người tiêu dùng trên thị trường. Hoạt động của doanh nghiệp khởi sắc cũng giúp giảm bớt tình hình thất nghiệp nghiêm trọng trước đó, làm nhẹ bớt áp lực đảm bảo an sinh xã hội của chi tiêu công. Rõ ràng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của chi tiêu công với khu vực tư nhân trong những bối cảnh như thế này.
Một số hạn chế của chi tiêu công lên đầu tư tư nhân
Ở chiều ngược lại, khu vực công vẫn có lúc lấn át khu vực tư nhân. Trong nhiều trường hợp, nguồn vốn từ khu vực nhà nước, được đảm bảo chủ yếu bằng ngân sách, đã chèn lấn cơ hội đầu tư của các khu vực tư nhân thông qua rào cản đối với việc tiếp cận cơ hội đầu tư. Cũng liên quan đến đường sắt - một bộ phận của cơ sở hạ tầng, một trong các điểm nghẽn của ngành này là vốn đầu tư. Được coi như xương sống của hệ thống vận tải nhưng kết cấu hạ tầng đường sắt rất lạc hậu, tốc độ di chuyển chậm, chất lượng thiết bị và dịch vụ kém, mức độ bảo trì cũng không cao. Mỗi năm NSNN cấp hơn 2000 tỷ đồng nhằm bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu vốn thực tế (Quang Toàn, 2019). Trong đó, chỉ còn ¼ của con số 2000 tỷ đồng là chi phí vật tư cho việc bảo trì, duy tu sửa chữa hệ thống đường ray, đường ngang, nhà ga, thông tin tín hiệu… Nhiều khoản sửa chữa lớn hoặc sửa chữa khẩn cấp cũng được trích từ số vốn này. Khoản chi ngân sách đã khiêm tốn lại còn bị chia sẻ cho nhiều hoạt động khác nhau nên chất lượng đường sắt không được cải thiện nhiều cũng là điều dễ xảy ra. Về mặt lý thuyết, hạ tầng đường sắt là hàng hóa có tính độc quyền tự nhiên thì nhà nước nên đầu tư; còn hoạt động vận tải thì có thể mở rộng cửa cho các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, chức năng quản lý nhà nước (của Bộ Giao thông Vận tải) và hoạt động quản lý kinh doanh (của Tổng công ty Đường sắt) còn chồng chéo; cũng như chưa có sự tách bạch giữa vai trò đại diện của chủ sở hữu đối với tài sản (mà Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý) với hoạt động khai thác tài sản của Tổng công ty. Tài sản ở đây là kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư xây dựng. Chính vì sự thiếu rõ ràng này mà Tổng công ty Đường sắt thực hiện cả nhiệm vụ quản lý, sử dụng, khai thác, kinh doanh; trong khi khu vực tư lại thiếu cơ hội tiếp cận hoạt động này.
Thật ra, không hẳn ngành đường sắt chưa mở cửa; nhưng độ mở còn khá hạn chế. Từ cuối năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai mời gọi vốn đầu tư cho 17 dự án thuộc Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt”; gồm 13 dự án trên mạng lưới đường sắt cũ, 4 dự án xây dựng mới 9. Tuy nhiên, đến nay, số dự
9 Được trình bày ở Phụ lục 5
Có thể bạn quan tâm!
- Kết Quả Đối Chiếu Giữa Giả Thuyết Và Kết Quả Hồi Quy
- Tốc Độ Tăng Của Chi Thường Xuyên Và Chi Đầu Tư Phát Triển
- Tác Động Của Chi Tiêu Công Đến Đầu Tư Tư Nhân Ở Việt Nam
- Tác động của chi tiêu công đến đầu tư tư nhân – Nghiên cứu ở một số nền kinh tế châu Á và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - 15
- Afonso A., And Miguel S.a. (2008), Macroeconomic Rates Of Return Of Public And Private Investment: Crowding‐In And Crowding‐Out Effects, European Central Bank (Ecb) Working Paper Series, No.
