Người Dao Tuyển Ở Lào Cai Có Một Kho Tàng Thơ Ca Dân Gian Khá Phong Phú, Phản Ánh Một Cách Chân Thực Hiện Thực Đời Sống, Tư Tưởng Tình Cảm, Phong Tục


Bên nữ hát:

Gà trống vỗ cánh thì lại kêu.

Năm canh, cửa trời đã sáng tỏ [12, tr.14].


Trồng cây hoa nở chưa kết trái. Chưa đến trùng dương gà đã gáy. Đêm ngắn ngày dài sao đã xa.

Một tiếng gà than lệ mười dòng.

Bên nam dùng dằng chia tay:

Lời anh nghẹn ngào không thành câu Lòng anh đau như cắt từng khúc ruột Đành phải chia tay em ở đây [51, tr.50].

Khi ra về các chàng trai, cô gái còn lưu luyến tặng vòng cổ, vòng tay cho nhau quyến luyến, hẹn thề. Chia tay dọc đường, nam hát:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 122 trang tài liệu này.

Dù có quay về nơi ta ở

Lương tâm vẫn nhớ hội hát này.

Thơ ca dân gian của người dao tuyển ở Lào Cai - 13

Nữ hát, tiếng hát lưu luyến chưa muốn rời:

Anh có lương tâm đặt vòng tay

Hẹn ước từ đây ta nhớ nhau [12, tr.15].

Trai ra về, gái dấu túi như chưa muốn chia tay. Nam phải hát xin thật hay, thật giỏi mới được trả túi ra về. Nhờ cuộc hát hội đầu xuân này mà bao đôi trai gái người Dao Tuyển ở Lào Cai đã nên duyên vợ chồng.

* Hát qua làng

Người Dao Tuyển có phong tục đẹp, khi có chàng trai hoặc cô gái qua làng, nghỉ tại làng thì các chàng trai (hoặc các cô gái) đều tổ chức hát qua làng. Đây là một biểu hiện của hình thức hát có lề lối có tổ chức trong sinh hoạt văn hoá của người Dao. Cuộc hát thường diễn ra vào buổi tối, địa điểm hát là ngôi nhà khách nghỉ trọ. Thanh niên trong làng trước khi vào nhà phải đứng ngoài cửa hát bài hát chúc gia chủ: “đất hiền lành, người tốt bụng, lúa ngô nhiều, khoai sắn lắm” và tiếp sau đó hát bài hát hỏi:

Đi làm nương nghe tin con kiến mách Khi tắm suối lại thấy con cá kêu

Về đến làng, người già bảo nhà ông Có người thân đến chơi

Tin đó đúng hay không đúng?

Sau khi khách hát bài hát hỏi xong, chủ nhà phải hát đáp: “Tin đồn do con kiến, con cá đưa đến đúng. Có cô em đến chơi xin mời vào nhà”. Vào trong nhà, chủ nhà rải chiếu ngồi hát đối đáp với khách. Mở đầu cuộc hát, các chàng trai hát hỏi thăm quê quán, mục đích đến thăm làng…lời hát mộc mạc, phong phú với nội dung ướm hỏi, làm quen thể hiện sự thiết tha hiếu khách của chủ nhà. Cô gái khéo léo hát đáp một cách chân tình, tế nhị:

Đi qua làng thấy người tốt em muốn dừng chân Thấy con suối trong, bóng cây mát em muốn nghỉ

Thấy người giỏi cày cuốc, chăm dệt vải em muốn học

Sau đó, các chàng trai phải hát khen:

Khách đến chơi làng như mặt trời chiếu sáng Bạn bốn phương sum họp nơi đây.

Trà dẫu không ngon, khách nên uống ngụm

Lời hát dẫu chưa hay, vẫn mời khách nghe [51, tr.51].

Cứ thế, cuộc hát diễn ra mỗi lúc một sôi nổi, càng lúc càng gần gũi hơn với những câu hát dường như không dứt. Đến sáng cuộc hát mới tan. Thanh niên trong làng cảm ơn chủ nhà và khách đã nhiệt tình tiếp đón, các chàng trai, cô gái quyến luyến tặng quà cho nhau. Sau cuộc hát này, nhiều đôi nam nữ đã nên vợ nên chồng.

* Hát xin cốm

Hàng năm, vào tháng 9 âm lịch, các làng người Dao Tuyển ở Lào Cai thường tổ chức giã cốm ăn tết Trùng dương (tết mừng lúa mới). Đây cũng là một dịp để nam nữ tổ chức hát giao duyên dưới hình thức hát xin cốm. Hát xin cốm là hình thức hát có lề lối, tổ chức, bởi nó có những quy định về thời gian, địa điểm, cách thức tiến hành. Về nội dung cũng có phần hát nghi thức: Chào hỏi chủ nhà, chúc sức khoẻ chúc tết Trùng dương.

Theo nhà nghiên cứu – Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, vào buổi tối ngày 8 tháng 9, trong khi các cô gái làm cốm, các chàng trai làng bên đan một số sọt, bên trong đựng một số cành cây xấu hổ (biểu tượng xấu hổ) và củ khoai sọ (biểu tượng cho sự cảm ơn). Vì vậy, chiếc rọ xin cốm vừa có ý nghĩa xấu hổ, vừa có ý nghĩa cảm ơn. Các chàng trai buộc dây và thả rọ vào đầu hồi bếp rồi hát:

Cuối thu se se gió lạnh Mùi thơm theo gió lan xa Bướm ong mở to đôi mắt

Bay tan đến hội Trùng dương [51, tr.52].

Nghe những lời hát ấy, các cô gái hát mời chàng trai vào nhà, nhưng các chàng trai đều lấy lá che kín mặt, không vào nhà chủ hát. Các cô gái vừa tổ chức, vừa rình bắt các chàng trai vào nhà. Cuối cùng, các chàng trai cũng vào nhà cùng các cô gái và hát đối đáp. Hát xong phần nghi thức, họ hát sang phần trao đổi tình cảm, tình yêu. Cuộc hát diễn ra thâu đêm, đến tận sáng hôm sau các chàng trai, cô gái hát bài chia tay, hẹn gặp nhau ở nơi khác, nguyện ước thành vợ chồng. Các cuộc hát giao duyên chỉ được hát giữa trai làng này

với gái làng khác. Nghiêm cấm các hiện tượng hát cùng làng hoặc cùng họ hàng hát giao duyên, bởi ngoài việc thi tài, hát đối đáp giao duyên thường để làm quen, tìm hiểu và trai gái bày tỏ tình cảm yêu đương.

*Tiểu kết

Giá trị của thơ ca dân gian người Dao Tuyển ở Lào Cai được thể hiện trên nhiều phương diện nghệ thuật. Trong luận văn, người viết đã làm rõ một số phương diện tiêu biểu: thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, một số biện pháp nghệ thuật biểu hiện so sánh tu từ, ẩn dụ tu từ và giới thiệu một số hình thức diễn xướng tiêu biểu trong thơ ca dân gian người Dao Tuyển ở Lào Cai.

