1. Quan hệ tương tác bổ trợ của văn hóa và kinh doanh
Văn hóa tồn tại trong mọi hoạt động kinh tế, gắn bó mật thiết với kinh doanh. Điều này trước hết được lý giải bởi cả văn hóa và kinh doanh đều là những đặc trưng riêng biệt ở xã hội loài người. Văn hóa xuất hiện và phát triển cùng với lịch sử loài người, tồn tại trong mọi hoạt động xã hội nói chung, trong hoạt động kinh doanh nói riêng. Mọi hoạt động kinh doanh đều mang ý nghĩa kinh tế, bởi không có hoạt động kinh tế nào không liên quan tới mục tiêu phát triển của con người, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của con người. Ngược lại, không có hoạt động văn hóa nào lại chỉ thuần túy mang tính tinh thần mà không ít nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp, mang tính kinh tế. Hơn nữa, văn hóa còn điều chỉnh cách thức vận hành doanh nghiệp và tiến hành hoạt động kinh doanh, do văn hóa đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng và điều chỉnh từng cách hành xử, tư duy và nhận thức của họ trong các hoạt động đời sống hàng ngày, không riêng gì hoạt động kinh doanh. Vì vậy, mọi hành vi của con người, bao gồm cả các cách thức tiến hành hoạt động kinh doanh đều hàm chứa yếu tố văn hóa, thực hiện trên nền tảng các yếu tố văn hóa. Nhận thức sâu sắc điều này làm cho yêu cầu đối với việc nâng cao văn hóa, xây dựng một hệ thống giá trị và chuẩn mực tương thích với những thay đổi và biến động trong một xã hội hiện đại là hết sức quan trọng. Kinh nghiệm thực tế của hàng loạt các quốc gia trong những thập kỷ qua đã cho thấy khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế bỏ qua việc xem xét đến yếu tố môi trường văn hóa thì kết quả thu được sẽ là một sự phát triển thiếu bền vững, rất khập khiễng, mất cân đối cả về kinh tế lẫn văn hóa, có thể đạt được những tăng trưởng nhất định trong ngắn hạn nhưng về lâu dài xã hội sẽ phải giải quyết các vấn nạn nghiêm trọng phát sinh như khủng hoảng, đại dịch, bạo động,... và tất yếu phải đối mặt với một sự tụt hậu nhanh chóng về mọi mặt. Việc ưu tiên phát triển kinh tế quá mức mà thiếu lưu ý đến vấn đề văn hóa có thể xâm phạm nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục của quốc gia, có thể để lại hậu quả bằng việc biến mất các giá trị truyền thống dân tộc tốt đẹp, hủy hoại tính vững bền của hệ thống văn hóa, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế. Kết quả là kinh tế không thể phát triển lành mạnh
Có thể bạn quan tâm!
- Tác động của văn hóa nước ngoài tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam và hướng tới tiếp thu các giá trị văn hóa quốc tế kết hợp với các giá trị truyền thống để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập - 2
- Văn Hóa Bề Ngoài - Cấu Trúc Hữu Hình Của Văn Hóa
- Khái Quát Chung Về Kinh Doanh Và Một Số Quan Điểm Về Kinh Doanh
- Phương Pháp Xác Minh Biểu Trưng Của Văn Hóa Doanh Nghiệp (Artefactual Approach)
- Đôi Nét Về Văn Hóa Và Kinh Doanh Tại Việt Nam
- Hoàn Cảnh Kinh Tế - Xã Hội Hình Thành Các Quan Điểm Kinh Doanh Ở Việt Nam
Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.
và lâu bền nếu thiếu nền tảng văn hóa, và văn hóa không phải là một sản phẩm thụ động của kinh tế, mà có một sức mạnh tinh thần lớn lao tác động ngược lại đến kinh tế.
Một khía cạnh chung nữa giữa văn hóa và kinh doanh là yếu tố liên quan đến con người. Mục tiêu cuối cùng của văn hóa và kinh doanh đều nhằm phục vụ con người. Văn hóa là sản phẩm của sự gắn kết, thống nhất, hài hòa trong mối quan hệ giữa các thành viên của một cộng đồng người. Văn hóa do con người tạo nên qua nhiều thế hệ, hình thành các yếu tố thành phần phức tạp với một mục đích phục vụ con người, thuận tiện cho sinh hoạt cộng đồng, chẳng hạn như ngôn ngữ được tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu giao tiếp, chuyển tải thông tin trong xã hội loài người, tôn giáo giúp con người giải quyết các nhu cầu về tín ngưỡng, phong tục tập quán và hệ thống các giá trị giúp tạo nên chuẩn mực chung cho các thành viên trong xã hội và kiểm soát các hành vi của họ. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh là một hoạt động gắn chặt với cộng đồng, môi trường xung quanh và được xây dựng dựa trên xử lý các mối quan hệ. Không một hoạt động kinh doanh nào có thể vận hành thiếu yếu tố con người. Cũng như vậy, không ai có thể tiến hành mua bán, trao đổi một mình, mà không thực hiện việc tương tác với người khác. Điều đó có nghĩa kinh doanh cũng là một hoạt động giao tiếp giữa người với người. Kinh doanh là một quá trình đầu tư cho sản xuất, buôn bán và phân phối các hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích thu được lợi nhuận. Kinh doanh không thể tồn tại và phát triển nếu không thu được lợi nhuận để từ đó vừa thực hiện tái đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích thiết thực cho cả người quản lý và người lao động. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh cũng được tiến hành nhằm mục đích phục vụ con người. Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, đa dạng và phức tạp của hệ thống kinh doanh thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực khác ngoài kinh doanh, từ đó thay đổi diện mạo chung của toàn xã hội. Các sản phẩm của kinh doanh là nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Từ khi có hoạt động kinh doanh, xã hội loài người mới có nhiều điều kiện để phát triển nhanh chóng và đạt được những thành tựu vượt bậc. Tại các quốc gia có trình độ kinh doanh phát triển cao, người dân nơi đó được hưởng những phúc
lợi cao và được cung cấp những điều kiện tốt cho sinh hoạt, tất yếu dẫn đến chỉ số phát triển con người cao.
Văn hóa là nguồn lực lớn cho kinh doanh. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng của mình. Những nét đặc trưng ấy có sức hấp dẫn rất lớn không chỉ với người trong nước, mà còn với cả người nước ngoài. Nếu biết đưa những nét văn hóa truyền thống ấy vào kinh doanh, doanh nghiệp vừa thu được lợi nhuận, vừa góp phần gìn giữ và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc mình ra tầm thế giới. Hơn thế nữa, quay trở lại nghiên cứu các yếu tố cấu thành văn hóa, có thể nhận ra dễ dàng rằng văn hóa cung cấp cho kinh doanh nói riêng, các hoạt động xã hội khác nói chung nền tảng để tiến hành thuận lợi, suôn sẻ và đạt được mục đích. Việc sử dụng kết quả của một nền văn hóa mạnh, phù hợp với thế giới hiện đại, kết hợp với các nguồn lực khác trong kinh doanh có thể mang lại cho doanh nghiệp tính hiệu quả về mặt kinh tế, thu được lợi nhuận cao, gia tăng khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp nào thấu hiểu, quản lý và sử dụng tốt các giá trị văn hóa như là một nguồn lực quan trọng cho doanh nghiệp tất yếu giành được nhiều lợi thế trong kinh doanh hơn các doanh nghiệp khác.
Kinh doanh là yếu tố quan trọng góp phần thay đổi văn hóa. Văn hóa không phải là yếu tố bất biến, nó là một môi trường đặc biệt, và môi trường đặc biệt này luôn luôn thay đổi. Văn hóa luôn tiến hóa cho phù hợp với trình độ và tình hình mới. Những thành phần văn hóa không phù hợp sẽ bị loại bỏ, thay thế, bởi xu hướng phát triển của xã hội là một tất yếu. Khi xã hội thay đổi, văn hóa cũng sẽ thay đổi theo. Trong điều kiện toàn cầu hóa, quốc tế hóa hiện nay, kinh doanh quốc tế thâm nhập vào mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vào từng gia đình, đã tạo nên những biến đổi to lớn cả về kinh tế và văn hóa trong mọi quốc gia. Mội số người cho rằng văn hóa là một môi trường khó ảnh hưởng nhất. Nhưng hoạt động kinh doanh đã làm thay đổi văn hóa. Dễ nhận thấy trong lĩnh vực marketing, nhiều nhà tiếp thị cũng đã khá thành công với việc tác động tới môi trường này khi tiếp thị những phát minh làm thay đổi cuộc sống của con người. Điển hình là điện, điện thoại, máy điều hòa, xe hơi, máy thu thanh, truyền hình, máy ghi âm, ghi hình, máy
sao lưu, và cả khăn giấy như trường hợp của Kleenex chẳng hạn. Tác giả Matt Haig đã trình bày trong tác phẩm “Sự thật về 100 thất bại thương hiệu lớn nhất của mọi thời đại” về việc thay đổi văn hóa xuất phát từ ảnh hưởng của hoạt động tiếp thị nói riêng, hoạt động kinh doanh nói chung “Trong thập niên 20, khăn giấy Kleenex thường được phụ nữ dùng chỉ một lần trong ngày, vào buổi tối để lau sạch son phấn. Để cổ động cho việc sử dụng khăn giấy rộng rãi ở Hoa Kỳ, thế là câu khẩu hiệu quảng cáo: “Đừng để một thứ lạnh lẽo nằm trong túi của bạn” ra đời. Kể từ lúc đó, phụ nữ Mỹ không còn dùng khăn tay nữa. Trước đó, khăn tay vẫn được phụ nữ dùng để lôi cuốn một người đàn ông nào đó bằng cách giả bộ đánh rơi để anh chàng kia nhặt hộ. Nhưng một khi đã dùng Kleenex họ sẽ phải sáng tạo ra các cách khác để lôi cuốn các chàng trai bởi không một gã đàn ông chính thống nào lại đi nhặt một cái khăn giấy bẩn thỉu của một cô gái đánh rơi.”
2. Mặt khác biệt của văn hóa với kinh doanh
Mục tiêu ngắn hạn của văn hóa và kinh doanh có thể trái ngược nhau. Kinh doanh nhằm thu được lợi nhuận cho các chủ thể liên quan, tức là chỉ phục vụ cho một số ít người. Mục tiêu đầu tiên, và ngắn hạn của kinh doanh ít khi phục vụ cho lợi ích chung của toàn bộ cộng đồng. Trong khi đó, văn hóa lại nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích của số đông, của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. Do đó, không phải bao giờ mục tiêu lợi nhuận của kinh doanh cũng phù hợp với các mục tiêu và giá trị văn hóa. Có thể nhận thấy trên thực tế kinh doanh của các nước trên thế giới và ở Việt Nam có nhiều cách để thu được lợi nhuận, trong đó phổ biến là:
- Bóc lột quá mức sức lao động của người làm công, làm cho những người này chỉ đủ tồn tại ở một mức sống tối thiểu.
- Khai thác bừa bãi các tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ cân bằng sinh thái.
- Làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế, lừa đảo, đầu cơ, gây tác hại cho cả thị trường trong và ngoài nước.
- Nhanh nhạy nắm bắt thông tin, ra sức cải tiến kỹ thuật và công nghệ, tiết kiệm nguyên liệu và nhiên liệu, quan tâm thích đáng đến đời sống vật chất và tinh thần của người làm công, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng sáng tạo của họ trong việc tạo ra những hàng hóa và dịch vụ có chất lượng tốt, hình thức đẹp và giá cả
hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường, giữ được chữ tín đối với người tiêu dùng và bạn hàng cả trong nước và ngoài nước.
Rõ ràng, ba cách thu lợi nhuận đầu tiên là những biểu hiện tồi tệ của lối làm ăn chộp giật, thiếu văn hóa, vô đạo đức, phản tự nhiên và không thể tồn tại lâu dài do sự phản đối của xã hội. Còn cách thứ tư thể hiện những mặt ưu việt của phương thức kinh doanh có văn hóa. Nó đảm bảo kết hợp cả cái đúng, cái tốt, cái đẹp - vốn là giá trị cốt lõi của văn hóa, và cái lợi là mục đích của kinh doanh. Chính vì vậy, ở các quốc gia cần có sự điều tiết, quản lý của các cấp lãnh đạo ở cả tầm vĩ mô và vi mô để ngăn chặn những trường hợp kinh doanh chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không tính đến lợi ích cho xã hội, cho văn hóa.
Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt, kinh doanh có thể gây tác hại đến văn hóa, thậm chí làm xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong nhiều trường hợp, chi phí kinh doanh có thể sẽ tăng lên nếu đảm bảo yếu tố văn hóa, như khi xây dựng các nhà xưởng, nhà máy, và vận hành hoạt động kinh doanh phải điều chỉnh và hạn chế các ngoại ứng tiêu cực sao cho không ảnh hưởng đến cảnh quan đường phố, môi trường dân cư xung quanh, lấy trọng tâm của triết lý kinh doanh là yếu tố con người, quan tâm đến nhu cầu tinh thần của người lao động,... Trong khi đó, mục đích kinh doanh phổ thông là tối thiểu hóa chi phí để gia tăng lợi nhuận. Chính vì vậy, đã không ít trường hợp nhà kinh doanh bỏ qua những yêu cầu về văn hóa để đạt được lợi nhuận trong kinh doanh.
Một nền văn hóa mang những yếu tố không phù hợp sẽ cản trở, thậm chí kìm hãm sự phát triển của kinh doanh. Văn hóa là một nguồn lực lớn và vô cùng quan trọng của hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, một nền văn hóa không phù hợp với nhu cầu khách quan có thể gây tác hại xấu cho kinh doanh. Chẳng hạn như
nguyên tắc không được thu lãi tín dụng của đạo Hồi làm ngành ngân hàng tại các quốc gia theo tôn giáo này gặp khá nhiều khó khăn. Các nhà quản lý không thể thụ động tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hóa mà phải có quá trình chọn lọc các yếu tố tích cực trong văn hóa dân tộc, tiếp thu những quan điểm tiến bộ từ văn hóa nước ngoài, nhằm chủ động tạo ra một môi trường văn hóa phù hợp cho hoạt động kinh doanh của mình.
3. Vai trò của văn hóa trong kinh doanh
Văn hóa có vai trò rất to lớn trong tất cả các hoạt động kinh doanh. Sự tác động của các yếu tố văn hóa thường có tính dài hạn và tinh tế hơn so với các yếu tố khác, nhiều lúc khó mà nhận biết được. Mặt khác, phạm vi tác động của các yếu tố văn hóa thường rất rộng. Văn hóa xác định cách thức người ta sống, làm việc, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ. Các khía cạnh hình thành môi trường văn hóa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh như những quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, lối sống, về nghề nghiệp; những phong tục tập quán, những giá trị truyền thống; những quan tâm ưu tiên của xã hội; trình độ nhận thức, học vấn chung của xã hội,... Nếu bỏ qua yếu tố văn hóa, đặc biệt khi kinh doanh tại các môi trường khác lạ với môi trường bản địa, các doanh nghiệp gần như đã đối mặt với một sự thất bại định trước. Trong cuốn “Sự thật về 100 thất bại thương hiệu lớn nhất của mọi thời đại”, Matt Haig đã minh họa ảnh hưởng của văn hóa đến kinh doanh thông qua việc lý giải tại sao thương hiệu ngũ cốc Kellogg’s lại thất bại tại thị trường Ấn Độ. Vào cuối thập niên 80, công ty này đã đạt đến đỉnh cao của mọi thời, chi phối trên dưới 40% thị trường thức ăn làm sẵn ở Mỹ, chỉ riêng với các sản phẩm ngũ cốc của họ. Khi hàng rào thương mại quốc tế được dỡ bỏ ở Ấn Độ, Kellogg’s đã nhanh chóng tiếp cận thị trường này nhưng đã không thành công với sản phẩm ngũ cốc. Đối với các cư dân của tiểu lục địa Ấn Độ thì việc ăn sáng với ngũ cốc khi đó là một khái niệm hoàn toàn mới lạ. Cách thông thường nhất để bắt đầu một bữa sáng với phần lớn người Ấn là một tô súp rau nóng. Như vậy, khi công ty này tung sản phẩm ngũ cốc vào thị trường Ấn, hiển nhiên họ đã tung ra một sản phẩm phương Tây để cố hấp dẫn khẩu vị Ấn. Toàn cầu hóa có thể là một hướng phát triển rõ ràng,
nhưng tính chất, phong tục và khẩu vị địa phương vẫn mãi là phân biệt. “Địa phương hóa các cung ứng đem lại một cơ hội lớn và các công ty khôn ngoan hơn luôn suy xét điều này”, Ramanujan Sridhar, giám đốc điều hành công ty tư vấn marketing và quảng cáo Ấn Độ Brand Comm khẳng định như thế. Việc địa phương hóa có nghĩa là phải tìm hiểu, phân tích, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của các yếu tố văn hóa bản địa vào sản phẩm cũng như các hoạt động của doanh nghiệp tại môi trường này, nghiên cứu điều chỉnh sản phẩm và các hoạt động kinh doanh cho thích hợp với những khác biệt về văn hóa, hay cũng chính là việc chuyển tải các yếu tố văn hóa bản địa vào sản phẩm và hoạt động kinh doanh. Kết luận về thất bại của thương hiệu Kellogg’s tại Ấn Độ, ông Titoo Ahluwalia, chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường ORG MARG ở Bombay khẳng định “chỉ vì việc chuẩn bị văn hóa sơ sài!”
Trong “Sự thật về những thất bại trong tiếp thị sản phẩm” Donald Hendon cũng đã cung cấp những dẫn chứng về tác động của văn hóa đến các sản phẩm và hoạt động kinh doanh. Những nền văn hóa khác nhau có thể nhìn nhận, gắn kết các hiện tượng với những ý nghĩa nhất định và giải thích các sự việc trong thế giới theo các cách thức khác nhau. Nước hoa Opium của Yves St. Laurent được biết đến là một thương hiệu nổi tiếng định vị bởi sự sang trọng và cao cấp. Tuy nhiên, Opium không thể bán được cho người Mỹ gốc Hoa ở Mỹ bởi họ liên tưởng đến thời kỳ thuốc phiện (nghĩa của opium) đã bị gán ghép cho nền văn hóa của họ bởi người ngoại quốc. Kết quả là, Yves St. Laurent đã phải bỏ mất một mảng thị trường lớn không thể tiếp cận được.
Những ảnh hưởng văn hóa đã bén rễ rất sâu trong tâm thức của các thành viên nền văn hóa đó, định hình các nhu cầu, cách thức nhìn nhận và giải thích các sự việc của thế giới. Kinh doanh lại là việc tìm kiếm, phát hiện và khai thác nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó hiểu biết về văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp và mọi hoạt động kinh doanh. Trong môi trường văn hóa, các nhân tố nổi lên giữ vai trò đặc biệt quan trọng là tập quán, lối sống, tôn giáo. Các nhân tố này được coi là “hàng rào chắn” các hoạt động giao dịch thương mại. Thị hiếu và
tập quán của người tiêu dùng có ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu, vì ngay cả trong trường hợp hàng hóa thực sự có chất lượng tốt nhưng nếu không được người tiêu dùng ưa chuộng thì cũng khó được họ chấp nhận. Có nhiều khác biệt cơ bản trong văn hóa và những ảnh hưởng của chúng có thể không tính được trực tiếp bằng các tiêu chuẩn cụ thể nhưng chúng chắc chắn đóng một vai trò rất quan trọng trong thành công của một tổ chức quốc tế. Thậm chí với những công ty quốc tế có kinh nghiệm, khi họ ứng dụng những lý thuyết quản lý đã làm công ty họ thành công ở nhiều quốc gia vào một số nền văn hóa khác đã có kết quả xấu ngoài mong đợi. Ví dụ, trong nhiều trường hợp, việc trả lương theo thành tích là một thất bại tại châu Phi vì các quốc gia này có những luật bất thành văn riêng về thời gian được thưởng và thăng tiến.
Văn hóa có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Hành vi mua hàng của cá nhân được điều chỉnh theo chuẩn mực của nền văn hóa của chính cá nhân đó lẫn các nền văn hóa khác mà họ muốn học hỏi theo. Ở Mỹ, thanh niên Mỹ gốc Phi tại các thành phố đã phát triển phong cách riêng có của mình về cách ăn mặc, tuy nhiên phong cách thời trang này cũng đã được các tầng lớp thanh niên trung lưu ở ngoại ô noi theo.
Việc tìm hiểu kỹ càng văn hóa của các quốc gia khác để tiến hành hoạt động kinh doanh cũng vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như, tặng quà là một thông lệ tại nhiều quốc gia nhưng phải khi tặng quà cho người Trung Quốc phải hết sức cẩn thận, tránh tặng các quà có màu trắng, xanh da trời, và đen vì chúng làm liên tưởng đến các đám tang trong khi đó các vật nhọn (dao, kéo, đồ mở thư) được quan niệm tượng trưng cho việc cắt đứt tình bằng hữu. Ở Đức, không nên mang một tá hoa hồng đỏ tặng cho vợ của khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp, bởi điều đó rất dễ gây nên hiểu lầm không hay, làm hỏng quan hệ đối tác trong kinh doanh, vì tặng số lượng hoa chẵn là điềm xấu và hoa hồng đỏ gợi ý quan tâm thiết lập mối quan hệ sâu đậm.