Ca Ngợi Những Người Trí Thức Có Trí Tuệ Toả Sáng, Có Ý Chí Nghị Lực, Giầu Lòng Yêu Thương Con Người.

1.2.1.3. Ca ngợi những người trí thức có trí tuệ toả sáng, có ý chí nghị lực, giầu lòng yêu thương con người.

Nhân vật trí thức là hình ảnh quen thuộc của văn học Việt Nam trước Cách mạng. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những nhân vật đó trong các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... nhưng tiêu biểu nhất là Nam Cao. Nhân vật Hộ trong Đời thừa, Điền trong Trăng sáng, Thứ trong Sống mòn... đều là những nhà văn, nhà báo có tình yêu nghề nghiệp sâu sắc, có khát vọng sáng tạo mãnh liệt nhưng chỉ vì gánh nặng cơm áo tầm thường mà khát vọng của họ không sao thực hiện được, lương tâm nghề nghiệp bị vẩn đục, tài năng bị xói mòn. Họ cảm nhận rõ thân phận mình cứ “mốc lên, rỉ ra, mòn đi” không lối thoát mà không thể làm gì.

Ba mươi năm chiến tranh cách mạng, do ưu tiên viết về quần chúng công – nông – binh nên nhân vật trí thức chưa được chú ý nhiều. Sau chiến tranh, nhất là từ những năm 1986 trở đi, khi đất nước bước sang thời kì đổi mới, khi nhân vật trí thức trở thành nơi gửi gắm thích hợp sự tự ý thức của nhà văn thì nhân vật người trí thức lại xuất hiện nhiều trong tác phẩm. Điều này dễ nhận thấy trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Ma văn Kháng, Nguyễn Khải... Vi Hồng là một trong số ít nhà văn người dân tộc thiểu số viết về người trí thức. Nhân vật trí thức trong tiểu thuyết của Vi Hồng phần lớn là những nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ... mẫu mực, có tài, tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm về bản thân, về cuộc sống. Họ vượt lên mọi hoàn cảnh và những cám dỗ tầm thường, để đến với khoa học bằng chính trí tuệ và lòng nhiệt tình của mình.

Đọc tiểu thuyết Gã ngược đời chúng ta không thể quên người thày giáo giỏi, người kỹ sư nông nghiệp tài năng và đầy nhiệt huyết – Hà Thế Quản.

Quản sinh ra đã không được hưởng tình yêu thương của người cha, chỉ có hai mẹ con anh côi cút sống trong rừng, vất vả, khổ cực nuôi nhau. Rồi mẹ anh lại bỏ anh mà đi, Quản sống được là nhờ vào tình thương của những người tốt bụng trong mường. Vất vả thiếu thốn là thế nhưng Quản vẫn học giỏi. Anh thi đỗ vào

đại học với số điểm rất cao. Tốt nghiệp đại học, Quản được giữ lại trường và trở thành giảng viên khoa trồng trọt trường Đại học Đông Bắc.

Là một thày giáo tâm huyết với nghề, Quản không chịu bó mình với những kiến thức có sẵn trong những cuốn giáo trình. Anh luôn tìm hiểu thực tế để mở rộng tầm hiểu biết, để có những kết luận chính xác, những bài giảng hay đầy sức thuyết phục đối với sinh viên. Không những thế, Quản còn rất đam mê nghiên cứu khoa học. Nếu nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao đam mê văn chương đến mức quên cả bản thân: “Đói rét không có nghĩa lí gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng, lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang những hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất...Hắn đọc, hắn suy ngẫm, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán...”[46] thì cũng có thể nhận xét như thế đối với thày giáo, kỹ sư Hà Thế Quản.

Trong cuộc sống sôi động ồn ào của xã hội thời kì đổi mới, trong khi nhiều người tìm mọi cách để làm giầu. Bạn bè của Quản có người đã lên lầu cao, ti vi, tủ lạnh, quần áo nọ kia... thì Quản “đến cái giường cũng không có, cái áo cho ra hồn cũng không. Ăn thì toàn rau, cháo...”. Nhưng Quản lại có hơn người niềm say mê khám phá và sáng tạo khoa học.

