Người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ mà lại có cách xưng tên “Này của Xuân Hương” thì thật là táo bạo mà không kém phần tế nhị, duyên dáng, đậm nữ tính:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi Này của Xuân Hương đã quệt rồi Có phải duyên nhau thì thắm lại Đừng xanh như lá bạc như vôi
(Mời trầu)
Trong bài thơ, cách mời trầu của Hồ Xuân Hương thật độc đáo và khác biệt. Hình ảnh “quả cau nho nhỏ” lại đi liền với “miếng trầu hôi” nhưng Xuân Hương không hề thấy ngại ngùng, xấu hổvới một sản phẩm hèn mọn như thế. Bà đã thật tự tin và táo bạo mời trầu “Này của Xuân Hương”. Ở đây bà đã xác định được chủ thể của miếng trầu một cách rõ ràng tạo nên sự chú ý đặc biệt với người được mời. Miếng trầu này có thể không ngon nhưng nó là cả tấm lòng của Xuân Hương gửi vào trong đó. Lời mời như tha thiết, như mời gọi, như khẳng định. Miếng trầu của Xuân Hương mang ý nghĩa cá thể hóa. Nó thể hiện sự hồn nhiên, táo bạo, tự tin và kiêu hãnh nhưng khiêm nhường của con người Hồ Xuân Hương.
Những người có học luôn được xã hội trọng vọng và coi trọng. Nhưng Hồ Xuân Hương đã lớn tiếng mỉa mai, đả kích những người có học mà kì thực đó là cả một lũ dốt nát, vô đạo đức nhưng bên ngoài lại luôn huyênh hoang, khoe mẽ, hợm hĩnh. Bà đã dựng lên trong thơ mình bức chân dung của bọn hiền nhân quân tử thật đáng cười. Bà đã xưng “chị” với bọn chúng và gọi chúng là “lũ ngẩn ngơ”, “phường lòi tói”. Chính cách xưng hô ấy đã đẩy những kẻ đang kiêu căng trên chín tầng mây xuống dưới bùn đen:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ Lại đây nghe chị dạy làm thơ Ong non ngứa nọc châm hoa rữa Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa
( Lũ ngẩn ngơ )
Trong thơ Hồ Xuân Hương, quân tử thì lén lút, học trò thì dốt nát, còn phụ nữ thì lại rất mực thông minh. Thế nhưng người phụ nữ lại bị đẩy xuống hàng thứ yếu, bị coi thường, không có quyền lợi, không có tiếng nói nhưng Hồ Xuân Hương đã khẳng định tài năng, cá tính của họ không kém gì nam giới. Bà như một người chị kiêu hãnh đứng từ xa nhìn lũ ngẩn ngơ mà phải bật cười. Không còn là “em” hay là “thiếp” mà là “chị” và “dạy làm thơ”. Đó là một sự đổi ngôi đáng ngạc nhiên, vừa hạ thấp đối tượng, vừa nâng mình lên cao. Chữ “chị” đã phân biệt Hồ Xuân Hương với “lũ ngẩn ngơ” kia. Bà muốn dạy chữ nghĩa, dạy đạo đức cho lũ học trò tỏ ra hay chữ nhưng thực ra trong đầu rỗng tuếch. Vậy nên Xuân Hương có quyền đứng trên các tu mi nam tử đó. Xuân Hương đã xưng “chị” để khẳng định vị thế, tầm vóc, bản lĩnh Hồ Xuân Hương và cũng là của phụ nữ nói chung. Khi đứng trước đền thờ tên thái thú Sầm Nghi Đống bà đã có thái độ thật khác thường: “ghé mắt trông ngang” mà không phải là ngắm, là nhìn.
Có thể bạn quan tâm!
- Hình Tượng Thiên Nhiên Mang Vẻ Đẹp Hình Thể, Trần Thế Của Người Phụ Nữ
- Hình Tượng Thiên Nhiên Mang Vẻ Đẹp Phồn Thực, Đầy Nữ Tính.
