Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 2


thể loại có giá trị, người ta vừa phải có tri thức về các quy luật lặp lại của các thể loại, lại vừa phải biết nhận ra tính độc đáo trong sự vận dụng sáng tạo thể loại của tác giả. Đây là những tiền đề lí luận quan trọng cho việc triển khai vấn đề. Muốn nhận thức về sự tương tác thể loại thì trước hết cần nắm được đặc trưng của từng thể, cũng như từng loại; phải nhận chân cho được cái nòng cốt bất biến của mỗi loại/thể. Cuốn Logic học về các thể loại văn học của Kate Hamburger [95] cung cấp cho đề tài nhiều tiền đề về logic thể loại. Xuất phát từ các cơ sở ngôn ngữ học, bà đưa ra những đặc trưng của các thể loại mô phỏng như sử thi, kịch; các đặc trưng của thể loại trữ tình,… Nhưng quan trọng hơn, bà đã dành hẳn một chương để nói về các thể loại đặc biệt hay còn gọi là hỗn hợp như: ballade, truyện kể ở ngôi thứ nhất, tiểu thuyết thư tín, tiểu thuyết – hồi kí,… Những thể loại hỗn hợp đó tiềm tàng trong văn xuôi Việt Nam từ sau đổi mới. Do vậy, chuyên luận trên đã gợi mở cho tác giả luận án nhiều hướng nhìn thú vị. Năm bài giảng về thể loại của Hoàng Ngọc Hiến một lần nữa cho ta những đặc trưng của năm thể loại quan trọng trong văn học hiện đại, đặc biệt là tiểu thuyết. Có ý nghĩa hơn, đó là bài viết: "Đặc điểm của truyện ngắn hiện đại". Trong những đặc điểm của truyện ngắn hiện đại có đến hai đặc điểm thể hiện sự thậm nhập của các thể loại vào truyện ngắn: truyện ngắn hiện đại gần với thơ và truyện ngắn hiện đại gần với kịch.

Luôn luôn tồn tại bên cạnh tiểu thuyết và rất khó khu biệt rạch ròi về ranh giới thể loại với tiểu thuyết, đó chính là truyện ngắn. Với quan niệm tương tác thể loại nằm trong chính đặc trưng của loại thể, công trình Truyện ngắn – lí luận tác gia và tác phẩm của Lê Huy Bắc trong khi đề cập đến "Truyện ngắn như một thể loại" đã lưu tâm đến những tác phẩm có sự giao thoa của hai thể loại nói trên. Bài viết cũng đề cập đến sự ảnh hưởng qua lại giữa truyện ngắn và thơ, sự gần nhau giữa truyện ngắn và kịch...

Nếu các công trình trên quan tâm đến thể loại và sự tác động qua lại của một số thể loại văn học thì chuyên khảo Thi pháp của huyền thoại (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ đề cập đến diễn trình của một thể loại duy nhất: đó là các sáng tác huyền thoại. Trong chuyên khảo này, nhà huyền thoại học nổi tiếng thế giới E.


M. Meletinsky đã xem xét các sáng tác huyền thoại một cách hệ thống: bắt đầu từ những hình thức cổ xưa nhất cho đến những biểu hiện của chủ nghĩa huyền thoại trong văn học thế kỉ XX. Ông đặc biệt dành sự lưu tâm đến tầm ảnh hưởng, tác động của huyền thoại đối với xã hội hiện đại nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng: "Huyền thoại là thế giới, là mảnh đất mà trên đó chỉ có các tác phẩm nghệ thuật là có thể thăng hoa và phát triển" [215]. E. M. Meletinsky cho thấy tính quanh co, dích dắc của những mối quan hệ thể loại ngoài hệ thống. Theo đó, huyền thoại trong văn học thế giới diễn ra hai quá trình: quá trình "giải huyền thoại hóa" và quá trình "tái huyền thoại hóa". Đặc biệt, xu hướng "tái huyền thoại hóa" diễn ra vừa mạnh mẽ vừa sâu rộng trong văn học thế giới thế kỉ XX là những tiền đề cần thiết để xem xét vấn đề mang tính quy luật chung của huyền thoại trong văn xuôi đương đại Việt Nam. Cũng đề cập đến phương diện này, bài viết "Phương thức huyền thoại trong sáng tác văn học" của Phùng Văn Tửu (in trong tập Những huyền thoại của Roland Barthes - NXB Tri thức, 2008) từ việc xem huyền thoại là những biểu tượng đa nghĩa cần phải giải mã, đã đi sâu đề cập đến huyền thoại như một phương thức nghệ thuật đang có xu hướng trở thành một trong những kĩ thuật sáng tác của tiểu thuyết hiện đại. Sự tác động của huyền thoại đến văn xuôi Việt Nam sau 1986 vì vậy cũng được tác giả lưu tâm ghi nhận.