Gặp được Liêm - cô gái đã yêu Quản và gợi ý cho Quản chinh phục đỉnh Khau Moóc, niềm say mê khoa học của Quản như được tiếp thêm sức mạnh. Nhưng để thực hiện được đề tài nghiên cứu về lai tạo giống bốn mùa trên đỉnh Khau Moóc ấy, Quản đã phải trải qua biết bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy, đôi khi còn phải cận kề với cái chết. Nhưng cuối cùng người kĩ sư nông nghiệp ấy đã lên đến đỉnh vinh quang. Đề tài lai tạo giống bốn mùa trên đỉnh Khau Moóc của Quản đã thành công.

Với khoa học, Quản hi sinh cả bản thân mình, thậm chí cả tình yêu. Những cô gái thân và yêu Quản đều cảm phục trước tài năng của Quản nhưng lại lùi bước trước tình yêu khoa học của anh. Dường như anh sinh ra để làm khoa học, anh say mê khoa học, khước từ tình yêu của rất nhiều cô gái không phải chỉ vì khoa học mà còn vì một lí do khác. Anh đã được chứng kiến cuộc đời đau khổ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

của mẹ anh nên anh không muốn làm khổ bất cứ một cô gái nào nữa. Anh tâm sự “bây giờ tôi đã gần bốn mươi tuổi, có nhiều cô gái trẻ xinh đẹp muốn làm vợ tôi... nhưng tôi sợ mình làm cho họ đau khổ” và thế là Quản cứ sống cô đơn để “không làm họ thêm đau khổ”, thật cảm động biết bao!

Bên cạnh những con người giầu lòng yêu thương, đam mê khoa học, trong tiểu thuyết Gã ngược đời người đọc cũng không thể quên bác sĩ Tú, bác sĩ Huy, bác sĩ Hồi, y tá Ly... trong tiểu thuyết Người trong ống.

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 4

Tú được nhà văn Vi Hồng xây dựng như một điển hình cho người trí thức có những phẩm chất tốt đẹp, có nghị lực phi thường, vượt qua mọi khó khăn để khẳng định mình và gắng sống có ích cho cuộc đời. Từ nhỏ, Tú đã là một cậu bé thông minh với ao ước được trở thành một bác sĩ chữa bệnh cứu người. Khát khao ấy càng trở nên mãnh liệt hơn khi mẹ Tú bị chết oan bởi một bàn tay lang băm ngu dốt. Mặc dù thi đỗ đại học với số điểm tối ưu nhưng Tú lại không được đi học, vì bố anh không chấp nhận vào hợp tác xã và bị quy là “thành phần chống đối”. Buồn nhưng không nản, ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người vẫn rực cháy trong anh. Tú quyết định đi tới một vùng thật xa, thay đổi tên họ để thực hiện khát vọng của mình. May mắn anh được một gia đình người Mông tốt bụng và khá giả nhận làm con nuôi và tạo điều kiện cho anh đi học lại lớp mười để thi đại học. Tú đã “bán hết linh hồn cho sách vở”, cố quên đi tình yêu của nàng Ai Hoa xinh đẹp như hoa tiên, quyết tâm thực hiện cho bằng được khát vọng của mình. Sau bao nhiêu cố gắng, chân trời sống của Tú đã hé mở. Anh trở thành sinh viên trường Đại học Y như mong muốn. Việc Tú đỗ đại học một lần nữa khẳng định ý chí, nghị lực trong anh. Bởi trong cuộc sống, sự quyến rũ về vật chất, sắc đẹp, tình yêu là vô cùng lớn, đôi khi nó làm mờ mắt con người, khiến người ta có thể bị gục ngã, quên đi lý tưởng cao đẹp mà mình đang theo đuổi. Tú đã từng được sống cuộc sống giầu sang, trái tim Tú đã từng rung lên trước tình yêu chân thành, mãnh liệt của nàng Ai Hoa thông minh, xinh đẹp và giầu có. Thế nhưng, anh vẫn vượt qua được lễ “Xăm ràng” đầy khó khăn để đi tiếp con đường mình đã chọn - trở thành một thày thuốc giỏi để chữa bệnh cho mọi người. Nhưng

chỉ vì thẳng thắn chỉ ra những sai sót trong kiến thức của thày giáo Ba – hiệu phó phụ trách tổ chức kiêm bí thư Đảng uỷ nhà trường mà Tú bị đẩy vào bộ đội. Cánh cửa khoa học của chàng trai người dân tộc Tày đang rộng mở bỗng nhiên khép lại. Tưởng rằng thử thách lần này sẽ khiến Tú gục ngã, đầu hàng số phận nhưng trước lời động viên an ủi chân thành của thày giáo Phiêu - người mà Tú vô cùng quý mến và kính trọng, những buồn đau, chán chường mau chóng qua đi, trong Tú chỉ còn niềm tin và hy vọng.

Vào bộ đội, Tú tranh thủ từng giờ, từng phút nghỉ ngơi hiếm hoi đi tìm kiếm những cây thuốc nam. Cũng chính nhờ những cây thuốc này anh đã cứu được rất nhiều đồng đội thoát khỏi tay tử thần. Biết được tài năng và khát vọng của Tú, ông trung đoàn trưởng đã cử anh đi học Đại học Quân y và anh đã trở thành bác sĩ như mong muốn. Tài năng của anh luôn được khẳng định. Anh được mọi người kính trọng, thương yêu và được đề bạt lên chức giám đốc bệnh viện Lục Khê.

Quyền cao chức trọng dễ làm người ta thay đổi, tiền tài, của cải vật chất dễ làm mờ mắt con người, nhưng bác sĩ Tú - giám đốc bệnh viện Lục Khê vẫn sống giản dị và luôn nhiệt tình đem hết tài năng của mình để cứu chữa người bệnh. Tú đã dang cánh tay nhân từ cứu sống con ông chủ nhiệm hợp tác xã đã từng làm hại gia đình anh trước kia và tìm mọi cách để giải thoát cho Hánh (người thương binh bất hạnh) khỏi sự giam cầm tuyệt vọng trong nhà xác bệnh viện.

Cùng với Tú, bác sĩ Huy trong Người trong ống cũng là nhân vật tiêu biểu cho những con người tài năng và giầu lòng nhân ái. Huy là một bác sĩ giỏi, “thông thường các bác sĩ đều chữa bệnh theo “bài bản” riêng Huy thì anh kết hợp “bài bản” và sự linh hoạt trên từng căn bệnh cụ thể. Vì thế mà anh đã chữa được nhiều ca mà những bác sĩ “bài bản” bất lực”. Đặc biệt, giống như tất cả những người được sinh ra từ miền núi, anh luôn thẳng thắn ngay cả trong trường hợp không có lợi cho mình, nhưng để cứu người bệnh thoát khỏi cái chết thì anh vẫn làm. Trước sự chẩn đoán không chính xác của viện trưởng, anh đã thẳng thắn góp ý và nhận lấy trách nhiệm cứu chữa người bệnh. Nhiệt tình cứu chữa bệnh nhân

với lương tâm nghề nghiệp cao quý, bản lĩnh vững vàng, dám làm, dám chịu là phẩm chất nổi bật trong con người này.

Nhân vật On trong tiểu thuyết Vào hang cũng là hình ảnh tiêu biểu cho những trí thức tài năng, tâm huyết với nghề nghiệp. Sinh ra đã không biết mặt bố, anh chỉ được ngắm chân dung của người cha liệt sĩ thân yêu qua bức ảnh mà mẹ anh gói tới mấy lần vải lụa. Hai mẹ con đùm bọc nuôi nhau trong nghèo nàn, vất vả. Nếu Tú phải cải tên đổi họ mới có cơ hội vào được trường Đại học Y mà mình mơ ước thì On may mắn hơn, anh đã được học một kỳ ở bậc đại học. Những tưởng số phận đã an bài, không ngờ học hết kì I năm thứ nhất khoa trồng trọt, On phải trở về địa phương vì lí do “có công văn ở xã gửi lên nói rằng On là tên chống đối và phá hoại hợp tác xã”. “Một sinh viên có khả năng về cây trồng” rất có thể sẽ trở thành một kỹ sư giỏi và còn vươn cao hơn nữa. Nhưng vào cái thời kỳ ấy “chống đối”, hay “phá hoại hợp tác xã ” là một việc vô cùng nặng nề “có thể vào tù như bỡn”. Không hề có bằng chứng, nhưng trước sự “khăng khăng” buộc tội và cả đe nẹt nữa của ông bí thư xã, On vẫn buộc phải thôi học. Mười tám tuổi, cánh cửa cuộc đời đã khép lại khiến On dần trở thành “như một cái bóng, như một cụ già đắm chìm trong những triết lí của cuộc đời đầy nước mắt”. Đau khổ nhưng không chùn bước, tình yêu khoa học vẫn cháy sáng trong anh. Trở về quê, ngoài những giờ lao động vất vả, còn lại “những giờ nghỉ buổi trưa, buổi tối On tận dụng hết để đọc sách kỹ thuật trồng trọt”. Anh tự nghiên cứu một cách miệt mài, rồi làm vườn trồng cây thí nghiệm. Ngờ đâu, những mày mò tự học đã giúp anh thành công. Ngắm nhìn vườn cây trĩu quả, đồi chè xanh mơn mởn, kết quả thí nghiệm của On, vị giáo sư, chủ nhiệm khoa trường Đại học Nông nghiệp Đông Bắc phải trầm trồ khen ngợi. Yêu mến tài năng của cậu học trò nghèo giầu nghị lực, giáo sư đã giúp đỡ On thực hiện ước mơ học tiếp đại học - và anh đã trở thành kỹ sư nông nghiệp như mong ước. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ba Mái, núi rừng và những con người nghèo khổ nơi đây đã gắn bó thân thiết với anh, khiến anh khát khao được trở về cống hiến cho quê hương. Vị giáo sư - người đã từng giúp anh trở lại trường Đại học nông nghiệp Đông Bắc cứ muốn giữ anh ở

lại trường làm giảng viên đại học nhưng anh kiên quyết từ chối: “Thưa giáo sư em là cây tre, cây cam, cây táo của mảnh đất quê em. Em rời mảnh đất quê hương em ra đi để rồi em sẽ lại quay về với quê hương”. Những lời gan ruột của On khiến người đọc cảm động bởi hiếm có một tình yêu quê hương nào lại sâu sắc như thế. Ngày anh nhận được quyết định về nông trường chè Ba Mái, anh sung sướng vô cùng nhưng cũng là lúc buồn nhất vì anh phải chia tay vị giáo sư - người đã không chỉ nuôi anh khôn lớn về trí tuệ mà còn san sẻ những bát cơm từ tiêu chuẩn ít ỏi để giúp người học trò nghèo mà ông yêu quý. Buổi chia tay đầy cảm động, On thì “rơm rớm nước mắt”, còn “giáo sư cười, ông để mặc những giọt nước mắt già nua của mình lăn sau cặp kính lão”. Một già, một trẻ cùng rơi lệ bởi họ cùng là những người hết lòng vì khoa học, giầu lòng yêu thương con người, nặng tình với quê hương.

Những người trí thức tài năng và tâm huyết với nghề nghiệp như On, Tú, Quản thật đáng trân trọng, song ta cảm phục họ hơn bởi những con người này có một nghị lực phi thường, không chịu lùi bước trước tất cả những nghịch lí trớ trêu của cuộc đời trước hết là những thế lực đen tối, tàn bạo, những kẻ quyền thế. Họ luôn khẳng định giá trị đạo đức của những người trí thức.

