Không Gian Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Của Vi Hồng.

cuộc đời và tương lai của bao cô gái. Tính cách bỉ ổi, tàn nhẫn của Đương còn được thể hiện khi anh ta muốn cưới được Di – người con gái trẻ đẹp, Đương đã đạo diễn để cấp dưới ve vãn, ngủ với vợ mình rồi bắt quả tang, lấy cớ li dị. Tính cách độc ác, vô nhân tính của Đương được đẩy lên đến đỉnh điểm khi Đường - đứa con trai ngoài giá thú của hắn xuất hiện. Đường là đứa con đã bị Đương bỏ rơi mười chín năm nay. Anh đến gặp bố với một yêu cầu: “chữa cái vết thương đời của mẹ con chảy máu mười chín năm nay, lâu lâu bố hãy về thăm mẹ con, an ủi mẹ con. Khi nào bố về hẳn, thì bố hãy công khai đi lại với mẹ con”. Không hề đếm xỉa đến sự thiệt thòi của đứa con mà hắn đã bỏ rơi, không cần biết đến ước muốn chính đáng của đứa con đầy lòng vị tha, nhân hậu, Đương đã “sửa chữa” lỗi lầm bằng cách thuê người giết con trai để bịt miệng. Việc không thành, chính tay hắn đã bỏ thuốc độc vào cốc nước để giết con. Người xưa nói “hổ không ăn thịt con” vậy mà giáo sư tiến sĩ, hiệu trưởng Đương lại nhẫn tâm giết con của mình chỉ vì dục vọng tầm thường. Đương hiện lên với một dã tâm độc ác đến không còn tính người.

Với quan điểm “Đem hết sức mình ra để diệt trừ cái ác, kẻ ác, trừ khử những kẻ phản bội trắng trợn, nguyền rủa những kẻ “Béc kha cải” (đại nịnh hót), khinh bỉ lũ yếu hèn” [44, 23], Vi Hồng đã xây dựng và khám phá những nhân vật có chức, có quyền bất tài, tráo trở, độc ác, vô nhân tính ở nhiều phương diện khác nhau nhằm phanh phui, lên án để diệt trừ kẻ ác. Kết cục bi thảm của những kẻ như Đoác trong Vào hang, Ba trong Người trong ống, Hỷ, Đương trong Gã ngược đời… là sự trừng trị đích đáng của cái thiện đối với cái ác. Nhà văn đã đặt những con người ấy bên cạnh những nhân vật có phẩm chất tốt đẹp như kĩ sư Hà Thế Quản, bác sĩ Tú, Bác sĩ Huy… đem đến cho người đọc một niềm tin bất diệt cái thiện sẽ chiến thắng, cái ác sẽ bị trừng trị, đồng thời thể hiện một khát vọng cao đẹp đầy tính nhân văn của nhà văn, đó là tiến tới một xã hội công bằng, tốt đẹp, văn minh. Ở đó có những con người tài giỏi thực sự và có lòng nhân hậu, vị tha. Những con người ấy như những ánh sáng kì diệu thắp sáng lên trong tâm hồn mỗi người những tình cảm cao đẹp, đồng thời thôi thúc chúng ta lên án, đấu tranh loại bỏ cái xấu để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chương 2

KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA VI HỒNG


2.1. Khái niệm “Không gian nghệ thuật.

Không gian và thời gian là hình thức tồn tại của vật chất, Ăng Ghen – nhà triết học nổi tiếng thế kỉ 18 đã khẳng định: “Những hình thức cơ bản của tồn tại là không gian và thời gian. Tồn tại ngoài thời gian cũng vô lí như tồn tại ngoài không gian”. Như vậy, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật.

Giáo sư Trần Đình Sử trong Dẫn luận thi pháp học cho rằng: “Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Cũng như mọi vật trong thế giới đề tồn tại trong không gian ba chiều: cao, rộng, xa và chiều thì gian, không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có nhân vật nào không có nền cảnh nào đó” [24, 86]. Nếu không gian nghệ thuật trong các loại hình nghệ thuật khác như hội hoạ, điêu khắc… luôn luôn mang sắc thái tĩnh tại thì không gian nghệ thuật trong văn học luôn luôn có sự vận động biến đổi.

Trong cuốn Từ điển thuật ngữ Văn học, các tác giả đã định nghĩa: “Sự miêu tả trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian nên mang tính chủ quan” [16, 135]. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, nhằm thể hiện cuộc sống và con người. Những sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan như cánh đồng, dòng sông, con đường… chưa phải là không gian nghệ thuật. Nó chỉ trở thành không gian nghệ thuật khi cùng với yếu tố nghệ thuật khác như ngôn ngữ, cốt truyện… nó thể hiện quan niệm của nhà văn về con người và thế giới. Hay nói cách khác, không gian trong tác phẩm văn học chỉ trở thành không gian

nghệ thuật khi nó mang “tín chỉ thẩm mĩ” [12, 92] đồng thời “biểu hiện mô hình thế giới của con người” [25, 89]. Đó chính là không gian nghệ thuật đặc thù. Chính đặc điểm này làm cho văn học có thể phản ánh đời sống trong tính đầy đủ và toàn vẹn của nó. Không gian nghệ thuật trong văn học không chỉ tái hiện thế giới mà còn bộc lộ tư tưởng, tình cảm của con người. Có thể nói: không gian nghệ thuật trong văn học, không phải là không gian vật chất đơn thuần mà là không gian được tinh thần hoá để thể hiện chủ đề của tác phẩm cũng như tư tưởng của nhà văn. Vì vậy không gian nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong mỗi tác phẩm văn học.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

Đã có rất nhiều tác giả nghiên cứu về không gian nghệ thuật và đưa ra những sự phân loại khác nhau. Trần Đình Sử trong Dẫn luận thi pháp học đã phân chia không gian nghệ thuật dựa vào các tiêu chí sau:

Thứ nhất, dựa vào vị trí, giới hạn của sự vật, không gian được chia thành: không gian điểm, không gian tuyến, không gian mặt phẳng (hoặc không gian khối).

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 7

Thứ hai, dựa vào sự biến đổi của sự vật hiện tượng, không gian được chia thành: không gian bên trong (bên trong thì phi thời gian, không biến đổi, trừ phi thảm hoạ làm nó huỷ diệt), không gian bên ngoài (đổi thay, vô thường, ngẫu nhiên). Ngoài ra, còn có không gian hành động và không gian phi hành động.

Khi nghiên cứu Những vấn đề thi pháp của truyện tác giả Nguyễn Thái Hoà đã khẳng định sự tồn tại của vật thể trong không gian. Nhận thức của con người được hình thành riêng rẽ, biểu đạt bằng lời và được “khúc xạ” theo chủ quan của người nói. Vì vậy, tác giả đã phân chia không gian ra thành 5 loại như sau: không gian bối cảnh, không gian sự kiện, không gian tâm lí, không gian kể chuyện, không gian đối thoại. Trong đó, không gian bối cảnh là không gian rộng lớn nhất mà câu chuyện xảy ra, bao gồm bối cảnh thiên nhiên, bối cảnh xã hội, bối cảnh tâm trạng.

Dựa trên khái niệm về không gian nghệ thuật và sự phân loại không gian nghệ thuật của các tác giả trên, căn cứ vào thực tế, chúng tôi tiến hành nghiên cứu

không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng theo những tiểu loại sau: không gian bối cảnh (bao gồm bối cảnh thiên nhiên và bối cảnh xã hội), không gian sự kiện không gian tâm lí.

2.2. Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng.

2.2.1. Không gian bối cảnh.

Không gian bối cảnh là không gian lớn nhất mà ở đó câu chuyện xảy ra. Không gian bối cảnh là môi trường của hành động nhân vật, một địa điểm có tên riêng hay không có tên riêng trong đó có cả thiên nhiên, xã hội, con người. Nó là điều kiện cần thiết cho mọi sự kiện, mọi hoạt động, một phạm vi thế giới không thể thiếu.

2.2.1.1. Bối cảnh thiên nhiên.

Bối cảnh thiên nhiên bao gồm những hiện tượng như : trời đất, mây núi, cỏ cây, dòng sông, cánh đồng, con đường… tạo nên một khung cảnh rộng lớn đa dạng, làm nền cho sự xuất hiện của nhân vật và các sự kiện trong tác phẩm. Nguyễn Thái Hoà trong cuốn Thi pháp của truyện cho rằng: thiên nhiên “thay đổi theo bốn mùa khác nhau ở từng địa phương, khác nhau trong từng giây phút” [89]. Thiên nhiên, một mặt gắn với nhân vật và hành động của nhân vật, mặt khác gắn với tâm trạng của người kể, tạo cảm hứng cho người kể và người đọc. Chính vì vậy mà thiên nhiên thường thích hợp với những nhân vật lãng mạn, gắn với tâm hồn lãng mạn của người kể. Và cũng vì thế mà yếu tố thiên nhiên thường được các nhà văn sử dụng nhiều trong sáng tác của mình để thể hiện những tâm hồn lãng mạn hay những thiên tình sử hào hùng hoặc bi thảm của nhân vật.

Mỗi nhà văn tạo dựng trong tác phẩm của mình một bối cảnh thiên nhiên khác nhau. Trong sáng tác của Nguyễn Tuân ta thấy bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp toàn bích. Đó là hình ảnh “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo…”. Trong sáng tác của Nguyên Hồng, nhà văn đặc biệt nhạy cảm, ta thấy bức tranh thiên nhiên rộng lớn với trời cao, biển rộng, sông dài; Trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, thiên nhiên quay cuồng trong giông tố, thiên nhiên khốc liệt

và dữ dội luôn báo hiệu sự bất thường trong cuộc đời con người. Còn trong sáng tác của Vi Hồng, thiên nhiên như dung hoà được tất cả các yếu tố trên. Đó là một thiên nhiên rộng lớn mang đậm hơi thở của núi rừng Việt Bắc, có lúc nó dữ dội đầy bí hiểm, có lúc lại hiền hoà thơ mộng mang vẻ đẹp tuyệt mĩ, có lúc lại chân thực khách quan như nó vốn có trong cuộc sống thực, có ánh sáng, có bóng tối, có mặt trời, mặt trăng, có núi rừng ẩn hiện trong những màn sương bồng bềnh và trong những đám mây buổi sớm… Thiên nhiên ấy luôn luôn theo sát con người, gần gũi, giao hoà.

Thiên nhiên đóng một vai trò hết sức quan trọng trọng. Nó chính là những yếu tố làm nên sự hấp dẫn cho tiểu thuyết của Vi Hồng.

Đọc tiểu thuyết của ông, người đọc như lạc vào một xứ sở thần kì vừa gần gũi, vừa xa lạ để rồi có lúc như đắm mình trong vẻ đẹp đến mê hồn của thiên nhiên nhưng cũng có lúc lại giật mình “nổi gai ốc” vì sự bí hiểm hoang sơ và dữ dội của nó. Tô Hoài trong tập truyện Tây Bắc đã phác thảo ra một Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng rất thơ mộng. Ta có thể bắt gặp cái lạnh đến tê dại mà Mỵ phải chịu vào mùa đông trên rẻo cao trong Vợ chồng A Phủ, nhưng ta cũng có thể say trong tiếng sáo gọi bạn vào đêm tình mùa xuân. Tô Hoài là người miền xuôi, mà ông còn có thể phát hiện ra những nét đẹp cũng như cái khắc nghiệt của miền núi thì Vi Hồng là người dân tộc thiểu số, được sinh ra và lớn lên ở chính quê hương miền núi lại càng cảm nhận một cách sâu sắc về những đặc điểm đó. Vi Hồng phản ánh thiên nhiên một cách cụ thể, tỉ mỉ, chi tiết mang cái hồn của quê hương xứ sở.

Viết về thiên nhiên, Vi Hồng có lúc như một hoạ sĩ tạo nên những bức tranh thơ mộng đẹp đẽ, có lúc lại như nhà quay phim cận cảnh để phơi lộ ra những đường nét hoang sơ vốn có của núi rừng. Ở góc độ nào, nét vẽ đậm hay nhạt, bức tranh thiên nhiên của ông cũng gây được ấn tượng bất ngờ.

Có thể chia bức tranh thiên nhiên trong tiểu thuyết của Vi Hồng ra thành 2 loại khác nhau: bối cảnh thiên nhiên hoang sơ nhưng hùng vĩ bối cảnh thiên nhiên đẹp đẽ thơ mộng mang vẻ đẹp diệu kì làm say đắm lòng người.

a. Bối cảnh thiên nhiên hoang sơ dữ dội.

Thiên nhiên trong cảm quan của Vi Hồng thường mang dấu ấn của hiện thực khách quan. Nhà văn không né tránh hiện thực cho dù đó là hiện thực khắc nghiệt. Vi Hồng miêu tả thiên nhiên không chỉ để cảm nhận vẻ đẹp bên ngoài vốn có của nó mà thiên nhiên còn là phương tiện nghệ thuật để nắm bắt cuộc sống bên trong của con người. Từ tấm lòng gắn bó với thiên nhiên, với đất trời, Vi Hồng cảm nhận nó ở những dáng vẻ hoang sơ nhất, qua đó thể hiện cuộc sống vất vả cũng như nghị lực phi thường của con người miền núi.

Trong tiểu thuyết Gã ngược đời, tác giả đã miêu tả con đường lên đỉnh núi Khau Moóc của kĩ sư Hà Thế Quản vô cùng hoang sơ dữ dội. Đó là nơi chưa có dấu chân người: “Ở đây cây cối đến mọi thứ cỏ đều hoàn toàn xa lạ. Dưới chân núi, cây mọc thẳng, cỏ ít, rừng ít rậm. Đó là rừng và cây của miền hàn đới giữa nhiệt đới cho nên nó xa lạ với cả hai miền, ba miền trái đất. Nó chẳng giống ôn hàn mà cũng chẳng giống nhiệt đới. Hình như nó có đủ tính chất của cả ba miền đó của trái đất”. Một không gian có lẽ chỉ có ở núi rừng Việt Bắc. Nó hội tụ khí hậu của cả ba miền nhiệt đới, ôn đới và hàn đới, chính vì vậy mà nó chứa đầy những nguy hiểm. Đường lên đỉnh núi Khau Moóc phải đi qua thác Trán Hổ: “Ở thác Trán Hổ, nước từ trên cao đổ xuống làm thành mấy bậc… trên trán thác là hai bên bờ đá vách đứng đá dựng… Mỗi hòn đá trơn như bôi mỡ, bôi dầu… Dưới chân thác Trán Hổ là những con rùa lớn bằng cái nong nằm chờ con hươu, con nai hay con người ngã thác là chúng thi nhau xâu xé. Những con rùa đó giống hình con ba ba, đầu to miệng rộng hoác rất thèm ăn thịt người”. Trong lòng thác khi phải lội qua là những đống rêu kì quái như những cạm bẫy đang chờ đợi con người: “Những đống rêu nguyên sinh lưu lại xanh mướt như rêu ma quỷ, trơn như nhớt sên, nhớt vắt. Cái lạnh của rêu ma quỷ rừng già làm cho bàn chân tê dại không buồn lê bước”. Là một kĩ sư tài năng, Quản không muốn mình bị bó hẹp trong không gian của trường đại học với những bài giảng cũ kĩ, sáo mòn, anh đã tìm lên đỉnh núi Khau Moóc để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Con đường đi của anh hết sức vất vả “Hết ghềnh thác lại qua bãi lá han. Lá han của hoang

dã lá to mập như tầu rau cải bắp rau cải bẹ và xanh mầu xanh ma quái, xanh có tuyết, xanh có ánh xanh đẹp như có sức vẫy gọi”. Những bãi lá han đẹp đầy quyến rũ ấy lại chính là những kẻ giết người. Mỗi khi có người đi qua là: “cả bãi lá han gần như thức dậy cất tiếng lào phào đòi ăn thịt người”. Những lông tơ của lá han có sức mạnh ghê gớm, nó chui qua những lần vải ăn vào da thịt con người, vì vậy mà “đã có mấy bộ xương người nằm cạnh bãi lá han”. Hết bãi lá han là đến thác Voi Gầm. Cái thác này cũng không kém phần dữ dội: “Thác gầm giống như tiếng voi gầm mỗi khi động đực… Thác Voi Gầm là cái thác nguy hiểm hơn cả, trong số 36 cái thác đáng kể của vùng núi Khau Moóc. Dưới chân thác là vực sâu đầy thuồng luồng có sừng vàng, có mỏ đỏ chỉ đợi mọi vật và con người rơi xuống là ăn thịt”. Vượt qua được những cái thác đó tưởng là thoát nạn nhưng không, những con vắt cũng được nhà văn miêu tả gây ấn tượng khó quên trong lòng người đọc: “Trên bờ thác có những con vắt ma, những con vắt ma to bằng ngón tay, nhiều như lá cây trên đầu… Vắt từng ổ, từng vộc, vắt nhẩy rào rào… Vết cắn của vắt có chứa độc lắm có khi mọc mụn khắp người rồi chết”.

Đặc trưng của không gian rừng núi là thú dữ. Chính vì vậy mà hầu như trong các tác phẩm của Vi Hồng, ta đều bắt gặp những hình ảnh này. Những con hổ, con trăn, con cáo, con khỉ… luôn là mối đe doạ đối với con người. Chúng tấn công con người và ăn thịt súc vật của con người bất cứ lúc nào. Trong tiểu thuyết Đoạ đầy, vì bị gia đình cấm đoán, Bội Hoan và Ki Nọi đã phải trốn vào rừng sâu, ở lại kiếm kế sinh nhai. Ở đó, họ luôn phải đối mặt với thú dữ. Đó là những đàn chó sói “đông đến hàng trăm con, lũ chúng có thể tấn công cả đàn lợn lòi, cả hổ và gấu”. Cùng với chó sói là hổ: “Hổ nhe răng, hai răng nanh to bằng quả chuối tiêu, dài quá gang tay, trắng nhởn, nhọn hoắt”. Và đây nữa, “những con trăn khổng lồ nuốt trôi cả con bò của Bội Hoan”. Chó sói, hổ, báo là vô cùng nguy hiểm nhưng đề phòng là con người cũng có thể tránh được. Nhưng có những loài vô cùng xa lạ đối với con người, họ chưa từng biết đến, ngay cả trong cổ tích cũng không có. Đó là những con tó hống: “Con tó hống to bằng con chim ri, dài gần bằng ngón tay trỏ… chúng giống hệt như con ong vò vẽ... lại khát máu”.

Chúng không chỉ ăn thịt súc vật mà còn ăn thịt cả con người. Con gái của Bội Hoan và Ki Nọi mới mấy tháng tuổi đã trở thành nạn nhân của nó. Bội Hoan và Ki Nọi đau đớn đến ngất đi khi “nhìn vào nôi qua lớp vải màn mỏng, con bé chỉ còn lại bộ xương. Những đầu xương hình như đang rỏ máu”.

Ẩn sâu trong rừng đại ngàn là những thác nước. Thác là đặc trưng của núi rừng đại ngàn nên trong tiểu thuyết Tháng năm biết nói, Vi Hồng đã 9 lần miêu tả thác Chín Thoong. Có lần nó hiện lên vô cùng thơ mộng nhưng cũng có lúc lại dữ dội, hoang sơ đầy bí hiểm. Đó là lúc đang mùa nước, “Sông đục ngầu, nước to, thác Chín Thoong gào hú như đoàn thiên binh vạn mã của sông nước đang trẩy quân đánh nhau với long vương... Đi qua thác đã sợ vì cái lạnh của thác bốc lên, vì tiếng gầm rú của thác đang mùa nước. Nơi đó là chỗ mà những người bất hạnh gửi mình xuống đấy để chôn đi nỗi khổ đau của cuộc đời”. Nhất là vào ban đêm “cái tiếng gào của con thác Chín Thoong càng dữ dội hơn. Có lúc như tiếng quân hò reo, có lúc lại như tiếng khóc than của nghìn vạn người, cả trời đêm phập phồng đầy bí hiểm”. Hình ảnh thác Chín Thoong gợi ta nhớ đến hình ảnh con sông Đà của Nguyễn Tuân, nhưng hình như ở đây nó dữ dội hơn và bí hiểm hơn. Con sông Đà còn có ông lái đò chế ngự được, nhưng ở đây nó mãi là bí mật đối với con người.

Bối cảnh thiên nhiên hoang sơ dữ dội được miêu tả ở nhiều góc độ khác nhau, mức độ đậm nhạt, sáng tối khác nhau đã góp phần làm nổi bật hình ảnh con người và số phận của họ trong xã hội cũ. Hơn ai hết, Vi Hồng thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với nỗi đau khổ của họ, nhất là những người miền núi bị những hủ tục đày đoạ dồn đến con đường cùng không có lối thoát. Nhân vật Đàng trong tiểu thuyết Vãi Đàng bị mang tiếng là “có ma gà”. Cô bị xích vào mảng cho trôi sông cùng với đứa con chưa đầy tháng tuổi. Thiên nhiên nơi mảng bè của Đàng trôi qua cũng khắc nghiệt như những hủ tục lạc hậu mà Đàng đang phải gánh chịu. Cái vực trên dòng sông Nặm Cáp, “mùa khô nước lặng im phăng phắc và sâu hun hút giữa hai vách núi um tùm. Cây cổ thụ hai bên bờ ngả ra như muốn lấp kín mặt sông làm cho dòng nước càng trở nên bí hiểm”. Lênh đênh trên sông mà mẹ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/12/2023