3.2. CÁC CÔNG TRÌNH, BÀI VIẾT VỀ SỰ VẬN ĐỘNG THỂ LOẠI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam từ phương diện tương tác thể loại là một hướng nghiên cứu mới, được một số công trình gần đây quan tâm. Đề tài cấp bộ: Sự tương tác của các thể loại trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945 do TS. Tôn Thất Dụng chủ nhiệm đề tài là công trình đầu tiên đặt vấn đề nhìn diện mạo và đặc điểm văn học một giai đoạn từ hướng tương tác thể loại. Qua bức tranh sinh động của đời sống tương tác thể loại được chứng minh bằng nhiều cứ liệu tác giả, tác phẩm; các tác giả đề tài giúp chúng ta có cái nhìn khái quát và sâu sắc hơn về văn học đầu thế kỉ. Đây là cơ sở để chúng ta có cái nhìn so sánh nhằm nhận diện văn xuôi giai đoạn từ 1986 đến nay một cách khoa học và thuyết phục hơn.


Cùng với đề tài của Tôn Thất Dụng, qua bài viết "Sự tương tác giữa các thể loại văn học và thể thơ văn xuôi trong thơ mới 1932 - 1945", Nguyễn Phong Nam đã đi sâu xem xét tương tác thể loại trong một phong trào thơ có nhiều thành tựu. Ở đây, ông đã tập trung phân tích về sự tác động của các thể loại đối với việc hình thành những thể thơ rất đa dạng và đầy sáng tạo trong Thơ mới 1932 - 1945. Bên cạnh công trình nghiên cứu tương tác thể loại của Tôn Thất Dụng, tác giả luận án rất quan tâm đến công trình gần đây của Nguyễn Thành Thi, tập tiểu luận - phê bình: Văn học, thế giới mở. Ngay nhan đề của tập tiểu luận - phê bình cùng với quan điểm được thể hiện nhất quán trong công trình này: văn học, thế giới mở đã gợi mở cho luận án một số tiền đề rất quan trọng. Nguyễn Thành Thi dành hẳn một phần với dung lượng hơn một trăm trang sách để tập trung nhìn văn học dưới góc độ tương tác: "Một góc nhìn văn học quốc ngữ Việt Nam: vận động và tương tác". Trong phần này, có bài viết bàn về một mối quan hệ tương tác cụ thể: "Mấy ghi nhận về tương tác tiểu thuyết - truyện ngắn và sự biến đổi nòng cốt của hai thể loại này", có bài viết đề cập đến kết quả tương tác thể loại trong một số tác phẩm cụ thể: Xu hướng tổng hợp thể loại trong "Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp", "Về tính "phức thể" loại hình và sự hiện diện của "kí" trong văn thơ Hồ Chí Minh",… Đặc biệt, nếu đề tài cấp bộ của Tôn Thất Dụng hướng đến đối tượng là văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX - 1945 thì ở phần này, Nguyễn Thành Thi vẽ: "Lược đồ" văn học quốc ngữ Việt Nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác thể loại. Ở đây, Nguyễn Thành Thi là người đầu tiên mạnh dạn định nghĩa cũng như phân loại hiện tượng tương tác thể loại trong suốt một thế kỉ văn học hiện đại Việt Nam. Trần Ngọc Dung góp thêm một tiếng nói về thể loại qua bài viết: “Đời sống thể loại văn học sau 1975". Ở đây, Trần Ngọc Dung chủ yếu đi sâu vào cấu trúc tác phẩm để thấy được những biến đổi về mặt thể loại của văn học sau 1975 so với văn học 1945

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

- 1975. Trong những biến đổi đó, tuy không dùng đến khái niệm này, nhưng ông hết sức lưu tâm đến một số hiện tượng văn học kết tinh thành tựu của tương tác thể loại. Tương tác truyện ngắn - tiểu thuyết: "Không chỉ tiểu thuyết mà truyện vừa và truyện ngắn cũng có những biến đổi sâu sắc về mặt thể loại. Do ảnh hưởng của tư duy tiểu


Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 2

thuyết nên các truyện này có sức chứa lớn hơn kích thước vốn có của chúng" [61, tr.95]. Tương tác tiểu thuyết - kí, phóng sự: "Các tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Tuấn như Đứng trước biển, Cù lao tràm đều có dấu vết của kí và phóng sự trong đó". Trong tương quan so sánh, ông cũng nhận thấy hiện tượng tương tác thể loại trong văn xuôi 1945 - 1975: "có một đặc điểm nổi bật là trong văn xuôi 1945 - 1975, truyện và kí thâm nhập, ảnh hưởng nhau đậm nét, tạo thành mô hình truyện kí và truyện người thật việc thật" [61, tr.97].

Bên cạnh các cuốn sách quy tụ, tập hợp nhiều ý kiến là các luận án đi sâu nghiên cứu về văn xuôi giai đoạn này. Luận án của Nguyễn Thị Bình quan tâm đến Những đổi mới của văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975 - Khảo sát trên nét lớn, trong đó có một nét lớn rất quan trọng, đó là đổi mới về phương diện thể loại. Luận án Những đặc điểm của văn xuôi Việt Nam cuối những năm 80 đầu những năm 90 của Hoàng Thị Hồng Hà lại đề cập đến những đặc điểm của văn xuôi, trong đó có: một quan niệm mới về con người, những đổi mới về ngôn ngữ và giọng điệu. Tác giả cũng cho ta một cái nhìn sinh động về diện mạo văn xuôi trong những năm có nhiều đột phá của văn học dân tộc. Luận án của Trần Thị Mai Nhân quan tâm đến: Những đổi mới trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2000. Trong công trình này, tác giả luận án cũng dành dung lượng khá lớn cho vấn đề đổi mới tư duy thể loại. Tuy không trực tiếp nói đến góc nhìn tương tác thể loại, nhưng sự đi sâu phân tích cấu trúc nội dung và hình thức tiểu thuyết giai đoạn này đã cho chúng ta những thông tin ý nghĩa để đối sánh giữa các hướng tiếp cận vấn đề.

Dưới góc độ văn học sử còn có nhiều bài viết, trực tiếp hoặc gián tiếp quan tâm đến vấn đề này. Từ những tiền đề lí luận của M. Bakhtin, Vũ Tuấn Anh lại đi vào "Đời sống thể loại trong quá trình văn học đương đại". Bài viết cung cấp một cái nhìn khái quát về đời sống thể loại trong văn học sau 1975; đặc biệt, Vũ Tuấn Anh luôn lưu tâm đến phương diện tương tác thể loại. Ông đặc biệt đề cao góc nhìn thể loại: theo ông, mỗi giai đoạn văn học là một chỉnh thể thẩm mĩ thống nhất, trong đó có sự liên kết và tác động lẫn nhau giữa các thể loại. Do vậy mà, cấu trúc thể loại của giai đoạn văn học luôn có những nét khác biệt so với giai đoan trước và


sau nó. Do vậy, Vũ Tuấn Anh đi đến một mệnh đề: một phương diện quan trọng - nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả - để nhận thức một giai đoạn văn học là khảo sát những biến đổi trên mặt bằng thể loại cũng như những biến thái tinh vi bên trong đời sống của mỗi thể loại. Quan điểm của Vũ Tuấn Anh góp phần tạo nên cấu trúc quy nạp của luận án. Bùi Việt Thắng có nhiều bài viết về truyện ngắn hiện đại. Ông phụ trách phần truyện ngắn trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỉ XX. Ở đó, bên cạnh việc trình bày về diễn trình của truyện ngắn Việt Nam thế kỉ XX, tác giả có chú ý đến mối giao duyên thể loại. Đó là sự giao duyên giữa tự sự và trữ tình để tạo nên dòng truyện ngắn trữ tình những thập niên đầu thế kỉ, đó còn là sự hội ngộ của truyện và kí để tạo ra thể loại truyện – kí trong văn học 45-75. Trong nhận định chung về truyện ngắn 1975 – 2000, Bùi Việt Thắng ghi nhận rằng: “đã có những tìm tòi nghệ thuật làm cho thể loại “nhỏ” có sức chứa, hay nói cách khác là có khả năng khái quát hóa nghệ thuật đời sống theo chiều sâu”. Đặc biệt, tác giả bước đầu đã nhìn thấy những tín hiệu ấy kết tinh trong phong cách một số cây bút văn xuôi, đặc biệt là Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp,… Trong bài viết: "Một số vấn đề thi pháp truyện ngắn Việt Nam hiện đại", ông lưu ý: "Một mặt các nhà nghiên cứu chú ý đến tính chất gần gũi giữa tiểu thuyết và truyện ngắn, mặt khác đã cố gắng chỉ ra đặc thù của mỗi thể loại trên từng vấn đề tiếp cận". Từ việc xác định những đặc điểm nòng cốt của mỗi thể loại, ông đề cập đến những kiểu dạng truyện ngắn "không thuần nhất": truyện ngắn liên hoàn, truyện ngắn kì ảo, truyện ngắn tâm tình, truyện ngắn rất ngắn,…

Nguyên Ngọc có cái nhìn tập trung hơn, điểm đúng trọng tâm của vấn đề tương tác thể loại hơn qua bài viết có nhan đề: "Văn xuôi hiện nay - logic quanh co của các thể loại, những vấn đề đang đặt ra và triển vọng". Đây là bài viết hết sức gần gũi, giúp người viết mạnh dạn khẳng định về sự tương tác nhiều chiều của văn xuôi giai đoạn này với những tố chất mới nhưng xuất phát từ trong thực tiễn, từ logic của đời sống thể loại văn học. Ngoài ra, dấu hiệu của tương tác thể loại trong văn xuôi giai đoạn này còn được khẳng định rải rác trong nhiều bài viết như: "Ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975" của Nguyễn Bích Thu, quan


niệm về thể tài truyện ngắn giàu chất thơ, giàu tính kịch qua bài viết "Quan niệm về thể tài truyện ngắn trong văn học Việt Nam sau 1975" của Phùng Ngọc Kiếm, "Về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thập kỉ 80 đến nay" của Nguyễn Thị Bình.

Một số nhà nghiên cứu đi sâu vào các quan hệ tương tác cụ thể. "Báo chí và cuộc hành trình đổi mới văn học" của Trần Thị Trâm khẳng định vai trò của phóng sự như một cú hích đối với công cuộc đổi mới văn học. Nguyên Ngọc cũng khẳng định lực đẩy mạnh mẽ đó nhưng có tính quá trình hơn trong bài: "Văn xuôi hiện nay - logic quanh co của các thể loại, những vấn đề đang đặt ra và triển vọng". Phan Trọng Thưởng qua công trình Những vấn đề lí luận và lịch sử kịch nửa sau thế kỉ XX lại cho ta một chiều tương tác từ kịch. Có thể nói, cùng với phóng sự là kịch, chỉ có phóng sự đi bên kịch tạo nên bước đột phá của văn xuôi giai đoạn này.

Cuốn Văn học Việt Nam 1975-1985, tác phẩm và dư luận tập hợp những ý kiến khác nhau, những cách nhìn khác nhau của các nhà nghiên cứu về văn học 10 năm sau chiến tranh nói chung và văn xuôi nói riêng. Trong đó, các nhà biên soạn dành nhiều trang cho những tác phẩm văn xuôi xuất sắc: Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người – Nguyễn Khải, Cù lao tràm, Đứng trước biển – Nguyễn Mạnh Tuấn, Mưa mùa hạ – Ma Văn Kháng; Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành – Nguyễn Minh Châu. Đặc biệt là bài "Phác họa diện mạo chung của quá trình văn học 1975-1985". Qua công trình mang tính hợp tuyển này, chúng ta nhận được nhiều sự phân tích sâu sắc về những đổi mới trong thi pháp thể loại cũng như quan niệm nghệ thuật về con người, đặc điểm tư duy nghệ thuật của thời đại. Theo dòng văn học của Bích Thu lại tập trung nói về những dấu hiệu đổi mới của văn xuôi sau 1975 qua hệ thống môtip, chủ đề. Trong bài "Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975", tác giả nhận định: “truyện ngắn đã bộc lộ tư duy nghệ thuật tổng hợp, vận động và phát triển phù hợp với bản chất của văn học dân tộc”. Bích Thu cũng nói đến “áp lực tiểu thuyết”, đi sâu đề cập đến đổi mới kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, quan niệm về con người cá nhân,... Cuốn Văn học Việt Nam


sau 1975- những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy do Nguyễn Văn Long chủ biên dành cả một phần lớn cho văn xuôi sau 1975, trong đó có nhiều bài viết đề cập đến tiểu thuyết, truyện ngắn trong mối quan hệ với một số thể loại gần gũi. Một số bài viết khác dành sự quan tâm đến những phương diện đổi mới trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Khắc Trường.

Một số công trình đi sâu vào từng tác giả, tác phẩm cụ thể. Qua những chuyên luận cụ thể đó, chúng ta có được góc nhìn hệ thống hơn, toàn diện hơn về từng cây bút văn xuôi. Vả lại, đây đó, trong việc khắc hoạ thế giới nghệ thuật của từng tác giả, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thể loại và hiệu ứng của tương tác thể loại. Gần đây, Nhà xuất bản Giáo Dục lần lượt cho ra đời bộ sách về các tác giả lớn của văn học Việt Nam. Trong đó có các công trình: Nguyễn Minh Châu - tác giả và tác phẩm, Nguyễn Khải - Tác giả và tác phẩm. Hai công trình đã dựng lên chân dung cũng như phong cách mỗi nhà văn bằng việc tập hợp những bài viết hết sức có uy tín của nhiều nhà nghiên cứu. Các tác giả cho ta nhìn được tính quá trình trong sự nghiệp riêng của từng nhà văn. Từ đó, thấy được những bứt phá đi lên trong giai đoạn đổi mới. Cuốn Nguyễn Minh Châu – tài năng và sáng tạo nghệ thuật cũng tuyển chọn nhiều bài viết về những nỗ lực cách tân “dũng cảm rất điềm đạm” và những “cảm nhận từ thế giới nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Minh Châu”. Thế giới nghệ thuật Tạ Duy Anh cũng được nhiều người quan tâm nghiên cứu: Nguyễn Thị Hồng Giang với công trình "Tạ Duy Anh và việc làm mới tiểu thuyết", Vũ Lê Lan Hương "Thế giới nhân vật trong sáng tác Tạ Duy Anh", Vò Thị Thanh Hà "Quan niệm về con người trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh",… Nhiều tác giả, tác phẩm văn xuôi giai đoạn này dành được sự quan tâm không chỉ của giới nghiên cứu mà của rộng rãi công chúng: Bảo Ninh, Hoà Vang, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Huy Thiệp,… Nguyễn Huy Thiệp thực sự gây “bão tố” trong dư luận. Trong tạp chí, trên Internet và xôn xao giữa đời sống, đâu đâu người ta cũng bàn về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Những bài viết có trọng lượng được tập hợp trong hai cuốn Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm và dư luận. Hai tuyển tập thực sự


thể hiện tính dân chủ trong phê bình. Nhờ đó, đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta bắt gặp nhiều góc nhìn, hướng nhìn; nhiều khi đồng điệu nhưng đôi khi “lệch pha”, ngược chiều. Điều gặp nhau là đều thừa nhận tính đa dạng, tính “hai lần lạ” trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp. Qua từng nét vẽ, qua từng tác phẩm ta thấy được bức tranh rậm rạp của những yếu tố thể loại đan xen trong tác phẩm cây bút này. Một số bài viết đề cập đến các phương diện tương tác phong phú trong sáng tác của cây bút này: "Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu các truyền thuyết văn học", "Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp của T.N. Philimonova", "Tư duy tiểu thuyết và folklore hiện đại" của Hoàng Ngọc Hiến, "Lời thoại trong truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp" của Nguyễn Thị Hương,…

Một cái nhìn sâu hơn, bài bản hơn, tập trung hơn được thể hiện trong hai chuyên luận: Phong cách văn xuôi Nguyễn Khải của Tuyết Nga và Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu của Tôn Phương Lan. Hai chuyên luận đi sâu khảo sát về những phương diện để lại dấu ấn đặc sắc trong phong cách của hai cây bút văn xuôi có những bứt phá mạnh mẽ về thể loại này. Tiềm tàng trong những dấu hiệu đó là biểu hiện đa dạng, phong phú của hiện tượng tương tác thể loại.

Ngoài ra còn nhiều bài viết khác liên quan đến đề tài trên các trang mạng, trên các tạp chí chuyên ngành, trong các luận văn, luận án,… Các công trình trên là những tiền đề quan trọng cho việc đi sâu triển khai đề tài. Mỗi người một nét vẻ riêng, nhưng tất cả còn rất tản mác, thiếu tính hệ thống. Văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay vẫn đang tiếp diễn. Dưới góc độ tương tác thể loại thì đây là mảnh đất mới mẻ nhưng sẽ là miền đất hứa. Còn nhiều khoảng trống cần khám phá, còn nhiều câu hỏi cần tìm lời giải đáp. Thực sự cần một đề tài đặt vấn đề nghiên cứu một cách hệ thống về văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay dưới góc nhìn tương tác thể loại.

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU‌

Nghiên cứu thể loại và tương tác thể loại trong một giai đoạn văn học, đề tài trước hết ứng dụng các phương pháp đặc thù: phương pháp loại hình, phương pháp cấu trúc - hệ thống. Hai phương pháp nghiên cứu cơ bản này gắn bó chặt chẽ với nhau, tương hỗ cho nhau. Phương pháp loại hình được sử dụng trong việc xác định

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí