Giúp cho Tả Pá Ngạn, đặc biệt là La Đăm Đông thực hiện những âm mưu đen tối ấy chính là Pác Tàm, một nhân vật phản diện xấu xa trong thế giới nhân vật của Vi Hồng. Những con người xấu xa bao giờ cũng mang một nét dị dạng để phản ánh bản chất của nó, Pác Tàm là một con người như thế. Nhà văn miêu tả Pác Tàm có “cái mồm bẹt rộng như mồm ếch, nói dẻo như sợi bún và ngọt ngào như bánh trà lam”. Là một người đàn bà vô học, tối tăm, ngu muội, Pác Tàm đã làm tất cả chỉ với mục đích có lợi cho bản thân. Mụ chẳng chịu làm ăn lương thiện mà sống bằng nghề buôn nước bọt. Với ba tấc lưỡi mụ có thể biến không thành có, biến xấu thành đẹp mà không cần biết đến hậu quả. Đồng tiền đã làm mờ mắt Pác Tàm, khiến mụ quyết tâm chia rẽ tình yêu của Bội Hoan và Ki Nọi. Vì tiền, Pác Tàm đi hết tận quan tỉnh, quan phủ để gả bán Bội Hoan mà không cần biết đến nỗi tuyệt vọng của cô. Vì tiền, Pác Tàm làm cả cái việc “mang tội to bằng ông trời” là đem đổi đứa con thông minh xinh đẹp của bà Lài Cải cho Đăm Đông và để lại đứa con có bộ mặt âm dương (mặt bị chàm) của Đăm Đông cho bà Lài Cải. Chia rẽ tình mẫu tử là việc làm bất nhân, bất nghĩa vậy mà Pác Tàm vẫn không từ. Lạnh lùng, ích kỉ và tàn nhẫn mụ còn tiếp tay cho Tả Pá Ngạn để lừa thiên hạ, vơ vét tiền của của những người dân nghèo cả tin, làm rối loạn tinh thần của cả mường.
Trong cuộc sống, dường như sự thất học, bất tài, tham vọng thường đi đôi với sự đê tiện độc ác, Ngô Khang Sa và Mã Thả An trong Lòng dạ đàn bà là những người như thế. Vốn là hai đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa được bà Mương và Thu Lả nhận về nuôi, cho ăn no, mặc ấm. Nhưng chúng không hề biết ơn gia đình đã cưu mang mình. Vì tham vọng trở thành “người giầu có nhất thiên hạ” đã giết chết hết phần người trong chúng. Gia đình bà Mương đang sống yên ấm thì Mã Thả An, bằng sắc đẹp và sự trẻ trung của mình, đã tìm cách quyến rũ Nghít, cướp chồng Lả, rồi lại thông đồng với Ngô Khang Sa đầu độc Nghít để chiếm đoạt gia tài từ những người ân nhân của mình, dã man đẩy bà cụ già và hai đứa trẻ thơ vào cảnh màn trời chiếu đất.
Vi Hồng đã xây dựng trong tiểu thuyết của mình những nhân vật ngu dốt, tối tăm và đạt tới tận cùng của những cái xấu xa do vô học đem lại. Nhân vật Thìm trong Tháng năm biết nói là một con người như thế. Ích kỉ, tàn nhẫn, độc ác chỉ biết sống theo bản năng tự nhiên như những con vật –Hắn xuất hiện trong tác phẩm với một hình dạng mà chỉ thoáng qua đã khiến người đọc kinh sợ: “Thằng Thìm có nước da đen bóng y như tấm vải nhuộm chàm đặc, đã lên nước mấy lần… Nó càng đen bao nhiêu thì mắt, răng nó càng trắng bấy nhiêu, lợi, lưỡi, môi càng đỏ bấy nhiêu… Nó trở thành kẻ để các bậc bố mẹ hù doạ con nít…”. Ngay cái hình dạng “nửa người, nửa ngợm” ấy của Thìm đã phần nào giúp người đọc cảm nhận được bản chất người – ngợm của nó. Thìm sống không hề có ý thức của một con người, sống không có lương tri. Cuộc sống của hắn chỉ có hai việc: “ăn ngon và tìm nỗi sung sướng ở nơi khác giống”. Đó là bản chất của những kẻ vô học. Với Thìm, “dốt chữ, dốt nghĩa bồ chặt thóc, giỏi chữ, giỏi nghĩa bồ rỗng tuếch”. Cho nên, hắn không cần biết đến tri thức, học hành chỉ sống theo bản năng tự nhiên. Để được “ăn ngon”, Thìm đi ăn cắp, ăn trộm khắp bản mường. Cái nết ăn của nó cũng theo bản năng, ăn không biết no, uống “ừng ực như con trâu sau khi ăn rơm khô khát nước”. Người nó “hôi rồi khắm nồng nặc” đến nỗi “không ai dám ngồi gần nó, không ai dám cầm lấy tay nó. Người ta sợ cái mùi hôi thối từ nó phả ra hơn cả cái thây người rữa ở bên cạnh”.
Mọi người không chỉ xa lánh nó vì bẩn mà họ còn kinh sợ nó, nhất là những người đàn bà, con gái. Ăn no, béo tròn “nó đi vồ đàn bà”. Mục đích sống của Thìm không chỉ là “ăn ngon” mà còn “tìm nỗi sung sướng ở nơi khác giống”. Chính vì vậy mà nó vồ bắt đàn bà hiếp dâm, quan hệ bất chính với mụ Tẹo – vợ Hoàng, Đỉnh điểm của phần “con” ở nhân vật này là hành động nó “quan hệ với trâu cái”. Cuộc tình nồng nàn giữa Thìm và trâu cái là cuộc tình đặc biệt có một không hai trong cuộc đời. Viết về nhân vật Thìm, phải chăng Vi Hồng muốn tô đậm cái phần “con” trong bản chất của những kẻ vô học, tối tăm không hiểu biết, sống theo bản năng.
Cùng “kênh” với thằng Thìm là mụ Tẹo – vợ Hoàng, người đàn bà có “đôi mắt ốc nhồi và trắng dã, cùng hai hàm răng ba ba… Đầu trọc lốc, nhẵn bóng như quả đài hái, như quả bầu già… Ngực phẳng lì, đít beo, bắp chân, bắp đùi bằng nhau như hai cái gậy chống đỡ lấy tấm thân ép dẹp”. Mụ Tẹo là nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời Hoàng. Người đàn bà này không chỉ xấu về ngoại hình mà còn xấu về tính cách, mụ thô tục, hám tiền, dâm đãng và dối trá. Mụ “quan hệ” với thằng Thìm ngay trong nhà mình nhưng vẫn bắt Hoàng mỗi năm phải về nhà một lần để ngủ với mụ hòng che mắt mọi người. Những đứa con cứ lần lượt ra đời nhưng giống thằng Thìm như đúc. Có thể nói mụ Tẹo - người đàn bà có “hàm răng ba ba với nước da láng men nhẵn thùi lụi và lạnh ngắt” ấy có sức ám ảnh mạnh mẽ đối với người đọc về những con người vô học, dị dạng, tối tăm.
Ngoài ra ta còn bắt gặp rất nhiều những nhân vật như thế trong sáng tác của Vi Hồng. Đó là Nà trong Thung lũng Đá Rơi, Lanh trong Vào hang... Viết về những kẻ vô học tối tăm, ngu dốt, sống theo bản năng tự nhiên, ngòi bút Vi Hồng không chỉ thể hiện thái độ mỉa mai châm biếm mà sau mỗi con chữ, người đọc dường như nhận ra niềm xót xa của nhà văn cho những con người chưa hoàn hảo bản chất làm người. Sự vô học, tối tăm, ngu dốt của họ là nguyên nhân gây ra biết bao nỗi bất hạnh cho những con người hiền lành, lương thiện. Chính vì vậy, muốn cho bản mường tươi đẹp phải đưa ánh sáng của văn hoá, văn minh đến cho từng con người miền núi. Phải chăng Vi Hồng muốn nói với chúng ta như thế.
1.2.3.2. Cảm hứng phê phán, lên án những kẻ có chức, có quyền, bất tài, tráo trở, độc ác, vô nhân tính.
Nếu với những nhân vật vô học tối tăm, nhà văn tỏ thái độ mỉa mai thì với những con người có học, có chức, có quyền nhưng bất tài tráo trở, Vi Hồng tỏ thái độ phê phán, thậm chí lên án không khoan nhượng.
Đoác trong Vào hang là một con người có “dòng máu đen” với “những ý nghĩ mang nọc độc”. Nhưng dòng máu đen đó nó kín quá, sâu quá khiến những người xung quanh không đễ nhận ra. Từ một sĩ quan quân đội, Đoác trở về quê làm bí thư đảng uỷ xã, kiêm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Pác Nặm. Đoác
đã gây ra bao nhiêu việc tội lỗi, làm khổ biết bao nhiêu người và leo lên từng nấc thang danh vọng với những âm mưu, thủ đoạn và những việc làm hết sức vô nhân tính.
Có thể bạn quan tâm!
- Cảm Hứng Nghệ Thuật Gắn Với Thế Giới Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Của Vi Hồng.
- Ca Ngợi Những Người Trí Thức Có Trí Tuệ Toả Sáng, Có Ý Chí Nghị Lực, Giầu Lòng Yêu Thương Con Người.
- Cảm Thương Cho Những Con Người Bất Hạnh Trước Tội Ác Dã Man Của Bọn Thống Trị Miền Núi.
- Không Gian Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Của Vi Hồng.
- Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 8
- Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng - 9
Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.
Bề ngoài, Đoác tỏ ra là một cán bộ gương mẫu với những lời tuyên bố đầy lập trường vô sản, lấy hi sinh làm đầu, không màng danh lợi nhưng bên trong, hắn là một kẻ độc ác vô cùng. Về quê hương, Đoác đã dần dần bộc lộ hết bản chất độc ác, tàn nhẫn của mình. Hắn chiếm đoạt cuộc đời trinh nữ của Nọi bằng bạo lực và bản năng dục tình, rồi lại lạnh lùng xua đuổi khi cô cần một sự cưu mang vì đã chót bị mang thai với hắn. Để thoả mãn dục vọng của mình, Đoác chiếm đoạt Thảnh rồi lại tìm cách giết Thảnh một cách nhẫn tâm không hề thương xót.
Đoác không chỉ bỉ ổi trong tình yêu mà còn “luôn ghen ghét, đố kị, hãm hại những người có tài hơn hắn”. Người đầu tiên Đoác tìm cách hãm hại là On. Chính Đoác đã đánh công văn báo cáo về trường Đại học Nông nghiệp nói rằng: On là tên chống đối hợp tác xã mà không thể đưa ra được một bằng chứng nào. Ngày ấy chuyện chống đối hay phá hoại hợp tác xã là chuyện tày đình, có thể đi tù như bỡn, khiến On không cắt được hộ khẩu lương thực, buộc phải thôi học.
Trở về địa phương, On lao vào làm việc, tranh thủ sớm tối làm vườn, trồng cây thí nghiệm, vừa để duy trì cuộc sống, vừa để thoả mãn khát vọng khoa học của mình. Nhưng cuộc sống với anh thật vô cùng khó khăn, vì trên mỗi chặng đường anh đi đều có bàn tay vùi dập của Đoác.
Phương châm sống của Đoác là: “có chí làm quan, có gan làm giặc” và “phải bình tĩnh để diệt trừ những tên chống đối ta. Ta phải thuần phục những con người này như những con trâu già đi những đường cày thẳng tắp theo ý chí điều khiển của ta mới được”. Với phương châm ấy, Đoác rắp tâm hãm hại ông Nhân là người “nhiều chữ nghĩa nhất”, làm việc công minh nên được tất cả mọi người nể trọng, quý mến. Nhìn những việc làm sai trái của Đoác, ông đã góp ý chân thành bằng tình họ hàng, rồi bằng tình đồng chí. Với bản chất thâm độc, Đoác không hề “nổi đoá” hay “sửng cồ” như mọi người nghĩ, mà ngược lại hắn nhận khuyết điểm và hứa sẽ sửa chữa. Sự ghìm mình của hắn trước mọi người không phải là
hắn đã nhận ra tội lỗi của mình mà là để hắn thực hiện một âm mưa khác, nham hiểm hơn, độc ác hơn. Hắn xin lỗi ông Nhân và làm một bữa cơm thật thịnh soạn, mời bằng được ông đến để “mong chú tha thứ” nhưng thực ra là để dàn dựng một vở kịch “hủ hoá”, đẩy ông Nhân vào tình huống cay đắng, nhục nhã. Còn Đoác thì sung sướng vì từ nay không còn ai dám chỉ trích, phê bình mình nữa.
Hại người để thăng quan tiến chức, bảo vệ địa vị của mình là việc làm thường xuyên trong suốt quãng đời làm quan của hắn. Từng nấc thang danh vọng của Đoác đều thấm đẫm máu và nước mắt của những người lương thiện. Giết Thảnh để giữ được chức phó giám đốc nông nghiệp tỉnh, nhưng vẫn chưa thoả mãn, hắn còn muốn leo lên nữa. Lợi dụng sự tin tưởng của ông chủ tịch huyện, hắn đã đem 3,5 ki lô gam thuốc phiện để vào tủ của ông, rồi bí mật báo công an tỉnh. Ông chủ tịch huyện bị bắt vì tội buôn thuốc phiện. Và chỉ sau mấy hôm, Đoác nhận được quyết định thay quyền chủ tịch huyện.
Thật là đê tiện ! Để thoả mãn dục vọng của mình, hắn còn ép gả con gái Lạ cho Tiềm để đổi lấy Lanh như đã giao kèo. Đoác nhốt con gái vào phòng mình rồi khoá cửa lại. Tiềm xuất hiện bất ngờ định hãm hiếp Lạ, may mà cô thoát ra được khiến cho nỗi căm thù của cô đối với người bố độc ác càng tăng lên. Tội ác cuối cùng của hắn là tự cầm súng bắn chết thằng Oác – con trai của mình và đó cũng chính là sự trừng phạt đích đáng nhất đối với hắn. Hắn sẽ còn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nếu không có ông Nghiệp, ông Nhân, Thảnh và cả Nọi, Lạ bất bình đã tố cáo tội ác của hắn. Diệt trừ cái ác đem lại cuộc sống bình yên cho dân làng. Đó không chỉ là nghĩa vụ của nhà văn mà là nghĩa vụ của tất cả mọi người.
Nhân vật Ba trong tiểu thuyết Người trong ống cũng là một nhân vật điển hình cho những con người có chức, có quyền nhưng bất tài, tráo trở, thủ đoạn, mưu mô, xảo quyệt. Ngay từ khi còn học phổ thông, bản chất của con người này dường như đã được bộc lộ. Ba đã biết “tập nói, tập cười để phù hợp với từng hạng người mà Ba tiếp xúc! Từ điệu cười, giọng nói Ba đều phân biệt. Đối với người giầu sang, kẻ nghèo hèn… Ba có giọng cười, điệu nói riêng, sắc mặt biến
đổi sinh động đến kì ảo…”. Học không giỏi, nhưng tham vọng của Ba rất lớn nên Ba đã dùng mọi thủ đoạn để lấy lòng thày, cô trong trường, đặc biệt là thày hiệu trưởng và trưởng ty giáo dục. Anh ta không ngần ngại ăn cắp số tiền bán lợn mẹ dành chữa bệnh để được tuyên dương. Khi Ba được tuyên dương thì cũng là lúc mẹ Ba chết vì bệnh nặng mà không có tiền bồi dưỡng sức khoẻ. Ba xảo quyệt và độc ác đến mức để tạo được tình thân với ông trưởng ty giáo dục, hắn đã bôi lông sâu độc vào đứa trẻ mới một tuổi - con trai của ông rồi lại ra tay cứu chữa để được mang ơn. Từ đó Ba thăng tiến một cách dễ dàng. Hắn vào thẳng lớp tám, rồi vào thẳng đại học cũng với những thủ đoạn độc ác này. Có điều những thủ đoạn của Ba càng ngày càng tinh vi hơn.
Để tạo tình thân với thày hiệu trưởng trường Đại học Y, Ba đã đốt bếp của thày, rồi lại xả thân nhảy vào lửa để cứu, “Ba ẩy con gái Hoàng đổ nhào xuống vực” rồi lại nhanh chóng “cứu được con gái Hoàng lên”. Với những công lớn ấy, Ba đã được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường đại học. Và cứ thế, ông Hoàng đưa Ba lên từng nấc thang địa vị mới, từ giảng viên trường đại học, lên giám đốc bệnh viện Lục Khê và cuối cùng là hiệu phó trường Đại học Y. Tham vọng về quyền lực của Ba đến đây dường như đã đạt được, nhưng lòng tham của anh ta là cái thùng không đáy. Những mưu mô xảo quyệt trong con người Ba vẫn đang thức dậy. Với âm mưu lật đổ ân nhân, cướp chức hiệu trưởng, anh ta lại tiếp tục lấy lòng của những ông trên Bộ và mong ông Hoàng mau chóng về hưu. Nhưng càng ngày ông Hoàng càng khoẻ mạnh ra. Không thể chờ được nữa, Ba đã thông đồng với Vui - một y tá xinh đẹp, tạo ra hiện trường giả “Vui hủ hoá với ông Hoàng”, rồi chính Ba lại báo bảo vệ đến bắt quả tang buộc ông phải kí vào biên bản. Nhân cơ hội ấy Ba đưa ra những lá thư của sinh viên phản bác về kết quả thí nghiệm của Hoàng.
Tráo trở, mưu mô, xảo quyệt, lật lọng, Ba đã làm tất cả để dành cho bằng được chức hiệu trưởng từ ân nhân của mình. Xây dựng nhân vật Ba, Vi Hồng như dồn cả niềm căm phẫn của mình lên đầu ngọn bút. Nhà văn đã tạo dựng nên một con người xấu xa, bỉ ổi đến hoàn hảo.
Với đồng nghiệp, Ba bất tài tráo trở đã đành, thậm chí cả với những người thân Ba cũng làm như vậy. Ba là một con quỷ háo sắc, ở đâu Ba cũng quan hệ bất chính, làm khổ biết bao nhiêu người con gái. Ở bệnh viện Lục khê, Ba đã chiếm đoạt Hoa dù biết Hoa là vợ anh thương binh Hánh. Cũng như Hoa, Ly, Vui và bao nhiêu cô gái khác đã trở thành nạn nhân đáng thương của tên yêu râu xanh đội lốt nhà khoa học này.
Căm uất trước việc làm của Ba, vợ Ba rình bắt quả tang cho bằng được. Chính vì vậy mà bà đã bị tai nạn đến gãy cả chân. Ba đóng vai người chồng yêu vợ đem về nhà chữa trị. Chẳng biết Ba chữa trị thế nào mà vợ anh ta chết một cách nhanh chóng. Vợ chết anh ta khóc sưng húp cả mắt, “gầy rộc cả người đi”. Nhưng chỉ sau vài hôm, Ba đã có tình yêu say đắm với cô gái khác. Lần này, Ba gặp gỡ và yêu Slam – một cô gái mới học hết phổ thông trung học, Ba dùng đủ mọi cách để cưới Slam cho bằng được mà không biết đó là con gái của mình. Đó phải chăng chính là sự trừng phạt đích đáng nhất đối với một con người mất hết nhân tính như Ba.
Ba còn độc ác và tàn nhẫn khi cố tình hại anh thương binh Hánh bằng cách bó bột nhưng lại sắp xếp bàn chân quay trở vào, “ngón chân cái bên phải của Hánh chỉ vào đúng mắt cá chân trái của mình. Đi không được, chống nạng cũng phải lê từng bước”. Chưa hết, Ba còn gán cho Hánh một thứ bệnh nguy hiểm mà cả vùng Lục Khê chưa ai được nghe nói tới đó là bệnh “Si đa”. Không phương cứu chữa, và thế là Hánh bị nhốt trong cái nhà xác bỏ hoang mấy năm trời, không tắm giặt, không rửa mặt, không nhìn thấy ánh sáng. Hánh sẽ bị Ba giết chết nếu không có Ly và chị tạp vụ chăm lo cơm nước, không có bác sĩ Tú cứu ra khỏi cái nhà xác ấy. Hánh sẽ chết trong khát vọng được giải phóng, chết trong sự đau đớn về thể xác lẫn tâm hồn. Thật là khủng khiếp, chỉ vì một người con gái, Ba nỡ hãm hại một con người vô tội.
Vốn căm ghét vô cùng những kẻ hại đời, hại người, Vi Hồng đã phanh phui tất cả bản chất xấu xa, đê tiện, độc ác của những người có quyền, có chức nhưng bất tài, tráo trở.
Đọc tiểu thuyết Gã ngược đời, người đọc cũng không thể quên được vị giáo sư tiến sĩ Nông Ích Hỷ. Đối với Hỷ, tiền tài, danh vọng là cái gốc của cuộc sống. Có được tiền tài và địa vị là có tất cả, kể cả tình yêu và sắc đẹp. Bởi thế hắn đã làm tất cả để đạt được khát vọng này. Hắn lừa gạt tình yêu của Di – một người con gái trong trắng, giầu ước mơ, khát vọng chỉ vì Di là con gái của chủ tịch tỉnh. Nhờ chủ tịch tỉnh mà hắn đã moi được nhiều hàng hoá nội bộ, đặc biệt là có được những “ giấy tờ điều động cần thiết” do đó hắn có đủ bằng chứng để cướp công trình nghiên cứu khoa học của Quản ở Khau Moóc. Có được lầu cao, ti vi, tủ lạnh, được phong chức vụ tiến sĩ khoa học mà hắn không dịch nổi một tài liệu nước ngoài. Bất tài như vậy, nhưng chỉ trong ba năm hắn đã leo từ chức tổ trưởng chuyên môn lên chủ nhiệm khoa, thậm chí lên đến chức phó hiệu trưởng. Nhưng chưa đủ, hắn còn muốn làm hiệu trưởng. Để có được chức vụ ấy hắn đã dùng thủ đoạn hết sức đê tiện. Hắn đem băng ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện giữa hiệu trưởng Đương và Đường – người con trai bị bỏ rơi - để tố cáo Đương. Hỷ quả là người mưu ma chước quỷ, lừa thày phản bạn.
Bên cạnh nhân vật Hỷ, hiệu trưởng Đương cũng là người bỉ ổi, độc ác, vô nhân tính không kém. Hắn dốt nát, không có khả năng làm khoa học nên ghen ghét đố kị với những người tài giỏi hơn mình. Hắn tìm đủ mọi cách vùi dập, hãm hại tài năng của họ, Hà Thế Quản chính là nạn nhân của thói ích kỉ, hẹp hòi ấy. Khi anh đề xuất đề tài nghiên cứu trên đỉnh Khau Moóc, với quyền hiệu trưởng, Đương gạt phắt đi với lí do là “Đề tài không tưởng”. Nhưng qua khảo sát, Quản khẳng định nhất định thành công thì hắn gây khó khăn cho Quản về khoản kinh phí đề tài. Hắn chi tiền nghiên cứu khoa học cho Quản như người ta bố thí, tính từng xu, từng hào trong khi hắn sẵn sằng bỏ ra hàng trăm nghìn, hàng triệu đồng để ăn uống liên hoan lấy lòng quan khách và cấp trên. Cùng với quyền hiệu trưởng hắn đề ra cái luật “cấm yêu đương” kì quặc. Tình yêu là tình cảm đẹp nhất trên đời thì hắn lại cho là “độc hại, tội lỗi”. Hắn cấm không cho trai gái được tâm sự giữa ban ngày, ban mặt, giữa phòng riêng, buộc họ muốn tìm hiểu nhau phải đi vào bóng tối, bụi rậm để rồi đêm đêm hắn lại xách đèn bão rình mò, tìm kiếm ở chỗ tối. Hắn phê bình, kỉ luật những ai dám yêu đương, đuổi học những sinh viên phạm luật, trong khi hắn lại chơi bời sa đoạ, thay người yêu như thay áo, phá tan