Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 8

con Đàng vẫn bị lũ khỉ già đe doạ: “từng đàn khỉ xám khỉ vàng, vượn đen, vượn mặt đỏ thi nhau rung cả ngàn cây hai bên bờ để đe doạ”, Thậm chí, “rất nhiều con khỉ khác lao theo khỉ trùm xuống mảng tha chuối và hoa quả lên cây… xông vào cửa lều…”. Vượt qua được lũ khỉ, Đàng lại phải đối mặt với thác nước và vực sâu. “Mảng mẹ con Đàng xuống thác Thuồng Luồng, thác réo sóng cuộn có mầu đỏ như máu, đen như mực”. Tiếp theo là thác Ngựa Hí “réo như sấm vang sấm rền, tai điếc mắt mờ nước trắng như nghìn người mặc áo tang quằn quại”. Chưa hết, mảng của Đàng lại lao đến thác Ngựa Lồng, “nước hồng bốn phía, thuồng luồng giao long đánh lệnh, đánh chiêng làm ma làm chay”. Ở đâu cũng là đất chết. Nếu không bị nước cuốn trôi thì chứng kiến những cảnh tượng ấy con người cũng mất hết hồn vía. Những thác nước, những vực sâu liên tiếp đe doạ tính mạng của Đàng. Thác Thuồng Luồng, Ngựa Hí, Ngựa Lồng, rồi vực Vợ Chồng, vực Trâu Húc… Mỗi cái thác, cái vực lại mang một cái tên khác nhau. Ngay cả cái tên cũng chứa đựng trong nó những mối nguy hiểm và cả nỗi đau buồn oan nghiệt của con người.

Bản làng Đin Phiêng (Đất bằng) mới thành lập, nơi ấy còn hoang sơ dữ dội. “Vực Chàm âm u ở cửa suối Đin Phiêng, cổ vực dài, vực sâu mười sải tay nước, bầu vực tròn rộng đến hai trăm sải tay... Lòng vực Chàm và xung quanh vực từ xưa đến nay còn truyền lại bao câu chuyện dựng tóc gáy, mọc da gà”. Đáy vực có: “ngựa đá che tán lọng”, có cả “lâu đài long vương”, có hang Thuồng Luồng và có lỗ thông hơi gọi là “Piêu Ngưởc”. “Ai dám đến gần Piêu Ngưởc sẽ bị thuồng luồng hút hồn, về nhà ốm chết ngay”. Ngay cả âm thanh của tiếng nước cũng làm người ta ghê rợn: “tiếng nước hoà vào nhau gào thét quanh năm. Có lúc nghe như ngàn vạn tiếng người cười vui, như tiếng hàng đoàn người khóc nức nở, lại như tiếng chiêng cái, chiêng đực, tiếng một đám ma”. Dòng nước cũng tạo nên một không gian kì lạ: “Nước như vạn mảnh gương chiếu vào những cây lẹp và phản chiếu lẫn nhau, cả lòng vực trở nên lao xao, nhiều mầu sắc thật kì quái”.

Việc tác giả dựng nên không gian hoang sơ dữ dội chứa đầy nguy hiểm ấy, một phần làm cho tác phẩm trở nên chân thực hơn khiến người đọc được trở về

với không gian miền núi thực sự như cái vốn có của nó, một phần làm toát lên nghị lực phi thường của những con người nơi đây. Họ dám đương đầu với tất cả, chiến đấu và chiến thắng thiên nhiên xây dựng bản làng giầu đẹp như niềm mơ ước mà họ hằng ấp ủ.

b. Bối cảnh thiên nhiên lãng mạn, thơ mộng

Là người có tình yêu tha thiết với thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, Vi Hồng luôn hướng tới mọi phương diện tồn tại khách quan của nó, Do vậy, thiên nhiên trong tiểu thuyết của Vi Hồng không chỉ có vẻ hoang sơ dữ dội mà còn là vẻ đẹp nên thơ nên hoạ từ cỏ cây, hoa lá, chim muông… những chất liệu nguyên sơ tinh tuý của tạo hoá ban tặng cho núi rừng Việt Bắc.

Tô Hoài đã phác thảo ra một Tây Bắc vời vợi chất thơ rất riêng của non cao rừng thẳm. Vi Hồng lại phơi lộ được tất cả vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên Việt Bắc hùng vĩ mang đầy chất thơ và giao hoà với tâm hồn con người.

Ai đã một lần đến với Việt Bắc chắc sẽ không quên được vẻ đẹp nơi đây. Thiên nhiên Việt Bắc hùng vĩ ở núi cao chất ngất, vực sâu hun hút, cánh rừng thăm thẳm mênh mông, thác nước ầm ào và núi non trùng điệp. “Miền Nặm Đút là một miền núi đá, núi đất san sát trùng điệp tưởng chừng vô cùng vô tận. Lên những đỉnh núi cao nhất nhìn ra tứ phía núi dựng trùng trùng như một núi chông khổng lồ” [38, 176]. Bên cạnh những dãy núi cao là những thác nước rơi từ lưng chừng trời: “Con suối nước đùn ra khỏi cửa hang cao chừng dăm mét. Nước rơi xuống vực thành một dải lụa trắng…” [40, 76]. Dòng suối như một bức hoạ được tạo bởi những nét vẽ mạnh bạo, kết hợp với nét vẽ mềm mại nhẹ nhàng tạo nên bức tranh vừa có sức mạnh sôi trào lại vừa hiền hoà thơ mộng. Cùng với nét vẽ như thế, thác Nậm Đáo hiện lên cũng không kém phần hấp dẫn: “Thác Nậm Đáo reo dào dạt. Cái thác dài ba tầng đều lênh láng trăng. Chân thác nước phồng căng tung muôn vàn bông hoa nước lúc nở vàng, lúc nở bạc” [33, 55]. Qua sự tưởng tượng hết sức bất ngờ của tác giả, người đọc như đang được chiêm ngưỡng một kiệt tác của tạo hoá ưu ái đã ban tặng cho núi rừng Việt Bắc. Nếu như ở bức tranh trên chỉ mang một mầu trắng tinh khiết thì đến đây kết hợp với ánh trăng,

dòng thác lại mang đến cho người đọc một không gian mới lạ được tạo bởi những “bông hoa nước” đủ mầu, “lúc nở vàng lúc nở bạc”. Những vẻ đẹp ấy không ai có thể tạo ra được. Đó chính là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người miền núi. “Sơn thuỷ hữu tình”, con sông Việt Bắc cũng căng tràn sự sống: “Dòng Chín Thoong nước đang kéo mầu chàm, con nước còn mạnh nước đã trong văn vắt, mầu nước xanh biếc như tàu lá dong độ con gái. Những đàn cá ngửa bụng ăn ghét đá, ăn bùn ở cuối vực Chín Thoong trắng như ai vãi trăm nghìn bông hoa lấp chìm xuống đáy thác… giống như trăm nghìn vì sao nhấp nháy giữa bầu trời xanh mênh mang” [40, 21]. Tính chất hùng vĩ từ ngàn năm của rừng xanh núi thẳm có tự ngàn đời để cho người miền núi say sưa chiêm ngưỡng đã khơi nguồn cảm hứng cho Vi Hồng.

Thiên nhiên Việt Bắc còn chứa đựng biết bao nhiêu vẻ đẹp kì thú toát ra từ chính tạo vật nơi núi rừng Việt Bắc. Mầu xanh bất tận của trời xanh, rừng xanh, nước trong xanh tạo nên một tấm thảm khổng lồ. Nổi bật trên những tấm thảm xanh ấy là những con bướm đủ mầu sắc như những hoa văn mà người miền núi khéo léo tạo ra trên tấm thổ cẩm của mình. “Mùa này tháng ba của Nặm Khao, trời trong xanh, nước trong xanh, mái rừng xanh. Những đàn bướm bay ngợp bờ sông Nặm Khao và bắc cầu mầu sắc giữa hai bờ sông, giữa các thung lũng” [42, 37]. Có lẽ không ai lại không đắm say trước vẻ đẹp quyến rũ của mùa xuân: “Những làn gió mùa xuân khẽ nâng những vầng nắng tháng giêng như tơ, ngọt như mật ong lăn mình qua những đám cỏ gianh… Tiếng hàng ngàn con chim reo vui đua nhau hót trào dâng khắp thung lũng, đầy ắp mọi cánh rừng… Tiếng của trăm chim là bản đồng ca rõ rệt nhất của trời đất miền núi cao, chào mừng mùa xuân dạt dào hương hoa, ngan ngát mầu sắc” [37, 368]. Có thể nói núi rừng là nơi hội ngộ của trăm loài chim để rồi mùa xuân đến tất cả lại cất lên một dàn hợp xướng của núi rừng đại ngàn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