- Hệ Thống Từ Ngữ Thể Hiện Thiên Tính Nữ
- Thiên tính nữ trong thơ Nôm truyền bản của Hồ Xuân Hương - 11
- Thiên tính nữ trong thơ Nôm truyền bản của Hồ Xuân Hương - 12
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Hồ Xuân Hương thể hiện rõ mình không thua kém một trang nam nhi nào cả. Và nếu có “đổi phận làm trai” thì cái “sự anh hùng” của kẻ ngồi trong đền kia có đáng kể gì. Cách viết như trong bài Đề đền Sầm Nghi Đống thể hiện một bản lĩnh, một cá tính Hồ Xuân Hương thật mạnh mẽ, ngang tàng. Đó là nét riêng độc đáo phản ánh tính cách chính con người nhà thơ. Hơn hết qua cách xưng hô ấy ta thấy hình ảnh người phụ nữ trong thơ Xuân Hương mang một nét tính cách độc đáo và có gì thật táo bạo. Họ là những con người thật đẹp, tràn đầy sức sống, tràn đầy lòng yêu đời. Đặc biệt ở họ còn là sự khẳng định tài năng và giá trị của giới mình. Đây cũng là đóng góp mới mẻ của Hồ Xuân Hương vào tiếng nói nhân văn cao cả của một nhà thơ sống trong xã hội phong kiến.
Còn tự tin, táo bạo hơn nữa khi Hồ Xuân Hương xưng “tôi”: Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngoáy ngó lỗ chôn tôi
(Ốc nhồi)
Xét về bình diện sự sống, nam nữ là không phân chia, càng không có cấp bậc, hoàn toàn ngang nhau, nhưng chỉ vì xã hội phong kiến “trọng nam kinh nữ” phân chia trên dưới đẳng cấp, kẻ thống trị, người bị trị nên người phụ nữ mới bị khinh rẻ và xem thường đến như thế. Người phụ nữ phải sống dưới quyền của người đàn ông, luôn luôn coi như chưa trưởng thành, phụ nữ là "không thể dạy được", phụ nữ là phận trong buồng, dưới nhà bếp không đi quá chuồng heo, rổ rá, tam tòng tứ đức chẳng qua cũng là phục vụ cho cho các đấng phu quân mà thôi. Thế mà Hồ Xuân Hương thì khác, ở thời đại lúc bấy giờ mà bà lên tiếng xưng “tôi” với bậc quân tử chúng tỏ rằng bà không phải loại phụ nữ “đầu buồng, xó bếp”. Cách xưng hô của bà có thể nói táo bạo vào bậc có một không hai trong thời đại lúc bấy giờ. Điều đó chứng tỏ người phụ nữ trong thơ bà hiện lên thật đẹp, tràn đầy sức sống, tràn đầy lòng yêu đời, luôn muốn khẳng định mình, khẳng định thiên tính nữ.
Như vậy, qua cách xưng hô trên cho thấy Hồ Xuân Hương đứng ở nhiều vị trí: tôi, chị, em, thân em, và cả tên Xuân Hương hết sức thiết tha, đằm thắm, giàu nữ tính. Tuy nhiên không chỉ có thế, tiếng xưng tên của Xuân Hương còn có cái gì đó tinh quái, liêu trai, sấp ngửa… khơi trêu những khách đa tình. Đồng thời cách xưng hô ấy khiến người phụ nữ trong thơ bà có nét gì giống như người phụ nữ trong ca dao, lại có nét mạnh mẽ, bản lĩnh đầy khát khao khẳng định tài năng của giới mình, khẳng định thiên tính nữ. Quả nhiên sau bà người ta dùng nhiều nhưng thời ấy thì hiếm thấy. Cùng thời với Xuân Hương có lẽ chỉ có Tố Như: "Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" (Độc Tiểu Thanh kí).
3.1.2. Sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao
Hồ Xuân Hương đã sử dụng thành ngữ, tục ngữ một cách độc đáo trong thơ Nôm của mình để có nhà nghiên cứu đi đến nhận xét “ Hồ Xuân Hương là nhà thơ tiếp thu tối đa và vận dụng đến độ thành thục, điêu luyện nhất những chất liệu, yếu tố của tục ngữ, thành ngữ Tiếng Việt vào cấu trúc ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Và đây chính là một nét đặc sắc nổi bật trong thi pháp ngôn ngữ thơ Nôm Đường luật Hồ Xuân Hương”. [28]. Trong chuyên mục nghiên cứu về thơ Nôm Đường luật, PGS-TS Lã Nhâm Thìn có phần nghiên cứu
về Văn học dân gian. Qua thống kê tác giả nhận thấy thành ngữ, tục ngữ, ca dao thể hiện trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương mật độ rất cao, chiếm tỉ lệ thuộc loại cao nhất trong các nhà thơ trung đại. Ở Hồ Xuân Hương ngôn ngữ dân gian không chỉ biểu hiện tư duy trí tuệ mà còn góp phần biểu đạt tình cảm , tâm hồn dân tộc. Bà đã “tâm trạng hóa” thành ngữ, tục ngữ mang đậm dấu ấn của bà_ một nhà thơ nữ, một nhà thơ của phụ nữ với những vấn đề thuộc về giới nữ.
Xét về việc sử dụng văn học dân gian Xuân Hương hay sử dụng thành ngữ hơn là tục ngữ. Vì Hồ Xuân Hương là người thích sáng tạo mà tục ngữ lại là một cấu trúc khép kín. Còn thành ngữ là một câu trúc mở. Bà đã làm trọn vẹn cái ý chưa trọn vẹn trong thành ngữ theo ý chủ quan của mình. Bởi thế cho nên những thành ngữ ban đầu nó vốn mang một nghĩa khác nhưng khi vào thơ Nôm Hồ Xuân Hương nó lại truyền tải một thông điệp hoàn toàn mới mẻ. Chẳng hạn như những thành ngữ: “Thăm ván bán thuyền”, “làm mướn không công”, “bạc như vôi”, “nòng nọc đứt đuôi”, “cố đấm ăn xôi”…chỉ những hoạt động kinh tế, ứng xử thì khi vào thơ Hồ Xuân Hương nó lại chỉ mang một chức năng chỉ duyên phận của người phụ nữ. Đó phải chăng cũng là sự chi phối của thiên tính nữ?
Đây là cảnh làm mướn không công của người phụ nữ phải làm lẽ:
Năm thì mười họa chăng hay chớ, Một tháng đôi lần có cũng không. Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
(Lấy chồng chung)
Số phận nổi đênh khi người phụ nữ không được làm chủ cuộc đời mình:
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm thuyền những tấp tênh.
(Chiếc bách)
Bảy nổi ba chìm với nước non
(Bánh trôi nước)
Đến với bài thơ Bánh trôi nước, qua việc sử dụng thành ngữ tiếng Việt, ta thấy Hồ Xuân Hương đã thể hiện rõ một quan niệm tiến bộ về người phụ nữ. Dù cuộc sống có gặp muôn và khó khăn, gian khổ, tưởng chừng như là ngõ cụt buộc phải đầu hàng số phận nhưng đằng sau tấm thân mảnh mai, yếu ớt ấy là một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của người phụ nữ luôn có ý thức tự vươn lên trước sự nghiệt ngã của cuộc đời. Hay trong bài thơ Lấy chồng chung, Hồ Xuân Hương đã phản ánh chân thực và xúc động những thiệt thòi, bất hạnh của người phụ nữ trong thân phận làm lẽ mọn. Tỏ thái độ bất bình, phản kháng chế độ đa thê: “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”- một tập tục đã ngự trị dai dẳng và nghiệt ngã trong xã hội phong kiến...
Hay khi nói lên khát khao mong muốn có được tình duyên trọn vẹn, có được hạnh phúc trong tình yêu, Xuân Hương cũng "nữ tính hoá" thành ngữ "xanh lá, bạc vôi":
Có phải duyên nhau thì thắm lại Đừng xanh như lá bạc như vôi
(Mời trầu)
Hồ Xuân Hương đã vận dụng ý tưởng từ những tục ngữ, thành ngữ và ca dao một cách triệt để vào thơ của mình. Bà không sử dụng hoàn toàn câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ của dân gian mà chỉ chắt lọc lấy những chi tiết nổi bật, cần thiết từ những từ ngữ, thành ngữ; qua đó bộc lộ tình cảm và cảm xúc của nhà thơ mang đậm thiên tính nữ.
Cách dùng thành ngữ của Hồ Xuân Hương mang vẻ đẹp của tâm hồn một nhà thơ nữ tài hoa, đồng thời góp phần biểu đạt trí tuệ Việt Nam, biểu đạt tâm hồn dân tộc. Với sự đề cao và ngợi ca người phụ nữ những thành ngữ trong thơ Nôm của bà thể hiện được những vần thơ phơi bày cuộc sống lam lũ về vật chất, đày đọa về tinh thần, những khát khao cháy bỏng về tình yêu…. Đó là nét độc đáo trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương mà khi so sánh bà với các tác giả thời trước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm ta thấy rõ được sự khác biệt này.
Trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ
(Bạch vân quốc ngữ thi tập- bài 89)
Trong thơ Nguyễn Trãi:
Chẳng ngừa nhỏ âu nên lớn Nếu có sâu thì bỏ canh (Bảo kính cảnh gới- số 9)
Ở bầu thì dáng ắt nên tròn
(Bảo kính cảnh giới số 21)
Với Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm thì việc sử dụng thành ngữ với chức năng giáo huấn nói chung. Nhưng với riêng Hồ Xuân Hương thì khác, thành ngữ trong thơ bà mang đậm dâu ấn của cái tôi cá nhân: là nhà thơ của phụ nữ và luôn hướng về phụ nữ.
Một nét độc đáo nữa trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương là bà sử dụng ngôn ngữ mang màu sắc của ca dao trong văn học dân gian cũng để nhằm một mục đích: đề cao phụ nữ, lên tiếng bênh vực phụ nữ, đứng về phía phụ nữ.
Hồ Xuân Hương bênh vực, bào chữa cho những người phụ nữ là nạn nhân của sự nhẹ dạ cả tin để đến nỗi “không chồng mà chửa”. Câu thơ “Không có, nhưng mà có mới ngoan”, được lấy ý từ câu ca dao:
Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường
Ngôn ngữ dân gian nói chung, thành ngữ tục ngữ nói riêng có một vai trò, giá trị tinh thần rất lớn trong đời sống, ngôn ngữ nói hàng ngày và cả trong ngôn ngữ Việt. Tục ngữ, thành ngữ qua ngòi bút của Hồ Xuân Hương đã trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc tạo hình, tạo nghĩa cho thơ ca. Khi xuất hiện trong thơ Hồ Xuân Hương, nó tạo một cảm giác gần gũi, bình dị, mộc mạc và sát hơn với ngôn ngữ của quần chúng nhân dân. Hồ Xuân Hương đã tìm về với ngọn
nguồn thi liệu xưa, ngọn nguồn của thành ngữ, tục ngữ. Đến đây tâm hồn nhà thơ đã hòa cùng với nhịp đập quần chúng nhân dân lao động, chan chứa phong vị đồng quê dân giã và đậm đà thiên tính nữ.
3.1.3. Chơi chữ
Biện pháp nghệ thuật chơi chữ thể hiện thiên tính nữ của thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Để tránh cách nói thô tục, cách nói thẳng không trang nhã, Bà chúa thơ Nôm thường sử dụng cách nói chơi chữ.
Chơi chữ là một trong những biện pháp tu từ quen thuộc được sử dụng trong nghệ thuật văn chương. Chơi chữ là một biện pháp nghệ thuật trữ tình và nghệ thuật trào phúng đặc sắc. Hồ Xuân Hương đã sử dụng lối chơi chữ để biểu hiện các sự vật, sự việc mà bà đang đề cập đến. Hai thủ pháp cơ bản trong cách chơi chữ của Hồ Xuân Hương là lối nói lái và chiết tự chữ Hán. Hai thủ pháp này đã góp phần tạo nên dấu ấn đặc sắc trong việc thể hiện nội dung, chủ đề tư tưởng Hồ Xuân Hương, biểu hiện phần nào thiên tính nữ trong sáng tác của Bà chúa thơ Nôm.
Ở bài thơ Không chồng mà chửa, Hồ Xuân Hương đã khéo léo sử dụng lối chiết tự chữ Hán để nói về cô gái không chồng mà chửa. Câu thơ không chỉ thuần túy là một lối chơi chữ mà là một nỗi lòng chua chát của người phụ nữ "cả nể":
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc Phận liễu sao đà nảy nét ngang
Chữ “thiên” nếu thêm một nét dọc sẽ thành chữ “phu”, là chồng. Chữ “liễu”thêm một nét ngang thành chữ “tử” là con để hàm ý người con chưa có chồng mà đã có con.
Trong hai câu thơ sau, tác giả đã dùng chữ “chửa” và chữ “mang” ở cuối câu đều là những chữ có thể hiểu hai nghĩa:
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa? Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
Từ “chửa” vừa có nghĩa “chưa”, vừa mang nghĩa “có thai”, từ “mang” vừa có nghĩa “có bầu, mang thai”, vừa có nghĩa “xin chịu, chấp nhận, gánh vác”.
Tác giả dùng từ Hán Việt khi bỡn bà lang khóc chồng:
Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo Cay đắng chàng ơi vị quế chi Thạch nhũ, trần bì sao để lại.
(Bỡn bà lang khóc chồng)
“Cam thảo, quế chi, thạch nhũ, trần bì” là những từ chỉ vị thuốc nhằm tạo ra tính hai nghĩa cho câu thơ. Một mặt giúp người đọc tiếp nhận theo đúng nghĩa đen, mặt khác lại khiến cho người đọc liên tưởng đến tầng nghĩa sâu xa hơn. Phải chăng đó chính là những "sản phẩm" đáng được trân trọng mà trời đã ban cho các chị em phụ nữ chúng ta?
Trong bài thơ Khóc tổng cóc, nghệ thuật chơi chữ là sử dụng một lớp từ đồng nghĩa hay đúng hơn là trong một trường nghĩa chỉ các con vật lưỡng cư: cóc, chàng (chẫu, chàng), bén (nhái), nòng nọc, chuộc (chuộc chuộc), thể hiện độc đáo và cảm động nỗi đau khổ, tuyệt vọng của người vợ trước tang chồng.
3.1.4. Nói lái, nói vòng
Sử dụng kiểu nói lái, nói vòng, Hồ Xuân Hương cũng như bao người phụ nữ khác, nhiều khi bà không ưa cách nói sỗ sàng. Xuân Hương vẫn giữ được cách nói ý nhị giàu nữ tính khi phải diễn đạt những điều dung tục trong cuộc sống.
Thủ pháp nói lái được tác giả hay sử dụng là có liên hệ trực tiếp với hàng loạt những hiện tượng ngôn ngữ trong sinh hoạt cộng đồng người việt:
- Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
- Trái gió cho nên phải lộn lèo
- Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo
- Chày kình tiểu để suông không đấm