nhiên mầu sắc tươi sáng như những nốt nhạc điểm xuyết cho cuộc sống của người dân Việt Bắc. Nó trở thành nguồn động lực giúp họ vượt lên những thử thách khắc nghiệt của núi rừng vươn lên xây dựng bản làng giầu đẹp.
2.2.1.2. Bối cảnh xã hội.
Bối cảnh xã hội bao gồm cuộc sống của những tầng lớp người và mối quan hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác, thế hệ này với thế hệ khác. Có khi đó là những phong tục tập quán, luật lệ địa phương, có khi là những thay đổi xáo trộn của cuộc sống con người trong những biến cố của lịch sử, của thời đại, của đất nước. Tuy nhiên đời sống của con người, của xã hội đi vào trường nhìn của nhà văn này hay nhà văn khác ở phương diện nào phần lớn phụ thuộc vào cảm quan hiện thực của họ.
Trong tiểu thuyết của Vi Hồng, không gian xã hội miền núi hiện lên với cả hai gam mầu tối và sáng, vừa ngột ngạt, tù túng, u uất, vừa tươi tắn sắc mầu, rộn rã âm thanh.
a. Không gian xã hội ngột ngạt, tăm tối.
Dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến, chúa đất miền núi, đời sống của người dân nghèo vô cùng khốn khổ.
Địa danh Thin Tốc trong tiểu thuyết Thung lũng đá rơi vốn là một mảnh đất giầu có phì nhiêu. Cuộc sống của con người nơi đây đang yên ả, thanh bình bỗng nhiên thay đổi bởi sự xuất hiện “cái đồn Tây trong thung lũng heo hút đầy bí hiểm”. Sự xuất hiện đó như dự báo những điều chẳng lành sẽ xẩy ra. Quả đúng như vậy, một thời gian sau, “bọn Tây cướp mất ruộng để làm đồn, làm bãi tập”. Cuộc sống của những người dân nơi đây chỉ trông vào ruộng nương để nuôi sống gia đình, vậy mà: “càng ngày chúng càng cướp nhiều ruộng hơn để làm cái đồn to hơn”. Chúng dồn dân đến cảnh mất ruộng, nghèo đói.
Đọc tiểu thuyết Đất bằng người đọc không thể quên một cảnh tượng đau đớn. Đó là cảnh thanh niên nam nữ kéo đến gặt hộ đám ruộng mà “mẹ con Đàng mất cả tháng ngả cây, hàng tháng tra lúa mới có được hạt thóc”. Vậy mà Tổng Nhự cho rằng: “Đây là rẫy cộng sản, chúng mày là lũ cộng sản” và thế là hắn
đem quân lính đến đốt phá: “Lính dõng lấy mũi súng hất từng người dạt ra... Bọn lính cố hết sức chất củi đuốc vào hai chòi thóc. Chúng châm lửa, lửa gặp đuốc khô,dưới nắng trưa bốc cháy nhanh như đổ dầu”. Cầu xin không được, uất ức, hơn hai chục trai trẻ đứng thành hàng rào xung quanh để dập lửa. Mỗi lần quất vào lửa là một tiếng chửi: “mày hung ác, tàn bạo, mày phải chết”. Không làm gì được, Tổng Nhự rút súng bắn chết một chàng trai, còn Đàng thì bị hắn dí súng vào trán máu chảy loang lổ, Đàng ngất đi. Hắn dõng dạc tuyên bố: “Kẻ nào dám gặt chỗ nương lúa đang gặt dở này tao bắn chết như bắn cái thằng kia. Thóc lúa còn lại là của tao, của quan tây đồn Nặm Cáp”. Chúng cướp bóc một cách trắng trợn, giết hại người dân lành, đẩy họ đến chỗ cùng đường, không lối thoát.
Cướp ruộng vườn, xâm chiếm đất đai vẫn chưa đủ, chúng còn ra sức khai thác tài nguyên thiên nhiên để làm giàu: “Công ty thiếc Bắc kì được thành lập. Cái thị trấn nhỏ Thin Tốc bỗng trở nên đông đúc, chen chúc đủ mọi loại người, mọi hạng người... Họ làm đủ mọi nghề nghiệp: làm cu li, làm chủ nợ, làm nghề buôn,cửa hiệu, hàng quán...”. Không còn không gian yên ả thanh bình nữa, Thin Tốc (Thung lũng Đá Rơi) trở nên bức bối, ngột ngạt. Mất ruộng đất, để tồn tại người dân buộc phải đi làm cu li cho thực dân Pháp. Chúng bóc lột nhân dân vô cùng tàn tệ. Những người làm cu li trong mỏ Thin Tốc phải: “ngày ngày đội đá... máu tươi ri rỉ ở những kẽ chân, kẽ tay vì nước ăn”. Làm việc thì vất vả như vậy mà chúng trả tiền công vô cùng rẻ mạt: “người miền ngược trả mỗi ngày ba mươi tư xu... người miền xuôi chỉ được chủ trả hai mươi lăm xu”. Mặc dù vậy người dân vẫn phải làm, họ “đội đá đến trọc cả đầu”. Không những thế họ còn bị đánh đập dã man tạo nên những ám ảnh khủng khiếp mà sau vài chục năm người ta vẫn nhớ. Cụ Đội khi đã 98 tuổi, mà “trong giấc mơ, Đội thấy mình thoắt lại như ông già lụ khụ, thoắt lại thấy thằng cai nó đánh đập”.
Có thể bạn quan tâm!
- Cảm Hứng Phê Phán, Lên Án Những Kẻ Có Chức, Có Quyền, Bất Tài, Tráo Trở, Độc Ác, Vô Nhân Tính.
- Không Gian Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Của Vi Hồng.
- Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 8
- Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 10
- Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 11
- Thời Gian Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Của Vi Hồng
Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.
Thực dân Pháp xâm lược, chúng bóc lột sức lao động của người dân cho đến chết. Bố lót là một ví dụ: “Ò Pông bắt Bố Lót ngày ngày đi cắt cỏ ngựa. Được vài hôm khi đã nạo cái tẩu đến cái hơi thuốc cũng không còn, bố Lót nằm rên hừ hừ, nước mắt, nước mũi chảy như nhớt cá nheo, cá ngạnh. Nhưng Ò Pông
cho là bố Lót giả đò, hắn đánh đẩy đi cắt cỏ ngựa. Hôm sau bố Lót chết thật”. Không những thế chúng bắt hàng bao nhiêu cô gái đẹp về để thoả mãn dục vọng đầy thú tính của chúng: “Ò Pông có đến hai chục vợ. Những cô vợ trẻ đẹp đủ các dân tộc nhưng phần nhiều là những cô gái nghèo đói có sắc đẹp từ dưới xuôi lên”. Cuộc sống của người dân bản mường bị đảo lộn khủng khiếp bởi “có đến tám sòng bạc, hơn chục tiệm hút nhà chứa còn cao lâu thì nhan nhản”. Mỏ Thin Tốc bỗng chốc trở thành một đô thị hoá với những trò chơi đầy cám dỗ, khiến cho biết bao gia đình tan vỡ, bao số phận đổi thay.