Cái đẹp của thiên nhiên Việt Bắc còn được tạo bởi mầu sắc của muôn hoa rừng: “bên kia bờ thác, cây mác bát trắng toát một mầu tinh khiết. Đầu dốc bên kia, cây bồ quân mỗi lá non đỏ như nhuộm máu” [37, 334]. Và có lẽ người ta

không thể quên một rừng đào, rừng mận đang đến kì ra hoa. Khi mùa xuân đến: “từng cây, từng vạt rừng đào đang đổ hồng như khoác lên những cánh rừng, những mảnh đất, những vạt sườn những tấm vóc đại hồng. Những cây mận, rừng mận cũng đổ hết mầu trắng nõn nà, trắng loá cả ánh nắng ngày xuân…” [37, 369]. Đọc tiểu thuyết của Vi Hồng người đọc sẽ không thể quên vẻ đẹp của một loài hoa đặc biệt – hoa Bioóc Loỏng: “những bông hoa Bioóc Loỏng trắng đến nõn nà, mịn màng hơn cả da thịt những người con gái mịn màng nhất. Bề mặt của những cánh hoa Bioóc Loỏng đọng một lớp phấn mịn. Cái mầu của lớp phấn ấy mới trắng trong, trắng mịn làm sao. Cái mầu trắng của phấn làm cho bông hoa trắng ngời ngợi, trắng lung linh… nổi bật giữa đại ngàn xanh thẫm” [44, 48].

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 8

Nếu ai đã một lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng chắc có thể nhận ra nó không chỉ đẹp ở hoa lá cỏ cây mà nó còn hiện lên bởi sự phong phú đa dạng của chim muông, cầm thú. Chưa một nhà văn nào lại am hiểu về các loài chim bằng Vi Hồng. Phải chăng nhà văn đã có một quãng thời gian tuổi thơ gắn bó với vạn vật nơi đây cùng với tài quan sát, ông đã tạo ra được một thế giới loài chim vô cùng phong phú. Mỗi loài chim lại mang một vẻ đẹp khác nhau. “Những con chim Anh tài, Sam Péc mỏ đỏ chót, lông cổ óng ánh, lông ức, lông đuôi, cánh mầu đen điểm trắng vàng tươi… Hết đàn này đến đán khác như những làn sóng mầu sắc rập rờn… Nhìn Sam Péc bay mà ngỡ là nàng tiên trong truyện cổ đang múa lượn trên trời đầy nắng rực rỡ” [33, 49, 50]. Còn đây là một loài chim khác: “chim lưỡi rìu có cái mào giống lưỡi búa Thạch Sanh hay giống lưỡi rìu to. Cái mào giống hệt mào gà trông vàng choé, môi đỏ chói, cổ lông vằn nhiều mầu, lông ngực vàng choé, lông cánh ba mầu. đỏ tươi, đen nhánh, trắng nõn” [34, 137, 138]. Trong Núi cỏ yêu thương, Vi Hồng miêu tả “những con chim lưỡi búa lông rực rỡ như những tia lửa giữa nắng”, và đây nữa một đàn chim hoa rất đẹp: “chim hoa rất đẹp, đôi mắt chỉ bằng nửa hạt đỗ đen nhưng long lanh như một mảnh gương. Những đàn chim hoa bay đến đâu cả một vùng rực rỡ như bồn hoa trăm mầu đang chuyển động” [27, 7]. Thật là ấn tượng khi cô Đàng xinh đẹp

đang đứng ở một không gian như thế. Cảnh hoà hợp với con người và làm nền cho con người xuất hiện.

Trong tiểu thuyết của Vi Hồng hình ảnh đàn chim được trở đi trở lại như một điểm nhấn. Khi “dưới đồng, dưới thung lũng những đám ruộng đang kéo vàng” thì người ta thấy xuất hiện: “từng đàn chim ngói bay ngang trời tìm những đám lúa đổ bổ nhào hàng nghìn, hàng vạn con xuống ăn, những con chim cu gáy cổ đeo vòng cườm gáy những tiếng ngon ngọt báo hiệu một mùa ấm no đang bước vào bản mường”. [40, 47]. Tiếng chim báo hiệu thời gian: “chim tang ló đã hót, hoa đào, hoa mận đã dương cánh phấn cho bướm, cho ong” [27, 9]. Với khả năng cảm nhận tinh tế, Vi Hồng như thấu hiểu được tiếng hót của những loài chim: “Tiếng chim gõ kiến gõ từng tiếng như tiếng mõ khô khốc nơi trán rừng xa xa vẳng tới nghe lẻ loi và lạc lõng” [41, 67], “chim Cô ơi lại nhớ tới người cô bất hạnh thủa xưa mà cất tiếng gọi “cô ơi”. Chim cô ơi cất tiếng gọi đến khản cả tiếng, , đến rạc rài cả họng nhưng chim vẫn gọi cô ơi suốt ngày, suốt đêm” [38, 73, 74]. Dường như nhà văn đã đem hết tài năng và vốn từ của mình để tạo nên sức sống mãnh liệt cho thiên nhiên Việt Bắc.

Ánh nắng là một chi tiết được Vi Hồng rất chú trọng miêu tả. Nó xuất hiện 3 lần trong Núi cỏ yêu thương, 6 lần trong Lòng dạ đàn bà, 7 lần trong Đất bằng, 7 lần trong Tháng năm biết nói… mỗi lần ở một dạng thức, mầu sắc, hình khối và gợi liên tưởng khác nhau. Điều đó chứng tỏ Vi Hồng đã nắm được những khoảnh khắc nắng đầy biến ảo. Đây là cái nắng tinh khôi của buổi sáng mùa xuân: “Sáng 30 tết đẹp trời, nắng ấp vàng như tơ sưởi ấm cho ngàn cây vạn nụ… Những cây đào nắng bừng nở rực rỡ. Một mùa xuân đẹp đã đến” [37, 202, 203]. Buổi chiều xuân, ánh nắng lại được miêu tả thật tinh khiết: “Ánh nắng chiều xuân vàng tươi trong vắt, rửa sạch lưng ông trời. Nắng chiều dịu ngọt trở mình trên các sườn cỏ” [27, 97]. Khác với cái nắng buổi chiều, cái nắng buổi trưa mùa xuân thật đẹp: “Cái nắng gõ lên đôi cánh của những con cào cào, châu chấu kêu ken két trong những buổi trưa nắng vàng như tơ lụa. Những buổi trưa nắng làm cho bao cặp má của những cô gái mới đến tuổi cập kê tươi rói tinh khôi” [37, 132].

Nắng xuân lấp loáng mà óng ả, tĩnh lặng mà xôn xao, dàn trải mà kết đọng: “Nắng tháng giêng vàng xuộm, lát mỏng trên những cành cây. Khu rừng trở nên quang quẻ, óng ánh. Tiếng ve ra rả làm cho nắng trưa xôn xao, rừng già trở nên nhẹ tênh… Thỉnh thoảng có vài giọt nắng in thành từng đồng xu vàng trên mặt đất ẩm ướt” [27, 106]. Và đây nữa, cái nắng cuối thu kết đọng đầy tinh tuý, dịu ngọt như một chất men: “Chiều cuối thu nắng ngọt như mật làm bừng sáng lên những mái rừng, từng vách đá” [37, 22]. Mùa thu đến, cái nắng hoà cùng với dòng thác lấp lánh tạo nên một không gian tuyệt đẹp: “Thác Chín Thoong cất dàn đồng ca muôn thủa chào một ngày nắng đẹp… Lúa tháng Tám đang độ trổ bông uốn cong, vẫy nắng thu vàng sánh” [37, 173]. Ngay cả trong mùa đông, khi cái lạnh giá của màn sương bao phủ nhưng cũng có lúc thiên nhiên đột ngột bừng nở rạng rỡ trong cái nắng tràn trề sinh khí: “cái nắng hiện ra rạng rỡ, mát rượi, vắt ngang qua đèo. Nắng mềm mại như một tấm lụa vàng khổng lồ trải bập bềnh xuống tận đáy các thung lũng và ngược các sườn non” [34, 188]. Mùa đông nơi đại ngàn thường âm u giá lạnh bởi những lớp sương bao phủ và cái rét như đọng lại trên đá, trên cây. Nhưng khi đọc tiểu thuyết của Vi Hồng, ta không hề cảm thấy nó lạnh buốt đến tê dại như những đêm đông trên rẻo cao trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài mà ngược lại, nó ấm áp và tươi sáng lạ thường. Có được không khí ấy là bởi Vi Hồng rất hay sử dụng gam mầu vàng khi miêu tả mùa đông. Cũng với cách miêu tả như vậy, để giảm bớt đi cái nắng chói chang của mùa hè, Vi Hồng lại sử dụng gam mầu xanh, mầu sắc quen thuộc của núi rừng khiến cho không gian trở nên êm dịu, thoáng đãng và mát mẻ. Dưới ngòi bút điêu luyện của Vi Hồng cùng với sự uyển chuyển của ngôn từ, thiên nhiên Việt Bắc ở cả bốn mùa đều hiện lên với vẻ đẹp làm say đắm lòng người.

Trong không gian Việt Bắc, trăng là hình ảnh nguyên thuỷ nhất, tươi tắn và thanh khiết nhất. Sự hiện diện của trăng tạo nên một bầu không khí lung linh huyền ảo. Nó vừa tạo cảnh cho nhân vật xuất hiên lại vừa là bức tranh tâm cảnh nên thơ, nên hoạ. Chính vì vậy mà tần số xuất hiện của trăng cũng rất đậm đặc trong tiểu thuyết của Vi Hồng.7 lần trong Tháng năm biết nói, 6 lần trong Núi

Cỏ yêu thương, 5 lần trong Đất bằng, 3 lần trong Lòng dạ đàn bà… Tuổi thơ của Vi Hồng được tắm mình trong không gian kì diệu vốn có của thiên nhiên. Chính vì thế mà trăng trở đi, trở lại như một ấn tượng khó quên. Nó tràn ngập khắp mọi nơi: “Ánh trăng tràn ngập khắp núi rừng… Trăng đổ ánh sáng vàng rực xuống mái nhà lá giữa thung lũng sâu rừng rậm” [34, 138], và căng tràn sức sống: “trăng bừng bừng đầy ắp các thung lũng dưới nhà” [34, 133].

Trong khoảng không rộng lớn, trăng hiện lên kì ảo. Dưới ánh trăng mọi vật đều trở nên lung linh huyền ảo: “Trăng sáng, cái vực trở nên mênh mông. Sóng rập rình bắc nghìn vòng vàng trên mặt vực. Những con cá sộp to đớp trăng gây nên những tấm thảm hoa văn” [37, 53]. Thiên nhiên như thấm đẫm một mầu trăng, dòng nước đang hoà thành dòng trăng, rồi trải dài trên các cánh đồng: “Con mương dạt dào đen sẫm bỗng như bừng sáng lấp loáng chở ánh vàng ánh bạc về cánh đồng ruộng bậc thang dằng dặc suốt mường Chín Thoong” [37, 317]. Ánh trăng không chỉ làm cho không gian lung linh huyền ảo mà còn làm say đắm lòng người. Trên thác Hò Hẹn, Thieo Si và Vàng Khao đang say trong ánh trăng: “Trăng xanh rười rượi đổ tràn lênh láng xuống thác. Trăng dát vàng trên sóng, sóng réo rắt ôm lấy những vầng trăng vàng nuột. Hai người đang say nhau nhưng họ cũng say ánh trăng đang đổ vàng xuống con thác” [38, 48]. Trăng như hoà chung với cuộc sống của con người: “Ánh trăng lồng lộng giữa trời như muốn sà xuống cùng bọn trai non gái trẻ chia vui đêm rằm” [27,162]. Trăng soi sáng khắp đường làng ngõ xóm: “Trăng lên đứng đỉnh đầu Đin Phiêng, ánh sáng xanh rười rượi toả xuống trăm con đường mòn về các lũng làng” [27, 174]. Trăng toả rộng khắp không gian, tan vào dòng nước mang theo cả hương hoa của đồng nội. Người và trăng như hoà làm một: “Trăng theo nước đi lên đồng, vào trong bản mang theo vị ngọt mát rượi và hương hoa rừng ngào ngạt. Dưới vực những con cá to đớp bọt nước ùm ụp làm vỡ tan đung đưa đến chóng mặt, trăng soi xuống nước, ánh trăng hắt lên mặt người, người cũng lung linh cùng trăng” [28, 55]. Trong quan niệm của Vi Hồng, thiên nhiên không chỉ gắn bó với con người mà nó còn đối tượng để bầu bạn, sẻ chia tâm sự với con người. Thiên nhiên hoà

hợp với con người. Tàm (Núi cỏ yêu thương) đi “dưới ánh trăng rằm đầy ắp, lòng rộn lên với những ý nghĩ vui vui” bởi sự thành công của trại chăn nuôi do làm chủ nhiệm. Nhưng trước nỗi đau đớn của con người, vầng trăng không còn trong sáng nữa mà nó trở nên nhợt nhạt thiếu sức sống: “Hôm bố Đàng “đi xa” chưa có trăng, hôm nay trăng tròn vành vạnh… ánh trăng dán lên lưng trời như một lá sen nhợt nhạt”.[27, 43]

Trong tiểu thuyết của Vi Hồng, nguồn cá vô cùng phong phú: “Sông Bằng có vực sâu nhiều cá. Hai bờ sông những đoạn vách đá sừng sững, vách đá trắng sen lẫn những mảng thần sa đỏ ối đổ hình xuống lòng sông rập rờn đung đưa như thần sông đang đu võng đào. Có những đoạn bờ sông cây cối um tùm toả bóng ôm lấy lòng sông. Đó là chiếc ô xanh của trăm loài cá… Đàn cá yên tâm đùa rỡn vẽ nên những vòng hoa nước làm vui cho khách qua đường” [27, 189]. Thiên nhiên đã ưu ái ban phát cho người miền núi hàng trăm loài cá: “Những con cá má đỏ, cá kiết... mỗi đàn to rộng bằng cái nền làng… Những con cá Pốc vây đỏ ối, má hồng hạt, lưng xanh mượt. Những con cá má đỏ mình trắng lơ má đỏ tươi mầu hoa đào. Cá Kiết mình đen vẩy trắng là những đàn đông đúc nhất” [27, 179]. Phải là một nghệ sĩ luôn hướng máy quay đến cận cảnh, Vi Hồng mới phát hiện ra những mầu sắc phong phú của vô vàn loài cá như vậy.

Khác với người miền xuôi, để có được “cánh đồng Đin Phiêng như một biển lúa vàng” [27, 110] những người dân nơi đây phải đổ biết bao nhiêu công sức, một nắng hai sương, cần cù chịu khó vì thế bức tranh ngày mùa của Vi Hồng ta thấy rõ dấu ấn của bàn tay con người. Dẫu còn nhiều vất vả nhưng đất đã trả ơn con người bằng cái ngon ngọt của hương lúa thơm nồng: “Những nương lúa vàng ánh lên dưới ánh nắng chiều tà trông ngon lành như bìa tổ ong đang ứ mật” [27, 31]

Vi Hồng miêu tả thiên nhiên ở nhiều góc độ khác nhau: có khi nó được hiện lên một cách rõ ràng, có khi lại thấp thoáng ẩn dấu, có lúc lại giao hoà gắn kết, có lúc lại tồn tại độc lập với con người. Dù ở góc độ nào thì những trang viết của Vi Hồng cũng khiến người đọc say mê chiêm ngưỡng. Những bức tranh thiên

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/12/2023