Chính sách Marketing Mix của hãng hàng không quốc gia Việt nam thời kỳ Việt Nam sau khi gia nhập WTO - 14

kiện “ấn tượng Việt Nam” sẽ là một trong những kế hoạch phát động du lịch góp phần làm tăng thị trường nội địa và quốc tế của cả 2 ngành. Xét về tương lai xa hơn nữa, theo tổ chức Du lịch Thế giới, Việt Nam được đánh giá là quốc gia thuộc nhóm sẽ phát triển du lịch mạnh nhất trên thế giới trong giai đoạn 2008-2016. Việt Nam được biết đến như một điểm đến thân thiện, an toàn trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia liên tục gặp phải những bất ổn về chính trị, xã hội. Đây là những nhân tố thuận lợi để ngành du lịch và hàng không nước nhà cùng phát triển mạnh trong thời gian tới.

c, Phát triển lĩnh vực vận tải hàng hóa

Việt Nam có vị trí địa lí vô cùng thuận lợi để trở thành trung tâm lưu thông hàng hóa lớn trong khu vực. Với vị trí nằm ở khu vực sôi động của thị trường hàng hóa Châu Á-Thái Bình Dương, là cầu nối giữa khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, lại đang ngày càng tích cực hội nhập sâu rộng với nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, trong những năm qua Việt Nam đã trở thành một trong những điểm xuất nhập hàng hóa hàng không đáng kể của khu vực và chắc chắn sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian sắp tới. Thị trường hàng hóa tăng trưởng cao mở ra những triển vọng khai thác mới cho VNA.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, hiện tại hãng vẫn chưa có chính sách phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa đúng đắn do vẫn xem trọng vận tải hành khách. Quan điểm này đã tới lúc cần thay đổi. Đặc biệt với những kích thích từ việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam đang đón nhận ngày càng nhiều hơn các chuyến hàng từ khắp năm châu. Với các cam kết mở cửa của Việt Nam trong WTO, các mặt hàng như dệt may, rau quả, thủy sản hay linh kiện điện tử, dược phẩm, dụng cụ y tế được trao đổi với mức độ ngày càng cao. Vận tải hàng không với ưu điểm về tuyến đường, độ an toàn và thời gian vận chuyển nhanh luôn là sự lựa chọn đầu tiên cho việc chuyên chở các

mặt hàng này. Rõ ràng cơ hội mà WTO mở ra cho hàng không Việt Nam không nên bị bỏ phí. Hiện tại, các máy bay của VNA đều sử dụng với mục đích chủ yếu là chuyên chở hành khách, ưu tiên cho hành khách, hàng hóa chỉ là yếu tố phụ thêm để tăng hiệu suất khai thác máy bay. Thiết nghĩ, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với thế giới đang diễn ra nhanh chóng, hãng cần bắt đầu chuyển hướng để đầu tư hơn nữa trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hóa, nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện nay do không có máy bay chuyên dụng chở hàng, VNA thường tận dụng tối đa lượng tải cung ứng dư thừa từ các máy bay chở khách của mình để phục vụ cho chuyên chở hàng hóa, cùng với đó vẫn lấy việc gắn bó với các đối tác truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan để mua tải cung ứng là 2 phương thức chính. Tuy nhiên đây là cung cách làm ăn nhỏ, không chủ động và rất dễ mất khách hàng. Trong thời gian tới, hãng cần dành mối quan tâm nhiều hơn cho vận tải hàng hóa theo các cách sau đây.