Cùng với bọn thực dân là bè lũ tay sai phong kiến, chúng tiếp tay làm hại biết bao nhiêu dân lành, nhất là những người đi hoạt động cách mạng. Châu Đoàn Pàng trong Tháng năm biết nói là một tay sai độc ác và tàn bạo. Trước cách mạng, Châu Đoàn Pàng đã giết biết bao nhiêu người đi làm cách mạng, trong đó có ông Hoàng và bố Hoàng. Vì lòng tham mà “hắn giết người để lấy vàng bạc hoặc để báo lên quan tây lĩnh thưởng”. Mặc dù là một tên phản động nhưng khéo che đậy cho nên sau cách mạng, hắn vẫn sống một cuộc sống đàng hoàng giữa bản mường. Không những thế hắn vẫn được làm quan để rồi tiếp tục làm hại dân lành. Những người dân lành như Hoàng luôn luôn bị đe doạ, thậm chí chúng còn âm mưu giết chết vì chúng sợ những người khôn ngoan như thế sẽ là tai hoạ cho những kẻ dốt nát bẩn thỉu như hắn: “Người già độc ác bàn cách giết Hoàng bằng cây thuốc độc! Người ta nói rằng Hoàng là con nhà của giống chim công, chim cúc. Nghĩa là vừa đẹp người đến mức tuấn tú lại tài giỏi hơn đời. Nếu để Hoàng còn sống thì họ trở nên kẻ dốt nát đần ngu”. Vì lòng ghen ghét chúng nghĩ: “cứ để chim cúc xoè lông múa vũ điệu thiên sơn thì những con cuốc, cun cút còn có ai nhìn, ai đoái nghiêng con mắt”. Thật là đáng sợ khi xã hội mà những người lãnh đạo là kẻ dốt nát, kém cỏi lại muốn giết hết những người khôn ngoan mục đích chỉ là để không còn ai hơn mình. Chính vì vậy bản làng chỉ còn lại những con người như mụ Tẹo hay họ nhà thằng Thìm: “Học gần suốt từ ngày còn nhỏ đến lúc trở thành con gái mới thôi học, nhưng chẳng biết một chữ nào! Viết con số
hai mốt lại thành con số mười hai!”, “đếm quá to là đã nhầm lẫn lung tung cả”. Bản làng đã tối tăm nay lại càng thêm tăm tối.
Giống như Châu Đoàn Pàng, Đoác trong tiểu thuyết Vào hang đã vùi dập nhân tài, cướp phá biết bao đời con gái, làm khổ biết bao nhiêu người. Ngay cả vợ và con gái cũng bị Đoác cũng biến thành những vật hiến thân cho con đường danh vọng của hắn. Độc ác, bỉ ổi là bản chất của những con người như Đoác. Những con người ấy đã góp phần làm cho xã hội tối tăm ngột ngạt, người dân rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực không kém gì dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Những tên “chúa đất”, những kẻ nắm quyền hành ở miền núi dốt nát, ti tiện, tham lam, ích kỉ và vô cùng độc ác đã trở đi trở lại rất nhiều trong sáng tác của Vi Hồng. Bên cạnh Châu Đoàn Pàng trong Tháng năm biết nói, Đoác trong Vào hang còn có Cháp Chá trong tiểu thuyết “Chồng thật vợ giả, La Đăm Đông trong Đoạ đầy... đều là những con người như thế.
Không chỉ có những bọn thực dân chúa đất tàn ác, tham lam ngu dốt mới làm cho cuộc sống của nhân dân nghèo khổ tối tăm mà cả những hủ tục lạc hậu cũng góp phần làm cho xã hội ngột ngạt, tăm tối, khiến cho bao nhiêu người dân nghèo phải khốn khổ. Đó là hủ tục ma gà, tục ép duyên, mê tín dị đoan... Đàng trong Vãi Đàng là một nạn nhân của hủ tục ấy. Vì bị mang tiếng là có ma gà mà cả nhà Đàng phải bỏ làng bỏ bản ra đi phiêu bạt khắp nơi trong cảnh đói rách. Bố Đàng cũng vì thế mà phải nhẩy xuống Rù Rằng để chết, mẹ Đàng cũng đau khổ đến thẫn thờ như kẻ điên dại. Còn Đàng, cô đã bị ép gả cho Tổng Nhự và cuối cùng bị cột vào bè và thả trôi sông. Biết bao nhiêu cay đắng đến với cuộc đời Đàng chỉ vì cái hủ tục ấy. Cùng chung số phận ấy là Thu Lạ, Mi Tráng (Mùa hoa bioóc loỏng), họ không thể tìm được hạnh phúc của mình, thậm chí phải tìm đến cái chết như Thu Lương. Đó còn là những hủ tục mê tín dị đoan khiến cho Quỳnh The (Đoạ đầy) – một cô gái đẹp như nàng tiên đã phải chết một cách oan khuất. Rồi còn biết bao nhiêu chàng trai cô gái chỉ vì hủ tục ép duyên mà đã phải tìm đến dòng nước sông trong gửi mình cho hà bá, thuồng luồng. Nếu không tìm đến cái chết thì họ sẽ phải đeo đẳng nỗi đau suốt cả cuộc đời như bà Xiêm, nàng Thu
Khoan trong Dòng sông nước mắt hay Hoàng trong Tháng năm biết nói... Cuộc đời của họ sau những hủ tục ép duyên ấy là một biển cả khổ đau và một dòng sông nước mắt.
Trong xã hội miền núi trước cách mạng, những quan Tây, chúa đất và những hủ tục cổ xưa là nguyên nhân làm cho xã hội ngột ngạt tối tăm, biết bao cảnh đời rơi vào bi kịch. Đến khi cách mạng thành công, ánh sáng văn hoá đến với con người, tưởng rằng cuộc đời họ sẽ thay đổi, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng không, ở xã hội mới lại xuất hiện những người có chức có quyền hẹp hòi, ích kỉ, độc ác, tàn nhẫn và những trí thức tha hoá, biến chất. Những con người này cũng góp phần làm cho xã hội trở nên đáng sợ đối với những người dân nghèo. Để thăng quan tiến chức, để thoả mãn dục vọng, họ liên tiếp giăng bẫy lừa gạt những người thật thà chất phác, đẩy họ đến chỗ chết hoặc cùng đường.
Ba trong tiểu thuyết Người trong ống là một con người như vậy. “Lừa thầy, phản bạn” là những tội ác tày trời mà Ba đã làm nó một cách khôn khéo, để rồi leo lên đến đỉnh điểm của nấc thang danh vọng.
Hỉ trong tiểu thuyết Gã ngược đời là một tiến sĩ - giảng viên một trường Đại học mà bất tài, hèn kém. Hỉ không thể tự tiến thân bằng tài năng của mình được mà bằng con đường lừa gạt. Để có được tình yêu, Hỉ đã lừa gạt Di, để có được đề tài nghiên cứu trên đỉnh Khau Moóc, Hỉ đã lừa bố vợ. Đối với cấp trên, Hỉ nịnh nọt khúm núm, nhưng có cơ hội thì hắn lập tức phản bội chiếm đoạt vị trí mà hắn mơ ước bằng con đường hết sức bỉ ổi.
Hiệu trưởng Đương cũng là người như thế. Hắn tha hoá biến chất, bất tài tráo trở, tham lam ích kỉ và vô cùng tàn nhẫn. Xã hội còn có những con người trí thức như thế thì sẽ còn những nỗi đau. Phải chăng đó là điều mà Vi Hồng muốn gửi gắm tới thế hệ sau, cùng với khát vọng tiêu diệt cái ác, tiêu diệt những kẻ bất tài tráo trở, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bên cạnh những người trí thức tha hoá thì những kẻ có chức có quyền trong tác phẩm của Vi Hồng cũng vô cùng độc ác, vô nhân tính không kém. Chúng gây ra biết bao đau khổ cho người dân lương thiện. Đoác, Oác (Vào
hang), Cháp Chá (Chồng thật vợ giả), Tổng Vọi, Tổng Nhự (Vãi Đàng)... là những con người xấu xa bỉ ổi như thế.
Không từ một thủ đoạn nào, Đoác lừa gạt phụ nữ để thoả mãn dục vọng, lừa gạt người dân bản mường để lấy tiền, hãm hại người khác để thăng quan tiến chức, giết người, thậm chí cả người thân của mình Đoác cũng không từ. Tiếp nối Đoác là Oác – con trai của Đoác, hắn còn “tài năng hơn Đoác bố, trắng trợn hơn và dê cũng hơn”. Chính hắn là kẻ chuyên ăn trộm, nhưng hễ bị ai nghi ngờ hắn lập tức đem giam vào nhà tù. Nếu là con gái thì để Oác làm trò chơi. Đàn bà con gái thì lo sợ, những người chân chính đều “cau mày, nghiến răng, căm giận”. Đoác và Oác là nguyên nhân trực tiếp của bao nỗi khổ đau của những kiếp người lương thiện ở đất Pác Nặm.
Lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt đàn bà con gái, hãm hại dân lành là bản chất của những người có chức có quyền trong tiểu thuyết của Vi Hồng. Cháp Chá (Chồng thật vợ giả) đã chiếm đoạt Thu Lú, cướp vợ Rằng Xao, lừa gạt Thieo Si chưa đủ hắn còn muốn có cả Tô Ngần – em gái của Rằng Xao. Từ phó chủ tịch, hắn muốn leo lên chức chủ tịch. Không ngần ngại, hắn giết Thieo Si, rồi đổ tội cho ông chủ tịch già. Những việc làm tội lỗi của Cháp Chá khiến cho bản mường ghê sợ, căm uất vô cùng.
Bằng bút pháp miêu tả tinh tế tài tình, bằng sự cảm thông sâu sắc với cuộc sống của nhân dân các dân tộc miền núi, Vi Hồng đã phác hoạ được không gian xã hội miền núi u ám, đen tối dưới ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến, của những hủ tục lạc hậu và cả những thủ đoạn tráo trở, tàn bạo của những kẻ đội lốt trí thức, có chức có quyền hà hiếp làm hại dân lành. Những bức tranh đời sống ấy là tiếng nói tố cáo tội ác của thực dân và tay sai phong kiến, phê phán các hủ tục lạc hậu và cảm thông sâu sắc với cuộc sống nghèo khổ cơ cực của người dân đồng thời làm sống lại một xã hội tăm tối ngột ngạt, không lối thoát.
b. Không gian xã hội tươi sáng:
* Không gian của những phong tục tập quán độc đáo, hấp dẫn
Vi Hồng rất nhạy cảm với những cảnh sinh hoạt, những phong tục quen thuộc nhưng cũng rất độc đáo của quê hương mình. Từ những cảnh sinh hoạt mang tính đặc thù ấy, Vi Hồng vừa phản ánh một cách chân thực đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc mình vừa thể hiện được đời sống xã hội rộng lớn.
Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Tày có rất nhiều phong tục tập quán đẹp, có sức hấp dẫn kì lạ. Đó là hội Lồng Tồng (hội xuống đồng) của Mường Khoang Đông, đêm liên hoan mừng cơm mới của bản làng Đin Phiêng, lễ mừng thọ bốn chín tuổi của mường Nặm Thoong và Nặm Cáp, lễ thả én ương số phận của mường Nà Lạn, lễ thề nguyền dưới trăng, tục cúng giỗ, tục nằm mả...
Mường Khoang Đông (Mùa hoa Bioóc Loỏng) vốn là một vùng đất rộng lớn, nơi ấy có một cuộc sống phồn vinh, thanh bình nức tiếng. Sở dĩ có được cuộc sống no đủ như vậy là do những người dân nơi đây cần cù chịu khó. Họ phát rẫy làm nương, đưa nước về đồng ruộng. Mỗi năm một lần họ lại cùng nhau “xuống đồng” để gieo trồng, cấy hái. Nhưng không phải năm nào cũng diễn ra lễ hội mà “thường cứ 3, 4 năm lại có một lần tổ chức lớn kéo dài 3 ngày”. Lễ hội đó đã thu hút được rất nhiều người, nhất là những trai thanh gái lịch: “Người từ các mường khác Đông, Tây, Nam, Bắc kéo đến nườm nượp. Trên trời có bao nhiêu mây trắng mây xanh thì dưới đất có bấy nhiêu con trai con gái”. Những trai hoa gái nụ đến với hội Lồng Tồng: “Mặt sáng như gương, mắt long lanh như mắt hoạ mi, môi đỏ như cánh hoa Mạ, như quả nhót chín mọng”. Ngắm nhìn những khuôn mặt đẹp như hoa, du khách dường như không muốn rời chân.
Trong lễ hội đó, các chàng trai, cô gái ném lên trời những quả còn và những vòng tròn rực rỡ: “Những chiếc còn đi tìm những cái vòng rực rỡ năm sắc như một cái đĩa nhỏ sáng ngời ngợi tưởng như lẫn trong mây”. Và cứ thế, “những chiếc còn vun vút tuột khỏi những vòng xoáy của những cánh tay ngọc ngà sẽ tìm đến tay những người con trai... Những quả còn lại xoáy vun vút như sinh ra giông tố hay bão táp bỗng bứt khỏi những cánh tay khoẻ mạnh tìm đến những khuôn ngực của những người mà chàng yêu để gửi, để đậu”. Như vậy, họ đến với hội Lồng Tồng còn là để tìm người yêu. Họ ném còn cho nhau và gửi gắm lời yêu
trong những chiếc còn nhiều mầu sắc ấy. Những quả còn ấy được ném rất cao, “những quả tình yêu của các anh, các chị buổi đầu thi nhau vun vút lên chào ông trời xanh cao lộng gió hoặc hôn hít, quấn quýt những đám mây chứa chan tình yêu ở tận lưng ông trời”. Nhưng rồi nó lại rơi đúng vào chàng trai hay cô gái mà họ đã có tình ý. Quả còn chính là những chiếc cầu bắc nối tình duyên để rồi sau lễ hội ấy họ tìm đến với nhau, yêu nhau và cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Chính vì vậy lễ hội không chỉ đem lại không khí vui vẻ náo nức của buổi xuống đồng mà còn là nơi hẹn hò gặp gỡ và bén duyên.
Bên cạnh trò chơi ném còn, lễ hội Lồng Tồng, còn rất nhiều các trò chơi khác: “Kia là bàn cờ, mỗi quân cờ có một cô gái đẹp ngồi dưới chân. Có người bưng ghế cho các cô gái mỗi khi quân cờ di chuyển... Ở một góc ruộng khác các chị, các bà trung niên tay cầm những cây mía to đang đánh phết những quả mác cấu”. Nhưng có lẽ vui nhất là trò bắt vịt: “Người ta thả hàng chục con vịt xuống vực rộng thênh thang. Ai bắt được thì được luôn cả con vịt về nhà làm thịt hay để nuôi tuỳ lòng. Ai bắt được một con vịt được thưởng số tiền bằng một con vịt nữa. Như vậy bắt được một con thành hai. Ai khéo ai tài bắt được cả đám mười con cũng được”. Người đến cổ vũ rất đông, trẻ con, người lớn reo hò làm cho không khí trở nên náo nhiệt. Trong hội Lồng Tồng của mường Khoang Đông còn có lễ mời Nàng Hai (Nàng trăng). Trước khi bước vào ngày hội có tổ chức một cuộc lượn giữa hai người lâu nay vẫn giỏi lượn. Tiếng lượn của họ ngọt ngào, lúc trầm lúc bổng làm say mê biết bao hồn người. Gấp trang sách lại ta như thấy đâu đây vẫn còn dư âm của lễ hội vui vẻ náo nhiệt và hồi hộp chứng kiến những cuộc ném còn, bắt vịt và cả những tiếng lượn êm ái du dương.
Nét đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được toả ra từ bầu không khí sôi nổi của không gian sinh hoạt văn hoá - không gian của lễ hội. Người đọc như được sống với những phong tục tập quán kì lạ của các dân tộc ít người. Đêm liên hoan mừng cơm mới của bản làng Đin Phiêng (Đất bằng) có rất nhiều người hát lượn. Hát rồi lại múa. Điệu múa lời hát hoà cùng với tiếng chiêng, tiếng trống, phiềng la và tiếng vỗ tay của những người cổ vũ làm nên một không khí náo nhiệt