Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 10

cầu mong được mùa. Đó là ước mơ ngàn đời của người dân nghèo miền núi. Cuối cùng là lễ “lo ô Pù gáng” (lễ sàng đầu thú) – một lễ hội của người Dao. “Cái đầu con sóc bỏ vào hai cái bát to ụp vào nhau... Khi buổi lễ bắt đầu, mùi khói hương thơm nồng, khuôn mặt ông bỗng nghiêm trang. Mọi người ngồi thành vòng tròn im lặng cùng lây cái nghiêm trang ấy. Ngọn lửa rừng rực reo phần phật”.

Không chỉ gợi không khí mà Vi Hồng còn ghi lại chính xác các ca từ ngọt ngào đằm thắm của điệu hát “Páo dung” – lời hát của người Dao:

Anh hãy luyện sương mù thành khói Anh hãy chùi ông trăng làm gương soi Để em gạt nước lã làm dầu thắp

Em sẽ luyện củ nâu thành chàm đặc...”

Tác phẩm của Vi Hồng được đánh giá là mang đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc. Lễ mừng thọ người già bốn chín tuổi (Phụ tình) dường như dân tộc nào cũng có, nhưng ở mường Nặm Thoong và Nặm Cáp lại có những nghi lễ khác vô cùng độc đáo. Đó là có hát the, có lượn đối đáp, có “Vằn khẩu mỉnh” (vận chuyển gạo số mệnh) – Gạo số mệnh là gạo của nhà người làm lễ bốn chín đi xin khắp thiên hạ hạ gọi là gạo trăm họ”. Cái lễ 49 là lễ đầu tiên của đời người về con đường phúc thọ, khang ninh nên ai cũng mong cho mình được hưởng phúc lộc, đặc biệt là thượng thọ. Mà muốn được hưởng như vậy thì chính ông chủ phải tự mình “mặc áo loại cũ... đầu đội nón “toong mủ” (nón tây) vai đeo đẫy đi xin khẩu mỉnh của mình ở khắp những bản”. Càng xin được nhiều gạo thì tuổi thọ càng cao. Cuối cùng là họ hàng con cháu xếp thành hàng, dùng bát ăn cơm xúc gạo đổ đầy bồ đựng gạo do chính ông quan tuần đang ngồi giữ bên ngoài. Những bà then hát những bài hát có nhạc điệu giục giã như điệu: “Pây mạ” (điệu trẩy ngựa). Cứ thế, lễ mừng thọ kéo dài trong nhiều ngày với niềm vui mừng của tất cả con cháu hoà cùng với những lời hát then ngọt ngào êm ái.

Một phong tục nữa mang đậm nét văn hoá của người miền núi là Lễ thả én ương số phận (Chồng thật vợ giả). Cứ đến mùa xuân, trai gái trong bản làng lại rủ nhau đóng góp tiền gạo để làm lễ với mục đích biết trước số phận mình. Buổi

lễ diễn ra với tâm trạng háo hức, ai cũng muốn xem con én ương số phận của mình đậu vào cây nào, bởi “mỗi loài cây đã mang sẵn một số phận”. Cũng giống như các cuộc lễ khác, “cuộc lễ cũng có mâm hương ... nhưng có thêm nhiều loại hoa rừng, hoa giấy, đặc biệt có nhiều con én ương gấp bằng giấy nhiều mầu sắc. Cuộc lễ có thể kéo dại một ngày một đêm là thời gian tối thiểu của cuộc hành lễ nhưng cũng có thể kéo dài năm ngày, năm đêm tuỳ thuộc vào sự phong phú về vật chất của những người tổ chức”. Các cô gái sau khi biết được số phận may rủi của mình, được các bà then động viên an ủi thì các cô gái lại bước sang phần lễ tiếp theo là “chiêu hồn hoa hồn nụ” và “dẫn linh hồn người lên trời”. Sau đó là cuộc hành trình “đi lên trời của các linh hồn” vô cùng vất vả. Họ phải vượt qua “sông lớn bể to có thuồng luồng đội đắm thuyền, có rắn độc rình rập cắn chết lại có đường đi qua rừng hổ, rừng trăn to. Những con trăn có thể nuốt một lúc hàng trăm người”. Vượt qua những khó khăn nguy hiểm ấy, hồn của người sống đến chợ Mường Trời, được gặp lại bố mẹ hay ông bà để hỏi han, trò chuyện. Mặc dù chỉ để giải toả tinh thần, nhưng buổi lễ ấy đã đem lại cho các chàng trai, cô gái niềm vui, niềm tin giúp họ vượt qua mọi khó khăn gian khổ xây dựng hạnh phúc cho cuộc đời mình.

Còn rất nhiều những phong tục khác nữa như: lễ thề nguyền dưới trăng (Núi cỏ yêu thương), lễ mừng cơm mới (Đất bằng)..., tục cúng giỗ của người Tày (Vào hang)...

Có lẽ Vi Hồng là một trong số các nhà văn am hiểu nhất về phong tục tập quán của người Tày. Ông đã miêu tả một cách tỉ mỉ cặn kẽ và sống động những phong tục đó khiến người đọc như được chứng kiến buổi lễ đang diễn ra trước mặt, hay đang hoà chung với không khí của buổi lễ.

* Không gian của cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

Khi còn sống, Vi Hồng luôn luôn trăn trở làm sao cho ánh sáng văn hoá đến được những bản làng xa xôi hẻo lánh, giúp họ đánh tan những hủ tục lạc hậu xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, không gian của cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa cũng được Vi Hồng phản ánh rất nhiều trong tác phẩm của mình.

Nó như những tín hiệu mơ ước về một cuộc đổi đời của những người dân miền núi đi theo cách mạng.

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 10

Trong tiểu thuyếtĐất bằng, một mặt, Vi Hồng phản ánh những hủ tục lạc hậu như hủ tục ma gà, lời nguyền mang độc địa và cả những hủ tục cúng bái trừ ma... khiến cho cuộc sống của những người dân nơi đây vô cùng cực khổ, mặt khác, nhà văn khẳng định: Chỉ có ánh sáng văn hoá, sự hiểu biết của thế hệ trẻ, của những người dám nói, dám làm mới phá tan được những hủ tục đó. Nhà văn như reo lên khi nhận ra: “phong trào đời sống văn hoá đương lan vào các lũng, cán bộ vận động nhân dân thôi cúng bái”. Là hai người già nhất bản nhưng già Xanh và già Viền vẫn hăng hái tham gia buổi “mở búa, mở rìu”. “Hai già đội nón chống gậy đi cùng với trai non, gái trẻ từ những ngày Đin phiêng làm cuộc mở đất mở trời”. Cuộc phát rừng, xây dựng bản làng Đin Phiêng thành công, già Xanh, già Viền vui lắm. Nhưng cũng vào chính những ngày này, già Xanh đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm hạnh phúc trước sự thay đổi của bản làng. Gương mẫu thực hiện nếp sống văn hoá, già Viền trịnh trọng tuyên bố trước con cháu của già Xanh: “Chúng ta tôn kính làm lễ tang cha mẹ theo phong tục đời sống mới. Ngày trước quàn quan tài lại nhà mười ngày, nửa tháng, bây giờ sửa soạn mọi thứ bà con, con cháu đã về đầy đủ chúng ta làm lễ đưa đám”.

Còn đây nữa, trong tiểu thuyết Đất bằng, Vi Hồng miêu tả không gian của một cuộc đi săn: “Tiếng tù và inh ỏi, tiếng người xua ù oà, ây ầu, âu ầu sôi rộn đầy cả thung lũng. Tiếng chó sửa dai, sửa gần náo nức”. Cuộc đi săn đem lại không khí vui vẻ hào hứng cho tất cả mọi người. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của con người trong cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa.