Trước hết vẫn tiếp tục tận dụng các máy bay chở khách thân rộng để chuyên chở hàng hóa khối lượng lớn từ Việt Nam đi Đông Bắc Á, Châu Âu, Mỹ. Cách làm này nhằm mục đích tận dụng tải dư thừa, tăng hiệu suất sử dụng các máy bay lớn. Bước đầu cung cấp dịch vụ chuyển hàng nhanh nhằm vào thị trường hàng hóa khối lượng nhỏ, có yêu cầu cao về thời gian vận chuyển. Với cách này, hãng có thể khai thác thêm các máy bay có tải hàng thấp vốn chỉ dùng để chở khách. Tiếp theo, đẩy mạnh hợp tác để khai thác nguồn hàng ổn định. Đối với thị trường trong nước, VNA cần ngay lập tức thành lập bộ phận chuyên biệt để tìm hiểu và dần thiết lập mối quan hệ với các cơ sở kinh doanh có nguồn hàng lớn thường xuyên. Đối với thị trường nước ngoài, thành lập các đại lí thu gom hàng hóa. Các đại lí này sẽ thay mặt cho hãng làm nhiệm vụ tìm kiếm nguồn hàng tại thị trường nước ngoài. Không chỉ dừng lại ở đó, hợp tác còn mở rộng trên phạm vi giữa các hãng

hàng không với nhau. Là một hãng hàng không trung bình của khu vực với mạng đường bay còn hẹp và đặc biệt không có máy bay chở hàng chuyên biệt, việc hợp tác là tất yếu để hãng phát triển vận tải hàng hóa. Bên cạnh các đối tác truyền thống như KE (Korean Air của Hàn Quốc), BR (Eva Airways của Đài Loan), CI (China Airlines của Trung Quốc), hãng cần tiếp tục tìm kiếm các đối tác khác có tiềm lực mạnh, có đội bay hùng hậu để mở rộng khả năng nối mạng cho hành trình vận chuyển hàng hóa. Với các đối tác như hiện có, VNA mới chỉ khai thác tương đối nhiều ở thị trường khu vực, đặc biệt tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, một số thị trường Châu Âu như Đức, Pháp. Sắp tới hãng cần tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác để khai thác nhiều hơn thị trường Châu Âu và đặc biệt là thị trường Mỹ, nơi có lượng luân chuyển hàng hóa rất lớn. Các hình thức hợp tác nên tiến hành đa dạng từ đơn giản đến phức tạp như: hợp tác chia chặng đặc biệt (SPA), mua tải cung ứng thông qua liên danh, liên doanh…

Mặc dù vậy, muốn phát triển bền vững và chủ động, hãng vẫn cần phải lên kế hoạch để phát triển đội bay, nền tảng cho quá trình chuyên chở. Hiện tại đội bay của VNA đang được đánh giá là đội bay trẻ với độ tuổi trung bình là 7,3 tuổi, đạt được các tiêu chí về an toàn, tiện nghi. Hãng sẽ còn có thể tiếp tục khai thác các máy bay này trong một khoảng thời gian dài cho việc chuyên chở hàng hóa cũng như hành khách. Để tích cực và nâng cao tính chủ động trong vận tải hàng hóa, VNA phải được trang bị máy bay chuyên dụng chở hàng. Vẫn biết giá một máy bay chở hàng chuyên dụng là không nhỏ, đặc biệt khi hãng vẫn đang phải giải quyết khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên để tiến tới sự phát triển dài hạn và ổn định, không thể dựa mãi vào việc mua tải của các đội bay khác hoặc sử dụng máy bay chở khách để chở hàng. Vấn đề này sẽ được giải quyết nếu bài toán về nguồn vốn được giải và rất cần tới sự hỗ trợ của Nhà nước.

3.3 Một số kiến nghị với Nhà nước

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.

Nhà nước Việt Nam đã xác định vận tải hàng không là ngành kinh tế mũi nhọn cần được quan tâm và tạo điều kiện phát triển, vì đó là cửa ngõ, là bộ mặt của nền kinh tế.

Với những mục tiêu mà hãng đã đề ra cho giai đoạn trước mắt, việc Nhà nước tham gia hỗ trợ là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình thực hiện và hoàn thành những mục tiêu ấy. Chính phủ có thể hỗ trợ hãng thông qua các phương thức sau:

Chính sách Marketing Mix của hãng hàng không quốc gia Việt nam thời kỳ Việt Nam sau khi gia nhập WTO - 14

_ Tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của

hãng

Trước hết chú trọng nâng cao các mối quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế

với những quốc gia phát triển trên thế giới. Việc gia nhập WTO là bước tạo đà thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế với toàn thế giới. Đã qua hơn 2 năm trở thành thành viên của WTO, quá trình hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam đã thu được những kết quả khả quan. Trong thời gian sắp tới, Chính Phủ cần tiếp tục đảm bảo lộ trình mở cửa các ngành kinh doanh theo đúng cam kết, để các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng dễ dàng hơn trong việc phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với đó, Chính Phủ thúc đẩy việc đàm phán mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác lớn toàn cầu. Một khi việc giao lưu kinh tế được tạo điều kiện thuận lợi từ những chính sách ưu đãi của Nhà nước, tất cả các ngành nghề kinh doanh đều có cơ hội phát triển. Mặt khác, việc mở rộng hợp tác quốc tế sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lại của các bên đối tác kinh doanh tạo một nguồn khách ổn định cho hàng không.

Kết hợp với Bộ giao thông vận tải nghiên cứu kế hoạch xây dựng mới và nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở như hệ thống đường xá, sân bay, cảng biển… để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại nội địa và quốc tế. Hiện nay, việc xây dựng và nâng cấp đồng bộ hạ tầng giao thông là

yếu tố cần thiết bởi vận tải hàng không chỉ có thể phát triển tốt trong mối quan hệ phát triển chặt chẽ với các loại hình vận tải khác.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn như NB, TSN, Đà Nẵng vì đây là các trung tâm trung chuyển của hầu hết các chuyến bay nội địa và quốc tế.

Đối với bất kì một ngành kinh doanh nào thì vấn đề tuân thủ pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về vận tải hàng không một cách nhất quán, tránh mâu thuẫn với các qui định khác của pháp luật trong nước cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế. Từ đó tạo hành lang pháp lí rõ ràng, minh bạch và ổn định đem lại điều kiện tốt để hãng yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh.

_ Hỗ trợ hãng gia tăng nguồn vốn kinh doanh để phát triển đội máy bay và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bảo dưỡng và sửa chữa máy bay.

Như đã phân tích ở trên, nguồn vốn đang là một bài toán khó giải quyết của VNA. Những nỗ lực cải thiện nguồn vốn của hãng chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả nếu Nhà nước quan tâm đến các vấn đề sau:

Hỗ trợ hãng bằng cách sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ như vốn vay ưu đãi ODA để hãng đầu tư phát triển, đặc biệt là phát triển đội máy bay và đào tạo nguồn nhân lực.

Chính phủ phải là người đóng vai trò trung gian đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay của hãng tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng nước ngoài cũng như có chế độ ưu đãi đối với các khoản vay trong nước. Điều này vô cùng quan trọng bởi nếu có sự hậu thuẫn của Chính Phủ, hãng sẽ dễ dàng đáp ứng những điều kiện ràng buộc của bên cho vay.

Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa VNA cũng như các đơn vị kinh doanh dịch vụ hàng không có liên quan.

_ Những hỗ trợ khác

Trong bối cảnh hiện tại, để nâng cao sức cạnh tranh cho VNA, hãng hàng không đại diện cho hình ảnh của quốc gia, Nhà nước cần quan tâm tới các vấn đề

Thuế: đây là một khoản phải nộp ngân sách Nhà nước được tạo thành trong quá trình hoạt động kinh doanh của hãng, làm giảm khoản thu nhập của hãng. Do vậy, Chính phủ cần đưa ra những ưu đãi về thuế như giảm thuế đánh vào xăng dầu nhập khẩu phục vụ cho vận chuyển hành khách, giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu với các kỹ thuật công nghệ mới, ưu đãi các khoản thuế đánh vào tiền thuê máy bay.

Chính phủ cùng với Tổng cục du lịch cùng nhau hoạch định chiến lược phát triển cho ngành du lịch với mục đích thúc đẩy lượng khách quốc tế vào Việt Nam cũng như lượng khách Việt Nam đi du lịch ra nước ngoài. Nhờ đó, ngành hàng không nước nhà có nguồn khách du lịch dồi dào.

Chính phủ cũng nên xem xét nới lỏng qui trình thủ tục xin cấp thị thực nhập cảnh mang lại sự tiện lợi cho các hành khách đi và đến Việt Nam.

Cùng với sự hỗ trợ từ phía nhà nước và những thay đổi tích cực của hãng nhằm khắc phục các nhược điểm còn tồn tại, hiệu quả của chính sách Marketing-mix sẽ ngày càng được nâng cao. Trong giai đoạn sắp tới hội nhập vẫn là xu thế của ngành hàng không, những giải pháp trên đây có thể phần nào giúp hãng giải quyết các điểm yếu trong hoạt động kinh doanh để đón nhận những thời cơ và thách thức mới.

KẾT LUẬN

Việc Việt Nam gia nhập WTO cùng với xu thế mở của bầu trời đang làm thay đổi lĩnh vực vận tải hàng không nước nhà. HHKQGVN từ chỗ nhận được rất nhiều sự bao bọc che chở của Chính Phủ, hoạt động gần như độc quyền tại thị trường nội địa thì nay đã phải tự mình gánh vác hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hãng hàng không quốc tế tham gia khai thác thị trường Việt Nam ngày một nhiều, đặc biệt là sự xuất hiện của hàng không giá rẻ tạo áp lực lớn lên HHKQGVN. Trong bối cảnh khó khăn đó, hãng đã phát huy tốt tính chủ động sáng tạo, kịp thời nắm bắt thị trường để có những thay đổi chiến lược trong chính sách Marketing-Mix. Đội bay hiện đại, mạng đường bay ngày càng được mở rộng, sản phẩm dịch vụ tiếp tục được hoàn thiện... tất cả đã góp phần mang hình ảnh của VNA đến với khách hàng một cách gần gũi và thân thiện hơn.

Hợp tác để phát triển là xu thế chung của các hãng hàng không toàn cầu. VNA đã thực hiện tốt việc liên kết với các hãng hàng không có tiềm lực mạnh, tham gia vào các tổ chức hàng không quốc tế như IATA, liên minh Skyteam. Từ đó hãng không chỉ phát huy được những thế mạnh sẵn có của mình mà còn khắc phục được những điểm yếu về công nghệ, nhân lực, và thiếu máy bay chở hàng.

Mặc dù những thành tích đạt được là đáng khích lệ nhưng những hạn chế vẫn cần được khắc phục sớm. Bởi giai đoạn trước mắt vẫn đầy khó khăn và gian nan đến từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu vận chuyển suy giảm và cạnh tranh ngày càng gay gắt trên cả thị trường quốc tế và thị trường nội địa.

Thông qua những nội dung đã trình bày, khóa luận đã hoàn thành những nhiệm vụ sau:

-Trình bày những vấn đề cơ bản về dịch vụ vận tải hàng không và phân tích tầm quan trọng của chiến lược Marketing-mix trong việc phát huy sức cạnh tranh của loại hình dịch vụ này.

-Nghiên cứu môi trường kinh doanh và đánh giá những hoạt động kinh doanh vận tải của hãng kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Từ đó nhận ra điểm mạnh, điểm yếu và những bất cập cần được giải quyết.

-Xây dựng hệ thống giải pháp tổng hợp bao gồm các nhóm giải pháp nhằm phát huy nội lực hãng, nhóm giải pháp Marketing và nhóm giải pháp phát triển sản phẩm mới. Trong đó các giải pháp và kiến nghị với Nhà nước liên quan đến nguồn vốn và nguồn nhân lực là quan trọng hơn cả vì đó là động lực phát triển lâu dài và bền vững cho hãng.

Hi vọng rằng từ những giải pháp đã đưa ra kết hợp với sự đoàn kết đồng lòng của toàn thể nhân viên hãng, VNA sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, sải cánh ngày càng rộng trên thương trường quốc tế.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/04/2022