Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 23


các địa phương, tùy theo chủ quan của quan chức và sĩ dân địa phương. Câu tục ngữ: “Phép vua thua lệ làng” cũng có thể ứng với tình hình này.

Ví dụ về trường hợp xử phạt tội gian dâm, Luật Hồng Đức thể hiện sự mềm dẻo và khoan hồng khi xử tội người phụ nữ phạm tội ở mức cao nhất là “lưu châu xa” [130, tr. 219 – 221]. Ngược lại, có những trường hợp chỉ phạt riêng người đàn ông, không đề cập đến trách nhiệm của người phụ nữ (điều 405). Luật Gia Long chỉ áp dụng hình phạt “lăng trì” cho người phụ nữ khi hành vi gian dâm của người đó gây tổn hại đến sinh mạng của người chồng; nếu không thì cũng chỉ xử phạt, có thể chỉ bị phạt tiền. Thế nhưng một số địa phương lại định ra những hình phạt tận cùng của sự dã man để hành hình những người phụ nữ thất tiết, gian dâm. Đỗ Thị Hảo khi nghiên cứu về “gia huấn ca” có trích một đoạn về việc Doãn Kế Thiện mô tả hình phạt voi giày như sau:

Về đầu đời Tự Đức cách hành hình như sau: người ta đào một cái hố sâu vừa một người ngồi. Sau khi tuyên bố tội trạng, giám sát quan cho dẫn dâm phụ bị trói giật cánh khuỷu, mắt bịt khăn trắng, bắt ngồi vào trong hố, rồi hạ lệnh cho quản tượng dắt một con voi đã huấn luyện thông thuộc đến, ra hiệu cho nó lấy chân giày xuống hố cho đến khi dâm phụ bị vụn xương chết đi mới thôi [161, tr. 230].

Trong lời miêu tả, ngoài việc phản ánh sự dã man của hình phạt còn cho thấy tính chủ trương đã được ủng hộ và duy trì bởi cộng đồng thông qua chi tiết đưa một con voi đã quen việc vào “thi hành án”. Sự quen việc của con voi cho thấy khả năng nó thường tham gia vào công việc này và cũng có nghĩa nó được người ta chủ động huấn luyện để sẵn sàng tham gia. Như vậy, mục đích của sự trừng phạt dã man không còn dừng ở ý nghĩa răn trị, mà nó thể hiện sự “căm phẫn” của cộng đồng đối với hành vi phạm tội dâm loạn của người phụ nữ. Vì theo người dân, hành vi của tội nhân không chỉ ảnh hưởng đến thanh danh của riêng gia đình chị ta mà cả làng xã cũng bị mang tiếng lây, cộng đồng phải gánh lấy tai họa do hành vi thất tiết của gian phụ gây ra, theo cách họ suy diễn: “Ở đây có đứa lấy trai/ Cho nên Trời hạn nắng hoài không mưa” [75, tr. 1864]. Áp đặt hành vi gian dâm thất tiết của người phụ nữ


là nguyên nhân gây ra tai họa, người dân đã duy tâm hóa một hành vi đời thường thành sự đối đầu với thế lực siêu nhiên, đại diện cho dân nguyện và công lý, làm cho “tội trạng” của người phụ nữ trở thành tội ác mà “Trời không dung, đất không tha”. Như vậy, đối với họ việc xử tội người phụ nữ gian dâm dù có dã man đến mấy cũng là việc cần thiết vì đó là “ý Trời”.

Mượn uy Trời để gieo nỗi khiếp sợ, trấn áp mầm mống dâm loạn đồng thời biện minh cho những hình phạt tàn nhẫn, bất nhân dành cho người phụ nữ là một sự tiếp nhận tiêu cực từ Nho giáo của người dân. Vốn người Việt xưa kia không đặt nặng vấn đề Tiết trinh. Họ xem trọng ý nghĩa của hành vi hơn là tâm lý sở hữu, hư danh. Bằng chứng là Thái hậu Dương Vân Nga vẫn được đặt thờ chung với hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Đến đời Trần, vì đại nghiệp giữ gìn ngôi báu, họ Trần đã không những dung túng mà còn khuyến khích các cuộc hôn nhân, tái giá trong nội tộc, mà người phụ nữ là những người hy sinh cho sự nghiệp chung của gia tộc. Còn người dân thì cho rằng bản lĩnh của người đàn ông thể hiện ở chỗ khoan lượng, bỏ qua những khiếm khuyết về hình thức, trân quý phẩm hạnh bên trong của người phụ nữ vì đó mới là bản chất, mang tính trường tồn, là chất keo làm cho tình cảm vợ chồng càng ngày càng sâu đậm, mang đến hạnh phúc thật sự cho mái ấm. Họ bảo rằng: “Áo dài chẳng nệ quần thưa/ Trai khôn chẳng nệ vợ thừa thế gian” [74, tr. 189]. Tục ngữ có câu: “Vô phước cưới vợ về làm đĩ, có phước cưới đĩ về làm vợ” [77, tr. 2888]. Những phát ngôn ấy cho thấy quan niệm dân gian rất bao dung và thực tế. Đối với họ, những cô gái rơi vào chốn thanh lâu không phải ai cũng là người bỏ đi, trong hoàn cảnh nào đó như Thúy Kiều chẳng hạn, buộc các cô phải dấn thân, hy sinh danh tiết, vì thế, họ là những người cần được cảm thông và trân trọng. Hai người đàn ông: một nho sinh là Kim Trọng; một đấng anh hùng “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” là Từ Hải đã không một chút đắn đo khi quyết định cầu thân với Kiều. Hơn nữa, về mặt tâm lý, chính cuộc sống khắc nghiệt sẽ tạo nên tính cách mạnh mẽ nhưng không thiếu sự mềm mỏng của người từng trải; giỏi chịu đựng nhưng cũng giàu lòng vị tha biết cảm thông khi phải đương đầu với nghịch cảnh hay biến cố gia đình của những người phụ nữ bất hạnh đó. Đây là những yếu


tố quan trọng giúp cho cuộc sống vợ chồng đậm về Nghĩa, sâu về Tình mà một người đàn ông cần đến. Ngược lại, một người đàn ông dù quảng đại đến mấy cũng không thể chấp nhận sự sỉ nhục do hành vi ngoại tình của vợ gây ra. Đó là hành vi thiếu tôn trọng mà họ cho là người “vô phước” mới gặp phải.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Khi Nho giáo thống trị hệ tư tưởng chính thống, thâm nhập vào hệ tư tưởng bình dân đã có những định hướng sai lệch về nhận thức, tạo nên những tập quán, phong tục hủ bại, việc hành hình người phụ nữ như trên là một điển hình. Thêm một thực tế về cơ cấu tổ chức làng xã đặc trưng của Việt Nam, uy lực lệ làng áp đảo uy quyền của vua đã trói chặt người dân vào tục lệ địa phương. Quan hệ gia đình làng xã một lần nữa cho thấy sự mật thiết, khắn khít bủa vây thân phận một cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, họ gần như không có lối thoát.

Bên cạnh những hình phạt khắc nghiệt, chính trong các gia đình quyền quý, khoa bảng, vấn đề đức hạnh Tiết trinh càng chịu nhiều áp lực hơn vì điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh của gia đình. Thế nên các cô gái từ tấm bé đã là đối tượng đưa vào tầm ngắm, phải chịu sự giáo dưỡng nghiêm khắc. Những người đàn ông đứng đầu gia đình thuộc tầng lớp nho sĩ thường chuẩn bị cho con cháu hay những người xung quanh những tài liệu học tập đạo lý cơ bản, quan trọng, theo thể loại “gia huấn ca” để nhồi vào đầu con em. Cũng từ bài viết về “gia huấn ca” của Đỗ Thị Hảo, chúng tôi biết được số tài liệu liên quan đến sách vở giáo dục con cái trong gia đình là không nhỏ. Với 47 tác phẩm “gia huấn” và một số sách giáo dục trong gia đình chép lẫn trong gia phả của mỗi dòng họ đã nói lên một số vấn đề quan trọng về mặt phổ biến và tiếp nhận Nho giáo ở Việt Nam. Đạo đức Nho giáo một mặt thông qua luật pháp trở thành chuẩn mực hành xử của xã hội, mặt khác do sự tích cực truyền bá của các nho sĩ thông qua nhiều hoạt động trong một số lĩnh vực đã làm cho Nho giáo lan tỏa và thấm vào khắp nơi. Vừa với trách nhiệm của một nhà nho, một quan lại thực hiện nhiệm vụ đưa dân chúng theo về với “chính đạo”, vừa với phép tắc ứng xử cá nhân thuộc hệ thống “tu tề trị bình”, các nhà nho luôn quan tâm đến việc giáo dục người thân, ổn định nề nếp gia phong để làm gương cho người ngoài, giữ vững uy tín cá nhân trong quan trường hay ngoài

Sự tiếp biến Nho giáo ở Việt Nam qua tục ngữ, ca dao – Dân ca người Việt - 23


xã hội, vì thế, các nhà nho có xu hướng soạn thảo ra sách “gia huấn” trước là để răn dạy con em trong nhà, sau ra đến người ngoài. Mục đích răn dạy đạo lý là nguyên nhân ra đời của các sách gia huấn, tác dụng của chúng không chỉ giới hạn trong gia đình vì hầu hết nó được soạn theo thể loại diễn ca, thể thơ lục bát dễ truyền khẩu, dễ nhập tâm kết hợp với nhiều yếu tố mang tính xã hội, tinh thần của các sách vượt hẳn khuôn khổ gia đình, thâm nhập vào cộng đồng. Những bài ca dao với nội dung khuyên dạy đạo lý, diễn giải mạch lạc, cấu tứ chặt chẽ nhưng đầy sức nặng bắt buộc, mang tính răn đe được lưu trong kho tàng ca dao người Việt hẳn là của một số nhà nho nào đó do mục đích trên nên đã trở thành các tác phẩm dân gian.

Sự nhất quán trong giáo dục đạo đức từ văn bản pháp luật, hương ước đến những tập sách gia huấn đã tạo nên tính hệ thống và niềm tin thiêng liêng vào những đức hạnh mà xã hội trọng Nho muốn người dân hướng đến, làm cho đạo đức Nho giáo bao phủ đời sống tinh thần người dân và chi phối các hệ tư tưởng khác.

Trong loại hình sinh hoạt truyền thống trai gái vẫn tập hợp lại cùng nhau hát, hò và vui chơi vào những lúc có điều kiện như họ vẫn duy trì:

Trống quân em lập lên đây

Áo anh làm chiếu, khăn quây làm mùng Đua vui dưới ánh trăng trong

Có con cũng hát, có chồng cũng chơi Con thì em mướn vú nuôi

Chồng thì em để hát chơi xóm nhà.

[75, tr. 2443]

Tuy nhiên, dù loại hình sinh hoạt dân gian này đã là nét văn hóa bản sắc có từ thời Văn Lang, Âu Lạc nhưng đến giai đoạn này cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo, như nhận xét của nhóm tác giả Dân ca quan họ Bắc Ninh ở phần Lịch sử vấn đề chúng tôi đã đề cập. Trong một giới hạn nhất định, Tiết trinh của người phụ nữ vẫn là đức hạnh tiên quyết thuộc trong các tiêu chuẩn đánh giá nhân phẩm phụ nữ Việt dưới thời phong kiến. Bài ca dao sau đây ghi lại cuộc đối đáp giữa hai vợ chồng phản ánh định kiến hẹp hòi của xã hội lúc bấy giờ:


- Ai làm cho ngược lái chiếc thuyền tình Sao em chẳng biết giữ gìn tiết trinh.

Người vợ phủ nhận lời buộc tội và tỏ ý trách người đàn ông:

- Thôi anh đừng có đem dạ đổi dời Anh nghe chi thế sự, rã rời gia cang.

Người chồng quyết bảo vệ chính kiến:

- Chẳng phải anh kiếm điều đặng dứt nghĩa lìa tình Bởi anh thấy em lắm sự bất bình nên phải xa.

[74, tr. 64]

Chúng tôi tìm thấy trong Hồng Đức quốc âm thi tập hai bài thơ tương tự như vậy về hình thức (đối đáp) cũng như nội dung [147, tr. 229]. Nội dung đối đáp của hai vợ chồng xuất hiện ở cả văn học bình dân lẫn văn học bác học, cho thấy quan niệm cứng nhắc về Tiết trinh của người phụ nữ đã phổ biến khắp mọi tầng lớp và thống nhất theo quy định chính thống: vấn đề Tiết trinh là yếu tố cốt lòi, mang tính quyết định cho sự duy trì mối quan hệ vợ chồng.

Theo lời người chồng thì hành vi “vượt lễ”, không nết na của người vợ là lý do duy nhất khiến anh không thể tiếp tục cuộc hôn nhân. Dư luận đàm tiếu cùng với những áp đặt của xã hội đã tạo thành định kiến, cá nhân một người đàn ông dù thương vợ vẫn không thể vượt qua. Mặt khác, con người trong xã hội Nho giáo là con người của tập thể, của cộng đồng, họ bị chi phối mạnh mẽ bởi những quy định ràng buộc có liên quan đến phong tục, tập quán địa phương, xã hội, nỗi lo sợ bị điều tiếng, búa rìu dư luận còn khủng khiếp hơn cả đói nghèo, bệnh tật. Thế nên, danh thơm trở thành “tài sản” vô giá luôn được ý thức bảo vệ một cách toàn vẹn. Tiêu chuẩn để đánh giá danh thơm cho một cá nhân là dựa vào hệ thống đạo đức Nho giáo. Người dân bảo rằng “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, quan niệm này vừa cho thấy nhân cách tự trọng vừa cho thấy vai trò của tiếng thơm mà bằng khen chính là những lời nhỏ to của dư luận, rất quan trọng đối với một cá nhân, chưa nói nó còn ảnh hưởng đến gia đình, làng xóm mà trách nhiệm của một thành viên luôn ý thức giữ gìn. Bản thân người chồng trong bài ca dao trên không có đủ dũng khí để vượt


qua sức ép dư luận và sự thật anh ta cũng không muốn đối đầu với dư luận nên phải chọn giải pháp để vợ chịu thiệt thòi. Trong khi đó, người vợ suy nghĩ và hành động ngược lại, chị không tin đó là lý do để chấm dứt mối quan hệ này bởi vì, thứ nhất chị không làm gì ảnh hưởng đến vấn đề Tiết trinh, phụ lòng tin của chồng; thứ hai, đó chỉ là những lời đàm tiếu, người chồng vịn vào lý do đó để hợp lý hóa quyết định của mình là ngụy biện, người vợ phủ định giá trị của dư luận. Thái độ này cho thấy sự mạnh mẽ, thẳng thắn trong tính cách của người phụ nữ Việt, là đức tính mà người phụ nữ Nho gia không được phép có. Tính cách này khi cần thiết sẽ phát huy, đặc biệt là trong những trường hợp gặp phải sự bất công, bất nhân. Phản ứng của họ trước sự áp đặt vô lý trong vấn đề tiết hạnh mà chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau là một minh chứng.

Tiết trinh không đơn giản là thể chất, mà nó tồn tại cố hữu về mặt tinh thần, là phẩm hạnh, đạo đức cốt lòi của người phụ nữ. Vì giá trị về tinh thần mà không gì có thể sánh ngang với nó, điều đó đã được xác lập từ trong sách vở lẫn đời thực. Lời cô gái:

- Hàng ngày kinh sử dùi mài

Anh biết chăng ngàn vàng dẫu có, khó nài chữ trinh.

Người con trai đáp lại với sự thông hiểu:

- Phận anh quân tử bất quý ngàn vàng

Chữ trinh em giữ, anh chẳng màng vàng cân.

[74, tr. 1194]

Tiết trinh của người phụ nữ đã trở thành “tài sản” vô giá đánh bóng cho uy thế của người đàn ông trong gia đình cũng như ngoài xã hội, trong khi vật hữu hình là thân thể của họ trở nên thứ yếu. Thân thể của người phụ nữ chỉ là vật canh giữ và chăm lo cho “tài sản” Tiết trinh. Nếu có sự thất thoát, hư hại đến vốn “tài sản” đó, thân thể phải nhận lấy sự trừng phạt không kém phần dã man như chúng tôi đã dẫn.

Công cuộc “Nho giáo hóa” đời sống tinh thần người dân của triều đình phong kiến đã đạt được một số kết quả rò nét, biểu hiện qua cách ứng xử khi đối diện với Tiết trinh người phụ nữ của xã hội phong kiến Việt Nam. Khi bị nài ép, người con


gái đã viện dẫn sách vở để thuyết giảng về ý nghĩa của chữ Trinh, một mặt cô chạm đến lòng tự trọng của người con trai có học thức, theo đuổi “đạo thánh hiền”, mặt khác cô muốn chứng minh tính chính thống trong quan niệm trọng Tiết trinh của xã hội. Cách này cũng đã được Thúy Kiều sử dụng khi Kim Trọng có lời nài nỉ: “Đã cho vào bậc bố kinh/ Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu” [42, tr. 46]. Một phẩm hạnh đã trở thành chuẩn mực đạo đức của xã hội thì khó lòng không tuân thủ, chưa nói đến việc đi ngược với định kiến, phong tục, họ có thể bị trừng phạt dã man về thể xác cũng như tinh thần. Sự trừng phạt tinh thần nặng nề nhất mà họ gánh chịu là bị xã hội khinh miệt, khiến cả đời họ phải sống trong mặc cảm tội lỗi vì làm cho cha mẹ “nhuốc nha trăm đường”, dòng họ mang nhục. Thúy Kiều đã thẳng thắn nêu ra quan niệm phổ biến của xã hội: “Ra tuồng trên bộc trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu làm chi”, câu nói đã gián tiếp xác định tiêu chí đánh giá nhân phẩm của người phụ nữ do định kiến hẹp hòi của xã hội đặt ra.

Giữ gìn Tiết trinh là giữ gìn phẩm hạnh, là bảo vệ “tài sản” của người chồng (ở tương lai nếu hiện tại còn độc thân), là chu toàn cho đạo Hiếu không vướng vào tội làm cha mẹ mang nhục vì thất tiết. Tiết trinh của người phụ nữ không chỉ là một phần cơ thể mà là tài sản “phi vật thể” chịu sự kiểm soát của nhiều đối tượng, giống như thân phận của họ. Vì thế, họ không được tự ý làm hư tổn. Giữ gìn Tiết hạnh của bản thân trở thành bổn phận, bổn phận thiêng liêng có thể phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của người phụ nữ, như lời họ tuyên bố:

Chèo ghe ra sông cái tự ải cho rồi Sống làm chi mà biệt li quân tử Thác cho rồi được chữ tiết trinh.

[74, tr. 484]

Đối với các cô gái Tiết hạnh là thanh danh, phân lập vị thế của các cô trong xã hội, vì vậy, các cô phải kiên định: “Mặc ai ép nghĩa nài tình/ Phận mình là gái chữ trinh làm đầu” [74, tr. 1437]. Định kiến, lề thói xã hội và sự ràng buộc của Đạo lý không cho phép một cô gái sống buông thả theo cảm xúc cá nhân trong khi đó người con trai thì ngược lại. Việc một người đàn ông năm thê bảy thiếp không chỉ được cho


phép mà còn được sự ủng hộ của cộng đồng, xã hội. Nơi mà bản lĩnh, uy danh của người đàn ông được khẳng định thông qua việc có nhiều phụ nữ ngưỡng mộ. Tục ngữ người Việt có câu: “Trai làm nên, năm thê bảy thiếp, gái làm nên thủ tiết thờ chồng” [77, tr. 2683]. Ca dao thì có bài tỏ ý đồng tình với hành vi phóng túng của người đàn ông nhưng lại rất nghiêm khắc đối với phụ nữ trong quan hệ nam nữ:

Đàn ông tính khí hoang tàn Đàn bà con gái giữ giàng nết na Phòng khi nó bỏ tay ra

Nín đi thì dại, nói ra mang điều.

[74, tr. 800]

Đây là lời nhắc nhở nhưng đồng thời cũng là lời cảnh báo các cô gái về ý thức giữ lấy tiết hạnh và thanh danh trong quan hệ nam nữ. Bất luận vì lý do gì hai người chia tay, phần thiệt thòi về tinh thần luôn thuộc về các cô, bởi vì dư luận luôn đứng về phía người con trai. Điều đó đã trở thành định kiến xã hội, cá nhân một cô gái không thể không nghe theo. Quan niệm bất công này không chỉ liên quan đến vấn đề Tiết trinh của phụ nữ mà còn thể hiện lề thói trọng nam khinh nữ. Chính lề thói này đã ngăn cấm sự kết giao của chị em, khi bước ra ngoài xã hội. Nó góp phần hạn chế cơ hội tiếp xúc của họ với thế giới bên ngoài. Chưa nói đến những cuộc ân ái, chỉ những hành xử bình thường giữa nam và nữ nhưng dưới con mắt hẹp hòi của dư luận bị chi phối bởi quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân”, ý nghĩa của hành vi trở nên nghiêm trọng, phạm vào điều cấm kỵ, làm đầu đề cho những cuộc đàm tiếu, khiến người chồng có lý do bỏ vợ như trường hợp của hai vợ chồng trong bài ca dao mà chúng tôi đã phân tích. Để tránh gây ra những điều đàm tiếu có thể dẫn đến hậu quả không lường trước được, các cô gái luôn ý tứ, dè dặt trong quan hệ với người khác phái:

Phàm là thân nhi nữ Phải trọng chữ tiết trinh

Ngày nay gặp gỡ thình lình

Lẽ nào em trao hết tâm tình cho anh.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/07/2022