Nếu như thời kì trước cách mạng, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp cái thị trấn Thin Tốc (Thung lũng đá rơi) trở nên ngột ngạt bức bối bởi những xô bồ, ồn ã của đủ mọi hạng người thì khi cách mạng thành công, hoà bình lập lại ở miền Bắc, thung lũng Đá Rơi trở thành mỏ thiếc tấp nập, thu hút hàng nghìn công nhân. Không chỉ có trong mỏ thiếc thay đổi mà dường như không gian bên ngoài cũng thay đổi: “cái thủa Đội mới đặt chân đến thung lũng Đá Rơi thì cây đại thụ ngút

ngàn hai bên. Cách đây mấy chục năm, vẫn còn những cây già tự sinh tự chết, thân rỗng làm hang trú ngụ của con công, con gà rừng. Nhưng bây giờ, thung lũng Đá Rơi là núi cỏ. Những con bò đen, bò khoang, bò vàng từ bản bên kia thung lũng đã lên đến đỉnh núi vượt sang bên này. Những tiếng ù...ò... dài vọng vách núi còn hơn cả tiếng còi tầm của nhà máy”. Cuộc sống mới đã đến với người dân nơi đây. Cách mạng đã đem đến cho họ một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thực sự.

Những bức tranh xã hội mầu sắc tươi sáng trong tiểu thuyết của Vi Hồng có vị trí rất quan trọng. Nó điểm xuyết cho cuộc sống vốn còn gian lao vất vả, đau thương của các dân tộc Việt Bắc trong những ngày còn dưới ách thống trị của bọ thực dân phong kiến. Nó cũng là lời khẳng định vẻ đẹp của cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa trên mảnh đất còn nhiều gian lao. Cùng với bức tranh xã hội ngột ngạt tăm tối, những bức tranh xã hội tươi sáng góp phần quan trọng làm nên giá trị cho tiểu thuyết của Vi Hồng.

* Không gian bối cảnh gia đình.

Ngoài những cảnh sinh hoạt mang tính chất tập thể cộng đồng, bối cảnh xã hội còn bao gồm cả không gian gia đình bởi: “gia đình là tế bào của xã hội”. Không gian gian đình còn được gọi là không gian nhân vật.

Theo giá sư Trần Đình Sử: “Có thể xem không gian nghệ thuật như là một hệ thống mà không gian nhân vật như là một yếu tố. Nếu tác phẩm thường có các tiểu tiết không gian như: thành phố, vườn hoa, trang trại ngôi nhà, con đường... thì không gian nhân vật bao gồm sự cảm nhận không gian ấy như của mình hay xa lạ, có hay không có dấu ấn cá nhân” [25, 90].

Không gian gia đình trong tiểu thuyết của Vi Hồng được miêu tả theo hai hướng: không gian ngột ngạt tù túng và không gian gia đình yêu thương, hạnh phúc.

+ Không gian gia đình ngột ngạt, tù túng.

Ở loại không gian này, người đọc thường bắt gặp những nhân vật mà cuộc đời bị thu hẹp trong những không gian nhỏ hẹp, u tối. Ở đó, bóng dáng gia đình

và ngôi nhà ấm áp dường như không có. Đó là gia đình của Hoàng trong Tháng năm biết nói. Bố Hoàng mất sớm còn lại hai mẹ con. Mẹ Hoàng “chưa thật nhiều tuổi nhưng cứ ốm o quặt quẹo như con mèo ốm”. Đã thế thì bà lại còn có tật hay chửi, “càng những ngày đau ốm nằm dưới chăn trong buồng, mẹ Hoàng càng mắng Hoàng nhiều”. Bao nhiêu việc nhà, việc đồng Hoàng đều phải làm hết. Ở cái tuổi của Hoàng đáng lẽ phải được ăn, được chơi, được học thì Hoàng lại phải “ngập trong những việc vặt, nhưng Hoàng cũng không thấy khổ bằng những lời mẹ mắng... chân tay chạy như một cái máy còn chưa kịp lại nghe mẹ mắng. Ôi bức bối làm sao!”. Anh “rùng mình vì biết những năm tháng của đời mình lại mang thêm một nỗi khổ: lúc nào cũng nghe được tiếng của bà mẹ mắng”. Hoàng lớn lên cùng những lời mắng chửi ấy. Gia đình đối với Hoàng thật nặng nề. Anh chỉ biết tìm niềm vui duy nhất vào việc học và đó cũng là niềm mơ ước của đời anh. Hoàng chấp nhận lấy vợ chỉ là để được đi học mà thôi. Nhưng không ngờ người đàn bà xuất hiện trong nhà mà người ta gọi là vợ Hoàng, lại làm cho không khí gia đình trở nên ngột ngạt hơn. Ngày xưa, Hoàng chỉ phải nghe tiếng chửi mắng từ mẹ thì nay lại có thêm một người đàn bà nữa chửi mắng Hoàng, mà tiếng của mụ thì cứ “rít lên như tiếng dao cạo tinh nứa”. Đau khổ, bức bối và ghê sợ, đêm đêm Hoàng học đến khuya để không phải ngủ với người đàn bà đó. Anh tìm đến nhà bạn bè để ngủ, hoặc trải ổ rơm trong góc nhà nhưng vẫn không yên thân. Cứ thế cuộc đời của Hoàng chìm ngập trong không khí ngột ngạt ấy mà không thể thoát ra được. Nếu cứ ăn đói mặc rét, Hoàng đều có thể chịu đựng và vượt qua được. Nhưng nỗi kinh sợ nhất của Hoàng là mỗi khi phải làm chồng Tẹo. Mỗi lần đi học xa trở về, Hoàng lại phải “lên gân sức lấy tất cả lòng dũng cảm để vượt qua sự khủng khiếp làm chồng Tẹo”. Ban ngày Hoàng vùi đầu vào công việc và học tập để quên đi tất cả nhưng người đàn bà có hàm răng ba ba ấy lúc nào cũng ở cạnh ám ảnh, cắt ngang dòng suy nghĩ của Hoàng. “Mụ léo nhéo, tục tĩu, bẩn thỉu Hoàng không nghĩ được gì về bài học. Những ý nghĩ của Hoàng về bài học cứ đứt vụn ra. Mụ là con chuột cắn đứt sợi dây suy nghĩ của Hoàng”. Anh rùng mình khi nghĩ rằng: “suốt đời mình phải nằm trong cái bóng đêm của mụ Tẹo”. Quẩn

quanh, bế tắc không lối thoát khiến “Hoàng thấy đầu óc mình mệt mỏi hơn cả giải một bài toán khó”.

Lăng Thị Thu Lả trong Lòng dạ đàn bà cũng có một gia đình ngột ngạt như thế. Vì khát vọng đến với văn hoá, văn minh, Lả theo Nghít về mường Hai Nước làm dâu. Nhưng vì chồng Lả say mê sắc đẹp của Mã Thả An mà thay lòng đổi dạ, khiến Lả vô cùng đau khổ. Chứng kiến cảnh “Mã Thả An cho Nghít ôm áp, làm eo ở trong nhà, ở bờ bụi ngoài sông, ở trên rừng...” Lả nẫu cả ruột gan. Cô đã hết lời khuyên nhủ nhưng Nghít vẫn không hề thay đổi. Cô luôn sống trong cảnh: “tiếc cho mình, căm giận kẻ bội bạc... nước mắt chảy thành sông con trên hai gò má hãy còn xuân sắc”. Không gian ngột ngạt, bế tắc vì sự phản bội của người thân đã làm Lả không sao chịu đựng được nữa. Cô quyết định “đi ra sông Nước Trong gửi mình cho hà bá, thuồng luồng”.

Còn rất nhiều những không gian tối tăm, ngột ngạt như thế trong tiểu thuyết của Vi Hồng như: không gian gia đình nhà Nọi khi buộc phải lấy Đoác (Vào hang), không gian nhà Đàng (Vãi Đàng) khi còn ở Tổng Rì... Kiểu không gian này tô đậm thêm cái dư vị mòn mỏi, bế tắc của những số phận con người miền núi trong cuộc đời còn nhiều dâu bể.

+ Không gian gia đình hạnh phúc, ấm áp tràn đầy tình yêu thương.

Trong tiểu thuyết của Vi Hồng, bên cạnh kiểu không gian gia đình ngột ngạt, tẻ nhạt còn xuất hiện những không gian gia đình hạnh phúc. Đó là không gian gia đình của Lả - Nghít (Lòng dạ đàn bà) ở thời kì sau, của Thu Khoan – Kim Công (Dòng sông nước mắt), của Bội Hoan – Ki Nọi (Đoạ đầy)...

Nếu như trước kia, bế tắc và tuyệt vọng, luôn luôn bị ám ảnh bởi sự phản bội của chồng, Lả (Lòng dạ đàn bà) đã phải tìm đến cái chết để kết thúc mọi khổ đau thì sau khi được cứu sống, với lòng vị tha, Lả đã tìm lại được hạnh phúc của mình. Cứu được Nghít từ tay tử thần trở về, Lả đã hết lòng chăm sóc, thuốc thang. Mặc dù Nghít không nhìn thấy được nhưng họ đã có những tháng ngày thật hạnh phúc. Những đêm trăng sáng họ cùng nhau trò chuyện đến khuya “cùng thức, cùng tỉnh như con mắt không bao giờ biết ngủ – Hai cắp mắt của hai người cứ

chong chong như mắt đá, mắt cây. Họ cùng nghe tiếng ri rỉ của côn trùng”. Hai trái tim của họ như hoà làm một, “họ cố mà im lặng nghe nhịp thở của nhau qua tấm phên nứa đan lóng đôi rất đẹp. Trăng đổ ánh sáng vàng rực xuống mái nhà lá giữa thung sâu rừng rậm của Thu và Nghít”. Cảnh đêm trăng họ ngồi bên nhau thật hạnh phúc: “Mỗi bận khi trăng rằm đến thì thế nào Thu cũng dắt Nghít ra ngoài sàn. Nghít thì trẻ lạt... còn Thu cán bông, kéo sợi hay tẽ ngô, bóc lạc”. Dưới trăng, họ tâm sự thật nhiều và rồi “Nghít nắm tay Thu, cái nắm tay của tình yêu lần đầu tiên làm Thu rung động toàn thân. Thu ngây ngất chực đổ vào lòng Nghít”. Đỉnh điểm của hạnh phúc là khi khi Thu dành tặng cho Nghít một con mắt. Lần đầu tiên Nghít nhìn thấy ánh sáng chói chang sau những ngày chìm ngập trong bóng tối và cũng là lúc anh nhận ra người vợ ân nghĩa của mình: “Nghít ôm ghì lấy Lả như sợ Lả chạy mất. Hai người khác giới ôm nhau giữa đông người là chuyện lạ xưa nay chưa thấy ở cái tỉnh miền núi này. Chuyện đó đến hôm nay mới xảy ra, đang xảy ra”.

