Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 20


dã; Nghĩa, nhân lộ dã) [31, tr. 166]. Đối với Mạnh Tử, Nhân Nghĩa là một cặp đôi song hành bổ trợ cho nhau, mọi biểu hiện của hành vi ứng xử xã hội đều xuất phát từ bản chất Nhân và Nghĩa, cuối cùng cũng vì mục đích Nhân Nghĩa. Như vậy, khi đi theo con đường Nghĩa, cụ thể mọi người cần phải làm những gì?

Nhỏ thì không được gian tham, trộm cắp (Như tri kỳ phi nghĩa, tu tốc dĩ hỹ – Phải biết hành vi trộm cắp là trái với Nghĩa), lớn thì không được phép giết người vô tội để được cái lợi cho dù là công lợi (Làm một việc bất nghĩa là giết một người vô tội để được thiên hạ, cả ba người (Bá Di, Y Doãn và Khổng Tử) đều không làm (Hành nhất bất Nghĩa, sát nhất bất cô, nhi đắc thiên hạ, giai bất vi dã) [30, tr. 96]. Tuy nhiên, ngược lại giết những kẻ tàn ác thì hợp Nghĩa (theo cách vua Thang đánh đuổi vua Kiệt, Vò Vương giết vua Trụ).

Đối với các mối quan hệ xã hội, mọi người phải nhận thức rò vị trí của mình để hành xử phù hợp. Nếu là kẻ dưới thì phải kính trọng người trên, như thế gọi là quý; nếu là người trên thì phải tôn trọng người dưới vì họ có tài, như thế là tôn người hiền. Người tài trí được phép điều hành người kém tài, ít học. Người kém tài ít học phải phục vụ và tôn kính người tài trí. Những quy tắc ứng xử này là điều mà mọi người trong xã hội đều thông hiểu (Thiên hạ chi thông nghĩa dã) [30, tr. 166]. Thực hiện theo đúng những quy tắc đó là giữ gìn được luân thường, giữ vững tôn ti trật tự của xã hội. Tuân Tử nói rò hơn về điều này: “Biết lấy lễ nghĩa mà thờ cha mẹ là hiếu, biết lấy lễ nghĩa mà thờ anh em là đễ, biết lấy lễ nghĩa mà thờ người trên là thuận, biết lấy lễ nghĩa mà sai người dưới là vua (cai trị được người). “Vua là người khéo hợp quần” [85, tr. 263]. Sự hợp quần chứng minh tính ưu việt, sự khác biệt giữa con người với cầm thú và các sinh vật khác. Con người dùng Nghĩa để phân biệt trên dưới nên có thể hòa hợp. Một khi đã hòa hợp, tạo thành khối thống nhất, ắt sẽ tạo ra được sức mạnh. Với sức mạnh tập thể con người có thể thắng và cai trị vạn vật [85, tr. 236]. Vì thế, con người không thể rời xa Nghĩa. Nghĩa (đối với Tuân Tử có cả Lễ, Lễ Nghĩa là một bởi sự chi phối của tôn ti luận) trở thành chất keo gắn kết các cá thể, xây nên tòa tháp vững chắc theo kiến trúc tầng bậc của xã hội quân chủ phong kiến. Giữ vững cấu trúc lý tưởng này được các nhà nho xem đó là phương


pháp duy nhất để giúp xã hội ổn định, thịnh trị. Chính vì vậy, Nghĩa được xoáy vào những trường hợp muốn khẳng định giá trị của nó trong tư thế đối trọng với Lợi. Lợi là cái biểu hiện cụ thể lòng ham muốn của con người, là mầm sinh loạn.

Nho gia cho rằng: trái ngược với Nghĩa là Lợi (tư lợi). Lợi sẽ thúc ép người ta làm những điều sai trái dẫn đến bất nghĩa. Đây là căn nguyên sinh ra loạn lạc, bất ổn của xã hội. Theo Mạnh Tử: Người mà vì Lợi trước Nghĩa sau thì tất sẽ nuôi chí tranh đoạt hết của cải của người khác (Cẩu vi hậu Nghĩa vi tiên Lợi, bất đoạt bất yếm) [30, tr. 10]). Không riêng gì Nho gia, cả Mặc gia cũng rất quan tâm đến ý nghĩa xã hội của Lợi. Mặc gia theo chủ nghĩa công lợi mà cho rằng: “Nghĩa là làm điều lợi”, “Nghĩa là tâm chí xem thiên hạ đáng yêu và có thể làm lợi và tốt cho thiên hạ, dù thiên hạ không cần ta làm điều nghĩa” [dẫn lại 79, tr. 345]. Tuy xuất phát từ quan niệm về đạo đức và phương pháp làm chính trị khác nhau nhưng cả hai phái Nho, Mặc đều thống nhất: Nghĩa thuộc về lý trí, nhận thức về lẽ đúng sai (vì người là đúng), Nghĩa là vật báu, là công cụ cần thiết để gây dựng đạo đức, lập nên xã hội ổn định; còn Lợi là nhu cầu bản năng cần thiết cho việc duy trì sinh tồn và cả hai đều không đặt Lợi (công lợi) đối lập với Nghĩa. Nghĩa là lý trí kiểm soát sự ham muốn là Lợi, giúp con người tránh phạm điều Nhân. Khổng Tử bảo: Khi thấy Lợi thì phải nghĩ đến Nghĩa (Kiến đắc tư nghĩa). Mặc gia cho rằng: “Đã cân nhắc đúng mà ham muốn, thì ham muốn là lợi; đã cân nhắc không đúng mà ham muốn, thì ham muốn là hại” [dẫn lại 79, tr. 344]. Nghĩa và Lợi thống nhất với nhau trong nội dung vì người, vì đời mà hành xử.

Quan niệm về Nghĩa và Lợi như thế, theo chúng tôi đó không chỉ là nội dung tư tưởng riêng của các phái Nho, Mặc. Cách xây dựng nhân vật, cốt truyện trong những câu chuyện cổ tích luôn đưa đến kết thúc có hậu, người thiện luôn gặp lành, kẻ ác luôn gặp dữ hay sự hành hiệp giúp đời của các hiệp sĩ ở khắp các quốc gia trên thế giới cho thấy Nghĩa không phải là “sản phẩm” riêng của người Trung Quốc mà là quy tắc hành xử chung của nhân loại.

Ở Việt Nam, trước khi Nho giáo thâm nhập và có những ảnh hưởng mạnh mẽ vào đời sống văn hóa bản địa, người Việt đã sống với một chữ Nghĩa bản năng của


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

mình. Thi Sách đã đứng lên chống ách đô hộ phương Bắc nhưng thất bại, nhận lấy cái chết. Tiếp nối tinh thần vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vợ của Thi Sách, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã nhận lấy trách nhiệm nêu cao ngọn cờ trả thù nhà, đền nợ nước. Trưng Trắc đã làm điều mà sau này Nho giáo định danh là Nghĩa vợ chồng và đại Nghĩa vì dân, vì nước. Trong dân gian có câu chuyện cổ tích Thánh Gióng, nếu tách chi tiết siêu thực, nhìn ở góc độ tư tưởng, nổi lên nội dung ca ngợi tinh thần vì Nghĩa lớn, dù tuổi nhỏ nhưng chàng Gióng đã ý thức được trách nhiệm giúp đời và quyết tâm nhận lấy trách nhiệm đó. Hiện thực hơn là nhân vật Thạch Sanh trong câu chuyện Thạch Sanh Lý Thông. Thạch Sanh, một thanh niên lao động thật thà chất phác, trong mọi tình huống đương đầu với nguy hiểm luôn vì người khác mà hành động. Vì người anh em, Thạch Sanh đã giúp Lý Thông không một mảy may suy tính; vì người gặp nạn, chàng đã cứu giúp công chúa dù thân phải chịu thiệt... Chắc hẳn, Thạch Sanh chưa bao giờ nghe đến câu “Xả thân thủ nghĩa” mà Mạnh Tử đã phát biểu. Sống và hành động vì người khác là bản tính thiện của con người có ở khắp nơi, được mọi dân tộc trân trọng và phát huy. Tuy nhiên, Nho giáo dùng đạo đức để làm chính trị, dùng một hệ thống lý lẽ chặt chẽ để biện giải cho các hành vi vì người và được các nhà cầm quyền phong kiến vận dụng như một hệ thống lý luận chính trị, thể chế hóa qua luật pháp đã tạo nên tầm phổ quát, bao phủ những ý nghĩa ban sơ, tự phát của những hành vi cao đẹp vốn có của người dân lao động. Nghĩa Nho giáo đã giúp Nghĩa của người dân vững chắc về mặt lý lẽ, tự giác về mục đích hành động. Nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã ý thức rất rò về việc làm của mình: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” [17, tr. 149].

Từ những hành động Nghĩa mang tính tự phát của Thạch Sanh đến ý thức tự giác hành động giúp đời, lưu danh của chàng trai Lục Vân Tiên là kết quả của một quá trình tiếp nhận và dung hợp Nho giáo của người dân Việt. Họ vừa hành động theo bản chất hiếu (háo) Nghĩa vừa “ít nhiều lái về phía phong kiến” [50, tr. 276] đi theo guồng xoáy chung. Ưu thế lãnh đạo đã khiến tư tưởng của giai cấp cầm quyền có sức lôi kéo, chi phối các tư tưởng khác. Đồng thời, bản thân chữ Nghĩa của Nho

Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 20


giáo có nhiều yếu tố nhân văn rất phù hợp với chữ Nghĩa của người Việt. Cùng với sự tinh nhạy, vận dụng uyển chuyển của các nhà cầm quyền, tầng lớp trí thức Nho sĩ cấp tiến, các yếu tố phi bình dân đã được người dân tiếp nhận theo cách thấm dần để sản sinh cho đời những người con nghĩa dũng như các chàng trai trong truyện Lục Vân Tiên. Họ xứng đáng với những tiêu chí về người “nghĩa phu” được nêu ra trong Thực lục chính biên. Tất cả gồm sáu điều:

(1) Hoặc làm người không tham, như thấy của không lấy, thấy lợi không ham, bắt được vàng trả lại cho chủ.

(2) Hoặc hay giúp đỡ người, như thấy rét cho áo, thấy nghèo cho gạo, gặp việc gì chu cấp không sẻn tiếc và không có lòng mong báo đáp.

(3) Hoặc cứu kẻ hoạn nạn, nói một câu mà gỡ rối cho người, làm một việc mà cứu nạn cho người, lâm nguy vẫn khẳng khái, thấy việc nghĩa làm ngay.

(4) Hoặc báo ân cho chủ nhà, nuôi trẻ mồ côi, giúp người khi nguy cấp, gian nan không tránh.

(5) Hoặc hòa thuận với anh em, một lòng yêu mến nhau, người ngoài ai cũng cho là đẹp, chung của chung tiền, không giành riêng, hòa mục kính nhường thành nếp.

(6) Hoặc đánh đổ cường hào, làm điều nghĩa đủ để khiến người ta phục, làm cho cường hào phải sợ, đè nén nổi cường hào để chúng khỏi phá hoại xóm làng [dẫn lại 50, tr. 277].

Nội dung của sáu điều tập trung vào việc kêu gọi người dân sống không tham lam vụ lợi, biết tương thân tương ái, sống hòa mục và đặc biệt khuyến khích trấn áp những kẻ ỷ thế, cậy quyền đã nêu cao tinh thần nghĩa khí, cộng với hình thức tưởng thưởng tạo nên sự thống nhất tuyệt đối giữa tư tưởng phong kiến và bình dân. Nghĩa của người dân đã có phương hướng rò ràng, kết hợp với tình yêu thương, ý thức tương trợ, hy sinh cho nhau vốn là bản sắc của người Việt, đã làm cho ý nghĩa của những hành động nghĩa hiệp trở nên cao đẹp và lý tưởng. Trần Văn Giàu kết luận về chữ Nghĩa của người dân: “Tôi dùng chữ nghĩa là điều phải, đối chọi với điều trái.


Vì Nghĩa làm điều phải một cách có ý thức, chống điều trái. Nghĩa cũng là tình cảm gắn bó với người trong sinh hoạt gia đình, xã hội, dân tộc, cho đến quốc tế. Theo nội dung ấy, nghĩa là một sức mạnh tinh thần có thể khuyến khích, thúc giục, chỉ thị cho người ta hành động trên hướng tốt đẹp, cho dù làm việc nghĩa mình chẳng được lợi riêng gì, mà lắm khi bị thiệt hại” [50, tr. 270]. Chữ Nghĩa ở đây mang nội dung tiến bộ hơn so với chữ Nghĩa của Nho giáo được gián tiếp quy định trong nội dung của một số điều luật. Các điều luật quy định về tội bất nghĩa trong hai bộ luật lớn, Luật Hồng Đức Luật Gia Long có nội dung như sau: “Bất nghĩa là giết quan bản phủ, quan ty tại nhiệm, giết thầy dạy học, kẻ hạ thuộc giết quan trưởng bản bộ. Nghe chồng chết không khóc thương, gầy cuộc vui, ăn mặc đồ lành và cải giá” [130, tr. 35]. Hình phạt cho tội bất nghĩa là xử tử. Nội dung quy định về tội bất nghĩa trong các bộ luật đã cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo. Những hành vi mang tính phạm thượng: dân đối với quan, học trò đối với thầy, vợ đối với chồng đều cho là bất nghĩa, không có quy định ngược lại vì con, dân, học trò, vợ là những kẻ dưới luôn phải phụ thuộc vào người trên, thuận theo lẽ này là Nghĩa, còn ngược lại là bất nghĩa. Hành vi bất nghĩa sẽ làm lung lay vị trí của cương thường, gây ra tình trạng loạn nghịch, bất đạo, ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, chính trị xã hội nên phải xử phạt nặng nhằm vừa răn trị vừa trấn áp. Mục đích cuối cùng của điều luật là bảo vệ quyền lợi giai cấp, giá đỡ vững chắc cho sự thiên lệch của các mối quan hệ một chiều trên sai khiến dưới, dưới phục tùng trên. Sự uyển chuyển trong những quy định thực tế so với các điều luật vốn bị chi phối của triết lý tôn ti luận Nho giáo đã khẳng định giá trị thực tế của chữ Nghĩa mà người dân nhìn thấy được. Họ lên tiếng răn đe: “Có nghĩa có tình, có mình có ta, còn như bạc ác tinh ma, trôi sông dạt chợ để ai mà vùi cho” [76, tr. 673].

Chữ Nghĩa của người Việt đã trở nên phổ biến trong những hành vi cư xử mang tính xã hội với ý nghĩa cao đẹp, luôn vì người khác mà hành động. Trong số các chuẩn mực Đạo lý luân thường, chữ Nghĩa được đề cập nhiều nhất, khi chúng tôi khảo sát 12.487 bài ca dao, có 497 bài nói về Nghĩa (tỉ lệ 3,98 %), trong 15.331 câu tục ngữ thì có 31 câu đề cập đến Nghĩa (tỉ lệ 0,202%) trong khi những trường


hợp khác là Trung, Hiếu, Nhân... được đề cập ít hơn (Phụ lục, tr. 3). Sự chênh lệch này phản ánh một thực tế: người dân Việt đã rất chú trọng đến việc nêu cao phẩm chất cao đẹp sống vì người, vì cái lợi chung của cộng đồng. Thông qua đó, họ cũng mong muốn gây dựng, duy trì nó trong quan niệm và nhân cách sống của từng cá nhân cũng như cộng đồng. Vì lý do đó, trong lời ăn tiếng nói của họ, Nghĩa chỉ xuất hiện với nội hàm ngợi ca, toát lên sự trân trọng, hướng đến mục đích giáo huấn. Người dân bảo rằng: “Sông sâu nước chảy đá mòn/ Của kia ăn hết, nghĩa còn ghi xương” [75, tr. 2025]. Thường ngày, họ vẫn dùng một câu nói ngắn gọn và hình tượng: “Đường mòn ân nghĩa không mòn”. Trong tư duy mộc mạc, đơn giản nhưng thực tế của họ, Nghĩa là một tài sản vô giá, không thể đong đo hay đem ra đối trọng với những cái lợi về vật chất: “Ơn nghĩa mắc hơn mua”. Nghĩa mang giá trị về mặt tinh thần, hướng đến mục đích chung, tạo nên phẩm chất cao đẹp cho cá nhân, giúp xây nên những tập tục tốt đẹp cho cộng đồng. Ý nghĩa này đã làm cho Nghĩa trở thành viên ngọc quý nhất trong những viên ngọc quý mà người dân Việt luôn trân trọng giữ gìn trong mọi hoàn cảnh.

Ngay cả trong điều kiện xã hội phong kiến vốn xem trọng con trai: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, người dân vẫn cho rằng: “Trai mà chi gái mà chi/ Sinh ra có nghĩa nghì là hơn” [74, tr. 1094]; tục ngữ có câu: “Gái có nghĩa ân hơn nam nhân bội bạc” [76, tr. 1185]. Người dân đã lờ đi những quan niệm hủ lậu của xã hội để tỏ ý trọng Nghĩa dù rằng quan niệm phong kiến “trọng nam khinh nữ” đã chi phối nhiều mặt xã hội và đã ảnh hưởng sâu sắc vào một số phong tục, tập quán của người Việt cho đến ngày nay vẫn còn. Thậm chí đối với xã hội phong kiến, gia đình có nhiều con là phúc. Cả Nho giáo và chế độ phong kiến luôn khuyến khích sinh nhiều con, đặc biệt là con trai, thì người dân vẫn giữ chính kiến của mình. Họ bảo rằng: “Mười làm chi một làm chi/ Sinh ra có nghĩa có nghì thời hơn” [74, tr. 1588]. Đây là một quan niệm hết sức tiến bộ, nhìn nhận giá trị bản chất cao hơn những giá trị hình thức vốn đã tiêm nhiễm vào xã hội phong kiến. Nhận thức của người dân đã vượt hẳn thời đại, tô đậm thêm giá trị tinh thần mà Nghĩa mang lại. Điều này thể hiện phẩm chất cốt lòi của dân tộc Việt là trọng Nghĩa, quý Nghĩa, đặc biệt là Nghĩa


đối với cộng đồng, theo cách họ tuyên bố: “Người dưng có ngãi thì đãi người dưng/ Anh em vô ngãi thì đừng anh em” [75, tr. 1642]. Nghĩa là tài sản vô giá và trường tồn: “Vàng tiêu lâu cũng hết, nghĩa đến chết hãy còn” [77, tr. 2840].

Chính vì tình cảm dành cho chữ Nghĩa quá lớn nên khi đời sống thực tế xuất hiện những hiện tượng bội nghĩa, bạc nghĩa vì vật chất và danh vọng, người dân tỏ rò thái độ kịch liệt phê phán: “Anh em gạo, đạo nghĩa tiền”. Đối với một số người, Nghĩa không xuất phát từ tình cảm, sự cảm thông và chấp nhận hy sinh, họ có những thu vén làm sao mang đến cái lợi cho mình. Quan hệ giữa người với người trở nên thực dụng hơn: “Ngãi đoạn thân sơ chỉ vị tiền” [77, tr. 1957]. Giá trị tinh thần và đạo đức của Nghĩa đã bị cái lợi về vật chất đánh bại bởi một số người không thể kiên định theo tuyên ngôn: “Ăn không cần no, ở không cần an” của Nho giáo, lúc này đã biến thành những giáo điều xa rời thực tế, bởi hiện thực xã hội khi nói về chữ Trung chúng tôi đã giới thiệu và nhà nho Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng chua xót mỉa mai: “Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười/ Có của thì hơn hết mọi lời” [65, tr. 165]. Vì Lợi, người đời có những hành xử trâng tráo và đua theo những quan niệm sống bạc bẽo. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thử cân đong Nghĩa và Lợi: “Người, của lấy cân ta thử nhắc/ Mới hay rằng của nặng hơn người” [65, tr. 165].

Một chế độ chính trị thối nát, một bộ máy quan lại bất tài, tham ô đã lèo lái xã hội phong kiến Việt Nam đi đến chỗ phản động, suy vi, gây ra cảnh loạn lạc đói kém. Hoàn cảnh đó đã đẩy “hệ tư tưởng chính thống của nó không còn là chân lý duy nhất, không còn là một sức mạnh vô địch nữa” [158, tr. 185], buộc người dân phải rời xa những giá trị tinh thần cao đẹp mà giờ đã trở nên viển vông, thiếu thực tế, đẩy họ vào thế phải chọn lựa: “Khó thì hết thảo hết ngay/ Công cha cũng bỏ, nghĩa thầy cũng quên”. Lúc này “Nhân bằng cái đĩa, nghĩa bằng con ruồi”... Hoàn cảnh khách quan đã buộc trong một tích tắc người dân đã phải rẽ sang con đường “trái Đạo”. Tuy nhiên, những phản ứng nhất thời đó xảy ra bởi sự bức bách của hoàn cảnh, sâu thẳm trong suy nghĩ của người dân, lẽ phải đưa đến những hành xử đúng đắn luôn là điều họ đau đáu. Đằng sau những phát biểu có tính tiêu cực của họ, chúng tôi thấy một nỗi niềm tiếc nuối, tự trách ẩn sâu trong đáy lòng họ. Từ cách


mỉa mai “Anh em gạo, đạo nghĩa tiền”, chê trách “Tiền tài phá nhân nghĩa” đến nỗi ngậm ngùi “Tiền tài tận, nhân nghĩa vong”… cho thấy người Việt vẫn canh cánh trong lòng một lối sống, một phẩm chất đạo đức đúng theo Nghĩa cần được nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy trong mọi hoàn cảnh vì một lẽ ngoài tính nhân văn, Nghĩa còn là một trong những phẩm chất mang tính thiện tự nhiên và sẵn có trong mỗi sinh vật, trong đó có con người. Người dân tự vấn: “Ong kiến còn có vua tôi/ Huống chi loài người, chẳng có nghĩa dư? [75, tr. 1841].

Suy nghĩ này một mặt chịu ảnh hưởng của thuyết tôn ti Nho giáo, mặt khác, về nguồn cội sâu xa nó xuất phát từ ý thức cộng đồng, hướng đến sự đoàn kết, thống nhất tạo nên một xã hội hòa mục: “Tranh quyền cướp nước gì đây/ Coi nhau như bát nước đầy là hơn” [75, tr. 2344]. Nguyễn Trãi cũng đã dung hợp hai chữ Nghĩa trong quy tắc ứng xử của mình:

Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền Cành bắc cành nam một cội nên

Điền địa chờ tham hơn bỏ ải, Nhân luân mựa lấy dưới làm trên.

[149, tr. 80]

Chữ Nghĩa vua tôi trong bài ca dao là kết quả của quá trình chọn lựa tiếp biến vào một giai đoạn lịch sử chế độ phong kiến đại diện cho quyền lợi của cả dân tộc, Nghĩa với vua thống nhất Nghĩa với nước thì việc ý thức cư xử phải đạo vua tôi là Đạo lý tự nhiên và trở thành lý tưởng sống. Người dân bảo rằng: “Vua tôi sẵn có nghĩa dày” [75, tr. 2448]. Nghĩa vua tôi có nguồn gốc xa xưa, được bồi đắp theo chiều dài lịch sử và được sự bổ sung từ tư tưởng ngoại lai – Nho giáo. Về hiện tượng, Nghĩa vua tôi là sự tiếp nhận Nghĩa Nho giáo và mang tính lịch sử, nhưng về bản chất, Nghĩa vua tôi là một cách cụ thể hóa những hành vi vì cộng đồng, dân tộc trong những giai đoạn lịch sử nhất định, nằm trong một hệ thống quy định phép tắc hành xử chung của xã hội, được người dân xác định qua từng mối quan hệ: vua – tôi, cha (mẹ) – con, thầy – trò, vợ – chồng, anh – em, bạn bè. Trong mỗi mối quan hệ, khái niệm Nghĩa có vai trò là lý lẽ dẫn dắt cho các đức tính: tôi trung với vua, con

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/07/2022