1.2.2. Cảm hứng cảm thương gắn với những con người bất hạnh.

1.2.2.1. Cảm thương cho con người bị những hủ tục phong kiến xưa vùi dập, đoạ đầy.

Với sự trải nghiệm của chính cuộc đời mình, lại tận mắt chứng kiến những cảnh đời éo le, những hủ tục lạc hậu đã vùi dập bao số phận người miền núi, Vi Hồng đã viết ra những trang văn đẫm nước mắt. Những “trai hoa, gái nụ” bị gán cho cái tội “có ma gà” cứ hiện lên quằn quại, đau đớn và bế tắc. Họ gần như không có lối thoát. Cùng với sự đồng cảm, xót xa là khát vọng phá tan những hủ tục lạc hậu, đem ánh sáng văn minh đến cho con người miền núi, để những con người như Đàng trong Vãi Đàng, Thu Lương, Thu Lạ, Mi Tráng trong Mùa hoa Bioóc Loỏng… không phải sống trong cay đắng, nhục nhã mà những hủ tục ấy đem lại nữa.

Đàng (Vãi Đàng) là một cô gái xinh đẹp - “Đẹp bằng Thị Đan ngày xưa đấy”, ngờ đâu lại bị vùi dập bởi những hủ tục lạc hậu. Bị vu “có ma gà” Đàng đau khổ chỉ biết “ôm cột nhà mà khóc, cái lều của Đàng chìm đắm trong tiếng nghẹn ngào”. Nhưng khóc mãi cũng chẳng thể thoát khỏi cái bi kịch oan nghiệt này. Gia đình Đàng quyết định ra đi. Cảnh Đàng cùng cha mẹ dắt díu nhau bỏ xứ ra đi được Vi Hồng miêu tả thật thương tâm: “Đàng cùng bố mẹ lặng lẽ bỏ bản, bỏ mường ra đi. Ba người bước chân dẫm lên bước chân, đêm tối mịt mù, giơ xoè bàn tay ra trước mắt mà không thấy ngón. Nhắm mắt hay mở mắt đều như nhau”. Sa cơ lỡ bước, lang thang kiếm sống nuôi cả gia đình, Đàng lại còn đau khổ khi bị mang tiếng là ma gà, phải rời bỏ người yêu khi tình yêu mới chớm nở - đó là bi kịch vô cùng đau đớn đối với một cô gái trẻ như Đàng. May mắn được The giúp đỡ, Đàng đưa gia đình đến vùng Nặm Cáp dựng nhà, làm nương rẫy, sống hoà đồng với mọi người trong bản, Đàng như được hồi sinh. Nhưng sống dưới gầm trời của bọn thực dân phong kiến, con người chạy đâu cho thoát khỏi nanh vuốt của bọn thống trị. Cái ác bủa vây khắp mọi nẻo đường. Thoát khỏi kiếp làm vợ lẽ Tổng Vọi, Đàng lại bị ép làm vợ lẽ Tổng Nhự. Tưởng rằng cam chịu kiếp lẽ mọn sẽ được sống yên ổn mà nuôi con. Nào ngờ cái án “ma gà” vẫn không rời bỏ người con gái đẹp. Trong ngày lễ đầy tháng của con Đàng, Tổng Vọi cũng được mời đến. Hắn nhìn thấy Đàng và kêu lên: “Con Đàng ma gà từ quê tao chạy đến đây! Nó là con ma gà các quan ơi!”. Và thế là vợ Tổng Nhự xông vào đánh Đàng tàn nhẫn, mụ “xắn tay áo, nhe răng cắn và cấu xé người vợ bé”. Sau đó, Đàng còn bị xích chân vào mảng, thả bè trôi sông trong nhục nhã, đau khổ cùng sự khinh bỉ của tất cả mọi người. Những lời kêu than thảm thiết của người mẹ trẻ, cùng với tiếng khóc oe oe tuyệt vọng của đứa bé mới đầy tháng tuổi đang sắp sửa làm mồi cho cá, sẽ mãi mãi ám ảnh người đọc về nỗi tủi nhục, bất hạnh của con người sống dưới xã hội tối tăm, lạc hậu với những hủ tục đã tồn tại một thời.

Cùng chung số phận với Đàng, Thu Lương, Thu lạ và Mi Tráng trong Mùa hoa Bioóc Loỏng cũng bị mang tiếng là có ma gà. Còn bất hạnh hơn cả Đàng, Thu Lương đã phải tìm đến cái chết bằng cây lá ngón hoa vàng, khi bị kết tội là

có ma gà. Vi Hồng đã miêu tả cái chết của nàng thật thương tâm: “Từ lúc tỉnh táo đến khi đau đớn quằn quại – có lẽ là ruột nàng đang đứt từng khúc… Dù ai hỏi thế nào nàng cũng chỉ nghiến hai hàm răng cắn chặt. Nàng quyết tâm từ giã cuộc đời nhục nhã vì luôn bị người đời nhục mạ”. Cái chết của Thu Lương không làm cho mọi người tỉnh ngộ mà ngược lại nó còn nặng nề hơn đối với Thu Lạ. Có nhan sắc tuyệt vời, lại đang ở tuổi hoa, tuổi nụ nhưng Thu Lạ không hề được vui vẻ hạnh phúc vì cô luôn mang nặng mặc cảm rằng “mình là kẻ xấu xa, bẩn thỉu, mọc gai nhọn, gai móc quanh người”. Cũng có nhiều chàng trai say mê sắc đẹp của cô nhưng họ không thể vượt qua cái rào cản của hủ tục lạc hậu ấy. Vì thế, Thu Lạ đã phải chấp nhận lấy Cặm Cang – một người vô cùng xấu xí, thô kệch. Vậy mà bà mẹ Cặm Cang vẫn không buông tha. Bà ta đã dùng mọi cách, kể cả vu vạ là con ma gà Thu Lạ nhập vào mình để chia rẽ hạnh phúc lứa đôi, khiến cho người cha già của cô và cô chỉ biết kêu trời mà khóc than cho số phận của mình. Cô không thể tìm được hạnh phúc nếu không có ánh sáng của văn hoá đánh tan đi những hủ tục lạc hậu ấy, trả lại sự trong sạch cho những nạn nhân đáng thương như cô.

Những người con gái miền núi bị hủ tục đày đoạ đã đành. Mi Tráng – một thanh niên có tài đua ngựa, thông minh, khoẻ mạnh cuối cùng cũng bị hủ tục ấy vùi dập, chia rẽ tình yêu. Chàng và Xinh Xông yêu nhau say đắm. Tình yêu của họ đang đẹp bỗng nhiên tan vỡ chỉ vì anh bị mang tiếng là người “có ma gà”. Anh đau đớn đến bàng hoàng khi nhận thấy thái độ khác lạ của gia đình Xinh Xông. Nguyên do cũng bởi họ cho rằng anh “là người không sạch sẽ, là người có gai móng cú, gai diều hâu mọc xung quanh”. Không thể thay đổi được số phận anh chỉ biết trách mình, trách con ma gà và “rỏ những giọt nước mắt lạnh buốt như muốn dập tắt ngọn đuốc tình yêu mới vừa nhóm lên”. Đó là những giọt nước mắt đau khổ của những người dân miền núi bị những hủ tục đoạ đầy.

Cuộc sống của những người dân miền núi không chỉ bị vùi dập ở hủ tục ma gà mà còn bởi sự mê tín dị đoan. Quỳnh The trong tiểu thuyết Đoạ đầy là một cô gái xinh đẹp, con chẩu mường Đào Tha Đát. Tảo Pá Ngạn – kẻ hành nghề cúng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/12/2023