Cũng giống như Lả, sau những tháng ngày khổ đau, Thu khoan (Dòng sông nước mắt) mới tìm thấy hạnh phúc của mình. Bị ép gả cho Kin Xa rồi lại bị Kin Xa đem bán vì nghiện ngập. Thu Khoan đau đớn vô cùng. Người mua cô lại chính là Kim công – người mà cô yêu tha thiết. Và thế là họ đoàn tụ và có những tháng ngày thật hạnh phúc. Trên chiếc thuyền độc mộc, họ sống với nhau bằng tình yêu thương. “Họ ghì chặt lấy nhau hàng trăm hàng nghìn lần như vậy . Nhưng lần nào cả hai đứa cũng đều có cảm xúc như mới yêu nhau lần đầu. Tình yêu của họ mãi mãi vẫn mới mẻ, tinh khôi”. Những ngày tháng này “Thu Khoan có một con thuyền hạnh phúc... dạt dào như sóng nước sông Nặm Đáo”.

Đọc tiểu thuyết Đoạ đầy ta cũng bắt gặp một không gian gia đình hạnh phúc như thế. Đó là gia đình của đôi bạn trẻ Ki Nọi và Bội Hoan. Bị gia đình cấm đoán, Ki Nọi bỏ vào rừng. Bất chấp cả sự ngăn cản của cha mẹ, Bội Hoan cũng trốn theo. Họ đến nơi rừng sâu, núi thẳm, ở lại kiếm kế sinh nhai. Lúc đầu cuộc sống còn khó khăn, nhưng nhờ sự chăm chỉ thông minh, gan dạ, họ đã trở nên giầu có. Họ thực sự có được những tháng ngày hạnh phúc và một gia đình yên ấm

khi “Bội Hoan đẻ ra một đứa con gái hết sức xinh đẹp”. Mặc dù có thêm đứa con trong hoàn cảnh chỉ có hai vợ chồng giữa rừng đại ngàn là một điều hết sức khó khăn, nhưng “vầng hạnh phúc của hai người vẫn không hề vẩn đục. Bầu trời hạnh phúc của hai người vẫn trong xanh”.

Có thể thấy không gian gia đình hạnh phúc trong tiểu thuyết của Vi Hồng chỉ có được do những cố gắng của con người khi họ vượt qua được những thử thách ghê gớm. Miêu tả kiểu không gian này, Vi Hồng dường như muốn thử thách bản lĩnh, tình yêu và lòng bao dung của con người miền núi, đồng thời cũng thể hiện khát vọng cái thiện sẽ chiến thắng cái ác trong cuộc đời.

2.2.2. Không gian sự kiện.

Không gian sự kiện là: “những sự kiện xảy ra trong đời sống hàng ngày, có thể tác động đến nhân vật, gây ra nhiều sự kiện khác nhau theo quan hệ nhân quả thành một chuỗi sự kiện mà truyện có khi chỉ là một mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi” [12, 90]

Trong tác phẩm của mình, Vi Hồng thường đặt nhân vật trong một chuỗi sự kiện liên tục nhằm tạo tình huống thử thách, buộc nhân vật bộc lộ bản chất của mình.

Đối với nhân vật chính diện, nhà văn đặt nhân vật vào những tình huống phải chịu nhiều đau khổ, oan khuất, trắc trở để thử thách tình yêu, lòng chung thuỷ, vị tha, đức hi sinh và ý chí vươn lên, vượt qua những khó khăn, gian khổ hướng tới hạnh phúc và tương lai.

Nhân vật Thu Khoan trong Dòng sông nước mắt là một ví dụ. Cuộc đời cô là một chuỗi những sự kiện đau buồn. Mỗi một sự kiện đến lại làm cho cuộc đời cô đau khổ hơn. Cô có tình yêu trong sáng đẹp đẽ với Kim Công, nhưng lại phải lấy Kin Xa giầu có. Không biết làm gì để thoát khỏi bi kịch ấy, Thu Khoan quyết định tự tử để chôn vùi đi những nỗi khổ mà cô đang phải chịu đựng. Những con ca nặm của Kim Công lại vớt cô lên, trả cô về với cuộc đời đau khổ. Ngày cưới khi tất cả mọi người vui vẻ thì cô lại thấy “toàn một mầu đen”.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/12/2023