tế này viết khá tự do, nhất là ở phương diện gieo vần:


“Một chi đánh ở Đống Đa,

Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần. Khiếp voi bại trận tiên phong,

Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề. (…) Trời làm một trận gió lay,

Sống làm tướng mãnh, chết rày thần linh. Phù hộ tín chủ bình an,

Cửa nhà phú túc vững bền cao xây.” [66; 373]

Đặc điểm thể lục bát bài văn tế trên là xuất hiện một số biến thể về vần, thanh, nhiều câu thất vận… Câu thất vận chen vào những câu hiệp vận có thể làm cho người đọc cảm thấy hơi bất ngờ, hụt hẫng. Tuy nhiên, đó là những hiện tượng ảnh hưởng từ tính cách phóng khoáng, dễ dãi của dân gian, do dân gian sáng tạo, hướng tới người tiếp nhận cũng là dân gian. Những yếu tố này giúp tác phẩm trở nên gần gũi với người tiếp nhận. Một số lượng lớn truyện Nôm bình dân được yêu thích và phát huy giá trị về nhiều mặt cũng nhờ mang những đặc điểm này.

Thể song thất lục bát ra đời từ sự kết hợp thể thất ngôn với thể lục bát. Về nguồn gốc của thể thất ngôn, nhiều nhà nghiên cứu xác định “không phải xuất phát từ thơ thất ngôn Đường luật mà từ thể thơ bảy tiếng vốn có trong tục ngữ, ca dao của người Việt” [58; 1549]. Thật vậy, thể thất ngôn ở đây có sự khác biệt cơ bản với thơ Đường luật ở chỗ mỗi câu thường ngắt nhịp 3/4 và hai câu hiệp với nhau bằng vần lưng ở chữ thứ ba hoặc chữ thứ năm.

Trong văn học trung đại Việt Nam, thể song thất lục bát gắn liền với những khúc ngâm nổi tiếng nên được một số nhà nghiên cứu gọi là “thể ngâm khúc” [47; 117]. Nếu thể lục bát mạnh về khả năng tự sự thì thể này với cấu trúc đặc biệt lại thiên về diễn tả nội tâm với cảm hứng trữ tình, bi thương, câu thơ giàu giá trị biểu cảm, có thể diễn tả một cách tinh tế xúc cảm, tâm trạng. Âm điệu thường buồn nhưng sang trọng, quý phái. Thể này hay được dùng trong một số khoa nghi nhà Phật nên còn gọi là “điệu thầy cúng” [107; 260]. Nguyễn Du viết Văn chiêu hồn bằng thể song thất lục bát chứng tỏ tác giả có sự chọn lựa kỹ càng thể văn thích hợp nhất cho tác phẩm.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022