Thời gian nghệ thuật trong thơ ca dân gian người Dao Tuyển ở Lào Cai là một hình tượng nghệ thuật sống động gắn liền với việc bộc lộ tâm trạng của chủ thể trữ tình, thể hiện các cung bậc tình cảm, biểu đạt các trạng thái tâm hồn của con người. Đó là thời gian hiện tại diễn xướng và thời gian hiện thực. Tìm hiểu thời gian nghệ thuật trong thơ ca dân gian người Dao Tuyển ở Lào Cai không những giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn nội dung tác phẩm mà còn giúp chúng ta có cái nhìn về một phương diện sáng tạo mang đặc trưng thể loại: Nếu thời gian trong sử thi mang tính khái quát, thời gian trong cổ tích có tính chất hoang đường phiếm chỉ, thời gian trong truyền thuyết lịch sử mang tính chất quá khứ xác định thì thời gian trong thơ ca dân gian là một phương tiện biểu đạt các trạng thái tâm hồn của con người.Không gian nghệ thuật trong thơ ca dân gian người Dao Tuyển là một phương tiện để chủ thể trữ tình bộc lộ tâm trạng. Đó là không gian thiên nhiên đa sắc màu, là không gian sinh hoạt gần gũi với cuộc sống của đồng bào, đồng thời còn là không gian siêu nhiên mang dáng vẻ huyền bí biểu hiện quan niệm về tâm linh, tín ngưỡng của người Dao Tuyển.

Bên cạnh đó, nhờ những biện pháp nghệ thuật biểu hiện như so sánh tu từ, ẩn dụ tu từ mà chúng ta hiểu rõ hơn đời sống tinh thần, tâm hồn phong phú nhạy cảm, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của một tộc người thiểu số ở vùng

biên ải này. Thơ ca dân gian người Dao Tuyển ở Lào Cai được diễn xướng dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong luận văn, người viết đã giới thiệu một số hình thức diễn xướng thơ ca dân gian tiêu biểu của người Dao Tuyển: diễn xướng thơ ca trong đám cưới, diễn xướng thơ ca trong tang lễ, diễn xướng thơ ca giao duyên (hát hội đầu xuân, hát qua làng, hát xin cốm). Điều đó chứng tỏ rằng: thơ ca dân gian của người Dao Tuyển ở Lào Cai gắn bó mật thiết với các mặt sinh hoạt của nhân dân, sinh hoạt lao động sản xuất, sinh hoạt nghi lễ phong tục, sinh hoạt gia đình và xã hội.

KẾT LUẬN


Thơ ca dân gian là một thể loại tiêu biểu, là di sản văn hoá phi vật thể có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của tộc người Dao Tuyển ở Lào Cai. Thơ ca dân gian người Dao Tuyển đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian dân tộc Dao nói riêng, kho tàng thơ ca dân gian các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung. Bàn về thơ ca dân gian Dao, từ trước đến nay đã có không ít công trình nghiên cứu đề cập đến. Tuy nhiên, bàn về thơ ca dân gian người Dao Tuyển thì con số ấy không hẳn là nhiều. Được sự giúp đỡ tận tình của các thầy giáo, cô giáo, các nhà nghiên cứu, chúng tôi tiếp nối cuộc hành trình của những người đi trước bằng việc tìm hiểu Thơ ca dân gian người Dao Tuyển ở Lao Cai. Chúng tôi xác định, đây là vấn đề khá rộng, đòi hỏi phải có thời gian và công sức nghiên cứu lâu dài. Tuy nhiên, qua bước đầu nghiên cứu, chúng tôi xin phép được đưa ra một vài kết luận như sau:

1. Người Dao Tuyển ở Lào Cai có một kho tàng thơ ca dân gian khá phong phú, phản ánh một cách chân thực hiện thực đời sống, tư tưởng tình cảm, phong tục tập quán, tín ngưỡng của con người.

Thơ ca giao duyên phản ánh một cách sinh động về hiện thực cuộc sống, biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng tính cách của người Dao Tuyển. Đặc biệt là mảng đề tài về tình yêu lứa đôi. Tình yêu lứa đôi ở đây được thể hiện với đầy đủ các cung bậc, các sắc thái tình cảm: có niềm vui trong buổi đầu gặp gỡ, có nỗi nhớ khi xa cách, có nỗi buồn đau, đắng cay khi tình yêu tan vỡ…như thơ ca giao duyên của các dân tộc anh em khác. Tuy nhiên, những câu hát, bài hát giao duyên của người Dao Tuyển về tình yêu lứa đôi vẫn mang những nét bản sắc riêng, độc đáo. Điều này xuất phát từ quan niệm về tình yêu của họ: Tình yêu phải mộc mạc, chân thành, phải mạnh mẽ quyết liệt. Tình yêu phải gắn liền với hôn nhân và sự thuỷ chung. Tình yêu phải gắn liền với lao động sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc ấm no, bản làng giàu đẹp.

Qua thơ ca giao duyên chúng ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của tộc người Dao Tuyển - những con người luôn lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống, luôn coi trọng đạo đức luân lí, sống chân thành phóng khoáng và mạnh mẽ.

Thơ ca nghi lễ, phong tục của người Dao Tuyển ở Lào Cai khá phong phú với nhiều tiểu loại khác nhau: thơ ca trong lễ đặt tên con, thơ ca trong lễ cấp sắc, thơ ca trong lễ cưới, thơ ca trong tang lễ, thơ ca trong lễ gọi hồn lúa, cúng thần nông…Các tiểu loại ấy là tấm gương phản chiếu đời sống phong tục, tập quán tín ngưỡng của con người với một quan niệm nhân sinh sâu sắc.

Thơ ca dân gian người Dao Tuyển không chỉ đề cập đến những nghi lễ tập tục, những cuộc hát giao duyên ướm hỏi tình tứ ... tác giả dân gian còn thấu hiểu đến cả những cảnh đời bất hạnh, đó là những bài hát than thân cho những kiếp mồ côi nghèo khổ, cơ cực, bị đối xử nghiệt ngã. Những người sống trong hoàn cảnh ấy, hát những bài hát hợp với mình để giãi bày những nỗi lòng trống vắng, đơn côi, hát cho vơi đi nỗi khổ đau cơ cực, hát để hi vọng sự thương cảm, an ủi, che chở của cộng đồng. Vì vậy, tiếng hát mồ côi của người Dao Tuyển tràn đầy tư tưởng nhân đạo và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

2. Thơ ca dân gian người Dao Tuyển như một dòng suối ngọt ngào hoà vào dòng chung văn hoá văn nghệ của đồng bào Dao, góp phần làm cho con người đẹp lên cả về nhân cách và tài năng, khơi dậy niềm vui trong cuộc sống lao động sản xuất. Thơ ca dân gian người Dao Tuyển là sự chắt lọc những gì tinh tuý nhất trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của đồng bào Dao Tuyển. Nó chứa đựng những giá trị nghệ thuật độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc qua lối nói so sánh ví von, ẩn dụ. Thơ ca dân gian người Dao Tuyển sử dụng chất liệu quen thuộc, gắn bó với cuộc sống của con người miền núi: thời gian, không gian… những phương diện diễn tả và biểu hiện ấy góp phần soi rọi những phẩm chất cao quý, đáng được trân trọng, ngợi ca của tộc người thiểu số ở

vùng biên ải này. Thơ ca dân gian của người Dao Tuyển ở Lào Cai có thể được diễn xướng trong các lễ hội dân gian, trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, trên đường đi, khi khánh thành những ngôi nhà mới, khi lại thu hút cả bản làng vào những cuộc hát giao duyên kéo dài tới thâu đêm, suốt sáng…Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng sinh hoạt thơ ca dân gian giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của người Dao Tuyển ở Lào Cai.

3. Thơ ca dân gian người Dao Tuyển ở Lào Cai là một nguồn tư liệu quí, phản ánh đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá của người Dao Tuyển. Kho tàng thơ ca dân gian ấy chứa đựng những tri thức về nhiều mặt như lịch sử, địa lí, dân tộc học…và có giá trị văn học nghệ thuật vô cùng độc đáo đòi hỏi phải tiếp tục được bảo tồn và phát huy.

Xem tất cả 122 trang.

Ngày đăng: 15/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí