Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 5


thuyết gia lực lưỡng: Chu Lai viết đến 11 tiểu thuyết (tính đến năm 2004) , Lê Lựu viết 7 tiểu thuyết, Ma Văn Kháng được gọi là “nhà tiểu thuyết lực lưỡng” với 8 cuốn tiểu thuyết, trong đó có những cái tên hết sức quen thuộc: Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ,… Bên cạnh đó là những tiểu thuyết tạo “mắt bão”: Đất trắng – Nguyễn Trọng Oánh, Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai, Cù lao tràm – Nguyễn Mạnh Tuấn, Sóng lừng – Triệu Xuân, Những mảnh đời đen trắng – Nguyễn Quang Lập,...

Trong tính chất tiên phong của mình, phóng sự thể hiện vai trò kép: phóng sự vừa là thể loại mở đường, thể loại "tiếp sức" đồng thời phóng sự cũng thâm nhập vào tiểu thuyết, tạo nên một tố chất mới trong tiểu thuyết đương đại. Trần Thị Trâm trong bài viết Báo chí và cuộc hành trình văn học đã khẳng định về vai trò thứ nhất của phóng sự: "Có thể nói báo chí là nguồn động lực quan trọng, là cú hích cho công cuộc đổi mới văn học" [214]. Với logic quanh co nằm sâu trong tương tác thể loại, Nguyên Ngọc nói đến vai trò của phóng sự trong việc: thực sự đem đến cái nhìn ấm nóng cho nhà văn trước thực tại. Chính phóng sự, như duyên nợ, một lần nữa đã tạo điều kiện cho các nhà văn xuôi dò tìm ra, trui rèn nên ngôn ngữ nghệ thuật mới của mình. Phóng sự đã thức tỉnh một cách nhìn mạnh dạn và thẳng thắn, một thái độ dấn thân, nhập cuộc; phóng sự đã cung cấp những mảng tư liệu, chất liệu sống cho tiểu thuyết.

Tiểu thuyết và phóng sự văn học thường có duyên với nhau là điều dễ hiểu bởi những quan hệ gần gũi từ bên trong bản chất thể loại. Nôen Duytore cho rằng: phóng sự văn học là thể loại trung gian giữa tiểu thuyết và phóng sự báo chí. Cùng với hiện thực bề bộn, phức tạp, đa chiều của cuộc sống sau chiến tranh là tính chất mở, tính chất tự do gần như vô tận của tiểu thuyết, đã làm cho phóng sự vốn đã phát triển đến độ chín trước đó, thâm nhập mạnh mẽ vào trong cấu trúc của tiểu thuyết. Quan điểm nhìn thẳng, nói thật của Đại hội VI có tính chất mở đường, chất phóng sự trong tiểu thuyết mới chính là biểu hiện sinh động cho bước cách tân về cách nhìn của văn học trước cuộc sống mới. Dễ dàng nhận thấy những tiểu thuyết vừa kể


ở trên hầu hết là những tiểu thuyết phóng sự. Sự tương tác giữa phóng sự và tiểu thuyết Việt Nam trong chặng đường đầu của giai đoạn này là hình mẫu của kiểu tương tác tổng hợp thể loại: phóng sự và tiểu thuyết hoà quyện một cách rất khó phân tách trong cấu trúc tác phẩm. Ở đây cũng cần nói thêm rằng, hiện tượng này xảy ra phổ biến hơn trong những năm đầu, khi tiểu thuyết vừa mới khởi động. Sau đó, khi tính chất giao thời lắng xuống, quá trình tương tác tiếp diễn theo hình thức "đổi ngôi": chất phóng sự ngày càng nhạt dần nhường chỗ cho những yếu tố thể loại khác trong đặc tính mềm dẻo, rộng mở bất tận của tiểu thuyết.

Đọc những tiểu thuyết trong chặng đường đầu chúng ta dễ dàng nhận thấy sự ngồn ngộn của bao vấn đề bỏng rát, bức bách của cuộc sống. Xét trong mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, độc giả sẽ thấy văn học gần với cuộc sống hơn, khoảng cách giữa văn học và cuộc sống thực tại được rút ngắn hơn bao giờ hết; tốc độ, thời gian để những vấn đề hiện thực tươi rói, nóng bỏng đi vào văn học cũng nhanh chóng hơn.

Quả thực như vậy, chất phóng sự trong tiểu thuyết trước hết thể hiện ở sự đối thoại một cách trực diện trước cuộc sống hiện tại, ở tính thời sự ấm nóng, ở tính phản biện gay gắt của văn học với cuộc sống. Nhiều nhà tiểu thuyết chọn cho tác phẩm của mình bức tranh hiện thực đương thời với góc nhìn hiện tại.

Cái tôi sắc bén và tinh nhạy trước những mảng hiện thực cuộc sống đương thời bộc lộ rất rò qua nhiều tác phẩm. Nguyễn Khải vốn có sở trường ở khía cạnh này, nay được dịp khơi sâu thêm. Sau Nguyễn Khải, chất thời sự cuộc sống ngày càng đậm đặc trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Mai Ngữ, Đoàn Lê, Lại Văn Long,… Chất phóng sự nằm ngay trong mảnh đất sở trường của Nguyễn Khải - "Cái hôm nay": "Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ, mới thật là một mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai phá" [178]. Với mảnh đất sở trường ấy, Nguyễn Khải dùng mũi nhọn tiểu thuyết để nhập cuộc, tham dự


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

vào nhiều chủ đề vốn hết sức "nhạy cảm", hóc búa, gai góc của cuộc sống bấy giờ. Đó là chủ đề tôn giáo trong các tiểu thuyết: Thời gian của người, Điều tra về một cái chết. Đó còn là sự va chạm giữa tư tưởng cũ và tư tưởng mới - một vấn đề hết sức phức tạp trong giai đoạn giao thời những năm hậu chiến: Gặp gỡ cuối năm, Một còi nhân gian bé tí… Đọc tiểu thuyết Nguyễn Khải, có khi ta bắt gặp mô hình một phóng sự điều tra, đúng như nhan đề của cuốn tiểu thuyết - Điều tra về một cái chết; ở nhiều tiểu thuyết khác, ta bắt gặp những mô hình phóng sự chiến tranh: Vòng sóng đến vô cùng, Thời gian của người, Một còi nhân gian bé tí; phóng sự xã hội: Gặp gỡ cuối năm, Điều tra về một cái chết, Vòng sóng đến vô cùng, Thượng đế thì cười,…

Cũng như trong truyện ngắn, cái tôi chủ quan với chất giọng triết lí, tranh biện của tác giả không hề có ý định giấu giếm sau bức màn hư cấu của tiểu thuyết, ngược lại công khai xuất hiện, "xuất hiện lồ lộ" trong tác phẩm. Trong tiểu thuyết Nguyễn Khải, cái tôi tác giả trực tiếp triết lí, công khai tranh luận, trực diện bộc lộ chính kiến, quan điểm của mình trước những vấn đề gai góc, nóng bỏng của thời cuộc. Trong Thời gian của người, tác giả không trần thuật ở ngôi thứ ba mà xuất hiện trong tác phẩm bằng nhân vật xưng "tôi". Cái tôi ấy “làm nhiệm vụ hỏi, nghe, ghi, khi cần thì giải thích, đôi khi cũng cao đàm khoát luận nhưng lại tự giễu mình ngay sau đó. Giọng kể của nhà văn dễ dàng, thông thoáng như đối mặt mà trò chuyện” [233]. Thời gian của người là câu chuyện của bốn người bạn, họ gặp nhau để cùng nhìn lại một quãng đời của mình. Chừng ấy con người nhưng với tầm hiểu biết sâu, rộng, cặn kẽ về nhiều vấn đề, tác giả đã dẫn ta tản mạn vào những lĩnh vực khác nhau: khi thì thần học, khi thì về những con người anh dũng của dân tộc; khi lại làm một phóng sự điều tra, theo chân anh tình báo tầm cỡ len lỏi vào những mưu đồ tối mật của các vị có máu mặt trong chế độ Mỹ -Thiệu. Có điều, đôi khi ta cứ ngỡ ngòi bút ấy quá lan man, sa đà nhưng thật thú vị khi cuối cùng tất cả châu tuần vào một âm hưởng chủ đạo: sự khẳng định quá khứ, qua đó cũng chính là khẳng định ngày hôm nay.

Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 5


Phóng sự cũng phản ánh những bức chân dung đẹp của cuộc sống, cũng nêu gương "người tốt việc tốt" nhưng là thể loại thấm đẫm chất hiện thực nên mũi nhọn của phóng sự là đi vào những điểm nóng để phát hiện, để phê phán, để rung hồi chuông cảnh tỉnh. Bước vào thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Tạ Duy Anh là bước vào một thế giới với bao tăm tối, ngột ngạt, bao góc khuất cần phải được soi sáng. Có thể thấy, màu đen là phông nền, là gam màu chủ đạo trong tiểu thuyết của nhà văn "luôn làm bạn đọc giật mình và suy ngẫm bởi những vấn đề gai góc của xã hội hiện đại này" [301]. Trả lời phỏng vấn báo chí, Tạ Duy Anh trực tiếp phát ngôn về luận điểm này: "Tôi là người thích đi mấp mé bên bờ vực của cái ác và cái thiện với hi vọng có thể soi rọi vào nó ở những phần khuất lấp ít người chạm tới" (Thiên thần sám hối - phần dư luận) [6, tr159]. Ngay nhan đề những cuốn tiểu thuyết của ông đã bao hàm xu hướng phản biện gay gắt trước những vấn nạn, những câu hỏi bức bối của cuộc sống hôm nay: Lão Khổ, Thiên thần sám hối, Giã biệt bóng tối, Đi tìm nhân vật, Sinh ra để chết

Lão Khổ hướng đến mổ xẻ một vết thương vẫn không thôi nhức nhối: vấn đề cải cách ruộng đất và những mối thâm thù truyền kiếp như một thứ tội tổ tông vẫn dai dẳng làm lao đao bao thế hệ. Đi tìm nhân vật được viết dưới hình thức một cuộc truy tìm thủ phạm về vụ giết chết thằng bé đánh giày của nhân vật "tôi". Dưới hình thức ấy, nhân vật "tôi" - có thể trùng khít hoặc không hoàn toàn trùng khít với tác giả - đã nhập cuộc, lên đường truy tìm cái ác, truy tìm thủ phạm giết người. Bằng lối kể tuyến tính trong hành trình nhập cuộc của nhân vật tôi, câu chuyện được làm dày thêm mãi bởi bao bức tranh khác nhau của cuộc sống. Theo chân tác giả, người đọc được "lùng sục" vào thế giới của bóng đêm với bao cửa hiệu trá hình, quán bar, vũ trường, khách sạn,… Những cái tên cửa hiệu ta vẫn bắt gặp nhan nhản ngoài đường phố được đưa vào tiểu thuyết vô tình hay hữu ý gợi ta nhớ đến thiên tiểu thuyết phóng sự Số đỏ của Vũ Trọng Phụng: người đọc được lang thang từ cửa hiệu "Hơn cả sự gợi cảm", "Bướm xanh" đến quán bar "Cảm giác thiên đường", khách sạn "Cổng vòm"; từ những khu ổ chuột nhầy nhụa, rách nát đến những quán nước không tên, từ thế giới của bóng đêm đến cuộc sống nhếch nhác của những con


người trên hè phố,… Thế giới nhân vật ấy cũng quy tụ với đủ hạng người: từ thế giới những đứa trẻ đánh giày bất hạnh đến hạng gái điếm rẻ tiền, từ những tay đầu gấu đàn anh đàn chị đến giới nhà văn, giới tiến sĩ; từ nhân vật mặt đen của bóng đêm đến thế giới sáng láng của thiên tính nữ nơi Thảo Miên. Con mắt của nhà phóng sự cho ta cái nhìn về diện. Độ bao quát hiện thực của tác phẩm là khá lớn, nhà văn có điều kiện nhập vai, nhập cuộc đi vào những ngóc ngách, thậm chí là đi vào thế giới chìm của cuộc sống đô thị. Nhưng chính chất tiểu thuyết đã quy tụ phạm vi cuộc sống ấy về một điểm hết sức tập trung - đi tìm nhân vật. Đi tìm nhân vật là đi tìm một hình mẫu khả tín của con người hôm nay hay đi tìm nhân vật chính là đi tìm bản ngã, đi tìm cái tôi vốn mang cảm giác hỗn loạn vì sự vong thân, vong bản trong chính bản thân mình. Con mắt quan sát nhanh nhạy, sắc nhọn của phóng sự là một trợ thủ đắc lực để tiểu thuyết khái quát tổng hợp, xây dựng nên tư tưởng của tác phẩm.

Chúng ta cũng nhìn thấy tố chất ấy trong Thiên thần sám hối. Có điều, cái tôi chủ quan của tác giả được gởi gắm vào "phóng viên nhí" đang ở trong bụng mẹ. Tác phẩm có điểm nhìn kì ảo, nhưng từ điểm nhìn đặc biệt ấy tác giả mới có thể đề cập một cách đầy thuyết phục đến một vấn nạn của xã hội: nạn phá thai và thái độ vô trách nhiệm trước cuộc sống của thế giới người lớn. Với chiếc camera được đặt khéo léo và kín đáo như vậy, chỉ qui tụ thời gian trong vòng vài ngày, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu bi hài kịch thuộc chuyên đề trên được lật xới lên. Với góc quay bên trong ấy, những chiếc bọc cuộc sống lâu nay được giấu kín, được bưng bít giờ đây bị lộn trái ra. Nếu coi một tình huống là một ca phóng sự thì Thiên thần sám hối có thể bao quát được nhiều phóng sự. Thử thống kê những câu chuyện mà nhân vật bào thai nghe được trong 72 tiếng "án binh mai phục" ấy:

- Câu chuyện một bà mẹ sinh ra rồi bỏ con tại bệnh viện.

- Câu chuyện cô gái liên tục bị sẩy thai do quả báo của người chồng.

- Chuyện gã thanh niên kêu ca coi đứa con sinh ra là một tội nợ.

- Chuyện tệ ăn đút, nhận hối lộ của những vị "từ mẫu" ở bệnh viện.

- Chuyện cái chết của cô sinh viên bị người yêu lừa bỏ đã giết chết đứa con


trong bụng mình.

- Chuyện một bà mẹ đồng ý cho ngâm cồn bốn đứa con chưa thành người để

lấy bốn triệu đồng.

- Chuyện cô Giang không sinh được con sau khi đã từ chối cho đứa con đầu lòng nhìn thấy cuộc đời.

- Chuyện đứa con giết cha vì sinh ra không phải bởi tình yêu, bị kết án tử hình.

Đặt máy quay từ một góc giường trong bệnh viện phụ sản chỉ trong vài ngày, người phóng viên quả thực đã ghi lại được nhiều chuyện "người thực việc thực" tươi rói chất liệu cuộc sống.