- Nakao, T. (2020), ‘The Asia And Pacific Region: Development Achievements, Challenges And The Role Of The Adb’, Asian‐Pacific Economic Literature, 34(1), 3-11.
Xem toàn bộ 167 trang tài liệu này.
án được hiện thực hóa là rất ít. Đến năm 2016 chỉ có dự án Trung tâm Logistics đường sắt tại ga Yên Viên (Hà Nội) đầu tư bởi công ty cổ phần Giao nhận và vận chuyển IndoTrần (ITL, trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh); thực hiện theo hình thức cho thuê có điều kiện. Trước đó, công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã đề xuất đầu tư tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84km với tổng mức vốn khoảng 17,2 nghìn tỷ đồng theo hình thức PPP (Nguyễn Việt, 2019). Đến giữa năm 2017, hoạt động đầu tư cải tạo, quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát (dài 7km, thuộc tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt) và cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP đã được đồng ý về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt lại nằm trong lộ trình 2020-2030, theo bản Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó 2 năm, vào ngày 24/8/2015. Bản Quy hoạch này là rất quan trọng bởi theo Điều 7 Luật Đường sắt (được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2017), Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt là cơ sở định hướng đầu tư, phát triển, khai thác mạng lưới đường sắt. Hơn nữa, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt cũng chưa được lập. Nói một cách khác, công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng chắc chắn không được phê duyệt dự án vì chưa nằm trong quy hoạch. Trong tình huống này, nếu cơ quan quản lý có sự bao quát hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật thì nhà đầu tư sẽ không tốn nhiều thời gian chờ đợi câu trả lời như vậy. Hoặc nhìn phía ngược lại, nếu nhà đầu tư tư nhân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, tiếp cận các quy hoạch hơn thì sẽ không tốn chi phí để xây dựng một bộ hồ sơ đầu tư ở thời điểm ban đầu.
Tóm lại, riêng trong lĩnh vực đường sắt, khu vực tư thiếu quan tâm vì nhiều lý do khác nhau. Ngoài cản trở có liên quan đến chi phí đầu tư và thời gian thu hồi vốn; nguyên nhân còn nằm ở việc mở cửa của ngành đường sắt còn khá thụ động, thể hiện qua việc hành lang pháp lý chưa đầy đủ và rõ ràng, các hình thức kêu gọi xã hội hóa chưa linh hoạt. Cuối cùng, hoạt động đầu tư vẫn thuộc về doanh nghiệp nhà nước hiện tại, với đồng vốn hỗ trợ đến từ NSNN. Nói một cách khác, chi tiêu công đã lấn át cơ hội đầu tư và cơ hội tiếp cận thông tin của tư nhân.
Nhìn rộng ra, nhà đầu tư tư nhân đôi khi không chỉ bị lấn át về cơ hội tiếp cận thông tin mà còn về thể chế và các nguồn lực đầu vào - vốn là những yếu tố có thể tạo nên ưu thế cho doanh nghiệp. Trên thực tế, cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng thường bớt khó khăn hơn với khu vực nhà nước, kể cả với doanh nghiệp
có mối quan hệ thân hữu với các cơ quan nhà nước. Đất đai, mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là yếu tố ưu đãi khi có những doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước được cấp đất hoặc cho thuê với mức giá rẻ. Thêm vào đó, các doanh nghiệp này thường dễ tiếp cận thông tin từ phía nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các thông tin liên quan đến quy hoạch đất đai hơn các khu vực còn lại. Điều này cũng khiến 44% doanh nghiệp tư nhân đã phải bỏ qua những cơ hội kinh doanh trên thương trường 10.
Cao nhất Thấp nhất
Nếu bị thu hồi đất, DN sẽ được bồi thường thỏa đáng (% luôn luôn/nhiều khả năng)
87%
58%
Việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng(%)
44%
18%
Giải phóng mặt bằng chậm (%)
46%
18%
Khó khăn về thiếu quỹ đất sạch(%)
32%
2%
DN không gặp cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh (%)
39%
6%
CSTP 2: Tiếp cận đất đai
45%
12%
Hình 4.23. Khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp - PCI 2017
Nguồn: VCCI (2017)
Thống kê từ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - Provincial Competitiveness Index) năm 2017 (hình 4.23) cho thấy, có đến gần ½ số doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn do giải phóng mặt bằng chậm và không được tiếp cận thông tin về đất đai một cách thuận lợi, nhanh chóng. Việc thiếu quỹ đất sạch khiến nhiều dự án đầu tư muốn thực hiện thì phải giải phóng mặt bằng, điều này lại liên quan đến công tác đền bù giải tỏa và thường ít khi tiến hành đúng thời gian dự kiến. Mặt bằng chậm được bàn giao khiến hoạt động đầu tư bị kéo dài, tiến độ bị giãn ra, chi phí sản xuất kinh doanh tăng lên, gây nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư. Do vậy, không chỉ gặp phải vướng
10 Con số này được trích từ Bộ Chỉ số niềm tin doanh nhân (CEO.CI) 2017, được tiến hành điều tra trực tuyến với 245 Giám đốc điều hành các doanh nghiệp (Tiến Dũng, 2017).
mắc do thiếu quỹ đất sạch mà còn có hơn 60% số doanh nghiệp gặp khó khăn nếu muốn mở rộng mặt bằng kinh doanh. Đây vốn là yếu điểm lớn đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là với các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, câu chuyện về tính hiệu quả; tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn công cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Tính hiệu quả của các khoản chi có thể được xem xét thông qua việc sử dụng vốn công của khu vực kinh tế nhà nước. Thành phần kinh tế này chiếm khoảng 38% GDP của nền kinh tế và và 35,65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng tính hiệu quả của mỗi đồng vốn còn khá thấp, thể hiện qua hệ số ICOR - được dùng để xem xét số lượng vốn đầu tư cần để tạo ra một đồng giá trị GDP tăng thêm của nền kinh tế. Kết quả cho thấy, khu vực Nhà nước vẫn cần nhiều vốn đầu tư để có thêm một đơn vị sản lượng: từ 6,94 đồng giai đoạn 2000-2005 rồi tăng lên 9,68 đồng giai đoạn 2006-2010. Mỗi đồng vốn công cũng chỉ tạo ra được 3 đồng GDP (năm 2017), thấp hơn khu vực tư nhân với mức 3,31. Các con số này càng khẳng định thêm sự thiếu hiệu quả trong hoạt động đầu tư công và điều đó đã được chứng minh bằng rất nhiều công trình thực tế. Song nói một cách công bằng, một phần nguồn vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước nhằm hướng đến việc cung ứng các hàng hóa dịch vụ công cộng, tạo dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng, đặc biệt là các địa phương có điều kiện khó khăn… Hoạt động đầu tư như vậy chủ yếu tác động về khía cạnh xã hội, chứ lợi ích kinh tế trực tiếp thu về hầu như không đáng kể.
Đồng thời, tình trạng tham nhũng, thất thoát vốn cũng là một hạn chế rất lớn của chi tiêu công. Nhiều đại án tham nhũng đã được đưa ra xử lý như Vinashin Lines, PVC, Vinawaco… 11. Ngoài ra, việc kéo dài tiến độ, sử dụng không hiệu quả ở nhiều công trình sử dụng vốn công, đặc biệt là các công trình hạ tầng khiến vốn thực tế bị đội lên nhiều so với vốn dự toán, gây tốn kém cho ngân sách. Nhiều nhà thầu yếu kém về năng lực thực hiện, đặc biệt là trong các dự án BOT giao thông, khiến công trình bị điều chỉnh nhiều lần, vừa tăng chi phí, vừa ảnh hưởng đến uy tín của dự án. Chất lượng công trình thấp cũng là yếu tố không khó để bắt gặp, thậm chí chưa nghiệm thu hoặc mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng… Không những vậy, mặt tiêu cực còn thể hiện ở những ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội do các dự án bị kéo dài; mà các ảnh hưởng này khó lượng hóa được nên chưa thể tính toán chi tiết sự tác động đến tăng trưởng kinh tế.
11 Được trình bày ở Phụ lục 6.
Như vậy, việc phải tiêu tốn khá nhiều vốn công do thiếu hiệu quả, lãng phí, tham nhũng đã khiến nguồn vốn bị hao hụt, ảnh hưởng tới lượng vốn cần thiết nhằm trang trải cho các nhu cầu khác nhau của nền kinh tế, trong đó có việc đầu tư vào các lĩnh vực hỗ trợ cho khu vực tư. Nhìn ở khía cạnh ngược lại, nếu khu vực tư có cơ hội tiếp cận một số dự án mà khu vực công đã thực hiện kém hiệu quả, lãng phí, có thể kết quả mà khu vực tư mang lại sẽ tốt hơn.
Những sự lấn át này đã bóp méo thị trường, khiến thị trường không thực hiện tốt chức năng phân bổ, điều tiết nguồn lực sản xuất vào nơi sử dụng hiệu quả. Nhà đầu tư tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình cung ứng vốn vào nền kinh tế. Nhưng khi đứng trên bình diện tổng quát, nguồn vốn công vẫn đã hoàn thành vai trò của nó là tạo dựng nền tảng kết cấu hạ tầng ban đầu cho hoạt động đầu tư. Những tác động bổ trợ này lớn hơn nhiều so với tác động lấn át, nên nhìn chung chi tiêu công và đầu tư tư nhân có xu hướng biến đổi cùng chiều với nhau.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4
Trong chương 4, tác giả tiến hành phân tích định lượng mô hình hồi quy đã được thiết kế ở chương 3. Ngoài phương pháp 3SLS, tác giả thực hiện thêm phương pháp 2SLS cho hệ phương trình và OLS cho từng phương trình. Kết quả hồi quy bằng cả 3 phương pháp cho thấy sự thống nhất cao khi các biến số chính trong mô hình đều có cùng diễn biến và ý nghĩa thống kê. Theo đó, giữa chi tiêu công với đầu tư tư nhân tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Nói một cách khác, chi tiêu công có tác động bổ trợ cho nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Cả khâu lựa chọn mẫu đại diện, các biến số đặc trưng đến quá trình phân tích này đều thể hiện nhiều nét giống nhau giữa Việt Nam và mặt bằng chung của các nước châu Á còn lại. Đối chiếu trường hợp Việt Nam với tổng thể mẫu nghiên cứu bằng cách sử dụng biến tương tác, kết quả hồi quy phản ánh xu hướng tác động của chi tiêu công ở Việt Nam cũng tương tự ở nhóm 14 nước trong mẫu. Do vậy, kết luận chung của khu vực châu Á có thể áp dụng cho trường hợp Việt Nam. Nhưng để làm rõ hơn kết quả nghiên cứu để có thể đưa ra hàm ý chính sách cho riêng Việt Nam, tác giả đã tiến hành phân tích cụ thể tình hình Việt Nam.
Trước hết, tác giả xem xét tình hình chi tiêu công và đầu tư tư nhân trong 18 năm từ 2000 đến 2017; trong đó nhấn mạnh hơn đặc điểm của những năm gần đây. Những phân tích này sẽ làm cơ sở để đưa ra những hàm ý chính sách ở chương sau. Chi tiết hơn, một số thống kê trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng được đưa ra làm bằng chứng cho những ảnh hưởng tích cực đến đầu tư tư nhân. Với đặc điểm của một nước đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn nhưng nguồn tài trợ còn hạn chế, thì lĩnh vực này đã thể hiện khá rõ nét vai trò của nguồn lực công. Nguồn tài chính từ nhà nước đã tạo dựng nền tảng kết cấu hạ tầng, giúp doanh nghiệp có điều kiện sản xuất kinh doanh ban đầu thuận lợi, từ đó thu hút vốn đầu tư. Do đó dù có một số tiêu cực nhưng nhìn chung, tác động bổ trợ vẫn lớn hơn tác động lấn át. Thực tế, trong quá trình hoạt động, vẫn có nhiều trục trặc liên quan đến chi tiêu công, đặc biệt là chất lượng chi. Thế nhưng, dù gì đi nữa, chi tiêu công vẫn là yếu tố đem lại sự gia tăng trong đầu tư tư nhân ở Việt Nam.
Ngoài ra, vì phần phân tích về Việt Nam chủ yếu tập trung trong mảng chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi thường xuyên, nên hàm ý chính sách đưa ra ở chương 5 sẽ xoay quanh các vấn đề này. Theo tác giả, nghiên cứu này sẽ tốt hơn nếu đánh giá trên diện rộng về từng loại hình chi tiêu công trong sự ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân; lúc đó nhận xét về tác động bổ trợ của chi tiêu công sẽ đầy đủ và chính xác hơn; giải pháp đưa ra cũng toàn diện hơn.
CHƯƠNG 5
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM
5.1. Kết luận chung về tác động của chi tiêu công đến đầu tư tư nhân
Nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của chi tiêu công đối với khu vực tư nhân trong một nền kinh tế. Về mặt lý thuyết, hầu hết các nhà kinh tế học đều thừa nhận sự đóng góp của khu vực công trong hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân. Ảnh hưởng đó có thể là ngược chiều (hiệu ứng lấn át) hoặc cùng chiều (bổ trợ đầu tư). Về kết quả thực nghiệm, các tác động trên được thể hiện khá đa dạng cả về đối tượng, phạm vi, phương pháp nghiên cứu… lẫn kết quả nghiên cứu. Do vậy, cho đến nay, kết luận cuối cùng dành cho mối quan hệ giữa chi tiêu công với đầu tư tư nhân vẫn rất đa dạng.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu này đã xây dựng hệ phương trình đồng thời để phản ánh mối quan hệ trên. Nghĩa là, chi tiêu công có thể có ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân; trong quá trình đó, chi tiêu công cũng chịu sự chi phối của nhiều nhân tố khác. Mô hình hồi quy 3 giai đoạn (3SLS) được sử dụng để phân tích hệ phương trình trên. Dữ liệu nghiên cứu là 14 nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khu vực châu Á trong giai đoạn 2000-2018. Đây là nhóm nước có nhiều đặc điểm chung về trình độ phát triển kinh tế, đặc điểm dân số, xã hội… Kết quả hồi quy đã chứng minh không tồn tại hiệu ứng lấn át đầu tư. Trái lại, chi tiêu công có tác dụng bổ trợ cho đầu tư tư nhân ở mức tin cậy rất cao đến 99%. Một số phân tích định tính cho các nước châu Á đã thể hiện nét tương đồng giữa Việt Nam và xu hướng chung của 14 nước trong mẫu quan sát. Do vậy, kết luận chung của khu vực châu Á bước đầu có thể áp dụng cho trường hợp Việt Nam.
Phân tích chi tiết đối với trường hợp Việt Nam, mối quan hệ này cũng diễn ra tương tự. Một mặt, sử dụng mô hình hồi quy với biến tương tác cho Việt Nam, kết quả cho thấy chi tiêu công có tác động tích cực đến cả đầu tư tư nhân. Mặt khác, phân tích định tính số liệu thống kê một số hoạt động và ảnh hưởng của chi tiêu công tại Việt Nam cũng thể hiện nhận định như trên. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, các khoản chi ngân sách là nguồn lực đầu tiên, cơ bản để tạo dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho nền kinh tế. Hạ tầng thông thoáng, thuận lợi là một điểm nhấn trong môi trường kinh doanh, tạo điều kiện mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư về các địa phương. Bên cạnh đó, từ những nền tảng ban đầu, các nhà đầu tư tư nhân cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng hạ tầng. Nói một cách khác, bản thân hạ tầng không chỉ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một lĩnh vực đầu tư được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Hơn nữa, hạ tầng đảm bảo sẽ giúp giao thương trở nên dễ dàng hơn, góp phần hình thành hoạt động logistics và thúc đẩy
phát triển kinh tế. Như vậy, việc nhà nước chi đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng là điều hoàn toàn có ích với khu vực tư nhân và cả nền kinh tế. Ngoài ra, hoạt động tài khóa trong một số giai đoạn của Việt Nam cũng góp phần hỗ trợ khu vực tư nhân nói riêng và nền kinh tế nói chung bước ra khỏi bất ổn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trong một số trường hợp, chi tiêu công vẫn bộc lộ những điểm yếu của mình. Những trục trặc liên quan đến quy mô, cơ cấu chi tiêu, tính minh bạch, tính hiệu quả… thường xuyên được nhắc đến khi đề cập chi tiêu công, có lúc gây hạn chế cho đầu tư tư nhân.
Thứ nhất, quy mô chi tiêu công mất cân đối so với thu khiến cán cân ngân sách dễ bị tổn thương, nợ công tăng cao, mất an toàn tài khóa. Dù từ năm 2016, tỷ lệ nợ công so với GDP đã giảm xuống, nhưng rủi ro thì vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn. Thêm vào đó, Việt Nam đã đến giai đoạn phải trả nhiều khoản nợ vay, càng gây áp lực nhiều hơn lên các khoản chi.
Thứ hai, cơ cấu chi tiêu bất hợp lý. Hoạt động chi tiêu công nặng về chi thường xuyên trong khi chi đầu tư phát triển lại chưa được đảm bảo đúng mức để có thể phát huy vai trò của nó.
Về phía chi thường xuyên, tổng quỹ lương mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong chi ngân sách nhưng chính sách tiền lương chưa thật sự hữu hiệu. Thiết kế hệ thống thang bảng lương chưa phù hợp với nội dung vị trí việc làm đảm nhận, còn mang tính bình quân, chưa tạo ra động lực để người lao động nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc, chưa phát huy được năng lực và giữ chân người tài. NSNN phải “nuôi” một bộ máy quản lý cồng kềnh, năng suất làm việc không cao. Việc tinh gọn bộ máy đang được cố gắng thực hiện; nhưng việc quan trọng hơn là đánh giá chất lượng công việc thì lại chưa có khung thống nhất. Có nơi chỉ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo thang bậc A, B, C, D; có nơi đánh giá theo bảng chấm điểm; có nơi chỉ nhận xét trực quan. Không những thế, một số tổ chức, hiệp hội - vốn được hỗ trợ từ NSNN - lại đang diễn ra quá trình nhà nước hóa, hành chính hóa; nghĩa là cũng trở nên cồng kềnh, lớn mạnh về bộ máy nhưng hệ thống tổ chức lại chưa linh hoạt.
Trong khi đó, chi đầu tư phát triển, tuy thiếu về vốn nhưng lại thừa về những công trình mang tính phô trương, đầu tư theo phong trào của nhiều địa phương. Trong khi đó, ở địa phương, tình trạng nợ đọng còn tồn tại ở khá nhiều địa phương, một phần do chính vấn đề đầu tư tràn lan như trên. Ngoài ra, những sai sót trong trình tự phê duyệt dự án đầu tư, xác định các yếu tố kỹ thuật - tài chính của dự án, lựa chọn nhà thầu, giám sát thi công… cũng gây ra và làm trầm trọng hơn vấn đề này. Trong một số lĩnh vực cụ