Hồ Anh Thái cũng chủ yếu dành cho tiểu thuyết của mình sự quan tâm đến những vấn đề "nóng" thuộc thì hiện tại tiếp diễn của xã hội hôm nay. Nếu Người và xe chạy dưới ánh trăng lấy bối cảnh cuộc sống ở một ngôi nhà tập thể, một tổ dân phố với một người một vẻ thì câu chuyện trong Mười lẻ một đêm càng được gia tăng thêm chất thời sự bởi một không gian có tính khơi gợi vấn đề như thế. Một đêm là một câu chuyện, không phải là chuyện trong thần thoại Ai Cập mà chuyện của ngày hôm nay. Xin mượn ngay lời của nhân vật chính: "Trong suốt tám ngày bảy đêm ấy, có biết bao nhiêu câu chuyện được cặp tình nhân đem ra kể cho nhau. Bao nhiêu nhân vật liên quan được nhắc đến" [341,tr.16]. Quả thực, Mười lẻ một đêm quy tụ bao vấn đề về đời sống chính trị, văn hoá, xã hội, đạo đức, lối sống,… của xã hội Việt Nam hôm nay. Ở đó có chuyện về giới nghệ sĩ: bao gồm cả đạo diễn, ca sĩ, diễn viên, MC, hoạ sĩ chuyên sáng tác, hoạ sĩ chuyên phê bình(!),… Ngay lập tức, tác giả chĩa mũi tên sắc nhọn đến một vấn đề khiến nhiều nghệ sĩ có tâm huyết nhíu mày: vấn đề thương mại hoá nghệ thuật. Ở đó, có chuyện về các cuộc thi sắc đẹp, chuyện nói năng của các cô hoa hậu, chuyện lối sống nhanh của hạng thanh niên choai choai,… Càng về những đêm cuối trong hành trình "mười lẻ một đêm" ấy, câu chuyện càng phức tạp hơn, gay cấn hơn, vấn đề đặt ra càng bức thiết, cam go hơn. Đó là câu chuyện về cuộc sống của giới phu nhân các quan chức cấp cao ở thủ đô, việc bảo vệ luận án để trang trí cho thói háo danh của các đấng


phu nhân rồi câu chuyện đằng sau tước hiệu của các vị giáo sư khả kính. Có lẽ đây đó, trong những phóng sự dài tập, chúng ta có thể bắt gặp thấp thoáng những "câu chuyện thời đại" trên đây, nhưng phải nói rằng, không ở đâu ngòi bút của tác giả lại có thể khoét sâu, có sức tập trung và sự công phá mạnh mẽ như trong Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái.

Bên cạnh hiện thực đương thời đậm chất thời sự và cái tôi phóng sự là "chất giọng" phóng sự, là lối hành văn phóng sự (hoặc giả, nhại phóng sự) thể hiện rất rò trong tiểu thuyết. Đọc Mười lẻ một đêm chúng ta dễ dàng nhận ra tính chất phóng sự trong góc nhìn của cái tôi kể chuyện, trong giọng điệu của người kể chuyện. Người kể chuyện đứng tách ra khỏi câu chuyện để phân tích, mổ xẻ; giọng kể luôn pha với giọng bình luận, nhận xét. Tính thời sự của thông tin lộ ra ngay từ cách dẫn chuyện: "Có một người đàn ông và một người đàn bà bị nhốt trong căn hộ trên tầng sáu suốt mười một ngày đêm. Mười lẻ một đêm. Và mười lẻ một ngày" [341]. Chuyện hai người tình cũ gặp lại nhau và cùng dẫn nhau đến ở một căn hộ chung cư được người viết tường thuật, diễn giải, bình luận như thế này đây:

Chuyện ấy ngày nay hơi bị dễ. Thời gian địa điểm hơi bị dễ. Khách sạn nhà nghỉ mọc lên như nấm. Điều kiện cho thuê hơi bị dễ. Hà nội có thành ngữ chỉ những nơi hứng lên là vào thuê phòng được ngay: ngủ Gia Lâm, đâm Thái Hà, thậm chí vừa văn hóa ngủ nghê vừa văn hóa ẩm thực đặc sản nhất Tràng An: chó Nhật Tân vần Hồ Tây. Con đường bên Hồ Tây mang tên một thi sĩ lãng mạn trở thành con đường phong tình, nhà nghỉ mỗi ngày đổ vào xe rác cả sọt bao cao su. Tiếng tăm những khu ăn chơi xả hơi bình dân phải đợi đến khi khét lên tận mũi lực lượng an ninh lành mạnh xã hội thì các tụ điểm mới bị rà quét. Tìm và diệt. Tìm được rất ít và diệt ít hơn. Vỡ Gia Lâm chạy về Thái Hà lập căn cứ mới, vỡ Thái Hà về đường Hoàng Quốc Việt lập lại chiến khu. Vỡ Hà nội tràn ra ngoại ô, tràn về các tỉnh, cơn lũ quét qua vùng Xuân Mai, tràn xuống các ngã ba ngã tư sung sướng Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa. Sài Gòn không vỡ thì Sài Gòn cũng vươn ra ven đô tới miệt vườn, Sài Gòn đi tắt đón đầu xuất khẩu công nghệ về miền viên


ngọc Tây đô, bao quát cả vùng con nước trong về miền đông con nước đỏ. Nước non đâu cũng là nhà, quê hương đâu cũng gọi là vòm chơi [341].

Cách kể người, kể việc đậm chất giọng khách quan của phóng sự thể hiện ngay trong cách Tạ Duy Anh đặt các tít của tiểu thuyết Giã biệt bóng tối: Tường thuật trên một bản tin thời sự, Dư luận của dân làng Thổ Ô xung quanh những cái chết kì lạ, Tiếp lời của người tường thuật,… Giọng phóng sự thể hiện trong cách dẫn dắt câu chuyện, cách tường thuật câu chuyện và chất giọng ấy cũng được thể hiện trong lối kết vấn đề đầy tính đề xuất này:

Đây sẽ là một thách thức lớn đối với những nhà khoa học và nếu họ chậm ra tay hoặc bất lực thì có bao điều buộc phải xem xét lại từ đầu. Một kẻ theo thuyết duy tâm đang hí hứng mỉm cười. Không thể để cho họ đắc ý vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng cần gấp rút vào cuộc và sớm đưa ra các kết luận khoa học để bà con làng Thổ Ô và dư luận bớt hoang mang. Vấn đề sẽ còn thu hút nhiều sự quan tâm và chúng tôi hi vọng tiếp tục thông tin đến quý vị những diễn biến mới nhất [8].

Tiểu thuyết với sự góp mặt của chất phóng sự đã đưa đến cho tác phẩm một diện rộng của những vấn đề thời sự bức bách cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Đó là cách đưa tác phẩm tiệm cận gần nhất, nhanh nhất với cuộc sống thường nhật sau một giai đoạn tiểu thuyết cách xa cuộc sống bằng một khoảng cách sử thi vời vợi. Thế nhưng, thể nghiệm tương tác này cũng nguy hiểm như con dao hai lưỡi. Nếu tác giả sa đà vào sự vụ, vào thông tin thời sự sẽ dễ làm cho tiểu thuyết bị pha loãng. Điều đáng sợ nhất của người sáng tạo là sự đoản mệnh của tác phẩm; bởi thông tin thời sự hẳn sẽ trôi nhanh như thời sự, khi không còn tính thời sự, tiểu thuyết sẽ chết. May mắn thay, yếu tố neo giữ cho tác phẩm không bị trượt đi quá xa chính là sự quy tụ về một tư tưởng chung của tiểu thuyết. Phần lớn các tiểu thuyết đương đại tiêu biểu đều mang một thông điệp khá độc đáo trước hiện thực, chính tư tưởng chung ấy đã xâu chuỗi tất cả những thông tin cuộc sống, hướng cái hiện thực rộng về diện kia phải châu tuần về nó và góp phần kiến giải một cách đắc địa nhất cho nó. Khi cuộc sống còn ngồn ngộn bao bức xúc vừa nảy nở cần được trả lời một

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí